Tuesday, October 13, 2015

Những chuyện chưa kể về " Người không mang họ"

Tác giả: Cúc Đường

Báo Thể thao và văn hóa số 107, 108, 109 ngày 16,17,18/4/2008

Năm 1984, tiểu thuyết "Người không mang họ" của nhà văn Xuân Đức ra đời, lập tức, cuốn sách tạo nên một cơn sốt cho độc giả với 5 lần tái bản và 10 vạn bản in - kỷ lục ngay cả ở thời điểm này. Để rồi, năm 1990, Người không mang họ lại "cháy sạp" một lần nữa, khi được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và phát trên sóng truyền hình quốc gia.
     
 
      Cho đến giờ, nhiều người vẫn cho rằng Người không mang họ là cuốn tiểu thuyết hình sự hấp dẫn nhất trong giai đoạn 10 năm đầu sau giải phóng. Chỉ có nhà văn Xuân Đức là người duy nhất biết tường tận về tướng cướp không mang họ có tên trên tiểu thuyết là Trương Sỏi này...
TƯỚNG CƯỚP TOỌNG VÀ NHỮNG TIN ĐỒN HƯ THỰC
      Trong những năm 1976 - 1980, thị xã Vinh và những vùng lân cận rung chuyển bởi những vụ cướp giật của một băng cướp trang bị vũ khí nóng. Không khí sợ hãi và lo lắng lan rộng khắp vùng. Những người từng sống tại Vinh trong thời gian đó kể rằng chỉ tầm 8 giờ tối, đường phố Vinh đã vắng tanh vắng ngắt, chủ nhân của những ngôi nhà thuộc loại "có máu mặt" trong thị xã đều cửa đóng then cài.
     Ngày lại ngày, những vụ cướp giật càng diễn ra với mật độ dày hơn. Người ta đồn nhau rằng băng cướp đó được cầm đầu bởi một tướng cướp có tên Trương Hiền. Trương Hiển giỏi võ tuyệt luân và bắn súng rất nhanh. Ngoài đời đàn em thường gọi Trương Hiền bằng một cái tên rất lạ: Toọng
Vào tháng 3/1979, cũng tới lúc băng cướp của Toọng bị đập tan. Toọng bị bắt giữ, sau đó đưa ra xét xử và lĩnh án tử hình. Những cán bộ công an trong vụ án đã công nhận rằng đây là một băng cướp tổ chức quy mô và đặc biệt kín đáo. Đa phần các thành viên của băng đều hoạt động với vỏ bọc bề ngoài là một công dân lương thiện. Thậm chí, ngoài đời, Toọng còn có một cô bạn gái đang học Đại học sư phạm Vinh. Trong suốt 4 năm, những người dân trong khu tập thể giáo viên của cô đều không hề nghi ngờ gì Toọng, khi hắn vẫn đều đặn đến thăm cô giáo trẻ.
     Chuyện được đưa ra là vậy. Thế nhưng, với 4 năm liên tục cướp giật và gieo rắt tội ác lên khắp thành Vinh, những người dân nơi đây đã kịp xây dựng nên những câu chuyện truyền miệng... nhuốm màu huyền thoại về Toọng. Họ kể rằng xuất thân của Toọng là cao thủ trong làng biệt kích của chế độ VNCH xưa, được đào tại bài bản tại trung tâm huấn luyện kín ở tiểu bang San Diego, Mỹ. Sau đó Toọng trở mặt, trở thành một tay anh hùng khét tiếng ở vùng Đông Hà - Quảng Trị. Trong một lần bị cảnh sát săn tìm, Toọng đang ngồi ăn bún. Hai viên cảnh sát lạnh lùng áp tới trước mặt, Toọng lạnh tang bình thản: "Xin 2 anh em cho ăn nốt tô mỳ..." rồi bất ngờ hất tung bàn, nổ chớp nhoáng 2 phát súng xuyên thủng 2 chiếcc mũ lưỡi trai, sau đó khoan thai... chào mọi người xung quanh và đi mất!      Trong một lần truy bắt khác ở mỏ than, Toọng đã nhảy lên thùng xe tải ra bãi đỗ bên ngoài, nằm im trong đống than 3 ngày, không ăn uống và lại thoát hiểm...
Rồi sau này, ngay cả khi bị công an thị xã Vinh vây bắt, Toọng cũng đánh hơi được mùi nguy hiểm và tìm cách phản công. Những chiến sĩ trong chuyên án này đều là các thàng viên ưu tú nhất của đội SBC tỉnh Nghệ An. Người đội trưởng của nhóm vào một buổi chiều trong ngày nghỉ cuối tuần tại gia đình, khi đang bế đứa con nhỏ trên tay thì có một người đàn ông nai nịt gọn gàng đứng ngoài cánh cổng sắt hỏi nhỏ "Có phải nhà anh T", Anh bình thản gật đầu. Người đàn ông ngoài cánh cổng lặng lẽ nhìn anh một lúc rồi bỏ đi. Đó chính là Toọng. Hắn không muốn xuống tay khi nhìn thấy người đội trưởng đang chơi đùa cùng con nhỏ.
     Thậm chí đến khi bị bắt, sát tới ngày lĩnh án tử hình, bỗng có lệnh từ trên đưa xuống: Cố gắng cải tạo giáo huấn Toọng để sử dụng lại làm đặc tình của công an. Công văn hỏa tốc chuyển đến chân đồi thông, nhưng không kịp. Toọng đã vĩnh biệt kiếp giang hồ ngay trong chiều ngày hôm đó.
Những câu chuyện ấy khó có ai biết được chính xác thực hư

     ĐỜI HẮN TỘI LẮM...

     Nhà văn Xuân Đức kể rằng ông vốn có một người bạn xưa, từ trước giải phóng tại xã Vĩnh Hòa, nửa bắc của sông Hiền Lương. Hắn tên là Lạng. Cùng chăn trâu cắt cỏ với nhau. Một hôm ông thấy bạn thở dài thườn thượt và nói rằng muốn đi tìm cuộc sống mới. Rồi vài hôm sau hắn vượt tuyến.
Một buổi chiều trong những năm 80, một người bạn khác tìm gặp nhà văn Xuân Đức. Đó là một người bà con xa của ông hỏi:
     - Anh có nhớ thằng Lạng khi xưa không? Cái thằng từng vượt tuyến ấy.
     - Có chuyện gì vậy?
     - Nó vào trong đó không hiểu thế nào lại thành tướng cướp anh ạ. Rồi sau giải phóng nó ra cướp và gây án ngoài Vinh. Người ta gọi nó là Toọng. Bây giờ bắt được rồi, tuần sau là xử bắn.
Người bạn của nhà văn kể rằng, khi sắp xử bắn, Toọng mới khai thật rằng gốc tích của hắn là tại xã Vĩnh Hòa - Quảng Trị. Trước đó trong quá trình điều tra Toọng chỉ nói hắn sống và làm du đãng tại Đông Hà, khu vực bên kia sông Hiền Lương. Toọng kể hết gốc tích với hy vọng muốn tìm người nhà ra Vinh gặp hắn lần cuối cùng trước khi bị đem ra xử bắn.
     Đời hắn tội lắm ông ạ! Hắn chính là em cùng dòng máu với tôi.
Khi thông tin và những lời nhắn của Toọng được đưa về UBND xã Vĩnh Hòa, lớp cán bộ của ủy ban hầu hết là những người mới và không thể tìm được thông tin về Toọng. Riêng Toàn, căn cứ vào mấy thông tin sơ lược mà Toọng nhắn về ông tin rằng đó là Lạng ngày xưa.
     Hóa ra, theo lời kể của Toàn, Cha của Toọng tên là Tơ, một thanh niên nghèo chăn trâu thuê cho một địa chủ giàu có nổi tiếng trong vùng. Người thanh niên này tằng tịu với vợ của địa chủ sinh ra Lạng. Sau giải phóng, ông lại lấy một người vợ khác và sinh con bình thường. Một trong những người con của ông Tơ chính là bạn nhà văn Xuân Đức. Lạng trên danh nghĩa vẫn là con của địa chủ, bởi vậy nên hắn thường xuyên bị bạn bè ghẻ lạnh. Sau đó Lạng vượt biên.
     Rồi Toàn hỏi nhà văn: Tôi đang phân vân mấy ngày hôm nay, không biết có nên ra tìm nó không.
"Có nên ra Vinh gặp Toọng hay không?" - Câu hỏi ấy đã khiến ông Toàn suy nghĩ rất nhiều. Bởi, dựa trên những thông tin ngắn ngủi về địa chỉ và gia phả do Toọng đưa về, ông chỉ mới "ngờ ngợ" chứ không thể khẳng định chính xác: Toọng chính là Lạng ngày nào. Và, cho dù ca7u chuyện ấy là thật, ông Toàn lại đứng trước một dằn vặt khác: Cuộc gặp gỡ ấy liệu có đem lại điều gì bất ổn không, ngoài việc khơi thêm nỗi đau trong lòng cả 2 anh em?
     Nhà văn Xuân Đức khuyên bạn suy nghĩ kỹ. Nhưng, số phận không cho Toàn quyết định. Hai hôm sau, tin đưa về Quảng Trị: việc hành quyết Toọng đã được tiến hành. Do điều kiện khó khăn về giao thông khi ấy, lá thư đến tay UBND xã Vĩnh Hòa quá muộn.
     Một thời gian sau, Toàn chuyển vào miền nam công tác. Ông dặn Xuân Đức: Anh là nhà văn, quen biết rộng, có dịp qua Vinh thì ghé vào gặp Công an ngoài đó, cố gắng xem thông tin về Toọng giúp em. Rồi có điều kiện thì hỏi các anh ấy về nơi chôn Toọng nữa. Dù có phải là thằng Lạng hay không, em cũng sẽ có lúc qua đó thắp nén hương.
     Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Khi làm việc với công an Nghệ An, lời đề nghị của Nhà văn Xuân Đức bị từ chối. Lý do:Nguyên tắc bảo mật của ngành công an luôn ngặt nghèo. Vụ án đã khép lại. Và trong những trường hợp đặc biệt, hồ sơ lưu chỉ có thể được cung cấp cho người khác khi có lệnh từ Bộ nội vụ.
     Để giúp Toàn và cũng vì những kỷ niệm đã từng có với Lạng, nhà văn Xuân Đức đành dùng đến "mẹo" muôn thuở của người viết. Ông gặp Nhà xuất bản công an nhân dân và đề nghị được viết một cuốn sách về tướng cướp Toọng. Phía Nhà xuất bản không cần ứng trước nhuận bút, cũng không cần chu cấp bất kỳ kinh phí hỗ trợ gì. Ông chỉ có một yêu cầu duy nhất: được nhà xuất bản báo cáo lên Bộ nội vụ, xin giấy phép để có thể tiếp cận với "tàng thư" của công an Nghệ An.
     Cơ duyên của cuốn tiểu thuyết Người không mang họ bắt đầu như thế.
     Khi mọi thủ tục hoàn thành, tác giả Xuân Đức đã bỏ thời gian khá lâu để đọc hồ sơ, cũng như hỏi chuyện những người tham gia chuyên án. Những gì được ghi trong hồ sơ và lời kể của các nhân chứng đã phác họa khá rõ chân tướng của Toọng.
     Nhà văn Xuân Đức kể: Đúng như lời đồn, Toọng giỏi võ, khôn khéo và rất liều mạng. Điển hình là vụ đại náo chợ Vinh của Toọng - câu chuyện được những người dân nơi đây luôn kể lại trong nhiều năm trời. Khi ấy, bị công an Nghe An cùng hàng trăm người dân vây bắt, Toọng vẫn liều mình chống trả. Trong nửa giờ đồng hồ, hắn hai tay hai súng cố thủ trên một nóc nhà. Rồi, Toọng liều mạng từ nóc nhà nhảy xuống giữa chợ để mở đường máu, cắn răng chịu đựng một cơn mưa gạch đá và hàng trăm chiếc đòn gánh ném theo và trốn thoát ra đường Bến Thủy.
Cũng theo những gì được ghi lại, Toọng đã bị công an Nghệ An truy đuổi trong một thời gian khá dài... Hắn lẫn trốn trong rừng, sống vạ vật và kiệt sức. Tuy nhiên, khi bị phát hiện, Toọng vẫn chống cự rất dữ dội. Trúng đạn, Toọng vẫn kịp nhảy xuống ẩn nấp trong một ruộng rau muống và chút nữa bắn chết một chiến sĩ công an trước khi bị bắt.
     Nhiều chi tiết quan trọng trong vụ án đã được nhà văn Xuân Đức đưa vào cuốn sách của mình. Chỉ có một chi tiết duy nhất được ông lược bỏ: Trước khi lĩnh án tử hình, Toọng đã vượt ngục một lần. Khi ấy, hắn bị biệt giam trong buồng kín. Một chân của Toọng bị cùm chặt vào tường, chỉ được tháo khóa khi ăn cơm qua một ô cửa nằm sát mặt đất. Trong thời gian ấy, Toọng khôn khéo xé chăn, bện một chiếc... chân giả. Lợi dụng khi trời tối, Toọng lừa giám thị cùm chiếc chân giả của mình vào tường, sau đó bẻ cong song sắt và trốn ra ngoài. Rất may được nửa đường, hắn lại bị bắt.
Nhưng, cho đến bây giờ, nhà văn Xuân Đức vẫn không thể trả lời được câu hỏi: Toọng có phải là Lạng, người bạn từng chăn trâu cắt cỏ cùng anh ngày nào. Trong hồ sơ lấy cung, những thông tin mà Toọng khai về quê quán, gia đình rất ngắn và chung chung. Còn xem ảnh, với gần 20 năm thay đổi, ông khó lòng so sánh Toọng với khuôn mặt của Lạng trong trí nhớ.
     Nhưng, những ý niệm ít ỏi về Lạng, cùng con được để được tiếp cận với hồ sơ đã khiến ông quyết định viết cuốn tiểu thuyết hình sự đầu tiên của mình. Trong cuốn sách, Lạng và Toọng cùng hóa thân thành một nhân vật duy nhất. Cái tên Lạng được sửa thành Lãm, Trương Hiền (Toọng) thành Trương Sỏi. Tướng cướp Trương Sỏi tên thật là Lãm trước khi vượt sông Bến Hải để bắt đầu bi kịch của "Người không mang họ"

NGUYÊN MẪU CỦA NHỮNG NHÂN VẬT PHỤ

Đến bây giờ, nhà văn Xuân Đức vẫn nói rằng ông viết Người không mang họ là do... trời xui. Trời xui vì khi còn nhỏ, ông quen thân và chơi cùng Lạng. Trời xui vì qua Toàn, ông biết thêm về những góc khuất trong cuộc đời của người bạn này. Rồi, trời xui nên ông biết lời trăn trối của Toọng, để qua đó nảy ra ý định tìm kiếm hồ sơ và thông tin của hắn.
     Thậm chí, ý tưởng về những nhân vật phụ trong người không mang họ cũng đến với nàh văn một cách tình cờ. Khi đọc gần 20 bản lấy cung của công an Nghệ An, ông tìm thấy tên một người phụ nữ từng tham gia tiêu thụ "chiến lợi phẩm" của băng cướp. Hỏi, hóa ra địa chỉ của chị ta ở ngày Quảng Trị. Nhà văn tìm đến tìm gặp người phụ nữ này và hỏi thêm thông tin về băng cướp của Toọng. Buổi gặp ngắn ngủi ấy đã cho ông một số ý tưởng để xây dựng hình ảnh Kim Chi, nữ tướng cướp và cũng là "Phó tướng" của Trương Sỏi trongNgười không mang họ.
     Rồi, nửa năm trước khi viết, nhà văn lại có dịp lên Hà Nội công tác vài ngày tại "Trại văn Vân Hồ" (Khu nhà sáng tác được Tổng cục chính trị xây tại phố Vân Hồ). Quãng thời gian này, nhà văn của vùng Quân khu V là Thái Bá Lợi thường xuyên dẫn "Trại" một nhóm đồng hương: một gánh SƠn Đông mãi võ tồn tại từ trước năm 1975. Cách sống khá phóng túng của gánh mãi võ bán thuốc này khiến nhà văn Xuân Đức chú ý. Ông bỏ thêm thời gian tìm hiểu, để rời sau này đưa vào truyện một gánh Sơn Lâm mãi võ nhếch nhác, dị hợm nhưng lại có những "tuyệt chiêu công phu" đầy ấn tượng khi chào hàng.
     Trước Người không mang họ, Nhà văn Xuân D(ức đã dành được giải thưởng của Hội nhà văn với bộ tiểu thuyết Cửa gióviết về chiến tranh. Bởi vậy, các nhà văn Hữu Thỉnh, Nguyễn Khắc Trường đã tròn mắt ngạc nhiên khi thấy Xuân Đức liên tục lên Thư viện Hà Nội, ôm về trại hàng chục bộ sách kiếm hiệp Kim Dung. Họ hỏi: "Viết cay độc dữ dội như mày, ôm những "của nợ" này về làm gì?" Ít người biết, đó chính là nguồn tư liệu để nhà văn Xuân Đức dựng nên những màn đấu võ kinh hoàng trong Người không mang họ...
     Tất nhiên trong cuốn sách, tác giả cũng không thể bỏ qua Toàn - người bạn ngoài đời của mình. Trong tiểu thuyết, đó chính là Hợp, anh cùng cha khác mẹ với Lãm (Trương Sỏi). Những ngày cuối cùng, khi Trương Sỏi lĩnh án tử hình, Hợp khăn gói tìm đến, thắp hương trên nấm mồ của người em cùng dòng máu...

VÀ NHỮNG HỆ LỤY NGOÀI ĐỜI

Năm 1984, Người không mang họ chính thức được NXB Công an nhân dân xuất bản lần đầu. Lập tức cuốn sách gây nên một hiệu ứng rất mạnh với độc giả khi đó. Những cụm từ "Người không mang họ", "Đệ nhị mãi võ", "Trương Sỏi", "Trại Mũ đen"... dễ dàng đi vào đời sống và trở thành những khẩu ngữ xuất hiện trên môi người đọc cho đến bây giờ.
     Cũng dễ hiểu cho thành công ấy - Khi sự mới lạ về cấu trúc, ngôn ngữ cùng những pha võ thuật trong sách đã đem lại một bước thay đổi cho dòng thiểu thuyết hình sự còn mới mẻ tại Việt Nam đầu những năm 80. Nhưng, điều quan trọng hơn là sức sống và số phận của nhân vật Lạng. Vừa là con địa chủ, vừa là con du kích, bị kịch ấy đã đẩy Lạng vào số phận đau đớn, khi cả hai bờ sông Bến Hải đều khó lòng chấp nhận anh. Để rồi, Lạng sa ngã và dần trở thành con quỷ Trương Sỏi sau một quãng thời gian làm người.
     Điều thú vị nhất: Kể từ khi Người không mang họ ra đời, dư luận và độc giả đã mặc nhiên gắn chặt một Trương Sỏi trong sách với tướng cướp Toọng ngoài đời thực - cho dù Toọng chỉ là một phần nguyên mẫu của nhân vật. Cộng cùng những câu chuyện truyền miệng về Toọng trước đó, những lời đồn đại mang tính hư thực về cuộc đời của Toọng mỗi ngày một dày thêm và càng đi xa dần sự thật. Thậm chí, không ít người khi gặp nhà văn Xuân Đức vẫn "thề sống thề chết" với ông rằng họ từng gặp Toọng ngoài đời, rằng quả thực Toọng cũng lập một "trại cướp Mũ đen", cũng có một phó tướng tên là Kim Chi như trong tiểu thuyết. Khi ấy, nhà văn chỉ còn biết cười thôi.
     Lời cuối cùng tác giả Xuân Đức kể: Tại Nghệ An, Toọng trả nợ cho những tội lỗi của mình ở khu vực rừng thông gần núi Quyết. Mộ của hắn cũng được chôn luôn tại đó. Rồi không biết từ bao giờ, những đôi nam thanh nữ tú từ thành Vinh khi lên núi Quyết chơi vẫn rủ nhau qua xem mộ Toọng. Thoảng hoặc có những người đặt lên mộ Toọng vài bông hoa, hoặc thăp cho hắn nén hương. Với những gì được hư cấu trong Người không mang họ, người dân nơi đây đã dần quên đi sự căm hận với những tội ác mà Toọng từng gây ra, để rồi chỉ còn lại sự thương hại và cám cảnh. Mọi chuyện cứ diễn ra như thế mãi, cho đến vài năm gần đy, khi hài cốt Toọng được chuyển khỏi núi Quyết và đưa về Quảng Trị...

Đăng ngày 23/04/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: gop loi - 23/04/2008

Cuc Đường là ai hỡ anh Đức! Chắc người này quen anh nhiều nên mới hiễu tường tận đến cội rễ của người không mang họ.Hay quá ! Đúng là chiêng đồng thì vang xa là phải.
  Gửi bởi: Xuân Đức - 23/04/2008

Là một nhà báo trẻ ở báo TT và Vh của Thông tấn xã. Hôm rồi tôi ra nhận giải thưởng kịch bản ở Hội NSSK xong thì một cô phóng viên của Tạp chí Sân khấu xin đăng kí gặp để hỏi về kịch bản. Khi họ đến tôi lại thây có thêm một pv nam nữa.Đó chính là Cuc Đường. Nói chuyện hết một buổi chiều. Hôm nay đọc bài viết thấy cơ bản là đúng như tôi đã kể, tuy nhiên vẫn có vài chi tiêt không chuẩn như tên người, tên xã v..v..Dù sao thì cũng vui và cảm ơn cậu ấy.
  Gửi bởi: Trần Bình - 27/04/2008

Bác cũng nên công bố cho bàn dân thiên hạ trên mạng biết các chi tiết ngoài lề như thế này . Điều đó giúp đọc giả hiểu sâu hơn về tác phẩm của bác. Cháu là một trong những người yêu văn nghệ và thú thật là đôi khi những câu chuyện ngoài tác phẩm (bên lề)lại chính là những dẩn dắt cho việc tìm dến tác phẩm chính bác ạ. Kính chúc già Đức luôn sức khỏe và có nhiều tác phẩm giá trị để lại hậu thé .
@. À bác này , cái vụ tập hợp anh em Web QT mà bác hứa là sau khi dự trại viết ở Cửa tùng về nay đến đâu rồi. Cháu thấy việc làm ấy vui và nhiều ý nghĩa đấy bác ạ. Anh em đng chờ bác quyết định , ở Gio linh cháu thấy có người đang dứng ra tập hợp rồi đấy (  tại đ/c: http// maykeo.vnweblogs.com)

  Gửi bởi: Xuân Đức - 27/04/2008

Ngày hôm nay ( 27/4) mới bế mạc trạị. Vừa ở Cửa Tùng về đây, bia bọt còn đâng phê phê. Có lẽ phải qua vụ lễ hội Thống nhất non sông 30/4 đã mới tính chuyện. Hôm nào có thông báo, Bình nhớ về TST nhé.i
  Gửi bởi: Nam Hải - 11/06/2008

Thực ra Cu Toọng ngoài đời không có gì là ghê gớm cả, đã là tiểu thuyết thì phải hư cấu thêm 90% nữa mới "ép phê". Ai đã từng là  dân Đông Hà những năm 1976-1982 lạ gì Cu ToỌng, công an Đông Hà ai cũng biết Toọng, bắt, gọi hỏi hoài, Toọng biết gì võ nghệ đâu. Ở Đông Hà Toọng có 1 bà mẹ, không có bố. Hoàn cảnh khó khăn, nghèo túng, đáng thương. Sau này ra Vinh, phạm tội bị truy nã đâm liều lĩnh, cùng đường, ngày càng lún sâu không có lối thoát.
Sau khi "người không mạng họ" xuất bản, nhiều người trình độ văn hóa thấp ở Vinh, Đông Hà thường lấy tên "Toọng" làm tên tục đặt cho con trai mình. Điều này không biết nên vui hay buồn đây ??

  Gửi bởi: THUYDUNG - 23/07/2009

Tui vừa đọc xong sự thật "người không mang họ", thực ra tiểu thuyết của NV Xuân Đức viết về 1 Lạng khác, sự nhầm lẫn gần 30 năm trời...  Nói chung cũng khá hay.

  Gửi bởi: lưu thị lan anh - 17/04/2015

chào bác Đức. Cháu là người dân Quảng Trị. Cháu rất yêu thích các tác phẩm của bác. Cháu  càng tự hào  hơn về quê hương khi đọc tác phẩm của bác. Bạc Xuân Đức ơi! Tác phẩm " người không mang họ của bác được chuyển thể thành phim hay là thế mà tại sao trên mạng nhà cháu lại không tìm được nguồn nào cả. Bác có còn lưu giữ nó không? Bác có thể chia sẻ cho cháu với, đây không chỉ là nguyện vọng của cháu mà còn là nguyện vọng của rrats nhiều người nữa, trong số họ có người cha thân yêu của cháu. Cháu cảm ơn bác thật nhiều
  Gửi bởi: lão trang - 17/04/2015

Cảm ơn cháu Lan Anh.Bác chưa tìm nên cũng không biết có hay không. Bác sẽ tìm, nếu có sẽ nhắn cho cháu.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan