Tuesday, October 6, 2015

Nước Mỹ ư ? Người Mỹ ơi !



Tác giả: Xuân Đức

xuanduc.vn : Bạn TM có Mail tới hỏi tôi về cảm xúc và vài nhận xét gì đó trong chuyến qua Mỹ. Tôi đoán bạn đang chuẩn bị cho một chuyến đi qua đó , đúng không ? Nếu vậy, chúc bạn có một chuyến đi thật vui vẻ và nhiều cảm xúc. Còn tôi, chuyến đi cũng đã lâu rôì. Hiện giờ tôi rất ngại đi và cũng ngại nhớ lại những chuyến đi quá ư vất vả. Tôi xin đăng lại bài viết dạo đó, đã đăng trên Cửa Việt 2 số và trên báo Quảng Trị 3 số. Coi như là quà riêng của tôi tăng bạn nhé .

   Nước Mỹ ư ? Người Mỹ ơi !
  * Cảnh sắc nước Mỹ : lá và cỏ.
      
Tôi không biết cảm xúc đầu tiên của những người lính Hoa kỳ hơn 40 năm trước khi họ đạt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Đà Nẵng hay Cam Ranh là thế nào, họ đã thốt lên câu gì đầu tiên về đất nước Việt Nam khi  bị thả ngập vào những vùng sông nước mênh mông của đồng bằng sông Cửu Long, hay trập trùng đèo dốc đồi núi của Khe Sanh, đường Chín ?Còn tôi, một cựu chiến binh Việt Nam, 25 năm khoác binh phục, 10 năm cầm súng trực tiếp đánh Mỹ, nay đang bay trên không gian hoà bình, từ độ cao 10 ngàn mét hạ dần xuống để nhìn giang sơn nước Mỹ, tôi chợt nhớ đến tập thơ " Lá cỏ" của Uýtman ( Oan Huytman), một thi nhân nổi loạn thời cận đại và được coi là đại diên lỗi lạc nhất của nền thơ ca nước Mỹ. Cỏ! Giang sơn của cỏ. Thơ ngây và trinh nguyên nhất là cỏ. Thực thà và gần gủi nhất cũng là cỏ...Là nước Mỹ đấy ư ?
     Dừng chân chờ ở sân bay Dalat của bang Tezax cả hai lần đi và về ngót nghét 8 giờ, một thời gian quá dài nhưng chẳng thể sờ tay xuống được mặt đất của xứ cao bồi. Tôi chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương ngài Tổng thống Buts là một vùng mênh mông lợp xanh màu cỏ. Từ trên máy bay nhìn xuống, không có cách miêu tả nào đúng hơn là tấm thảm hào hoa được thêu dệt kĩ càng và đầy tính kỉ luật. Trên mặt thảm hùng vĩ ấy, từng thành phố, từng khu định cư được hoạch định bằng một hệ thống giao thông vuông vức đến kinh ngạc. Tôi bâng khuâng tự hỏi, không biết từ trong bát ngát những ô cỏ đó, tư tưởng tự do của thi nhân Uytman vĩ đại khuất lấp chỗ nào, và có phải chính nơi đó đã vọng lên điệu nhạc đồng quê kì diệu của nước Mỹ ? Tôi thầm thì một mình câu thơ đầy số phận của Uytman : " "Tôi kí thác tôi cho bùn đất để tái sinh từ ngọn cỏ tôi yêu / Bạn muốn gặp lại tôi hãy tìm dưới đế giày của bạn..
     
...Thành phố Pitsbơt ( Pittsburgh) thuộc bang Pesovainia ( Pennsylvania ) là nơi chúng tôi phải dừng lại để thực hiện những nhiệm vụ đầu tiên của chuyến công tác. Một thành phố nhỏ nhắn nên thơ như Đà Lạt của Việt Nam. Không gian Pitsbơt được hoạch định bằng một ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Monohaghela và dòng Anlegheny thành con sông lớn Ôhaiô ( Ohio). Một bên là vùng đất phẳng đẩy ngược lên trời những toà cao ốc lộng lẫy, một bên là sườn đồi cao gần như thẳng đứng, cây cỏ xanh mượt và trên lưng nó là trập trùng biệt thự. Cách đây chừng 25 năm về trước, đây là vùng công nghiệp nổi tiếng và cũng là vựa than của nước Mỹ. Người dân ở đây kể rằng, vào những năm tháng đó, ngày cũng như đêm, cả Pitsbơt ngập chìm trong bụi. Rồi người dân không chịu dược, họ đã vùng lên đòi quyền được hít thở. Chính phủ Mỹ và chính quyền bang đã phải ra tay. Các nhà sản xuất thép buộc phải di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, nghe nói nhiều nhất là Trung Quốc. Bây giờ thì Pitsbơt là khu du lịch sinh thái trong lành tuỵêt vời, là một đô thị có dòng sông lớn thứ hai của nước Mỹ đi qua. Với một ngã ba sông như vậy, thành phố Pitsbơt chỉ gọn ghẽ như một thị trấn nhưng lại có tới 700 chiếc cầu, trong đó có 50 cầu lớn tương đương như cầu sông Hàn, sông Gianh của ta. Mỗi chiếc cầu lại có một vẻ kiều diễm khác nhau tạo nên một bản hoà tấu kiến trúc đa thanh, đa tầng. Nhìn tổng thể không gian kiến trúc Pitsbơt, thật khó nhận ra cái mà ta hay gọi là bản sắc ? Là già hay trẻ, Âu hay Mỹ ? Đó cũng là cái rất riêng của Văn hoá kiểu Mỹ. Từ những khu cao ốc liền kề nhau nằm ở khuôn đất tam giác chật hẹp kẹp giữa hai con sông lớn, bên thềm nó là tua tủa những chiếc cầu với đủ các dáng hình : cầu vồng, cầu giây treo, cầu gắn cổng chào hai đầu kiểu Khải hoàn môn..v..v.. Đối xứng với tất cả những thứ ấy , phía bờ bên kia của những con sông là cây, cỏ, hoa lá và những dãy biệt thự thấp thoáng chất bắc Âu. Thực ra, Pitsbơt là một thành phố cổ được đặt theo tên một vị Thủ tướng Anh xa xưa : Uyliam Pits ( William Pitts ). Như vậy, cả trong máu thịt lẫn hình hài cốt cách, Pitsbơt là đứa con của chủ nghĩa thưc dân cũ. Tuy nhiên giờ đây nó đã là rất Mỹ, kiểu cách Mỹ, hơi thở Mỹ và muôn vàn hoa cỏ Mỹ...
      Cỏ là bản sắc của tự nhiên. Nhưng để có một màu cỏ lợp dày đất nước như kiểu Mỹ thì tôi không tin cứ tự nhiên mà có. Chăk Sacy(Chuck Seacy) người cựu chiến binh Mỹ nay đang đồng hành với tôi trong một chuyến đi về Mỹ, tâm sự: Người dân Pitsbơt đã trả giá cho sự đại phát triển quá lâu. Tuy nhiên họ đã hồi tỉnh, và quan trọng hơn họ đã biết cách sửa chũa sai lầm. Theo Chăk, cả nền kinh tế Mỹ, cả nước Mỹ đều đã trả giá và đã bừng tỉnh. Bây giờ sẽ đến lượt Trung Quốc... hay bất kỳ mọi quốc gia đang phát triển nào, coi chừng rồi cũng sẽ trả giá! Nói xong, Chăk chép miệng (anh ta rất hay có động tác này) rồi thở dài, kết luận: Với kinh tế, chẳng ai dám nói chắc một điều gì! Lại chép miệng một cái nữa rồi cười rất hiền. Chăk là thế. Tôi biết anh cố tình không kể tên Việt Nam trong cái mớ tên Quốc gia mà anh bảo coi chừng trả giá. Nhưng tôi hiểu người bạn đồng hành cùng tuổi 60 và cực kỳ tốt bụng ấy muốn gửi cho tôi thông điệp gì!
      Nước Mỹ có 50 bang. Cả chuyến đi này của tôi ít nhất cũng được mục kích tận mắt 4 bang. Từ thủ đô Oa sinh tơn (Washington DC) ra bang vơginia (virginia- ngoại vi Oa sinh tơn), từ Pensovainia về Tezax, đâu đâu cũng ngợp mắt vì cây cỏ. Ngay giữa nội quận Oa sinh tơn có các đoạn đường phố chui qua các tán cây rậm rịt như đi đường Trường Sơn. Cỏ trên đất Mỹ, với người Mỹ đương nhiên là cỏ nội, nhưng với ta đó là thứ cỏ ngoại, lá nhỏ, mịn, lúc nào cũng ép chặt mình xuống đất chứ không bờm xờm ngông nghênh như cỏ may xứ ta. Loại cỏ ấy ở Việt Nam chỉ nhìn thấy ở một vài sân vườn của khách sạn loại sang, hoặc trong vườn riêng của vài vị trưởng giả. Tôi có thể tóm tắt "cơ cấu" không gian nước Mỹ như sau: Nhà, sân, đường, lề đường, các bãi đỗ xe thuộc về xi măng. Còn lại, tất tật là cây và cỏ. Cỏ lợp kín tất cả những khoanh đất trống, những thềm ta-luy, mặt đồi, vệ đường, sân chơi... Nếu đứng trên ban-công một cao ốc mà nhìn thành phố, hay ngồi ô tô lướt ra vùng ngoại ô, hoặc trên máy bay khi hạ độ cao nhìn xuống, tất cả cứ như những sân gôn nối tiếp nhau, tất cả là cỏ mượt.
      Nếu ai hỏi tôi một câu ngắn gọn: Đi Mỹ về, anh có thèm muốn gì ở nước Mỹ không? Tôi trả lời ngay, có. Lại hỏi, là gì vậy? Tôi nó luôn: Là cỏ! 


         Thành phố Pittsburgh

* Robot-chủ nghĩa tự động học và lập trình tính cách Mỹ
       
Chuyến đi này của tôi theo lời mời của Bộ Quốc phòng Mỹ và với sự tài trợ của Quỹ tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam(VVMF) có hai nội dung công việc phải làm. Một là, tham dự Hội thảo khoa học các nhóm Tự động học của Mỹ về thành tựu và ứng dụng công nghệ tự động, người máy vào mục đích quân sự trong chiến tranh, trong cuộc chiến chống khủng bố, sẽ tham quan triển lãm, thao diễn các robot đó tại thành phố Pitsbơt, nơi có trường đại học về công nghệ robot và cũng là trung tâm lớn nhất của Mỹ về loại công nghệ này. Ý đồ của chủ nhà đối với đoàn khách Quảng Trị là quảng bá những công nghệ mới nhất về Tự động học để chúng tôi có thể lựa chọn đưa vào trong nguồn viện trợ của các tổ chức Mỹ cho công việc phá hủy các chất liệu nổ ở Việt Nam. Việc thứ hai là do sự sắp xếp của Bộ Quốc phòng và VVMF,chúng tôi về Oa sinh tơn tiếp xúc với một số Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ để cùng VVMF vận động chính phủ Mỹ tiếp tục viện trợ cho việc mở rộng dự án Renew tại Quảng Trị... Với công việc thứ hai, chắc chắn tôi sẽ hoàn thành tốt vì tôi là người làm thông tin tuyên truyền. nhưng với việc thứ nhất thì...
       Dự hội thảo khoa học về công nghệ tự động của các nhà khoa học Mỹ. ngay trên đất Mỹ, đối với một người tuyệt nhiên không có một sợi năng khiếu và chút kiến thức gì về chuyện đó, ô hô, thử hỏi có gì tếu bằng. Nhưng tếu hơn là, vì phép lịch sự của khách mời mà suốt cả 2 ngày ròng rã, tôi, và cả Phôi, Hùng-là những cộng sự đồng hành với tôi, đều ngồi chăm chú, có khi cặm cụi ghi chép, có khi lại đưa ca-me-ra lên quay  vội những hình ảnh thao diễn trên màn chiếu, hay những số liệu cập nhật ngân sách cho từng công trình "!".. Hẳn các nhà khoa học Mỹ sẽ phải ngạc nhiên khi thấy tôi ngồi rất thoải mái, thỉnh thoảng còn tủm tỉm cười. cho dù họ có cài một con  " chíp" vào gáy tôi cũng khó mà biết được rằng, suốt những buổi đó tôi đang tự tưởng tượng ra những đoạn phim viễn tưởng. Nhưng như vậy cũng chưa phải là cao điểm của sự hài hước. Một tiến sĩ đang trình bày các công nghệ tự động trong công tác cứu thương ở mặt trận. Đại để thế này. Người ta đeo vào cổ tay người lính một thiết bị như một chiếc đồng hồ để phát tính hiệu cấp cứu (Cứ hình dung tính năng của chúng như loại cây nhiệt đới trên hàng rào điện tử Macnamara). Khi bị thương, anh ta chỉ cần ấn nút trên đó, thiết bị phát ra tín hiệu, một Robot tự động chạy đến xác định vị trí, thể trạng người bị thương rồi lại truyền tính hiệu về cho một xe cứu thương không người lái. Xe cứu thương tự động chạy đến, tự động mở cửa và đưa cáng xuống, lại tự động ngoạm người bị thương đưa lên xe rồi tự động quay về... Vân vân và vân vân nữa. Có thể nói, những hình ảnh thao tác của thiết bị được trình chiếu trên màn hình chuẩn xác và tài tình như cảnh phim viễn tưởng. Nhưng khi "nhà khoa học" không biết gì-là tôi đặt câu hỏi với nhà khoa học thực thụ ngồi bên cạnh: thưa giáo sư, tôi có 4 ý rất nhỏ chưa hiểu được mong giáo sư giải thích, một là nếu người bị thương cụt văng mất cái tay đeo thiết bị định vị , hai là bị ngất hoặc choáng, hoặc bị chấn thương não không còn ý thức để ấn nút, hoặc bị chết ngay tức thì, cuối cùng là nếu cái robot kia khi đang xăm xăm chạy đến thì trúng đạn pháo bay mất tiêu thì phải làm thế nào? Người giáo sư quay lại nhìn tôi, mắt ông mở to ra khiến thôi phát hoảng. Tôi vội nói lời xin lỗi rồi kiếm cớ đi lấy cà-phê, chuồn thẳng. Có lẽ đến giờ phút ấy các nhà khoa học tự động Mỹ mới thật sự ngạc nhiên và đặt câu hỏi, không biết Bộ Quốc phòng Mỹ mời cái loại người không biết gì về tự động học kiểu Mỹ đến đây để làm gì?
       Ngay khi chưa lên máy bay qua Mỹ tôi đã cảm nhận được sự trớ trêu vì phải dự cái hội thảo khoa học này. Tuy nhiên tôi vẫn rất háo hức. Bởi tôi chợt nhớ tới câu nói của nhà văn nổi tiếng thế giới theo chủ nghĩa hiện sinh Giăng-pôn-Sác, khi được đến nước Mỹ về đã thốt lên: Tôi không biết rồi đây người Mỹ sẽ dùng hai bàn tay để làm gì? Xin được nhắc lại rằng đây là một nhà văn nổi tiếng vào bậc nhất thế giới theo trường phái hiện sinh, một đại trí thức đang sống trong một quốc gia thuộc nhóm phát triển nhất thế giới, chứ không phải là một nông dân Việt Nam hay một nước kém phát triển nào. Và cái câu sửng sốt của Giăng-pôn-Sác trước nền công nghệ tự động của Hoa Kỳ cách đây cũng đã gần nửa thế kỷ rồi. Cho nên chuyến đi này, cho dù tôi chẳng hiểu gì về tự động học thì ít ra cũng để xem xem hiện nay hai bàn tay thừa thải của người Mỹ dùng vào việc gì?
      Trở lại với những câu chuyện hài hứơc của đoàn chúng tôi trong hai ngày tiếp xúc với các nhà khoa học hàng đầu nước Mỹ về tự động học. Cuối giờ chiếu ngày thứ nhất người ta cố tình mời riêng đoàn khách đặc biệt Việt Nam đi xem triển lãm trình diễn robot. Cuộc triển lãm được tổ chức ngoài trời, trên một đoạn đại lộ cạnh trung tâm liên hợp văn hóa-thể thao của thành phố Pitsbơt. Không đông đúc gì lắm, nhưng cũng rất vui, đại để cái không khí gần giống như ở một chợ trời nhưng không có nhiều hàng hoá. Ước có khoảng vài chục loại robot. Tuy nhiên chúng tôi chỉ chú ý nhiều vào loại người máy đước sử dụng cho việc tiến vào hiện trường gắp một vật liệu nổ đem ra ngoài. Con robot này to bằng chiếc xe cút kít của nông dân Việt Nam. Nó có một cánh tay vươn ra và bàn tay như một gọng kìm để gắp vật liệu nổ. Phôi và Hùng là hai cán bộ điều phối viên của các dự án rà phá bom mìn ở Quảng Trị cho nên đương nhiên là hỏi khá cặn kẽ về khả năng của người máy này. Phôi có vẻ thú vị lắm, và để tăng thêm niềm tin vào công nghệ tự động, Phôi đã rút chiếc ví sau túi ra ném xuống đất và lệnh cho Người máy gắp lên. Tôi cũng không kìm nén được sự tò mò vội xán lại gần. Ở trên thềm đường, nhà sáng chế đang lập trình vào máy tính, sau một phút, bắt đầu phát lệnh cho robot tiến vào... Tất cả chúng tôi đều hồi hộp theo giõi. Người máy tiến thẳng vào vị trí chiếc ví, rất chính xác, cánh tay hạ xuống cũng chính xác, bàn tay gọng kìm mở ra và chụp xuống cũng không có gì phải bàn.. Tuy nhiên, đến đây thì có vấn đề. Bàn tay robot không sao nắm được chiếc ví. Một lần, hai lần, ba lần rồi năm sáu lần, chiếc ví của Phôi vẫn nằm nguyên trên đường. Phôi quay lại nhà sáng chế cau có: Làm sao đấy ông? Ông ta còn nhăn nhó hơn cả vị khách Việt Nam - Chẳng sao cả, chẳng qua nó bị yếu pin thôi. Để làm vui lòng chủ nhà, Phôi cười  rất tươi rồi xòe bàn tay ra, nói: cái này vẫn nhanh và chính xác hơn. Chiếc ví nằm gọn trong tay Phôi và lại được cất vào túi. Dẫu sao với tôi cuộc xem triển lãm này cũng hữu ích. Tôi đã tạm rút ra được kết luận thứ nhất, bàn tay người Mỹ có lẽ vẫn còn cần để dự phòng khi công nghệ tự động học yếu pin!!
        Đúng là tôi không có chút kiến thức gì về công nghệ tự động học. Nhưng tôi vẫn dám liều mạng để nói rằng, về vấn đề này, hay ít nhất là về việc ứng dụng công nghệ này trong kỹ thuật quân sự phục vụ chiến tranh thì Mỹ là nước đứng đầu. Cứ nhìn vào cách thức tiến công từ xa, tấn công phủ đầu của Mỹ trong cuộc tập kích vào liên bang Nam Tư hay tiêu diệt Taliban ở Áp-ga-stan là có thể hình dung được. Lại có dịp để nhớ về câu chuyện huyền thoại- ít nhất là về lí thuyết- của cái hàng rào điện tử Macnamra cách đây đã hơn 35 năm. Hồi đó chúng ta hầu như không có ai có điều kiện xem phim khoa học viễn tưởng Mỹ, nếu không thì đã liệt cái học thuyết tự động điện tử này vào loại ý tưởng kịch bản điện ảnh hay nhất của Ho-li-út. Lại nhớ đến những cuộc tập kích như bão táp của không lực Hoa Kỳ, của pháo mặt đất, của pháo hạm đội vào Vĩnh Linh hay chiến trường Khu  Bốn hoặc trên đường mòn Trường Sơn. Không thể phủ nhận được sự khủng khiếp của những cơn bão lửa đó. Nhưng với ý tưởng là đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá thì quả thật cũng không khác gì hình ảnh con robot gắp chiếc ví mà tôi mới kể ở trên. Vấn đề không phải ở chỗ "yếu pin" hay nói một cách khái quát hơn, là không phải ở kỹ thụât của máy móc. Vấn đề ở cách tư duy của người lập trình. Nhà khoa học Mỹ đã tròn mắt ra nhìn tôi khi tôi mạo muội nêu lên 4 câu hỏi về câu chuyện bị thương của người lính trên chiến trường. Nếu tôi không vội chuồn đi thì hẳn đã nghe ông ta giả thích: Anh bạn thiếu kiến thức khoa học ơi, đây la lĩnh vực công nghệ cao, là câu chuyện của những kỹ thuật siêu việt chứ không phải là vịêc mày mò của loài bò sát! Có thể tôi đang ở cấp độ của loài bò sát, nhưng tôi vẫn có quyền hỏi các nhà tự động học siêu việt, rằng vì sao người Mỹ đã tính rất kĩ diện tích vùng sẽ ném bom hủy diệt, lại có thông số rất chính xác về sức công phá của mỗi tấn bom, trên cơ sở hai dữ liệu đó để đưa ra một lượng bom đạn có dư để làm cho đất đai Việt Nam không thể tồn tại sự sống. Thế mà... kết cục thế nào thì các nhà khoa học Mỹ đã rõ.
      Thưa Giăng-Pôn-Sác, xin thông báo lại với nhà văn rằng, với cách quan sát của loại người trần mắt thịt tôi đây thì, xét về khả năng của công nghệ tự động, nước Mỹ đã tiến xa so với thời ông đến Mỹ có lẽ phải tới hàng ngàn lần. Nhưng cách tư duy để lập trình cho công nghệ đó, chỉ xin nói rất khẽ cho riêng ông nghe thôi, tôi lại thấy họ chưa tiến bộ gì nhiều. Cho nên theo tôi , trong thời gian tới, người Mỹ vẫn cần tới đôi tay chủ yếu là để lập trình. Không phải là để gõ trên bàn phím như tôi đang làm bây giờ đâu. Công nghệ thông tin đã cho ra đời loại máy tính không cần gõ hoặc điều khiển con chuột. chỉ cần một ngón tay để chỉ, rồi cả đến một ngón tay thôi cũng không cần, chỉ cần nói vào hoặc chỉ cần suy nghĩ là máy tính tự nó biết sẽ phải làm gì. Cái sự cần bàn tay để lập trình mà tôi vừa nói chủ yếu là để... gãi tóc.
      Cũng có thể như dân gian mình vẫn nói "điếc không sợ súng", tôi là người thiếu kiến thức khoa học nên chưa biết sợ các loại công nghệ tự động ứng dụng cho chiến tranh. Nhưng với cách  thức lập trình của người Mỹ cho cuộc sông hiện đại và cho công việc thì tôi thật sự hãi hùng. chỉ xin kể ra đây một ví dụ.
     Sau hai ngày phải làm "nhà khoa học bất đắc dĩ" ở Pitsbơt, tối hôm đó chúng tôi nhận được một tờ chương trình cho công việc ngày mai, ngày kia ở Oa-sinh-tơn. Chủ nhà đã "lập trình" sẵn cho chúng tôi cực kỳ chuẩn xác đến từng phút và từng chi tiết sinh hoạt, đến mức nếu chúng tôi để sai lệch đi một chi tiết nào trong đó, đều có thể dẫn đến sự đổ vỡ kế hoạch công việc, thậm chí còn phương hại đến ngoại giao và chính trị! Cụ thể là thế này. Sáng mai chúng tôi phải rời khách sạn lúc 6 giờ (mà 7 giờ các quầy dịch vụ ăn uống mới mở cửa), có nghĩa là sẽ không ăn uống gì, phải mặc sẵn com-lê cavat lên máy bay, có nghĩa là đến Oa-sinh-tơn không có thời gian bố trí cho chúng tôi thay áo quần. Người ta cũng đã ghi sẵn số phòng khách sạn ở Oa-sinh-tơn, thậm chí đã bố trí một phòng đặc biệt cho tôi để hút thuốc trong phòng.(Họ đã biết trước tôi hút thuốc và ở khách sạn tại Pitsbơt suýt nữa tôi bị phạt vì thói quen xấu này, chuyện này xin được kể vào phần sau). Trở lại với tờ "lập trình" công việc, người ta ghi rõ từng giờ, thậm chí từng 30 phút một, công việc hai ngày ở Oa-sinh-tơn, chúng tôi sẽ phải tiếp xúc với ban lãnh đạoVVMF, gặp 11 vị đại biểu cả hai viện trong các toà nhà của Quốc hội Mỹ (cụ thể là 7 hạ nghị sĩ và 4 thượng nghị sĩ), mỗi một vị sẽ tiếp xúc 30 phút, cộng thêm thời gian đi đến chỗ của họ 30 phút nữa vị chi mỗi ngài đúng một tiếng. Tôi không muốn làm mất thì giờ bạn đọc vào những công việc cụ thể này, cái tôi cần kể ở đây là sự hãi hùng của tôi, một vị trưởng đoàn sứ giả Quảng Trị đi thuyết khách cho nguồn viện trợ dự án, trước cách "lập trình" công việc của những người Mỹ, những người theo chủ nghĩa thực dụng điển hình thế giới. Sự thể đã diễn ra như sau. 6 giờ (không ăn uống gì) gọi taxi ra sân bay, làm thủ tục và chờ đợi đến 8 giờ 30 thì bay về Oa-sinh-tơn gần 9 giờ, không được về khách sạn mà đến thẳng trụ sở của VVMF, bỏ tạm hành lý xuống đó. Cuộc hội đàm diễm ra ngay tức thì. Nội dung chủ yếu là chúng tôi - cả Việt Nam và VVMF- phân công nhau ai sẽ nói gì khi vào gặp các vị nghị sĩ. Xong, lên đường ngay. Đi taxi đến khu nhà Quốc hội thì bắt đầu đi bộ. Thượng nghị viện Mỹ có đến 3 toà nhà, Hạ nghị viện cũng vậy. Mười một vị mà chúng tôi phải gặp lại làm việc trong nhiều toà nhà khác. Thành ra phải đi bộ. Từ chỗ ngài nọ đến chỗ ngài kia quả thật xấp xỉ 30 phút. người lập trình mới chính xác làm sao! Từ 10 giờ trưa đến 5 giờ chiều, chẵn chòi 7 tiếng đồng hồ, chúng tôi vừa đi , vừa chạy cho kịp giờ, vừa tiếp xúc trao đổi với 7 vị, đúng y chang kế hoạch. Còn bốn vị nữa là của 4 giờ ngày mai, từ 10 giờ đến 2 giờ chiều. Hơn 5 rưỡi chiều ngày  "thử thách" đầu tiên, chúng tôi mới về được trụ sở VVMF lấy đồ đạc. Đúng 6 giờ thì bò vào được cái phòng ngủ khách sạn 5 sao. Tôi không ngạc nhiên chút nào khi thấy ngay trên bàn có sẵn không phải một mà là hai chiếc gạt tàn thuốc. Trong phòng vệ sinh thêm một cái nữa.(Xin lưu ý ở Mỹ hút thuốc trong phòng ngủ khach sạn sẽ bị phạt 50 đô, vi phạm lần thứ hai sẽ báo cho nhà chức trách bắt tống giam. Mà Mỹ đã nói là làm chứ không thích đùa như ta đâu). Tôi đã được báo trước là sẽ được hút thuốc trong phòng này thoải mái, vì tất cả đã được "lập trình" từ trước rồi. Tuy nhiên vào lúc này tôi không còn sức để hút nữa. Tôi bị sưng phế quản và sốt. Tôi nằm vật xuống chiếc đệm dày của phòng ngủ 5 sao và tự càu nhàu một mình: có lẽ có con vi rút nào đó chui vào máy của nhà lập trình rồi. Cái gì cũng chính xác, cái gì cũng đã được tính trước, kể cả nhu cầu hút thuốc lá của tôi, thế tại sao lại để sót chi tiết này: Cả ngày từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, từ Pitsbơt về Oa-sinh-tơn rồi lặn lội trong mấy toà nhà Quốc hội Mỹ, chúng tôi ăn uống vào lúc nào? 
      * Quốc hội, luật pháp và những nghị sĩ
       
Tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô Oa-sinh-tơn và được bao bọc bởi những dãy phố rợp bóng cây xanh là một toà nhà lộng lẫy kiến trúc theo kiểu cung điện có vòm lớn hình củ hành với chóp nhọn chọc thẳng lên trời. Chính cái "củ hành" khổng lồ này là biểu tượng quyền uy và vẽ đẹp nước Mỹ. Bên phải vòm tròn cung điện ấy (nhìn từ ngoài vào) là toà Thượng viện. Bên trái là Hạ viện. Tuy nhiên như đã nói, Quốc hội Mỹ không phải chỉ có chừng ấy nhà. Đoàn chúng tôi không đi hết các toà nhà ấy. Chúng tôi phải gặp cả thảy là 11 vị Nghị sĩ nhưng quay lui quay tới cũng chỉ 2 tòa Thượng viện và 2 tòa Hạ viện.
     Bên ngoài từng toà nhà có khác nhau, nhưng bên trong thì tất cả cùng một kiểu kiến trúc. Một lối chính đi vào, qua cửa kiểm tra an ninh bằng các thiết bị dò xét kim loại như kiểu đi vào sân bay. Qua khỏi chỗ đó là một sảnh lớn hình tròn, úp lên nó là một vòm cao lồng lộng được trang trí thật tráng lệ. Từ sảnh lớn ấy chia ra rất nhiều hành lang xòe đi khắp nhà, lại có thang máy xuống tầng hầm và lên các tầng trên. Hành lang đi bộ chỉ rộng khoảng 4 mét, hai bên là cửa để đi vào các phòng làm việc của các Nghị sĩ. Trước cửa mỗi phòng cắm hai lá cờ: một cờ nước Mỹ, một cờ của bang ông Nghị sĩ. Văn phòng của một Nghị sĩ rất chật chội, ngoài cùng là chỗ ngồi của 2 nhân viên kiểu văn thư hành chính, phòng liền đó là Thư kí và trợ lí pháp luật. Đến đó mới có cánh cửa để ngăn cách với phòng ông Nghị.
      Có gì lạ trong tòa nhà Quốc hội Mỹ?
      Theo tôi, có rất nhiều chuyện lạ. Đương nhiên, nói lạ là lạ với cách nghĩ của tôi, lạ so với cách ứng xử Việt Nam mình, còn với họ dĩ nhiên là nó vốn thế, chẳng có gì ngạc nhiên cả.
      Cái lạ thứ nhất là, nhà Quốc hội nhưng ai vào cũng được, người vào kẻ ra cứ tấp nập như đi chợ. Con gái, con trai, trẻ em, người lớn, ăn mặc nhôm nhoam, dày dép lộn xộn, cười nói vui vẻ. Cái chốt canh ở lối vào chỉ kiểm tra an ninh cực kì chặt chẽ với bất kì ai, nhưng lại tuyệt nhiên không hỏi anh chị là ai, vào đây có vịêc gì? Ở trong tòa nhà có đầy đủ phòng ăn, giải khát. Các Nghị sĩ được quy định ăn một gian riêng, khách tự do thi ăn ở gian liền kề. Lại có nhiều quầy bán hàng lưu niệm. Hình như quan niệm của người Mỹ là, một công trình kiến trúc đẹp thế này là tài sản của toàn dân, ai cũng có quyền tận hưởng, mỗi ông Nghị chỉ được phân cho một phòng chật hẹp mà thôi!
      Sự lạ thứ hai là, dọc hành lang đi qua các phòng của các Nghị sĩ, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhìn thấy một tấm bảng mê-ca dựng bên tường, tấm bảng nào cũng ghi đậm một nội dung như sau: Nước Mỹ nợ 7.796.000 tỉUSD , mỗi người dân Mỹ phải chịu nợ 26.000USD . Tôi hỏi Pôn- trợ lí pháp luật của VVMF : Này, tại sao lại cứ dựng liên tục các tấm bảng này trong phòng các Nghị sĩ? Pôn nhún vai: Là để cho các ông ấy ghi nhớ mình ngồi vào đây để là gì!
      Vào văn phòng của từng Nghị sĩ tôi lại phái hiện thêm điều lạ nữa, cả bốn nhân viên giúp việc trong văn phòng là do vị Nghị sĩ ấy tự thuê, quan hệ của họ là quan hệ chủ tớ. Như vậy nhà nước Mỹ chỉ biết đến ông Nghị sĩ, còn nhân viên giúp việc thuộc quyền của ông ta. chuyện này thật khác xa ta.
      Điều lạ cuối cùng là bức tượng toàn thân của một vị Nghị sĩ được đặt tại sảnh lớn của một tòa Thượng viện. Tòa nhà ấy cũng được đặt tên vị Nghị sĩ này. Hỏi ra mới biết vị này có thâm niên đặc biệt, 38 năm liền trúng cử Thượng Nghị sĩ . Nó lạ ở chỗ, toàn thành phố Oa-sinh-tơn không có một đường phố nào đặt tên các danh nhân hay các lãnh tụ chính trị. Họ chỉ suy tôn duy nhất ông Tổng thống Oa-sinh-tơn. Tượng đài tôn vinh ông chỉ là hình con số 1 cao ngất ngưởng, ý nghĩa của nó nói đây là người công dân số 1, vị Tổng thống số 1...Đường phố Oa-sinh-tơn từ đông sang tây đặt theo thứ tự 1,2,3,4...Từ nam lên bắc lại đặt theo A,B,C,D.... Kể ra cũng thật tiện lợi khi tìm kiếm. Đúng là tư duy thực dụng kiểu Mỹ. Hơn nữa lại đỡ tranh luận, thắc mắc tên tuổi ai xứng đáng hơn ai. Thế mà lại có một vị Nghị sĩ, chỉ là Nghị sĩ thôi, lại được đặt tên cho một tòa lâu đài Quốc hội, lại được đúc tượng toàn thân đứng lừng lững một mình ở vị trí trang trọng nhất, lộng lẫy nhất trong toà nhà quyền lực ấy?
      Tôi đã biết trước rằng, trong Quốc hội Mỹ lực lượng không ủng hộ Việt Nam vẫn còn nhiều, thậm chí có một số chống đối gay gắt. Tôi đã chuẩn bị cho mình chuyện này. Tuy nhiên tất cả những vị tôi gặp lại có thái độ rất khác. Họ tiếp cởi mở, lắng nghe chăm chú, đôi lúc còn tròn xoe mắt tỏ vẻ ngạc nhiên... Tất cả những ý kiến mà đoàn Vịêt Nam và VVMF đề xuất về việc tiếp tục mở rộng dụ án Renew ở Quảng Trị đều được họ bày tỏ sự ủng hộ một cách nhiệt thành. Tôi hỏi riêng Chăk: Này, tôi hỏi thật nhé, cái cách Oke nhiệt tình của các vị ấy có thật lòng không ? Chăk trả lời ngay: sao lại không , họ sợ gì mà phải nói lấy lòng. Rồi ông giả thich thêm, người Mỹ là thế, ngoại trừ ngôn ngữ ngoại giao ở cấp Chính phủ ra, còn như trường hợp của chúng ta , nếu không đồng tình họ lắc đầu ngay, thậm chí họ không tiếp nữa. Nhân chuyện này Chăk thổ lộ tâm sự: Người dân Mỹ, ngay cả nhiều người trong giới chức Mỹ rất có cảm tình với Việt Nam. Vẫn thừa nhận rằng, số không ủng hộ vẫn còn đông, nhưng trong số đó, không phải ai cũng vì hận thù. Một số rất đông trong đó họ không có thông tin. Họ không hiểu Việt Nam bây giờ là thế nào. Ngay cộng đồng người Việt cũng vậy, số cay cú hằn học ít thôi, số đông còn lại chưa ủng hộ quê hương hoặc là do thơ ơ, hoặc là do bị xuyên tạc tình hình. Cho nên tôi đã có lần nói với một số nhà lãnh đạo Việt Nam rằng, cần thiết phải có một lực lượng thuyết khách trên đất Mỹ . Họ phải là những người Mỹ hiểu Việt Nam, họ nó giới chức Mỹ sẽ hiểu và tin hơn là lời mấy ông Đại sứ. Sở dĩ Itsraen lấy được lòng chính phủ Mỹ cũng nhờ vào lực lượng thuyết khách này.
       Tôi chia sẻ cách nghĩ này của Chăk. Ở Mỹ vai trò người thuyết khách đặc biệt quan trọng. Đó cũng là nét lạ của luật pháp Mỹ. "Người thuyết khách" chính là trợ lí pháp luật, hay còn gọi là người đại diện, người phát ngôn. Thân chủ của họ là cá nhân, là một tổ chúc, là một cấp, một bộ phận nào đó... Pôn là trợ lí pháp luật và cũng là nhà "thuyết khách" của tổ chức VVMF . Luật pháp Mỹ tôn trọng sự hiện diện của họ trong mọi hoạt động xã hội . Ví dụ một cá nhân nào đó có quyền không trả lời cảnh sát hoặc cơ quan điều tra nếu chưa có mặt người đại diện. Mọi giao dịch dân sự đều phải thông qua người đại diện, không có họ coi như chưa có hiệu lực. Có lẽ đây cũng là ý hay gợi cho ta thêm một cách tiếp cận nước Mỹ.


            Toà nhà Quốc hội Mỹ

     * Hành khúc ngày và đêm
      
7 giờ tối tôi đi tìm một máy điện thoại công cộng để gọi điện về nhà. Nghĩ cũng sướng, cảm ơn thời đại của công nghệ viễn thông. Nhớ lại ngày đi học ở Matscova cách đây gần 25 năm, xa quê đằng đẵng trong bối cảch gia đình rất khó khăn nhưng không có cách gì nhắn tin về hoặc hỏi han tình hình được. Còn bây giờ, xa nhà đúng nửa vòng trái đất, tính về múi giờ thì xa gấp đôi so với Matscova, nhưng chỉ cần bỏ ra 5 đô(chưa bằng hai quả chuối), ngồi ở Oa-sinh-tơn tôi đã có thể nói chuyện với gia đình hơn 10 phút. Gọi điện vào lúc 7 giờ tối, có nghĩa là bên nhà 6 giờ sáng. Tôi vừa trải qua một ngày nhịn đói và phờ phạc vì chương trình công việc được lập trình một cách khắc nghiệt thì tôi biết chắc rằng ở bên Quảng Trị người nhà tôi vừa trải qua một đêm gió lào và khô hạn. Kể từ khi lên máy bay ở Nội Bài bay qua Narita của Tokio rồi lại ê chề ngồi máy bay 12 tiếng nữa mới xuống được Dalat, bay thêm 2 tiếng nữa mới về tới Pitsbơt. Cả bay cả ngồi chờ hết 32 giờ. Trong vòng 32 tiếng đó, chúng tôi đã bị lộn tùng phèo về khái niệm ngày đêm. Tôi vẫn để đồng hồ theo giờ Việt Nam, còn Phôi và Hùng lấy đồng hồ theo giờ Mỹ. Bây giờ thì phải quen với cách nghĩ này. Ở đây ngày thì bên nhà là đêm. Đồng hồ tôi đêm thì đồng hồ của Phôi là ngày....
      Tôi và hai anh bạn trẻ đi cùng thuộc hai thế hệ khác nhau. Chúng tôi có chung một nhiệm vụ. Tuy nhiên xét về nhiều khía cạnh chúng tôi có chỗ không hoàn toàn giống nhau. Trước hết, cả Phôi và Hùng tuy cũng lần đầu đến Mỹ như tôi , nhưng họ lại có thời gian quen biết, cùng làm việc, sinh hoạt, tâm sự với người Mỹ ít nhất là 5 năm...Trước đó, trên 30 năm về trước khi người Mỹ ở Việt Nam đông đúc nhất, các bạn trẻ đó hoặc còn quá nhỏ, hoặc chưa sinh ra. Còn tôi thì ngược lại. Tôi phải tự thú nhận rằng với quan điểm của Đảng là khép lại quá khứ, hướng tới tương lai và Việt Nam đang muốn làm bạn với tất cả...Tôi đương nhiên là rất thông suốt và thống nhất về nhận thức. Tuy nhiên xét về tình cảm tôi khó có thể dễ dàng quên đi quá khứ. Cho nên chuyến đi này, với riêng cá nhân tôi không chỉ bị xáo trộn đồng hồ sinh học, không những đảo lộn ngày và đêm, mà còn có một thứ đảo lộn nữa: Người Mỹ quá khứ và người Mỹ hôm nay.
       Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Oa-sinh-tơn khuyên tôi nên tranh thủ về khu định cư người Việt để khảo sát mà biết thêm tình hình. Nhờ có xe ngoại giao và người của Đại sứ dẫn đi mà tôi  làm quen được với hai người Việt trẻ đang sống trên đất Mỹ. Cậu con trai tên là Lâm, cô gái tên Châu. Cả hai đều là dân Huế . Lâm đã có Quốc tịch Mỹ, thâm chí đã vào lính Hải quân, làm "xếp" của 6 binh sĩ dưới quyền. Còn Châu thì chưa đươc nhập Quốc tịch Hoa Kỳ nhưng là bà chủ của một tiệm thẩm mỹ (sửa móng tay, móng chân). Họ thuộc thế hệ qua Mỹ sau năm 75. Lâm trước khi đi là sinh viên đại học, qua Mỹ học tiếp và bây giờ đã là cử nhân. Cả hai, cũng như đại đa số lớp người Việt hậu chiến qua Mỹ không mang nặng mối hận thù, không hằn học như một số trứơc đó. Mối quan tâm lớn nhất của lớp người này là cuộc sống giàu có trên đất Mỹ. Qua nói chuyện, cả Lâm lẫn Châu không hề có chút mặc cảm nào về quá khứ, họ cũng tỏ ra quan tâm đến Việt Nam nhưng không hề vướng bận gì đến những khái niệm "tôn giáo" "nhân quyền"...Có vẻ cũng thương nước mình nhưng là một thứ gần như thương hại. Đối với chúng tôi, họ vui vẻ và nhiệt thành lắm. Họ đưa chúng tôi vào khu dân cư Việt Nam ở bang Vơ-gi-nia để mời cơm Việt, ăn bún Huế với đầy đủ rau mùi gia vị Việt Nam. Châu nói chuyện say sưa cởi mở, tuyệt nhiên không để ý đến thái độ không thật bình thường của tôi khi bị chôn vào một vùng đất mà bốn bề toàn màu vàng của cờ ba sọc. Tôi cố ý không nói to để gây sự chú ý của những người đang ngồi ăn xung quanh. Nhưng Châu thì vẫn thao thao . Chuyện của cô gái trẻ đang mang thai đứa con thứ hai ấy đại để như thế này.
      - Chú ăn bún có thấy ngon không ? bún ở đây ngon lắm không như ở bên mình đâu....
      - Cá kho tộ đây, chú ăn đi, ở đây họ nấu ngon lắm không như bên mình đâu...
      - À chú thích giá luộc phải không? Thứ chi cũng có mà nó ngon lắm không như giá bên mình đâu....
      - Ớt tươi hả, có có, em ơi cho chị mấy quả ớt tươi. Đây, chú ăn coi, ớt đây cay và thơm nữa, không như ớt bên mình đâu....
      Tôi cố gắng nhai và nuốt. Không phải cơm nấu không ngon. Tôi cảm thấy khó nuốt vì kèm theo từng miếng thức ăn là cum từ "không phải như bên mình đâu" được điệp khúc có lẽ phải tới ba bốn chục lần. Châu nói vô tư, cởi mở, tuyệt nhiên không có ý gì là khiêu khích hay châm chọc cả. Nếu là lời của môt kẻ cố tình khiêu khích thì lại là chuyện bình thường, đằng này chính sự thực thà vô tâm đó mà tôi bỗng thấy buồn. Có lúc tôi muốn ngắt lời Châu: Này này... chú hỏi thực nhé, hồi còn ở quê cháu đã thực sự ăn ớt lần nào chưa, sao cháu biết ớt Mỹ cay hơn ớt bên mình? Nhưng tôi đã không nói gì. Không hiểu sao tôi bỗng nhớ tới mấy câu thơ của Việt Phương thời chúng ta đánh Mỹ: "..Ta nhất quyết đồng hồ Liên xô tốt hơn đồng hồ Thụy sĩ/  Hình như đó là niềm tin, ý chí và tự hào/ Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng Mỹ/ Ôi sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao..."
        
Những ngày ở Oa-sinh- tơn cán bộ Đại sứ ta bận tối mắt vì công việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải. Ngay trong tòa Thượng viện cái không khí ấy cũng phả ra rất rõ. Thượng nghị sĩ Chăk Higel, một cựu chiến binh từng bị thương hai lần ở Việt Nam mở đầu câu chuyện với chúng tôi đã khoe ngay: Chào các bạn Việt Nam, vài ngày nữa tôi sẽ tiếp kiến thủ tướng Phan Văn Khải....
       Tôi hỏi anh bạn ở cơ quan đại sứ:
      - Tôi thấy không khí ở Oa-sinh-tơn trước khi Thủ tướng ta hiện diện thật đặc biệt. Theo anh liệu chuyến đi lịch sử này của Thủ tướng có kết quả gì thật sự đột phá không?
      Người cán bộ ngoại giao rất có kinh nghiệm đã tránh câu trả lời:
     - Tôi khó trả lời anh quá, theo tôi là có nhưng xin anh chờ đến đó sẽ thấy...
     Tôi cũng cười:
    - Vâng vâng... Tôi biết anh là nhà ngoại giao mà... nhưng anh có thể trả lời câu hỏi này được không, liệu cái đám cờ ba sọc kia có biểu tình không?
     Anh nhìn thẳng vào tôi:
     - Ở nước Mỹ không có biểu tình mới là chuyện lạ. Ngay Tổng thống của họ đi trên đất họ cũng vấp phải biểu tình chống đối nữa là...Huống chi họ với ta...Người Mỹ hiện nay đang cố nuốt cái quá khứ cay đắng ấy xuống bụng nhưng dư vị thì vẫn còn cay ở cổ...Cái đám cờ ba sọc mà anh vừa nói cũng thế. Một số trong họ vẫn còn cay lắm, cay hơn ớt.
      Bất giác tôi nhớ lại những lời tâm sự thơ ngây của Châu: Ớt đây cay lắm, không như ớt bên mình đâu...Có lẽ cháu nói cũng có cái lí. Nếu số người ấy ở lạiViệt Nam giờ họ không hằn học đến thế!
      Biết tôi mới ở khu người Việt trở về, anh bạn ngoại giao nói luôn:
      - Cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng có nhiều tâm trạng khác nhau. Số cay cú thù hận vẫn còn nhưng không phải quá nhiều, cũng tan tạ rồi. Số trẻ thì sống theo tư duy Mỹ, thưc dụng, ơ hờ với chính trị. Cho nên theo tôi có biểu tình nhưng cũng sơ sài thôi.
      Tôi thở dài:
      - Biết vậy...nhưng kể cũng buồn...
      - Này, tôi khuyên thật ông nhà văn nhé, ngồi ở đây ông cũng nên tập tư duy theo kiểu Mỹ đôi chút, sẽ thấy không có gì đáng buồn cả.
      - Nghĩa là sao?
      - Là thế này, ông thấy Tổng thống Mỹ xuất ngoại đi khắp thế giới có nước nào là không có biểu tình chống ông ta, kể cả những nước đồng minh thân cận nhất. Có nơi biểu tình lên đến hàng chục ngàn người, đốt cả hình nộm của ông, đốt cả cờ Mỹ...Nhưng ông ta vẫn là Tổng thống. Ở Hạ nghị viện vừa rồi có nhóm Nghị sĩ đòi thông qua dự luật cấm đốt cờ Mỹ. Cái này đưa ra nhiều lần rồi mà vẫn không qua được. Nghĩa là bây giờ ai muốn treo thì treo ai muốn đốt thì đốt...
      - Anh nói kể cũng có lí...Nhưng cũng không hoàn toàn như thế đâu. Ví dụ như khi Clintơn qua ta có ai biểu tình đâu?
      - Ấy đấy là chuyện khác, đấy là chuyện ở Việt Nam....
      Nhân chuyện bàn về biểu tình, tôi nhớ lại hôm qua khi đi qua trước cửa toà án tối cao Mỹ, chúng tôi bắt gặp một tốp thanh niên 12 người, cả nam lẫn nữ đứng thành hàng ngang quay lưng lại khu nhà. Lúc ấy đúng giữa trưa, nắng rất gắt. Điều lạ nhất là, tất cả bọn họ đều bị bịt mồm lại bằng loại băng dán khổ to. Tuy đang đi rất vội để kịp giờ hội kiến với một vị Nghị sĩ nhưng tôi vẫn cố níu Chăk lại hỏi "Làm sao thế kia?" Chăk nói tỉnh khô: "biểu tình đấy" "vì chuyện gì?" "Ai mà biết, chuyện đó ở đây như cơm bữa ấy mà..." Tôi vẫn thắc mắc: "Nhưng tại sao lại bịt mồm họ lại?" "Ồ đấy là họ tự bịt, vì ở địa điểm này quy định không được làm ồn!"...
      Hoàng hôn trên phố Oa-sinh-tơn, tôi đứng nhìn những tòa nhà hộp chồng chất nối tiếp nhau. Tôi ngạc nhiên khi thấy phố xá Mỹ rất ít người, ít xe qua lại. Ngưòi Mỹ hầu như đều ẩn mình vào trong các khối hộp kia, chẳng hiểu nổi họ đang làm gì trong đó. Nói chung còn quá nhiều điều chưa hiểu được nước Mỹ, người Mỹ. Những cựu chiến binh Mỹ khi tiếp tôi đều reo lên, họ nhắc lại chuỵên ngày còn đọ súng nhau ở chiến trương Việt Nam một cách hồn nhiên, rất vui vẻ, không hề gợn chút mặc cảm. Những lúc như thế tôi thấy người Mỹ thật vô tư, dễ mến. Nhưng khi đứng nhìn các đài tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ tử trận tại Việt Nam, tôi lại thấy hình như mọi chuyện không đơn giản như vậy. Ở Mỹ, ngoài Oa-sinh-tơn DC có bức tường đen kìn kịt những dòng tên người tử nạn mà ai cũng đã biết, thì trên tất cả 50 bang, nơi nào cũng có một khu tưởng niệm. Tôi đã đến xem đài tưởng niệm tại Pitsbơt bên bờ sông O hai o. Quy mô đài không lớn, nhưng tư duy kiến trúc và mỹ thuật thì thật giàu suy tưởng. Đài hình chiếc mũ hiệp sĩ thời  trung cổ. Trong lòng nó là hai nhóm tượng miêu tả hai trạng thái khác nhau. Một nhóm là cảnh đoàn tụ khi người lính trở về, có ba nhân vật: Người lính, người vợ, đứa con nhỏ trên tay... Một nhóm khác tách ra gồm hai nhân vật: một người mẹ với tay ra phía trước, ánh mắt nhìn vô vọng...Xa xa là người linh nhìn về, người lính chỉ còn trong tâm tưởng... Toàn cảnh khu này rất tĩnh mạc, phía dưới là dòng sông phẳng lặng, trên bờ là cỏ mượt mà. Đây là một bộ mặt khác, một không gian khác của nước Mỹ... Thì ra nổi đau chiến tranh cuả dân thường ai cũng giống ai!
       Đêm nay, trước khi rời nước Mỹ, tôi đứng ngắm dòng sông Pô-tô-mác, sông tĩnh mạc đến rưng rưng.. Tôi chợt nghe câu thơ Tố Hữu vẵng lên từ trong kí ức một thời, chợt thương cái anh Mô-rin-sơn và cô con gai Êmêli nào đó mà tôi chưa hề biết. Và bỗng nhiên tôi lại nghĩ đến cái triết lý làm người của phương đông "nhân chi sơ tính bản thiện", rồi tôi bỗng thấy tin hơn rằng, người ta hay người Mỹ cũng có bản tính đồng loại với nhau, niềm đau hay nổi buồn cũng giống nhau, khao khát, ước mơ cũng vậy cả ...Thế thì hết đêm chắc sẽ đến ngày, cho dù ngày và đêm ta lệch họ đến đúng một vòng quay đồng hồ.
       Người bạn đồng hành với tôi qua Mỹ rồi về lại Việt Nam-Chăk sacy có quyết tâm rất cao để học nói tiếng Việt. Chăk rất thích dùng tiếng ơi...trong khi nói chuyện. Đức ơi, Phôi ơi, Hùng ơi...Chăk không hiểu được rằng trong cách nói của người Việt, tiếng ơi thường dùng khi phải gọi người còn ở xa. Dù sao nghe Chăk nói Đức ơi tôi cũng cảm thấy bùi bùi và thân thiện. Và như một thói quen dễ lây tôi cũng hay gọi lại: Chăk ơi...
       Hôm nay ngồi nhớ lại một chuyến đi, cả niềm vui lẫn nỗi buồn; cả trạng thái phấn khởi lẫn khi bực tức cau có, tôi vẫn muốn bắt chước cách gọi đó. Chăk ơi... Người Mỹ ơi ... Đồng bào mình bên đó ơi....


            Trao đổi với VVMF


             Với ChắK
                         Đông Hà ngày 4/7/2005
                                       XĐ

 Đăng ngày 11/03/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: duc tien - 12/03/2008

anh duc oi !
rat vui khi vao duoc bloc cua anh toi mung lam,Quang tri mieng khong thieu nha van nha tho co tai nhung rat tiec vi qua cham de boi ra bien lon. toi mong anh khuyen khich anh em dua van nghe quang tri len mang de giao luu,do cung la mot hinh thuc quang ba hinh anh que huong


  Gửi bởi: Xuân Đức - 13/03/2008

Cảm ơn ĐT đã ghé vào quán cóc của tôi.Riêng về chuyện mở trang Web của Hội, tôi đã trao đổi với ông Chính, ông ấy rất ủng hộ, giục làm dự án lên UB sẽ cho kinh phí. Tôi đã đề nghị BCH hội bàn chủ trương. Nghe nói trước tết BCH đã bàn và nhất trí cao. Hiện tại tôi đã tự động viết giúp cho Hội một bản dự án kèm theo đề cương bố cục nội dung trang Web.Tất cả đã xong,nhưng Sỹ Cừ bị tai nạn nên chưa ai chủ trì triển khai. Tất cả hiện vẫn nằm trên máy của tôi. Ông nên tác động thêm nhé.
Trước mắt tôi rất muốn anh em lợi dụng web của tôi để giới thiệu sáng tác, nhưng có một thực tế là quá ít người nhập được bài vào máy tính. Đó thật sự là một bi kich. Hay Đức Tiiên để tôi trích giới thiêu vài sáng tác. Nếu chỉ dăm ba bài thơ thì tôi nhập cho cũng được, nhưng nên có ảnh .


  Gửi bởi: duc tien - 13/03/2008


anh duc oi !

toi hoan nghenh y tuong cua anh mo trang web cua hoi.Toi thay do la mot viec lam that can thiet , hop voi y nguyen cua dong dao anh chi em van nghe tinh nha.Toi tin rang anh Chinh se nhiet tinh ung ho. Toi se gap anh Chinh de de dat them. Toi da xay dung trang web cua truong le duan roi ,anh vao google xem. Ve tho toi anh cho cho toi chuan bi vai bai va anh toi se dua len trang cho anh. xin cam on anh.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan