Friday, October 9, 2015

QUYÊN- tiểu thuyết- chương13 và 14


Tác giả: Nguyễn Văn Thọ


Xuanduc.vn Cuộc đời cô Quyên quả thật là ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh. Ai dính vào cô ấy rồi sẽ lụy mãi. Bằng chứng là ông nhà văn có bản lĩnh giang hồ Nguyễn Văn Thọ, sau khi đã cấp visa cho cô ta về nước tưởng là yên. Không ngờ có một bạn đọc vì quá yêu mến nhà văn mà lên tiếng kết tội lão là..không biết điều. Thọ lúc đầu cũng chạm tự ái, nhưng sau một đêm đọc lại thì hét lên: Trời đất ơi, vì sao mình lại ngu thế này. Thế rồi ông nhà văn nổi tiếng ngang ngạnh ấy gọi điện vào bắt tôi phải dò tìm địa chỉ người khách đã góp ý. Tưởng có thể xâỷ ra án mạng tội vội nói: Không thể tìm được. Mà ông tìm anh ta làm gì ? Đầu giây kia nhà văn gào lên: Để khao hắn một bữa nhậu tới số, để nói lời cám ơn hắn. Tôi bảo: với nhà văn, lời cảm ơn chân thành nhất không phải là bữa nhậu mà là trang viết. Hãy viết lại phần kết cho hay đi. Thế là Nguyễn Văn Thọ viết. Lão cắt phéng cái chương 13 cũ, thay vào đó viết thành 3 chương. Sau đây là chương 13 và 14. Còn chương 15 thì..không hiểu sao khi Meo vào lại thành 1 tấm ảnh..bị chặn ?


Chương XIII 
tác giả vừa sửa thêm lần nữa )    
Quyên như chết lặng.
Cô không dám nhìn vào linh cữu Hùng nữa. Quyên từ từ khép mắt lại.
Tiếng nhạc vĩnh biệt réo rắt. Quyên mơ hồ cảm giác không khí thoắt nhiên xanh đi và khuôn mặt Hùng hiện ra. Không, không chỉ khuôn mặt, cả thân thể anh thì đúng hơn! Cô như nhìn thấy Hùng từ từ thoát xác bay lên. Bóng anh lượn một vòng quanh xác rồi biến thành một tia sáng xanh vút lên vòm tròn nhà tang lễ cao vời vợi.
Anh ấy về với ông bà, tổ tiên, quê hương! Xin anh hãy bay về nơi ấy!
Mùa đông dù trôi qua
Như bóng dáng xuân tươi phai dần
Và lá trút không vương trên cành
Dù cho bao năm tháng ấy
Mang ánh nắng đông qua xuân về
Mang nỗi nhớ anh đi chưa về
Ngàn trùng dù có cách xa
Anh sẽ về...  anh sẽ về... 
Bản nhạc Khúc hát nàng Solveig của Edvard Grieg chầm chậm và tha thiết. Nó như lời vĩnh biệt, như sở cầu của những kẻ yêu thương nhau mà nay phải mãi mãi chia xa. Giai điệu day dứt, bản nhạc bỗng trở thành sự chia sẻ khôn cùng cho những tâm hồn, thân phận cùng cảnh phải li hương đang đau đớn, thương nhớ Hùng. Trong khoảnh khắc biệt li ấy, Edvard Grieg như chất xúc tác, làm Quyên thấy lòng mình càng thêm buồn đau nặng trĩu. Xót xa khôn cùng!
Nhiều người quen biết Hùng ở Budapest tập trung ở đây. Những mái tóc chớm bạc và cả những gương mặt còn rất trẻ, trong tiếng nhạc mặc niệm cùng cúi đầu xuống. Không khí nghiêm trang, căng thẳng, làm cho bất kì ai cố chấp nhất cũng chợt tự nhiên bừng ngộ. Khi đứng trước một cái chết, dù ở văn hóa nào, tôn giáo nào, thì sự rộng lượng phải là chỗ tựa duy nhất để chấp nhận mọi nghi thức khác nhau, chúng song song tồn tại.
Ở Budapest, đã tám năm nay, nhiều người biết Hùng. Anh không nổi tiếng vì giàu có. Anh chỉ là một người bình thường. Cái con người có khuôn mặt rất đàn ông nhưng khắc khổ ấy, vốn xưa là một tay giang hồ khét tiếng, bao năm rồi bỗng nhiên gác kiếm, trở thành một người hiền lành, ít nói và tốt bụng. Phút giây này, người ấy nằm kia, bất động. Chiếc nạng gỗ đặt dọc bên anh. Hai bàn tay đặt lên bụng. Đôi mắt khép lại, nhưng khóe môi vẫn như đang muốn hé một nụ cười mong manh.
Quyên cố kìm nén để không khóc.
Cả tuần qua, Hội Những Người Việt Nam ở Budapest cùng Minh bàn bạc và quyên góp tiền trong cộng đồng, thực hiện ước muốn của Hùng, Minh, cả Quyên và Huệ. Họ quyết định thiêu xác Hùng để đưa về quê hương như tâm nguyện của anh khi còn sống.
Minh đứng bên Quyên. Anh không khóc thành tiếng, im lặng để mặc dòng nước mắt tuôn trào. Tiếng Huệ khóc tấm tức...
Bản nhạc vừa dứt, cỗ quan tài dần dần chìm xuống. Cánh cửa thép từ từ khép lại. Ai cũng hiểu, linh cữu Hùng, trong đường hầm, đang trôi dần vào phòng hoàn vũ.
Không được khóc! Không được khóc! Quyên luôn tự nhủ như vậy. Nhưng khi Huệ gào lên gọi Hùng tức tưởi, Quyên không sao nén kìm được, bật khóc!
Quyên biết, ý thức rõ: chỉ vài tích tắc nữa thôi, người ta sẽ bấm nút. Trong chớp nhoáng, thân xác Hùng sẽ trở thành tro bụi! Người ta sẽ cẩn trọng cho vào chiếc bình gốm màu nâu chút ít tàn tro còn lại của Hùng, tàn tro của một con người, một sinh linh đã sinh ra, đã sống, đã phiêu dạt bấy nay, với bao nhiêu vui, buồn, khao khát và hy vọng...
Cuộc sống có ý nghĩa gì?!
Suốt cả đời người, sao cứ phải đau khổ, vật lộn, mưu mô, khó nhọc... để rồi cuối cùng, nếu muốn trở về đất nước, tất cả, ai ai cũng chỉ còn lại một nắm tro tàn tí tẹo teo kia? Có lẽ cuộc sống càng vô nghĩa hơn nữa, tỉ như người ta sinh ra, khi chết đi chẳng để lại một chút tình cảm nào, cho một ai đó còn đang sống trên thế gian này!
- Anh Hùng ơi! Em thương anh vô cùng! - Quyên muốn nói như vậy mà cô không thể nói lên lời. 
*      *
Đêm ấy dù hơi mệt, Quyên vẫn không sao ngủ được. Cô trằn trọc m•i. Lần đầu tiên chứng kiến một lễ tang ở xứ người, buộc cô suy nghĩ. Cô nằm, nhớ tới căn phòng đã sống ở trại tị nạn, cánh cửa trắng, cái lỗ kính kiểm soát như con mắt chột. Từ bên trong, Dũng đã nhìn ra thấy vợ lưu lạc trở về qua con mắt chột ấy... Bao nhiêu người sống trong đó, trước và sau Dũng, chồng cô? Dũng mất tích!? Chết và sống? Hay anh ấy cũng tan thành tro bụi cả rồi? Về đâu?
Có lẽ phải tới hơn hai ba sáng giờ gì đó, Quyên mới thiếp đi. Gần sáng, Quyên mơ kì lạ. Trong mơ cô nhìn thấy một đoàn tầu dài dằng dặc. Nó y trang như đoàn tàu mầu đỏ Thanh Vân vẫn chơi.  Chỉ khác, bấy giờ trong mơ, nó trắng toát. Cô nhìn rõ vô số những quan tài đỏ và nâu. Có cả cô nằm đó, chiếc quan tài trong vắt như pha lê. Sao mình lại nhìn thấy mình chết? Mơ hay tỉnh? Cô còn nghe rõ cả tiếng còi rúc. Hệt như tiếng còi tu dài thảm thiết chia tay, rúc lên mỗi đêm đêm, khi gần sáng ở Hà Nội. Những mùa đông rét mướt, nghe tiếng còi xa xôi rúc lên từ ga Hàng Cỏ vọng về, cô bé kéo chăn trùm kín đầu. Rồi cô thấy cả đoàn tầu chạy vào cánh rừng. Ơ, rừng này cô đã nhìn thấy nó ở đâu đó. - Trong mơ cô tự hỏi như vậy. - Hình như cánh rừng biên giới, nơi cô bị giam giữ để rồi có con và Hùng yêu cô. Khu rừng không có tuyết trắng mênh mông bao phủ. Có khối lửa cháy rừng rực bên trên thảm rừng. Lửa rừng rực và đầy những lưỡi vàng, hệt như lời Kumar từng kể cho cô nghe, người chị cả của anh đãcháy ra tro trên giàn thiêu giữa rừng hoang bởi những lưỡi lửa vàng đã liếm trọn thân xác chị anh thế nào. Cô thét lên vì cảm thấy rất nóng.
Chính tiếng thét ấy làm bé Thanh Vân choàng tỉnh và hoảng hốt lay mẹ dậy cho Quyên choàng ngồi dậy, thoát khỏi cơn mê.
Tỉnh hẳn, cô vẫn nhớ mồn một từng chi tiết của giấc mơ, như thể cô vừa trải qua, chứng kiến mọi việc như là cõi thật.  
*     * 
Danh chính ngôn thuận, Quyên chưa khi nào là vợ Hùng, cũng không phải là người bấy nay chăm sóc Hùng. Người chăm sóc lúc anh bệnh tật hiểm nghèo, suốt tháng qua là Huệ. Thói đời, sự chiếm hữu tình yêu đâu chỉ khi người ta còn sống!
Mấy hôm tang lễ bận rộn, Quyên chưa có dịp nào ngồi lâu với Huệ để xem ý tứ của Huệ ra sao? Cô nói chuyện ấy với Minh, nói về sự đắn đo của cô, rằng giữa cô và Huệ, ai sẽ là người đưa anh Hùng về Việt Nam? Hay là cả hai? Minh ý thức ngay được sự áy náy tế nhị của Quyên. Nghe xong, anh lập tức kéo Quyên và Huệ vào một phòng, rồi đóng cửa lại. Anh không muốn Thanh Vân nghe câu chuyện của người lớn.
Minh đi thẳng vào khúc mắc của Quyên, anh bảo:
- Em Huệ này! Bấy nay sự cố gắng, quan tâm, chăm sóc của em với anh Hùng, là một tình cảm vô cùng quý giá và những người quen biết tụi anh đều hiểu rõ. Nhưng hiện tại, Huệ đang còn phải điều trị bệnh hàng tuần và cửa hàng cũng mới mở thêm mục bán báo và đồ lưu niệm. Em biết đấy, không thể đóng cửa quá lâu! Chị Quyên và cháu Thanh Vân đưa anh Hùng về là hợp lẽ nhất! - Minh nhấn mạnh câu cuối cùng. Nói xong anh nhìn thẳng vào mắt Huệ với ánh mắt thăm dò, chờ đợi.
Quyên ngửng mặt lên, cô dịu dàng nói:
- Anh Minh nói phải đấy! Huệ ơi, em cố gắng ở lại điều trị bệnh. Chị và anh Minh bàn nhau rồi, bọn chị sẽ về quê thăm bố mẹ em và cháu nữa.
Huệ nhìn Hùng rồi lại nhìn Quyên. Hai bàn tay Quyên bấy giờ đưa lên nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay của Huệ. Đôi mắt của Quyên dịu dàng.
"Chị ấy và anh Minh thật lòng lo cho mình, thương mình!" Huệ chợt ôm choàng lấy Quyên. Cô òa khóc nức nở. "Hoá ra trên đời này, ở nơi xa lắc xa lơ này, không phải chỉ có tiền! Không phải rặt là những người xấu, những kẻ chỉ xoay xoáy nhìn vào cái lõm sâu trắng mịn của cô giữa hai hàng cúc áo hé ra khi cô cúi xuống đơm xôi. Những kẻ thả ra dăm đồng bạc kèm một lời tục tĩu... Phải mưu sống ở xứ người, chao ôi, cái kiếp cô và chị Quyên!? Trong cõi này, cô đã gặp Hùng, nay lại có thêm chị Quyên và anh Minh, những người tử tế làm sao!" Huệ nghĩ.
Nhìn hai người đàn bà ôm choàng lấy nhau, Minh đứng dậy, anh bước ra ngoài hành lang hút thuốc. Anh không dám ngồi lại đó nhìn Huệ khóc, bởi anh không thể nào chịu được đau đớn hơn nữa.
Đêm ấy, người phụ nữ cũng lang bạt bấy nay tên Huệ kể cho Minh và Quyên nghe tỏ mọi chuyện. 

Chương XIV 
        C huyện của Huệ:
Em là Huệ. Nguyễn Thị Huệ.
Em sinh ra ở làng, cả đời chỉ biết ruộng đồng. Học tới lớp Mười trường huyện, bố em bảo, con gái thời nay học nhiều làm quái gì! Thực ra em biết, vì sao bố em nói vậy! Nhà những sáu miệng ăn, em là con cả. Dưới em còn ba đứa lít nhít nữa, đi học tốn bao nhiêu tiền... Cả làng chỉ làm ruộng, đào đâu ra nhiều tiền? Nhà em có bốn sào ruộng. Một sào đất b•i. Năm nào được mùa, cả hai vụ cũng chỉ được hai ba tấn thóc. Rau mầu chăn nuôi thêm, gọi là chỉ đủ giật gấu vá vai. Thế là bỏ học.
Năm em mười chín tuổi, anh ấy về nước. Trong con mắt tụi em, những người ở nước ngoài rõ là cực kì sung sướng. Ai nấy ăn mặc thật đẹp, tiền tiêu như nước. Có hai tháng, anh ấy xin cưới. Bố mẹ em đồng ý ngay.
Về hình thức, chồng em cũng bình thường. Răng hơi vâu vâu một tí, nhưng bù lại anh ấy rất chiều chuộng em. Con gái như tụi em ở làng, lấy được một người ở thành phố đã là ghê lắm rồi, nay lại lấy chồng làm ăn tận châu Âu, thì may mắn quá! Còn gì bằng? Cha mẹ em hả hê ra mặt.
Năm sau chồng đón em sang Ba Lan.
Tới Ba Lan mới vỡ lẽ ra rằng, anh ấy chẳng phải ông chủ to lớn gì. Chẳng phải như khi ở Việt Nam, mỗi khi phải tiêu pha, anh ấy cũng phẩy tay bảo: bằng con trâu rụng một cái lông!
Trời ơi, mỗi tháng dành ra cho được trăm đô còn khó, nói gì tới tiền trăm tiền ngàn bỏ lọ! Hàng ngày trong khu bán buôn "Sân vận động", em cùng anh ấy quần quật từ mờ sáng tới tận khuya. Ai thuê việc gì cũng làm. Tủi thân! Đêm đêm nằm nghĩ, người ta đi nước ngoài, buôn bán tiền như nước, chồng giầu có, lên xe xuống ngựa. Mình mang tiếng đi tây, xoay đủ tiền qua ngày có khi cũng chật vật. Hận, nhớ nhà, khóc suốt. Nhưng trâu buộc cọc rồi! -  Bố em viết thư sang nói như vậy.
Để có tiền thêm, em thổi một thúng xôi bán trong chợ. Cánh tới cất hàng, có người ở xa tới vài trăm cây. Ai cũng vội vội, vàng vàng! Vì thế bán xôi cũng có đồng ra đồng vào. Nhẽ ra, vợ chồng bảo ban cùng nhau chung lưng lại, chịu khó thu vén cũng có thể dư ra mỗi tháng trăm đô, nhưng anh ấy lại cờ bạc. Nhiều người sang đây đã làm ăn không được, lại rượu chè, cờ bạc. Thời gian rảnh họ cũng buồn, nên tụ tập đánh tiến lên, sóc đĩa ăn tiền ngay trong khu buôn bán. Có ngày nghỉ hiếm hoi nào, lại rủ rê sát phạt lẫn nhau ở đâu đó, vợ nào biết mà quản lí được? Nói mãi cũng như nước đổ lá khoai. Thế là cãi nhau. Cái thứ đã dính vào cờ bạc thì nó mê mẩn lắm. Suốt cả năm chẳng có đồng nào gửi về cho cha mẹ. Nhiều lúc nghĩ chán quá! Hồi ở làng, em nổi tiếng là đẹp, bao nhiêu thằng nhòm ngó, chứ ế chỏng ế trơ gì cho cam. Cũng tưởng anh ấy tử tế, làm ăn chí thú nên theo anh ấy sang đây. Năm sau em lại có mang, thành ra vợ chồng đôi khi nặng nhẹ, cũng có lúc hòn bấc nói đi hòn chì đáp lại, mất cả mặt mà vẫn phải ăn ở với nhau. Có con, nhiều lần em cũng nhẹ nhàng khuyên nhủ, song anh ấy vẫn thói nào tật ấy. Lại vặc nhau. Một lần thua bạc nhiều, cay cú, anh ấy đánh rất to để thua tiếp, nợ hơn mười ngàn đô. Thế là mấy tháng không có gì trả tiền nhà, chủ nhà nó đuổi. Một người bạn thương mẹ con em, cho về ở tạm trong tầng hầm nhà chị ấy. Em hận lắm. Năm ấy tuyết rất lớn. Con em ốm mà anh ấy vẫn đi suốt đêm, gọi mấy cũng không thèm nhấc máy. Trưa hôm sau trở về, quần áo toàn mùi lạ! Vừa trách mấy câu, anh ấy chửi ầm lên, rồi tát em mấy cái. Uất ức bao lâu không chịu được, thế là em cầm ngay cái khóa cửa, chọi dứ một cái, không may đúng vào trán. Máu chảy ra đầm đìa... Anh ấy lu la ầm lên là em giết chồng. Cả làng người Việt cũng kháo nhau như vậy. Chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai cả. Nếu chỉ có vậy thôi cũng chưa thể bỏ nhau đâu. Biết lỗi, hàng ngày em vẫn cơm nước chu đáo, quỳ xuống lạy sống anh ấy. Nhưng chồng em bắt đầu bỏ đi qua đêm liên miên. Hỏi mấy người bạn mới biết, anh vẫn đi lại với bạn gái trước đây, thời "lao động xuất khẩu" đ• từng ăn ở với nhau.Chia tay! Sao mà chịu được!Về Việt Nam thì lấy gì mà sống? Mặt mũi nào nhìn làng nước? ở lại, không chồng, con mọn xoay sở làm sao? Em gửi cháu về Việt Nam cho ông bà ngoại, rồi quay lại Ba Lan. Phục thù! Em vẫn bán xôi ở chợ.Duyên số cả, mùa hè năm ấy, em gặp một người chuyên đánh hàng chuyến. Anh ấy tới mua xôi, mê em, rủ em đi làm chung, cùng đi đánh hàng sang Hung và vài nước khác. Thú thật, em cũng không rõ anh ta lắm, chỉ biết anh ấy nhiều tiền và giao du rất rộng. Làm ăn với nhau nửa năm, em cũng được anh ấy cho dăm ngàn, bắt đầu có tiền gửi về cho ông bà nuôi cháu. Thôi thì nhắm mắt đưa chân vào cái cảnh già nhân ng•i non vợ chồng vậy, chứ tính ra sao bây giờ.Chớm đông năm ngoái, chúng em đánh hàng áo da. Cú đầu ăn lắm. Anh vay nóng hơn trăm ngàn đánh quả quyết định, ai dè hàng Tàu ập về đột ngột. Mấy chục ngàn chiếc áo bán như cho. Lỗ chỏng vó ba bốn công. Không còn tiền trả người cho vay, sợ bị trừng phạt theo luật giang hồ, anh bỏ trốn sang Nga. Đúng vào khi khốn khó vậy, anh ấy lăn ra ốm nặn .Thì ra trong cảnh lang thang, nước trong nước ngoài, ăn chung ở chạ bao năm, anh ấy nhiễm HIV từ lâu mà không biết. Sang Nga trốn nợ, khi bệnh AIDS vào giai đoạn cuối, phát nhanh ghê gớm. Tiền nong nợ nần không thể trả được, không có cơ hội làm lại, vừa tiếc của, vừa bị bệnh nan y, anh ấy tự sát. Trước khi chết, anh ấy đã gửi thư cho em, khuyên em nên đi khám bệnh.Nghe tin ấy, em rụng rời và đi xét nghiệm. Khủng khiếp quá, cái cảm giác khi cầm giấy xét nghiệm dương tính chị ạ. Anh ấy thân một mình, em đây còn một đứa con ở Việt Nam. Em chán đời quá! Cũng không đóng tiền bảo hiểm nên chẳng dám đi chữa bệnh. Sợ nhất là tâm lí, lộ ra bị AIDS, em sẽ bị cả cộng đồng dè bỉu, khinh bỉ, ghê tởm. Cứ lang thang...Em uống rượu, hút thuốc và đi ăn cắp trong các siêu thị. Em nghĩ, em chết thôi, trước sau chết thôi! Cố kiếm lấy dăm ngàn gửi về đỡ cho ông bà nuôi con em, rồi chết! Bây giờ thân một mình, một thúng xôi, bán một ngày, lờ l•i hai ba chục đô! Con em còn kia, em chết bỏ lại gánh nặng cho ông bà. Ăn cắp là cách nhanh nhất để có tiền! Hai ba tháng trôi dạt, nhìn vào ga bến b•i... nơi nơi mới thấy, lắm kẻ cắp lắm! Mỗi đứa một kiểu ăn cắp. Đâu chẳng vậy! Em và bọn móc túi ở các nhà ga chỉ là bọn cắp vặt thôi! Cắp vặt thì dặt dẹo qua ngày! Kẻ cắp lớn, cướp nhà băng, cướp lớn mới có tiền, mà em thì thân cô thế cô, sao có tiền nhanh hơn cái chết đang vùn vụt tới, biết rõ nó đến trong từng tích tắc.Hai ba tháng kham khổ, chui lủi, có bữa ngủ chung ngủ chạ với bọn ngẫn bản địa suốt ngày say sỉn, người em bạc đi, khô quắt như cây muồng muồng héo. Một lần, vừa lấy được vài thỏi son, dăm hộp kem chống nhăn cao cấp đút vào áo trong, thì bị phát hiện. Nhân viên cửa hàng túm em ở bên ngoài quầy trả tiền. Em dứt được ra, bỏ chạy. Đường phố khi ấy dòng người cuồn cuộn cuốn. Em lẫn vào họ. Cứ chạy, chạy đến khi mệt quá, dừng lại một góc khuất, nơi lên xuống S Bahn, rồi ngã lăn ra. Cũng không biết em chết giấc bao lâu. Có ai đó lay em dậy. Mở mắt ra  thấy anh Hùng ngồi trước em rồi.Tỉnh dậy. Nhìn thấy lơ mơ khuôn mặt anh Hùng, thoáng nghĩ: làm quái gì mà nhìn tao như vậy? Chó! Lại một thằng chó. Đấy là khi người ta mơ mơ màng màng, không còn biết gì, quên phắt khi ấy mình đ• thân tàn ma dại. Tại sao lại nhớ đôi mắt chó? Hồi bên Ba Lan bán xôi, da dẻ còn mỡ lắm, cúi xuống đơm xôi, thể nào cũng có thằng nhìn trộm qua cổ áo. Có thằng đểu còn thả tiền vào đấy rồi hô hố cười. Về sau, anh Hùng kể, đôi mắt em bấy giờ nhìn anh cô hồn. Cũng chỉ cô hồn vài giây thôi, vì sực nhớ ra em vừa chạy cảnh sát, đầu còn ong ong...Khốn nạn! Khi người ta ý thức rõ cái sự tàn lụi của chính mình, trước một kẻ khác giới, trong hoàn cảnh như em bấy giờ, thì thực thảm hại, ê chề quá. ở quê em, người ta có câu: Đẻ con khôn mát l. rười rượi / Đẻ con dại thảm hại cái l. Hê...hê... Giá mà có mẹ em ở đó, phải chứng kiến cái cảnh em đi ăn cắp, chạy trốn để ngồi trước một người đàn ông Việt, trong dạng thảm hại như vậy, chắc bà sẽ chửi cho đúng một câu như vậy!Rõ ràng, trước mặt em không phải là chó. Đôi mắt người ta nhìn mình như thăm hỏi, muốn chia sẻ, giúp đỡ, không đểu cáng, ấy là đôi mắt đàn ông. Thế là em tu tu khóc. Khóc thật sự và có lẽ đến chục phút, anh ấy để mặc em khóc chán khóc chê. "Rồi, khóc chán chưa? Đứng dậy theo anh!" Anh Hùng nói vậy mà em cứ như bị thôi miên, đứng lên, theo chân anh vào một tiệm cà-phê dưới tầng hầm nhà ga. Tại quán cà-phê đó, em  kể cho anh Hùng nghe hết mọi việc. Hoá ra anh ấy cũng biết em từ ngày còn cặp bồ đánh hàng xuyên biên giới. Nhìn thấy thân hình tiều tụy của em, nghe chuyện em kể, đôi mắt anh ấy dân dấn như chực khóc. Mãi sau này, thân nhau rồi, có bận em trêu: "Mặt mũi đàn ông, phong trần, tưởng anh hùng lắm, thế mà hèn!" Anh ấy cười, nom thật hiền khô và bảo: "Anh thế đấy! Cô thử bảo ai cầm dao, dí súng dọa anh, xem anh có hèn không." Đàn ông ấy mà, khổ đau lắm, oan trái lắm, mà còn biết khóc được, thì dù mặt mũi có ghê gớm đến đâu cũng chỉ là cái vỏ che chắn cho một trái tim dễ vỡ mà thôi!Thế là anh ấy lấy xe ô-tô đưa em về nhà.Hôm sau anh Hùng đưa em đi trình diện tổ chức phòng chống AIDS của thành phố. Đầu tiên em cũng ngại quá, vì ngượng vô cùng. Nhưng anh dỗ dành và nói: "Cô dở hơi bỏ mẹ! Cái thằng tiếp cô, giảng giải cho tụi mình, nom lịch sự lắm, com-lê, cà-vạt, cổ cao áo trắng cũng dính si-đa đấy. Người ta, những người hiểu biết ấy mà, chẳng ai khinh bỉ cô đâu!" Lại bảo: - Cô muốn chết thì chết quách đi như con chó ghẻ đi hoang, biết đâm đầu vào xe hỏa tự tử, là rảnh nợ mình cô, nhưng còn ai nuôi con cô nữa?Ai nuôi con cô nữa? Câu hỏi ấy làm em trằn trọc mấy đêm. Anh ấy nói đúng. Hóa ra trên đời này, chết có khi dễ hơn phải dũng cảm sống để vượt qua mọi khó khăn vì con mình, vì cha mẹ mình. Trả lời được câu hỏi ấy, tự nhiên em bớt ngượng. Em điện về, kể rõ sự việc với mẹ em. May quá, cháu nó đi khám, âm tính. Từ đó em ở với anh Hùng. Thời gian trôi đi, em dần hồi người, có da có thịt, dần bình tĩnh lại. Em nghe lời anh Hùng thường xuyên tới phòng chữa trị. Nhưng điều đáng mừng nhất là em quên đi cái mặc cảm: mình là của nợ của thiên hạ. Anh Hùng giấu kín việc em bị bệnh. Anh lại bảo ban em cách bán hoa. Công việc bán hoa cũng khá vất vả. Anh Hùng tập tễnh cái chân gỗ mà vẫn phải dậy từ sớm. Tuần nào cũng dậy rõ sớm, hai lần đi mua hoa. Thương anh, em nói ra miệng. Nghe xong anh bảo, cô thương anh, tập lái xe đi. Vận động nhiều, buồn chỉ đủ buồn thôi, chắc còn sống dai hơn cả anh. Biết mèo nào cắn mỉu nào?Không chỉ cơm nước, giặt giũ, chợ buá... em học cách giữ hoa tươi lâu. Bán hoa bó hoa là khó nhất. Làm sao cho nó lạ, nó đẹp, đúng cái nhìn, ý thích của người châu Âu. Được vài ngày, thấy em tập bó hoa, anh ấy cấm, vì khi người ta bó hoa, hay bị những gai nhọn đâm vào gây chảy máu. Phát hiện ra điều đó, anh Hùng không để em bán hoa nữa mà chuyển sang bán quầy báo và đồ lưu niệm. Anh bảo, em đỡ anh là tốt, nhưng nên đề phòng lây nhiễm cho khách hàng. Con người ta lương thiện, văn minh là ở chỗ, làm bất kì cái gì cũng đừng để người khác ảnh hưởng, thiệt hại...Anh ấy rất nghiêm khắc, hàng tối bắt em học tiếng Hung. Anh ấy luôn động viên em và một hôm nói, anh rồi cũng chết thôi, để lại cửa hàng này cho em kiếm tiền nuôi con. Hình như anh ấy linh tính điều gì đó đang tới, hay anh ấy biết có điều gì đó bất ổn mà giấu em. Một tối tự nhiên anh ấy kể chuyện cho em nghe cuộc đời anh.Hóa ra anh ấy cũng có một cuộc sống lắm ê chề quá, gian khổ quá. Anh ấy kể cho em nghe về vợ cũ của anh, về chị và những dằn vặt đau đớn của anh bao nhiêu năm qua. Em chỉ biết nghe! Thương anh ấy, nhưng chỉ dám ngồi im lặng nghe.Thực tâm mà nói, em yêu anh ấy, yêu lắm! Bởi anh ấy thật sự là một người đàn ông. Em vẫn nghĩ, ngoài cha mẹ em ra trên cõi đời này, chẳng ai đối xử tốt với em như anh ấy. Nhưng em biết, anh ấy không yêu em! Anh ấy chỉ yêu chị! Anh ấy tâm sự, thuộc từng cử chỉ điệu bộ của chị, nhớ cả cái lọn tóc ánh nâu, hai cuộn búp thường xõa xuống trên bờ vai chị... Em thề, em chưa thấy có người đàn ông nào yêu kiểu như vậy! Si mê quá, cuồng say thế! Em ghen. Đàn bà mà. Ghen chứ! Nhưng lại thương thêm. Trời ạ. Chả hiểu ra sao cả!Có một đêm khác, em làm món chả xương sông. Tuyết rơi cả mét. Hai anh em chuốc rượu nhau. Anh Hùng uống hơi quá chén, lại kể tới chi tiết lập mưu cho chồng chị sang biên giới trước để giữ chị ở lại. Xong, anh ấy cười chua chát, bảo:- Hiếp! Hiếp, em hiểu không! Đấy là sự khốn kiếp nhất của anh. Cô ấy đẹp dã man! Này em Huệ! Em không phải là đàn ông, em không thể hiểu cái loại đàn ông như anh. Trong rừng thẳm, bỗng nhiên gặp một người con gái quyến rũ kinh hồn, từ thân xác tới cử chỉ, điệu  bộ; từ ánh mắt tới âm sắc của một giọng nói Hà Nội gốc tuyệt vời. Ngay từ buổi đầu nhận bàn giao "hàng" anh đã bị thôi miên rồi. Cái khuôn mặt mĩ miều vô ngần. Đôi mắt thăm thẳm như rừng đêm ấy. Lại đôi môi đỏ thắm, mọng hơn cả trái táo chín hết độ mùa thu. Nhìn búp tóc xoăn rung rinh trên bờ vai tròn, sóng sánh bờ ngực căng phập phồng là toi mẹ anh rồi...Trời ạ! Thằng đàn ông như anh, làm sao rời mắt khỏi cái cổ áo trễ xuống, hở ra lõm ngực hai bên mơn mởn phập phồng?  Cô ấy đi, anh đi đằng sau. Mắt cứ mê đi, hút chặt vào cái eo rạo rực. Ngắm cô ấy nghiêng nghiêng mới đẹp dễ sợ chứ. Thế là anh chả còn là anh ngay lập tức. Thoắt biến thành một người  khác để khốn kiếp, để chiếm đoạt bằng được thân xác người ta. Cô ấy không bao giờ tha thứ cho anh cả. Trời đất ơi!Anh ấy đưa hai nắm tay lên, tự đập mạnh vào  đầu và nước mắt anh ấy đổ ra  ràn rụa.Bao năm tháng rồi, anh ấy luôn bị giày vò, ân hận về những gì đã gây nên cho chị. Anh ấy luôn nghĩ tới con, tới chị. Và, mỗi khi nhắc đến chị, anh ấy lại nhắc câu, chẳng bao giờ cô ấy tha thứ cho mình! Chị ơi, có lẽ, ở một con người qua bao nhiêu phong trần như anh ấy, sự thanh cao để anh cứ  tự dày vò, tự hành khổ đến độ ghê gớm nhất. Em hiểu anh ấy mà, không còn sự đau đớn nào hơn thế! Tuần gần đây, khi đã rất yếu, sắp mất, anh ấy vẫn hy vọng vẫn tin là chị sẽ tới, Thanh Vân sẽ tới. Cứ nhắc đến việc chị và con của anh ấy sẽ tới là anh ấy tỏ ra muốn sống lắm. Kì lạ thật...
Như vậy là rõ rồi! Quyên lấy giấy chấm mắt. Cô tưởng thấy khuôn mặt của Hùng khi anh quỳ xuống, ôm lấy bụng cô, áp tại vào bụng cô, trên cái thảm lá xơ xác vàng khô của mùa đông năm ấy. Cô nhớ, khi anh áp tai vào bụng cô nghe tiếng tim của con anh, khuôn mặt của người đàn ông phong trần, bấy giờ nom trẻ dại làm sao. Người ta đúng là tính bản thiện! Cái phần tử tế và tốt đẹp nhất của anh chưa khi nào bị thui chột dù là, có những khi, bởi ước ao được sống cho đúng với những gì con người mong muốn, đáng được hưởng, mà trước đó bị tước đoạt, người ta dễ cảm giác bị ép tới tận chân tường, phải bật lên, hoang dại phản kháng, để trượt chân sa xuống sống một phần sống như súc vật.









 Đăng ngày 04/01/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: THIÈU QUANG - 04/01/2009

Hoan hô Nguyễn Văn Thọ. Hai chương viết lại này quả khá hơn rất nhiều so với văn bản ban đầu. Chờ đọc chương cuối của anh
  Gửi bởi: Traito - 05/01/2009

He,he…chỉ cần mấy chữ in nghiêng của Lão Trang là chân dung của bác Thọ hiện ra: bản lĩnh giang hồ và ngang ngạnh. Thế nhưng đọc vẫn cứ thấy Lão dành cho bác Thọ một sự cảm mến trong những từ rất chi là giang hồ kia. Thế mới gọi là cái đặc biệt của những nhà văn nổi tiếng tài hoa. Traito chưa gặp bác Thọ bao giờ nhưng đoán bác Thọ là người rất thẳng tính (có phần nóng nảy) nhưng vô cùng tốt bụng,  nhạy cảm và lãng mạn. Cháu đã đọc nhiều bài viết của bác Thọ và thấy rất hay, có những bài viết nhỏ thôi nhưng ăm ắp tình với bạn bè, đồng nghiệp, với số phận con người. (Cũng đã ở đâu đó, người ta nói rằng bác Thọ chỉ thích khen nhưng cháu thì nghĩ là không hẳn thế. Khen hay chê cũng còn tuỳ thuộc vào cái tâm của người viết và cách viết, cốt sao cho người đọc hiểu đó là lời góp ý chân thành chứ không phải để mỉa mai). Bằng chứng là khi đọc Quyên cháu thấy tính cách của nhà văn được khắc hoạ khá rõ nét. Bác Thọ đã để cho số phận các nhân vật kết thúc rất có tình và trọn vẹn cho dù mỗi nhân vật có một tính cách và cuộc sống khác nhau. Vì nếu là cháu thì có lẽ cháu đã để cho Phi đi tù mọt gông (nghĩa là không trở lại), Hùng thì sẽ chết trong dằn vặt, ân hận vì những lỗi lầm, còn cô Quyên ương bướng kia thì không phải ngay lập tức sẽ được trở về mà phải trả giá cho hành động ương ngạnh vô lối của mình là suýt bị bán sang Trung Quốc…He,he…Thế nên cái vẻ bề ngoài giang hồ và ngang ngạnh ấy của bác Thọ cũng không thể che lấp được một trái tim lãng mạn và nhân hậu, luôn khát khao hướng đến hạnh phúc vẹn toàn.  Bác Thọ đã viết lại những chương cuối hay hơn, hợp lý hơn và cảm xúc cũng liền mạch hơn. Theo cháu đó là sự tôn trọng bạn đọc TST của bác Thọ rất đáng được ghi nhận. Còn một chương cuối nữa chúng ta sẽ chờ xem nhưng cháu tin rằng sẽ là một chương cuối rất hay và tràn đầy cảm xúc.
Traito chúc bác thành công!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan