Thursday, October 15, 2015

QUẢ CAU NHO NHỎ- Truyện ngắn


Tác giả: Nguyên Đức

  

 Quý tặng cháu Thu Hà
Trước cửa nhà Linh mới dọn đến ở ngoại thành có ba cây cau. Tại sao chỉ có ba cây mà không nhiều hơn hay ít hơn? Có lần Linh hỏi ba như vậy và ba Linh nói: chỉ tình cờ thôi, ấy là ba cây cau nhà chú Dũng hàng xóm biếu, mừng nhà mới . Nhà Linh cũng chỉ có ba người: ba Linh,mẹ Linh và Linh, vừa vặn với ba cây cau : cây cao nhất là cây cau ba, tất nhiên rồi; cây cao vừa là cây cau mẹ; còn cây út ít là Linh. Linh tự nhận như vậy và cả nhà ai cũng cho là có lý.

    Ba bảo chắc chú Dũng đã có ý định biếu nhà mình ba cây cau từ khi ba mẹ khai móng làm nhà bên cạnh nhà chú nên chú cho đào rãnh quanh gốc cau để cho chúng đâm rễ trước. Khi ba mẹ làm xong nhà thì chú bảo ba Linh định vị trí, đào sẵn hố đánh ba cây cau về trồng. Nhờ thế chúng không héo lá một ngày, mặc dù thân chúng có thót đi một tý ở mấy đốt trên cùng. Ấy là để đánh dấu thời gian khó khăn khi rễ chúng bị xắn, không hút được đủ chất nuôi thân.
    Bỗng một chiều đi học về, Linh thấy một tàu lá ở cây cau ba vàng úa. Tưởng cây cau ba bị chết, Linh kêu ầm lên với mẹ, đợi ba đi làm về kéo ba ra sân chỉ cho ba xem. Ba cười bảo: không phải nó chết đâu, nó sắp trổ buồng đấy, con không nhìn thấy bẹ lá đang ấp buồng cau phình ra đấy à. Linh chưa tin lắm, vẫn lo cây cau ba bị chết. Hôm sau, hôm sau nữa cây cau mẹ cũng có tàu lá bị úa vàng. Rồi liền mấy hôm nắng đầu hè, tàu lá vàng của cây cau ba khô đi rất nhanh, thậm chí nó còn gập xuống treo lũng lẵng khiến Linh càng hoảng.
      Một chiều đột ngột mưa dông. Ba cây cau bị lay dồn dập, nghiêng ngả, oằn mình chống chọi với gió. Bỗng "phạch" một cái, tàu lá cau khô từ cây cau ba vật mình xuống sân. Linh đứng ở hiên nhà nhìn lên: nơi tàu lá khô vừa dứt khỏi thân lồ lộ một gói bẹ ủ buồng cau như lưỡi mác chĩa lên trời. Ba Linh bảo mùa mưa dông đến rồi, cau sẽ bỏ các tàu lá già rất nhanh để bớt nặng mình, tránh gió lay gãy đổ, nhất là để cởi bỏ cho hoa cau chóng trổ buồng, kịp đậu quả tránh mùa mưa bão. Mẹ cười: chả nhẽ cây cối mà cũng tài thế, cũng biết lo xa. Riêng Linh thì Linh tin lời ba. Con gái thường theo ba mà. Hết cơn mưa, ba Linh dọn cái tàu lá cau ở sân để vứt. Ba hỏi Linh có thích thì ngồi lên cái mo cau để ba kéo ra ngõ. Hồi nhỏ ở quê ba vẫn chơi như vậy. Linh thích lắm nhưng mẹ không cho vì ngõ đang đầy nước, sợ bẩn áo quần.
     Vui nhất là hôm hoa cau nở. Sáng ấy cả nhà náo nức khi ba đánh thức Linh dậy và thông báo: đêm qua một buồng cau đã nở. Linh vội vàng tụt khỏi giường, chạy ra sân. Ngời ngời trên cây cau ba một bó hoa vàng tươi với vô vàn cành nhỏ như đang líu ríu chào đón bình minh. Hương tỏa dìu dịu từng làn, từng làn phảng phất khắp sân. Ba vuốt ve cái bẹ cau trắng phau, mềm mại, dáng như chiếc thuyền bảo mẹ cất đi, hôm nào nhà mình dùng để  nắm cơm ăn với muối vừng. Ly ty hoa cau trắng góc sân. Vừa dắt xe đưa Linh đi học, ba vừa ngâm nga: « Nghe trời trở gió heo may/ Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau », rồi nói: nhất định nhà mình phải mua cái chum đựng nước đặt dưới gốc cau như hồi ở quê, bây giờ không còn thấy nhiều vại như thời Trần Đăng Khoa tả. Linh hỏi ba:"Ba sẽ mua ba cái chum cho ba cây cau chứ". Ba cười: "Lại chum ba, chum mẹ, chum con à. Nhưng chum bây giờ đắt lắm, không biết mẹ có chịu chi không".
    Cây cau ba, cây cau mẹ trổ đến ba bốn buồng, thậm chí cây cau ba còn nhiều hơn, đến nỗi ba phải cắt bớt một buồng cho mẹ cắm lên bàn thờ thắp hương. Vậy mà cây cau của Linh chẳng đẻ  buồng nào cả. Ba bảo: chắc cây ấy còn non quá, chưa đủ sức. Hôm nào đi học về Linh cũng ngước lên trông. Cây cau ấy vẫn tươi đủ chín tàu lá, chẳng có lá nào chịu vàng, nghĩa là chẳng muốn rụng, chẳng muốn buông cho bẹ cau nở. Mãi đến gần hết mùa heo may, hình như do Linh mong quá, nó mới chịu thò ra một buồng bé xíu. Nhưng không giống cây cau ba, cây cau mẹ có buồng nào là buồng ấy rung rúc quả, buồng cau ở cây của Linh cứ héo rã dần, mỗi sáng lại rụng mất mấy quả non bằng ngón tay út. Quả đã ít, đậu được quả nào lại rụng quả ấy khiến Linh vừa bực, vừa thương. Cho đến ngày trên buồng cau ấy chỉ còn mỗi một quả. Chắc là nay mai nó cũng chung số phận như những quả non mà Linh đã từng ngày nhặt vào để trong chiếc đĩa ở bàn học. Chỉ có một quả, làm sao cây biết mà truyền thức ăn lên nuôi nó. Nhưng không, quả cau ấy không rụng mà vẫn lớn phỗng phao như thường. Mấy nhành không có quả đã khô khốc, cong queo và rụng dần. Còn riêng một nhành thì vẫn tươi xanh, vẫn nhớ trên mình có một quả cau bói đang từng giờ, từng ngày mong được lớn.
      Sắp đến tết, các buồng cau của cây cau ba, cau mẹ tròn căng quả lần lượt được ba cắt xuống, tỉa thành từng chùm. Trước hết biếu chú Dũng cho mẹ chú ấy ăn trầu. Rồi lần lượt biếu hàng xóm ngày rằm thắp hương. Buồng to nhất, quả tròn và đẹp nhất ba gửi về quê cho bà nội. Mẹ cứ xuýt xoa: tiếc là họ hàng nhà mình không có ai tổ chức đám cưới, cau đầu mùa đẹp thế này đem dẫn cưới đón  dâu thì may lắm đấy.
      Riêng cây cau của Linh có mỗi một quả, không biết dùng để làm gì nên cứ treo mãi, chín  đỏ trên cây, và gần đến mùa cau tiếp theo thì rụng. Linh nhặt vào để trong chiếc đĩa cùng những quả non ngày nào đã khô khốc vẫn được Linh cất giữ. Một hôm ba trông thấy bảo: sao con không ươm cho nó mọc thành cây mà trồng. Linh nghĩ bụng: quả cau đã khô quắt lại rồi làm sao mà mọc thành cây được. Nhưng nhìn ánh mắt nghi ngờ của  Linh, ba cam đoan là nếu dâm nó xuống đất, tưới nước đều thì chắc chắn mầm sẽ mọc. Hồi còn nhỏ ở quê ba vẫn thấy người ta phơi quả cau già cho khô rồi mới ươm. Linh làm theo lời ba, lấy ít đất về đổ vào chiếc chậu nhỏ rồi vùi quả cau vào đó.Mãi hơn một tháng sau mà chẳng thấy mầm đâu. Ba bảo: " Con đừng vùi sâu quá, mà phải cắm cho cuống lên trên, đừng tưới nước đẫm quá mà nó thối mất". Linh đã làm y lời ba đấy chứ.
       Nhưng ba Linh quả là tài. Mầm cau mọc lên thật. Từ ngay chỗ cuống quả cau khô nhăn khô nhúm trồi lên một cái chồi xanh sẫm, nhọn hoắt. Hè này Linh sẽ bê cây cau này về cho bà nội ở quê trồng. Cây cau sẽ lớn, năm nào cũng trổ ba bốn buồng cho bà. Linh nghĩ bụng vậy thôi chứ chưa nói ý định của mình với ai. Linh muốn để cho mọi người bất ngờ./.                                  
  Tây Hồ, tháng Năm 2009


 Đăng ngày 12/02/2013

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan