Wednesday, October 14, 2015

NHỮNG NGHỆ SĨ ÁO LÍNH ĐÃ NGÃ XUỐNG CHIẾN TRƯỜNG KHU IV, KHU Y NHƯ THẾ


Tác giả: ĐINH MẠNH CƯỜNG


 Giữa chốn đô thành tráng lệ hôm nay, nhiều chàng trai, cô gái cao hứnhóng xe máy vui đùa nghiêng ngả trên đường phố. Trong nhà hàng ồn ào chật ních thực khách gồm những quý ông, quý bà thơm nức nước hoa, son phấn, ngả nghiêng bia rượu chúc tụng nhau bao lời hoa mĩ. Họ không thể hình dung được ở chốn núi rừng miền Trung xa thẳm vẫn còn có những người lính, người thân của liệt sĩ đang luồn rừng, cắt núi, ăn lương khô, mì tôm thay cơm, lòng đau đáu một nỗi niềm đi tìm đồng đội, đi tìm người thân yêu đã ngã xuống chiến trường thời chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Thời đó, mở đầu chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, từ bệ phóng ở Thủ đô Hà Nội, hàng trăm văn nghệ sĩ đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị, sinh viên tốt nghiệp các trường nghệ thuật khoác ba lô hành quân vào chiến trường chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Tổng cục Chính trị ưu tiên cho chiến trường khu IV, khu V một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu gồm các anh chị: Thái Minh Viên, Huy Sô, Nguyễn Mạnh Hà, Bùi Tòng, Ngô Hiếu, Thái Quý, Ánh Dương, Hồng Mậu, Lê Tôn Sùng, Từ Công Lễ, Nguyễn Thị Bích Tỳ, Nguyễn Xuân Sơn, Thuận Yến...
Trường Nghệ thuật Quân đội đưa vào chiến trường đội ngũ nghệ sĩ trẻ mới tốt nghiệp như Đào Thị Minh Vân, Phạm Thị Thanh Tâm, Nguyễn Kim Oanh, Trần Kim Nam, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Xuân Kỳ, Hồ Tiến Thanh...
Trường Múa và trường Âm nhạc Việt Nam có lực lượng sinh viên hoàn thành tốt nghiệp đông đảo, hăm hở xung phong vào chiến trường như Nguyễn Văn Nhiếp, Bùi Vân Dung, Bùi Lục Hà, Nguyễn Tiến Cương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Đỗ Chí Thành, Đặng Hương Sạ, Đặng Truyền Sơn, Nguyễn Đức Thanh, Đỗ Gia Thành, Lê Thuý Hồng, Nguyễn Công Khang, Trần Kim Khánh, Phan Như Trung, Dương Văn Dần, Hoàng Đức Nghị, Nguyễn Quí Thông...
Những năm 1965-1970 ở vùng tuyến lửa khu IV, khu V đãcó hàng chục nghệ sĩ áo lính ngã xuống, trong số đó có người đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ.
Cuối năm 1964, lúc vào đoàn Văn công Quân khu IV, Nguyễn Văn Nhiếp mới 20 tuổi, trẻ nhất trong số các bạn học trường múa. Sự phấn đấu nỗ lực của anh về chính trị và nghệ thuật đã nâng anh trở thành một tổ trưởng Đảng, tổ trưởng chuyên môn, là diễn viên kiêm huấn luyện tại chỗ kỹ thuật cơ bản ballet. Nguyễn Văn Nhiếp có kỹ thuật cơ bản ballet điêu luyện, anh đã biểu diễn thành công các vai chiến sĩ bộ binh, đặc công, công binh, nuôi quân, dân quân và các vai phản diện như lính Mỹ, lính Nguỵ, biệt kích... để lại trong lòng khán giả Khu IV những ấn tượng khó quên.
Biểu diễn nghệ thuật trong chiến tranh ác liệt mang đặc điểm khác biệt với môi trường bình thường. Sân khấu gập ghềnh là hố bom lấp vội sau trận máy bay Mỹ oanh tạc. Một chương trình diễn trọn vẹn hai, ba điệu múa trên sân khấu dã chiến, được coi là đánh thắng địch một trận. Nguyễn Văn Nhiếp cùng đồng nghiệp trình diễn điệu múa "Chàm Rông" ngay trên thửa ruộng mới gặt, còn sũng nước. Bộ đội hành quân vào Nam chiến đấu, vừa đi vừa ngoảnh lại xem. Mặt ruộng được lót rơm cho đỡ ớm nước, người hát đứng tại chỗ thì không sao... nhưng tám diễn viên múa "Chàm Rông" nhún nhảy, làm cho "sân khấu" biến thành đống nhão nhoét. Bàn chân đi đôi giày mỏng bị gốc rạ đâm đau điếng. Không rút được chân lên, các diễn viên đứng yên múa bằng tay.
Buổi biểu diễn bên công sự tiểu đoàn pháo cao xạ anh hùng Nguyễn Viết Xuân, các chiến sĩ say sưa xem điệu múa "Bắt Mỹ", tiết mục mới ra đời sau khi tên thiếu tá Su-mếch-cơ rơi vào lưới dân quân Quảng Bình. Lúc điệu múa chuẩn bị chuyển cảnh, tên giặc lái máy bay Mỹ sắp xuất hiện trước nữ dân quân, thì một sự tình cờ xẩy ra: Còi báo động rít lên, những tên cướp Mỹ thật xuất hiện trên bầu trời đêm. Bộ đội triển khai về công sự. Văn công cũng biến khỏi sân khấu để có mặt cùng bộ đội bên mâm pháo. Các "pháo thủ" văn công vẫn mặc nguyên quần áo biểu diễn. Đêm văn nghệ trở thành đêm chiến đấu. Máy bay địch lao tới. Pháo ta vươn nòng trong trời đêm. Phút sống thực diễn ra như kết cấu của điệu múa. Những đường lửa đỏ vút lên bủa vây máy bay địch. Các diễn viên lao lên tiếp đạn. "Cháy rồi! Cháy rồi!". Tiếng reo mừng dậy đất. Một cục lửa đỏ lao về phía biển, để lại bầu trời tên giặc lái treo lơ lửng dưới những múi dù.
Mùa thu năm 1968 ghi vào lịch sử của đoàn Văn công Quân khu IV với những chiến công thấm máu các nghệ sĩ trên đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, trong cuộc giao tranh ác liệt của quân dân bờ bắc sông Hiền Lương với đế quốc Mỹ sau cuộc tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân ở miền Nam.
Theo đường mòn Trường Sơn, đội Văn công xung kích A2 tiếp cận các đơn vị bộ binh đang ém quân dọc miền tây Quảng Bình, chuẩn bị chiến dịch đánh lớn vào Quảng Trị. Các điệu múa được biểu diễn trong hội trường nổi, dưới hầm chữ A, có điều kiện thể hiện là Nguyễn Văn Nhiếp trung thành với các động tác quay, nhảy kỹ thuật. Điệu múa Duo "Hai cha con" anh diễn vai người cha với tính cách trầm tĩnh, thể hiện những bước nhảy ngắn, vững vàng. Điệu múa Trio "Tình đồng chí" và "Lựu đạn gỗ", với vai lính nguỵ, anh diễn tả tính cách nhân vật từ hống hách, bạo ngược đến sự hoang mang, đớn hèn khi gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ của cách mạng. Vai biệt kích trong điệu múa "Tay chài, tay súng" của người bạn cùng trường múa Bùi Vân Dung sáng tác, Nhiếp nhập vai xuất sắc, diễn tả sự nham hiểm, nỗi sợ hãi tột độ của kẻ đột nhập bờ biển, đồng thời thực hiện những động tác quay, nhảy cổ điển chông chênh mà chính xác, khi tên biệt kích mới vào đất liền bị nữ dân quân phát hiện truy đuổi. Điệu múa "Dũng sĩ núi Thành" anh diễn vai người chiến sĩ đặc công, thực hiện các bước nhảy lớn Grand Jeté và nhảy quay trên không hai vòng (Tour anlair) biểu dương sức mạnh như vũ bão của người chiến sĩ quân giải phóng miền Nam đánh thắng vang dội trận núi Thành, làm nức lòng nhân dân cả nước và chấn động toàn cầu.
Anh Nhiếp có khả năng quay Chainé liên tục nhiều vòng và quay Pirouét ba vòng trên một chân trụ khi mặt sân khấu lồi lõm, ken dày lá rừng. Biểu diễn các điệu múa tình tiết, tâm hồn nhân vật được ép thẳng ra từ trái tim vô cùng nhạy cảm của Nguyễn Văn Nhiếp. Anh đã vào chiến trường, đã biểu diễn nghệ thuật theo tiếng gọi từ trái tim mình.
            Sau buổi biểu diễn, Nguyễn Văn Nhiếp thu xếp phục trang gọn gàng rồi tranh thủ những phút rảnh rỗi hiếm hoi rảo bước dưới tán rừng săng lẻ. Tổ chim trên cành nghe động, con chim trống cất tiếng lảnh lót bay đi. Con chim mẹ run rẩy phủ cánh che kín chim con. Anh Nhiếp dừng lại: "Chà! một chú chim non ngây thơ xinh xắn. Mẹ con mày yên tâm, ta không quấy rầy đâu mà sợ!". Anh Nhiếp bồn chồn nhìn theo con chim trống đang bay về phương Bắc tìm mồi, lòng nôn nao nhớ tới Na - người vợ thân yêu ở quê nhà Thanh Hoá. Anh đang giữ bên mình chiếc lược bằng đuya-ra từ mảnh cánh máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hà Tĩnh. Anh dùng con dao nhọn và chiếc dũa nhỏ kì công suốt 4 tháng trời, tạo nên để làm món quà tặng vợ. Chị đã làm anh phải thổn thức nhiều trong một chiều chia tay tím hoàng hôn, để lại lòng anh nỗi nhớ buổi đi vào nơi chinh chiến. Em đã bóc chiếc nem chua cho anh trong bữa cơm chiều. Em dúi vào ba lô anh những bánh chè lam xứ Thanh thơm ngát. Giờ đây, giọt máu của anh trong bụng em chắc đã có hình hài. Anh nhẩm tính: Lúc anh lên đường nhận được thư Na báo tin có thai ba tháng, đến bây giờ đã hơn sáu tháng rồi. Ba tháng nữa hoàn thành nhiệm vụ trở về, anh sẽ xin phép thăm nhà ít ngày, lúc ấy sẽ được ôm vợ con vào lòng. Con trai hay gái anh cũng đều yêu quí.
            Tuyến lửa đã vào thu - mùa thu 1968. Một mùa thu xám ngắt, vội vã ào đến trên ngọn cây rừng. Cô gái nhà ở phố Lò Đúc-Hà Nội Lê Thuý Hồng, 18 tuổi, tốt nghiệp Trường Múa hệ 7 năm, vào Đoàn đầu năm 1968, nhanh nhẹn xuất hiện bên anh Nhiếp :
                        - Anh đang nghĩ gì đấy?
                        - Anh đang nghĩ về trường múa của chúng ta, nơi rèn luyện thuận lợi, sung sướng nhất. ở chiến trường không thể có được như thế nên phải cố gắng giữ lấy kĩ thuật cơ bản em ạ! Đi xung kích không có sàn tập, chúng ta phải bám tay vào cây rừng mà tập. Đất rừng mấp mô thì phải vượt khó mà lựa khéo bàn chân để bảo đảm an toàn, tránh bị chấn thương.
            Chợt loé lên một ý tưởng, anh Nhiếp sôi nổi nói :
                         - Anh đang dự định sáng tác thêm một điệu múa mới nói về sự dũng cảm của cô giao liên rừng Trường Sơn truy bắt biệt kích để bảo vệ sự thanh bình nơi miền tây Tổ quốc. Anh chọn em múa chính điệu múa này, đồng ý nhé?
- Em sẽ cố gắng! - Thuý Hồng nói giọng đầy khâm phục.
            Nhiếp dẫn Thuý Hồng lướt đi trên những xác lá rừng xào xạc. Điệp khúc muôn thuở của sáng tạo, của niềm đam mê nghệ thuật cứ nhảy nhót mãi trong trái tim người nghệ sĩ. Hai người bước vào căn hầm nửa nổi, nửa chìm trong lòng đất, gặp gỡ chuyện trò với chiến sĩ. Anh Nhiếp hỏi chuyện và ghi vào sổ tay chi tiết các trận đánh của đơn vị ở chiến trường Quảng Trị làm tư liệu sáng tác.
Tiếng động cơ máy bay dội đến. Một chiếc B26 liệng thấp, nghiêng cánh nhòm ngó. Anh Nhiếp dặn Thuý Hồng :
                        - Chờ máy bay vòng ra xa, em chạy nhanh về hầm của em nhé!
Thuý Hồng vừa kịp lao về hầm của mình thì một chiếc máy bay sà tới bắn một loạt đạn. Thuý Hồng nghe từ phía hầm anh Nhiếp có tiếng chiến sĩ kêu to :
                        - Anh Nhiếp bị thương rồi!
            Mọi người từ chỗ ẩn nấp cùng chạy tới. Anh Nhiếp hy sinh trong tư thế đang ngồi dựa thành hầm. Viên đạn 20 ly luồn qua lớp đất mái hầm trúng lưng anh, xuyên qua tim rồi đầu đạn thò ra bên ngực trái. Đạo diễn - Đội trưởng đội Kịch Vũ Thuật nhỏ lệ khóc thương, hai tay run run dùng lưỡi dao lam rạch lớp da trên ngực anh Nhiếp, lấy ra đầu viên đạn thù ác nghiệt. Một dòng máu tươi đỏ vụt bay lên...
            Anh Nhiếp nằm lại nơi miền tây Quảng Bình lúc 24 tuổi xuân! Đất rừng ấp ủ trái tim người nghệ sĩ - chiến sĩ bị viên đạn thù xé nát. Nhưng dòng máu tươi đỏ của tim anh đã thấm sang đồng đội, truyền dòng nhiệt huyết của tình yêu cuộc sống, tình yêu nghề nghiệp, để các tác phẩm mới sáng tạo của anh được đồng đội nối tiếp thực hiện. Đó là điệu múa "Dũng sĩ Trần Minh Nghĩa" được NSƯT Nguyễn Mạnh Hà tiếp nhận dàn dựng và điệu múa "Giặt áo thương binh" được NSƯT Bùi Tòng dàn dựng theo kịch bản của Nguyễn Văn Nhiếp. ý tưởng sáng tác của người liệt sĩ được đồng đội làm hồi sinh trên sân khấu nghệ thuật phục vụ các chiến sĩ và nhân dân tuyến lửa.
            Toàn đội tiếp tục hành quân đi sâu vào mặt trận. Buổi biểu diễn đêm hôm sau, đội trưởng Huy Chu đã rơi nước mắt khi giới thiệu tiết mục múa "Chiến công bên bếp lửa" :
                        - Thưa các đồng chí, điệu múa này do đồng chí Nguyễn Văn Nhiếp múa chính vai người chiến sĩ nuôi quân, nhưng anh mới hy sinh tối hôm qua. Nay đồng chí Thanh Tâm sẽ biểu diễn thay đồng chí Nhiếp!
Tất cả chiến sĩ ngồi xem và diễn viên đều không cầm được nước mắt!
Sau ba tháng anh Nhiếp hy sinh, người đồng đội-NSƯT Nguyễn Mạnh Hà nhận trách nhiệm tìm về quê anh ở xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá-Thanh Hoá trao lại gia đình tư trang của liệt sĩ. Anh Hà đưa tận tay chị Na chiếc lược anh Nhiếp gò bằng đuya-ra cánh máy bay Mỹ. Chị ấp chiếc lược vào tim mình. Cái bụng sắp đến ngày sinh nở và hai bờ vai chị rung lên. Căn phòng nhỏ dội lên tiếng khóc nức nở của hai người phụ nữ: Người vợ và người mẹ liệt sĩ.
Đêm cuối thu se lạnh giữa rừng già. Đội văn công xung kích A2 được chiến sĩ giao liên dẫn đường đến địa điểm biểu diễn mới. Nghệ sĩ hát Nguyễn Hữu Văn lưng thồ hai ba lô nặng - một chiếc của người nữ nghệ sĩ bị đau chân - vai khoác khẩu AK làm nhiệm vụ cảnh giới phía trước. Nguyễn Hữu Văn là diễn viên hát chính, anh sinh ở thành phố Vinh nhưng có cơ thể cường tráng như chàng trai vùng biển. Ba mươi tuổi, anh đã có hai con trai còn nhỏ. Anh là một tấm gương chuyên cần học tập nâng cao tay nghề và nhiệt tình giúp các diễn viên trẻ rèn luyện kỹ thuật. Nguyễn Hữu Văn rất vui tính, anh thường kể chuyện khôi hài động viên mọi người trên đường hành quân. Đi biểu diễn xung kích, Hữu Văn thường mang theo một chiếc que xâu dép cao su bằng tre. Nhiều người bị tụt dép liền được anh giúp đỡ kịp thời để không phải "dép xách tay, chân đạp đất". Lúc tất cả đều mệt nhọc rã rời, Hữu Văn cất giọng ngân một điệu hát vui, tạo ra tiếng cười và tràng vỗ tay tán thưởng. Anh là một nghệ sĩ đa năng, có chất giọng nam cao trữ tình, biểu diễn thành công những bài đơn ca, lĩnh xướng, ngâm thơ giọng miền Trung và diễn cả tấu hài khi người diễn viên kịch vắng mặt.
Nguyễn Hữu Văn và mấy chiến sĩ dẫn đường không may vướng mìn sát thương của địch rải trên lối mòn. Hai chân anh Văn bị dập nát. Bốn người nam thay nhau cáng anh về trạm phẫu thuật tiền phương. Mấy nữ nghệ sĩ vừa đi theo cáng vừa khóc, tay cầm đôi dép cuả anh. Anh nói với các cô:
             - Thôi đừng đưa dép nữa. Anh còn chân đâu mà đưa theo dép các em ơi!
     Anh nói với đồng đội khiêng cáng:
             - Đường xa khó bước, các bạn đi thẳng lưng cho đỡ mệt!
Tại trạm phẫu thuật, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Văn trút hơi thở cuối cùng sau nhiều giờ liền chịu đựng cuộc cưa chân bằng dụng cụ thô sơ, không có thuốc gây mê, nhưng anh vẫn dũng cảm không hề rên một tiếng.
            Cùng thời điểm này, trên tuyến đường miền Tây Vĩnh Linh, đội văn công xung kích A1 biểu diễn phục vụ bộ đội pháo binh, bộ binh, trinh sát - những chiến sĩ dũng cảm "ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam". Đỗ Chí Thành là chàng trai Hà Nội tài hoa, tốt nghiệp khoa Kèn (khoá 1963-1965) trường Âm nhạc Việt Nam. Anh xung phong vào tuyến lửa Khu IV từ ngày đầu Mỹ leo thang ném bom miền Bắc. Hai mươi tuổi đời căng bầu nhiệt tình cống hiến, Đỗ Chí Thành hiểu sâu sắc lý tưởng của người nghệ sĩ trẻ thời chiến tranh là lao vào cuộc chiến đấu không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm mong ước, là vinh dự. Với kỹ thuật điêu luyện, tiếng sáo Fulut của Chí Thành ngọt ngào truyền cảm làm say lòng người nghe. Anh là người ít nói, hay cười và luôn quan tâm, tôn trọng mọi người. Trong hoạt động chuyên môn nghệ thuật cũng như sinh hoạt, anh luôn nêu cao nguyên tắc sống, làm việc say mê nhiệt tình và lấy thước đo hàng đầu là hiệu quả công việc. Anh có một cô gái trẻ trong Đoàn thầm yêu, nhưng chiến tranh khiến họ phải đợi chờ...
Trải qua một thời gian dài hơn 6 tháng hành quân biểu diễn, thời tiết khắc nghiệt mưa nắng bất thường, cuối đợt phục vụ Đỗ Chí Thành lên cơn sốt cao, anh phải ở lại điều trị tại bệnh xá tiền phương.
Đỗ Chí Thành đã âm thầm ra đi vĩnh viễn vì một cơn sốt rét ác tính mạnh tại miền Tây Quảng Bình. Giờ phút cuối cùng rời xa cuộc sống, bên anh chỉ duy nhất có một người đồng nghiệp là nghệ sĩ Lê Kim Phụng. Anh Phụng và các y sĩ, y tá của trạm xá thương tiếc tiễn biệt người nghệ sĩ thổi sáo Fulut tài năng hai mươi bốn tuổi.
... Mười cán bộ, diễn viên Văn công Quân khu V sau gần một tháng hành quân từ Hà Nội, qua đất Khu IV, vượt Trường Sơn vào căn cứ địa khu V ở tỉnh Quảng Nam chưa kịp triển khai công việc đã phải chịu đựng một trận oanh kích dữ dội của không lực Mỹ. Kẻ thù đã cướp đi của Đoàn ba nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Thành Lâm. Thi thể anh Lâm bị xé nát, riêng cái chân của anh bị văng xa 8 mét. Đồng đội tìm thấy trong ba lô của anh bản thảo bài hát "Đôi chân" anh vừa sáng tác xong. Bài hát "Đôi chân" như một điều dự báo về sự hy sinh của anh không còn nguyên vẹn đôi chân: "Tôi chẳng ngại máu xương. Tôi đi về miền Nam thân yêu  trong máu lửa nung nấu căm hờn. Chân tôi đi cho đến miền quê bát ngát yêu thương...". Đoàn dàn dựng bài hát "Đôi chân" của anh phục vụ bộ đội, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Khi hy sinh, anh Lâm để lại Hà Nội người vợ yêu quí đang mang thai đứa con đầu lòng.
Vợ nhạc sĩ Thành Lâm là nghệ sĩ múa Thanh Trúc. Sau khi gửi con lại hậu phương, chị lên đường vào chiến trường phục vụ. Chị được tin chồng hy sinh trước giờ biểu diễn. Chị lặng lẽ múa trọn vẹn tiết mục của mình, rồi ra sau sân khấu âm thầm khóc, lấy nước mắt dìm nỗi đau. Chị viết bài thơ "Nghệ sĩ lính", những câu thơ chất chứa tình yêu, nghị lực sống của người nghệ sĩ chân chính, người vợ liệt sĩ trung hậu:
Nghe tin đau, đẫm hàng nước mắt mà hai tay vẫn múa
Tim buốt giá, môi vẫn hồng tươi đỏ
Chút nữa rồi oà hết nỗi
Chút nữa rồi đời như vỡ làm đôi!
Lấy lửa từ ánh mắt người lính xem
Gặp cái say tâm hồn người lính diễn
Là giây phút chúng tôi đồng cảm
Nghệ thuật bừng lên ngọn lửa thiêng liêng...
Năm 1965, nghệ sĩ Hoàng Đức Nghị, nhạc công violon giỏi của đoàn Ca múa Hà Nội tình nguyện cầm súng vào Nam chiến đấu. Đoàn Văn công Quân khu V phát hiện được tài năng của Nghị, đưa anh về Đoàn. Tiếng đàn của Nghị độc tấu giữa rừng Trường Sơn thúc dục người lính dũng cảm lao lên giết giặc. Hoàng Đức Nghị chưa kịp đọc lá thư người yêu ở Hà Nội gửi vào chậm mười ngày sau khi anh hy sinh. Cô gái viết: "... lúc nào em cũng hướng về miền Nam, thầm gọi tên anh Hoàng Đức Nghị - người chiến sĩ Giải phóng quân...".
Đường hành quân trên đỉnh Trường Sơn giữa trời mưa gió, không may nghệ sĩ Nguyễn Quí Thông bị ngã lăn xuống vực. Thương tích đầy người nhưng anh vẫn giữ cây đàn violon được nguyên vẹn. Biểu diễn ở chiến trường, anh Thông còn đánh cả đàn tơ-rưng, thổi sáo trúc. Nguyễn Quí Thông hy sinh để lại một tài sản âm nhạc cho Đoàn Văn công Quân khu V gồm hàng chục tác phẩm nhạc múa và ca khúc.
Những nghệ sĩ áo lính đã ngã xuống giữa chiến trường giản dị là một chân dung người lính chiến đấu. Một cuộc ra đi để lại tên tuổi con người, tên tuổi tác phẩm. Sự hy sinh của họ gắn liền với một thời oanh liệt, vẻ vang. Một cuộc đi với cây súng, cây đàn, điệu múa, lời ca và các anh chấp nhận trở về với lòng đất Mẹ Tổ quốc. Phút vĩnh viễn chia biệt cuộc đời, bên các anh chỉ có những người đồng đội ở chiến trường. Chôn cất người hy sinh, các đồng đội lại vội vã lên đường, gửi anh lại đó cho rừng núi mênh mông, rậm rịt và luôn bị biến đổi!
            Đang còn nằm lại dưới đất rừng Trường Sơn những nấm mồ vô danh! Đâu là nơi nghỉ chưa yên của những người nghệ sĩ áo lính năm ấy? Điều thiêng liêng nhất lúc này cần những tấm lòng kết nên sợi tơ, dù có mỏng manh, hãy cố công tìm gọi tên người đã khuất, trở về với những mong đợi mỏi mòn thời hậu chiến./.

 Đăng ngày 25/07/2012

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan