Thursday, October 15, 2015

Quà tết- truyện ngắn


Tác giả: Lê Văn Thê

         

Từ tối, bọn trẻ đã được báo, sáng mai đi nhận đậu. Chúng mừng lắm. Mấy đứa nhỏ hỏi chị:
  - Chừng được mấy hở chị?
  Khuya, chị nó vẫn còn thái gốc chuối nuôi heo. Như mọi lần bận việc, bị em hỏi, thế nào nó cũng gắt. Bây giờ  đang vui mừng, nó nói nhỏ cho hai em đủ nghe:

  - Bác trưởng xã dặn, phải đem một cái thúng lớn đi đựng.
  - Một thúng được mấy tiền?
  - Nhiều đó, đậu xanh bây giờ đang đắt. Bán đậu, chị mua cho một đứa một bộ áo quần mới, đi chơi tết với trẻ làng.
  Đứa em lớn nhanh miệng, vòi:
 - Mua cho em một cái cặp sách. Cặp của em rách bét. Nhiều hôm sách cứ tuột ra đường, bọn chúng cười em, xấu hổ.
  Đứa nhỏ cũng vòi:
 -  Chị mua cho em mấy cuốn vỡ. Em viết bút chì, rồi viết bút mực đè lên, mà vẫn hết giấy.
 - Khuya rồi, đi ngủ đi. Còn nhiều việc chi tiêu, để chị tính.
 Như sực nhớ ra, con chị nhìn hai em nhỏ:
 -  Đã đóng chuồng gà chưa?
 -  Rồi.
 - Đặt lên cửa chuồng mấy cái ống bơ. Trộm mở cửa chuồng làm rơi, biết mà la làng.
 - Hôm nào chị cũng nhắc cái câu đó.
 - Hay quên thì phải nhắc. Gia sản được ngần đó, mất thì khốn.                                                    *
      Con chị, tức Rơi, năm nay mới 16 tuổi. Cái tên: "Rơi", mẹ nó đặt cho nó, có sự tích. Sắp đến ngày ở cử, mẹ nó vẫn theo cha nó làm đồng. Thấy đau bụng dữ dội, biết là sắp sinh, mẹ nó chạy vội về nhà nhưng không kịp. Nó bị đẻ rơi trên ruộng. Rơi tức đẻ rơi.
     Chẳng biết vì cái tên ấy ám nó không. Cuộc đời nó liên tục bị rơi. Đầu tiên là rơi cha. Một hôm cha nó nói với mẹ:
      -  Người ta bới đất kiếm củ khoai, củ sắn, vẫn hì hục bới. Mình ngu chi mà không bới đất tìm vàng với người ta. Mẹ con ở nhà, rau củ qua ngày, tui phải tìm cách cho gia đình mình hết khổ.
         Ông khoác lên vai một cái sàng bằng sắt, gò bằng vỏ thùng đựng nhựa đường, rộng như cái chảo nấu cám heo, và mấy bộ áo quần vày vò, lên núi đãi vàng. Ông không về nữa. Người đi đãi vàng trên đó về, nói rằng: Ông đào vào ruột núi sâu quá, đất sập, chôn sống. Người ta không có cách gì đào được xác ông, thắp vào đó ba cây nhang, kéo nhau ra về.
         Tiếp đến là mẹ nó rơi. Bà làm việc suốt ngày, đêm về, thái rau heo, khâu vá. Khuya, bà vác nơm ra đồng kiếm vài con cá nhỏ nấu canh cho con. Bà úp phải một con rắn tràu. Loại rắn này rất hiếm, giống hệt con cá tràu, rất độc. Bà bị rắn cắn chết, nằm úp bụng lên miệng nơm.
         Cái sự học của nó bị rơi. Cha mẹ chết, khóc hết nước mắt, nó bỏ học, không còn cách nào khác nó phải thay cha mẹ nuôi em. Mới mười sáu tuổi đầu nó đã phải làm tất cả công việc của người lớn. Ban ngày nó làm đồng: Cày, bừa, gặt, hái. Tối về nó thái chuối nuôi heo, khâu vá áo quần, mắng các em về tội nhác học. Hai đứa nhỏ nấu ăn, nuôi gà, hái lượm rau ốc.
         Đêm ấy, sau tết vừa qua, ông chủ tịch xã kéo cả ba đứa nhỏ đến trụ sở ủy ban. Cả ba đứa gầy nhom, áo quần cũ xỉn, chân đi dép nhựa rách đồng nát. Sân trụ sở đầy người cả xã. Ông nói:
         - Bà con biết đó, gia đình ba đứa nhỏ này nghèo nhất xã. Ngần này tuổi đầu mà phải tự kiếm sống, nuôi nhau ăn học. Tôi đề nghị từ nay, mỗi ngày, mỗi người góp một hạt đậu, bỏ vào một cái hủ, cuối năm gom lại, giúp chúng nó ăn tết, mua sắm áo quần.
         Nhiều tiếng ồn ào, người ta không tán thành cái sáng kiến của ông Chủ tịch xã. Thiếu gì cách giúp đỡ mà làm theo cách đó. Nhưng mọi người cùng chung ý nghĩ: Vài hạt đậu, hơi đâu mà cải nhau, không khéo người ta cho là nhỏ nhặt. Họp hành càng ngắn càng tốt, ruộng trưa còn phải cày bừa, rau heo cháo chó còn phải đun nấu. Biểu quyết nhanh mà về cho xong.
        Và sáng mai, 28 tết, cả xã góp đậu cho chị em con bé Rơi.
*
        Không ai nghĩ rằng ông Ngó làm Chủ tịch xã. Chữ nghĩa trong đầu ông chẳng có bao nhiêu, ăn không nên đọi, nói không nên lời. Ông có cái tên thường gọi là Ngố. Khi ông làm Chủ tịch xã, nể ông có cái địa vị, người ta gọi là Ngó.
         Kỳ bầu cử năm ngoái, lãnh đạo xã đề nghị ông ứng cử.
         -  Tui ứng cử mần chi? Ai bầu tui? Mấy ông âm mưu bêu rếu tui à? Mà trúng cử Chủ tịch, tui biết răng mà lãnh đạo.
        Ông Chủ tịch nhiệm kỳ trước nổi đóa:
        -  Trúng cử cái củ khoai hà, ai bầu mi mà lo lãnh đạo. Đưa vô để loại, để  đủ số lượng, để hợp lệ. Ứng cử sẽ được một bữa nhậu tổng kết, được năm chục ngàn bồi dưởng. Mần không?
         Nghe tới nhậu và năm chục ngàn mắt ông sáng lên như ai đấu điện vào hốc mắt.
         Dạo đó, lãnh đạo xã chia năm bè bảy cánh. Trước bầu cử, cánh nào cũng tích cực vận động dân chúng bầu cho cánh mình. Mọi lá phiếu đều không bầu cho "chúng nó". Để hợp lệ, mỗi phiếu phải bầu ba người, người cánh nào cũng phải ghi thêm tên ông. Họ nghĩ rằng, đó là cái thằng vô thưởng vô phạt. Kiểm phiếu, ngoài dự kiến của lãnh đạo, ông  trúng cử cao nhất, 98%. Ông lên làm Chủ tịch xã.
         Không để ông làm Chủ tịch thế nào được? Cầm lá phiếu đi bầu là phải tôn trọng quyết định của mình. Bầu bán có luật, không phải muốn bầu là bầu, muốn hủy là hủy. Ông cán bộ chỉ đạo bầu cử thở dài:
         - Cứ để ông ấy làm Chủ tịch, có ngố, có ngu, thì đã có các phó "Buông rèm nhiếp chính"
         Nhận chức Chủ tịch, ông lo nhưng cũng mừng. Trúng cử cao những 98%, cao chưa từng có trong lịch sử bầu cử của xã nhà. Hay là mình có tài, có đức mà mình không biết?
         Ông ló đầu vào cửa, định báo cho mẹ tin vui, rằng mẹ cứ chê con hoài, rằng mẹ có thể mở mày, nở mặt, rằng...Bà cụ vứt cái cối giã trầu xuống chiếu:
         - Cha tổ cái thằng mất dạy kia. Ai cho mi đi ứng cử, ai cho mi làm Chủ tịch hử.
        - Mẹ cứ nói, dân bầu, xã cử.
        - Dân bầu xã cử cái củ ráy. Tau cho mi đi học, hò hét khô cả cuống họng, gãy cả lưỡi. Mi đi theo cào cào, châu chấu, làm ná bắn chim. Cái đồ ăn trộm khoai, trộm bắp, để nướng, bây chừ đọc một trang giấy, mất một buổi sáng, làm Chủ tịch cái ngữ chi. Tao sống đến chừ đã 84 tuổi rồi, chưa thấy ai như mi làm Chủ tịch. Đồ thằng ngu. Đồ hại dân, hại nước.
                                                     *
       Cái sáng kiến hạt đậu là hoàn toàn của ông nghĩ ra. Làm Chủ tịch không thể hoàn toàn làm theo lệnh trên, phải có sáng kiến, ít ra để cho cán bộ cấp dưới khỏi cười mĩa; để bà già ở nhà khỏi mắng hoài cái câu "Đồ thằng ngu". Một lần xem phim tài liệu trên Tivi, ông biết, năm1946, dân ta có hủ gạo kháng chiến. Mỗi lần xúc gạo nấu cơm, bớt lại một nắm, cho vào hủ, góp lại, ủng hộ kháng chiến. Bây giờ chỉ giúp vài đứa trẻ, nắm gạo phải nhỏ lại thành hạt đậu là vừa. Ông chỉ vào lũ trẻ, lần đầu tiên nói rõ được ý mình muốn nói:
        - Bà con coi đây, lũ nhỏ này khổ lắm. Ngần này tuổi mà phải tự làm ăn kiếm sống nuôi nhau ăn học. Một hạt đậu, một ngày, với một người, không đáng là bao. Một năm sẽ thành đấu, thành chai. Cả làng góp lại sẽ thành rá, thành thúng. Lũ trẻ sẽ có cơm ăn, áo mặc trong ba ngày tết. Nhân đạo lắm.
         Nghe người làng đi họp về kể lại, mẹ Ngố tức lắm. Mờ sáng, khi hắn đang còn ngủ, bà đã phát vào đít hắn, lôi dậy:
        - Đồ thằng ngu. Ai cho phép mi xúi cả làng làm cái việc rờ rờ như vậy hả. Đời thủa nào thời bây giờ mà học lại nguyên xi cách làm cách đây cả trăm năm. Mi muốn nhân đạo, tại sao không bảo cả làng góp gạo, góp tiền , cho ngay lũ nhỏ, hử? Mi ngu thì ngu một mình, đừng kéo theo người khác cùng ngu. Tao đã bảo rồi, không làm được Chủ tịch thì đừng làm, bầu cũng không nhận, cử cũng không nghe. Đồ hại nước, hại dân.
         Ngó tức lắm. Nhưng đã có thói quen chịu trận mẹ chửi, hắn vùng vằng ra khỏi cửa, chỉ nói với lại một câu:
       - Mẹ cứ đợi cuối năm sẽ rõ
                                                   *
        Bây giờ là cuối năm. Bà già lục hòm, mang mấy tấm vải hoa điều đi bán. Bà đến cửa hàng bán cổ hậu sự, nhờ mua lại cổ hậu sự của bà. Ông chủ cửa hàng kinh ngạc:
        - Ai lại bán cổ hậu sự  đã mua về nhà!
        - Không ai bán thì tui bán. Con tui mua ở đây thì tui bán lại ở đây. Tui còn lâu mới chết. Để hoài ở nhà cho nó mục à? Cứ coi như tui gửi lại chỗ ông, ứng ít tiền. Nay mai tui đi, con tui trả lại tiền, mua cổ hậu sự khác. Ông mua đi bán lại, có lãi là được, căn vặn, mệt chuyện.
       Ngó biết tin, hắn vội chạy về nhà. Lần đầu tiên hắn dám to tiếng với mẹ:
       - Mấy tấm vải và cổ hậu sự, con mua toàn là đồ tốt, để lo cho mẹ việc cuối. Sao mẹ lại bán đi?
       - Thằng con mất dạy. Bây giờ mày làm Chủ tịch là có quyền to tiếng với mẹ mày phải không? Mày ưa tao chết sớm hay sao mà mua cổ hậu sự về nhà. Đi vào, đi ra, trông thấy, gớm chết. Tao cần tiền làm chi a? Mặc kệ tao. Người sống chưa lo nổi, lo chi người chết.
                                                   *
         Ba đứa nhỏ mượn cái thúng lớn của hàng xóm, đến trụ sở Uỷ ban. Sau một năm xuất hiện trước đông đảo cô bác, hình như chúng chẳng lớn hơn được tý nào. Vẫn là những thân hình gầy tre nứa, áo quần xài xạc. Chúng đứng thành một vòng cung quanh nữa miệng thúng, hương mặt về bà con cô bác, chờ đợi. Bên cạnh chúng, ông Ngó, Chủ tịch xã, nghiêm trang đứng.
         Sáng nay, nghe tiếng loa của xã, người ta sực nhớ ra việc ông Chủ tịch đã sáng kiến đầu năm. Không ai đủ trí nhớ, đủ kiên nhẫn, làm cái việc rườm rà là mỗi ngày nhặt mấy hạt đậu bỏ vào chai, vào hủ. Họp về, để khỏi quên, người ta vốc mấy nắm đậu cho vào chai lọ, để ở góc bếp, thế là xong việc. Bây giờ nghe loa, người ta lục tìm chai lọ, phủi bụi, mang tới trụ sở Uỷ ban. Người ta lũ lượt đi tới, dốc ngược chai lọ vào thúng. Ai cũng muốn làm cho mau để về đi chợ tết, sắm tết.
          Bụi bay lên mù mịt phủ cả miệng thúng. Kỳ lạ thay, bụi có cánh. Nhiều người dốc xuống bao nhiêu, bụi càng bay lên, loang rộng , loang cao, trùm cả một vùng trụ sở, bu bám đầy mặt lũ trẻ, đầy mặt ông Ngó. Ông Ngó kinh hải kêu lên: Mọt! Trời ơi, mọt! Nhiều người cũng kinh hãi, sững sờ. 
        Thì ra, gần bốn trăm ngày qua, người ta cho đậu vào chai lọ, để đấy, vì ít quá, không ai phơi phóng gì. Mọt đã ăn hết tất cả những gì có thể ăn được. Các chai lọ đều trở thành những tổ mọt nhung nhúc. Mọt của cả xã được tập trung lại, dốc vào thúng. Ngợp ánh sáng, mọt bay lên thành một quầng bụi đen có cánh.
                                                         *
         Bà mẹ của Ngó lưng còng, chống gậy, qua nhà lũ trẻ. Thấy bà, hai đứa nhỏ chạy ra. Con chị ngồi yên nhưng mặt vẫn quay về phía bà. Cả ba đứa nhòa nhện nước mắt. Bà vẫn thường lọm khọm qua với chúng, khi thì một miếng mít non, khi thì một miếng bầu, nắm lạc, cho chúng nấu canh, rang muối. Bà chửi yêu:
         - Cha tổ chúng mày, đời đã nghèo, người ta không cho được gì thì cũng chẳng nghèo hơn, việc chi mà khóc. Sông có khúc, đời có lúc, lớn lên chúng mày sẽ hết khổ. Đi tắm cả đi, bà cho mấy chị em quà tết.
          Bà lôi trong bọc ni lông ra rất nhiều quà:
          - Này, đây là áo quần của chị, đây là áo quần của hai em, đây là cặp sách, đây là vỡ. Còn một ít tiền, bà cho, sắm gì cho các em ăn tết.
         Trẻ con thường là vậy, tình cảm thay đổi rất nhanh. Chúng đang buồn,  bỗng nhiên vui. Khuôn mặt trở nên rạng rỡ. Chúng súng sính trong những bộ đồ mới, nhiều màu sắc. Chúng ôm cặp, ôm sách, ghì chặt vào lòng. Chúng nô đùa xung quanh bà. Chúng cười tươi như hoa. Bà cười móm mém.

                                                                     Tết 2011-Tết 2014

 Đăng ngày 12/02/2014

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan