Tuesday, October 13, 2015

Sự tích đèo Mang


Tác giả: Trần Lưu Đạt

Khi mặt trời còn chưa ló, gió đã đưa hương về, sương long lanh đọng trên cành lá. Những cánh bướm rung rinh, chập chờn như mời, như gọi.
 Cái bụng của Hơ Ling như muốn nói với hai cái chân : "Mau đi vào rừng bẻ măng, tìm nấm đi thôi!..."


Hơ Ling đi miết... đi miết, cái miệng bỗng nhiên muốn hát quá. Và khi tiếng hát cất lên thì núi rừng giật mình bừng tỉnh, chim muông ngừng lại không hót nữa để nghe tiếng hát ngọt ngào, trong veo như nước dòng suối ban mai nơi núi cao, rừng thẳm.
Chổ nào có bước chân của Hơ Ling đến, thì ở đó hoa rừng bỗng thấy ngỡ ngàng e thẹn. chỉ dám đong đưa nhẹ nhàng trước cái đẹp thuần khiết của người con gái dân tộc Bia A Năng.
Hơ Ling có thân hình tròn lẳn, chắc khoẻ, làn da mịn đẹp như trái bồ quân chín trong rừng, chỉ chờ tay người tới hái. Trên khuôn mặt ửng đỏ, cái miệng lúc nào cũng tươi rói như muốn mở nụ cười ban cho ai đó.
 Lũ trai bản nói với nhau:
 "Hơ Ling là đứa con gái đẹp hơn bất cứ đứa con gái nào trong tất cả các bản ở dọc dòng sông Xê Biêng Hăng này!"
Đứa con trai lớn nào của bản cũng muốn gần gủi, để đến đêm lại đi sim, đi hát cùng Hơ Ling.
Thậm chí nhiều đứa còn muốn bắt Hơ Ling về làm của riêng nhà miềng.
Nhưng ngặt một nỗi:
 Hơ ling là con gái của già bản Nay Thung. Cái quyền uy của già bản đã to như quả núi, trong nhà ông lại có nhiều con trâu, con bò, heo gà. Đến nổi không ai có thể đếm đủ hết số con trâu bò của già bản. Nếu như có ai đó muốn đếm hết số con trâu của già thì phải hái lá cây mà đếm. Nhưng lá cây nhiều quá, có khi đếm đến bầy sau lại quên mất bầy trước có mấy lá rồi. Ô... thế là lại lầm rồi!Bắt đầu đếm lại, đến mệt mới thôi.
 Rẫy nương của già Thung cũng rộng lắm, đến nổi con chim rừng to nhất của núi rừng bay mỏi cánh rồi, mà nhìn xuống phía dưới bụng, lúa, khoai, ngô vẫn đang còn nhiều lắm ...
          Trong những dãy nhà sàn dài rộng - Nơi Nay Thung ở - luôn luôn đầy ắp tiếng người cười đùa, ca hát, bên ánh lửa bập bùng suốt ngày đêm.
 Người ra, kẻ vào nhà Nay Thung nhiều lắm. Kẻ thì đến để trả nợ hoặc tới để làm công, chăn trâu bò, xay lúa, quạt gạo, chặt cây, đan gùi, phơi cây thuốc đào đựợc từ trong rừng...
 Những hôm trời mưa, hoặc khi mặt trời vừa đi ngủ sau những ngọn núi, người đi vào, hay lại mắc phải người đi ra, hoặc kẻ chạy qua chạy lại...
Biết lũ con trai có cái bụng ưng con Hơ Ling nhà mình. Nay Thung ngồi xếp vế ngay chính giữa căn nhà sàn chung của bản. Sai người đốt một đống lửa to, vuốt chòm râu trắng như mây, dài tới ngực và nói:
- Nhà tao... đông con trai con gái, nhưng chỉ còn mỗi con Hơ Ling là chưa về làm vợ nhà ai. Đứa con trai nào muốn bắt nó về làm của riêng nhà miềng, thì hãy phát cho tao một cái rẫy rộng bằng ba quả đồi, phải giết cho được con gấu to nặng tám người khiêng ở trong núi Xa Khia. Bắt nó không bao giờ được làm hại người đi săn, hái củi, đào thuốc. Sau đó... - Già ngừng lại một chút, lừ mắt nhìn quanh một lượt - như muốn thăm dò, rồi nói chậm rãi, giọng vang lên sang sảng như tiếng cồng lệnh, chắc từng tiếng một - tao sẽ lột da nó ra làm cái chăn cho êm cái lưng, ấm cái bụng, móc lấy mật uống, để sống cho lâu bằng cây gỗ lim quý ở trong rừng rậm, cho sướng cái đời. Cuối cùng xả thịt nướng cho dân tất cả bản cùng uống với rượu, ăn với xôi, cho no cái bụng. Chưa xong - già lại nói tiếp - Phải dùng tay cầm sừng con trâu to nhất nhà nó, lôi về đây để tao làm lễ tế Giàng và ma nhà tao thế là xong, có khó chi mô?
Nói rồi, già bản vuốt tiếp chòm râu trắng, cười hà hà vẻ sướng cái bụng lắm. Ai cũng cười theo. Nhưng lũ trai bản thì lại khác, nghe NayThung nói như vậy thì cũng ưng cái bụng lắm.
Nhưng phát một cái rẫy to bằng ba quả đồi thì dễ, dắt con trâu to nhất nhà về để đâm thịt thì từ trước tới nay ai muốn có vợ đều đã làm.
Còn bắt con gấu to trong núi Xa Khia không còn làm hại người thì chưa ai làm được. Vì con gấu đó to khoẻ, đã thành tinh dữ lắm, mà khôn nữa, nó biết trèo cây, lội nước tài hơn cả con người.
Đã có nhiều thợ săn tìm cách rình bắn, gài bẫy, nhưng hình như là nó biết trước, nên đón ở nửa đưòng - nơi nhiều dây leo, cây cao rậm rạp - chờ người đi qua, bất ngờ từ trên cao nhảy xuống, thợ săn không kịp trở tay, liền bị nó tát cho một cái, chết tươi. Người đi theo may mắn chạy thoát được, về đến nhà nằm run, không ăn, không uống. Sau đó cũng bị con ma rừng đến đưa đi.
Có lần ba trai bản khoẻ mạnh lên đầu con nguồn con sông Xê Biêng Hăng kết bè, thả trôi theo dòng nước. Đến nơi, neo lại chính giữa dòng, gọi to, gõ chiêng cồng, dụ nó ra để bắn tên độc làm cho nó chết.
Nhưng linh gấu không dại gì mà ra theo lối đó. Nó lặng lẽ đi lên phía thượng nguồn của con sông, lặn một hơi dài, tới đúng nơi có chiếc bè chở ba người đang la hét, đòi đánh. Rồi bất ngờ trồi lên, hất tung cái bè, làm cả ba trai bản ngã nhoài xuống nước. Họ vội rút dao rừng gài trên lưng, tính đánh nhau với linh gấu. Nhưng dao chưa kịp đâm, chặt đã bị nó tát, bả cho gãy tay, rụng hết răng, toạc hết mặt mày, bê bết máu.
Hôm sau, người ta thấy hai cái xác trôi dạt về, mắc vào rễ cây sung ngay bến nước của bản.
 Cái xác nào cũng bị móc hết mắt, xé toạc bụng để tìm mật mà nuốt.
Còn xác người đứng đầu cuộc săn thì không thấy đâu. Nhưng vài ngày sau, lại thấy có mỗi cái đầu không mắt được một con rùa to cõng về và rùa cũng phơi cái bụng ra mà chết còng queo nơi bến nước.
Người ta tin rằng: Cụ rùa nọ vì thấy cảnh giết chóc thê thảm quá, cụ sợ và tức trong cái bụng mà chết luôn. Trước khi chết, cụ cũng cố đưa được cái đầu người thợ săn nghĩa hiệp xấu số về đến nơi đến chốn. Người ta chôn xác rùa cùng với cái đầu của chàng thợ săn. Vì dân bản tin rằng: "Hồn của người thợ săn đã nhập vào xác của cụ rùa tốt bụng".
Từ đó đến nay, không ai dám nhắc chuyện giết tinh gấu, và cũng không người nào dám liều lĩnh vô đó tìm cây thuốc, săn bắt thú nữa.
Bỗng hôm nay, nghe già Nay Thung nhắc lại chuyện đó, lũ con trai trong cái bụng dù rất ưng bắt Hơ Ling về nhà mình, nhưng đều lắc đầu lo sợ.
Những người già khác trong bản thì xì xầm:
- Nó không muốn phù xao ( con gái đẹp) cuả  nó về làm con nhà người khác đó mà!
Chính vì lẽ đó mà đã qua mười sáu mùa rẫy rồi, mà Hơ Ling vẫn chưa được đeo vòng cổ nhà người khác, bối tóc cao như những người con gái đã có chồng của tộc người Bia A Năng.
 Mãi mê với hoa thơm, cảnh đẹp của núi rừng. Đắm chìm trong tiếng líu lo chim hót. Hơ Ling say sưa bẻ măng, hái nấm. Nàng không hề biết rằng mình đã lạc đến khu rừng cấm. Nơi mà từ rất lâu không ai dám đặt chân tới.  Bởi khu rừng này chỉ giành riêng cho mỗi linh gấu mà thôi. Ai vô thì được, mà không thấy trở về.
Từ xa, linh gấu đã nghe giọng hát của Hơling. Nó cũng ngạc nhiên không kém, bởi lâu lắm rồi, hôm nay lại có người đến đất mình, mà lại còn say sưa hát nữa.
Nhưng... chính nhờ giọng hát trong veo, ngọt ngào của Hơ Ling mà linh gấu như bị thôi miên, tính hung tợn hàng ngày của bạo chúa rừng thiêng cũng mất đi một nửa.
 Nó đứng lên bằng hai chân sau, dỏng cái tai lên nghe ngóng, rồi lần lần chân, bước rất nhẹ qua tầng lá khô. Linh gấu nhẹ nhàng đến nỗi cái thân hình đồ sộ, đen như hòn đá lớn bước trên nền lá cành khô mà vẫn không hề phát ra một tiếng sột soạt nhỏ. Bản tính ranh ma của linh gấu cũng từng biến mất. Đáng ra mọi lần rình bắt mồi, linh gấu thường khéo léo chuyền cây, luồn lách, hoặc trườn sát đất trong các bụi rậm, để đến cận, rồi đột nhảy ra, vồ nhanh gọn, làm cho con mồi không kịp trở tay.
 Nhưng hôm nay... nó bỗng đi sừng sững, không hề do dự, bước từng bước nhẹ nhàng... tiến về phía có tiếng hát.
Hơ Ling say sưa hát, bẻ măng cô không hề biết phía sau lưng mình có một bóng đen đang lù lù theo gót.
Chợt một luồng gió rừng nhẹ thổi qua, Hơ Ling  giật mình dừng tay, ngừng hát, nghiêng tai nghe ngóng, cái mũi của cô phập phồng đánh hơi.
Ui ui!!!có cái mùi chi khen khét, tanh tanh rất lạ, cô nhổm dậy, định lùi ra. Nhưng đã quá muộn, một con gấu to, đen đã đứng sửng ngay trước mặt.
Hơ Ling thoảng thốt la lên:
 "Ơ! Ơ!...  ơ tinh gấu! tinh gấu!... Giàng ơi tinh gấu!...đừng... đừng bắt tao... ơ... linh gấu à..."
Nhưng tinh gấu đã vạch lá bước tới. Hơ Ling hoảng hốt thụt lùi vài bước, cô vấp ngay một cái rể cây lớn trồi lên khỏi mặt đất, ngã nhoài chỏng quèo.
Linh gấu lao tới, nhưng nó không tát, hoặc ngoạm chết Hơ Linh ngay. - Như thường ngày.
Mà nó chậm chạp đứng dạng hai chân ngay trước mặt Hơ Ling, mắt mở to nhìn trân trân vào khuôn mặt đẹp, sáng như trăng rằm của con mồi. Nó nhìn chằm chằm xuống bộ ngực nở nang, tràn đầy nhựa sống, lộ ra một khoảng da trắng mịn đang phập phồng lo lắng. Cái mồm to của nó ngoác bên này, rồi lại ngoác bên kia gầm gừ. Nhưng chẳng có dấu hiệu gì tỏ ra là sắp ăn thịt cả.
 Bỗng... linh gấu cúi xuống, từ từ đưa cái tay ra, rồi ngập ngừng... ngập ngừng. Không! nó đang run run vì sợ làm đau, làm tổn thương tới da thịt mịn màng, tinh khiết của con mồi. Sao lại thế nhỉ? Hơ Ling nhắm mắt chờ chết, nhưng chờ mãi... chờ mãi mà tay linh gấu vẫn chưa hề dụng tới người cô. Hơ Ling mở mắt, bàn tay nó đã chạm đến ngực mình, nhưng không đau một chút nào, chỉ khẽ khều khều mấy cái, chỉ đủ để rách tý áo ngực của Hơ Ling mà thôi. Cả một bộ ngực trắng hồng, tròn căng, mịn màng, mềm mại lồ lộ hiện ra, khiến cho linh gấu như bị thôi miên, mê mẫn trước cái đẹp lạ lùng của người con gái. Nó không còn nhớ gì đến cách làm hại con mồi nữa. Mà chỉ dí cái mỏ to, nhầy nhụa, nhiều lông lá lởm chởm sát vào bộ ngực mềm mại, nóng hổi, đang đập dồn dập, hít hít mấy cái như để thưởng thức, tận hưởng cảm giác khoan khoái trước khi làm thịt con mồi.
Chính khoảng khắc chần chừ đó, Hơ Ling đã lấy lại được bình tĩnh. Cô với tay lấy cái gùi đựng đầy măng và nấm. Quật thật mạnh vào mặt linh gấu, rồi chồm dậy, lủi ngay vào bụi tre ngà dầy đặc gai ngay bên cạnh.
Bị bất ngờ và để tuột mất con mồi, linh gấu tức tối lồng lên, gầm một tiếng dữ tợn, rồi lao vào chổ Hơ Ling đang núp để tóm lại con mồi cho bằng được.
Nhưng cô đã đã kịp trấn tỉnh, cầm chặt con dao rừng. Chỉ cần linh gấu cho tay vào chổ nào là Hơ Ling sẵn sàng băm một nhát thật mạnh vào đó.
 Bị đau, nhưng linh gấu không hề xuýt xoa, nó càng sôi máu hung tợn hơn. Nó lồng lộn, gầm gào, xé rào, bẻ tre ào ào nghe như một trận cuồng phong lớn đang tràn qua...
Trong bụi tre, Hơ Ling tin chắc là mình sẽ chết, nhưng trước khi chết thì cũng phải làm cho nó đau cái đã, còn giết nó thì cô không thể.
- Ôi Giàng ơi! Giàng thương con thì hãy đuổi con gấu đi thật xa để con về...
Bỗng trong gió nghe như có tiếng : vút... vút... vút... phựt... phựt... phựt!
Linh gấu giật mình, rống lên một tiếng "Ọ ... Ọ" dữ tợn. Nó ngoác rộng cái mồm, quay lưng lại, thì ra đã có ba mũi tên độc của ai từ đằng sau bay tới, cắm chặt vào cái lưng đồ sộ, đen sì của nó.
Khi vừa xoay hẳn người lại, thì bị liền hai mũi tên nữa cắm sâu vào vạch trắng ở ngay cổ họng. Nó với tay định nhổ mũi tên ra để bẻ, nhưng muộn rồi. Thuốc độc đã kịp ngấm vào máu, khiến nó mờ cả mắt, bước đi loạng choạng.
  Núp trong bụi tre ngà nhiều gai, Hơ ling chưa kịp hết ngạc nhiên trước tình huống trên, thì một giọng trai trẻ đã cất lên;
- Ơ... ơ... Hơ Ling!  Cứ ở yên trong đó, đừng ra. Chút nữa coi Thoong May cột linh gấu như cột một con chồn, con cáo cho mà coi.
Nghe tiếng người, xác định đúng chổ nấp của kẻ thù, linh gấu lấy hết sức, lao cả cái thân hình đồ sộ về phía đó, quờ tay tát mạnh. Nhưng người trai nọ đã nhanh nhẹn lách sang bên này, tránh sang bên kia. Rút dao rừng, lợi dụng sơ hở, thọc cho linh gấu một nhát chí tử vào bụng, nó "Ọ ... ọ" lên một tiếng rất dài và dữ tợn, làm động cả núi rừng, khiến chim chóc hoảng sợ bay tứ tung, lá rừng kêu lào xào, những hòn đá bên bờ suối cũng giật mình rơi tỏm xuống nước, nghe bì bỏm...
Bị đòn hiểm, lại ngấm một lúc những năm mũi tên độc, đuối sức, mắt thấy tối tăm hết cả, linh gấu ngã vật xuống đất, quẫy đạp một chặp rồi nằm yên bất động.
Lúc đó Hơ Ling mới định thần, coi lại cho kỹ cái mặt của người đã cứu mình.
 Đó là một thanh niên có thân hình tròn, chắc, rám nắng, bắp thịt cuồn cuồn nổi lên những đường gân to, xoắn xuýt ngoằn nghèo như những chạc dây rừng cuốn lại với nhau.
Ngườì đó vẫn sợ linh gấu chưa chết hẳn, nên cứ cầm con dao đứng thủ thế dứ dứ, chỉ một cựa quậy nhỏ của nó là liền bị băm cho một nhát vào đầu thật mạnh.
Mãi sau, không thấy nó động đậy gì nữa, Thoong May mới quay về phía bụi tre gọi to:
-         Ơ... Hơ Ling ! Ra mà xem linh gấu nhắm mắt, hết quậy thiệt rồi tề!
          Lúc đó, Hơ Ling mới dám chui ra khỏi chổ núp, cô len lén đến bên xác linh gấu, ngước mắt nhìn chàng trai và hỏi:
- Tại sao biết người ta ở đây, mà đến cứu, sao lại biết tên Hơ Ling?
Người trai nhoẻn miệng cười vô tư và hiền khô:
 - Ơ ơ!!! Hơ Ling hạ lạ hè! Cả cái vùng này ai con trai lớn cũng biết cái tên Hơ Ling - con già bản Nay Thung - đẹp hơn hoa rừng, hát hay hơn chim đó mà. Mình rình ở đây từ khi ông mặt trời còn ngủ cơ. Nếu đến muộn tý nữa, thì không còn gặp được Hơ Ling nữa rồi. Cho dù có giết được linh gấu thì cái bụng Thoong May này không ưng tý nào.
Nói rồi, Thoong May híp mắt cười khì khì. Đoạn anh ta cầm con dao cắt một cái chân trước của linh gấu dắt vào lưng khố. Rồi chạy lại nắm chặt tay hơ Ling:
-Nào!!! tao phải đem cái chân gấu này về, bỏ trước nhà chung của bản mày, để bản mày cho người vào khiêng cái xác con gấu to về. Còn tao sẽ về nhà, cầm sừng con trâu đực to nhất nhà tao dắt tới nộp lễ, rồi bắt mày về làm vợ tao. Mày sẽ làm vợ của tao... hô... h...ô... H...u.... Giàng ơi ! giết được linh gấu, bắt được Hơ Ling rồi!
Người đó miệng nói, tay nắm chặt tay Hơ Ling, khiến cho nàng không còn kịp trở tay. "Nhưng trở tay mà làm gì, khi hồn mình đã thuộc về của người đó rồi.- chả phải ai giết được linh gấu, mình sẽ về làm vợ người đó sao!" - Hơ Ling nghĩ như vậy trong bụng.
 Quả thật hồn của Hơ Ling đã bị anh ta hút mất từ khi còn núp ở trong bụi tre rồi. Hơn nữa từ tay của Thoong May như có một luồng hơi ấm, sức mạnh lạ lùng làm cho Hơ Ling mê mẫn cả người.
Cứ thế Hơ Ling để nguyên cái tay tròn mềm mại của mình cho Thoong May nắm chặt, cô bước đi khấp khởi, vượt qua muôn cỏ cây, gềnh đá hướng về với bản Bia A Năng.
Thoong May đưa được Hơ Ling về đến bản thì đã xế chiều, bóng cây cũng ngả về phía mặt trời mọc.
Cả bản người già, người trẻ đều rất ngạc nhiên, vì thấy một trai lạ đến bản. Càng ngạc nhiên hơn vì lần đầu tiên họ nhìn thấy Hơ Ling chịu để cho một thằng con trai nắm tay đưa về như sợ bị chạy mất.
- Ơ...  ơ...!!! bà con phì nọng ơi! Ra mà coi cho kỹ, Hơ Ling con gái Nay Thung đẹp nhất bản miềng bị người ta bắt làm vợ rồi tề.
- Ô  hô... coi có thiệt không cái đã! Sao mà đến bắt Hơ ling ta dễ quá!
Tất cả nhốn nháo, ồn ào.
Đàn bà, con nít thì bám thang leo xuống, đàn ông, thanh niên khoẻ mạnh vì gấp quá, không kịp tụt thang mà nhảy ào từ trên sàn cao xuống. Có người mất đà loạng choạng, ngồi sụp, lún xuống một chút rồi lại vội vàng lao về phía nhà chung. - Nơi Thoong May và Hơ Ling đang đứng. Tất cả vây lấy hai người thành một vòng tròn, mắt gườm gườm nhìn, như dò hỏi: " Sao lại có chuyện lạ như vậy?"
Một tiếng quát nhẹ nhưng rõ ràng, đủ to để tất cả cùng nghe:
- Xê ra! cho Nay Thung vô coi thử...
Già bản Nay Thung rẽ đám đông bước vào, ông xấn tới, ngước mắt nhìn từ trên xuống dưới. Tay Thoong May đã bỏ cánh tay của Hơ Ling ra rồi.
Ông không kém phần ngạc nhiên, khi thấy Hơ Ling đứng bên cạnh chàng trai đen như gỗ mun, cứng như gỗ lim, đôi mắt sáng long lanh như những ánh sao.
 Mà lạ hè!!! sao lạ rứa??? Tại sao váy áo của Hơ Lìng lại rách như bị ai cào, ai xé vậy???
Lão hừ... hừ từng tiếng một, bập mạnh môi hút một hơi dài, làm cái tẩu sáng loé lên, rồi nhả khói.
Đoạn già bản bước thụt lùi ba bước, đám đông phía ấy rãn ra, Nay Thung chắp hai tay sau lưng, nghiêm mặt hỏi:
- Con Hơ Ling... mày cho thằng này đánh dấu lên người mày rồi sao? Sai với tục lệ của tộc người bản ta rồi đó.
Hơ Ling bối rối, trào nước mắt, mặt đỏ ửng lên hơn bao giờ hết.
-Chưa....
- Sao trên áo mày rách hết, ngực mầy bị nhiều vết xước thế?
Hơ Ling luống cuống trả lời ngây thơ
 - Chưa... chưa thiệt mà! Nó chưa làm gì đau con hết. Nó chỉ giết linh gấu, rồi đem con về trả lại cho bản, để mai nhà nó dắt trâu qua, con trai, con gái, cả bản nó qua đây bắt con về làm vợ nó đó mà.
-Thế à? Già bản day mặt về phía chàng trai nãy giờ đang đứng im, chưa nói câu nào, nhưng ánh mắt đã ngời lên một nguồn sáng kiêu hãnh, đầy tin tưởng.
-Mày giết được linh gấu thiệt à? mày muốn bắt con Hơ Ling của tao về làm vợ mày thiệt không?
- Thiệt!
Thoong May nói, tay mân mê lưng khố, rút cái chân trước của linh gấu ra ném phịt xuống đất. -  Trước mặt Già Thung, chính giữa vòng tròn người.
- Đó... tao nói thiệt đó!
- Ô hô... cái tay gấu...  cái tay gấu to thiệt đó.
Lúc này Thoong May mới nói tiếp :
- Mày đã nói với trai làng các bản, tất cả người già, con nít, phụ nữ trong vùng ai cũng biết, ai cũng nghe: "Nếu trai bản nào bắt được con linh gấu không còn làm hại người đi săn, hái măng, hái nấm, đào thuốc... thì mày cho bắt con Hơ Ling về làm vợ." mà. Mày đã quên câu đó chưa? Hôm nay nếu tao đến muộn, thì mày không còn thấy con gái của mày trở về nữa rồi.
Mọi người hối hả đi tìm cây, dây, chuẩn bị đuốc, theo bước chân của Thoong May vào rừng khiêng linh xác gấu về.
Khi cái xác to nặng vừa vứt phịt xuống giữa bãi cỏ trước nhà sàn chung của bản. Thì lũ thanh niên đi khiêng về ai nấy vội ngả nhoài ra cỏ, thở dốc.
- Ồ... già Thung nói sai rồi, tám người không khiêng nổi, mà phải hơn mười người cơ đấy, nặng quá đi mất!
Người già, phụ nữ, con nít, bước lại gần, "Coi kỹ ! có đúng xác của linh gấu hay không?".
Một già bản khác xác nhận:
 - Đúng là linh gấu rồi. Nó to thêm nhiều, nên nặng đó mà!
- Vậy là tao phải về để mai mốt đưa trâu sang cho chúng mày đâm thịt. Còn tao sẽ bắt con Hơ Ling về làm vợ.- Thoong May nói.
- Được! được quá đi chứ!. Nhiều tiếng trả lời.
Bấy giờ già Thung mới chậm rãi bước lại gần Thoong May, ông hỏi:
-Mày con ai? ở cái bản nào?
-Tao con già May Try, ở bản Moong, cách đây gần hai ngày đường.
 Nay Thung bỗng thần thần cả người trong chốc lát. Ông trầm ngâm một chút rồi nói:
- Ơ thế thì không được rồi! - Ngừng một chút rồi già tiếp - Cái bản của mày với bản tao, đã thề là không bao giờ uống chung một vò rượu, ăn chung một típ xôi rồi mà.
Mọi người ồ lên xôn xao.
- Ơ... sao thế nhỉ?
Nay Thung nói:
- Ngày xưa, khi tao còn chưa có, nghe nói hai già bản uống rưọu say chửi nhau, rồi thề như vậy. Bây giờ tao không biết, sợ làm trái lời nguyền con ma bản sẽ bắt cho đau chết.
- Ơ... thế thì không được rồi. Tiếc hè!
- Thôi!... về đi về đi ... về đi, để Hơ Ling lại cho con trai bản tao.
 Già Thung đưa tay làm hiệu cho mọi người yên lặng và nói:
-Ngày trước, người già hai bên đã giận nhau giao kèo như vậy. Do đó mỗi khi người bản ta gặp người bản mày, phải đánh nhau tới chết mới thôi. Nhưng hôm nay mày giết được linh gấu, cứu con gái Hơ Ling của tao, nên tao không trói mày nữa. Nhưng mày phải về mà không có con Hơ Ling. Nếu bản mày muốn tốt với bản tao, thì tao sẽ cho con Hơ Ling sang bên đó làm vợ mày. Không thì thôi, tao sợ tộc người bản mày vì ghét tao mà giết chết con gái tao thì sao!
-Ừ đúng đó, già bản nói đúng cái bụng của tui quá. - Một cụ già khác của bản cũng nói chen vào như vậy.
Thoong May chợt nhăn nhó cái mặt cách khắc khổ. Anh ta nói :
- Tao sẽ về nói với người bản tao bỏ qua chuyện cũ, để người hai bản sống hoà thuận bên nhau như những cây tre trong rừng biết dựa vào nhau khi mưa to gió lớn. Lúc đó tao  sẽ sang bắt con Hơ Ling về. Mày không được gả cho thằng con trai bản nào khác đó.
Nói rồi Thoong May rẽ đám đông lao vào đêm tối. Anh bực quá mà quên cả sợ hãi, rắn rết đang chờ sẵn ở trên đường.
Mặc cho Hơ Ling hoảng hốt gọi vọng theo:
-Ơ... Thoong May!  ở lại đã, sáng mai hãy về, đường xa sợ lắm!
- Tao chưa phải là khách của bản mày, nên chưa ở lại được. Tao phải về nói với bản tao bỏ cái xấu trong bụng để đem trâu sang, bắt mày về làm vợ tao thôi.
Nhưng đã mấy mùa trăng trôi qua, mà Thoong May không hề trở lại. Hơ ling biết người bản Moong đã xấu cái bụng, không chịu bỏ qua cái chuyện cũ, nên không chịu cho người qua bắt mình về làm vợ của Thoong May. Chờ mãi... chờ mãi... không thấy bóng của Thoong May đâu. Hơ Ling đâm ra buồn rầu ủ rủ.
Chiều chiều, cô ra đứng ở đấu bản ngóng về ngọn đèo nơi có con đường nhỏ vắt ngang qua, dõi mắt chờ đợi, tìm kiếm hình bóng của Thoong May thấp thoáng chợt hiện ra.
Nhưng đứng đó từ khi mặt trời mới dậy, cho đến khi màn sương buông tím, mà chả thấy bóng người mong đợi. Cô buồn rầu quay trở vô ngồi im lìm bên bếp lửa.
Người trong bản không còn nghe được tiếng hát, nhìn thấy nụ cười trên cái miệng của Hơ Ling nữa. Mái tóc trên đầu cô cũng rụng dần và xơ xác như lá khô.Vì cô không còn thương, vuốt ve nó mỗi lần ra suối gội như trước nữa.
Có bữa cái bụng cô không chịu ăn, không muốn đi sim, đi hát, mặc dù trai bản đến chật nhà chờ đợi.
Có nhiều trai bản muốn đem trâu tới nộp để đưa Hơ Ling về làm vợ. "Ơ Hơ Ling! Thằng Thoong May khoẻ mạnh, đẹp trai nó quên mày rồi. Chắc nó đã cho đứa con gái khác cái vòng cổ, con trâu to nhất nhà nó rồi. Mày không lấy trâu tao thì ở vậy cho đến già à? ". Nhưng cô vẫn lắc đầu từ chối, lặng im chờ đợi.
Người bản nói với nhau: "Cái hồn của con Hơ Ling bị thằng Thoong May bắt đi rồi!"
Nhìn con gái sa sút tiều tuỵ, già bản Nay Thung cũng thương cho nó lắm, đau trong cái bụng, nhưng biết làm sao, khi người bản Moong đang còn xấu cái bụng. Tập tục cũ, lời nguyền xưa của người già hai bản khó có thể vượt qua.
Cuối cùng già nuốt cái giận vào trong bụng, rồi nói với Hơ Ling:
- Ơ... con gái Hơ Ling của ta. Ta biết cái hồn của con đã đi theo thằng Thoong May rồi. Nên con không muốn hát, không muốn cười. Cái chân, cái tay con không muốn đi làm rẫy, dệt cái áo, bẻ măng, hái nấm trong rừng... Giàng đã thương cho nó tới cứu con, thì con hãy vào tận núi Xa Khia hỏi Giàng, nếu Giàng đồng ý thì hai đứa cứ về ở với nhau. Còn nếu Giàng bắt con chết thì con cứ chết. Ta không thể nhìn thấy con buồn mà chết khô như cây tre khuy trong cái bản này được.
Nghe lời cha, Hơ Ling gói gắm, gùi áo quần, gạo, muối, dắt theo con dao, nhằm hướng núi Xa Khia đi thẳng. Cho đến khi mặt trời đã nóng sau cái lưng, mồ hôi chảy ra nhể nhại. Hơ Ling cũng vừa tới nơi mà ngày xưa đã gặp Thoong May. Cô để gùi xuống và lấy dao bắt đầu chặt cây, làm riêng cho mình một cái chòi.
Ở nhà, Nay Thung một mặt cho gọi người thân tín đến và dặn. "Mày đến bản Moong lén báo cho thằng Thoong May biết "Con Hơ Ling đã bỏ bản đi. Nó không còn là người của bản ta nữa rồi!"
Thoong May phải gọi mãi, tìm hoài mới thấy được cái chòi của Hơ Ling làm trên một cây cao gần chân núi Xa Khia - cáí núi linh thiêng nhất của cả vùng.
Không kìm được nỗi vui sướng, hai người ôm chặt lấy nhau. Họ đã chung sống với nhau những ngày hạnh phúc ở trong rừng.
Hàng ngày, Thoong May đi săn, đào củ rừng về ăn, còn Hơ ling ở nhà hái rau, lượm quả, cô bứt những sợi gianh, sợi cỏ ven suối về dệt thành những chiếc chăn, chiếc khố, váy để hai người cùng mặc.
Cho đến khi cái bụng của Hơ Ling to dần ra -  Đã có một con người nhỏ đang cựa quậy trong đó.
Một buổi mai khi ông mặt trời còn đang ngủ, Thoong may còn chưa  kịp đi rừng, thì Hơ Ling bỗng lên những cơn đau bụng dữ dội. Dù đã uống biết bao lá rừng mà cơn đau vẫn không đỡ. Thoong May luống cuống toát cả mồ hôi. Anh kêu to:
- Ơ con ma rừng, ma núi ơi! ới Giàng ơi! đừng bắt Hơ Ling của tao đi chớ. Tao sẽ vào rừng bắt một con nai to cúng cho.
Hơ Ling cố ngồi dậy nói:
 ‘Không... không phải con ma tới bắt đâu, tại cái đứa con trong bụng, nó muốn ra để đi rẫy với cha nó đó mà!
Lúc này Thoong May mới hiểu ý. Anh thôi không khấn nữa.Vừa mừng nhưng cũng lo lắng không kém. Anh vội đưa Hơ Ling về bản già Thung để nhờ giúp đỡ.
Thương con, già Thung không có cách nào khác đành để cho hai đứa ở lại bản mình cho đến khi sinh con khôn lớn.
Người già bản Moong nghe tin Thoong May bị bắt làm rể thì tức lắm. Nhất lại là bản Bia A Năng.
Họ liền cho một toán thanh niên khoẻ mạnh, mang dao, cung tên đến bắt Thoong May về hỏi tội.
Biết tin, Già Thung không tỏ ra lo lắng, ngược lại ông cho soạn sẳn một vò ruợu, mấy cái chén, rồi ngồi xếp vế ngay ngắn giữa cái nhà chung của bản. Chuẩn bị đón khách, Ông dặn lũ trai bản:
- Khi tao chưa nói gì thì không được đứa nào làm hại họ nghe chưa!
Lũ người của bản Moong vừa đến, lơ láo ngó quanh, rồi đi thẳng đến nhà chung cùng già bản của họ.- Nơi già Nay Thung đang chờ.
-Tao đến để đòi lại thằng con trai cho bản tao. Nó đã ở đây một mùa rẫy rồi. Nghe nói còn có con ở đây nữa.
-Thằng Thoong May ây à?
Già Thung chậm rãi hỏi.
-Ừ!
 Già bản Moong trả lời cụt lủn - vẻ tức tối.
- Mày ngồi xuống đây đi, tao với mày hai người già nhất của hai cái bản nói chuyện với nhau cho có đầu có đuôi cái đã.
- Già bản Moong miển cưỡng ngồi xuống sàn, cái mặt có vẻ không được vui lắm
- Mày nói đi tao nghe đây.
Nhưng Nay Thung vẫn điềm đạm, tỏ vẻ như không có chuyện gì đã và sắp xảy ra.
- Già bản Moong à! Cái tên của mày là gì để tao biết mà gọi.
- Tao tên là May Try cái tên xấu lắm, mày gọi làm chi. Người bản tao và bản mày đã thề là không uống chung một vò rượu, ăn chung một típ xôi rồi mà. Nay con trai tao theo con gái mày ở lại đây thì tao, người bản tao tức cái bụng lắm, sang đòi người để về làm lễ tế con ma bản đây.
- Ô!... tao biết! tao biết! nhưng tao thương con gái tao. Tao, dân bản tao cũng thương thằng Thoong May con mày, coi nó như là người bản tao rồi đó.
-Thế thì tao không được bắt nó trở về bản cũ nữa à?
-  Được chớ, được chớ! nó là con mày mà. Nhưng tao nghĩ chuyện lời thề của các già ngày trước bản giận nhau, khi tao và mày chưa có. Mà tao với mày, người bản tao với người bản mày, có biết gì đâu. Nay con trẻ nó ưng nhau, con gái tao đẹp, hát hay nhất cái vùng này, con trai mày khoẻ mạnh, đi săn, làm rẫy nhất cái vùng này, nó ưng nhau là ý của Giàng đó. Mày cũng nên nghĩ cho tốt cái bụng, uống chung với tao một chén rượu để hai đứa làm vợ làm chồng đi. Mày có muốn làm cho Giàng ưng cái bụng không?
- Đó là ý Giàng thì tao phải về hỏi lại người bản tao cái đã. Mai mốt bảo nó ra chổ cái đèo chung giữa hai bản. Nếu Giàng thương thì nó được sống. Giàng không thương thì nó phải chết vậy thôi.
Già May Try bưng chén rượu từ tay già Nay Thung đưa cho, uống một hơi cạn. Xong đập mạnh một cái, cái chén vỡ ra nhều mảnh - Tượng trưng cho lời nói không lấy lui được nữa - Rồi đứng dậy - Thôi tao về đây.
Nghe tin hôm nay tại đây người ta đem hai vợ chồng Thoong May và Hơ Ling ra hỏi ý Giàng. Người các bản sống dọc theo con sông Xê Biêng Hăng tới coi đông lắm.
Khi ông mặt trời vừa đứng giữa đầu người - Lúc mà Giàng nhìn rõ nhất mọi điều xảy ra, mọi vật trên núi rừng - Già bản May Try đứng ra giữa đám đông nói lớn:

- Bớ dân bản, con trai, con gái nghe ta nói đây:
Từ lâu người bản Moong và người bản Bia A Năng đã không uống chung một vò rượu, ăn chung một típ xôi. Con trai con gái hai bản không đi sim, đi hát với nhau, không làm thành cặp vợ chồng với nhau được. Nhưng nay, cái bụng của Giàng muốn người hai cái bản này phải sống bên nhau, uống chung vò rượu, ăn chung một típ xôi. Con trai con gái đựơc qua lại đi sim, đi hát cùng với nhau...Giàng đã cho con gái của Nay Thung gặp con trai ta. Hai đứa cũng đã ưng cái bụng và đã có con với nhau. Nhưng để cho người bản Moong, bản Bia A Nang và người các bản sống dọc con sông Sê Biêng Hăng đều biết cái ý của Giàng. Nên hôm nay chúng phải thử lại cho mọi người cùng xem. Nếu đúng ý Giàng thì chúng sẽ đuợc sống. Nếu Giàng bắt chúng phải chết thì chúng sẽ chết trước mặt người già phụ nữ con nít...
Đám đông ồn ào lau nhau. Một số con trai người bản khác bản nói to:
-Ơ! cái bụng của May Try răng xấu quá! bụng của Nay Thung tốt. Chắc chắn giàng sẽ thương cho người bản  Bia A Năng hơn người bản Moong thôi!
- Nếu Thoong May chết, miềng sẽ không sang bản Moong đi sim đi hát nữa. Đó không phải là ý Giàng, ý của May Try đó mà. Nếu giàng muốn hai đứa chết, nó đã chết từ lâu rồi.
Mỗi người một ý xôn xao, láo nháo. Già bản Moong bỗng đâm ra bối rối.
 Trong cái bụng của May Try cũng thương con. Già rất muốn huỷ buổi thử thách vô lối này. Nhưng tập tục là tập, lời nguyền thì như mủi tên đã bắn đi rất khó lấy lui, không thể dễ dàng phá vỡ lời nguyền của những người đã chết. Nếu miệng ta nói, mà ta không làm thì uy tín còn đâu nữa. Sau này, lũ người trong bản đâu còn nghe ta nói nữa. Do vậy ông quyết định:
- Hôm nay tại đây trước đông đủ con mắt của người già, người trẻ, phụ nũ, con nít trong tất cả các bản sống dọc sông Xê Biêng Hăng này. Thoong May con tao và Hơ Ling vợ nó, hai đứa phải mang cho được cục đá to một người ôm ở dưới sông Xê Biêng Hăng lên cho tới đỉnh đèo, không đựợc ai giúp nó. Nếu mang lên được đến nơi, tức là bỏ được lời nguyền, đúng với cái bụng của Giàng. Còn không, cục đá lăn xuống đè chết thì đó cũng là ý của Giàng mà thôi!
Nghe đến đó, mọi người đều lắc đầu, lè cái lưỡi, run cả chân tay. Bởi từ trước tới nay, chưa có ai mang nổi cục đá to bằng một người ôm từ dưới sông, trèo lên một cái đèo gần như dựng đứng, đến leo không cũng đã khó, đằng này phải cõng thêm hòn đá nặng hơn cả một con người nữa.
Nếu rủi thay bị trượt chân, thì cả người lẫn đá lăn trở ngược xuống, không chết thì cũng gãy hết tay chân.
Sau một hồi chiêng cồng giục lên rộn rã, Thoong May đóng khố, ở trần, bắt thịt nổi lên cuồn cuộn như những con rắn đang xoắn xuýt quấn lấy nhau, cựa quậy. Anh lao xuống, đưa hai tay ôm choàng lấy cục đá to mà già May Try đã chỉ. Thoong May lay mạnh, một cái... hai cái... cục đá vẫn nằm im, không nhúc nhích, chìm sâu trong mép nước
"Không lên rồi!" tiếng ai đó cất lên.
Hít một hơi thật mạnh, lấy hết sức trong người, anh lay lại lần thứ ba cục đá hơi nhúc nhích. Nhưng vẫn không chuyển khỏi chổ cũ một tý nào. Lay mấy nó cũng ì ra, đứng yên một chổ. Mồ hôi túa ra ở lưng, chảy xuống đẩm cả chổ đất anh đang đứng.
 Thoong May nằm ngữa người ra, thở dài ngao ngán. "Chắc là Giàng không muốn cho ta sống thiệt rồi". - May nghĩ
Nhưng Hơ Ling đã chạy đến, nàng  quỳ xuống, lấy tay vốc tùng ngụm nước, đổ vào mồm Thoong May, cho chàng khoẻ lại. Rồi lầm rầm khấn:
- Ơ... Ơ... thần sông, thần núi!  ơ... Giàng ở trên cao!!! Nếu thương hai đứa con thì hãy cho nước làm mềm đất dưới chân cục đá. Giàng muốn con được sống thì hãy chẻ đôi cục đá đó ra cho dễ vác.
Quả nhiên lời khấn của Hơ Ling linh nghiệm, dòng sông bỗng ì oạp dâng nước lên. Thoong May bật dậy, anh lay mạnh cục đá và vác nó lên vai, loạng choạng bước đi. Nhưng chỉ được một đoạn ngắn đã vội vứt bịch nó xuống đất và nằm lăn ra thở dốc.
"Nặng quá mà!" Tiếng người nào đó nói vọng ra từ trong đám đông, tỏ vẻ thông cảm.
Anh lại nhổm dậy, cố bưng cục đá một lần nữa và gắng đi xa hơn lúc nãy một chút, rồi lại phải vứt nó xuống. Hòn đá quá nặng làm cho đất bị lún sâu một chổ. Đã đi được gần một nửa chặng đường. Nhưng sức người có hạn, Thoong May đã mệt, không thể nhấc cục đá thêm tý nào nữa, anh ngã vật ra và nhắm mắt. Hòn đá khẽ rùng mình, như muốn chạy ngược về với bờ sông. Cả Thoong May và Hơ Ling "Á!.." lên một tiếng lo lắng. Hai người cố hết sức ghì giữ hòn đá lại. Nhưng hình như ở chổ đó, hòn đá không thể đứng yên được. Nó lung lay mạnh, chực lăn.
- Ô...ô ! Nguy quá! Nguy quá !!! - Tiếng ai đó chợt la lên thất thanh. Rất nhiều trai làng muốn chạy ra để giúp đỡ họ. Nhưng bị ngay tập tục và lời nói của già làng ngăn lại. "Không được! cứ để theo ý Giàng mà."
Nhưng nếu không ai giúp, cục đá sẽ lăn ngược trở lại, không những uổng công, mà có thể đè chết cả Thoong May lẫn hơ Ling đang cố chống đỡ ở phía dưới.
Mọi người bồn chồn, nhấp nhổm muốn bước ra khỏi chổ đứng của mình. Người già, phụ nữ, con gái thì cúi đầu xuống, nhắm mắt lại, miệng lầm rầm một câu gì đó không nghe rõ.
Bỗng một tiếng "oàng" dữ tợn, điếc cả tai. Những người chứng kiến bàng hoàng, chưa biết cái gì vừa xảy ra.
 Người ta đoán tiếng nổ phát ra từ chổ Thoong May, Hơ Ling đang nằm và hòn đá. Có lẽ Giàng đã không ưng cái bụng nên để hai người chết rồi chăng?
 Khi khói bụi vừa tan, mọi người dụi mắt nhìn kỹ, trong màn khói mờ mờ lam biếc, Thoong May đang đứng, anh cũng ngơ ngác không kém gì những người khác.
Mọi người định thần nhìn kỹ lại, té ra cả anh và Hơ Ling vẫn còn sống. Hòn đá đã bị vỡ ba.
Hơ Ling mừng quá reo lên:
-Ơ...! thế là Giàng thương ta rồi. Giàng đã đập cho hòn đá đã bị bể ra, cho dễ mang lên trên đèo đó mà!
Tất cả thanh niên, người già phụ nữ, có mặt lúc đó đều mừng rỡ la to:
- Giàng thương chúng ta rồi! Hai bản hoà hợp đi thôi!
Rồi người ta trao cho anh và Hơ Ling một cái gùi. Hai người cùng gùi những mảnh đá lên chổ mà già May Try ưng cái bụng nhất.
Từ đó, người hai bản Moong và bản Bia A Năng  luôn sống hoà thuận bên nhau. Trai bản này đi sim, đi hát với con gái bản kia mà không sợ bất cứ điều gì nữa.
Người hai bản cùng chia nhau miếng thịt khi săn được con nai con, con hoẳng, hoặc con lợn, con trâu rừng... Cũng như tương trợ nhau hạt muối, củ sắn, bắp ngô, củ khoai... khi đói kém mùa màng thất bát. Uống chúng vò rượu, ăn chung một típ xôi khi mùa màng thắng lợi săn được con vật to.
Nơi ngọn đèo, bến nước mà già May Try đã cố tạo ra thử thách cho họ, người dân trong vùng quen gọi với cái tên là đèo Mang - Để kỹ niệm một tình yêu bất tử. Một cặp tình nhân đã dám vượt qua tất cả thế lực siêu nhiên, tập tục cũ, xây đựng nên cuộc sống hạnh phúc lâu dài.
 Về sau, do  sự qua lại giao thoa của người hai bản. Người ta không còn phân biệt đâu là người bản Moong, đâu là người bản Bia A Năng nữa.
Đến khi già Nay Thung sắp mất, ông gọi tất cả người dân hai bản lại và tuyên bố: Nhường vị trí trưởng bản cho con rể yêu quý của ông là Thoong May.
Rồi cuộc chiến chống những kẻ ngoại xâm lấn bờ cõi xãy ra. Dưới sự lãnh đạo của Thoong May người hai bản đã làm nên nhiều trang sử oanh liệt, hào hùng.
(Chuyện về địa danh đèo Mang còn dài, nhưng người kể xin ngừng tại đây - kỳ sau tiếp.)



 Đăng ngày 21/02/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 22/02/2010

Năm mới đến, Lão Trang hoài niệm, tìm về chuyện cổ tích xa vời. Những cái kết có hậu của các câu chuyện cổ đầu năm làm ta thấy lòng ấp áp.
Con gửi đến mọi người bài viết của nhà báo Hạ Minh.
                       Hãy để lại lời nhắn 
                                                          Hạ Minh

Bạn bè đồng nghiệp lâu lâu không gặp thường có một câu hỏi nhau: Dạo này thế nào,  có khỏe không? Có lẽ câu hỏi “xã giao” ấy là tồn tại lâu dài nhất, thường xuyên nhất, bên cạnh những câu khác như: làm ăn thế nào, gia đình ra sao...
Hồi còn ở tuổi hai mươi, ba mươi, nghe ai hỏi thăm “bạn có khỏe không” thường thấy buồn cười, có gì đó khách sáo, thậm chí bạn bè thân mà hỏi nhau câu đó thường được “dịch” là: tiền có nhiều không, yêu có lắm không? Và lời thăm hỏi ấy thường dẫn đến một tràng cười vui vẻ, để rồi những câu hỏi khác quan trọng hơn lấn lướt sự quan tâm.
Mới đó mà đã qua cái thời hỏi thăm nhau về chuyện bạn bè người sinh sống nơi này người đến ở nơi kia; đứa này cưới vợ, đứa kia lấy chồng; rồi đến chuyện đứa nọ sinh con trai, đứa khác sinh con gái; đến những lần gặp gỡ hỏi han nhau về công danh sự nghiệp... Mới đó mà đã bắt đầu lác đác có những cái tin bạn bè đồng nghiệp ra đi vì những căn bệnh không ai ngờ. Không ai ngờ hôm qua còn trò chuyện cùng nhau, chỉ một cú ngã xe, bạn đã thành người sống đời thực vật. Không ai ngờ một đồng nghiệp ở văn phòng thường trú thường ngày vẫn điện thoại trao đổi công việc, đôi lúc trêu chọc đùa vui, thế mà sau khi hay tin anh bị ung thư chưa lâu, chưa kịp tin, chưa muốn tin ở các xét nghiệm y học thì anh đã ra đi. Những cái chết quá bất ngờ khiến người ta nghi hoặc ở sự sống, và không tránh khỏi những ám ảnh về tai họa rủi ro.
Mới đó mà câu hỏi thăm nhau “Bạn có khỏe không” đã không còn là chuyện khách sáo, hỏi cho có lệ, hỏi vì quen miệng. Khi nghe tin anh bạn đồng nghiệp bị ung thư gan, trong suốt những lần trao đổi công việc qua điện thoại, tôi đã không thể cất lời hỏi anh câu hỏi đó, không thể hỏi anh có khỏe không khi anh đang mang căn bệnh vô phương cứu chữa. Có lẽ chưa đủ thân để hỏi anh đau ra sao, cái chết đã đến gần anh như thế nào, chỉ thấy bùi ngùi khi anh vẫn luôn cười và vẫn nói giỡn, dù giọng nói đã yếu mệt. Anh không nói đến “nó” thì ai nào dám nhắc đến “nó”. Không ai dám “đụng chạm” đến chuyện đó, khi mà ai cũng biết chẳng có phép thần nào xảy ra.
Hãy hỏi thăm nhau khi còn mạnh khỏe, đừng để đến lúc “trời kêu” rồi mới xót xa. Đôi khi chúng ta quên rằng có những điều khi ta nói đến, dù rất hay ho, nhưng đã đến thời điểm không còn giá trị.
 Trong một thế giới phẳng, như cách nói của Thomas L.Friedman, những kết nối và sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn bao giờ hết.. Một số điện thoại, một địa chỉ e-mail, một nickname, một account, một tài khoản... dường như ai cũng có những con số “đại diện” cho mình, giúp mình kết nối và giao tiếp với thế giới. Trong đời sống kinh tế, sự “phẳng” ấy khiến cơ may và rủi ro đổi chỗ cho nhau nhanh nhạy chẳng kém sự lưu chuyển trên mạng. Còn trong đời sống tình cảm, khi công nghệ thông tin phát triển, người ta cũng được lợi và bị thiệt bởi cái ảo nhập nhằng với cái thật.
Chẳng hạn, cái thật là những lời hỏi thăm nhau của cha mẹ, con cái, những trò chuyện thâu đêm suốt sáng của bạn bè dù ta ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, bất cứ đêm hay ngày. Và cái ảo, là đôi khi ta tưởng rằng thế là đủ, ta quên hơi ấm dịu dàng của một bàn tay nắm, quên chiếc khăn mát lạnh mà người thân đắp lên trán ta trong cơn sốt bất ngờ; quên những tiếng khóc, nụ cười, cơn đau thật ngoài đời khi dùng các biểu tượng thay thế... Rồi một ngày, trong điện thoại còn lưu số của một người bạn đã mất, trong Facebook hay trên cửa sổ chat còn nickname của người ấy, khi họ đã về bên kia thế giới, không còn trò chuyện, comment (đưa ra ý kiến, nhận xét) hay reply (trả lời). Nghĩa là cái thật đã mất mà cái ảo vẫn tồn tại, hay nói cách khác: cái ảo đã không cập nhật, không theo kịp cái thực. Những dòng tin nhắn dịch vụ vẫn ân cần và kiên nhẫn nhắc nhở, đại ý: “Hãy giúp anh ấy tìm bạn bè, giới thiệu bạn cho anh ấy”, “Lâu rồi bạn chưa trò chuyện cùng anh ấy, hãy gửi cho anh ấy một tin nhắn”… Sự “vô tư” và tận tâm của những dịch vụ trên mạng như thế khiến bạn ứa nước mắt. Bạn có can đảm “delete” (xóa) đi ngay một con số, một cái tên, khi người sở hữu nó vừa mới ra đi?
Hãy sống thật nhiều hơn, để không phải hối tiếc: lúc nhớ đến nhau thì chỉ còn cái ảo.. 


  Gửi bởi: Lão Trang - 22/02/2010

Đọc bài cóp của Ni co, Lão thấy nhớ những người bạn già không hiểu vì sao bông nhiên " mất tích" trên trang web này. Mới hôm rồi, nhân có mấy comment bàn sau bài phỏng vấn TĐK, Lão lật lại trang đăng thơ Khoa và bắt gặp những giọng nói ấm áp, hóm hỉnh nhưng rất tinh tế của Vũ Khang Trường, Đông Ngàn, Phụng Sồ..Bác VKT thì đã biết về với cõi tiên. Còn Bác Đông Ngàn, PhụơngSồ thì sao? Có ai biết thông tin gì xin nhắn về TST với.
  Gửi bởi: Quỳnh Anh Thư - 24/02/2010

Hơ Hơ... (Bắt chước sư cụ Ni Cô - một nụ cuời trong trẻo vô tư mà chứa đựng nổi chua cay) Hơ ho...
Mấy hôm, bận đưa con bé đi vào Huế ôn luyện đại học. Rãnh quá ...cháu cũng lật từng trang và có cảm giác như lão trang.
Ở ngoài mình không có trung tâm ôn luyện Lão ạ!
 Bộ giáo giục thì kêu gọi không nên dạy thêm, học thêm tập trung ở trừơng là đủ. Nhưng cha ông mình có câu:
"Không thầy đố mày làm nên!" Hơ hơ...
Vào Huế, mới biết sức hiếu học của người dân QT miềng là dư dữ lắm. Nhưng tiếc là phải cơm đùm gạo bới cho các sỹ tử nhà quê chuân bị cho mùa ứng thí mới thôi.
Ở Huế có quán nét, nhưng lại không coment được vì phải viết tiếng Anh hoặc tiếng La tinh cơ.
Đọc bài thấy thương cho tâm tư lão Trang quá, nhưng đành cất trong cái bụng, về nhà mới chia sẻ được.
Về đến nhà, nghe thằng cu chạy ra khoe "Lão Trang (cả nữ Trang lão nữa) có đến nhà. Tiêc quá! tiếc quá ! nếu  gặp được lão đầu năm nhỉ!
Thôi không được, thì qua đây : chúc trang lão cùng bà con mạnh khoẻ có nhiều văn hay chữ tốt.
Những con chim bé bỏng nếu thiếu chổ đậu nhờ cứ ghé cành trúc, vai lão Trang đậu tạm, mai mốt tìm được chổ mới thì vỗ cánh bay sang đó! Hơ hơ...
Cầu cho những cây đại thụ của trang oét sống lâu muôn tuổi, ra vào thường xuyên

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan