Saturday, October 17, 2015

U70 được lên Văn nghệ Trẻ

Tác giả: Xuân Đức

Xuanduc.vn Trần Hoài là phóng viên báo QK4. Thấy hỏi chuyện văn chương mình cứ tưởng chỉ in ở mấy báo Quân đội. Ai dè nay lại thấy trên VN trẻ. Tết này thực là vui khi tuổi U70 mà vẫn còn được lên diễn đàn  trẻ. Thế mới hay :không dưng xuân đến chi nhà tớ/ chẳng lẽ trời mà đóng cửa ai. Thế nên râm ran xuân trong người và post lại bài trò chuyện trên để bè bạn cùng chia sẻ ( nói post lại là vì cái bài trả lời có trong máy đã bị cắt mấy chỗ. Nay phải post đúng những gì có trên VN Trẻ để biểu thị sự tôn trọng biên tập)

Nhà văn Xuân Đức là nhà văn Quân đội, có nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT nhân dân. Ông đã đạt rất nhiều giải thưởng về thể loại văn học và kịch bản sân khấu. Đặc biệt là giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho ba tiểu thuyết: Cửa gió, Người không mang họ, Tượng đồng đen một chân. Một ngày giáp tết Kỉ Sửu, ông đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện chân tình, cởi mở...PV/Là nhà văn đã sinh ra và trưởng thành từ mảnh đất Quảng Trị, Khu Bốn - Một vùng đất chứa đựng chiều dày văn hóa và lịch sử với tất cả vẻ đẹp bi tráng của nó -ông nghĩ sao về điều mà người ta thường nói là "trách nhiệm của người cầm bút" trong hành trình sáng tạo - phản ánh hiện thực cuộc sống, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai về vùng đất này?
Trả lời : Không riêng gì nhà văn, mà tất cả những người còn sống hôm nay, những người có lương tri, có đầy đủ tình yêu Tổ Quốc và trách nhiệm công dân đều tự thấy món nợ mà mình phải trả trước máu xương của bao nhiêu thế hệ đã đổ xuống để bảo vệ ven nguyên giang san đất nước này. Mỗi người trả nợ theo một cách khác nhau. Người lãnh đạo thì phải dồn tâm sức cho sự nghiệp phát triển đất nước. Nhà doanh nghiệp thì phải tìm mọi cách để chấn hưng nền kinh tế . Những người nông dân bình thường thì phải chịu khó vượt lên trên nghèo đói, tự vun đắp hạnh phúc của bản thân và cộng đồng. Và tất cả, không ngoại trừ ai phải tự vượt lên trên mọi cám dỗ của dục vọng, sống liêm khiết, đừng đục khoét tiền bạc của nhân dân, đừng lăng quăng lừa gạt, đánh quả, đừng đạp lên đầu nhau để tranh quyền đoạt lợi..Tôi thấy, mỗi người, từ ông lãnh đạo đến người dân bình thường, mỗi năm ít nhất một lần nên đến các nghĩa trang lớn như Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường Chín hay thành Cổ Quảng Trị, ngã ba Đồng Lộc.Truông Bồnv..v.. Hãy tĩnh tâm ngồi trước những hàng mộ liệt sĩ và tự sám hối lòng mình thử xem mình đã xứng đáng với những người dưới mộ chưa?
Là nhà văn, trước hết cũng phải làm như vậy. Tuy nhiên vì thiên chức của mình, người cầm bút còn phải gánh thêm món nợ nữa là chuyển tải cho các thế hệ sau món nợ chung của dân tộc. Phải làm sao cho tất cả mọi người hiểu được cuộc sống của đồng chí đồng bào trong quá khứ, hiểu được cái ý nghĩa của cuộc sống hôm nay, và xa hơn, phải để cho nhân loại hiểu được dân tộc Việt Nam đã tồn tại như thế nào.....PV/ Là nhà văn từng ở trong quân đội, đã trải qua chiến tranh khốc liệt, ông có nghĩ chính sự trải nghiệm cuộc sống trong môi trường kỷ luật nghiêm khắc của quân đội và những hi sinh, đau thương, đổ nát của chiến tranh đã cung cấp vốn sống nhiều hơn cho nhà văn? Tr L:-  Quân đội không phải chỉ rèn luyện cho tôi tính kỉ luật cao. Cái mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là môi trường Quân đội đã vun đắp cho tôi một tâm hồn  tình cảm đồng chí, đồng bào vô cùng sâu sắc mà không phải ở nơi đâu cũng có được. Trong cuộc sống ngày nay, trong cơ chế thị trường người ta nói nhiều đến sự vô cảm. Vô cảm trước những số phận bất hạnh, vô cảm trước tệ nạn chết người, trước thói xấu thấp hèn về nhân cách cách và đạo lí.Ngay cả đến mối quan hệ lâu đời nhất là bố mẹ, vợ chồng con cái mà cũng đầy rẫy những câu chuyện đau lòng về sự bất nhân tâm. Tôi không sao quên được những cảm xúc của mình trong chiến tranh, trước những hy sinh của đồng đội, đồng bào, những người vốn không có quan hệ máu mủ ruột rà. Tình cảm đó là thứ rất thiêng liêng không thể so sánh với bất cứ trạng thái cảm xúc nào. Bây giờ mỗi lần viết đến những trang văn về đồng đội, tôi vẫn không sao cầm được nước mắt. Chúng ta cứ kêu gào văn học cần nhất là tính nhân văn. Nhưng nhân văn là cái gì mà trong lòng người viết lại lạnh tanh trạng thái vô cảm? Nếu những tác phẩm của tôi có chỗ nào đó được đọc giả khen là có chất nhân văn thì đó là công lao của Quân đội.
PV/ Trong quá trình sáng tạo, viết nên những tác phẩm hay, có đông bạn đọc/người xem của ông (Tổ quốc, Cửa gió, Tượng đồng đen một chân, Người không mang họ, Chứng chỉ thời gian v.v...), ông đã gặp và đã vượt qua những khó khăn nào? Và điều gì chung nhất đã làm nên thành công của những tác phẩm đó?
Người thiếu vốn sống thì lúc viết cảm thấy trống rỗng, lúc nào cũng phải tự gồng lên và rất dễ bị giả. Nhưng những tác giả mà cuộc đời đầm mình trong thực tế thì lại rất dễ rơi vào trạng thái nhiễu loạn, ôm đồm. Bỏ cái gì cũng tiếc. Có những chi tiết rất thường mà mình cứ tưởng là sâu sắc độc đáo..Tác phẩm vì vậy mà dễ bị dàn trải, không tập trung được chủ đề. Kinh nghiệm của tôi nó gần gióng như triết lí bóng đá : Trái tim phải nóng nhưng cái đầu phải biết "lạnh".
PV/ Ông nghĩ thế nào về tự do tư tưởng của nhà văn? Ông có nghĩ những tác phẩm đã viết ra của ông có thể sẽ hay hơn nữa rất nhiều, nếu cho ông một "cơ chế sáng tác đặc biệt", mà với cơ chế đó, ông được quyền viết ra tất cả suy nghĩ, tình cảm của mình?
•-                     Đây là câu chuyện dài và cũng phải nói dài dài một chút thì mới diễn đạt hết được. Tự do tư tưởng là yếu tố có tính quyết định cho tài năng sáng tạo của nhà văn. Không thể viết văn mà tư tưởng lại bị cầm tù. Tuy nhiên, trong mọi trạng thái của đời sống không bao giờ có thứ tự do " tuyệt đối". Tôi đóng ngoặc kép 2 chữ tuyệt đối để lưu ý điều này, khi một xã hội được thiết lập theo một trật tự nào đó thì tự do cá nhân phải nằm trong khuôn khổ của trật tự đó. Ví như, chúng ta có quyền tự do đi lại. Nhưng ra đường phải chấp hành luật giao thông, phải đi bên phải, không được lạng lách.
Tôi đã viết đến hàng ngàn trang sách và tôi tự thấy nếu có những trang văn của tôi chưa hay chủ yếu là do tài năng của mình.
Tuy nhiên, cũng cần nói rõ một ý này.Những người có trách nhiệm quản lí văn học cũng cần tự giải phóng mình, cần thấu hiểu được chân lí của sự sáng tạo. Vấn đề tồn tại hiện nay không phải là người viết thiếu tự do mà là người lãnh đạo, quản lí chưa theo kịp yêu cầu giải phóng tư tưởng, tự do tư tưởng. Tôi nghĩ đây là một thực tế của quá trình chuyển đổi. Ngay trong kinh tế , trong quản lí xã hội cũng vậy. Chúng ta cần kiên nhẫn.

PV/ Là người từng làm công tác quản lý một lĩnh vực rất đặc thù là văn hóa, VHNT, mà hiện hay đang lộ ra nhiều bất cập, theo ông cần phải làm như thế nào để việc quản lý lĩnh vực "nhạy cảm" này được tốt hơn?
Theo tôi hiện nay ở bất cứ lĩnh vức nào cũng bất cập chẳng riêng gì Văn hóa- Văn học Nghệ thuật. Khi xã hội chuyển động thì sự sáng tạo trong thực tiễn luôn đi trước lí luận và công tác quản lí. Ví dụ việc bùng nổ mạng internet chẳng hạn, hiện tại chúng ta rất lúng túng trong quản lí nó. Hay việc đổ bộ ồ ạt các sản phẩm Văn hóa- Văn học Nghệ thuật của nước ngoài vào, hay cũng nhiều, dở không ít, có thứ là rác thải độc hại nữa, nhưng công tác quản lí thì bất cập.
Quản lí xã hội là một khoa học. Vì vậy muốn quản lí tôt yếu tố đầu tiên là có một nền lí luận đúng đắn và minh bạch. Chúng ta đầu tư vào lĩnh vức lí luận còn rất ít theo kiểu được chăng hay chớ. Mà đầu tư cho lí luận, theo tôi trước hết là đầu tư con người làm lí luận, đội ngũ lí luận. Thẳng thắn mà nói, đội ngũ này hiện tại rất ba vạ....
PV/Ông đánh giá thế nào về những người viết văn trẻ trên địa bàn 6 tỉnh Bắc miền Trung (từ Thanh Hóa đến TT Huế). Họ đã có vai trò như thế nào trong diện mạo đời sống văn học của khu vực?
Tôi chưa được tiếp xúc nhiều . Điều tôi thấy mừng là các tác giả trẻ trên mảnh đất QK4 rất tâm đắc với đề tài chiến tranh Cách mạng. Tôi nói vậy là vì không phải ở đâu lớp trẻ cũng coi trọng đề tài này. Gần dây tôi đọc nhưng bút kí của Hữu Đạt, Trần Hoài hay truyện ngắn của Văn Xương vẫn thấy hừng hực những cảm xúc của những tháng năm máu lửa và chan chứa tình cảm yếu đất nước, quên hương. Đó là cái gốc của văn đấy. Cái cần hiện nay là phải có cách tập hợp anh em, đầu tư nghề nghiệp và tạo nhiều điều kiện để anh em sáng tác. Tôi rất tin vào thế hệ cầm bút này....          PV/ Blog, website cá nhân đang trở thành trào lưu trong cộng đồng. Một xu hướng khá rõ là sự giao lưu "ảo", sự chia sẻ thông tin trên các mạng xã hội đã chứng tỏ sức mạnh tác động vào nhận thức, tình cảm, với khả năng phổ biến nhanh chóng, tiện lợi và tính chất "san phẳng" mọi biên giới của nó. Địa chỉ http://xuanduc.vn của ông tuy mới lập nhưng có khá nhiều lượt truy cập.... Xin ông nói đôi điều về vấn đề này...
- Tham gia vào mạng internet tôi thấy rõ mấy cái lợi. Một là tôi có điều kiện giao lưu rộng rãi, có thên nhiều bạn và nhiều bạn đọc. Cuộc sống hiện đại đẻ ra nỗi cô đơn khủng khiếp. Bạn trên mạng là một giải pháp làm cho cánh cửa tâm hồn, tình cảm của mình phong phú hơn. Lợi thứ hai là đọc. Thông tin và bài vở trên mạng rất phong phú và đa dạng và cực kì nhanh nhạy. Có thể nói ngày nào tôi cũng đầy ắp những điều mới lạ. Nói ngay trong lĩnh vực sáng tác, nhờ có mạng mà tôi biết được lớp trẻ hiện đang sáng tác thế nào. Cái hay, cái mới thì tiếp thu. Cái dở, cái rác rưởi, bệnh hoạn thì cũng biết để tránh. Còn điều này mới thật sự quý. Từ khi tôi có trang web, nó kích thích tôi viết. Gần như ngày nào cũng phải viết một cái gì đó. Điều này nó chống được sự ì, cái căn bệnh vô cùng nguy hiểm của tuổi già. Tất nhiên mạng internet cũng có cái phiền lụy. Nhiều lúc rất bực mình vì những rác rưởi của nó. Tuy nhiên, lũ lụt, thiên tai dịch bệnh mà ta cũng xác định phải sống chung nữa là. Cái gì cũng có cái giá phải trả. Vấn đề là bản lĩnh của người đang sử dụng nó.

 Đăng ngày 14/01/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Văn Công Hùng - 14/01/2009

Hehe chúc mừng bác, Già mà vẫn "lên được" Trẻ, tức là già... không đều.

  Gửi bởi: Lão Trang - 15/01/2009

He he..ngoài ra còn có loại..công công không toàn phần nữa chớ. Này, nghe nói định ra quê ăn tế, nhớ ghé TST nhé.

  Gửi bởi: Moon - 17/01/2009

Chúc mừng nhà văn Xuân Đức với..:U70 được lên Văn nghệ Trẻ:...
Qua bài viết trên,Moon nghĩ :anh Trần Hoài đã giúp mọi người yêu nhà căn Xuân Đức thêm và có cái nhìn trọn vẹn hơn về nghiệp và đời của chú ấy.Moon là một trong số fun đó.Từ cái hâm mộ ,khâm phục mà Moon đã rón rén đi theo con đường của chú và dõi theo trang web  từng ngày mà không hề chán.Chính chú đã gieo cho Moon niềm tin vào văn chương cũng như cuộc sống và giúp Moon nhận thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi ta biết sống tích cực và biết sẻ chia.Từ những lời trao đỗi chân tình giữa nhà văn và anh phóng viên Moon càng quý chú ấy hơn và cũng cảm thấy mình dường như lớn hơn một chút trong nhận thức  về văn chương cũng như cuộc sống.


  Gửi bởi: Trần Hoài - 17/01/2009

Vui quá cậu hè!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan