Wednesday, October 14, 2015

THÔI ĐÀNH ! CHẶT ĐỐT NGÓN TAY- Truyện ngắn


Tác giả: Lê Nguyên Hồng




Chuyện kể rằng:
     Có hai cha con nhà nọ cùng chung nhau làm nghề thịt lợn.Cứ cách một ngày, hai cha con mua một con lợn, thịt đem ra chợ bán, lãi chia đôi rất công bằng.Sau khi bán hết thịt, hai cha con về nhà luộc phần lòng dành lại để cùng uống rượu.Hôm ấy hai cha con thịt con lợn một tạ.Đứa con bận, người cha đi chợ bán một mình,đem tiền lời về chia đôi, rồi cùng uống rượu như mọi khi.Đang vui vẻ thì thằng con bảo:
      - Hôm nay thịt bán đắt hơn mọi hôm mà cha chia phần cho con ít hơn của cha.
      Người cha ngạc nhiên:
      - Cái thằng ! Nói gì mà lạ thế? Lãi tao chia đôi sòng phẳng không thiếu một đồng
       Thằng con nói giọng buồn buồn:
      -Cha kiếm chút lời nuôi mẹ. Còn con kiếm chút lời nuôi vợ và hai đứa con của con. Vợ con lại hay ốm đau...
      Hai cha con lời qua tiếng lại. Có một anh hàng xóm đi qua, tò mò nấp ngoài lắng nghe. Người cha tức giận quát to:
       -Tao thề có trời !Nếu mày không tin thì tao chặt đốt ngón tay để chứng minh -thế rồi người cha chạy vào nhà trong rút con dao phay thịt lợn nghe "soạt" đến lạnh người.Ông đặt ngón tay út lên bàn,giơ dao lên...Anh hàng xóm lao vào ôm ông lại: :      -Thôi !Đừng làm thế đau xác.Cha con to chuyện, xóm làng biết không hay.       Thằng con tái mặt:
        -Con xin cha. Con trót nói dại...
       Người cha hạ ngay cơn giận,để dao xuống bàn, mời anh hàng xóm cùng ngồi uống rượu.Ông bảo với anh hàng xóm:
        -Mày nói phải.Không có mày thì tao phứt mất đốt tay rồi. Thôi nâng ly.
        Nếu như chuyện dừng tại đó thì êm biết mấy? Đằng này ,từ cái hôm ấy trở đi,anh hàng xóm vô công rồi nghề kia thường xuyên có mặt lúc hai cha con uống rượu. Có lần anh ta còn nhắc lại: "Hôm ấy không có cháu thì đốt tay của bác toi rồi".Ông ta trở thành kẻ chịu ơn anh hàng xóm.Lâu lâu, anh ta dặn:
           -Sáng mai, bác để dành cho cháu cân thịt thật đep để cháu có việc nhé.
          Nó lấy thịt nhưng có bao giờ trả tiền đâu,vì nó là người cần được đền đáp ơn nghĩa mà.Gần một năm trôi qua,anh ta vẫn "tự giác" đến nhậu với hai cha con nhà ấy sau mỗi lần bán thịt về.Đúng là một gã trơ trẽn.Người cha nghĩ: "Không biết đến khi nào mới cắt được cái đuôi đeo bám này đây".Thế là ông quyết định: " -Thôi đành chặt đốt ngón tay! Đau một lần để rồi tống khứ thằng cha vô duyên vô nợ bám dai như đỉa đói này đi...".Vậy là ông ta chặt đốt ngón tay út, đến trạm xá băng bó một lúc là về.Từ đó,cái tay hàng xóm không còn bén mãng đến uống rượu với hai cha con ông nữa.Chặt đốt ngón tay,đau đớn một chút nhưng chấm dứt được thằng đào mỏ,nhẹ cả lòng.
      
                                                    +     +
                                                           +
     Đó là chuyện thật hay bịa thì không rõ. Chỉ nghe mấy anh bạn kể với nhau trong quán cà phê rồi cười vui vẻ, vậy thôi.Nhưng có một chuyện sắp kể dưới đây là có thật,không ngoa chút nào.Kết cục chuyện này na ná như chuyện vừa kể ở trên...
      Lần ấy, nhà nước đầu tư cho huyện 4 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kênh  mương nội đồng tại xã YÊN MINH đang khó khăn về thủy lợi. Mấy công ty đấu thầu nhưng cuối cùng dự án trúng thầu thuộc về công ty trách nhiệm hữu hạn HÒA BÌNH do Thành Tâm làm giám đốc.Đây là công ty chuyên xây dựng giao thông,  thủy lợi có tiếng ở huyện và tỉnh. Dự án triển khai ở xã Yên Minh vô cùng thuận lợi.Nhân dân phấn khởi tạo mọi điều kiện giải phóng mặt bằng,hầu hết dân không lấy tiền đền bù hoa lợi trên ruộng. Bước mở màn công trình thật là xuôi ngót chưa từng có từ trước tới nay. Huyện thành lập một tổ giám sát công trình về kỹ thuật. Xã cũng cử ra một tổ cán bộ phối hợp giám sát ,vì đây là công trình liên quan trực tiếp đến lợi ích của từng người dân. Tổ giám sát của huyện do một kỹ sư thủy lợi giỏi tên là Võ Sinh Sự làm tổ trưởng. Là kỹ sư có nhiêu kinh nghiệm nên hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn, huyện đều tin tưởng giao cho Võ Sinh Sự phụ trách giám sát kỹ thuật. Đối với ngành thủy lợi, nếu công trình làm dối, làm ẩu,không đảm bảo chất lượng kỹ thuật thì rất nguy hiểm, chưa nói đến tiền nhiều tỷ ném vào sọt rác mà có khi vỡ đê, nguy hại ngay đến tính mạng, đời sống dân sinh. Những công ty trách nhiệm hữu hạn làm dự án thủy lợi trong huyện nghe nói đên kỹ sư Võ Sinh Sự là ớn.Ở đâu mà Sự để mắt đến, ấy là có chuyện. Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình có đội ngũ lao động kỹ thuật bài bản ,tay nghề cao nên thi công rất đảm bảo các loại công trình thủy lợi. Là địa phương quá nghèo nên lãnh đạo xã gặp riêng lãnh đạo công ty mà tay giám đốc là con em quê hương, nhờ bớt xén một ít kinh phí từ công trình để xây hai nhà văn hóa cho hai thôn khó khăn nhất. Chuyện thật khó xử. Bớt xén dự án là làm dối, không thể được. Hậu họa ai gánh cho? Dựa vào việc dân không lấy tiền đền bù giải phóng mặt bằng nên giám đốc công ty mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo xã:
      -Muốn làm hai nhà văn hóa thôn thì dân chấp nhận ký nhận tiền đền bù nhưng không lấy tiền thì mới biến tiền ấy sang công trình văn hóa được.
       Ý kiến hay. Thế là Xã cho các thôn trưởng triển khai sự việc đó trong dân. Được dân đồng tình rất cao nên việc xây hai nhà văn hóa thôn đã triển khai đồng thời với công trình thủy lợi. Sau hơn tám tháng, hệ thống kênh mương nội đồng và hai nhà văn hóa hoàn thành. Các công đoạn kỹ thuật của công trình thủy lợi đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, quy trình nghiệm thu chặt chẽ, đưa vào bàn giao cho xã quản lý, khai thác. Hôm nghiệm thu xong, công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình có bữa liên hoan mời quan khách để mừng công trình thành công mỹ mãn. Chuyện công ty làm thêm hai nhà văn hóa thôn không nhắc tới vì phải giấu cấp trên kẻo xẩy chuyện hiểu lầm rồi đồn thổi thất thiệt không hay. Khi nâng ly chúc tụng, tay kỹ sư ghé miệng vào tai giám đốc công ty:
       -Tớ lờ chuyện cậu làm sai dự án đấy. Cậu hiểu không? Có gì gặp nhau nói chuyện sau.
      Giám đốc công ty hiểu ngay điều tay kỹ sư vừa nói. Lại chuyện xây hai nhà văn hóa thôn ấy mà, lạ gì nữa...Tay giám đốc vẫn tỏ ra biết điều:
      -Có gì anh châm chước, hậu thuẫn giúp em, vì đây là quê hương của em mà.
       -Được ! Êm thôi.
       Xong công trình rồi mà sao lòng giám đốc công ty không yên, thấy có gì đó bất an, cứ lo lo thế nào ấy. Sợ rằng một mai có ai đó không hiểu mô tê gì cả, lại đâm
đơn kiện công ty rút ruột công trình thủy lợi để xây nhà văn hóa cho hai thôn trên bốn trăm triệu đồng thì thật là nguy hại, ảnh hưởng đến uy tín công ty. Chuyện ở đời làm ơn mắc oán đâu có ít? Khi được minh oan thì mọi chuyện đã an bài,còn gì để nói nữa? Mấy hôm sau, tay giám đốc hẹn gặp tay kỹ sư tại một nhà hàng. Chỉ có hai người, tay kỹ sư nói:
       -Chuyện ấy rõ ràng không liên quan đến công trình thủy lợi, nhưng ai biết cấp trên có tin hay không? Chính tôi cũng lo có đơn kiện là mệt lắm. Có phải ai cũng nghĩ đường thẳng như mình đâu? Kiện tụng làm mất uy tín nhau, đưa nhau ra pháp luật...anh đã thấy đấy- tay kỹ sư chốt lại câu chuyện chắc như đinh đóng gỗ tạp:
        -Có tôi bảo vệ, anh cứ ăn ngon ngủ kỹ, không cần lo nghĩ gì cả.
        Nghe nói vậy, giám đốc công ty yên lòng. Với lại xét cho cùng, công ty có làm gì sai trái đâu, chỉ làm lợi cho dân , có bớt xén tiền của dân bỏ vào túi riêng mình đâu? Có cán bộ xã và dân bảo vệ, nếu lộ chuyện, chả sợ.
       Một tháng sau, tay kỹ sư điện tay giám đốc công ty đến gặp riêng, nói là có một việc vô cùng quan trọng. Mà việc đúng là quan trọng thật. Tay kỹ sư chìa cho tay giám đốc xem một lá đơn " tố cáo công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình làm sai dự án thủy lợi nội đồng ở xã Yên Minh". Đơn nặc danh , viết tay, cuối đơn có ghi chú: "Đề nghị thanh tra huyện làm rõ vụ việc này,nếu không thì đơn sẽ được gửi lên tỉnh và trung ương...". Khiếp quá! Tay nào đây cũng chẳng phải loại vừa, nó biết rõ việc làm của công ty và viết toàn lời hăm dọa.
          - Đồ khốn kiếp, nó có biết gì về nội dung làm hai nhà văn hóa thôn của xã Yên Minh mà cũng chỏ mõ vào. Thằng nào đây cũng là kẻ dở hơi mà thôi...
          Tay giám đốc thốt ra những lời trước mặt Võ Sinh Sự. Anh ta còn cằn nhằn: "tên nào đây mà ngu thế không biết?". Tay kỹ sư  giả vờ đồng tình và bình tĩnh nói:
         -Cậu đừng lo. Tớ có người nhà làm ở thanh tra huyện nên đơn này đã đến với tớ ngay. Ngoài tớ và người ấy ra, không còn ai biết nữa đâu. Tớ sẽ tìm cách xóa sổ chuyện này...
      Vậy là tay kỹ sư trở thành ân nhân của giám đốc công ty. Khốn nỗi, vị giám đốc đâu có biết rằng: Chẳng có đơn trương nào hết. Cái đơn kia do chính tay kỹ sư tạc ra để dọa và tống tiền mà thôi.Anh giám dốc bỏ phong bì hai chục triệu đồng lót tay để cảm ơn anh kỹ sư. Giám đốc nghĩ : "Mình còn làm ăn lâu dài với ngành thủy lợi, giao thông ở huyện này, còn nhiều dịp phải nhờ cậy hắn. Bây giờ bỏ tiền ra cũng chả sợ thiệt". Mà sự đời vương vào ơn nghĩa thì biết trả mấy cho vừa? mệt lắm!
          Được một thời gian, tay kỹ sư gọi điện cho tay giám đốc công ty:
      -Tâm à. Cậu khỏe không? Tớ muốn nhờ cậu giúp chút việc...
      -Anh cứ nói đi. Em lo được.
       -Tớ muốn tặng bà chị bộ bàn ghế sa lông mà tớ không rành loại hàng này. Cậu mua hộ, tớ gửi tiền sau nhé.
       -Dạ. Anh cứ yên tâm đi. Chiều nay em mua chở về cho chị ấy.
      Nói vậy chứ tay giám đốc cũng xót xa lắm. Bộ bản ghế sa lông loại xịn tại đại lý cũng đi tong ba chục triệu đồng chứ ít ỏi gì đâu?. Khi tay kỹ sư hỏi giá để gửi tiền thì tay giám đốc không nhận, còn nói rằng: " từng ấy thấm tháp gì đâu anh !" Ai lại làm thế, dễ mất lòng lắm. Đó là cái mẹo của tay kỹ sư chuyên đào mỏ, chứ có bao giờ anh ta nhờ các doanh nghiệp mua hộ thứ này, thứ nọ mà rỉ tiền ra đâu? Có lần tay giám đốc ghé nhà tay kỹ sư chơi, nhờ manh mối vụ làm ăn mới. Tay kỹ sư bảo với tay giám đốc:
      -Cậu thấy không? Đứa con gái của tớ học cấp ba, muốn có cái vi tính xách tay để học hành cho tốt mà chưa có tiền mua . Nghĩ mà thương nó quá. Biết làm sao được? Tay kỹ sư bắt tay giám đốc phải suy nghĩ. Thế là hôm sau tay giám đốc "tự giác" mang đến cho tay kỹ sư một láp tốp xách tay đời mới. Tay kỹ sư đòi gửi tiền nhưng tay giám đốc không nhận, nói là quà tặng cho cháu. Nắm được điểm yếu của mấy anh làm giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn nên tay kỹ sư tiếp tục vòi vĩnh không thương tiếc. Nói đúng hơn là tống tiền một cách sạch sẽ. Lâu lâu, hắn lại vòi cái máy di động loại mô đen để tặng con bồ, rồi một số thứ khác có giá trị từ vài triệu đến cả chục triệu bạc trở lên. " Nước chảy ào ào không bằng hao lỗ mội"- tục ngữ nói quả không sai. Thực ra, anh giám đốc cũng chưa nhờ vã tay kỹ sư việc gì cả mà đã "chịu trận" như thế rồi, nghĩ mà thương mấy công ty trách nhiệm hữu hạn đã dính đến chuyện ơn nghĩa, cùng ăn chia với Võ Sinh Sự, thường xuyên bị tay này bòn rút mà không dám kêu ca. Mà khi đã vòi được một lần thì sẽ có lần hai, lần ba...Thật là khốn nạn! Nếu không thoát ra khỏi tay kỹ sư này thì coi như chuyện bị " chấn lột" không bao giờ chấm dứt được...
      Bị thua thiệt quá nhiều, lần này giám đốc công ty trách nhiêm hữu hạn Hòa Bình chấp nhận để cấp trên phê bình hay kỹ luật bằng hình thức nào cũng được, kể cả ra pháp luật cũng cam lòng. Thế là anh ta quyết định làm báo cáo "thú tội" về việc xây dựng hai nhà văn hóa thôn bằng tiền đền bù hoa lợi cho dân, liên quan công trình kênh mương nội đồng ở xã Yên Minh. Chuyện qua đã hơn một năm, bây giờ lật lại. Khi thanh tra vào cuộc thì thấy công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình đã sai trong việc bắt dân ký nhận tiền đền bù nhưng tiền không vào tay dân. Phải qua mấy phiên họp dân ở các thôn, cuối cùng sự việc rõ ràng. Chuyện xây hai nhà văn hóa thôn là minh bạch, coi như tiền của dân đóng góp tự nguyện. Công ty không hề bớt tiền xây dựng công trình. Huyện có phiên họp phân tích rất kỹ chuyện này và kết luận:
       -Lãnh đạo xã Yên Minh và công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình có lỗi là không tường trình rõ sự việc, rất dễ dẫn đến sự hiểu lầm của một số cơ quan chức năng. Riêng công ty phải kê khai nộp thuế xây dựng hai nhà văn hóa thôn, đồng thời rút kinh nghiệm nghiêm túc về sau.
       Lãnh đạo huyện chất vấn tay kỹ sư thủy lợi:
          - Chuyện này đồng chí Sự có biêt không?
        Tay Sự ấp úng chưa nói được gì thì giám đốc công ty đỡ lời luôn:
          -Thưa các anh bỏ quá cho. Nhờ có anh Sự mà công ty chúng tôi mới không có tai tiếng gì khi xây dựng hai công trình văn hóa...
        "Vậy là nói toẹt hết rồi. Nói thế chẳng khác nào đập thẳng vào mặt nhau còn gì?"-Võ Sinh Sự nghe mà lộn ruột,giận tay giám đốc sao mà "ngờ nghệch" thế, ai khảo mà xưng cơ chứ? Anh ta đành im như thóc, vì thực tế đúng như vậy.
           Ông chủ tịch huyện có ý nghi ngờ, liền giao cho thanh tra xem xét lại mấy công trình thủy lợi vừa qua do tay kỹ sư giám sát đã có lời ra tiếng vào nhưng sao cuối cùng lại thấy êm? Ủy ban huyện yêu cầu tay kỹ sư có bản tường trình mọi sự việc thật rõ ràng. Đúng là:họa vô đơn chí. Biết thanh minh gì được nữa? Thì ra mấy công trình thủy lợi thuộc mấy xã vùng khó có nhiều chỗ thi công chưa đảm bảo theo thiết kế nhưng tay kỹ sư lờ đi, cho qua và nhận phong bì của đơn vị thi công rất đậm. May mà chưa có lũ lụt nên chưa xẩy ra sự cố. Nhân dân có ý kiến. Xã giải thích quấy quá với dân nên họ không ồn ào nữa. Mà dân thì làm sao biết được cái tổ "con chuồn chuồn" ngủ ở đâu mà kiện cho mệt xác? Phen này khó tránh khỏi con mắt của thanh tra. Khi vào cuộc, hỏi các công ty trách nhiêm hữu hạn xây dựng giao thông, thủy lợi thì họ đều trình bày rõ ràng, rằng:
     -Việc này anh Võ Sinh Sự đã kiểm tra đảm bảo chất lượng kỹ thuật và ký xác nhận biên bản nghiệm thu từng phần việc đàng hoàng. Chúng em nói có sách mách có chứng-và họ lấy hồ sơ ra cho thanh tra xem...
     Những vi phạm trong xây dựng các công trình thủy lợi được lật ra. Thanh tra chuyển hồ sơ cho công an kinh tế huyện vì hồ sơ liên quan đến pháp luật không nhỏ. Võ Sinh Sự bị tạm đình chỉ công tác để chấp hành quyết định khởi tố điều tra. Chuyện tay kỹ sư thủy lợi phải ra tòa nay mai là điều không tránh khỏi. Các cơ quan làm án đã có đầy đủ bằng chứng để kết luận Võ Sinh Sự lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái để nhận hối lộ của các công ty trách nhiệm hữu hạn thực hiện các dự án của nhà nước trên địa bàn. Theo phân tích của những cơ quan làm án thì tội của Võ Sinh Sự sẽ liên quan trực tiếp đến hậu quả xấu về cuộc sống người dân trong vùng hưởng lợi dự án thủy lợi.
      Nghe tin đó, những công ty trách nhiêm hữu hạn trên địa bàn " múa tay trong bị", tâm lý được giaỉ tỏa, vì chính họ đã từng bị tay kỹ sư này tống tiền và hoạnh họe , hạch xách để nắn bóp túi tiền của công ty. Mấy vị giám đốc công ty cùng có chung nỗi niềm: "Đáng kiếp kẻ gian ngoan. Ăn mặn cho lắm thì lo mà chịu lấy, kêu ai được...". Nghe nói, thanh tra huyện tiếp tục ngó đến mấy tay kỹ sư giám sát các công trình xây dựng, giao thông sau khi xong vụ của Võ Sinh Sự. Mọi người đang chờ xem chuyện gì sẽ xẩy đến với mấy tay cán bộ kỹ thuật lâu nay từng vênh váo, đi đâu cũng có mấy công ty cúc cung phụng sự, thấy mà ghét...
      Chuyện ông thịt lợn đành chặt đốt ngón tay để loại trừ tay hàng xóm láu cá đeo bám mãi cũng như anh giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình đã tự làm đơn "thú tội" với cấp trên khiến cho tay kỹ sư thủy lợi phải lâm vào vòng lao lý có ăn nhập gì với nhau không thì mọi người tự suy ngẫm lấy. Nhưng có một thực tế là, sau chuyện của tay kỹ sư thủy lợi Võ Sinh Sự thì các công ty, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như những cán bộ, kỹ sư được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các dự án, các công trình của nhà nước bỗng giật mình nghĩ đến lưới pháp luật lơ lửng trên đầu...Kéo được dự án về là cả một quá trình không đơn giản, có khi phải dùng đến mưu mẹo như "ma trận" mới thành công. Khi có được dự án rồi, lợi dụng vào dự án của nhà nước mà bên trúng thầu và bên giám sát công trình có cơ hội vùng vẫy, dựa vào nhau, ăn theo nhau, bên nào cũng "phất" lên, đự án to thì ăn to, dự án nhỏ thì vẫn có ăn, tiền thì nhà nước lo, không biết có giảm bớt đi không? Bài ca muôn thuở ấy liệu có lắng dịu đi phần nào chăng? Chưa ai nói được điều gì cả. Cứ chờ xem...
                                                                           

 Đăng ngày 31/03/2011
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Quỳnh Anh Thư - 03/04/2011

CoolHê hê!!!!.... Lê Nguyên Hồng là nhà báo nói, nhưng  Viết truyện ngắn có hồn ghê. Là nhà báo, nên anh đi nhiều, thâm hiểu nhiều, dĩ nhiên là truyện ngắn của anh có nhiều tình tiết bắt nguồn từ sự thật. Nhiều kẻ tức ói máu ra, nhưng biết làm sao! Vì đó là văn mà. Cái khôn ngoan độc đáo của Lê Nguyên Hồng là chổ đó.
Chúc nhà báo, nhà văn thành đạt nhiều hơn nữa. Ngoài báo và truyện ngắn ra Lê Nguyên cũng đã có riêng cho mình một tập thơ, tập bút ký thật là tuyệt vời Đúng như có một ngừoi bạn đã nhận xét:
 "Lê Nguyên Hồng viết bằng cả trái tim".
 Hẹn gặp lại nhà văn nhà báo, nhà thơ nhiều lần nữa trên Trang webssie này.
                                               Bye bye
                                      Bạn thường ngày

  Gửi bởi: Cò BV - 05/04/2011

Thôi đừng! Chặt đốt ngón tay...Máu chảy dễ đai (die) mà bệnh viện thì...chật quá!
  Gửi bởi: Đât Vĩnh - 08/04/2011

Xin đừng chặt đốt ngón tay
Để cho thiên hạ có ngày hiểu nhau  ( Đã quá muốn)
Lê Nguyên móm mén nhai trầu
 Để chi "sự cụ" có ngày bất an

  Gửi bởi: li - 01/05/2012

Thành Tâm mà gặp...Sinh Sự thì chêt là phải. thà "chặt đôt ngón tay" còn hơn để chúng nó "đè đầu cưỡi cổ" tối mặt tăt mày
  Gửi bởi: Tâm - 10/05/2012

Li nói hay lắm. Phải chặt đốt ngón tay là đúng rồi.
  Gửi bởi: li - 10/05/2012

Ghét cái kiểu "giậu đổ bìm leo"

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan