Tuesday, October 13, 2015

SAY SÓNG- Truyện ngắn



Tác giả: Bích Ngân


1. Cái gì đó, khó gọi tên. Cái gì đó, không vô hình nhưng cũng chưa rõ hình hài. Cái gì đó, không nằm im. Cái gì đó, đang chuyển dịch. Cái gì đó, lì lợm cựa quậy, chạm vào, bò rân rân, rồi len vào, xâm nhập vào thịt da thân thể Ninh...

Ninh tốc mền ngồi dậy. Máy lạnh vẫn chạy rì rì. Bóng đèn ngủ đủ sáng để Ninh nhìn thấy con số 22 độ C trên cái remote của máy lạnh. Anh với lấy chiếc đồng hồ đeo tay, đưa lên xem giờ. Mới 3 giờ sáng. Ninh nhìn quanh. Sau ca trực, ai cũng ngủ say. Ninh nghe rõ tiếng ngáy của Thuận, người nằm trên chiếc giường đặt gần anh nhất. Tiếng ngáy, dù của thằng bạn chơi khá thân cũng làm Ninh khó chịu. Anh muốn bước sang giường Thuận, đặt đầu nó vào gối cho ngay ngắn, may ra có thể làm giảm bớt tiếng còi thô bỉ cứ xoáy vào tai. Nhưng khi nhìn cái đầu hắn ngoẹo hẳn sang bên trái, Ninh phát hiện lúc ngủ say trông thằng bạn vốn thích chơi trội lại có bộ mặt đần đần, trông xấu tệ. Phát hiện này khiến Ninh thấy thú vị. Anh bỏ ý định chỉnh sửa vị trí cái đầu của Thuận trên gối.
Ninh mỉm cười với ý nghĩ, không biết, lúc ngủ gương mặt mình có thộn ra kỳ cục như vậy không?    
Vợ Ninh chưa một lần nhận xét khen chê về diện mạo chồng lúc đi, đứng, nói, cười, huống chi là khi anh ngủ. Hằng cũng không đòi hỏi nhiều ở Ninh ngoài việc theo dõi sít sao số tiền lương của chồng mà nàng được lãnh trọn từ tài khoản ở ngân hàng. Thu nhập khá cao của Ninh giữ Hằng có thái độ điềm tĩnh trước những biểu hiện đổi khác, nếu có ở chồng. Cô tin vài ba ngọn gió đổi hướng thất thường sẽ không thể làm lung lay cái nền móng ngôi nhà hai tầng có sân vườn nằm ngay khu du lịch sầm uất của Vũng Tàu. Ngay thời gian nửa tháng Ninh được ở trên đất liền, Hằng cũng không phàn nàn khi thấy chồng thi thoảng mới thực hiện nghĩa vụ gối chăn một cách mặn nồng.
Rồi bất chợt, trong Ninh, một ý nghĩ điên khùng ngo ngoe trỗi dậy. Nó làm Ninh giật thót. Anh thấy mình chới với mất đà như biển thình lình nổi sóng và giàn khoan thì trôi dạt.
Khi nằm duỗi đôi chân ngay ngắn trên giường và kéo mền lên đến tận cằm, Ninh vẫn không thể lấy lại được cân bằng. Cái gì đó, làm anh khát cháy họng dù mới ực hết một ly nước lọc. Cái gì đó, không mơ hồ nữa, mà hiển hiện...
Ninh không sao xua được hình ảnh, nếu anh nhắm mắt lại thì người đàn bà ấy sẽ đến. Không còn xa lạ nữa, mà thật gần gũi. Như mẹ như chị và say đắm như người tình. Nàng thủ thỉ. Nàng mềm mịn. Nàng ào ạt. Nàng nhấn chìm.
Ninh lịm đi.
2. Nhiều ngày sau. Chính xác là chín ngày sau, sau khi người đàn bà hầu như xa lạ đó cùng với đoàn khách tham quan rời giàn khoan, vào đất liền, Ninh vẫn không sao xua đi được hình ảnh nồng nàn đó. Anh còn hít sâu vào ngực mùi da thịt nàng. Mùi hương vẫn còn phảng phất quanh Ninh, đâu đó nơi chiếc giường đơn trong phòng ngủ, trong cả khoảng không gian mà nàng bước vào, nán lại, nói cười dù chỉ trong ít phút. Và ngay ở đây, chỗ Ninh ngồi làm việc, anh vẫn cảm nhận được cái mùi riêng biệt ấy. Khó thở, Ninh đưa tay kéo phẹc-mơ-tuya của chiếc áo liền quần xuống thấp và đứng lên, rời khỏi phòng làm việc, bước ra ngoài.
Trời nắng, ít gió. Mặt biển gợn sóng, xanh thẳm. Ngọn lửa của giàn đuốc trước mắt Ninh vẫn cháy bập bùng.
Ngọn lửa ấy, như không thay đổi, kể từ ngày anh đặt chân lên nơi này, cách đây ngót mười năm. Và mọi thứ khác, dường như cũng không thay đổi, từ cảnh vật đơn điệu, âm thanh ồn ồn của nhiều loại máy móc vận hành, công việc trôi đều đều bất kể ngày đêm, cho đến nền nếp ăn ở tại đây, một giàn nhà được xây dựng hiện đại na ná một khách sạn ba sao trên biển, cách đất liền hơn 30 phút đi bằng trực thăng. Và có lẽ cả Ninh nữa, cũng chẳng có gì thay đổi. Hoặc đổi thay trong sự thay đổi gần như bất biến.
Dồn hết tâm lực cho công việc. Tăng năng suất. Tăng sản lượng. Tăng lương. Tăng bậc. Tăng sự chịu đựng. Dần dần, sự xa cách vợ con trong nửa số ngày của một tháng không còn làm Ninh bứt rứt khổ sở nữa. Dần dần, mải miết, tảng đá mục tiêu cuộc đời anh đã lăn lên đến lưng chừng đồi. Khoảng cách còn lại để anh đặt chân đến đỉnh dốc chỉ là thời gian.
Ninh thận trọng. Từng chút, từng chút, và chưa hề chệch bước. Mọi thứ lặp lại. Đều đều hay riết róng đều trở thành nếp sống, nếp nghĩ, thành thói quen. Kể cả cái thói quen đè nén cảm xúc và khước từ vài ba nhu cầu có lúc coi là không thể thiếu như bia rượu và thuốc lá. Nhưng lúc này, lúc thẫn thờ bước dọc theo hành lang mà không rõ nơi tìm đến, Ninh lại thấy môi miệng nhạt nhẽo đến khó chịu. Anh lại thèm điếu thuốc. Ninh bước nhanh về khu vực dành riêng cho người hút thuốc.
Thuận đang ngửa cổ lên trời, nhả khói. Trông hắn tươi tỉnh và vững chãi như một khối thép. Ninh nói ngay:
- Cho tau một điếu!
Thuận rút bao ba số đưa cho Ninh, hỏi:
- Mày bị ám chớ gì?
- Ám gì? Đừng đoán bậy!
- Tau thấy cô nàng trên laptop của mày.
- Mày lục lọi...
Thuận chặn ngay:
- Mày ngủ mà quên tắt laptop. Ảnh cô nàng để tênh hênh trên màn hình. Nhưng nè, trông cô ta ít nhất cũng lớn hơn mày đến năm ba tuổi đó.
Ninh không nói gì, khum bàn tay mồi thuốc từ điếu thuốc của Thuận. Anh rít một hơi dài, chậm rãi nhả khói và nhìn theo khói thuốc. Thuận không nói, Ninh cũng biết và cả nàng cũng biết.
Lúc trò chuyện, nàng xưng "chị" với Ninh. Không giống như những vị khách từng đến, đến vì tò mò, vì hiếu kỳ hơn là vì công việc hay tìm hiểu công việc của những người gắn bó ở giàn khoan này; họ cố đặt ra những câu hỏi quen thuộc nhàm chán về sản lượng, về chỉ tiêu, về thành tích; nàng lại bỏ ngoài tai những con số. Nàng lướt mắt qua các loại bằng khen treo gần kín bốn bức vách phòng họp, rồi cúi lom khom nhìn vào tủ sách. Nàng chỉ quyển tiểu thuyết Cô đơn trên mạng, hỏi Ninh: "Em thích quyển sách này không?". Ninh đang cầm máy ảnh đứng chàng ràng gần nàng, sững lại một giây, rồi trả lời: "Thích vừa vừa thôi. Giá như có quyển Cô đơn trên giàn khoan thì thích hơn!". Mọi người cười. Nàng cũng cười. Cười nhưng gương mặt nàng lại như không vui. Nàng nói luôn: "Chắc gì ở đất liền lại không cô đơn!". Sau khi đi thăm thú thêm vài nơi, nàng cùng đoàn người cũng dừng chân chỗ này, để vài ba người đàn ông trong đoàn hút thuốc. Như quá quen với khói thuốc, nàng không bỏ đi chỗ khác như vài người đàn bà nữa có mặt trong đoàn. Nàng cúi nhìn cái bể nuôi cá. Mấy con cá lượn lờ va chạm trong cái bể thủy tinh chật hẹp có lẽ tạo cho nàng cảm giác tù túng. Nàng rời bể nuôi cá, đưa mắt ngắm mấy giò phong lan đang ra hoa treo lủng lẳng trước mặt, rồi trầm ngâm nhìn ra biển cả. Bốn bề đại dương. Bốn bề nắng gió. Xa xa vài ba cánh buồm của thuyền đánh cá bập bềnh trên sóng trông bé như những bàn tay vẫy nhẹ.
Nàng cũng đưa một bàn tay vẫy vẫy khi bước trên cầu thang dẫn lên cửa chiếc trực thăng vừa đáp xuống đang quạt cánh rền rền. Còn một bàn tay nàng túm lấy vạt áo kéo xuống để che  khoảng bụng với cái lỗ rún mà gió từ cánh bay cứ xoáy tròn, xoáy tròn và quật lên. Ninh kịp đưa máy ảnh bấm đúng khoảnh khắc gió tốc cuống cuồng đó. Cũng may là Thuận không thấy được tấm ảnh ấy. Ninh giữ tấm ảnh có phần hở hang của nàng trong một folder riêng. Cũng chẳng rõ vì sao, nhưng anh biết chắc đó là khoảnh khắc chỉ có anh mới chộp được.
- Mày đừng có mà say sóng! Tau thấy người đàn bà đó chẳng còn trẻ trung và cũng không có gì hấp dẫn.
Nói xong,Thuận dụi tàn thuốc, quăng vào thùng rác, bước đi.
3. Say sóng. Ninh thấy hai từ thằng Thuận gán cho mình có phần đúng. Nhắm mắt, mở mắt, lúc ăn, lúc làm việc, kể cả lúc vào nhà vệ sinh, Ninh cũng không dứt ra được hình ảnh nàng. Nhiều lần, anh muốn bấm số điện thoại, gọi cho nàng, nhưng ngần ngại. Anh sợ nghe phải cái giọng vô cảm: "Em gọi chị có việc gì không?". Ninh biết mình chưa dám liều mạng, nói "Em nhớ chị!". Anh cũng không đủ gan để nói về những con sóng làm mình quay mòng mòng.
Ninh thấy hoảng. Như một con thuyền đứt dây neo, những con sóng lạ lùng này sẽ tiếp tục xô dập làm anh chết ngạt. Loay hoay xoay trở, cuối cùng Ninh quyết định tìm cho mình một tín hiệu cầu cứu.
Ninh gọi về phòng tài vụ ở đất liền, dặn họ trích ra bốn trăm ngàn đồng trong số lương tháng và nhờ họ đặt cho anh một điện hoa gửi đến địa chỉ nàng. Ninh dặn đi dặn lại: "Nhớ chọn một giỏ hoa hồng đỏ thật tươi".
Hai ngày sau, Ninh lại rơi vào trạng thái bồn chồn mà chính anh cũng bất ngờ. Ninh đứng ngồi phấp phỏng chỉ với ý nghĩ là không rõ giỏ hồng được nàng đón nhận ra sao. Nàng nâng niu giỏ hồng bằng hai tay hay xách nó một cách hờ hững. Nàng đặt giỏ hồng đỏ thắm đó ở phòng khách hay trên bàn trang điểm, nơi phòng ngủ. Nếu đặt ở phòng ngủ, liệu nàng có ngủ một mình? Rồi anh không chịu nổi với hình ảnh nàng cuộn người trong một vòng tay ghì siết. Ý nghĩ này giày vò Ninh đến bạc rạc. Không chịu được nữa, Ninh bước ra hành lang gió thổi bời bời, móc điện thoại ra, bấm số máy của nàng.
Chuông đổ đến lần thứ năm nàng mới nghe, giọng hào hển, đứt quãng:
- Tôi... tôi... nghe... đây...
-  Chị còn nhớ em không?
Em là...
Khi nghe Ninh xưng tên, nàng "à... à" rồi nói:
- Chị... chị... có nhớ.
- Chị làm gì ? - Ninh thấy lưỡi như líu lại.
- Chị đang... leo... núi.
 Ninh hình dung mặt mũi thân thể nàng lữ lã mồ hôi. Anh muốn gào lên: "Em muốn được cõng chị, chị biết không?". Lưng Ninh chợt có cái cảm giác nhột nhạt âm ấm lạ. Anh hét vào máy:
- Chị leo núi ở đâu?
- Ở Sa Pa.
- Chị ở đó bao lâu?
- Chị chưa biết!
Rồi nàng tắt máy. Ninh như bước hụt dù anh đang dựa lưng vào mấy thanh chắn và dưới chân anh là những tấm lót sàn vững chãi bằng kim loại.
Khi lấy lại bình tĩnh, Ninh vỗ vỗ trán mấy cái, cười khô với ý nghĩ, mình phải thoát khỏi cơn say sóng này. Người đàn bà đó, đúng như Thuận nhận xét, chẳng có gì hấp dẫn cả. Tóc suông. Dong dỏng cao. Eo lưng thon thon. Giọng nói dứt khoát. Cười nói tự nhiên quá đỗi. Nhưng rồi, Ninh lại tìm cách bào chữa cho nàng. Điều mà Thuận không thể biết được nơi nàng là cái khoảng bụng trắng mịn, phẳng phiu và cái lỗ rún dễ nhìn tợ như cái lúm đồng tiền duyên bên má cô gái tuổi xuân thì. Mà cái lỗ rún đã duyên, những nơi khác trên thân thể chắc... duyên gấp bội. Tiếp xúc với nàng, Ninh thấy thoải mái. Nàng tạo cho người trò chuyện cái cảm giác ngượng ngùng nếu không gỡ bỏ lớp mặt nạ, dù cái mặt nạ đó có thật mỹ miều. Ở nàng, điều cuốn hút khó lý giải được, còn có lẽ là cái gì đó, chênh chao và đắm chìm. Cái gì đó, âm ỉ, cuộn trào như những con sóng. Nàng kiếm tìm. Nàng lặn mất tăm. Và... nàng đang trôi ngược. Nàng đang leo dốc. Một dốc núi nào đó ở cách xa Ninh ngàn dặm. Anh lại muốn gọi cho nàng, muốn được biết cái cảm giác nàng đang ở lưng chừng núi đồi thì điện thoại đổ chuông. Tim đập loạn xạ, Ninh ấp ngay cái di động vào tai.
Người gọi không phải nàng. Ninh nghe Hằng nói một mạch:
- Em vừa ra ngân hàng nhận lương anh và thấy tháng này hụt mất bốn trăm ngàn, anh báo lại cho tài vụ ngay đi.
-  Số tiền đó anh giữ lại.
-  Anh tiêu gì mà giữ lại?
-  Thì... thuốc men, bia bọt.
-  Sao anh nói họ cấm những thứ đó?
-  Lúc cấm lúc không.
-  Anh đã cai được rồi sao lại bày vẽ lắm chuyện vậy?
- Nhưng giờ thì anh không muốn cai nữa.
Ninh lên giọng và tắt máy. Hằng gọi lại. Anh để chuông reo mòn mỏi trong túi quần. Hằng cũng không kiên nhẫn gọi tiếp.
***
Ninh trở lại chỗ làm việc. Mọi thứ vẫn như mọi khi. Thằng Thuận đang chứng tỏ khả năng của mình bằng đầu lưỡi. Hắn đang múa mép với đồng nghiệp về cái mỏ dầu đâu đó mới khai thác. Hắn tin chắc như đinh đóng cột, là mình sẽ được cử đến đúng nơi đầu sóng ngọn gió. Lời khoe mẽ quen thuộc của Thuận khiến Ninh ngột ngạt. Không kềm giữ được, Ninh nói luôn:
- Tao cũng mong mày đi khỏi đây.
Thuận không phản công mà xoáy vào Ninh cái nhìn dò xét:
- Mày làm sao vậy? Cơn say sóng làm mày quẫn trí hả?
Cái kiểu chọc ngoáy của Thuận dễ dẫn đến cãi vã to tiếng, nếu không nín nhịn như Ninh đã từng nín nhịn. Anh tảng lờ như không nghe và cố gắng cắm mặt vào công việc. 
Mọi thứ vẫn tiếp tục vận hành. Thời gian vẫn đều đặn trôi. Ngày mai, Ninh sẽ trở lại đất liền trên chuyến trực thăng lúc 12 giờ. Chiều mai anh sẽ cùng vợ con ăn bữa cơm trong phòng còn thoang thoảng mùi vẹc-ni mà Hằng vừa thay mới bộ tủ bếp. Tối mai anh sẽ ôm vợ trong vòng tay.
Và tối mai, nàng vẫn tiếp tục rong ruổi trong hành trình của riêng mình.
Nhưng trong Ninh, dường như khó có thể tìm lại sự phẳng lặng bình yên. Anh như kẻ chơi vơi dù có đặt chân lên đất liền. Anh thấy bất ổn.
Sự bất ổn này, Ninh biết, sẽ không thoảng qua như ngọn gió.
                                                                                                       Bích Ngân
Bản gửi riêng cho xuanduc.vn


 Đăng ngày 28/09/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: ghé qua - 29/09/2010

"Ninh gọi về phòng tài vụ ở đất liền, dặn họ trích ra bốn trăm ngàn đồng trong số lương tháng và nhờ họ đặt cho anh một điện hoa gửi đến địa chỉ nàng. Ninh dặn đi dặn lại: "Nhớ chọn một giỏ hoa hồng đỏ thật tươi".
Em vừa ra ngân hàng nhận lương anh và thấy tháng này hụt mất bốn trăm ngàn, anh báo lại cho tài vụ ngay đi.
-  Số tiền đó anh giữ lại.
-  Anh tiêu gì mà giữ lại?
-  Thì... thuốc men, bia bọt.
-  Sao anh nói họ cấm những thứ đó?
-  Lúc cấm lúc không....   "
Ôi nhà văn! Bịa phải như thật mới tài.
-Chỉ có thể rút tiền của người khác qua máy ATM (nếu người kia tự nguyện đưa thẻ ) còn qua ngân hàng không thể ai ngoài chính chủ tài khoản đó.
-Lương công ty này không phải tháng nào cũng giống nhau.
-Phòng tài vụ không có quyền trích lương ngang xương như thế. Nếu nhà văn nói nhờ thằng bạn thân gửi điện hoa thì nghe có lý hơn.
Nói chung tay viết còn non.


  Gửi bởi: Trung Kiên - 15/06/2011

Sao bạn " ghé qua" lại khắt khe vô lý như vậy với Bích Ngân?
1. Người vợ mở tài khoản ở Ngân Hàng,người chồng yêu cầu tài vụ chuyển lương chính hàngthángcủa mình vào tài khoản vợ,còn phụ cấp  hàng tháng vào tài khoản của chồng.
2.Đúng là lương công ty này không phải tháng nào cũng giống nhau,nhưng lương chính thì lúc nào cũng thế.Chỉ có phụ câp thay đổi mà thôi.!!!
3.Tôi thấy truyện cũng nhẹ nhàng ,chấp nhận được.

  Gửi bởi: Ghe qua - 16/06/2011

Trung Kiên nói chí phải. Với vợ thì phải khắt khe, kể tội càng nhiều càng tốt nhưng với Bích Ngân thì nên ga lăng và nhân hậu. Chỉ tiếc là anh chàng nhân vật chính trong truyện đại ngốc thôi. Nếu theo trí tưởng tượng phong phú của Trung Kiên thì  phụ cấp được chuyển vào tài khoản riêng của mình sao không chịu trích 400 ngàn lại trích từ khoản lương cố định chuyển vào tài khoản của vợ (cũng là tưởng tượng) để phải nghe cằn nhằn thì hỡi ôi...cũng đáng đời lắm lắm.
Bàn tí cho vui chứ ghé qua này cũng...rứa: Thấy gái đẹp là bắt đầu thiên tình sử: Hôn nhân của anh do gia đình áp đặt chứ không có tình yêu, vợ dốt, vô học, dữ dằn, tham tiền...nói chung nhìn tổng thể là xấu tất tần tật Trung Kiên nhỉ?Wink

  Gửi bởi: Trung Kiên - 17/06/2011

"ghé qua " ơi ,bạn lại không hiểu tâm lí đàn ông rồi !!!
Khi bị Say nắng ,đàn ông không còn yêu vợ 100% nữa ,do đó tiền gửi cho vợ cũng không thể giữ nguyên 100%, mà phải trích ra để chi cho người đang làm mình  Say.!!!
Tội gì phải chi vào số tiền phụ cấp ít ỏi mà mình đang có trong tài khoản riêng .???

  Gửi bởi: GQ - 17/06/2011

Một người đàn ông đàng hoàng chẳng ai đề nghị cơ quan chuyển lương vào 2 tài khoản của vợ lẫn chồng.
1 thoáng say em nhà báo, nhà văn nào đó...quen thói ỡm ờ, quăng lưới chốn rặt cánh đàn ông mà cô ta đủ kinh nghiệm để hiểu rằng xa đất liền 15 ngày quả là không dễ để rồi thản nhiên bớt xén  lương còm-thứ mà vợ anh ta đang cần để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, lo cho gia đình và nội ngoại hai bên...thì loại đàn ông đó cũng đáng bỏ đi TK ạ. Chẳng người vợ nào có thể giữ nổi những ông chồng phần CON bản năng luôn sai khiến và chiến thắng phần NGƯỜI.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan