Tuesday, October 6, 2015

Nửa ngày trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu

Bút kí - Xuân Đức



Chưa đến Nô en, chưa Đại hàn hay Đông chí, nhưng Hà Nội bất ngờ rét đậm, rất đậm. Cơn rét đầu mùa ập đến thô bạo khiến Hà Nội hầu như không kịp đối phó, người cũng như phố phường, cây cối bỗng dưng co dúm lại, xoa xuýt, thậm chí là run rẩy...

Một ngày giữa những ngày rét bất thần đó, tôi được bước qua cánh cổng màu xanh có tấm biển đề 30- phố Hoàng Diệu để vào bên trong khu vườn nơi có một Con Người đã gắn bó trọn cả cuộc đời binh nghiệp và không binh nghiệp cống hiến và ưu tư đến hơi thở cuối cùng vì sự nghiệp Cách mạng.
Ngày Đại tướng còn khỏe mạnh, còn làm việc, đương nhiên tôi không bao giờ có cơ hội được vào đây. Hôm Người mất, tôi cũng có chuyến công tác Hà Nội. Tôi đã đến đường Hoàng Diệu nơi những dòng người đang âm thậm xếp hàng lặng lẽ chờ để được bước vào bên trong cánh cổng này. Tôi đứng lặng nhìn dòng người và nhìn hút vào bên trong ngôi nhà..Tôi chỉ có thể đứng đó chừng 20 phút rồi đành quay về vì biết rằng người xếp hàng ở đây đã chờ từ chiều hôm trước, tôi sẽ chẳng thể có cơ hội bởi công việc của tôi đã được bố trí phải làm lúc 9 giờ rưỡi sáng hôm đó..Sau Quốc tang Đại tướng chừng nửa tháng, cả gia đình tôi ở Quảng Trị đã quyết định tổ chức một chuyến đi, ra thắp hương tại nhà lưu niệm Đại tướng ở Lệ Thủy rồi đi tiếp ra viếng mộ Người ở Vũng Chùa..Đã làm được những việc đó nhưng tôi vẫn thấy không yên lòng, vẫn ước ao có dịp nào đó được bước qua cánh cổng màu xanh 30- Hoàng Diệu để đặt chân vào cõi của Người. Ước thì ước vậy nhưng tự nhủ chẳng biết đến bao giờ. Ngờ đâu sáng nay, một sáng trong cái rét đầu mùa buốt thị da, ước mong của tôi đã toại nguyện.
Nhờ có liên hệ trước nên khi xe chở tôi dừng trước cổng thì đồng chí bảo vệ đã nhẹ nhàng hỏi, bác vào gặp bác Huyên phải không? Tôi chưa kịp đáp thì chuông điện thoại rung và giọng anh Huyên vang lên: Anh đến chưa, hẹn 9 rưỡi mà..
Tôi thật sự hồi hộp vội vã bước vào và không hiểu sao lại bước những bước chân thật nhẹ..Đúng là tôi cố bước thật nhẹ cứ như là bên trong Đại tướng đang ưu tư hoặc đang ngon giấc ngủ. Chợt nhớ câu thơ của Tố Hữu khi bước vào khu nhà sàn Bác Hồ: Anh dắt em vào cõi Bác xưa..Và tôi bất ngờ nhận ra, hình như trong khu vườn này có điều gì đó phảng phất cõi vườn của Bác.
Ngôi nhà Đại tướng, từ rất lâu rồi ai đi qua cái cổng 30- Hoàng Diệu cũng đều đã nhìn thấy. Tuy nhiên có lẽ ít ai biết được điều này, từ ngoài đường Hoàng Diệu nhìn vào là phía sau của nhà, cửa chính được mở từ phía ngược lại, bên trong vườn. Đấy là điều đầu tiên làm tôi ngạc nhiên..Bên cạnh ngôi nhà chính hai tầng gọn ghẽ, phía tay trái theo chiều từ cổng vào là một nếp nhà phụ trệt, đơn giản như nhà kho, xây thành hai đơn nguyên có hành lang nhỏ ở giữa..Đây là Văn phòng Đại tướng, gồm hai phòng làm việc của hai người thư kí gần gũi nhất của Đại tướng là anh Huyên và anh Huân, một phòng khác để tiếp những đoàn khách đông người ( còn khách riêng một hai người thì Đại tướng tiếp ở nhà trên). Một phòng đầu cùng là phòng cất giữ tất cả những vật lưu niệm. Bây giờ đã có thêm rất nhiều trướng, câu đối phúng viếng. Đi theo hành lang, rẽ trái tiếp thêm một khúc nữa là phòng ăn...Điều ngạc nhiên tiếp theo của tôi là các phòng này rất nhỏ, và vì vậy đồ đạc khó có thể sắp xếp gọn ghẽ được...Ngay cả phòng thờ chính của ngôi nhà trên cũng nhỏ. Đấy là căn phòng đầu tiên khi mở cánh cửa chính nơi gia đình Đại tướng ở. Bàn thờ Đại tướng giản dị đến không ngờ, bên trên đặt tấm ảnh thờ khổ nhỏ..Chỉ có bên bờ tường sát cạnh bàn thờ mới có bức chân dung tương đối lớn. Được thắp hương kính báo với Người công việc của mình sắp làm là một hạnh phúc. Rồi tôi hỏi anh Võ Hồng Nam, người con út của Đại tướng là có thể chụp ảnh kỉ niệm được không, Nam vui vẻ nói được. Không những thế, anh còn đích thân cầm điện thoại của tôi để chụp hình cho tôi. Tuy nhiện tôi không dám đứng trước bàn thờ Người mà chỉ đứng lệch qua bên tường nơi có tấm chân dung lớn. Thế cũng là hạnh phúc ngoài mong đợi rồi.
Chiều qua, lúc rời sân bay về chỗ nghỉ, tôi đã tranh thủ đọc một số tài liệu về Đại tướng mà các anh ở Hà Nội đã chuẩn bị sẵn cho công việc của tôi. Đa phần là những tư liệu đã được công bố chính thức trên báo chí hoặc xuất bản thành sách nhưng vì bấy lâu nay tôi không có điều kiện để xem hết được. Tôi đặc biệt chú ý đến một bài được cóp pi từ trong một cuốn sách của nhà văn nổi tiếng Sơn Tùng, một tác giả có rất nhiều tư liệu về Bác Hồ và Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên đoạn bút kí này không phải do Sơn Tùng viết mà là của nhà báo Cao Ngọc Thắng- phóng viên của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội. Bài viết có tựa đề: Một ngày bên Bác Văn. Tôi đặc biệt chú ý vì hai lẽ. Một là người viết sẽ kể trước cho tôi nghe đôi điều về ngôi nhà mà sáng mai tôi sẽ được đặt chân đến và tận mắt ngắm nhìn. Hai là, cáingày bên Bác Văn mà anh bạn phóng viên ấy kể là chuỗi ngày khó khăn nhất của Đại tướng sau khi sứ mệnh cầm binh đánh giặc của Người đã hoàn thành vẻ vang.  Đoạn ghi chép của Cao Ngọc Thắng kể lại buổi được Đại Tướng tiếp tại nhà riêng. Hôm đó có hai khách văn. Cao Ngọc Thắng và nhà văn Sơn Tùng. Phóng viên kể, ( xin được vắn tắt) sau buổi làm việc  đến gần 12 giờ thì Đại tướng dừng việc, tắt máy ghi âm rồi tươi cười mời cả hai khách văn dùng cơm trưa với gia đình. Đại tướng nhắc đi nhắc lại rằng, đây là cơm gia đình do đích thân nhà tôi- Giáo sư Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng- nấu. Nhà văn Sơn Tùng vô cùng xúc động vì là lần đầu tiên được ngồi dùng cơm với vị Tổng Tư lệnh huyền thoại..Bản thân phóng viên Thắng cũng có cùng cảm xúc như vậy. Nhưng điều làm cho phóng viên Cao Đức Thắng bất ngờ đến ngẩn ngơ chính là việc, nhờ được mời ở lại dùng cơm mà anh đã tận mắt chứng kiến cái cơ sở vật chất dành cho người Anh Cả quân đội, vị Đại tướng-Tổng Tư lệnh mà cả dân tộc tôn thờ và nhân loại toàn cầu vô cùng khâm phục. Xin phép Cao Đức Thắng cho tôi trích ra đây một đoạn nguyên văn để bạn đọc bài viết này cùng được thấu hiểu.
" Bác Văn trở ra và dẫn nhà văn Sơn Tùng vào bên trong. Một lúc sau tôi theo bác Văn đi qua một căn phòng để tới nhà vệ sinh. Tôi bước vào, ánh sáng ngọn đèn điện công suất thấp chỉ đủ để nhận ra các thiết bị vệ sinh đã cũ mèm, lớp men tráng đã tróc nham nhở, dụng cụ bằng sắt thì hoen rỉ, không còn nhận ra chiếc vòi hoa sen vì đã mất bộ phận " hoa sen", chỉ còn trơ cục sắt gá vào bức tường ngả màu thẫm do ẩm lâu ngày. Tôi với tay nắm đoạn dây và giật, tiếng va chạm vang lên khô khốc, tịnh không có nước chảy xuống bệ xí. Hóa ra nó đã hỏng...Từ trong phòng vệ sinh bước ra. Tôi giật mình khi nhìn thấy bác Văn đã đứng chờ, tôi lúng túng đỡ gáo nước từ tay bác..Bác Văn chờ tôi dội xong gáo nước, lại dẫn tôi tới bên vòi nước để rửa tay. Nước từ chiếc vòi chảy ra không mạnh lắm. Tôi tiếp tục ngỡ ngàng đón nhận chiếc khăn mặt bác Văn đưa cho để lau tay..."
Xin được nhắc lại, bài viết của phóng viên Cao Đức Thắng là một trong hai bút kí được nhà văn Sơn Tùng chọn in vào phần cuối tập thơ của mình có tựa đề: Gửi em chiếc nón bài thơ xứ nghệNhà xuất bản Hội Nhà văn- năm 2013.
Trong khi nói chuyện với tôi, anh Huyên cũng có kể một chi tiết. Vào những năm tháng đó, có lần anh Huyên phải báo cáo với cơ quan quản lí xin trang cấp cho anh Văn một chiếc tủ đựng áo quần vì quần áo của anh Văn đều phải treo móc dưới gầm cầu thang...
Vào những năm tháng đó...Suốt buổi sáng tiếp chuyện tôi, ai trong ngôi nhà này khi kể chuyện về đời sống giản dị, thanh bạch của Đại tướng đều mở đầu bằng câu ấy. Tôi tự hiểu, năm tháng ấy là những năm rất khó khăn của đất nước, và đương nhiên cũng là những ngày tháng ngặt nghèo nhất của vị Tổng tư lệnh khi đã trở về sống trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu này. Trong mấy người con của Đại tướng, có lẽ cậu con út Võ Hoàng Nam là người hưởng trọn vẹn nhất chuỗi ngày được gọi là những năm tháng ấy. Có lẽ vì thế nên lần đầu được gặp mặt, tôi lại bất ngờ trước dáng vóc nhỏ bé, có phần mảnh mai mặc dù sáng nay anh Nam đã choàng vào người những bộ áo khoác dày để chống rét. Dáng người hơi gầy, giọng nói lại nhỏ nhẹ, khiêm nhường..Chỉ có ánh mắt là rất lung linh và nụ cười đầy thiện cảm. Hình như thần khí của người cha đã được truyền vào ánh mắt và nụ cười ấy. Tôi lại nhớ đến một đoạn tâm sự trên báo Tuổi trẻ của anh Nam sau khi Đại tướng qua đời. Võ Hồng Nam nói: Trong những năm tháng khó khăn nhất ba tôi vẫn chơi đàn và nói với mẹ tôi: cùng lắm chúng ta có thể dịch sách và đi dạy để sống. ( Báo Tuổi trẻ 5/10/2013).
Tôi không thể chiếm thì giờ của những người trong ngôi nhà 30-Hoàng Diệu lâu hơn nữa. Gần 12 giờ trưa, tôi bần thần bước ra khỏi phòng làm việc, luyến tiếc đảo mắt nhìn khắp khu vườn. Vườn của Đại tướng khá rộng, cây được trồng nhiều, tuy nhiên cũng không thật sự được coi là khu vườn cây cảnh sành điệu như cách chơi của những nghệ nhân chuyên nghiệp. Hơn nữa đã vào giữa ngày đông, lại thêm cái rét đột ngột kéo dài nhiều ngày nên khu vườn không còn vẻ xanh tươi như nó vốn có thể có. Chỉ duy nhất là những thềm cỏ phía mặt đường Hoàng Diệu ( tức là phía sau nhà) và những mép cỏ lăn tăn dọc hai bên những lối đi lát gạch là vẫn giữ nguyên cái màu xanh đầy sinh lực. Hóa ra, cỏ mới là thứ tiềm tàng sức sống nhất. Cả không gian của khu vườn lẫn ngôi nhà toát lên vẻ trầm mặc, tĩnh lặng đặc biệt, nó gợi cho người ta cảm giác rằng nơi đây đang ẩn chứa vô vàn những tâm sự sâu xa mà người đời sau rất khó có ai có thể thấu hiểu hết. Tôi lại chợt nhớ đến một bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Hồn Việt cách đây không lâu. Tổng Bí thư nói, đại ý, Đại tướng thì cũng là một con người, cũng có vui, có buồn, có thăng có trầm như mọi kiếp nhân sinh. Cho nên lập một bảo tàng Võ Nguyên Giáp không quan trọng bằng việc cần có một Ngành Võ Nguyên Giáp học...
Được biết, một thời gian nữa, gia đình Đại tướng sẽ rời ngôi nhà 30-Hoàng Diệu về ở một chỗ khác. Lúc đó, ngôi nhà có cánh cổng màu xanh này có thể trở thành nhà lưu niệm hay Bảo tàng Võ Nguyên Giáp? Tôi nghĩ, dù cõi này được định danh là gì thì tự nó, tổng thể cả một khu vườn-nhà trầm mặc, đến từng lối nhỏ trong hành lang, từng cánh cửa, mỗi căn phòng, thậm chí đến phòng ăn hay phòng vệ sinh như nhà báo Cao Đức Thăng đã miêu tả, đều có thể giúp cho người đời sau những thông điệp quý giá về cuộc sống, nhân cách, và cả những hơi thở thâm trầm trong giấc ngủ từng đêm của một Con Người, một Vĩ Nhân, và nói như cách nói của Tổng Bí thư là một kiếp nhân sinh.

Hà Nội- Quảng Trị.
Mùa Giáng sinh 2013.



 Đăng ngày 25/12/2013

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan