Sunday, October 18, 2015

Nhọc nhằn một tác phẩm sân khấu được giải cao


Tác giả: Xuân Đức

        Được nhận giải thưởng lần thứ hai liên tiếp của Ban chỉ đạo TW về cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về Hình tượng Hồ Chí Minh, lẽ tất nhiên là một niềm vui lớn..Tuy nhiên, cái phần thưởng lần thứ hai này - với vở diễn: Cái chết chẳng dễ dàng gì.. đã mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc khác nhau, nói thật là, đôi lúc tôi không hiểu nỗi tâm trạng mình là đang vui hay buồn?

Vui, đương nhiên rồi. Làm công việc sáng tạo mà được vinh danh, có nghĩa là được đánh giá cao trong phạm vi nào đấy, là một sự tự hào. Hơn nữa, sự đánh giá này là đánh giá của một Ban chỉ đạo cấp TW về một đề tài khó, đề tài Hồ Chí Minh...Điều đặc biệt tự hào nữa là, đây là lần tổng kết thứ hai và cũng là lần thứ hai tác phẩm tôi được khen thưởng..( Năm kia, tôi được giải cá nhân choi kịch bản văn học: Chim Tapa hót giữa rừng ngàn..Năm nay là giải cho cả vở diễn: Cái chết chẳng dễ dàng gì.) Tôi không biết trong danh sách khen thưởng đêm 17/5 vừa rồi có trường hợp nào khác ngoài tôi được khen thưởng lần hai không? Với cá nhân tôi thì đây là sự kiện rất đặc biệt.
Còn buồn, hoặc không hẳn là buồn mà là sự mệt mỏi tâm trí...cũng vì cái sự chìm nổi, bầm dập đến mức không sao hiểu nổi của chính vở diễn này..
*
 Kịch bản " Cái chết chẳng dễ dàng gì" tôi viết vào năm 1989, với mong muốn được đoàn của tôi - Nhà hát kịch Quân đội - dựng và công diễn vào năm 1990, kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Nghĩ đến ngày kỉ niệm thiêng liêng về Bác Hồ, nghĩ đến những ước muốn vô bờ bến của Bác đối với Đất nước, và những trở trăn thao thức của Người về công tác xây dựng Đảng, tôi đã viết kịch bản này với nỗi niềm say mê nhất. Nhưng khi kịch bản được gửi lên duyệt trên Tổng cục Chính trị thì lập tức nhận được lệnh: Stop!
Năm 1989 cũng là năm cuối cùng tôi khoác áo quân ngũ. Năm đấy, ở Nhà hát Quân đội đang diễn vở Người mất tích của tôi. vở diễn được phục vụ Đại hội đảng V của Thành phố Hà Nội và sau đó ( đầu năm 1990) được nhận Giải thưởng của Bộ quốc phòng về sáng tác đề tài Chiến tranh Cách mạng. Tôi rời Tổng cục Chính trị về Quảng Trị nhận công tác mới và mang theo bản thảo đánh máy kịch bản Cái chết chẳng dễ dàng gì..Tôi ném tập bản thảo vào trong đống giấy tờ đầy ắp và lộn xộn để ở nhà riêng tại thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Có vẻ như tôi sẽ chẳng bao giờ còn nhớ đến nó nữa..
Gần 5 năm sau, năm 1994, tôi nhận được Công văn của Tổng cục Chính trị gửi vào mời tham gia sáng tác về đề tài Chiến tranh Cách mạng hướng tới kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ( 1944) và những ngày lễ lớn năm sau- năm 1995. Tôi suy nghĩ mãi không biết nên viết gì..Rồi tôi bỗng nhớ đến bản thảo cũ, kịch bản Cái chết chẳng dễ dàng gì..Viết về Bác Hồ cũng tức là đề tài Chiến tranh Cách mạng chứ sao! Tôi chạy vội về nhà, xáo tìm trong đống giấy nhầu nát trong tủ...May quá, tập bản thảo vẫn còn..Nói thật lòng, lúc đầu khi nghĩ đến tập bản thảo đã từng bị lệnh Stop này, tôi nghĩ là, mình có thể lấy lại trục chính của câu chuyện rồi sẽ sửa chữa lại sao cho Tổng cục Chính trị có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi ngồi đọc lại toàn bộ bản thảo cũ, tôi thấy rằng không thể sửa chữa khác đi được, thậm chí là không thể sửa một câu, một chữ nào hết..Mà tại sao lại phải sửa kia chứ. Tôi quyết định cho đánh máy lại sạch sẽ và gửi nguyên xi ra với ý nghĩ, đã phát động thì đây cứ viết, viết cái gì thật sự đúng với suy nghĩ của mình, còn có chấp nhận hay không là việc của cấp có thẩm quyền. Tôi không thể bẻ cong ngòi bút được. Và thế là bản thảo được gửi đi và nói thật, tôi hầu như chẳng mong chờ một kết quả vui vẻ..
Nhưng thật kì lạ. Cuối năm 1994, tôi nhận được tin: Kịch bản Cái chết chẳng dễ dàng gì đã đoạt giả A tuyết đối phiếu. Khi ra nhận giải của Bộ quốc phòng đầu năm 1995 gặp Hoài Giao- Nhà viết kịch , là một thành viên được Tổng cục Chính trị mời làm Ban chung khảo, kể với tôi rằng, kịch bản này đã nhận được 9 điểm A của 9 thành viên. Cũng cần nói thêm rằng, trong 9 thành viên Chung khảo, không phải chỉ là những chuyên gia từ bên Hội NSSK được mời sang mà còn có đến 1/3 là những cán bộ lãnh đạo Văn hoá Văn nghệ của Tổng cục chính trị, cái cấp quyền lực mà cách đó 5 năm  đã không cho kịch bản này được dựng để kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Bác.
Sau giải thưởng của Bộ quốc phòng, kịch bản Cái chết chẳng dễ dàng gì ngay lập tức được cho dàn dựng. Đạo diễn Dương Ngọc Đức- lúc đấy đang là Tổng thư kí Hội Nghệ sĩ Sân khấu được mời làm đạo diễn. Anh Dương Ngọc Đức đã có một vở dựng cực hay. Thật sự là tôi không còn một lời bình phẩm nào khác..Cũng trong năm 1995 ấy, vở diễn Cái chết chẳng dễ dàng gì đi tham gia Hội diến sân khấu toàn quân và ngay lập tức đoạt Huy chương vàng.
Đến đây, chắc có bạn thắc mắc là, một tác phẩm được sáng tác và dàn dựng cách đây hơn 15 năm, tại sao lại được xét và trao giải trong cuộc vận động Sáng tác và quảng bá về Tư tưởng, đạo đức Bác Hồ mà Ban chỉ đaọ TW mới phát động 3 năm nay? Có cái sự tréo ngoe đấy chính là câu chuyện bầm dập đáng ngạc nhiên của tác phẩm và cũng là điều tôi muốn tâm sự trong bài viết này...
Số là thế này. Sau khi cuộc vận động sáng tác và quảng bá Tư tưởng, đạo đức HCM được phát động 1 năm, TCCT thấy rắng Nhà hát kịch Quân đội không có động thái hưởng ứng gì cả, như thế là không thể được. Thế là có chỉ thị xuống buộc Nhà hát phải tìm tác phẩm. Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát mà đứng đầu là Giám đốc, NSƯT, Đại tá Kiều Loan liền đề xuất cho phục dựng lại vở Cái chết chẳng dễ dàng gì. Lúc đấy ai cũng nghĩ rằng, một tác phẩm đã từng được giải cao, tuyệt đối của Bộ quốc phòng và của Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 15 năm trước, chắc chắn khi dựng lại sẽ được hoan nghênh lắm..Thế là cả đoàn háo hức bắt tay vào việc dựng lại vở cũ. Lần này Đạo diễn Xuân Huyền được mời dựng vở..
Thật không thể ngờ rằng, vở diễn này lại là một tác phẩm sân khấu sóng gió đến như vậy..Một vở diễn mà phải bị bắt sửa đi sửa lại, xoay tới xoay lui đến 6 tháng trời và vẫn không thể ra lò được..Thời gian đấy, tôi không có mặt ở Hà Nội nên không trực tiếp chứng kiến sự vất vả đến cơ cực của anh chị em nghệ sĩ. Tuy nhiên, ở trong Quảng Trị xa xôi tôi vẫn không tránh được sự đau đầu nhức óc vì điện thoại và những câu chất vẫn đề nghị tác giả giải thích..Ví dụ, những câu chất vẫn kiểu như thế này: " Kịch bản này là loại viết sự thật lịch sử hay hư cấu? Nói cụ thể hơn, cái nhân vật phó Bí thư Tỉnh uỷ trong kịch ( là một nhân vật cơ hội) là có thật không hay hư cấu?Tôi trả lời: là hư cấu? Lại hỏi, trong kịch có nhân vật Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhân vật lịch sử, tại sao những nhân vật khác lại hư cấu? Tôi tắc cổ ầm ừ..là vì, là vì..những nhân vật khác...cần hư cấu..
Đại loại thế..Ròng rã 6 tháng trời, vở diễn được sửa nát bét...Đến mức đạo diễn Xuân Huyền bỏ của chạy lấy người..( Và sau đó, Xuân Huyền bị tai biến, nay có lẽ khó mà trụ được trên cõi đời này nữa..Tất nhiên tôi không nói là bị tai biến chỉ vì cái vụ sửa kịch bản này!!!)
Tôi nghe kể rằng, vở kich được sửa, sửa đi rồi sửa lại, loanh quanh mãi, cuối cùng nó lại trở về gần như cũ...Vì vậy, đến giờ chót, vở diễn gần như cầm chắc là..bỏ.
Thì cũng thật bất ngờ, đến cái giờ phút...cầm chắc cái sự bỏ ấy, thì vị tướng chủ trì việc thông qua vở diễn ấy..được nghỉ hưu! Một vị tướng khác lên thay chức. Nhân dịp giao thời ấy, Giám đốc Kiều Loan liền lên gặp thủ trưởng mới, nài nỉ thủ trưởng đến xem cho..Thủ trưởng mới đến xem và chắc cũng lấy làm ngạc nhiên vì một vở diễn như thế mà 6 tháng qua lại không thể xuất xưởng được. Tuy nhiên, vì tế nhị- là tôi đoán thế- vị thủ trưởng mới không muốn có một quyết định ngược 180 độ với người tiền nhiệm nên đã ra phán quyết thế này: cho phép đoàn được đi diễn hạn chế ở các nhà trường, học viện Quân đội để tham khảo ý kiến. Sau khi đi đợt ngắn về cần mang theo nhận xét của các đơn vị ấy..Được lời như cởi tấm lòng, toàn đoàn lập tức lên đường..Đợt diễn cho các nhà trương, học viện rất thành công. Các nơi đã có công văn gửi về khen ngợi..Nhưng nghe nói là, ở trên Tổng cục vẫn còn có người chưa tin, lại bí mật cho người về tận những nơi kia dò xem, những công văn nhận xét kia có đúng là do họ tự viết hay...đoàn đã mồi chài?
Thế là vở kịch Cái chết chẳng dễ dàng gì chính thức được tái sinh..Nhưng than ôi, cuộc vui ngắn chẳng tày gang..Liền theo đấy, Giám đốc Kiều Loan đột ngột nhận được lệnh nghỉ hưu. Một ê kíp khác lên thay và vở diễn cũng ngay lập tức..được coi là ...đã hoàn thành nhiệm vụ, cần thay bằng vở mới?..
Xin được ghi chú một tý. Tất cả những chi tiết tôi kể trên là tôi được nghe kể lại chứ không trực tiếp trải qua trong cuộc. Và như thế, tôi cũng không thật đảm bảo độ chính xác 100%. Nhưng cái chuyện vở diễn này bị bầm dập suốt 6 tháng trên sàn tập và cuối cùng dầu được chấp nhận nhưng cũng chỉ tồn tại thêm một thời gian ngắn nữa là việc có thật hoàn toàn..Những yêu cầu sửa chữa lạ lùng như tôi đã kể cũng là chuyện thật vì đoàn đã điện vào để nhờ tôi sửa..
Năm ngoài, khi được diện kiến một cán bộ cao cấp ở Tổng cục Chính trị, trong bữa cơm thân mật, tôi có hỏi một câu: Thưa đồng chí, công cuộc đổi mới thì càng ngày càng đi lên, tại sao cái sự đổi mới nhận thức về Văn hoá văn nghệ của TC lại đi thụt lùi như thế? Vị tướng ấy hỏi lại: Tại sao anh nói thế ? Tôi liền đưa câu chuyện vở kịch của tôi ra để dẫn chứng, tôi nói, cũng một tác phầm văn nghệ, cách đây 15 năm, chính Tổng cục đã trao giải cao nhất cho nó, sau 15 năm lại chính TC phê phán nó không thương tiếc..Thế chẳng phải thụt lùi sao? Vị tướng ấy lập tức nâng cốc bia lên cao và hô to:  Không ai uống nước hai lần trên một khúc sông. Thôi, ta uống cái cho sướng đã!!!
Số phận cái kịch bản của tôi là như vậy. Vì thế mà đêm 17/5 vừa rồi, khi thấy vở diễn Cái chết chẳng dễ dàng gìđược Ban Tuyên giáo TW khen thưởng, tôi thật sự xốn xang..Cứ nghĩ mà cám cảnh cho đứa con tinh thần của mình..Lại bỗng nhớ tới cô Đại tá đoàn trưởng đã nghỉ hưu ở một góc phố nào đấy..Chẳng hiểu tin vui ấy có đến được tai Kiều Loan không?
Giờ thì quay lại giải thích một chút về câu hỏi, vì sao một tác phẩm đã 15 năm mà nay lại được xét để khen trong cuộc vận động này. Theo tôi hiểu, cuộc vận động này có hai tiêu chí. Một là vận động sáng tác. Hai là vận động quảng bá. Một kịch bản cũ nhưng nay được một đoàn dựng lại để biểu diễn coi như đã có thành tích quảng bá. Hơn nữa, xét về công trình nghệ thuật, thì một vở diễn được một đạo diễn dựng mới thì được coi là công trình mới mặc dầu là kịch bản cũ. Bởi vậy mà lần này, cá nhân tôi không được trao giải kịch bản như lần trước, mà Ban chỉ đạo trao giải cho toàn bộ công trình tập thể, tức là giải cho vở diễn.. 

 Đăng ngày 23/05/2011
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Dã Tràng - 24/05/2011

Cái chết chẳng dễ dàng gì
Nhọc nhằn để sống quả thì... cam go
Người muốn chết, người chẳng cho
Trời xanh quen thói giở trò trêu ngươi...

15 năm -bấy nhiêu ngày
Chết đi sống lại hỡi ôi...nhân tình.



  Gửi bởi: Thúy Ngần - 24/05/2011

Sống không dễ,
Chết càng không dễ,
Như cái chết này.

Nhớ câu thơ của Lê Anh Xuân:
Chết như sống, Anh hùng, vĩ đại...

Chúc mừng tác giả Xuân Đức.
Chia sẻ niềm vui cùng Cái chết chẳng dễ dàng gì!

  Gửi bởi: Giã Gạo - 24/05/2011

Ôi thiên nhiên cám ơn người nhân hậu
Những so le người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là sau 15 năm đã chết
Bỗng bất ngờ sống lại giữa dương gian.Smile

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan