Thursday, October 8, 2015

Quyên (Chương cuối)


Tiểu thuyết - Nguyễn Văn Thọ

Xuanduc.vn : Chương 13, chương cuối cùng khép lại một quãng đời trầm luân phiêu dạt của Quyên. Xuanduc.vn cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã ưu tiên cho trang web tôi được đưa lên sớm nhất. Cảm ơn các khách hàng, bạn hữu của TST đã theo cùng từng bước của Quyên. Rất mong được cùng đồng hành với nhiều trang viết mới của Nguyễn Văn Thọ
Chương 13:..
Quyên như chết lặng.
Cô không dám nhìn vào chiếc quan tài Hùng trong tang lễ. Quyên nhắm mắt lại.
Tiếng nhạc réo rắt bay lên mái vòm hình tròn cao vút. Quyên mơ hồ có cảm giác không khí bỗng xanh đi và khuôn mặt Hùng hiện ra. Không, không chỉ khuôn mặt! Trong Quyên hiện ra cả hình hài anh thì đúng hơn, tưởng thấy trong tiếng nhạc tiễn biệt, Hùng đang từ từ thoát xác bay lên cái vòm tròn cao vời vợi của nhà tang lễ. Anh sẽ bay về với ông bà, tổ tiên, quê hương. Xin anh hãy bay về nơi ấy.
Mùa đông dù trôi qua
Như bóng dáng xuân tươi phai dần
Và lá trút không vươn trên cành
Dù cho bao năm tháng ấy
Mang ánh nắng đông qua xuân về
Mang nỗi nhớ anh đi chưa về
Ngàn trùng dù có cách xa
Anh sẽ về ... anh sẽ về...
Bản nhạc Chanson de Solveig của Edwar Gried chầm chậm và tha thiết như lời vĩnh biệt, nguyện cầu của những kẻ mãi mãi chia xa mà vẫn hy vọng đợi chờ làm lòng quyên đã trĩu nặng lại càng thêm nặng trĩu, xót sa.
Bao nhiêu con người quen biết Hùng ở Budapet đã tập trung ở đây, làm lễ truy điệu cho Hùng trong tiếng nhạc tiễn đưa cùng cúi mặt xuống, vẻ mặt u buồn. Có tiếng ai đó khóc.
Ở Budapet, trong cùng cảnh tha hương, nhiều người biết Hùng. Anh không nổi tiếng vì giàu có. Anh chỉ là một người bình thường nhưng tốt bụng. Cái người đàn ông khuôn mặt rất đàn ông nhưng khắc khổ, một chân gỗ khập khiễng và đôi bàn tay đầy những vết xước vì gai đâm mỗi khi bó hoa vô ý, vốn xưa là một tay giang hồ nổi tiếng, bao năm nay gác kiếm, trở thành một người hiền lành, ít nói và tốt bụng, giờ nằm đó, hai tay chắp lên bụng, mắt nhắm nhưng đôi môi vẫn như đang muốn hé một nụ cười mong manh.
Quyên cố kìm nén để không khóc.
Cả tuần qua, Hội những người Việt Nam ở Budapet cùng Minh tới nhà Hùng để bàn bạc và quyên góp tiền trong cộng đồng thực hiện ước muốn của Hùng, Minh, cả Quyên và Huệ. Họ sẽ quyết định thiêu xác Hùng mang về quê hương.
Trong buổi tang lễ, Minh đứng bên Quyên.
Hùng cũng im lặng. Anh không khóc lên thành tiếng, những dòng nước mắt cũng im lặng từ từ chảy suốt trên gò má.
Không được khóc! Không được khóc! Quyên luôn tự nhủ như vậy, nhưng khi tiếng nhạc vừa rứt, nghe giọng nức nở của Huệ, cô không sao nén kìm được lòng thương cảm vô bờ của cô với Hùng. Cô thổn thức, nức nở. 
Sau bản nhạc tiễn biệt và phút mặc niệm, cỗ quan tài từ từ chìm xuống. Cánh cửa thép khép lại. Yên tĩnh lạ lùng! Không gian chợt yên tĩnh tới vô cùng khi ai cũng hiểu rằng, Hùng đang tiến dần vào gian phòng hỏa thiêu.
Quyên biết, ý thức rõ rằng, chỉ vài tích tắc nữa thôi, khi quan tài Hùng trôi vào gian phòng kín, người ta sẽ bấm nút, toàn bộ quan tài và thân xác Hùng chớp nhoáng sẽ thành tro bụi. Người ta sẽ hót chút ít tàn tro còn lại của một con người, một sinh linh đã sinh ra, đã sống, đã phiêu bạt với bao nhiêu vui, buồn... cho vào chiếc bình gốm màu nâu.
Cuộc sống thật là vô nghĩa khi suốt cả đời người cứ phải đau khổ, vật lộn, mưu mô, khó nhọc để làm gì, khi mà cuối cùng, tất cả cũng chỉ còn lại nắm tro tí tẹo teo kia. Có lẽ cuộc sống càng vô nghĩa hơn nữa, nếu như ai đó sinh ra, chẳng để lại một chút tình cảm cho người nào đó đang còn sống trên thế gian này!
Danh chính ngôn thuận, Quyên chưa khi nào là vợ Hùng, cũng không phải người bấy nay chăm sóc Hùng. Người chăm sóc anh khi bệnh tật hiểm nghèo là Huệ. Thói đời, sự chiếm hữu tình yêu đâu chỉ khi người ta còn sống, vì thế cô đã ướm hỏi Minh nên xử sự ra sao cho đúng đây, khi ai sẽ mang lọ tro của Hùng về quê hương?
Mấy hôm tang lễ bận rộn, Quyên chưa có dịp nào ngồi lâu với Huệ để xem ý tứ của Huệ ra sao? Cô nói chuyện ấy với Minh, nói sự đắn đo của cô, rằng giữa cô và Huệ, ai sẽ là người đưa anh Hùng về Việt Nam, hay là cả hai? Minh ý thức ngay được sự áy náy tế nhị của Quyên. Anh lập tức kéo Quyên và Huệ vào một phòng và đóng cửa lại. Anh không muốn Thanh Vân nghe câu chuyện của người lớn.
Minh nói thẳng vào vấn đề, anh cho rằng, bấy nay sự cố gắng, quan tâm, chăm sóc của Huệ với Hùng, là một tình cảm vô cùng quý giá và những người quen biết họ đều hiểu rõ, nhưng hiện tại, Huệ đang còn điều trị bệnh hàng tuần và cửa hàng cũng mới mở thêm mục bán báo và đồ lưu niệm, cần thu hút khách, không nên đóng cửa quá lâu. "Theo Minh, chị Quyên và cháu Thanh Vân nên đưa anh Hùng về là hợp lẽ nhất!" Minh kết luận như vậy.
Huệ lại khóc. Quyên tới bên Huệ, cô dịu dàng nói:
- Minh nói phải đấy. Em cố gắng ở lại điều trị bệnh và chị và anh Minh bàn nhau rồi, chúng mình sẽ về quê em thăm bố mẹ em và cháu nữa.
Huệ quay sang ôm chầm lấy Quyên. Cô khóc nức nở. Hoá ra trên đời này, không phải chỉ có tiền, toàn những người xấu trong cơn lốc mưu sinh ở xứ người. Trên đời này vẫn còn những người tử tế làm sao!
Minh bỏ ra ngoài hành lang hút thuốc. Anh không dám ngồi tại đó lâu hơn nữa, bởi chính lòng anh cũng đau đớn chưa nguôi sau cái chết của Hùng.
Hai người đàn bà cùng tha hương, cùng có điều đã từng gắn bó với Hùng, giờ đây lại đến với nhau từ một nỗi buồn.
Đêm ấy, người phụ nữ cũng lang bạt bấy nay tên Huệ kể cho Minh và Quyên nghe tỏ mọi chuyện.
*
Chuyện của Huệ:
Em là Huệ. Nguyễn Thị Huệ.
Em sinh ra ở làng, cả đời chỉ biết ruộng đồng. Học tới lớp tám trường huyện, bố em bảo, con gái thời nay học nhiều làm quái gì. Học nhiều chỉ ế chồng. Thực ra em biết, bố em nói vậy vì nhà những sáu miệng ăn, em là con cả, dưới em còn ba đứa lít nhít nữa, đi học tốn bao nhiêu tiền, gánh nặng cho cha mẹ. Cả làng chỉ làm ruộng, đâu như thành phố, đào đâu ra tiền? Nhà em có bốn sào ruộng. Một sào đất bãi. Mỗi năm có được mùa, hai vụ cũng chỉ được hai ba tấn thóc. Rau mầu chăn nuôi thêm, chỉ đủ giật gấu vá vai. Thế là bỏ học.
Năm em mười tám tuổi, anh ấy về nước. Ấy là người chồng đầu tiên của em. Trong con mắt tụi em khi ấy, những người ở nước ngoài thật là cực kì sung sướng. Ai nấy ăn mặc thật đẹp, tiền tiêu như nước. Có hai tháng, anh ấy xin cưới, bố mẹ em đồng ý ngay. Về hình thức, chồng em cũng bình thường, răng hơi vâu vâu một tí, nhưng bù lại anh ấy rất chiều chuộng em, nên em đã đồng ý ngay. Với lại, con gái như tụi em ở làng khi ấy, lấy được một người ở thành phố đã là ghê lắm rồi, nay lại lấy chồng tận châu Âu về thì may mắn lắm quá, còn gì bằng? Cha mẹ em hả hê ra mặt.
Năm sau chồng em đón em sang Ba Lan.
Tới Ba Lan mới vỡ lẽ ra rằng, anh ấy chẳng phải ông chủ to lớn gì. Chẳng phải như khi ở Việt Nam, mỗi khi tiêu pha cái gì, anh ấy bảo, bằng lông con trâu rụng!
Trời ơi, kiếm ăn cho được trăm đô cũng khó, nói gì tới kiếm chục, trăm ngàn đô bỏ lọ! Hàng ngày trong khu bán buôn Sân vận động, em cùng anh ấy quần quật từ mờ sáng tới tận khuya, ai thuê việc gì cũng làm. Tủi quá, đêm về lại nghĩ, người ta đi nước ngoài, buôn bán tiền như nước, chồng giầu có, lên xe xuống ngựa. Mình đi tây tiền ăn có khi cũng chật vật. Tủi thân, nhớ nhà, khóc suốt "Nhưng ván đã đóng thuyền rồi!" Bố em viết thư sang nói như vậy.
Để có tiền thêm, Em làm một thúng xôi bán cho những người Việt. Khách mua hàng tới chợ, có người vội vội, vàng vàng, mua bán xong lại chạy về tỉnh xa, nên việc bán xôi cũng có đồng ra đồng vào. Nhẽ ra vợ chồng cùng nhau chung lưng lại, chịu khó, thu vén cũng có thể dư ra mỗi tháng trăm đô, nhưng anh ấy lại mắc bệnh cờ bạc. Nhiều người nghèo ở Ba Lan đã làm ăn không được, lại rượu chè, cờ bạc. Thời gian rảnh họ cũng buồn, nên tụ tập đánh "tiến lên", sóc đĩa ăn tiền ngay trong khu buôn bán. Ngày nghỉ lại rủ nhau sát phạt nhau ở đâu đó, ai mà quản lí được? Nói mãi cũng như nước đổ lá khoai. Thế là cãi nhau. Cái thứ đã dính vào cờ bạc thì nó mê lắm. Suốt cả năm chẳng có đồng nào gửi về cho cha mẹ. Nhiều lúc nghĩ chán quá. Ở làng, em nổi tiếng là đẹp, bao chàng trai nhòm ngó chứ ế chỏng ế trơ gì cho cam. Cũng tưởng anh ấy tử tế, làm ăn chí thú mà theo anh ấy sang đây. Năm sau em lại có mang nữa. Thành ra vợ chồng đôi khi nặng nhẹ nói nhau mất cả mặt mà vẫn phải ăn ở với nhau. Có con, nhiều lần em cũng nhẹ nhàng khuyên nhủ mà anh ấy vẫn thói nào tật ấy. Cãi nhau. Một lần thua nữa, lại cay cú muốn gỡ, anh ấy đánh rất to để nợ hơn mười ngàn đô. Thế là mấy tháng không có cả tiền trả tiền nhà, chủ nhà nó đuổi. Có người bạn tử tế thương mẹ con em, cho về ở tạm trong tầng hầm nhà anh ấy. Em hận lắm. Năm ấy tuyết rất lớn. Ở nhà con ốm mà anh ấy vẫn đi suốt đêm, gọi mấy cũng không nhấc máy. Trưa hôm sau trở về, vừa trách mấy câu, anh ấy đã chửi ầm lên rồi tát em mấy cái. Em ở nhà cũng là đứa nghịch ngợm. Uất ức bao lâu không chịu được, thế là em cầm ngay cái khóa cửa, chọi một cái đúng vào trán. Máu chảy ra đầm đìa... Anh ấy lu lên là em giết chồng. Cả làng người Việt cũng kháo nhau như vậy. Chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai cả. Nếu chỉ có vậy cũng chẳng thể bỏ nhau đâu. Biết lỗi quá tay, hàng ngày em vẫn cơm nước chu đáo, quỳ xuống lạy sống anh ấy. Nhưng chồng em bắt đầu bỏ đi qua đêm liên liên. Hỏi mấy người bạn mới biết anh vẫn đi lại với bạn gái trước đây, thời lao động đã từng ăn ở với nhau. Chia tay! Sao mà chịu được! Về thì lấy đâu tiền mà sống? Mặt mũi nào nhìn làng nước? Ở lại, khi có con mọn cũng chẳng xoay sở được. Em gửi cháu về cho ông bà ngoại ở Việt Nam rồi quay sang Ba Lan, quyết chí làm giầu, phục thù. Em vẫn bán xôi ở chợ.
Duyên số cả, mùa hè năm ấy em gặp một người đánh hàng từ các nơi về. Anh ấy mê em, rủ em đi làm chung, cùng đi đánh hàng sang Hung và vài nước khác. Thật ra em cũng không rõ anh ta lắm, chỉ biết anh ấy nhiều tiền và giao du rất rộng. Làm ăn với nhau nửa năm, em cũng được anh ấy cho dăm ngàn, có ít tiền gửi về cho ông bà nuôi cháu. Thôi thì nhắm mắt đưa chân vào cái cảnh "già nhân ngãi non vợ chồng" vậy chứ tính ra sao bây giờ.
Chớm đông năm ngoái, chúng em đánh hàng áo da. Cú đầu ăn lắm. Anh vay thêm hơn trăm ngàn đánh quả quyết định, ai dè hàng Tầu ập về đột ngột. Mấy chục ngàn chiếc áo bán như cho. Lỗ chỏng vó ba bốn "công". Anh ấy không còn tiền trả người cho vay, sợ bị trừng phạt theo luật giang hồ, đã bỏ trốn sang Nga. Đúng vào khi khó khăn vậy, anh ấy lăn ra ốm nặng .
Thì ra trong cảnh lang thang ăn chung ở chạ bao năm, anh ấy nhiễm HIV từ lâu mà không biết. Sang Nga trốn nợ, khi bệnh AIDS vào giai đoạn cuối, phát nhanh ghê gớm. Tiền nong nợ nần không thể trả được, không có cơ hội làm lại, vừa tiếc của, vừa bị bệnh nan y, anh ấy tự vẫn. Trước khi chết, anh ấy đã gửi thư cho em, khuyên em nên đi khám bệnh.
Nghe tin ấy, em rụng rời và đi xét nghiệm. Khủng khiếp quá, cái cảm giác khi cầm giấy xét nghiệm dương tính chị ạ. Anh ấy thân một mình, còn em đây còn có một đứa con gửi mẹ em ở Việt Nam. Em chán đời lắm và cũng không đóng tiền bảo hiểm gì nên cũng chẳng dám đi chữa bệnh. Sợ nhất là tâm lí mình là người bị cả cộng đồng dè bỉu, khinh bỉ, ghê tởm. Cứ lang thang. Em uống rượu, hút thuốc và khi túng thiếu quá, đi ắn cắp trong các siêu thị bán rẻ lại trong cộng đồng, lấy tiền qua ngày. Hai ba tháng như thế, người em bạc đi, khô quắt như cây muồng muồng tháng đông. Một lần, vừa lấy được vài thỏi son đút vào giầy thì bị phát hiện. Nhân viên cửa hàng túm em ở bên ngoài quầy trả tiền. Em dứt được ra, bỏ chạy. Đường phố khi ấy cũng đông, em cứ chạy đến khi mệt quá ngã lăn ra góc một S.bahn. Cũng không biết em chết giấc khi nào. Có ai đó lay em dậy. Mở mắt ra thì thấy anh Hùng đã ngồi bên em.
Không hiểu sao khi đó em tu tu khóc và kể cho anh Hùng nghe hết mọi việc. Thế là anh ấy đưa em về nhà. Hôm sau anh Hùng mang em đi trình diện tổ chức Phòng chống AIDS của thành phố. Đầu tiên em cũng ngại ngần vì ngượng lắm. Nhưng anh dỗ dành và nói: "Cô muốn chết thì chết quách đi như con chó ghẻ là rảnh, nhưng còn ai nuôi con cô nữa?" Nghĩ tới con, tự nhiên em tỉnh ra. Em điện về nói rõ sự việc với mẹ em. May quá cháu nó đi khám, âm tính. Từ đó em ở với anh Hùng. Thời gian trôi đi, em dần hồi người, có da có thịt dần bình tĩnh lại. Em nghe lời anh thường xuyên tới phòng chữa trị. Nhưng điều đáng mừng nhất là em xóa đi cái mặc cảm mình là của nợ của thiên hạ. Anh Hùng giấu kín việc em bị bệnh. Anh lại dạy em buôn bán, giúp anh ấy thường ngày. Công việc bán hoa cũng khá vất vả. Phải dậy từ sớm hai ngày trong tuần đi mua hoa. Phải biết tính từng loài hoa để giữ cho nó tươi lâu...
Được vài ngày, thấy bàn tay em xướt sát, vì khi người ta bó hoa hay bị những gai nhọn đâm vào và chảy máu. Phát hiện ra điều đó. anh Hùng không để em bán hoa nữa mà chuyển sang bán quầy báo và đồ lưu niệm. Anh bảo, em đỡ anh là tốt, nhưng nên đề phòng lây nhiễm cho khách hàng nữa..
 Anh ấy rất nghiêm khắc, hàng tối bắt em học tiếng Hung. Anh ấy luôn động viên em và một hôm nói, anh rồi cũng chết thôi, để lại cửa hàng này cho em kiếm tiền nuôi con. Hóa ra anh ấy cũng có một cuộc sống lắm ê chề quá, gian khổ quá. Anh ấy kể cho em nghe về vợ cũ của anh, về chị và những dằn vặt đau đớn của anh ấy bao nhiêu năm qua. Em chỉ biết nghe, thương anh ấy lắm, nhưng không có thể nói gì thêm. Thực lòng mà nói, em yêu anh ấy, yêu lắm, vì anh ấy với em, thật là như ông thánh. Em vẫn nghĩ, ngoài cha mẹ em ra trên cõi đời này, chẳng ai đối xử tốt với em như anh ấy. Nhưng em biết, anh ấy không yêu em! Anh ấy chỉ yêu chị, thuộc từng cử chỉ điệu bộ của chị, nhớ cả cái lọn tóc xõa xuống trên hai bên vai chị... Em thề, em chưa thấy có người đàn ông nào yêu như vậy! Bao năm tháng rồi, anh ấy luôn bị giày vò, ân hận về những gì đã gây nên cho chị. Anh ấy luôn nhớ tới chị, và mỗi khi nhắc đến chị, anh ấy lại bảo, có lẽ chẳng bao giờ cô ấy tha thứ cho mình. Chị ơi, có lẽ không còn sự đau đớn nào hơn thế! Tuần gần đây, khi đã rất yếu, anh ấy vẫn hy vọng và tin là chị sẽ tới. Cứ nhắc tới việc chị và con anh ấy tới là anh ấy tỏ ra muốn sống lắm. Kì lạ thật...
Như vậy là rõ rồi. Quyên tưởng thấy khuôn mặt của Hùng khi anh quỳ xuống, ôm lấy bụng cô, áp tại vào bụng cô, trên cái thảm lá xơ xác vàng khô của mùa đông năm ấy. Cô nhớ, khi anh áp tai vào bụng cô nghe tiếng tim của con anh, khuôn mặt của người đàn ông phong trần như vậy mà bấy giờ trong mắt Quyên lại nom trẻ dại làm sao. Người ta đúng là tính bản thiện! Cái phần tử tế và tốt đẹp nhất của anh ấy vẫn còn, chưa khi nào bị thui chột dù là, có những khi bởi ước ao được sống cho đúng với những gì con người mong muốn, đáng ra được hưởng mà trước đó bị tước đoạt, người ta dễ cảm giác bị ép tới tận chân tường, phải bật lên, hoang dại phản kháng để sa xuống sống một phần sống như súc vật.
*
Dăm ngày sau, Quyên quyết định cùng Minh mang lọ tro của Hùng trở về Việt Nam. Thực ra với cô bấy nay tình cảm đã dành cho Kumar cả, nhưng ở hoàn cảnh này, khi Hùng chính là cha đẻ của Thanh Vân, cô không thể làm khác. Minh cũng thu xếp mọi việc để cùng đi với mẹ con cô. Cậu bảo: "Bao nhiêu năm anh em sống chết bên nhau, em đi cùng với chị".
Quyên cũng muốn nhân dịp về thăm mẹ, ngay cả khi không có sự kiện của Hùng. Bữa ở sân bay, Huệ lại khóc. "Em phải ở lại để theo dõi bệnh tật." Quyên ôm lấy Huệ.
Tạm biệt châu Âu. Trong phòng đợi máy bay cô chợt nghĩ tới Kumar. Giờ này, không biết anh ấy có nhớ tới mình không? Anh ấy sẽ nhớ tới mình! - Quyên tin chắc chắn như vậy. - Không biết anh ấy và mẹ anh nói chuyện tới đâu rồi?
Quyên lục túi lấy máy, bấm điện thoại. Trời đất ơi, máy của cô là loại trả tiền trước, tài khoản đã hết sạch tiền lúc nào mà cô chẳng để ý. Không phải ở Đức, sao cô có thể tìm chỗ nào để nạp tiền được. Quyên nhìn màn hình, những chục cú phôn từ Kumar gọi nhỡ. Thôi, để về nước gọi cho anh ấy báo tin vậy. Chắc giờ đây, Kumar đã đọc thư cô viết và anh ấy sẽ hiểu, thông cảm cả thôi. Quyên tin là như vậy! Cô tắt chiếc máy không gọi được nữa, thả vào túi sách.
Quyên không biết rằng, khi cô và con lên máy bay thì Kumar của cô đang trên chuyến tầu nhanh tiến dần về ga chính Budapet.
Kumar suốt đêm chẳng ngủ. Càng gần đích định tới, trong lòng người thanh niên Sri Lanka càng hồi hộp, tràn trề hy vọng. Anh tưởng tượng ra khuôn mặt thân yêu của Quyên, tưởng thấy nụ cười tươi roi rói của Thanh Vân.
Tầu tới Budapest, Kumar gọi taxi và đưa cho người lái xe mảnh giấy ghi sẵn địa chỉ anh cần tới.
Thật là buồn, người mở cửa căn hộ đón anh không phải là Hùng hay Quyên mà lại là người phụ nữ lạ hoắc. Anh nhầm chăng?
- Tôi là Kumar. Ở Đức sang, tôi đi tìm Quyên và Thanh Vân. Xin lỗi, đây là nhà anh Hùng.
Người mở cửa cho Kumar, chính là Huệ. "Kumar cũng còn may lắm! Huệ còn mệt, chưa đi bán hàng nên Kumar còn gặp, có người mà hỏi." Huệ sau này nói vậy.
Huệ nhìn Kumar giây lát. Hoá ra đây là người bấy nay sống chung với mẹ con chị Quyên. Huệ mời Kumar vào nhà. Cô pha trà nóng cho Kumar, rồi ngồi kể cho anh chuyện Hùng mất ra sao, chuyện Quyên và Thanh Vân đã cùng Minh bay về Việt Nam.
Nghe chuyện, Kumar cứ vò đầu, bứt tai mãi. Anh tự trách anh, giá mà đi sớm hơn hai hôm có lẽ anh sẽ gặp được mẹ con Quyên. Không, anh phải đi tìm bằng được Quyên, không thể nản chí mà quay lại nước Đức. Anh nói tâm nguyện với Huệ và nhờ cô dẫn lên sứ quán lấy ngay visa để bay về Việt Nam. Anh nhất quyết bay về xứ sở ấy, dù có trăm ngàn khó khăn nào đi nữa! Người đàn ông Sri Lanka chân chính không bao giờ bỏ cuộc!
*
Máy bay hạ dần độ cao. Qua ô cửa sổ máy bay, Quyên nhận ra dòng sông Hồng chảy quanh co quen thuộc, cầu Long Biên, cái tháp tròn trên nhà Bác Cổ....lại kìa, doi cát óng ánh dưới ánh nắng mặt trời, những ô ruộng, nhà cửa dần rõ hơn...Trong cô bất chợt như có dòng điện kì diệu xuất hiện. Quyên rùng mình.
Thế là đã tròn chín năm xa cách!
Quê hương cô dưới kia. Hà Nội thương yêu vô vàn của cô đang dưới kia!
Tự nhiên nước mắt Quyên ứa ra. Hà Nội của cô... sắp được gặp rồi, Hà Nội của cô! Trong lòng Quyên khi ấy, tự nhiên xuất hiện thứ tình cảm mà cô chưa bao giờ cảm thấy, bồi hồi, phấp phỏng và rộn rã khác thường.
Không biết mẹ bây giờ ra sao? Chắc mẹ đã già lắm rồi!
Mẹ ơi, chỉ vài phút nữa, con sẽ gặp mẹ yêu dấu, lại được đặt chân lên mảnh đất quê hương và trở về với mẹ trong ngôi nhà thân yêu của gia đình. Con mang theo cả cháu Thanh Vân của mẹ đây.
Mới nghĩ vậy, mà nước mắt Quyên đã giàn giụa.
Minh quay sang Quyên. Anh hiểu, Quyên đang xúc động.
Con người ta, bình thường sau bao năm li biệt, khi trở lại quê hương, nơi đã sinh ra họ, từng chở che di dưỡng họ nên người, biết bao người còn rưng rưng nữa là Quyên, người phụ nữ giàu tình cảm, lại phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, phiêu lưu, biền biệt nơi xứ người, tránh sao khỏi những giây phút như vậy? Anh đặt bàn tay lên bàn tay Quyên: "Chị ơi!"
Trước đó vài ngày, Quyên đã ra bưu điện gọi điện về cho mẹ. Thật ra ban đầu, Quyên cũng muốn gây bất ngờ cho mẹ, nhưng còn lọ tro của Hùng sẽ giải quyết ra sao? Tục lệ ở Việt Nam không ai cho phép cô mang lọ tro của một người không thân thuộc như vậy về nhà của mẹ. Cô và Minh cũng cố gắng hết nước hết cái truy tìm ở tất cả các giấy tờ, vẫn không thể biết chính xác địa chỉ quê quán của Hùng ở đâu. Mọi giấy tờ chỉ ghi chung chung, anh sinh ở Thái Bình. Thái Bình thì có hàng vạn người tha hương, bạt xứ, biết tìm nơi chôn nhau cắt rốn chính xác của anh ở đâu. Thì ra, bao nhiêu năm nay, Hùng chỉ là người không một địa chỉ. Cũng nghe Minh nói, từ ngày cha mẹ Hùng mất, từ lâu Hùng cũng chẳng liên lạc với ai. Anh là một kẻ không xuất xứ, vô tăm tích, ngoài cái quốc tịch Việt Nam!
Gọi về nhà, Quyên trình bày với mẹ cô tất cả. Bên kia, mẹ cô im lặng nghe. Có lúc Quyên không cầm nổi nước mắt, khi phải nhớ lại tất cả mà tường thuật với mẹ về Hùng. Tất nhiên cô giấu kín những việc tày trời ban đầu Hùng đã gây ra cho cô. Giải thích việc có con, cô chỉ nói vẻn vẹn, con bị kẹt ở biên giới gần một năm và đã nhờ cậy ở anh Hùng. Thế thôi, đó là lần đầu tiên trên đời cô đã nói dối mẹ.
Thuật xong sự khó khăn quanh việc chôn hài cốt Hùng, cô nhẹ cả người và trong thời gian chờ sự trả lời của mẹ, thực sự cô vô cùng căng thẳng, hồi hộp. Mẹ có thể hiểu cho lời đề nghị của cô không? Trong họ hàng, còn vài người nữa. Mọi việc cô đề nghị, các cô, dì, chú, bác của cô có chấp thuận giúp đỡ cháu họ không? Cô và Minh đều biết rằng, việc giải quyết cho ổn thoả việc hài cốt của Hùng, là cả một vấn đề chẳng hề giản đơn. Nhưng cô vẫn tin, mẹ cô là người mẹ luôn tất cả vì cô, luôn chở che cho cô. Bà vẫn thường nói, vì con ngon rau là gì. Nhất định mẹ sẽ giúp mình! Quyên hy vọng và tin điều tốt lành sẽ tới với Hùng. Cầu trời cầu Phật! Mẹ ơi, mẹ giúp con nhé! Đã bao lần trong đêm, cô hướng về phía Nam, lẩm nhẩm cầu nguyện như vậy.
Hai ngày chờ đợi rồi cũng qua đi. Không biết mẹ bàn thế nào với các cô, chú, bác, gia đình mà họ hàng cùng mẹ quyết định sẽ mai táng Hùng ngay trên chính mảnh địa táng của dòng họ cô. "Thôi Hùng đã như vậy, mẹ coi như là con cái của nhà ta lang bạt và bất hạnh. Làm phúc, không phải tội con ạ!"
Việc gia đình Quyên giải quyết nơi chôn cất phần tro của Hùng, thực sự làm bao nhiêu người trong cộng đồng Việt tại Budapest vui mừng. Minh và Quyên trút hết mọi lo âu. Vài ngày sau, có đầy đủ giấy tờ và vé máy bay, họ về Tổ quốc.
Bây giờ, chỉ còn vài phút nữa, Quyên sẽ gặp mẹ. Cô lấy khăn lau nước mắt và đánh thức bé Thanh Vân dậy.
- Thanh Vân ơi, dậy đi con! Hà Nội đang dưới kia kìa! - Quyên lay cho nó tỉnh dậy, âu yếm nói với con bé đang mắt nhắm mắt mở. Nghe mẹ nói vậy, bé Thanh Vân lập tức tỉnh ngủ, nó nhoài người bên cửa sổ.
Máy bay chao nghiêng. Những đám mây như bông trắng bồng bềnh trôi ngang máy bay và cả dưới chân nó. Nó nhìn thấy những ô ruộng xanh thắm, con sông màu đất nhạt lượn quanh co và những chấm người li ti, li ti hiện ra rõ dần.
*
Người mẹ tóc bạc trắng, tay run run nắm vào hàng dây ngăn cách tại cửa ra của sân bay Nội Bài. Bà cứ thắc thỏm không yên từ tối hôm qua. Bây giờ, bà cứ nhìn mãi, ngong ngóng vào bên trong phòng lấy hành lí. Bà thấy thời gian trôi qua chậm chạp khi ngóng mãi, ngóng mãi, cố tìm con gái của mình trong đoàn người từ máy bay đương đổ xuống. Nhưng bà không thể nhìn thấy Quyên và cháu ngoại  của bà ở đâu. Chỉ khi Quyên tới gần cửa, bà mới nhận ra đứa con thân yêu. Níu lấy dây ngăn cách, bà thảng thốt gọi:
- Quyên! Quyên! Mẹ đây! Mẹ đây!
Cô sững người. Đúng là tiếng thân thuộc ngày nào của mẹ!
Buông tay khỏi chiếc xe đẩy, Quyên nhìn về phía tiếng gọi và nhận ngay ra mẹ. Trời ơi! "Mẹ! Mẹ!" - Quyên cất tiếng gọi.
Tóc mẹ đã bạc trắng thế kia! Cô lao tới, ôm chầm lấy mẹ.
Chín năm xa cách. Chín năm bao buồn vui, có biết bao điều đau đớn tủi hờn, bẽ bàng khi con xa mẹ. Xúc động đến tột cùng, đôi tay Quyên siết chặt thân hình gầy guộc của mẹ. Cô nghẹn ngào trong tiếng nấc : "Mẹ... mẹ... của con!"
...Tận tới khi Thanh Vân sa vào vòng tay của bà, cho bà hôn lên đôi má trắng hồng, mịn màng của đứa cháu ngoại, mà đôi má nhăn nheo của bà vẫn đầm đìa những giọt nước mắt thương yêu, mừng rỡ.
Lên xe ô-tô về Hà Nội, họ không nói được nhiều. Để mẹ ngồi giữa Thanh Vân và mình, Quyên cứ nắm chặt tay mẹ mãi.
Đường phố Hà Nội dần hiện ra và lướt qua cô, chín năm bao nhiêu đổi thay, Quyên vẫn nhận ra những đường phố xưa, những đường phố vô cùng thương yêu, mà ở bên kia cô đã bao lần nhớ về nó, mơ về nó, ước ao trở về với nó, cho cô thăm lại từng góc phố, hàng cây quen thuộc với biết bao kỉ niệm... Quyên cứ bồi hồi, xúc động im lặng ngắm mãi, ngắm mãi... khi ô-tô chạy qua thành phố tiến về nơi có phần địa táng của họ hàng và gia đình.
*
Cũng phải tới sẩm chiều hôm ấy, việc chôn cất Hùng mới hoàn tất. Khi Quyên đắp những vầng cỏ cuối cùng cho Hùng, bé Thanh Vân cũng bắt chước mẹ, giơ hai bàn tay bé hồng hồng, xinh xắn đập đập cho vầng cỏ gắn thêm chặt xuống phần đất của cha nó.
Quyên đứng lặng trước ngôi mộ của Hùng.
Thế là anh ấy đã vĩnh viễn nằm đây!
Trong đầu cô hiện ra cảnh cô lên máy bay sang Nga thăm chồng hôm nào. Khu rừng biên giới, cái tháp bắn, con đường đầy thảm lá vàng và khuôn mặt như trẻ thơ của Hùng...
Xin anh hãy yên nghỉ nơi đây!
Mắt Quyên nhoà lệ.
Bấy giờ mặt trời cũng vừa dần dần chìm xuống sát chân trời. Trông tựa như một khối lửa lớn đỏ bầm, tròn chằn chặn, chiếu những tia sáng cuối cùng xuống đồng ruộng, xóm làng, những hàng tre... trước mặt khu nghĩa trang. Mặt ruộng lênh loang nước, thoắt nhiên cũng bừng lên, chuyển sang mầu đỏ sẫm, như có bàn tay vô hình thản nhiên trong tích tắc nhuộm những áng mây phía trời xa, cả mặt đất rực lên màu huyết dụ kì ảo.
Anh ấy đã trở về trong lòng đất của quê hương!
Quyên vẫn nghẹn ngào suy tư.
Trong bóng chiều tà, Quyên như thể già đi mấy tuổi.
Quyên thắp ba nén hương đưa cho Thanh Vân để bé tự cắm lên phần mộ cha nó.
Những người chứng kiến buổi chôn cất Hùng hôm ấy thật ngạc nhiên, khi thấy một đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài, lại có thể làm những việc "hương khói" như vậy. Họ có biết đâu rằng, dù là ở bất kì nơi đâu trên nước Đức, chín năm nay, bao giờ trong nhà Quyên cũng có một bàn thờ tổ tiên và ông ngoại của Thanh Vân.
Thanh Vân là đứa trẻ ngoan, biết vâng lời mẹ. Ngay từ khi đặt chân lên Tổ quốc, nó đã hoàn toàn chỉ sử dụng tiếng Việt. Nó đã chào bà nó, hỏi thăm bà có khoẻ không, có nhớ nó không và thương mẹ nó nhiều không? Nhưng bây giờ nó có vẻ lúng túng, chẳng biết nói gì trước mộ cha nó! Nó chợt nhớ lại những lần mẹ cúng giỗ trên nước Đức và tự nhiên bật ra nói:
- Bố ơi, bố phù hộ cho mẹ Quyên, cho Thanh Vân.
Thanh Vân cũng chỉ khấn như vậy, nó cũng chắp tay vái ba lạy như người lớn rồi quay lại với Quyên. Song mấy lời đơn giản của bé Thanh Vân cất lên nho nhỏ ấy, bà ngoại nó nghe thấy hết.
Bà bước tới ôm đứa cháu thương yêu, xinh xắn vào lòng. Trong lòng bà trào lên một xúc cảm vô bờ, một niềm vui không thể nói ra.
Lát sau, người mẹ già tóc đã trắng phau tới bên Quyên:
- Thôi con ạ, mẹ con ta về thôi. Ở nhà, chắc giờ này, bao bè bạn đang đợi con cả rồi!
Mùa đông ở Việt Nam bữa ấy, trời không có mưa nên không lạnh buốt như thời tiết bên xứ người và cỏ bên bờ ruộng, trên con đường dẫn ra đường cái còn xanh lắm. Gió mơn man he he thổi.
Tiếng mẹ thoang thoảng trong gió thì thầm với Quyên:
- Mẹ không lo nữa con ạ! - Bà ngần ngừ một lát rồi nói tiếp. - Bao nhiêu đứa trẻ từ nước ngoài trở về, có đứa không nói được tiếng Việt. Mẹ lo lắm! Hôm nay, cháu của mẹ không như vậy. Thanh Vân của mẹ nói khá sõi tiếng Việt, lại biết thắp hương cho bố nó nữa. Như vậy thì dù nó sống ở đâu, vẫn là người Việt mình, là con cháu của dòng họ nhà mình.
                                              Berlin - Hà Nội
                                            Tháng 12 năm 2008

 Đăng ngày 24/12/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: TB - 24/12/2008

Kính chúc bác mạnh khỏe và viết đều. Sau chuyến giá đáo Trúc Sơn Trang chưa thấy bác viết gì? Mong sẽ lại có một lần hội ngộ sau này.


  Gửi bởi: LÊ THIỀU QUANG - 24/12/2008

Tôi vốn rất yêu tryện ngắn Nguyễn Văn Thọ, cả tiểu thuyết Quyên. Mấy chương đầu anh viết rất hay. Nhưng chương cuối này đuối quá. Câu cú lộn xộn, sai rất nhiều lỗi chính tả. Cách viết cũng sơ lược, như tóm tắt để kết cho hết chuyện. Lẽ ra phần này phải viết rất hay, rất ấn tượng. Bao nhiêu năm phiêu bạt, cô Quyên mới trở lại quê nhà mà chỉ đơn giản và tạm bợ như thế thôi ư? Rất tiếc. Tôi là một bạn đọc rất yêu Nguyễn Văn Thọ nên đọc chương này, tôi thấy hẫng quá. Rất tiếc. Khép lại tiểu thuyết thế này thì cũng như mọi cuón tiểu thuyết khác thôi. Sé khó để lại đựoc ấn tượng gì
  Gửi bởi: VŨ DUY - 24/12/2008

            Tôi đồng ý với ông (hay bà) Thiều Quang. Chương cuối này ông Thọ viết kém quá. Dù nhà văn Xuân Đức có dành cho Quyên những lời rất trân trọng, nhưng cũng không thể cứu vãn được cái kết viết rất nhợt nhạt. Tôi tiếc cho ông Thọ lắm
  Gửi bởi: Trương Nhuận - 24/12/2008

Ông Thièu Quang nói rất đúng. Phần cuối truyện ông Thọ viết kém quá. Rất nghiệp dư
  Gửi bởi: Nguyễn văn Thọ - 25/12/2008

Anh Thiều Quang thân mến.
Thú thật ban đầu tôi hơi sốc khi đọc Comen của anh. Đêm qua tôi đọc lại chương 13. Trời ơi tôi bị điên rồi, bao lỗi chính tả, câu cú lắm chỗ như  C. thế mà tôi cứ viết vào.
Bạn đúng là bạn. Tôi xấu hổ lắm khi bạn yêu quý tôi mà tôi phụ ơn bạn. May là bạn đã dũng cảm chỉ cho tôi điều ít ai bỏ công viết với tinh thần như vậy.
Tôi thực lòng biết ơn Quang. Anh là bạn đã dũng cảm nopis một sự thật là cu hương 13 này kém.
Xin các bạn tha thứ cho người có tên nôm na là Nguyễn Văn Thọ này, vì yêu quý trang trại TST mà gửi vộ vã quên mất phải cẩn trọng. Nhưng hãy thông cảm, khi mà chính tôi hôm qua không kiểm soát nổi văn bản của mình dù bao nhiêu lầm sai trong chương 13. Tôi đang rơi vào tình trạng  sang chấn tâm lí giống nhân vật Minh mất rồi.
Đêm qua tôi đã làm việc, rà soát lại chương 13 và đang viết lại vài đoạn.
Hy vọng ở Chương 13 sửa chữa, bạn đọc sẽ thấy tôi là người biết tiếp thu ý kiến của bạn đọc.Bạn đọc của TST.
Trân trọng
NVTho

  Gửi bởi: Traito - 25/12/2008

Lỗi là tại Lão Trang thôi
Giục bác Thọ quá rối bời ruột gan
Từ ngày rời Trúc Sơn Trang
Kẻ đi người ở lòng càng ngẩn ngơ
Ai dè bác Thọ Muối Dưa
Đẹp giai như rứa (cũng) bơ vơ vì tình
Bánh bột lọc thế mà kinh
Dính hơn keo dán có hình con voi
Đừng vội nhé Bác Thọ ời
ươm cho chín đã rồi phơi tơ vàng
Chín năm lưu lạc gian nan
Cô Quyên vẫn đẹp vội vàng làm chi
Khách quán Trúc sẽ chờ khi
Cô Quyên trở lại... xuân thì hơn nay.

Chúc bác Thọ viết lại chương cuối hay hơn và sẽ trình làng một ngày gần nhất! Trong mỗi một con người đều có hay có dở, trong đời một nhà văn có cả tác phẩm hay lẫn dở, trong cùng một tiểu thuyết có đoạn hay đoạn dở là chuyện thường thôi. Bác đã lắng nghe và...thấu hiểu thế là rất tốt. Hi,hi...

  Gửi bởi: THIỀU QUANG - 25/12/2008

Tôi rất hoan nghênh nhà văn Nguyễn Văn Thọ và tin là anh chỉnh lại sẽ hay hơn. Tôi rất yêu văn của anh nên đọc những trang vội vã thì thấy tiếc. Anh nhận ra cái dở thì chắc chắn anh sẽ tránh được cái dở. Những nguời chối tỷ là hoàn toàn không biết chính mình. Nguyễn Văn Thọ sẽ còn đi xa.
  Gửi bởi: XÃ XỆ - 25/12/2008


GỬI TRAI TƠ
Thời gian đi vùn vụt
Lý Toét ngoẻo lâu rồi
Giữa thế gian hoang lạnh
Chỉ còn Xã Xệ thôi!

Xã Xệ nhưng không xệ
Chị em chớ nghi ngờ
Cầy tơ lão đã chán
Giờ chỉ thèm Trai tơ

Này, Trai tơ tuyệt hảo
Anh có...ba củ riềng
Đi với anh, em nhé
Ta cùng vào cõi Tiên!



  Gửi bởi: traito - 25/12/2008

Xã Xệ nhưng không xệ
Nghe qua thấy khoái rồi
Nhưng riềng mô lắm thế
Già chưa Xã Xệ ơi?

Xã chi tui cũng biết
Huống chi Xã Xệ …hè!
Đi phương mô về rứa
Xệ chi mà thấy ghê !
Hehe...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan