Thursday, October 15, 2015

TIÊN SƯ LŨ LÍNH LỆ


Tác giả: Truyện ngắn: Lê Nguyên Hồng


 
Chánh tổng quá bức xúc, trong lòng như có lửa. Ông ta đang lo lắng cực độ. Lần này lại phải tốn một khoản với quan trên mà chưa biết chuyện gì đằng sau nữa đây? Về phần cúng bái cầu tài cầu lộc, ông ta cũng đã lo chu tất, lễ lược đàng hoàng, có thầy giỏi cúng hẳn hoi, thế mà chuyện không may vẫn cứ xẩy ra? Nhưng ông vẫn tin,thế nào thần linh cũng độ trì, chuyện rủi cũng qua thôi. Các quan, vị nào chẳng chăm lo cúng bái để cầu mong giữ yên ghế ngồi? Ông ta trút giận vào cấp dưới. Bọn chúng nó làm việc thế nào mà chuyện ở địa bàn cứ bung bét đến tai quan trên? Chuyện không đùa. Đúng là một lũ tham ăn mà ngu, có ngày đi đứt như chơi. Chánh tổng triệu hai tên đứng đầu hai bộ phận là Tuần ty và Cai lệ đến phán, giọng gay gắt:


-Bấy lâu nay ở Tổng ta cai quản, được coi là địa bàn trong sạch nhất Phủ. các tệ nạn cờ bạc, đĩ điếm, nấu rượu lậu, buôn muối lậu, buôn thuốc phiện, trộm cắp, cướp giật... hầu như được khống chế. Nhưng quan phủ chỉ trích địa bàn chúng ta lộn xộn, mọi chuyện tiêu cực xuất hiện như nấm sau mưa mà Tổng bao che, dung túng. Nếu vỡ lở, không khéo chức vị Chánh tổng của ta và Tuần ty, Cai lệ của các người cũng khó mà giữ. Các người làm ăn dốt nát, ấu trĩ thế à?
 Tuần ty, Cai lệ cắm đầu nghe, vã mồ hôi. Quan Phủ chỉ trích những chuyện xẩy ra ở địa phương không sai. Ở cái Tổng này, ai làm gì mà lính lệ và quân tuần ty không biết? Họ đâu có quan liêu? Họ vẫn thường xuyên thâm nhập địa bàn để "hái" tiền bỏ vào túi đều đều đấy chứ! Nhờ bám vào những việc nhà nước phong kiến cấm mà quan và lính mới có vàng bạc dư dã, ngựa tốt, kiệu sang. Chánh tổng, Tuần ty, Cai lệ bàn bạc và quyết định "lập lại kỹ cương" để lấy lòng quan trên. Tuy nhiên, nếu triệt tiêu những điểm "tiêu cực" ấy thì lợi lộc hàng năm quan kiếm ở đâu? Cái khoản của " chìm" này nhiều lắm, không thể cân đong đo đếm xuể, lộc nhà nước ban bõ bèn gì?  Sau khi bàn tính kỹ, Chánh tổng dặn hai tên:
-Những nơi thân quen từ trước đến nay thì nhắc chúng nó phải thật thận trọng, kín đáo, tạm thời án binh bất động, đừng để cho bọn dân đen biết mà nó tố, khó bịt được cấp trên. Còn những đứa khác, cứ công việc của các người mà thi hành thẳng tay. Nhưng khi bắt chúng về Tổng thì báo cáo để ta xem xét cụ thể từng trường hợp. Chuyện này phải thật " thận trọng", hiểu không?
Lần này Chánh tổng không có trát về cho các Lý trưởng. Sợ rằng khi có trát thì Lý trưởng bao che, ngầm báo cho bọn làm ăn phi pháp biết, hớt ngọn tay trên, vô tình bị mất lộc, mà không có cái chứng minh với cấp trên là Tổng rất nghiêm túc trong chuyện đẩy lùi các tệ nạn trên địa bàn. Ý của Chánh tổng: bắt hết nhưng thanh lọc, chỉ để vài trường hợp nhỏ báo lên Phủ thôi, nếu báo nhiều không khéo lợi bất cập hại, chả dại.
Chấp hành lệnh của Chánh tổng, Cai lệ tổ chức một đội lính cải trang về các làng để nghe ngóng, nắm tình hình, chuẩn bị phối hợp với Tuần ty mở đợttruy quét, "hốt gọn" theo ý của thượng cấp. Đây là dịp lính lệ có cơ hội thể hiện cái quyền hạch xách, đè đầu cưỡi cổ những đối tượng có máu mặt về tiền bạc ở địa phương. Đúng là thời cơ "làm ăn" của bọn chúng. Thời ấy, mỗi khi có lính lệ về làng, ai có dính líu đến chuyện gọi là vi phạm luật pháp, lệ làng thì sợ vãi cả ra quần. Những khi nhà nước có lệnh truy quét những đối tượng làm ăn phi pháp là cơ hội cho lính lệ thu hoạch. Dân gọi chúng là "cướp ngày", không ai dám dây vào. Khốn khổ nhất là những kẻ giàu có nhờ làm trùm đánh bạc, làm xâu trong chuyện đỏ đen, nấu rượu lậu, buôn muối lậu, sát sinh gia súc lậu... Kể cả Lý trưởng, Hương thôn tham lam vơ vét của dân cũng phải "xì" tiền đậm cho lính lệ, quân của Tuần ty thì chúng mới ém nhẹm, không bẩm báo với cấp trên. Còn những con mồi ngon thì yên tâm hoạt động vì được chúng "nuôi" để vỗ béo cho chúng. Có người xỉ vả chúng trong bụng: "một lũ ăn bẩn". Đúng là một chế độ mục nát ngay trong lòng nhà nước phong kiến, ai cũng biết rất rõ nhưng ai dám lên tiếng? Dân có vạn con mắt cũng chỉ biết trương lên mà nhìn và căm giận thôi. Quan tham, lính nhiễu, đó là bản chất của kẻ trì vì và cả bộ máy thi hành công vụ dưới triều đại ấy. Chả trách có kẻ dâng vợ cho quan trên để được thăng tiến, để có cơ hội "hái lộc" là phải. Chuyện quan, lính, tuần, lý Trưởng, Hương thôn... đàn áp, dọa nạt, đè đầu cưởi cổ dân chúng xẩy ra thường nhật khắp nơi. Phận con giun, cái kiến biết kêu ai? Kêu, ai xử?
Trong đợt ra quân ấy, lính lệ và quân của tuần ty hốt được mấy chục ổ bạc, nấu rượu lậu, buôn thuốc phiện, sát sinh lậu... Kể cả người nào bị tình nghi cũng tóm ráo, lôi hết về Tổng.  Mẻ này trúng đậm. Tất nhiên, những ổ chúng "nuôi" thì chúng ngầm cho biết trước để tránh, không thấy có trong danh sách bị bắt. Lần này, có cả mấy người nhà của lính lệ chỉ ngồi xem đánh bạc cũng bị bắt (đây là mẹo của lính lệ thể hiện với dân chúng rằng: Pháp bất vị thân. Thực ra những người nhà bị bắt do chúng bố trí cả thôi). Dân không biết mô tê gì cả, cứ nghĩ Tổng ra quân khách quan, không úp mở như những lần trước, kể cả người thân của lính lệ cũng không thoát. Đã là việc công, ai dám xía vào? Kẻ bị oan mà kiện ư? Phản ứng vì chuyện lính đàn áp, đánh đập ư? Coi chừng quy vào tội chống người nhà nước thi hành công vụ, tù mọt gông!
Căn cứ vào từng loại tội trạng, Cai lệ làm thủ tục tỷ mỷ trình Tổng. Chuyện chạy chọt của gia đình có người vi phạm với lính lệ và Cai lệ, Chánh Tổng không cần đếm xỉa, mặc dầu Chánh tổng thừa hiểu. Danh sách đưa lên Chánh Tổng để nghiên cứu xét xử. Đông quá! Thế này thì khác nào bộc bạch với quan Phủ chuyện tiêu cực bấy nay ở Tổng quá nhiều? Nhưng xem hồ sơ thì thấy bọn vi phạm, đứa nào cũng không thể tha được. Chánh Tổng quyết định giao cho Cai lệ rà soát lại, chỉ chọn khoảng vài tên vi phạm tội nấu rượu lậu và đánh bạc, nhưng những tên " ít có tiếng tăm" thôi, còn những tên béo bở thì giấu đi không gửi lên Phủ. Mẹo của Chánh Tổng rất dễ hiểu. Thế là Cai lệ có dịp vòi tiền bọn vi phạm, có ý nói rằng sẽ châm chước để không làm to chuyện, tránh được tù tội. Kẻ phạm tội nào nghe vậy mà chả mừng, tiền đút cho Cai lệ không tiếc. Cai lệ nhận tiền hối lộ xong, ra vẻ quan tâm, thân thiện, "bật mí" cho gia đình phạm tội rằng: "Việc quyết định cuối cùng là Chánh tổng, muốn êm phải gặp riêng vợ ông ta". Thế là nhà Chánh tổng lên hương. Bà Tổng quá lọc lõi trong những vụ này. Kẻ nào nhờ vả, có tiền lót tay là bà ta vui vẻ giúp ngay. Mà vụ nào bà đã hứa giúp thì y rằng thành công chắc chắn, kẻ nhờ vả mang ơn suốt đời. Lần này có cả một chủ bạc là phụ nữ sợ quá, đem biếu vợ Chánh tổng một cái vòng đeo tay quý của mẹ cho lúc đi lấy chồng, là vật Gia bảo. Trời ạ, muốn êm thì vật Gia bảo cũng liều, ngay đến thân xác cũng còn phải "hy sinh" nữa là. Khi con bạc biếu cái vòng, vợ Chánh tổng liếc mắt đã thấy sướng, mân mê và dặn: " Em cứ yên tâm về đi, chị sẽ nói lại ông ấy, không sao đâu. Cho qua cái đận này đã nhé, sau đó việc em em cứ làm nhưng kín đáo một chút. Có chị đây rồi, em đừng lo gì cả...". Hầu như đó cũng là điệp khúc mà bọn lính lệ thường căn dặn những phạm nhân sau khi rời trại giam. Nhiều người đi tù về lại thân với lính lệ, hành nghề khôn ngoan hơn, lại được bảo kê đàng hoàng, chỉ có trời mới biết. Có nhiều chủ nấu rượu lậu, ổ bạc... mong được bắt một lần để có cơ hội phát tài lâu dài. Chuyện Tổng ra quân dẹp nạn tiêu cực được Phủ biểu dương. Chánh tổng thở phào: "Đúng là trong họa có phúc", trời che chở. Tiếng thơm của Tổng vang khắp trong và ngoài Phủ.

* * *

Tết sắp đến.
Hôm ấy có một toán lính lệ mặc thường phục tụ tập về nhà một chủ nấu rượu lậu ăn nhậu và nhận quà tết như mọi năm. Chúng nhậu từ sáng đến chiều. Nhiều tên say khướt không đi nổi. Có hai tên dìu nhau đi đái. Chúng đứng ép vào bờ dậu tè sang vườn nhà bên kia. Ai dè, chúng tè đúng vào người một bà lão đang ngồi đái và theo dõi bọn lính lệ ngay bên kia bờ dậu. Bà già tức quá chửi toáng lên:
-Tiên sư lũ lính lệ. Chúng bay là bọn khốn...
Hai tên lính lệ tức như bò đá dái. Từ trước tới nay, chưa ai dám mở lời chửi chúng trước mặt, nay cái bà già này cả gan chửi người của nhà nước. Tội không thể tha. Hai tên vào mách với mấy thằng trong nhà. Thế là chúng hầm hầm nổi giận, cho hai tên sang bên ấy còng tay bà lão dẫn đi. ..Bà ta cứ chửi. Có tên vả vào miệng bà cụ, bắt im.
Những ngày trong trại giam, bà lão luôn miệng chửi bọn lính lệ và Chánh tổng, nào là "lũ cướp ngày", "Chúng mày ăn bẩn như chó", "Có giỏi thì bắt bọn quan tham ấy cho dân nhờ"... và nhiều câu rất tục khác nữa, nghe không chịu nổi...Vì bà ta già nên Cai lệ báo cáo Chánh tổng cho bà ta vào nhà thương điên là hợp lý nhất. Lời kẻ điên, ai chấp? Bà già đâu có bị điên? Nhưng kẻ có quyền thích gì được nấy, muốn bắt, muốn giam ai chả được, không có tội thì dựng lên cho có tội, cũng như không điên mà gán cho là điên, thế là xong. Con gái của bà cụ không dám đến thăm mẹ vì chính cô cũng mới dính vào tội tổ chức đánh bạc, nhờ hối lộ lớn cho Cai lệ, lính lệ và vợ Chánh tổng nên vô sự. Chánh tổng đồng ý theo đề nghị của Cai lệ. Nếu giữ bà ta lại thì chính Chánh tổng cũng bị bà ta mạt sát hàng ngày, nhục như con chó vậy. Đá  "quả bóng" mụ già ngang ngược này sang nhà thương, thế mà hay!
Không hiểu sao, chuyện bà già sắp bị đưa vào nhà thương điên, quan Tri phủ biết ? Thì ra tai mắt của quan Phủ có khắp nơi.  Đích thân Tri Phủ cùng đoàn tùy tùng về thị sát tại Tổng. Quan Phủ là người mới được thuyên chuyển từ Phủ khác đến, nên rất muốn mục kích mọi chuyện cho rõ ràng. Đích thân quan Phủ vào trại giam gặp bà già. Quan Phủ giật mình: Trước mặt ông là bà Dì thúc bá.  Họ nhận ra nhau. Bà già ngoảnh mặt đi.
Quan Phủ hỏi:
-Dì có nhận ra cháu không?
Bà già nhìn quan Phủ gườm gườm không thiện cảm và buông một câu:
-Mày là thằng Đức mèo, tao lạ gì.
Chả là hồi nhỏ, Vị quan này ốm yếu, hay uốn khóc như mèo rên, nên Dì gọi nó là Đức mèo. Dì coi nó như con đẻ, đi chợ về dì không quên mua cho nó xu bánh tráng, thế là nó không khóc. Quan Phủ bảo bọn tùy tùng ra ngoài. Chỉ còn lại hai Dì cháu. Nói là Dì thúc bá (thuộc vai em của mẹ) nhưng quan Phủ rất thương bà. Ngày trước mẹ quan Phủ và Dì rất quý nhau, thân như chị em ruột. Mẹ quan Phủ mất rồi, chỉ còn Dì thúc bá là người thân bên ngoại, nhưng do việc nước bận rộn, lâu rồi chưa có dịp về thăm Dì. Gặp người thân trong tình trạng này, thật là bất tiện. Quan phủ rơm rớm nước mắt. Bà dì khóc, nói:
-Mày cũng một giuộc khốn nạn thôi. Tao không tin bọn chúng mày. Không cần mày thương hại...Chúng bay nói vì dân, vì cái con khỉ, vì cái nồi riêng của chúng mày thì có. Dân càng kiệt quệ thì chúng mày càng giàu lên. Quan, lính chúng bay là một lũ cướp ngày cả thôi. Mày leo cao rồi, còn biết gì đến hạng dân đen như tao...
Dì đang trong tâm trạng bực bội. Thực ra, trong lòng bà, thằng cháu ngoại này rất có hiếu từ lúc ở nhà cho đến lúc làm quan. Tri Phủ nắm tay Dì, đau lòng lắm. Dạo này trông dì ốm yếu, hai bàn tay gầy guộc nổi đầy gân xanh. Chợt quan Phủ hỏi:
-Cái vòng mẹ cháu tặng, Dì thường đeo, bây giờ không thấy? Dì bán rồi à?
Trong thâm tâm, Quan phủ nghĩ vì cuộc sống quá khổ nên Dì bán để mua cái ăn. Bà Dì nói rất căm giận:
-Tao biết đó là vật gia bảo mẹ mày cho, tao giao em mày khi về nhà chồng, nhưng em mày đánh bạc, bị bắt, nó phải cúng cho vợ quan để yên thân. Mày đi mà hỏi nó ấy...Một lũ khốn nạn.
Tri phủ lệnh cho Chánh tổng phóng thích bà cụ ngay tức khắc và buộc Chánh tổng cử người đưa bà cụ về tận nhà. Rời Tổng, quan Phủ thấy không yên lòng, có những chuyện khuất tất cần tận mắt chứng kiến. Quan Phủ cùng tùy tùng đi thị sát khắp Tổng, không cho Chánh tổng biết. Làng quê vẫn nghèo xác nghèo xơ, dân tình quần xài áo vá trông rất thảm. Thế mà Tổng báo cáo cuộc sống dân có nhiều thay đổi? Đoàn đi vào nhà những tên lính lệ. Nhà tên nào cũng thuộc vào hàng giàu có, sang trọng, cuộc sống cách biệt với dân. Bọn chúng chỉ là lính thường thôi mà đã giàu thế này thì các quan khác quá giàu là phải, không có gì lạ . Tri phủ buồn bả nghĩ: dân căm thù Triều đại phong kiến là có thật.Thấy quan trên về, dân chỉ đứng nấp trong nhà, lén ven bờ dậu nhìn xem chúng làm gì. Chuyện quan về làng, ai còn lạ? Nhưng lần này, quan đến rồi đi, có vẻ vội vàng, mọi người nghi hoặc, không hiểu chuyện gì? Quan Phủ đến nhà Chánh Tổng. Trước mắt quan Phủ là một dinh thự đẹp bất ngờ. Trong nhà có người giúp việc.Tri phủ thấy trên cổ tay vợ Chánh tổng đeo cái vòng Mà Nã của mẹ cho Dì ngày trước. Thế là mọi chuyện đã rõ. Cả đoàn ra về, vợ Chánh tổng thấy lạ, nhìn theo ngơ ngác.
 Lâu nay làm quan ở địa bàn khác, Tri phủ chưa hiểu hết những chuyện xẩy ra ở Tổng này. Chuyện dân oán thán, coi quan và bọn lính lệ như lũ cướp ngày đều có căn nguyên. Đau lòng quá! Chúng nhũng nhiễu, đè đầu cưỡi cổ dân, tự coi mình như ông trời, tác oai tác quái suốt một thời gian dài mà cấp trên không hay biết. Mọi tấu trình về Phủ đều viết rất hay. Chúng lừa cấp trên bằng những lời hoa mỹ.Trong khi đó, bao nhiêu thơ ca, hò vè... cứ tấm tức, đau buồn theo năm tháng  xuất hiện trong dân gian ngày càng nhiều đều bắt nguồn từ các "quan phụ mẫu" vô trách nhiệm, thiếu lương tâm, coi dân như cỏ rác mà ra:
                             Con ơi nhớ lấy câu này
                        Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
 Thượng bất chính, hạ tác loạn. Phải trừng trị chúng thích đáng. Tri Phủ làm tấu chương, trình lên Triều đình, kể tội Chánh tổng và bọn lính lệ. Quan phủ được Triều đình tin tưởng vì đó là một vị quan thanh liêm nênTriều đình cho phép quan Tri phủ xét xử nghiêm vụ việc ở Tổng để giữ kỹ cương phép nước.
Quan Phủ triệu tập Chánh tổng và bậu xậu tham mưu của Tổng đến. Chuyện diễn ra ở Tổng bấy lâu nay như là ung nhọt được che đậy, bây giờ phải giải phẩu để yên dân. Nhà nước nào cũng thế, chuyện yên dân đều phải đặt lên hàng đầu. Khi nghe Tri phủ kể tội, bọn chúng cúi đầu chấp nhận, ký vào văn bản vì không thể lấp liếm được. Chúng tính bài " đi cửa sau" như chúng thường làm trước đây.
Chánh tổng Cai lệ trực tiếp đến hối lộ Tri phủ. Tri phủ cười, vui vẻ nhận hết. Thế là ổn. Chúng mừng thầm, thở phào như tránh được trái núi sắp ập xuống đầu.Tên nào cũng nghĩ: "Quan phủ nào cũng thế cả thôi, lòng trâu cũng như dạ bò, thấy tiền đều sáng mắt lên, chả đứa nào biết chê của. Cũng là một giuộc ăn bẩn cả, nhưng ra vẻ trong sạch thôi".Chúng mở tiệc ăn mừng.
Một tuần sau.
Lệnh triệu tập Chánh tổng và Cai lệ lên phủ. Chúng nghĩ: "Chắc là Tri phủ gọi lên để đả thông mọi chuyện cho các quan ở Phủ biết chúng vô tội, để cho các quan không eo xèo lời ra tiếng vào trong vụ việc vừa qua ở Tổng. Ăn của đút rồi thì ngọng miệng thôi. Các quan khôn lắm, nói một đàng làm một nẻo, quan mà không tham là chuyện lạ...". Chúng đánh xe ngựa lên Phủ, vẻ mặt phấn chấn.
Có mặt đầy đủ các quan đầu ngành ở Phủ, Tri phủ công bố liền 3 quyết định. Quyết định thứ nhất cách chức Chánh tổng, tịch thu những tài sản thuộc đồ biếu xén. Quyết định thứ hai cất chức Cai lệ, tịch thu tài sản do ăn của đút và chuyển sang bộ phận làm án để truy xét về tội làm lũng đoạn pháp luật nhà nước. Quyết định thứ ba giải thể toàn bộ đám lính lệ ở Tổng, trả về địa phương, tịch thu những thứ chúng ăn hối lộ mà có, chịu sự theo dõi của Hương thôn, Lý trưởng. Chánh tổng và Cai lệ quá bất ngờ, run lập cập, định xin có lời giải trình nhưng Tri phủ xua tay phán như đinh đóng cột:
-Chưa hết. Các người còn có tội hối lộ quan trên để chạy tội. Phải gọi các người cho đúng nghĩa là lũ mọt dân, làm hỏng quan nhà nước. Bay đâu, đem sổ sách ra đọc cho chúng nghe những thứ chúng hối lộ vừa rồi.
Thì ra, hôm Chánh tổng và Cai lệ đến hối lộ, Tri phủ đã gọi mấy vị ở bộ phận thu ngân của Phủ đến kiểm kê rõ ràng những thứ chúng biếu để sung vào công quỹ.Tội chứng rành rành, chúng cứng miệng. Thế là toi! Lúc chúng kịp nhận ra rằng: Không phải quan nào cũng "ăn bẩn" như chúng nghĩ thì cũng là lúc chúng mất trắng công danh, sự nghiệp, từ trên cao rơi xuống vực sâu. Đau đớn vô cùng!
Tri phủ nói với các quan rằng:
- Ăn cơm dân, hưởng lộc cũng từ mồ hôi, nước mắt của dân, không thể coi khinh dân và đứng trên dân được. Từ nhiều năm qua, nạn nhũng nhiễu của lính lệ ở các Phủ trong nước đã làm dân chúng oán thán, căm phẫn, trở thành "vấn nạn" mà Triều đình phải đau đầu. Triều đình đã có lệnh về các Phủ tìm mọi biện pháp chấn chỉnh đội ngũ lính lệ, tuyển dụng đội ngũ này phải nghiêm ngặt. Sắp tới sẽ thanh lọc, không để một kẻ nào thuộc con cháu nhà quan nhưng từng tham gia xã hội đen, những kẻ tham lam và dốt nát lọt vào hàng ngũ lính lệ. Nếu không như vậy sẽ xẩy ra họa lũng đoạn quốc gia từ cái đám này... Nhiều nơi, lính lệ kết hợp với lũ đầu gấu, giang hồ để hăm dọa những người bạo gan tố cáo chúng lên quan trên...Phủ chúng ta phải thực hiện thật nghiêm để dẹp vấn nạn đó, có như thế mới yên dân.
Ngay hôm sau,Tri phủ thấy tâm trạng bồn chồn, ông cùng vợ về quê thắp hương cho bố mẹ, thăm bà Dì tội nghiệp của mình, thăm nội ngoại và bà con chòm xóm để lấy lại sự thanh thản trong lòng. Bấy nay mải lo việc nước, chưa có dịp về quê, trong ông ngổn ngang vui buồn lẫn lộn...

 Đăng ngày 19/05/2013

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan