Sunday, October 18, 2015

Những tài năng chưa đến hồi "thấp thoáng"

Tác giả: Vi Thùy Linh

(TT&VH) - Tôi náo nức đón xem Những mặt người thấp thoáng tuần qua tại rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội) không chỉ vì đây là một trong ba vở vừa được HCV Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp tại Huế mà vì tôi "thèm" xem kịch Hà Nội. Vâng, kịch Hà Nội là một đặc sắc văn hóa thủ đô nhiều năm.

1. Cơn "thèm" xem kịch Hà Nội không thể kiềm chế và trì hoãn này còn do sự hâm mộ lâu năm với các nghệ sĩ của Nhà hát (NH) Kịch Hà Nội. Tôi rủ thêm TS Trần Thu Dung (từ Paris) và PGS.TS Trần Thị Trâm - cô giáo đại học của tôi - cùng xem. Họ là những "fan" trường kỳ của kịch Hà Nội.

Đây là buổi diễn hợp đồng phục vụ Tổng công ty T36 Bộ Quốc phòng mà lãnh đạo T36 - Đại tá Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp, đã xem vở từ khi tổng duyệt. Thao lược, mạnh bạo trong kinh doanh, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp chỉ huy 7.000 cán bộ công nhân dưới quyền, bận rộn xây dựng công trình khắp nước, xây cả bên Lào, lại khá thức thời, nhạy bén với nghệ thuật, văn chương. Với kịch, ông chỉ mê kịch Hà Nội. Đã nhiều lần ông mời NH về diễn tại công ty và ký hợp đồng để cán bộ đến rạp xem. Ông nói: "Đọng lại nhất trong tôi là Cát bụi và Những mặt người thấp thoáng - những vở gai góc đánh trúng những nhức nhối ngầm của thực tại".

Rồi ông đọc ra cả những lời thoại tâm đắc. Như ông, có một câu thoại khiến tôi đau: "Cháu đang định viết thì đất nước đổi mới. Đất nước bây giờ chưa cần đến văn chương. Họ chỉ cần làm giàu. Chính vì thế, cháu tạm gác nghề bút. Bây giờ cháu trở thành một doanh nhân. Còn bộ tiểu thuyết đó, có lẽ vài chục năm nữa, khi nào đất nước này cần đến văn chương, thì cháu sẽ lại viết"(!). Đó là câu trả lời của "nhà văn" Phiệt (Trung Hiếu) khi bị nhân vật Hoàn (NSƯT Tiến Đạt) chất vấn.

Cảnh trong vở Những mặt người thấp thoáng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Vở diễn 140 phút này tiếp tục khẳng định đẳng cấp nghề của NH Kịch Hà Nội qua một ê-kíp mạnh. Từ kịch bản của nhà văn Xuân Đức (Quảng Trị) mà NSND Hoàng Dũng "săn" được ở trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN năm 2011, NH đã dốc sức cho vở này để đi liên hoan. HCV cá nhân cho 2 NSƯT Tiến Đạt và Trung Hiếu quá xứng đáng. Hơi tiếc cho Tiến Minh (vai Khả, con rể ông Hoàn), một nghệ sĩ đa tài: Anh đã làm nhạc cho nhiều phim truyền hình, trong đó có Vệt nắng cuối trời và nhạc cho vở này, Khả vào vai bi - hài khá nặng.


"Ph.... Phiệt đây", cách phát âm này cùng lối diễn tài tình trong một vai "náo kịch" mưu mô, thủ đoạn, nhiều "màu sắc" của Trung Hiếu được khán giả thích thú. Phiệt cũng là nhân vật chính. Trung Hiếu đã tốt nghiệp ĐD sân khấu, nhưng xem anh đóng Phiệt, tôi mong anh không bỏ diễn, bởi anh là một diễn viên đa tài, diễn tốt nhiều kiểu vai. "Gừng già" Tiến Đạt bộc lộ trình độ, bản lĩnh nghề qua vai Hoàn. Cười rung người mà không ra tiếng hay biến sắc mỗi khi nghe nhắc đến "các cụ trung ương" - biểu lộ một quan chức hàng tỉnh cơ hội, vụ lợi, đặc biệt là đài từ sang cả một chất giọng Hà Nội giàu biểu cảm.

Đây có thể là vai chính cuối cùng của NSƯT Tiến Đạt tới khi ông về hưu năm 2013, song chắc chắn Hoàn thuộc số vai xuất sắc nhất trong đời diễn viên gần 40 năm của NSƯT Tiến Đạt. Cách diễn khúc triết, điều tiết chuẩn của ông qua vai rất khó này, lưu ấn tượng mạnh vào khán giả.

Một vở diễn phức tạp, gai góc hiếm thấy về xã hội đương đại, chỉ chạm vào một phần sự thực, cũng khiến người xem "sởn da gà". Những cán bộ lãnh đạo học hành dang dở, xuất thân đáng ngờ, nhớ bè cánh, ô dù, dựa vào nhau để leo cao, giữ ghế. Những kẻ này tìm mọi cách vinh thân phì gia, đưa con cháu vào bộ máy chính quyền, tỏ ra rất lọc lõi kiểu cán bộ tổ chức lâu năm hóa ra lại cả tin, dễ bị lừa mà bị lừa bởi kẻ mang danh "nhà văn, nhà báo" cũng chính vì trình độ quản lý và tri thức kém, ít học.

Phiệt quát lên: "Tôi muốn gì à? Tôi cần gì à? Tôi không cần quyền lực, không cần cái ghế như các người. Tôi chỉ cần đứng đằng sau các người, điều khiển các người, biến các người trở thành những con rối trong tay tôi. Rõ chưa?!", rồi bỏ đi. Thật đáng sợ! Phiệt là một dạng "Thuyết trăm voi", luôn có thư viết tay của "các cụ" để đi lừa dự án, sắp đặt can dự chức quyền.

2. Bám sát những nóng bỏng, bộn bề của đời sống, làm nên hấp dẫn của kịch Hà Nội, cũng như xu thế vận hành của NH này. Năm 1985, kịch Hà Nội thành công vang dội ở hội diễn tổ chức tại TP.HCM, Tôi và chúng ta(KB Lưu Quang Vũ, ĐD Hoàng Quân Tạo) đoạt HCV cùng 3 cá nhân: NSƯT Trần Vân (vai giám đốc Hoàng Việt), Hoàng Dũng (vai Chính - phó giám đốc) và Hoàng Cúc (vai Thanh - cô công nhân hay đấu tranh trước sự biến chất, lòng tham). Vở được NSND Doãn Hoàng Giang dựng lại năm 2010, cùng Hà My của tôi. Cũng năm cực bận rộn cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, NH dựng vở kinh điển Tháp đoạn hồn của A. Dumas, khi có rạp mới 500 chỗ ngồi, xây trên nền rạp từ thời Pháp.

Cái rạp mới này, được NH cho thuê nhiều chương trình hài kịch, ca nhạc. Ở trung tâm, giá thuê "mềm", nên NH hầu như đỏ đèn quanh năm. Sảnh tầng 1 và 2 cho thuê làm gallery tranh. Tiền thuê rạp lại quay ra đầu tư thêm cho vở diễn, bồi dưỡng anh em. Chuyên nghiệp là phải sống được bằng nghề, xét theo tiêu chí này, thì chỉ một số các tên tuổi đạt được. "Cả nhà hát đi đóng phim, lồng tiếng", đấy không chỉ là câu nói vui. Hào hoa, lịch lãm, tinh tế trong đài từ, cách diễn, những đặc trưng đẹp đẽ của người Hà Nội thành phong cách kịch Hà Nội.

3. Lớp thế hệ đầu tiên và thứ hai của NH Kịch Hà Nội, đa số là người Hà Nội. Những NSƯT Trần Hạnh, Trần Kiếm (người phố Bạch Mai), rồi Trịnh Mai (phố Hàng Bông), Nhật Đức, Trần Vân, Trần Đức... rồi NSƯT Lê Mai, NSƯT Đức Lưu, Kim Xuyến, đặc biệt là NSƯT Thanh Tú là một trong các giai nhân nổi tiếng của thủ đô và của sân khấu VN.

Sau khi GĐ-NSƯT Quốc Toàn (người phố Phan Đình Phùng) về hưu, NSND Hoàng Dũng là GĐ từ 2002. "Chàng trai Hàng Đường" Hoàng Dũng đã tốt nghiệp ĐD sân khấu năm 2001, dựng các vở Con yêu, Vụ án 2000 ngày... luôn được nhớ đến bằng các vai diễn đặc sắc trên sân khấu, màn bạc, màn ảnh nhỏ (như vai Ấn, Chủ tịch tỉnh - phim 36 tập Đàn trời, vừa kết thúc trên VTV3).

Kịch Hà Nội có Tiến Đạt, con trai ông thợ may Tiến Thành nổi tiếng phố Hàng Dầu, theo nghề cha tay trái, nghiệp chính là diễn viên. Ông vẫn gây chú ý bởi trình độ nghề và đài từ hay. Vợ ông, nghệ sĩ kịch Hồng Loan, bạn học, cũng là một diễn viên có chất giọng Hà Nội thanh quý.

NH Kịch Hà Nội nay có gần 90 diễn viên, gồm 2 đoàn. NSƯT Trung Hiếu trưởng đoàn 1, NSND Minh Hòa trưởng đoàn 2. NSND Hoàng Cúc, người sinh ra lớn lên ở Tuyên Quang, học trường VHNT Việt Bắc ở Thái Nguyên, đã sáng danh ở đất kinh kỳ bởi tài năng và phong cách độc đáo. Chị có vốn đọc, am hiểu văn chương hiếm có trong giới nghệ sĩ biểu diễn, là người chuyên tâm tìm kiếm kịch bản cho NH. Từ 1/8 vừa qua, chị về hưu, kịch Hà Nội vắng một nghệ sĩ tài năng xuất sắc.

Kịch Hà Nội rồi lại vắng thêm những tên tuổi nổi trội đặc biệt, những vẫn còn thế hệ: Minh Hòa, Thu Hà, Phú Thăng (con trai dịch giả lớn, nhà thơ Đoàn Phú Tứ); vẫn còn Trung Hiếu, Công Lý, Tiến Minh, Kiều Thanh, Thúy Hà, Tuấn Quang, Thanh Tùng, Thiện Tùng...

Vi Thùy Linh

Theo TT& VH
 Đăng ngày 09/08/2012

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan