Saturday, October 17, 2015

Trả lời phỏng vấn báo điện tử Toquoc.vn



Tác giả: Xuân Đức


Hoá ra bài viết của tôi đăng trên trang nhà góp ý về việc nên cải tổ sâu sắc mô hình và cơ chế hoạt động Hội Nhà văn Việt Nam cũng có được vài sự chú ý. Phóng viên báo điện tử Toquoc.vn có đặt cho tôi mấy câu hỏi. Tôi gửi trả lời. Họ có " chặt"  vài câu, cũng không quan trọng lắm. Hôm qua thấy trên trang vanhocquenha.vn đã đăng bài trả lời này. Tôi cóp về để bạn bè đọc cho vui.
Hội Nhà văn nên kết nạp nhiều hội viên (Toquoc)-
Kết nạp hội viên là một trong những vấn đề chính trong điều hành hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam. Tiến tới Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần VIII, Báo điện tử Tổ Quốc dành bài phỏng vấn đầu tiên với nhà văn Xuân Đức, người có nhiều kiến nghị đáng quan tâm đối với vấn đề này. 



Nhà văn Xuân Đức từng tham gia ba kỳ Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam gần đây. Trên trang web của ông gần đây có bài "Tiến tới Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam" với rất nhiều kiến nghị đáng quan tâm, nhất là vấn đề nhân sự, kết nạp Hội viên...  
PV: Nhà văn đã chỉ ra một trong những điều bất cập nhất của mô hình Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) hiện nay là gần đây có 3 kỳ Đại hội không bầu đủ một Ban Chấp hành (BCH), và bản thân ông nhận định: "Lần Đại hội tới liệu có khắc phục được không? Tôi dám cá cược rằng không". Vậy là người đã từng có mặt cả 3 kỳ Đại hội đó, ông thấy sự thiếu hụt này đã ảnh hưởng đến hoạt động của Hội Nhà văn như thế nào?
Nhà văn Xuân Đức: Tôi vào HNVVN năm 1982, đã tham gia Đại hội IV, V, VII... Đây cũng là giai đoạn biến động nhất của tổ chức Hội Nhà văn. Mỗi lần Đại hội HNVVN là mỗi lần dư luận cả nước hết sức chú ý. Đặc biệt là chuyện bầu bán. Danh sách đề cử có khi lên đến gần 200 người, vận động rút mãi xuống khoảng dưới 100 người thì bắt đầu bỏ phiếu, vậy mà kết quả có khi là 5, có khi là 6 người. Việc không đủ số lượng thành viên BCH là hết sức hạn chế công tác hội. Một hội lớn, có vị trí tập họp lực lượng sáng tác toàn quốc, đáng ra phải có số lượng thành viên BCH tương đối rải đều các vùng miền, đại diện được tâm tư nguyện vọng, phản ánh được tương đối đầy đủ các mặt hoạt động của hội viên. Có đủ số lượng thành viên BCH thì mới bầu được Thường vụ Hội. Ban thường vụ sẽ là người thực thi các nghị quyết của BCH, chịu sự kiểm tra của BCH. Đằng này, Ban chấp hành quá ít, chỉ còn đúng như một Ban thường vụ. Năm năm mới có một kì Đại hội, vì thế công việc của cái số rất ít như là "Ban thường vụ" ấy, không có một cấp nào thay mặt Đại hội kiểm tra giám sát. Hội viên thì không thể giám sát được. Vì vậy việc BCH bất cập là điều đương nhiên.
PV: Về vấn đề kếp nạp Hội viên, ông kiến nghị Hội Nhà văn nên giống như các Hội khác như Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nhạc sĩ... để giải quyết sự "tồn đọng" đơn xin vào Hội Nhà văn. Hiện nay Hội Nhà văn đã có nhiều ý kiến đánh giá là không còn "thiêng" như trước, vậy kết nạp một cách dễ dàng như vậy có làm cho độ thiêng ấy mất thêm đi không?
Nhà văn Xuân Đức: Trước hết tôi xin nhắc lại, quan điểm của tôi về chuyện kết nạp Hội viên không phải vì mục đích trước mắt là "giải quyết tồn đọng" mà muốn Hội trở lại đúng với tôn chỉ mục đích là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Nói ngắn gọn, đây là một nghiệp đoàn. Không thể để cho những người có nghề, đang làm nghề và rất tha thiết được ở trong tổ chức nghề nghiệp mà lại phải chịu cảnh đứng ngoài tổ chức. Như thế là bất công và cũng không đúng với chủ trương tập hợp của Đảng và Nhà nước về việc cho thành lập các Hội nghề nghiệp.
Còn chuyện Hội Nhà văn có "thiêng" hay không còn "thiêng" lại do quan niệm của từng người. Trước hết, cần xác định xem thế nào là "thiêng"? Số ý kiến cho rằng việc kết nạp nhiều sẽ mất thiêng chính là số người cố tình biến tổ chức Hội thành cõi riêng của các bậc anh tài đặc biệt. Đây chính là căn bệnh tự làm sang của một số người. Và trên thực tế, trước con mắt của hàng trăm đồng nghiệp khác, người ta lại thấy những người đó chẳng phải ai cũng anh tài kiệt xuất, cũng làng nhàng vậy thôi, nếu không muốn nói là có nhiều người kém cỏi nữa. Vì thế nên người ta thấy Hội không còn thiêng nữa. Có thể ví von thế này. Bấy lâu người ta đồn rằng Miếu ấy có vị Thành Hoàng rất thiêng, cầu gì được đấy. Nhưng qua trải nghiệm, nhiều người thấy rõ, Thành Hoàng cũng chẳng ra gì, nên cái Miếu ấy không còn thiêng nữa.
Riêng tôi thì quan niệm rằng, muốn xã hội và những người nghề nghiệp coi Hội là nơi rất đáng trân trọng thì trước hết Hội phải chứng tỏ mình là một tổ chức của tất cả những ai đang làm nghề, kết nạp họ, động viên họ, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho họ. Người viết cảm thấy đến với Hội, họ có thêm nghị lực, thêm điều kiện để sáng tác và công bố tác phẩm. Mọi người phải nhìn thấy tổ chức Hội là nơi tập họp đông đảo bạn nghề, người thiên tài và cả những người tài năng còn hạn chế, không phân biệt đẳng cấp, tôn trọng, đùm bọc nhau.
Cái mà dư luận cho rằng Hội Nhà văn hiện không "thiêng" nữa không phải vì số lượng hội viên đã đông lên, mà chính là người ta thấy chán, không còn tình cảm thao thiết với nó nữa.
PV: Ông có cho rằng đó cũng là một "khác biệt" của Hội Nhà văn? Và sự "khác biệt" này vì sao không nên tồn tại nữa?
Nhà văn Xuân Đức: Đúng thế. Nó khác vì mang tiếng là Hội, nhưng nó không còn là Hội nữa. Nó là một tổ chức đầy quyền năng. Quyền năng về việc thu nạp con người và quyền năng trong việc tạo ra dư luận xã hội về sự nghiệp sáng tác văn học của cả nước. Theo tôi, từ nay cần loại bỏ ngay cái khái niệm cõi thiêng ấy. Hội Nhà văn đừng tự cho mình là cái gì đó quá đặc biệt. Nó thật sự chỉ là một hiệp hội nghề nghiệp, thế thôi.
PV: Nhà văn nghĩ sao khi những người cầm bút không vì Danh hiệu Nhà văn mà vì nhu cầu tự thân?
Nhà văn Xuân Đức: Không có gì phải nghĩ nhiều chuyện đó cả. Đó là bản chất của sự sáng tạo. Người cầm bút đích thực sẽ viết vì trăn trở với điều cần viết. Thậm chí có khi cầm bút viết ra một trang chữ, nhà văn còn linh cảm thấy mình có thể gặp rắc rối, có thể mất việc, có thể cô đơn. Nhưng nếu có đủ dũng khí thì vẫn viết. Cả đến cuộc sống bình thường người viết chân chính còn dám đánh đổi, làm sao lại đặt ra tiêu chí viết để có danh hiệu nhà văn?
PV: Nếu đã mở rộng cánh cửa kết nạp Hội viên thì có nên gắn nhà văn với các danh hiệu: Nhà văn nhân dân, Nhà văn ưu tú không? Và tiêu chí sẽ là gì: chất lượng văn chương, hay giải thưởng khi mà giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn cũng có nhiều ý kiến rồi?
Nhà văn Xuân Đức: Kết nạp Hội viên không hạn chế số lượng, chứ không phải kết nạp đại trà. Tôi chưa khi nào nói là cần kết nạp đại trà, vì nói thế rất dễ hiểu nhầm. Là một Hội nghề nghiệp, đương nhiên Hội viên cũng cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghề nghiệp. Hiệp hội những người lái tắc-xi đương nhiên phải có nghề lái xe và đang hành nghề lái xe tắc-xi. Kết nạp Hội viên không hạn chế có nghĩa là ai đang hành nghề, có khả năng nghề (được chứng minh bằng một số lượng tác phẩm đã xuất bản nhất định) thì đều được vào Hội, không cần phải làm thêm động tác xét duyệt xem tài năng người ấy ở đẳng cấp nào, có thật sự là những tài năng lớn hay không? Có đặc biệt xuất sắc hơn nhiều người khác không?
Và như thế, Hội chỉ là tổ chức tập hợp, chứ không phải là nơi vinh danh. Vì vậy, Nhà văn rất cần sự vinh danh của Nhà nước. Sự vinh danh Nhà văn Nhân dânNhà văn ưu tú... thì cũng dựa theo tiêu chí gần giống như các lĩnh vực khác thôi. Có 2 tiêu chí quan trọng nhất là tài năng và sự cống hiến. Việc lượng hoá hai tiêu chí này là việc của các cơ quan có thẩm quyền, không phải việc của tôi. Còn giải thưởng Văn chương là việc làm cần thiết. Nó có nhiều ý nghĩa đối với người sáng tác. Cũng có đôi khi giải thưởng không chính xác, đó là chuyện bình thường, cần rút kinh nghiệm chứ không phải để loại bỏ. Nhưng Giải thưởng chỉ là một kênh tham khảo về tài năng và sự cống hiến. Nó quan trọng và không phải là tất cả.
* Cảm ơn nhà văn.

 Đăng ngày 30/03/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: phanvanquang - 30/03/2010

Đã đọc bài này trên trang văn học quê nhà sáng nay, xin phép anh được đưa lên trang phanvanquang.vnweblog.com .Kính.
  Gửi bởi: Người TâM Huyết - 31/03/2010

Hê hê hay quá lão trang à.Laughing
  Gửi bởi: Việt Nhân - 01/04/2010

Người ta nói HƯƠNG HOA .Tôi muốn nói HƯƠNG TRÍ TUỆ.Bai trả lời phỏng vấn thực sự có "hương trí tuệ" ,trí tuệ ở đây lên màu đời thực của một cuộc đổi thay thần kỳ đang bắt đầu.Những câu hỏi của tờ báo quả rất hay Nhà văn Xuân Đức trả lời ngắn gọn mà phong phú và sâu rộng,bấm vào phím âm vang nhất của những lẩy đàn đang gãy.Có thể đây là một trong những người thợ tài năng của số ít cứu vãn CÂY ĐÀN HỘI NHÀ VĂN VN đang rè dần âm sắc và sắp "qua đời"! Mấy ý kiến trước đây của tôi từng nói rõ :tôi không quan tâm DANH HIỆU phong cho văn sĩ mà nhức nhối về sự vô cảm vô trách nhiệm của các ban "gác cổng"tàn úa nhân văn đã từ lâu,rất mong muốn HNVVN hồi sinh để có thể cường tráng trong cơ thể đầy sinh lực của đất nước.Cái cốt lõi là Hội (gồm những tổ chức có tài năng lương tâm và trách nhiệm-không phải là kẻ tầm thường đang "phân hủy") phát hiện,bồi dưỡng xem xét đúng đắn kết nạp những tác giả đủ tiêu chuẩn vào Hội ,dứt khoát trong đó có những tài năng thật sự.Cần "lột xác"ngay bây giờ (trong toàn bộ cơ thể) để HNVVN còn giữ được VẦNG HÀO QUANG trong nền văn minh Việt Nam hiện đại.Đến khi nào được chào mừng sự PHỤC SINH của HNVVN?
  Gửi bởi: Trần Xuân An - 02/04/2010

Ý KIẾN
Lần này, vẫn không thấy nhà văn Xuân Đức ghi xuất xứ ý tưởng mà ông sử dụng. Chẳng hiểu do đâu?
Tôi nghĩ việc ông Xuân Đức không ghi xuất xứ như vậy là làm mất uy tín của ông ấy.
Và như thế, vô hình chung rơi vào thế "ăn xôi chùa ngọng miệng", làm sao có thể đấu tranh về việc bảo vệ bản quyền cho anh em văn nghệ sĩ, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật?
Nhiều nhà văn định bầu ông Xuân Đức vào Ban Chấp hành HNV.VN , mặc dù chưa chắc ông Xuân Đức có nhiệt tâm ứng cử vì anh em làm nghề văn chương. Nhưng mấy tuần nay, nhất là sau khi báo Tổ quốc phỏng vấn, lại hơi thất vọng vì cái chuyện cỏn con là không ghi (hoặc không nói rõ) xuất xứ ý tưởng vay mượn ấy. Thật không nên rơi vào trường hợp "tham nhũng ý tưởng". Nhiều kẻ khác bắt chước thì nguy to!
Kính mong nhà văn Xuân Đức làm gương tiếp thụ phê bìnhcho anh em được nhờ.
Trần Xuân An

  Gửi bởi: Xuân Đức - 02/04/2010

Gửi ông TX AN. Tôi thật lấy làm xấu hổ vì buộc phải viết comment trả lời. Lần trước tôi cho là chuyện tầm phào nếu không muốn nói là quá rẻ tiền, hơn nữa tôi vốn rất yếu mến ông nên không trả lời, cốt cho nó qua đi đừng để ai chú ý. Không ngờ ông lại đay lại lần nữa và lần này tệ hơn ông đã vượt quá giới hạn, dùng nhiều lời rất thiếu tôn trọng tôi nên mặc dù thấy chẳng ra làm sao tôi vẫn buộc phải nói lại.
Trước hết tôi phải nói thật với ông là tất cả những bài ông gửi nhờ tôi đăng lên trang tôi không hề đọc. Tôi không phải là người biên tập một trang báo mà chỉ chơi mạng cá nhân, các bài bạn bè gửi đăng hầu hết thấy tên quen thì post lên, chẳng có thì giờ đâu mà đọc. Thứ hai, chuyện ông nói đề nghị vinh danh đanh hiệu Nhà văn ưu tú, nhà văn Nhân dân là do ý tưởng phát kiến của ông thì thật đáng xấu hổ. Câu chuyện này, những người lãnh đạo Hội, mà cụ thể là Chủ tịch Hữu Thỉnh đã nêu ra trong một cuộc hội nghị nhiệm kì trước kia. Anh em nhà văn Miền trung cũng đã có trao đổi qua loa về nó vài lần troing các cuộc gặp mặt  sinh hoạt. Đương nhiên tất cả cũng chỉ nêu lên qua quýt như là chuyện phiếm vì sợ rằng nó sẽ không thành hiện thực...Vì ông chưa phải là hội viên HNV nên ông đâu có được sinh họat mà biết.
Gần đây, anh em Hội viên Quảng Trị đã tâm sự với nhau nhiều lần trong các buổi Cà phê. Tôi và Nhà Văn Cao Hạnh đã đàm đạo về những suy nghĩ này nhiều lần kéo dài hàng buổi và cuối cùng Cao Hạnh nói, anh là Hộiviên lâu năm lại đang ở trong Hội đồng VX nên phát ngôn đi.
Nói như vậy để thấy là các ý kiến tôi nói cũng chẳng phải " ý tưởng" gì đó ghê gớm của tôi mà là sự tích tụ suy nghĩ của nhiều hội viên trong nhiều năm. Cũng chẳng ai lại đi làm cái việc dở hơi là tranh xem ai là người có ý kiến sớm nhất. Vì chỉ là một ý kiến góp ý chứ có chuyện gì ghê gớm đâu. Chẳng lẽ một người sáng tác văn học lại cứu cánh bằng một sáng kiến góp ý về tổ chức hội?
Vấn đề quan trọng không phải là ý kiến ai mở đầu ( giống như chuyện ông tranh bản quyền việc cải chính Nguyễn văn Tường). Tôi cho rằng chẳng có gì to tát trong chuyện này hết. Cứ cho rẳng tôi đã nghe đâu đó, trong bàn trà, tiệc rượu chẳng hạn, ai đó bàn luận về Hội rất có lí, sau đó tôi chính thức phát biểu thì cũng là chuyện nên làm khi biết lắng nghe. Đây đâu phải là một sáng tác phẩm mà ông cứ nhai đi nhai lại chuyện bản quyền, ý tưởng. Mong muốn cải tổ, đổi mới một tổ chức Hội thì thấy sao góp ý vậy, có ai ghi công, trả tiền đâu mà đòi bản quyền. Mấy lại đây là chuyện nội bộ của Hội nhà văn trước thềm đại hôi, chúng tôi đang tham gia ý kiến, dẫu có mang một ý kiến xây dựng tâm huyết của một người ngoài tổ chức để phản ánh lên cũng là điều cần thiết. Ví dụ, môt đại biểu quốc hội khi phát biểu nói lên nguyện vọng của cử tri, có cần thiết phải nói: đây không phải là ý tôi mà ý của cử tri tên là A ? Có cử tri nào khi theo giõi quốc hội họp lại đay nghiến ông đại biểu rằng cái ý đó là do mình đề xuất sao ông ta không nêu tên mình lên? Chỉ có một người thần kinh không bình thường mới có cách nghĩ đó. Ông cử tri ấy nếu thần kinh bình thường thì nên biết điều này, cái ý kiến của mình đã lên tới diễn đàn Quốc hội, thế là quý lắm rồi. Và có thể trên cả nước cũng đã có nhiều cử tri cùng ý kiến đó nên đại biểu quốc hội đã phản ánh lên.
Tóm lại, ông An ơi, có thể ông đã có suy nghĩ về chuyện này, nhưng ông quên mất rằng trong lúc ông nghĩ thì thiên hạ cũng có khối người khác biết nghĩ. Ông ngồi một chỗ nên rất giới hạn chuyện biết thiên hạ đang nghĩ gì. Ví thế ông nên hạn chế sự ngộ nhận( Không phải chuyện này mà nhiều chuyện khác nữa) . Còn cái việc ông cài vào bài mấy câu: có ý định bầu tôi vào BCH thì khiến tôi vừa thấy xấu hổ vừa thương hại ông. Chuyện bầu bán là chuyện nội bộ của Hội nhà văn, ông ở ngoài thì gà thêm mà làm gì. Ông lại suy bụng mình ra bụng người hay sao mà cho rằng tôi muốn vào BCH Hội?
Ông hiểu tôi còn quá sơ sài đấy ông An ạ.


  Gửi bởi: Trần Xuân An - 02/04/2010

Kính gửi anh Xuân Đức,
Thật không ngờ anh lại nổi giận như vậy.
Xin tình cảm anh em mãi được chân tình và cởi mở trong không khí hòa nhã.
Trước đây và hiện nay cũng như thế, phong trào đóng góp sáng kiến - kinh nghiệm trong lao động sản xuất, hành chính sự vụ, gồm cả giáo dục, rất được đề cao. Mỗi sáng kiến (do quan sát mà có hay xuất phát từ kinh nghiệm trực tiếp), nếu có giá trị đều được ghi nhận, có bằng chứng nhận hay bằng khen, lại được ghi tên trong phòng truyền thống của cơ quan, đơn vị. Cũng có nơi, các sáng kiến ấy được xuất bản thành sách hoặc nội san.
Còn các đại biểu Quốc hội, khi thu thập ý kiến, đặc biệt là ý kiến về chính trị thì có biên bản (nếu họp dân). Nhưng rồi biên bản cũng xếp xó. Và nói thật, các đại biểu QH. thường hình thức chủ nghĩa lắm. Nếu các đại biểu có ghi rõ tên tuổi, địa chỉ người góp ý thì thật quý hóa, trung thực.
Thật ra, làm gì có ý kiến không có tác giả; chỉ trừ ý kiến phản động, phá phách, thường nặc danh (nặc danh nhưng cũng có người nghĩ ra, chứ không phải trên trời rớt xuống).
Trong trường hợp cụ thể, bài "Chuẩn và quyền vào Hội Nhà văn" của tôi là một bài báo (và các ý kiến qua trao đổi mà phát triển thêm như danh hiệu Nhà văn ưu tú, Nhà văn nhân dân...). Bài báo ấy là một tác phẩm chứ sao. Vậy theo nguyên tắc, ai sử dụng ý tưởng từ bài báo ấy, phải ghi rõ nguồn (xuất xứ). Đây là giá trị tinh thần, chứ không nói đến nhuận bút.
Xin mở rộng:
Trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi phát kiến đều phải được tôn trọng và ghi nhận về quyền sở hữu trí tuệ, dù phát kiến ấy lớn hay nhỏ. ("Khoán 10", thực hiện ý tưởng của ông Kim Ngọc, là lớn hay nhỏ?).
Tất nhiên là người cầm bút, chỉ nên kể những công trình lớn hay chỉnh thể tác phẩm văn chương, chứ các ý kiến lặt vặt kể làm gì...
Dẫu sao, mọi ý tưởng của công dân Việt Nam đều phải được tôn trọng và ghi nhận với tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi. Trong thời bùng nổ thông tin hiện nay, các ý tưởng du nhỏ dù lớn của người Việt ta, có khi người nước ngoài thực hiện ở nước họ, rồi ta lại cứ tưởng là "đồ ngoại" cả, còn người Việt không có chút sáng kiến gì. Người nước ngoài, Tàu hay Tây, đều "du học bác vật" (đi vào các nước nhỏ để thu thập văn minh, văn hóa, các sáng tạo bản xứ...) từ xưa. Nay bùng nổ thông tin, ta phải đề cao bản quyền của công dân ta.
Mở rộng thế thì hơi to tát hóa, dễ khiến buồn cười. Nhưng thật ra, ý tưởng mới (phát kiến, sáng kiến - kinh nghiệm) là vốn quý (như "Khoán 10" của ông Kim Ngọc chẳng hạn). Người Tây, người Tàu hơn người Việt ở chỗ này đây.
Nói cụ thể lại, trong trường hợp bài báo "Chuẩn và quyền vào Hội Nhà văn", nếu bị "rút ruột", thì bài báo ấy còn gì??? Một bài báo, nội dung của nó chỉ bấy nhiêu mà thôi.
Một lần nữa, xin tình cảm anh em mãi được chân tình và cởi mở trong không khí hòa nhã, xây dựng.
VẤN ĐỀ LÀ Ý TƯỞNG TRONG BÀI BÁO "Chuẩn và quyền vào Hội Nhà văn". ĐÓ MỚI LÀ MỤC ĐÍCH CHÍNH CỦA BÀI BÁO.
TRANH CÃI VỀ TÁC QUYỀN (tinh thần) một ý tưởng nhỏ, trong một bài báo nhỏ, KHÔNG KHÉO CÁC ANH "CẤP CÔI" LẠI TỰ ÁI, KHÔNG THỰC HIỆN, LẠI CÀNG VÔ ÍCH. ĐÓ LÀ TRƯỜNG HỢP MÀ CỔ NHÂN ĐÃ BẢO: "Tham lợi trước mắt, quên hại sau lưng", "tham cái nhỏ mà hỏng chuyện lớn".
Trân trọng,
Trần Xuân An

  Gửi bởi: Trần Xuân An - 02/04/2010

Kính gửi anh Xuân Đức,
Thật không ngờ anh lại nổi giận như vậy.
Xin tình cảm anh em mãi được chân tình và cởi mở trong không khí hòa nhã.
Trước đây và hiện nay cũng như thế, phong trào đóng góp sáng kiến - kinh nghiệm trong lao động sản xuất, hành chính sự vụ, gồm cả giáo dục, rất được đề cao. Mỗi sáng kiến (do quan sát mà có hay xuất phát từ kinh nghiệm trực tiếp), nếu có giá trị đều được ghi nhận, có bằng chứng nhận hay bằng khen, lại được ghi tên trong phòng truyền thống của cơ quan, đơn vị. Cũng có nơi, các sáng kiến ấy được xuất bản thành sách hoặc nội san.
Còn các đại biểu Quốc hội, khi thu thập ý kiến, đặc biệt là ý kiến về chính trị thì có biên bản (nếu họp dân). Nhưng rồi biên bản cũng xếp xó. Và nói thật, các đại biểu QH. thường hình thức chủ nghĩa lắm. Nếu các đại biểu có ghi rõ tên tuổi, địa chỉ người góp ý thì thật quý hóa, trung thực.
Thật ra, làm gì có ý kiến không có tác giả; chỉ trừ ý kiến phản động, phá phách, thường nặc danh (nặc danh nhưng cũng có người nghĩ ra, chứ không phải trên trời rớt xuống).
Trong trường hợp cụ thể, bài "Chuẩn và quyền vào Hội Nhà văn" của tôi là một bài báo (và các ý kiến qua trao đổi mà phát triển thêm như danh hiệu Nhà văn ưu tú, Nhà văn nhân dân...). Bài báo ấy là một tác phẩm chứ sao. Vậy theo nguyên tắc, ai sử dụng ý tưởng từ bài báo ấy, phải ghi rõ nguồn (xuất xứ). Đây là giá trị tinh thần, chứ không nói đến nhuận bút.
Xin mở rộng:
Trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi phát kiến đều phải được tôn trọng và ghi nhận về quyền sở hữu trí tuệ, dù phát kiến ấy lớn hay nhỏ. ("Khoán 10", thực hiện ý tưởng của ông Kim Ngọc, là lớn hay nhỏ?).
Tất nhiên là người cầm bút, chỉ nên kể những công trình lớn hay chỉnh thể tác phẩm văn chương, chứ các ý kiến lặt vặt kể làm gì...
Dẫu sao, mọi ý tưởng của công dân Việt Nam đều phải được tôn trọng và ghi nhận với tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi. Trong thời bùng nổ thông tin hiện nay, các ý tưởng du nhỏ dù lớn của người Việt ta, có khi người nước ngoài thực hiện ở nước họ, rồi ta lại cứ tưởng là "đồ ngoại" cả, còn người Việt không có chút sáng kiến gì. Người nước ngoài, Tàu hay Tây, đều "du học bác vật" (đi vào các nước nhỏ để thu thập văn minh, văn hóa, các sáng tạo bản xứ...) từ xưa. Nay bùng nổ thông tin, ta phải đề cao bản quyền của công dân ta.
Mở rộng thế thì hơi to tát hóa, dễ khiến buồn cười. Nhưng thật ra, ý tưởng mới (phát kiến, sáng kiến - kinh nghiệm) là vốn quý (như "Khoán 10" của ông Kim Ngọc chẳng hạn). Người Tây, người Tàu hơn người Việt ở chỗ này đây.
Nói cụ thể lại, trong trường hợp bài báo "Chuẩn và quyền vào Hội Nhà văn", nếu bị "rút ruột", thì bài báo ấy còn gì??? Một bài báo, nội dung của nó chỉ bấy nhiêu mà thôi.
Một lần nữa, xin tình cảm anh em mãi được chân tình và cởi mở trong không khí hòa nhã, xây dựng.
VẤN ĐỀ LÀ Ý TƯỞNG TRONG BÀI BÁO "Chuẩn và quyền vào Hội Nhà văn". ĐÓ MỚI LÀ MỤC ĐÍCH CHÍNH CỦA BÀI BÁO.
TRANH CÃI VỀ TÁC QUYỀN (tinh thần) một ý tưởng nhỏ, trong một bài báo nhỏ, KHÔNG KHÉO CÁC ANH "CẤP CÔI" LẠI TỰ ÁI, KHÔNG THỰC HIỆN, LẠI CÀNG VÔ ÍCH. ĐÓ LÀ TRƯỜNG HỢP MÀ CỔ NHÂN ĐÃ BẢO: "Tham lợi trước mắt, quên hại sau lưng", "tham cái nhỏ mà hỏng chuyện lớn".
Trân trọng,
Trần Xuân An

  Gửi bởi: Xuân Đức - 02/04/2010

Nói thêm với TXA
Mình nhắc lại với An rằng cái bài báo đó An gửi ra trong lúc mình đưa tin về chuyện kết nạp Hội viên nên mình post lên chứ cho đến lúc này mình vẫn chưa đọc kĩ.  Tất cả các bài kiểu ấy trên trang của mình đều nằm ở mục đàm đạo cá nhân. trang web này không phải là tờ công báo. Cũng như những dòng comment này, không bao giờ mình coi nó là công luận.
Có một điều mình khuyên thật An ( nếu An chịu khó nghe, còn nếu không thì thôi), mọi chuyện trên đời cần nghĩ rộng hơn bản thân một chút. Ví như một suy nghĩ gì đó về xã hội, nên nhớ rằng, trong lúc mình đang nghĩ ngợi thế này thì có thể có hàng chục, hàng trăm người khác cũng đang nghĩ như thế, có khi họ đã nghĩ như thế hằng mấy năm nay rồi, chỉ có điều họ nói ở những chỗ mà An không nghe, không biết đó thôi. Ví dụ chuyện về Hội Nhà văn hay các Hội văn nghệ, hàng chục năm nay bọn mình tranh luận với nhau nhiều lắm, tuy nhiên ý kiến chẳng dễ thống nhất nên nói ra rồi lại bỏ ngỏ đó thôi. Mình đã có 30 năm sinh hoạt Hội NV, lại có !0 năm lãnh đạo một Hội VN tỉnh, lại 17 năm làm quản lý văn hoá. Cả quãng thời gian đó, trăn trở về mô hình hoạt động hội rất nhiều, đâu có phải chỉ khi có bài trên mạng của An mới chợt nghĩ đến chuyện này. Còn nói chuyện  suy nghĩ về việc phong tặng Danh hiệu Nhà văn, bọn mình đã có ý kiến với Bộ từ những năm mới có chủ trương phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Ngfhệ sĩ Nhân dân. Lúc đó nhiều người hỏi mình sao anh viết kịch nhiêu, viết văn nhiều mà không được danh hiệu gì cả, mình chỉ biết cười và nói, Nhà nước chưa phong danh hiệu cho nhà văn. Sau đó, trong mấy lần hội nghị ở Bộ, mình ( và vài người khác) cũng có đề cập chuyện này. Nghe xong Bộ trưởng Trần Hoàn cười rồi nói, khi nào tớ được phong Nhạc sĩ ưu tú thì cậu sẽ được Nhà văn ưu tú...
Còn nói chuyện nên kết nạp Hội viên rộng rãi hay thắt chặt, thì bọn mình trong Hội đồng Văn xuôi, năm nào cũng phải làm cái việc xét, rồi năm nào cũng chịu tiếng mang lời với những người không lọt được vào danh sách kết nạp ( trong đó có An), vì thế gần như cuộc họp năm nào bọn mình cũng kiến nghị mở rộng diện xét kết nạp. Bọn mình thảo luận nhiều lắm An ạ, chứ chẳng phải chờ đến khi có " sáng kiến" của An thì anh em mới giật mình ngộ ra đâu!
Bây giờ quay trở lại ý kiến của An về tác quyền. Không ai lại đòi tác quyền về những ý kién thảo luận đóng góp cả, nó vừa sai lại vừa lố. Một ý kiến đóng góp cho dù trùng hợp với rất nhiều ý kiến khác, tuy nhiên ai phát biểu người đó phải khẳng định chính kiến của mình, không được đổ vấy cho người khác. Ví dụ hiện nay chuẩn bị cho Đại hội Đảng, đang có rất nhiều ý kiến đóng góp. Trong số đó cũng có ý kiến đòi Đảng phải cải tổ theo hướng đa đảng. Những ý kiến đó có thể bằng văn bản gửi thẳng lên TW, cũng có khi được đăng thành bài trên báo mạng. Nhưng giả sử An cũng có ý kiến đóng góp có nội dung tương tự thì phải khẳng định đó là chính kiến của An, không được nói là tôi nói theo sáng kiến của ông X nào đó. Và nếu sau nay có hệ lụy gì ( là nói ví dụ vậy) thì An cũng phải chịu chứ không thể nói là sáng kiến này của người khác tôi chỉ nói lại thôi!
Nói quá lên vậy để nhắc cho An hiểu rằng, ý kiến thảo luận, phát biểu đóng góp có thể rất nhiều người cùng nghĩ, cùng nói như nhau, đừng quá cay cú chuyện ai nói ra trước thì người nói sau coi như cướp bản quyền hay rút ruột ý kiến người trước. Đáng ra An phải lấy làm vui khi ý kiến mình lại trùng hợp được với ý nhiều người khác, sao lại cứ thích mình là người duy nhất có ý kiến thế nhỉ?
Có lẽ do An chưa hề ( hoặc quá ít) sinh hoạt trong một tổ chức nào đó nên cứ quan niệm các ý kiến thảo luận đóng góp ý kiến như là các cuộc công bố đề tài khoa học hay sáng tác phẩm?
Thôi nhé, mình rất bận nên không có thì giờ với những chuyện ngây ngô này nữa. Mình sẽ không đăng và cũng không nói thêm gì hết.


  Gửi bởi: Nhóc con lon ton - 02/04/2010

Mâm mô ra mâm nấy, bác An không phải hội viên Hội nhà văn mà bác thể hiện...sốt sắng quá. Cháu chả thích bác Đưc nhưng đọc ý kiến bác An, cháu thấy bác An ni vô duyên!
  Gửi bởi: Nico - 05/04/2010

He,he…Chào Lão Trang! Con vừa đi Nga về. Dù vẫn chưa hết tim đập chân run vì vụ đánh bom khủng bố nhưng con vẫn đủ bình tĩnh để nghiêm khắc phê bình Lão vì cái tội con đã dặn mà hổng có nghe. Trước khi đi con đã dặn là có gì thì Lão cứ im đợi con về chứ tuyệt đối không manh động thế mà ở nhà Lão cứ dài dòng giải thích với chú An cái chuyện con nít mà ai đọc cũng thấy buồn cười. Nói đến đây con lại nhớ cách đây chưa lâu ai đó kể rằng: có 1 đôi nam nữ ngồi tâm sự ở ghế đá công viên. Sau một lúc im lặng cô gái ngả đầu vào vai chàng trai thủ thỉ: Anh ơi, anh đang nghĩ gì thế? Chàng trai âu yếm quàng tay qua vai nàng và thầm thì: anh đang nghĩ như em nghĩ. Bất chợt cô gái đứng phắt dậy, trừng mắt quát: anh mà làm thế tôi la làng bây giờ. Lúc đó thấy mọi người cười nên con cũng ngoác mồm cười nhưng chẳng hiểu chi. Giờ đọc comment của chú An con mới suy ra và hiểu rằng cô gái định la làng đòi cái…bản quyền. Hơ,hơ….Mai kia cả 80 triệu dân ta xông lên đòi bản quyền cái ý tưởng: xây dựng một đất nước VN giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh thì chết là cái chắc vì ai là người VN mà chẳng nghĩ  thế, muốn thế và mong thế.

Con nghĩ trong vấn đề này chú An đã suy diễn máy móc vì đã gọi là ý kiến thì không thể đòi hỏi bản quyền nhưng dù sao cũng đáng khen vì chú nhận chú đã có ý kiến thế dù ý kiến của chú trùng với hàng ngàn, hàng vạn ý kiến của những người tâm huyết với làng văn nước nhà mà suy cho cùng tất cả cũng muốn cho Hội nhà tốt hơn thôi. Đâu như bác Rum-giám đốc sở văn hoá TP.HCM nhà ta suốt ngày ăn cắp bản quyền của tranh Trung Quốc làm tranh cổ động nước mình thế nhưng báo chí phanh phui thì bác nói là do đàn em bất cẩn. Chu cha, bất cẩn có hệ thống thì quả là…đáng trao giấy chứng nhận vì tình yêu Tổ quốc thiết tha …ma cho bác Rum. Con đây chẳng văn chương gì sất nhưng con cũng thấy không công bằng khi các ngành nghề khác đều có danh hiệu trừ các nhà văn. Con đã nghĩ thế lâu rồi, từ thời còn lãng mạn (chứ không lãng nhách như bây giờ) khi đọc xong Cửa gió của Lão, Đảo Chìm của sư Khoa…cơ. Con mà làm to con phong cho những nhà văn, nhà thơ thực tài, được nhân dân ca ngợi (chứ không phải giới chuyên môn đâu nhé) là ĐẠI VĂN HÀO tất. Bởi tác phẩm của họ định hướng và ảnh hưởng rất nhiều nhân cách của nhiều thế hệ con người.
Con nghĩ chuyện ý kiến trùng nhau là chuyện bình thường tuy nhiên mức độ ảnh hưởng thì tuỳ thuộc vào người phát ngôn. Ví như đó là ý kiến của con thì dù con có viết 1000 bài đăng khắp nơi thì “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá/ Những pho tượng chùa Tây phương không biết cách trả lời” vì con là đứa vô danh tiểu tốt, thấp cổ bé họng nên nói ai nghe. Thế nhưng khi Lão Trang chính thức phát biểu thì sẽ gây được sự chú ý của báo giới và các lãnh đạo liên quan bởi Lão là cây đại thụ của làng văn, đã có hàng chục năm làm quản lý, có uy tín và ảnh hưởng lớn…từng lên bờ xuống ruộng vì tài nên đó cũng là điều dễ hiểu. Con và bạn bè con rất mừng và cũng mong nhà nước nên suy nghĩ lại, Hội nhà văn nên xem xét lại, mọi người nên đoàn kết lại vì sự công bằng để khi nhắm mắt xuôi tay, các nhà văn, nhà thơ VN có thể tự hào nói rằng : Tất cả đời ta, tất cả sức ta đều hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng cao cả, cho cuộc sống tốt đẹp nhất trên đời (con ăn cắp trong Thép đã tôi).
13 đi vắng, toàn nói bằng tay nên về con mừng húm. Tình hình an ninh ở Nga rất đáng ngại. Qua sân bay, thấy con nhang nhác giống goá phụ áo đen nên an ninh Nga soi kỹ đến mức thấy xương trắng toát như chụp X-quang. He,he…Tongue out

  Gửi bởi: Người Tâm Huyết. - 06/04/2010

 Thôi bàn luận nhiều sinh ra mất lòng.
Nhưng ngẫm lại Trang Lão chỉ biết nói những gì mà nhiều người khác đang suy nghĩ. Tất nhiên phải có ai đó mạnh dạn như bác An, Trang Lão và nhiều nhiều nhiều... hơn nữa cơ.
Trong một hội nghị, đại hội thông thường người ta tranh thủ ý kiến nhièu người, tổng hợp rồi mới đưa ra phát biểu.
Trước đại hội VIII, Lão Trang nếu ý kiến của lão đồng tình với ý kiến chung của rất nhiều người trong hội nhà vănmaf thôi. Tâm Huyết tôi không trong hội văn học, nhưng từng nghe Lão nhà thơ trào phúng XP cũng tâm đắc như ý kiến Trang lão. Thực tình đó cũng là mong ước tất cả những ai đam mê văn hoc của nước Việt nam.
Bác An nói vậy, chúng ta vô cùng vui mừng vì biết chắc bên cạnh ý kiến của đa số các nhà văn nhà thơ đồng ý với lão Trang. còn có ý kiến của bác, của chị Ni Co và mọi người luôn ủng hộ.
Hoan hô lão Trang! Hoan hô bác An! Hoan hô những người vì nền văn học, văn hiến của tổ Quốc ta.
 À Quên
Hoan hô sư cụ ni co! muôn năm!!!
Chúc bác An, Lão trang luôn luôn mạnh khỏe, chúc mọi người bình an.
Tâm Huyết tui xin biến mất từ đây.Sealed

  Gửi bởi: Nico - 07/04/2010

Hơ,hơ...Lần đầu sư cụ được... muôn năm. Khiếp ghê!Money mouth
Nhớ hồi còn nhỏ, có lần giỗ cậu, mẹ chị Nico vừa khóc vừa kể chuyện cậu bị cải cách đem đi bắn. Sư cụ chị vốn ham đọc sách và hay tưởng tượng, lại nhớ dai nên khi nghe nói đem đi bắn chị lại tưởng tưởng quang cảnh giống như anh Hoàng văn Thụ, anh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường...nên thấy mẹ khóc chị bèn mon men lại gần và hỏi: Mẹ ơi, khi ra pháp trường cậu mình có hô: ...muôn năm khô....ô...chị vừa chưa dứt lời thì bị mẹ chị vả cho một cái vào mồm và mắng: muôn này, năm này...Từ đó chị cứ nghe ai nhắc đến từ này là chị khiếp. Từ nay có gì vui em Tâm Huyết nhớ nói trại đi là Hoan hô chị Nico muốn nằm nghe!Surprised

  Gửi bởi: Người Tâm Huyết - 12/04/2010

Tâm huyết tui muốn chết mà sư cụ kêu dậy để cười trời đất ơi là trời đất. Thế bảo không muôn năm thì thôi goi sư cụ vạn tuế vạn vạn tuế vậy. Hơ hơSealed
  Gửi bởi: Ut ngo - 13/04/2010

Nge  bác Đức và bác An nói chuyện thời sự Ut Ngo thấy hồi hộp quá , chỉ sợ hai bác làm sao . Cũng may mà Nico xuất hiện . Út thấy nhẹ cả người .

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan