Thursday, October 15, 2015

NHỮNG BẤT NGỜ THÚ VỊ- truyện ngắn


Tác giả: Lê Nguyên Hồng

    
 Còn một học kỳ cuối là ra trường. Đây là đợt đi thực tế làm luận văn tốt nghiệp. Linh quyết định đưa bạn trai cùng học trường Đại học Kinh tế Hà Nội về chơi nhà, cũng là để cho bố mẹ xem mặt. Quê Linh ở Tân Kỳ, một huyện thuộc vùng núi của tỉnh Nghệ An. Chàng trai cao ráo, nói giọng Hà Nội. Chỉ có màu da của nó cũng ngăm ngăm như da của Linh vậy. Bố mẹ ái ngại: "Con gái mình là dân nông thôn mà yêu con trai Hà Nội, không hợp hoàn cảnh và phong tục tập quán, rất khó cho cuộc sống sau này...". Linh là con gái út nên bố mẹ không muốn nó lấy chồng xa. Ông bà thoáng nghĩ trong bụng thế thôi. Nhìn hai đứa quấn quýt nhau, ông bà cũng rất yên tâm.

          Ở lại nhà bạn gái, Vĩnh- Tên chàng trai- thấy mọi sinh hoạt trong gia đình rất quen thuộc, gần gủi. Nhà Linh cũng trồng tiêu, chè, nuôi gà, nuôi lợn...Gia đình cũng làm bánh sắn đãi khách. Đặc biệt, mẹ của Linh nói giọng giống đúc tiếng của bố và ông bà ở trong quê. Vĩnh thấy lạ. Ông bà nội của Linh cũng đến xem mặt bạn trai của đứa cháu gái. Tự nhiên ông nội của Linh hỏi chàng trai:
-Hình như cháu không phải người chính gốc Hà Nội?
-Dạ.
-Thế bố mẹ cháu người vùng nào?
-Dạ, bố cháu quê ở Vĩnh Linh, mẹ cháu người Nam Định ạ.
Tự nhiên ông nội của Linh hạ giọng:
-Vĩnh Linh à. Hồi chiến tranh, Vĩnh Linh với ở Tân Kỳ là người một nhà đấy. Cũng hơn bốn mươi năm rồi...
Thế là ông nội của Linh kể lại những kỷ niệm thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Hồi ấy, hàng loạt gia đình ở Vĩnh Linh sơ tán ra Tân Kỳ theo kế hoạch K.10, cùng chung sống,  ăn ở, cùng làm ruộng nương với bà con địa phương. Cuộc sống dạo đó vô cùng gian khổ, ăn cơm độn ba phần khoai sắn một phần cơm, túng thiếu mọi bề. Có một câu chuyện mà ông nhớ mãi là, một số học sinh cấp 3 Vĩnh Linh vì đói, ban đêm đi trộm sắn của dân về luộc ăn, bị chính ông bắt được.
...Vào một đêm mùa đông rét đậm. Ông cùng mấy dân quân xã đi tuần. Giai đoạn này có những toán biệt kích xâm nhập nội địa nắm tin tức, chúng thường ẩn nấp trong rừng, ban đêm đi vào vùng dân cư để thăm dò địa hình hoặc kiếm lương thực. Hôm ấy tổ dân quân của ông đi tuần sớm. Mấy dân quân phát hiện có nhóm khoảng năm sáu người đang lúi húi đào bới ở đồi sắn xa nhà dân. Có thể một nhóm biệt kích đang cất giấu điện đài, vũ khí? Không cho chúng kịp trở tay, tổ dân quân ập đến dí súng, bắt chúng giơ tay lên đầu rồi áp giải đi. Chúng hoảng hồn, tuân lệnh răm rắp. Khi đưa chúng đến nhà đội để lập biên bản,dưới ánh đèn, nhìn đứa nào cũng còn non choẹt, có đứa mặc áo vá, người tái mét vì sợ. Chúng khai là học sinh K8 Vĩnh Linh học xong cấp 2 ở Thái Bình, Ninh Bình xin về học trường cấp 3 Vĩnh Linh ở Tân Kỳ vì có người bà con Vĩnh Linh sơ tán tại đây. Nhìn mấy đứa từ đầu đến chân thì rõ ràng chúng khai thật. Ngay giọng nói, áo quần chúng mặc thì đúng là người miền trong chính hiệu. Mấy dân quân nhìn nhau, tặc lưỡi, có người quay mặt, che miệng cười. Một dân quân vặn lại để dọa cho chúng sợ mà lần sau không tái phạm: "Có đúng bây là học sinh Vĩnh Linh không? Hay là bọn hư hỏng chuyên trộm cắp? Học sinh mà đi trộm à? Phải khai rõ học lớp nào để đưa lên nhà trường giáo dục cho chừa...". Nghe thế, đứa nào cũng luống cuống, mặt cúi gằm xuống. Người chỉ huy (chính là ông nội của Linh)bảo: "Thôi, đừng nói nữa, chúng là học sinh Vĩnh Linh thật đấy. Tha cho chúng. Đồng hương cả mà! Cũng vì thiếu đói mới sinh ra...". Sau khi hỏi chuyện, mấy dân quân  bỗng thấy thương bọn trẻ. Do thiếu đói, xa nhà, bố mẹ ở quê đang chiến đấu không biết chết sống ra sao. Chuyện đó chỉ có ông và mấy dân quân biết và giấu biệt. Không những chúng không bị lập biên bản mà mấy dân quân còn nhổ thêm cho chúng mấy bụi sắn, chọn củ to bỏ vào cái bao lác đưa cho chúng khiêng đi và dặn: " Đem về luộc dần, Đây là sắn mì bở, bóc vỏ luộc ăn luôn, không cần phải ngâm mô. Đừng đi trộm mà người ta bắt được, không ra chi cả. Nếu đói thì vào trong dân kiếm khoai sắn về nấu, nhớ chưa. Dân ở đây bụng thảo lắm.". Mấy tên trộm vừa run, vừa mừng, giọng lý nhí: - Dạ...
Ông suy nghĩ một tý để nhớ lại mấy cái tên trong nhóm trộm hồi đó. Khi ông nhắc đến tên Quang, làm Vĩnh giật mình. Ông còn nói: " Mấy tay bị ông bắt là người xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang. Chúng nó run, lo bị đuổi học, trông thật tội. Nghĩ lại mà thương lắm. Cũng vì xa nhà, quá đói mà sinh làm liều...Không biết bây giờ chúng nó đi mô cả mà biệt tăm.". Thế thì đúng rồi, có lần, bố Vĩnh vui miệng kể lại chuyện ngày xưa cho vợ con nghe, có nhắc chuyên hồi học cấp 3 ở Tân Kỳ đi trộm sắn ban đêm bị bắt. Vĩnh vui miệng hỏi lại cụ già:
-Cái người tên là Quang ấy cao gầy,da ngăm đen, lông mày hơi xếch phải không ông?
 Ông vỗ đùi:
-Chính hắn. Cháu biết hắn à?
-Dạ biết. Người ấy làm việc ở Bộ Giáo dục...
Ông già ngạc nhiên nhìn kỹ người đứa con trai ngồi trước mặt mình. Hình như ông phát hiện ra điều gì đó. Ông ngờ ngợ khi nhìn gương mặt của Vĩnh. Câu chuyện tự nhiên làm cả nhà Linh quan tâm. Qua những lời tâm sự của Vĩnh, thì ra bố của Vĩnh tên là Quang, là người trong câu chuyện mà ông nội của Linh vừa kể. Khi vỡ lẻ, mọi người cười ồ, càng thân mật hơn. Lúc này bố mẹ Linh không còn e ngại chuyện con gái yêu chàng trai kia. Gia đình Linh cũng cho Vĩnh biết chuyện trồng tiêu, làm bánh sắn là bắt nguồn từ Vĩnh Linh mà mẹ Linh mang về quê chồng.  Nhiều gia đình ở Tân Kỳ cũng học được những chuyện này từ bà con Vĩnh Linh sơ tán hồi chiến tranh. Không nói ra nhưng bố mẹ Linh đã đồng tình cho chúng yêu nhau và mong chúng nên đôi nên lứa. Vĩnh ở lại nhà bạn gái hai ngày, sau đó xin phép gia đình đưa Linh về thăm quê, ra mắt ông bà nội. Bên nhà Linh đồng ý ngay. Bố Linh một thời là bộ đội đóng quân ở Vĩnh Linh, yêu và lấy cô gái người Vĩnh Thủy, là mẹ Linh bây giờ. Mỗi khi cùng vợ về thăm quê, hai người không quên đến thăm một người ngày trước làm cán bộ xã với một kỷ niệm sâu sắc mà hai vợ chồng mang ơn suốt đời. Lần này, bố Linh cùng theo Con gái về thăm quê vợ, thăm nhà bạn trai của nó và ghé thăm ân nhân năm xưa.
Đến xã Vĩnh Thủy, bố con Linh ở nhà ông bà ngoại. Bố dẫn Linh đi thăm nhiều gia đình thân quen từ thời ông đóng quân. Hôm bố con Linh đến thăm cái ông ngày xưa từng làm cán bộ Ủy ban xã mà bố mẹ vẫn nhắc thì thấy Vĩnh đang ở đó. Thì ra, ông này lại là bác ruột của Vĩnh. Thật bất ngờ. Ông bác rất vui tính. Chính ông cũng là xạ thủ khẩu đội 12 ly 7 của dân quân xã Vĩnh Thủy, từng tham gia chiến đấu với đơn vị bộ đội chủ lực của bố Linh, hạ gục máy bay Mỹ trên Đồi 74 của xã. Nhìn con bé Linh đẹp gái, rất giống mẹ nó, ông bác cười, nhìn hai bố con hỏi:
-Mấy đứa con có biết chuyện vợ chồng anh ngày xưa không?
Bố Linh cũng cười khà khà:
-Vợ chồng em có kể đâu mà chúng biết?
Cả Linh và Vĩnh nhìn hai người đàn ông đang nói chuyện, tò mò. Linh hỏi:
-Chuyện gì vậy bác? Cháu muốn biết...
Thế là ông già cứ kể tuốt tuột chuyện cũ của bố mẹ Linh. Tất cả đã trở thành kỷ niệm đẹp của một mối tình thời chiến tranh ở ngay tại quê hương này.
...Đó là giai đoạn chống Mỹ vô cùng ác liệt. Thời ấy, chuyện trai gái yêu đương không thể tự do như sau này, có những ràng buộc cực kỳ nghiêm khắc, trở thành nguyên tắc chẳng khác điều lệnh quân đội. Trai gái yêu nhau ngồi bờ ngồi bụi, hôn hít nhau mà có người trông thấy thì chắc chắn bị Chi Đoàn kiểm điểm, nếu là Đoàn viên, Chi bộ kiểm điểm, nếu là Đảng viên. Người bị kiểm điểm nếu có chức vụ thì coi chừng, có khi mất chức, ít nhất cũng bị cảnh cáo, chịu tai tiếng như là tội phạm. Nghĩ lại, thời ấy thế mà mà hay. Chuyện trai gái phải lòng nhau rồi lén lút lằng nhằng "chim chuột" rất hiếm xẩy ra. Nhờ thế mới động viên những trai tráng ra chiến trường yên tâm, vì người yêu của mình ở quê không anh nào dám tán tỉnh. Thời ấy, ở Vĩnh Linh có nhiều đơn vị bộ đội từ miền bắc đến dừng chân một thời gian, sau đó hành quân vào Nam chiến đấu. Con gái Vĩnh Linh vốn bộc trực, chân chất, giản dị, rất đảm đang, đẹp người đẹp nết nên bộ đội rất mê. Con gái Vĩnh Linh lấy chồng là bộ đội cũng không ít. Bố của Linh hồi ấy là bộ đội pháo cao xạ thuộc đơn vị chủ lực. Anh ta quen một cô dân quân ở khẩu đội 12 ly 7 xã Vĩnh Thủy. Hàng ngày, họ cùng phối hợp chiến đấu với không quân Mỹ. Hai anh chị ưng nhau nhưng rất sợ bị kỹ luật nên không dám gần nhau tâm sự, chỉ thư từ qua lại. Có một trận chiến đấu diễn ra rất dữ dội. Máy bay địch phát hiện đơn vị pháo cao xạ nên huy động pháo ở Dốc Miếu bắn ra, kết hợp máy bay áp đảo ném bom xuống trận địa. Nhiều dân quân và bộ đội bị thương khi di chuyển đội hình tránh vùng phong tỏa của địch. Lợi dụng khi di chuyển khí tài, đạn dược, anh chị có dịp kề sát bên nhau như không rời ra được. Không giữ nổi sự khao khát bấy lâu, anh chị ôm riết lấy nhau hôn thắm thiết trong một căn hầm chữ A. Không ngờ, anh khẩu đổi trưởng 12 ly 7 lù lù hiện ra, bắt được quả tang, không thể chối cãi. Lập tức hai người được đưa đến hầm trực chiến của xã gần đó để giải quyết. Cán bộ xã là người nghiêm khắc, nhìn anh ta với vẻ mặt lạnh lùng mà phát hoảng. Thấy vị này, anh chị bủn rủn chân tay. Biên bản được lập do một người ghi, cán bộ ủy ban hỏi, anh chị trả lời và ký tên, sự việc diễn ra nhanh gọn. Biên bản lập xong, cả hai anh chị cùng phải ký thừa nhận yêu đương không lành mạnh, tiêu cực. Theo biên bản này, xã sẽ làm việc với đơn vị bộ đội về trường hợp chàng trai, còn ủy ban xã giao cô dân quân cho xã Đoàn xử lý nghiêm túc để làm gương cho tất cả Đoàn viên thanh niên, sẽ xóa tên trong danh sách cảm tình Đảng. Chuyện này không đùa được. Anh cán bộ xã để biên bản trước mặt, trông anh không căng thẳng như lúc nãy. Anh hỏi đồng chí bộ đội:
-Đồng chí quê ở đâu?
-Dạ... Nghệ An.
-Huyện nào?
-Dạ... Tân Kỳ.
Anh cán bộ giật mình, nhíu lông mày:
-Xã nào ở Tân kỳ?
-Dạ, xã Giai Xuân.
Chết rồi!Anh cán bộ xã bối rối ngó trân trân vào anh bộ đội. Còn anh bộ đội sợ quá, cúi gằm nhìn xuống chân. Một phút im lặng trôi qua. Nghe nói đến huyện Tân Kỳ, rồi xã Giai Xuân, anh cán bộ ủy ban phân vân ghê gớm. Mẹ và hai đứa em của anh đang sơ tán đúng ở xã đó. Tân Kỳ đang đùm bọc gia đình anh cùng nhiều gia đình của Vĩnh Linh mà anh lại sắp gửi biên bản này đến đơn vị bộ đội để kỹ luật một chiến sỹ là con em Tân Kỳ vi phạm? Tiếng bom vẫn nổ ở ngoài trận địa pháo. Thời gian rất căng thẳng. Anh cán bộ xã đứng lên, đến vỗ vai  anh bộ đội và nói:
-Cậu là người Tân Kỳ! Thế thì...chúng ta là người trong nhà! Mẹ và em tôi cũng đang sơ tán ngoài đó. Chuyện hôm nay coi như không xảy ra - anh nói với những người có mặt tại cuộc lập biên bản- Các đồng chí ạ, thôi, chuyện này không truy cứu nữa, Biết rằng làm như vậy là sai nguyên tắc, nhưng cũng tại chữ "vì", tất cả giữ im lặng nhé - Nói xong, anh cầm biên bản xé vụn không để lại dấu vết. Những người có mặt trong cuộc lập biên bản không phản ứng gì, họ đồng tình việc làm của anh cán bộ xã.
Chuyện là thế. Hai anh chị đã bí mật yêu nhau, rồi báo cáo tổ chức, sau đó họ nên vợ thành chồng. Nếu không phải tình nghĩa sâu nặng hai quê Tân Kỳ- Vĩnh Linh thì đã chắc gì họ đến được với nhau khi mà cái án kỹ luật giáng xuống hồi ấy? Đó là ân nghĩa ở đời còn tươi rói đối với những người trong cuộc.
Nghe xong câu chuyện. mọi người cười ngặt nghẽo như vừa nghe chuyện tiếu lâm vậy. Linh bá cổ, đấm lưng bố, cười mãi. Vĩnh đến vòng tay ôm ngang bụng bác, cười rúc rích. Chúng là lớp hậu sinh làm sao hiểu được chuyện ngày xưa? Bố mẹ chúng bây giờ đã trở thành đồng hương cùng quê chung Vĩnh Linh - Tân Kỳ, không những thế mà còn là quê nội, quê ngoại của lớp con cháu họ nữa. Khi biết chuyện hai đứa đang tìm hiểu nhau, ông bác bất ngờ và mừng lắm. Đúng là những bất ngờ đến không ngờ, thật thú vị. Thế mới biết, nếu nghĩ đến nhau thì dù ở đâu cũng tìm gặp lại nhau, trở nên thân thiết ruột rà...
Trước hôm chia tay bố con Linh, gia đình ông bà nội của Vĩnh làm mấy mâm cơm, có đầy đủ mặt chú, bác, cậu, dì... Ông bà nội của Vĩnh cũng mời ông bà ngoại của Linh ở xóm bên tới dự bữa cơm thân mật với gia đình, thật ấm cúng. Qua lời giới thiệu của gia đình, thì ông bà ngoại của Linh lại là đồng niên và là đồng hương với ông bà nội của Vĩnh ở một xã khác cùng đến xã Vĩnh Thủy định cư từ sau hòa bình lập lại 1954. Họ đều là bạn thân từ thuở quần đùi áo vá, cắt cỏ chăn trâu. Đúng là duyên kỳ ngộ không dễ gì có được. Chuyện yêu đương của hai đứa được mọi người đặt ra trong bữa cơm thân mật. Ai cũng mong chúng khi ra trường, ổn định việc làm là tính chuyện trăm năm. Ông nội của Vĩnh nói:
-Chuyện hạnh phúc hai cháu, bên nội mừng lắm. Bố mẹ thằng Vĩnh ở Hà Nội đã báo cho ông bà biết chuyện này rồi. Trâu ta ăn cỏ đồng ta...Người quê miềng cả, có chi hơn rứa?
Ông bà ngoại của Linh quá phấn khởi. Chúng thành vợ chồng, ông bà được ở gần cháu ngoại hơn. Bác của Vĩnh và bố của Linh gật đầu lia lịa, nhìn nhau mỉm cười bí ẩn, chỉ có hai người hiểu " chuyện ngày xưa" ấy thôi. Vui thật!
Một thời gian sau, ông bà nội, ngoại của Vĩnh và Linh nhận được tin mừng: cả hai đứa đều tốt nghiệp đại học loại giỏi, cùng xin về công tác tại Quảng Trị để gần gủi ông bà. Bố mẹ chúng đã đồng ý theo nguyện vọng của các con. Sẽ có một đám cưới đầy ý nghĩa khi mùa xuân đến với đủ mặt nội ngoại, bạn bè, bà con đồng hương Tân Kỳ- Vĩnh Linh trong ngày vui nhất cuộc đời của đôi trai tài gái sắc: Vĩnh- Linh...
                                                                  
                                                                  Tháng 8/ 2013

                                                                           


 Đăng ngày 04/01/2014

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan