Saturday, October 17, 2015

Văn chương và cửa ải thị trường

Tác giả: Vũ Anh

xuanduc.vn : Trong lúc chưa viết được chữ nào kể chuyện kết nạp Hội viên năm nay thì bắt gặp entry này trên phongdiep.net thấy có liên quan đến chuyện trở thành hội viên HNV. Đương nhiên không phải tất cả các ý trong bài này tôi đều đồng ý, cứ post lên đây cho mọi người tham khảo và có ý kiến.

1.                  Sáng tạo và đám đông
Có một hấp lực khó cưỡng nổi với nhiều người cầm bút, đó là có cho mình một "đám đông công chúng" . Tác phẩm xuất bản- nhiều người tìm đọc tác phẩm. Nghĩa là tính đại chúng của tác phẩm.Thế nhưng điều này cũng sẽ dẫn đến một vấn đề: trong sáng tạo nghệ thuật - đại chúng chính là yếu tố khiến cho tác phẩm của bạn trở nên ít giá trị. Vì sao vậy? Tâm lý đám đông thường bị dẫn dắt bởi thị thị hiếu nhất thời, bởi truyền thông.  Trong khi đó những tác phẩm văn học đích thực phải là những tác phẩm biết kiếm tìm và thiết lập những giá trị mới. Vì thế nó không phải là thứ vừa mới ra mắt đã lập tức có ngay một đám đông vỗ tay chào đón. Nó phải sẵn sàng đương đầu ra cho các cuộc tranh cãi. Và nó cần thời gian để khẳng định giá trị.
Thực ra trong một đám đông độc giả luôn có sự phân hoá. Rất khó - nếu không muốn nói là không thể có  một tác phẩm gối đầu giường cho tất cả các đối tượng nam phụ lão ấu, các trình độ từ dân lao động đến tầng lớp trí thức .  Bởi vậy khái niệm đám đông công chúng cũng chỉ là một khái niệm tương đối trong một phạm vi hẹp mà thôi. Và người sáng tác sẽ luôn phải đối mặt một bên là nhu cầu sáng tạo của bản thân mình và một bên là sự đón nhận/ hưởng ứng từ phía công chúng. Mặc dù ngay cả trường hợp người viết tuyên bố hùng hồn rằng: "mình viết cho mình" - thì khi một sản phẩn văn học được xuất bản nó đã không chỉ thuộc về cá nhân người sáng tạo nữa, mà đã trở thành một sản phẩm có tính xã hội và chịu sự xem xét/ đánh giá của độc giả cũng như các nhà nghiên cứu, phê bình. 
2.                  Nhà văn và nhà văn hạng hai?Khi trả lời câu hỏi thẳng thắn của phóng viên: "Đã có nhiều tác phẩm được in, sao anh chưa trở thành hội viên hội nhà văn?" - tác giả Trần Nhã Thuỵ đã không ngần ngại tuyên bố rằng:Vì tôi thấy mình chưa xứng đáng là một nhà văn. Đến khi nào tôi cảm thấy mình xứng đáng, tôi sẽ xin vào hội. Tôi không dám cho mình là một nhà văn. Mà nếu có cũng chỉ lànhà văn hạng hai.Nhà văn hạng hai? Chắc chẳng mấy ai tự nhận mình là nhà văn "hạng hai". Nó đồng nghĩa với một vị trí  thứ cấp, ít giá trị. Thế nhưng ở đây Trần Nhã Thuỵ - tác giả của cuốn tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước  - tác phẩm vào chung khảo giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2008) và vừa nhận tặng thưởng của Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2008 - đã không ngần ngại xếp mình vào thứ hạng ấy.  Nó thể hiện dũng khí của người cầm bút, đồng thời cũng thể hiện sự nghiêm khắc và quyết liệt của tác giả này với văn chương nói chung và lao động sáng tạo của bản thân nói riêng.
Tuy nhiên không nhiều người muốn hoặc sẵn sàng xếp mình vào thứ hạng "second class" ấy.
Tác giả Di Li - một trong những cây bút khá hot hiện nay với những truyện kinh thám kinh dị đã phản ứng trước thái độ của nhiều người khi cho rằng thể loại mà chị đang theo đuổi là một thứ phi văn chương, hoặc nếu có thì cũng chỉ là một thứ văn học hạng hai. Tác giả này phát biểu: "Có một sức ép vô hình, người ta vẫn quan niệm truyện kinh dị là văn học hạng hai. Nhưng thực tế, văn học không có thứ hạng. Tôi quan niệm chỉ có tác phẩm hay hoặc dở mà thôi."
Tác giả này lý giải thêm: "trên văn đàn quốc tế, rất nhiều các tên tuổi như Stephen King, Agatha Christie, Scott Thomas, Mo Hayder, Jonathan Kellerman, Alfred Hitchcock, Suzuki Koji...trở thành những cây đại thụ văn học không thể thay thể và đã có rất nhiều giải thưởng lớn vinh danh họ."
Không ai muốn tác phẩm của mình bị xếp ở "chiếu dưới", ở vị trí "hạng hai". Thế nhưng xét một cách sòng phẳng - nếu nhìn nhận văn học như một rừng cây, ắt sẽ có cây cao cây thấp, cây đại thụ và cỏ dại. Người ta không thể tự phong/ xếp hạng mình ở hàng đại thụ nếu bản chất chỉ là một loại cây thân mềm và ẻo lả. Biết được vị trí/ thứ hạng của mình sẽ khiến người ta bớt những ảo tưởng và ngộ nhận. Điều ấy lẽ nào lại không cần thiết?
3.                  Truyền thông - con dao hai lưỡi?
Có vẻ như là điều không tưởng và sẽ hết sức  buồn cười nếu một ai đó muốn tìm kiếm những  tác phẩm văn học có giá trị cho mình bằng cách theo dõi trên truyền thông những cuốn sách được nói nhiều đến nhất trong tháng, trong năm. Thực tế, có những cuốn sách được giới chuyên môn đánh giá cao, được giải này giải khác, khi được công bố thì không ít độc giả  mới giật mình: à, hoá ra có cuốn đó ở trên đời.
Những cuốn sách tái bản chỉ sau vài tuần phát hành, không phải bởi đó là một cuốn văn chương tuyệt đích gì. Nó, đơn giản là đáp ứng được nhu cầu thị trường. Và nhu cầu này thì thay đổi giống như thời trang. Song  điều nguy hiểm đó là dường như chính thị hiếu của đám đông công chúng đã và đang điều chỉnh sự sáng tạo của một bộ phận không nhỏ những người cầm bút, và những người chưa đủ bản lĩnh để tách mình ra khỏi  "vòng xoáy" của thị hiếu, của nhu cầu nổi danh. Và chuyện không chỉ xảy ra ở những người trẻ. Từng có nhà văn U60 hùng hồn tuyên bố: "Sex ư, nó trẻ ranh thì biết gì mà viết về sex. Để tao viết cho chúng nó mở mắt ra". Và nhà văn U60 viết thật. Sách in ra. Người đọc kinh hãi vì những màn sex kiểu tự nhiên chủ nghĩa của ông. Nhưng nếu sex chỉ là sex thì người ta cần gì phải tìm đến một tác phẩm văn học để tìm hiểu? Ấy vậy mà nó đã và đang biến thành một dạng "bão quét" xuất hiện trong hàng loạt các tác phẩm ra mắt thời gian gần đây. Tác giả mặc sức tuyên bố kiểu như: "không định gây sốc bằng sex", thế nhưng từ bìa sách, đến nhan đề cuốn sách, đến những mô tả trong sách - thì chủ tâm của người viết lại tố cáo lại chính họ. Truyền thông thì ráo riết khai thác những tình tiết/ yếu tố gây sốc để thu hút độc giả.
Một cuốn sách đứng trong top các sách bán chạy trong thời gian qua đó là Dị bản. Thế nhưng 13 cái gọi là truyện ngắn trong cuốn sách này thực chất là 13 entry trên blog. Chúng được viết khá rời rạc và thuộc dạng tác phẩm "đọc một lần" . Ấy vậy mà nó được hầu hết các báo trong Nam ngoài Bắc nhắc đến với vô số bài phỏng vấn. Tác giả cuốn sách - với bút danh Keng - tự hào  khoe trên blog của mình: "Tình hình bạn Keng rất chi là may mắn, sau sự kiện bán quyền sử dụng tác phẩm cho [Ông bụt 1] - NXB Văn Nghệ rất dễ dàng, Dị Bản vừa ra mắt đã gặp ngay [Ông bụt 2] - VinaBook độc quyền phát hành và sau 1 tuần đã leo lên vị trí 1 trong bản xếp hạng best-seller òi!" Và đây là thông tin được tác giả bật mí: "Ông bụt VinaBook còn gửi sách của Keng cho hầu hết báo chí và lần lượt Dị Bản được giới thiệu trên cả báo điện tử lẫn báo in!". Với chiêu thức này - người đọc liệu có tránh khỏi có cảm giác rằng giới truyền thông đang làm công việc tung hoả mù và dựng tượng đài ảo cho những giá trị văn chương ảo?
4.                  Lạm phát "nhà văn"?
Từng có người đã than rằng: văn chương thời buổi này thật là vàng thau lẫn lộn. Sách in ra nhiều, bìa nào cũng ấn tượng, bắt mắt. Quảng cáo sách nào cũng hấp dẫn.
Một nhà  báo không mấy khó khăn, đã  đúc kết được công thức để một "nhân vật vô danh" trở thành nổi tiếng và gia nhập giới "nhà văn" như sau : "Chỉ cần vốn liếng là chiếc máy tính nối mạng và khả năng siêng blogging, chịu khó kể những câu chuyện lảm nhảm về tình yêu, công việc, nhớ pha thêm một số cảnh sex nóng bỏng, lãnh cảm hay bất lực; thủ dâm hay cuồng loạn vũ trường quán xá; gay, lesbian hay ngoại tình; phơi bày bản thân; phản ánh những mốt chơi thời thượng như vespa, chụp ảnh hay ngồi nhìn mưa và nói chuyện đi du học... Tất cả cứ trắng phớ ở tầng nghĩa thứ nhất để đỡ mất công suy nghĩ hay thao thức. Chẳng cần bút pháp thủ pháp gì mất công, chỉ cần đừng quên chua vào một số câu cảm thán triết lý về sự đời bế tắc, cô đơn, tuyên bố tự do tình dục, tỏ vẻ sâu sắc và to tiếng phản kháng... Chắc chắn những entry ấy sẽ đắt comment và bạn sẽ trở thành một hot blogger."
Và khi là một hot blogger thì cơ hội ra sách, cơ hội bước lên thảm đỏ của văn chương đã được mở ra cho họ. Điều tưởng chừng phi lí ấy đang tồn tại như điều hiển nhiên!
Thực tế cho thấy, vừa xuất hiện bằng một vài tác phẩm, hoặc ra mắt một cuốn sách một người viết bất kì nào đó lập tức được/bị choàng vào cổ hai chữ nhà văn. Hình như chưa bao giờ "nhà văn Việt nam" nở rộ nhiều như bây giờ. Sự tuỳ tiện đã/đang làm giảm giá trị, thậm chí xúc phạm chính danh xưng này. Bởi khi người ta viết ba thứ nhảm nhí trên blog, rồi được in ấn , rồi được xưng tụng - thì những nhà văn chân chính không khỏi thấy mình bị tổn thương khi lý tưởng/ sự nghiệp theo đuổi cả đời của mình đang bị giáng xuống mức hạ cấp. Bởi khi có những người sản xuất ngày hai cái "truyện ngắn" - nhưng không hề thiết lập được một quan điểm nghệ thuật của bản thân thì danh xưng nhà văn kia không chỉ là một thứ háo danh mà còn biến thành thứ bị giễu cợt mất rồi.
Nguồn : phongdiep.net

 Đăng ngày 07/11/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Vĩnh Tuy - 10/11/2008

Hội viên Hội nhà văn, trước đây đó là sự sang trọng, niềm tự hào...nhưng bây giờ, thời cơ chế thị trường, đúng là cái hội ai thích thì vào, cũng như thích thì vào hội làm vườn, hội chim cảnh, hội người mù, hội châm cứu...chẳng ai thèm để ý..rỗi việc.
    Nhiều người được vào hội, nhưng xem ra không hiểu gì về văn chương, tập tọng viết mấy truyện ngắn kiểu ...văn nghệ quân đội, bỏ tiền ra in, bỏ công ra đi...tặng (bởi bán có ch. nó mua). Nhưng chính điều này, BCH hội đang giết văn chương VN đấy.
     Nhớ lại thời xưa...mà buồn. Ôi! bao giờ cho đến ngày xưa...

  Gửi bởi: Hoàng Thuận - 10/11/2008

Kính gửi anh Xuân Đức!
Đọc trên mạng thấy  bài phát biểu của OBAMA và MC CAIN:  gửi đến anh xem, nếu được anh cho đang để ban bè TST cùng đọc, suy ngẫm..


Diễn văn chiến thắng của ông Barack Obama

Nếu có ai đó vẫn đôi chút hoài nghi, không tin nước Mỹ là xứ sở của những điều không thể, không tin giấc mơ của lớp cha anh lập quốc vẫn tồn tại trong nước Mỹ thời nay, hay vẫn nghi ngờ về sức mạnh của nền dân chủ Mỹ, thì câu trả lời dành cho quý vị chính là đêm nay.
Câu trả lời là những hàng người kéo dài quanh các trường học, quanh các nhà thờ mà đất nước này chưa từng thấy. Người dân đợi tới ba, bốn giờ đồng hồ, trong đó nhiều người lần đầu trong đời, vì tiếng nói của họ sẽ tạo ra thay đổi.
Câu trả lời là những lớp người trẻ, người già, người giàu, người khó; người theo đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa; người da đen, da trắng, người nói tiếng Tây Ban Nha, người châu Á, người gốc da đỏ, người đồng tính, người dị tính, người tàn tật, người lành lặn - là những công dân Mỹ đã gửi thông điệp ra cho cả thế giới rằng chúng ta không chỉ là một tập hợp các cá thể, hay tập hợp các tiểu bang Cộng hòa hoặc Dân chủ: Chúng ta đã và sẽ mãi mãi là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Người ta đã nghe quá lâu nay rằng cần phải căm ghét người khác, phải sợ hãi và ngờ vực vào điều chúng ta có thể giành được nhưng nay họ dám tìm lời giải đáp bằng cách đặt tay lên bánh xe lịch sử và lái nó về hướng hy vọng, cho một ngày mai tốt đẹp hơn.
Đã mất thật nhiều thời gian để có được thời điểm này. Nhưng đêm nay, vì tất cả những gì chúng ta đã làm trong cuộc bầu cử, và đúng là thời khắc này, Thay Đổi đã đến với nước Mỹ.
Đồng hành
Lúc chiều tối nay, tôi nhận được lời chúc mừng đặc biệt cảm động qua điện thoại từ Thượng nghị sĩ McCain. Ông McCain đã có một cuộc vận động tranh cử lâu dài và mạnh mẽ. Ông cũng đã chiến đấu hết sức và bền bỉ hơn cho Tổ quốc yêu quý của chúng ta. Ông cũng đã từng đau đớn vì nước Mỹ ở mức độ mà đa số chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Những thành quả mà chúng ta được hưởng ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh, cống hiến, của nhà lãnh đạo quả cảm và quên mình vì đất nước. Tôi đã chúc mừng ông McCain, tôi cũng chúc mừng Thống đốc Palin về tất cả những gì họ đạt được. Tôi sẽ hợp tác với họ để làm mới lại cam kết về đất nước trong những tháng tới.
Tôi cũng muốn cảm ơn người bạn đồng hành của tôi, người đã vận động cùng tôi với cả trái tim và lên tiếng vì những người mà ông cùng trưởng thành trên đường phố Scranton và cùng đi trên tuyến xe lửa hàng ngày về nhà ở Delaware: phó tổng thống đắc cử của nước Mỹ, Joe Biden.
I'll be away from computers for much of the weekend, but look
Tôi cũng không thể đứng ở đây tối nay nếu không có sự ủng hộ không mệt mỏi của người tạo mái ấm cho gia đình tôi từ 16 năm qua, tình yêu của đời tôi và Tân Đệ nhất Phu nhân của nước Mỹ, Michelle Obama. Hai con Sasha và Malia, bố yêu hai con hơn cả mức các con có thể nghĩ tới, và hai con xứng đáng được một con cún nhỏ vào ở cùng chúng ta trong Tòa Bạch Ốc.  
Và dù bà không còn nữa, tôi biết bà ngoại đang chứng kiến giờ phút này, cùng cả gia đình đã sinh ra tôi và giúp tôi nên người. Tôi không bao giờ quên bà và cha mẹ vì biết rằng món nợ này không bao giờ có thể trả nổi. Với chị Maya, với chị Auma, và tất cả các anh chị em khác của tôi - xin vô cùng cảm ơn mọi người đã hỗ trợ và ủng hộ.
 Chiến thắng của người dân
Nhưng trước hết, tôi sẽ không bao giờ quên chiến thắng này là của ai - đó là chiến thắng của các bạn.
Thực ra từ đầu tôi không phải là ứng viên khả dĩ nhất cho chức vụ này. Cuộc vận động tranh cử khởi sự với rất ít tiền bạc và sự ủng hộ từ các nhân vật danh tiếng.  Cuộc vận động này không được tính toán từ các văn phòng tại Washington mà từ sân nhà ở Des Moines, phòng khách ở Concord và cổng vào nhà ở Charleston.

Chiến dịch này có được là nhờ những người dân phải lục lọi trong túi, lấy những đồng 5 đôla, 10 đôla và 20 đôla quyên góp cho cuộc vận động. Nó cũng lớn lên, mạnh mẽ lên từ những thanh niên dám bác bỏ tín điều của một thế hệ thờ ơ; những người phải để gia đình đằng sau để đi kiếm việc nơi xa, những công việc đem lại đồng tiền nhỏ bé và kéo ngắn lại các giấc ngủ. Nó lớn lên từ chính những người không còn trẻ nhưng đi trong giá buốt và nắng gió đến gõ cửa những người xa lạ nhưng thân thiện. Từ hàng triệu người Mỹ tự nguyện tổ chức lại và chứng minh rằng sau hai thế kỷ, chính quyền của dân, do dần và vì nhân dân vẫn còn đó, không bị xóa khỏi mặt đất.
Đây là thắng lợi của các bạn.

Nhiệm vụ trước mắt
Tôi biết các bạn tham gia chỉ để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này và không làm điều này chỉ vì tôi.Các bạn vào cuộc vì hiểu rằng nhiệm vụ trước mắt vô cùng lớn. Ngay cả khi đang ăn mừng tối nay, chúng ta biết các thách thức mà ngày mai sẽ đem lại là lớn nhất trong cuộc đời chúng ta - hai cuộc chiến, một hành tinh đang bị hủy hoại, khủng hoảng tài chính tàn khốc nhất trong cả một thế kỷ. Ngay cả khi chúng ta đứng ở đây, chúng ta biết có những người Mỹ dũng cảm đang chong đêm trên sa mạc Iraq, trên các rặng núi của Afghanistan, dấn thân vào chốn rủi ro vì chúng ta. Có những người mẹ, người cha đêm không ngủ, sau khi con cái đã yên giấc vì băn khoăn về tiền vay mua nhà, vì tiền chữa bệnh, hay khoản tiết kiệm để con vào đại học. Có một luồng sinh khí mới cần nắm bắt, những chỗ làm mới cần tạo ra, những trường học mới cần xây, những đe dọa phải giải quyết và những đồng minh cần vun đắp.
Thay đổi dân tộc
Con đường trước mắt sẽ rất dài. Ngọn núi ta trèo rất dốc. Chúng ta có thể không đến được điểm cần đến trong một năm, thậm chí trong một nhiệm kỳ nhưng nước Mỹ yêu quý của tôi ơi, tôi chưa bao giờ nhiều hy vọng hơn hôm nay rằng chúng ta sẽ tới đích.
Tôi xin hứa với Tổ quốc: cả dân tộc sẽ đến đích.
Sẽ có sự thoái lui, sẽ có những bước lầm lỡ. Sẽ có cả nhiều người sẽ không đồng ý với mọi quyết định hoạch chính sách tôi đưa ra ở cương vị tổng thống. Chúng ta cũng biết chính phủ không giải quyết được mọi chuyện. Nhưng tôi sẽ luôn thành thật với tất cả các bạn về các thách thức đối với của chúng ta. Tôi sẽ lắng nghe các bạn, đặc biệt là khi chúng ta bất đồng. Trên hết và trước hết, tôi sẽ đề nghị các bạn tham gia công việc gây dựng lại nước Mỹ bằng cách duy nhất và đầu tiên từ 221 năm qua trong lịch sử Hoa Kỳ. Đó là cách tái thiết từng ngôi nhà, từng viên gạch bằng từng bàn tay nối nhau.
Một đất nước, một dân tộc
Những gì bắt đầu 21 tháng trước giữa một mùa đông lạnh giá không thể thay đổi trong chỉ một tối mùa thu hôm nay.
Chỉ riêng chiến thắng này chưa phải là Thay Đổi chúng ta thấy. Đây mới là cơ hội cho chúng ta thay đổi. Nhưng không điều gì xảy ra nếu chúng ta trở lại con đường cũ và Thay Đổi không thể có nếu thiếu các bạn, thiếu tinh thần phụng sự và dấn thân.
Hãy huy động tinh thần ái quốc, tinh thần phục vụ và trách nhiệm để mỗi người trong chúng ta vào cuộc, làm việc hết sức và chăm lo không chỉ bản thân mà cả những người xung quanh.
Hãy nhớ rằng nếu cuộc khủng hoảng tài chính này dạy cho chúng ta bài học gì thì đó là chúng ta không thể có một thị trường tài chính (Wall Street) năng động khi người dân bình thường (Main Street) chịu thiệt thòi. Đất nước và nhân dân Hoa Kỳ hoặc sẽ vươn lên, hoặc sụp đổ đều với tư cách một quốc gia, tất cả cùng nhau.
Chúng ta hãy cưỡng lại thói bè phái và sự thiếu chín chắn vốn đã đầu độc nền chính trị nước ta quá lâu. Hãy nhớ rằng chính người từ tiểu bang này là người đầu tiên cầm cờ của đảng Cộng hòa vào Tòa Bạch Ốc. Đảng được xây dựng từ những giá trị tự do, tự chủ và đoàn kết quốc gia.
Đây chính là những giá trị tất cả chúng ta cũng chia sẻ và dù đảng Dân chủ thắng lớn đêm nay, chúng ta khiêm tốn và quyết tâm hàn gắn sự chia rẽ vốn đã kìm chân nước Mỹ.
Như Lincoln nói với một dân tộc chia rẽ còn hơn bây giờ: "Chúng ta không phải là kẻ thù mà là bè bạn, người ta dù có thể ngăn cản tình cảm nhưng không thể cắt đứt sợi dây yêu thương." Với những người Mỹ mà tôi còn cần phải giành sự ủng hộ, tôi có thể đã không có được lá phiếu nhưng tôi nghe thấy tiếng nói của các bạn và tôi cần các bạn giúp, và tôi sẽ là tổng thống của cả các bạn.
Vị trí của nước Mỹ trong toàn cầu
Với những người đang theo dõi sự kiện đêm nay, từ các nghị viện, lâu đài ở nước ngoài hay chỉ nghe qua radio từ những ngõ xóm bị lãng quên trên thế giới, câu chuyện ở đây tuy chỉ là về nước Mỹ nhưng chúng ta cùng chung một số phận, và bình minh đã ló rạng với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Với những kẻ muốn phá hủy thế giới - chúng ta sẽ đánh bại chúng. Những ai yêu chuộng hòa bình và an ninh thì chúng tôi sẽ đứng bên các bạn.
Với những người đang tự hỏi là ngọn hải đăng Hoa Kỳ liệu có còn cháy không thì đêm nay, một lần nữa chúng tôi chứng tỏ cho các vị thấy rằng quyền lực thực sự của nước Mỹ không phải đến từ vũ khí, tiền bạc mà từ sức mạnh dài lâu của lý tưởng dân chủ, tự do, cơ hội và niềm hy vọng.
Bí quyết của nước Mỹ là nước Mỹ luôn có thể thay đổi. Chúng ta có thể hoàn thiện thêm liên hệ của mình. Những gì chúng ta đạt được đem lại hy vọng về điều có thể đạt được cho ngày mai.
Lịch sử đấu tranh
Cuộc bầu cử này có nhiều câu chuyện mới mẻ sẽ còn được kể cho các thế hệ mai sau. Nhưng câu chuyện mà tôi ghi lại trong tim tối nay là về một người phụ nữ cử tri tại Atlanta. Bà cũng giống như hàng triệu người đã xếp hàng bỏ phiếu để tiếng nói của họ được lắng nghe. Nhưng có một điều khác: Ann Nixon Cooper năm nay đã 106 tuổi.
Bà Cooper ra đời vào thế hệ đầu tiên sau chế độ nô lệ, khi mà xe hơi chưa chạy trên đường, phi cơ chưa bay lên bầu trời. Đó là khi bà chưa được phép đi bầu vì hai lý do - bà vừa là phụ nữ, vừa là người da đen.
Đêm nay, tôi nghĩ về tất cả những gì bà trải nghiệm trong cuộc đời hơn một thế kỷ ở nước Mỹ, về nỗi đau nhói con tim và niềm hy vọng, về cuộc đấu tranh và sự tiến bộ, về những lần người ta nói rằng chúng ta không có quyền làm gì đó, và về những người kiên trì thúc đẩy Niềm tin vào nước Mỹ: Đúng, chúng ta luôn có thể thành công.
Vào thời phụ nữ còn bị buộc phải im lặng, và hy vọng của họ bị xóa tan, bà đã sống để mà thấy họ có thể đứng lên giành quyền bỏ phiếu. Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Khi niềm tuyệt vọng lan ra và nỗi trầm uất bao phủ đất nước, bà đã chứng kiến một dân tộc chiến thắng nỗi sợ hãi với Chính sách Kinh tế Xã hội Mới, việc làm mới và một niềm tin về mục tiêu chung. Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Khi bom rơi xuống Trân Châu Cảng và nền độc tài đe dọa nhân loại, bà đã có mặt để chứng kiến cả một thế hệ đứng dậy, trở thành vĩ đại, và nền dân chủ được bảo vệ. Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Bà đã có mặt ở đó, ở Montgomery, ở Birmingham, và ở Selma khi vị mục sư từ Atlanta nói với mọi người rằng: "Chúng ta sẽ thắng cuộc ". Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Con người đã đặt chân lên Mặt Trăng, Tường Berlin đã sụp đổ, một thế giới đã liên kết lại bằng khoa học và trí tưởng tượng, và năm nay bà đã chạm tay vào màn hình của máy bỏ phiếu. Vì sau 106 năm sống ở Mỹ bà đã qua tất cả thời điểm đen tối nhất, những giờ phút tươi sáng nhất của đất nước, bà hiểu rằng Hoa Kỳ có thể thay đổi. Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Đây là thời điểm của chúng ta
Hỡi Nước Mỹ, chúng ta đã đi một chặng đường xa. Nhiều điều đã xảy ra. Nhưng còn rất nhiều điều phải làm. Đêm nay, chúng ta tự hỏi rằng nếu con cháu chúng ta có sống đến thế kỷ tiếp sau, sống lâu như Ann Nixon Cooper, thì chúng sẽ chứng kiến những thay đổi gì? Những tiến bộ gì sẽ được nhân loại tạo ra?
Đây là cơ hội để chúng ta đáp lại thách thức đó. Đây là thời khắc của chúng ta.
Đây là lúc để mọi người trở về với công việc và mở cửa đón chào cơ hội cho con cháu chúng ta, để phục hồi sự thịnh vượng và cổ vũ cho hòa bình, để giành lại Giấc mơ Mỹ và xác tín sự thật cao nhất rằng chừng nào còn sống chúng ta còn hy vọng.
Dù bị chỉ trích, nhạo báng, nghi ngờ, dù bị người ta nói rằng chúng ta bất lực, chúng ta sẽ đáp lời bằng chính tín điều Mỹ: Đúng thế, chúng ta luôn có thể thành công.
Xin cảm ơn các bạn. Thượng Đế ban phước cho các bạn, và hãy để Thượng Đế ban phước cho nước Mỹ!

DIỄN VĂN CHẤP NHẬN THẤT BẠI CỦA MC CAIN:
Xin cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian tới đây trong một buổi tối đẹp trời ở Arizona.
Các bạn thân mến, chúng ta đã đi tới đoạn chót của một hành trình dài. Nhân dân Mỹ đã lên tiếng, và họ đã nói rõ ý nguyện của mình. Mới cách đây ít phút, tôi đã hân hạnh gọi điện cho Thượng nghị sỹ Barack Obama để chúc mừng ông được bầu chọn làm vị tổng thống tiếp theo của đất nước mà cả hai đều yêu quý.
Trong cuộc đua trường kỳ và khó khăn như thế này, chỉ riêng sự thành công của Thượng nghị sỹ Obama đã khiến tôi cảm thấy kính trọng năng lực và sự bền chí của ông. Việc ông truyền cảm hứng và niềm hy vọng cho hàng triệu người Mỹ, những người đã từng tưởng là mình không có mấy vai trò trong việc bầu chọn tổng thống Mỹ, càng khiến tôi ngưỡng mộ và trân trọng ông.
Đây là một kỳ bầu cử lịch sử. Người Mỹ gốc Phi đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đã giành được niềm hãnh diện đặc biệt từ kỳ bầu cử này, và đêm nay chính là đêm của họ.
Tôi luôn tin rằng nước Mỹ là nơi dành cho những ai có ý chí và biết cách nắm bắt cơ hội. Thượng nghị sỹ Obama cũng tin như thế.

Nhưng cả hai chúng tôi đều thấy rằng dẫu đã vượt qua được một chặng dài từ những bất công trong quá khứ, điều vốn làm hoen ố đất nước và từng khước từ quyền công dân của một số người Mỹ, thì ký ức về một quá khứ bất công vẫn còn khiến chúng ta đau đớn.

Một thế kỷ trước, việc Tổng Thống Theodore Roosevelt mời Booker T. Washington tới ăn tối tại Toà Bạch Ốc đã khiến nhiều người phẫn nộ. Nước Mỹ ngày nay là một thế giới khác xa với cái thời mù quáng, mông muội và phũ phàng đó.



Không có bằng chứng nào hùng hồn hơn việc một người Mỹ gốc Phi được bầu và trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Không có lý do nào khiến mỗi công dân Mỹ ngưng nuôi ước mơ tại quốc gia này, quốc gia vĩ đại nhất thế giới.
Điều vĩ đại
Thượng nghị sỹ Obama đã làm được một điều vĩ đại cho bản thân và cho Tổ quốc. Tôi xin ca ngợi ông về kỳ tích này.
Tôi cũng xin chân thành chia sẻ niềm tiếc nuối khi mà người bà thân yêu của ông Obama đã không được tận mắt chứng kiến niềm vui ngày hôm nay, dẫu biết rằng linh hồn bà đang được yên nghỉ thanh thản và bà hẳn rất hãnh diện về người cháu tài giỏi mà bà đã nuôi dậy.
Tôi và Thượng nghị sỹ Obama đã có những khác biệt, chúng tôi từng tranh luận với nhau và ông ấy nổi trội hơn.
Chắc chắn chúng tôi vẫn còn nhiều điểm khác biệt. Đây là những thời khắc khó khăn của đất nước, và tối hôm nay, tôi cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để ủng hộ ông Obama dẫn dắt đất nước vượt qua những thách thức trước mắt.
Tôi kêu gọi các bạn, những người đã ủng hộ tôi, nay hãy cùng tôi không chỉ chúc mừng ông Obama mà hãy trao cho vị tổng thống mới niềm tin và những nỗ lực nhiệt thành nhất của chúng ta, để cùng tìm hướng đi chung, để đạt những nhượng bộ cần thiết, để làm cầu nối giữa những khác biệt, và để chung sức vun đắp lại sự phồn vinh của đất nước; để bảo vệ chúng ta trước một thế giới đầy hiểm nguy, và để lại cho con cháu một đất nước mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn những gì chúng ta được kế thừa.
Bất kể có những khác biệt lớn đến đâu thì chúng ta cũng đều là người dân Mỹ. Xin hãy tin rằng với tôi, không có mối ràng buộc nào có ý nghĩa lớn lao hơn thế.
Đêm nay, nếu chúng ta có phảng phất cảm giác thất vọng thì cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng ngày mai chúng ta phải vượt qua tâm trạng đó để hợp tác với nhau, đưa đất nước đi lên. Chúng ta đã chiến đấu rất kiên cường. Dẫu chúng ta không giành được chiến thắng, nhưng đó là lỗi của tôi, không phải của các bạn.
Lời cảm ơn
Tôi vô cùng biết ơn tất cả các bạn về sự ủng hộ cao quý và về tất cả những gì các bạn đã làm cho tôi. Thưa các bạn, tôi ước gì chúng ta đạt được một kết quả khác. Cùng nhau trải qua một chặng đường đầy khó khăn từ những bước đi đầu tiên, sự ủng hộ và tình cảm của các bạn dành cho tôi chưa bao giờ dao động. Không lời nào có thể bày tỏ hết sự biết ơn sâu sắc của tôi đối với các bạn.
Tôi vô cùng biết ơn vợ tôi, Cindy, các con, mẹ tôi và toàn bộ gia đình, cùng rất nhiều bạn bè thân hữu, những người đã sát cánh bên tôi qua những thăng trầm của chiến dịch tranh cử kéo dài này. Tôi luôn là một người may mắn. Chiến dịch này chính là thời kỳ may mắn nhất khi mà tôi nhận được những tình cảm và sự động viên khuyến khích nhiều đến thế.
Có lẽ các bạn cũng biết, các chiến dịch vận động tranh cử thường khiến gia đình gặp nhiều khó khăn hơn là chính các ứng viên, và điều này hoàn toàn đúng trong lần này. Tất cả những gì tôi có thể bù đắp lại cho gia đình chỉ là tình yêu thương và lòng biết ơn vô hạn, cùng lời hứa là chúng tôi sẽ có những năm tháng bình yên bên nhau trong tương lai.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Thống đốc Sarah Palin, một trong những người vận động tranh cử xuất sắc nhất mà tôi từng biết, một tiếng nói mới đầy ấn tượng trong đảng của chúng ta, tiếng nói kêu gọi cải tổ và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, vốn luôn là sức mạnh của chúng ta.
Phu quân của bà, ông Todd, cùng năm người con dễ thương của họ và sự cống hiến không mệt mỏi họ dành cho chúng ta. Sự can đảm và quyến rũ của họ đã được thể hiện qua chiến dịch vận động tranh cử tổng thống đầy sóng gió này. Chúng ta sẽ rất hào hứng dõi theo sự cống hiến mà Palin sẽ dành cho Alaska, cho Đảng Cộng Hòa và cho Tổ quốc.
Tôi xin cảm ơn toàn bộ các thành viên tham gia chiến dịch vận động tranh cử, từ Rick Davis, Steve Schmids và Marke Salter tới từng tình nguyện viên, những người đã chiến đấu thật kiên cường, quyết liệt tháng này qua tháng khác trong cuộc đua có thể coi là thách thức nhất thời đại này. Với tôi, sự thất bại trong bầu cử không bao giờ quan trọng bằng niềm vinh hạnh được các bạn gửi gắm niềm tin và tình đồng đội.
Tôi không biết chúng ta lẽ ra đã phải làm gì để giành chiến thắng. Tôi sẽ để người khác lên tiếng phán xét. Ứng viên nào cũng mắc phải sai lầm; tôi chắc chắn cũng vậy thôi. Nhưng tôi sẽ không giành ra dù chỉ một giây chỉ để tiếc nuối về những gì đã xảy ra.
Chiến dịch này đã và sẽ là niềm vinh dự to lớn trong cuộc đời tôi. Trái tim tôi tràn ngập lòng biết ơn về những gì đã trải qua, về việc nhân dân Mỹ đã cho tôi một cơ hội công bằng trước khi quyết định trao cho Thượng nghị sỹ Obama và người bạn cũ của tôi, Thượng nghị sỹ Joe Biden niềm vinh dự được dẫn dắt chúng ta trong bốn năm tới.
Tôi sẽ không xứng đáng là một người Mỹ nếu như cứ nuối tiếc về việc số phận đã cho tôi niềm vinh hạnh vô cùng lớn lao là được phụng sự Tổ quốc trong suốt nửa thế kỷ.
Ngày hôm nay, tôi là ứng viên cho vị trí nắm trọng trách to lớn nhất ở một đất nước mà tôi vô cùng yêu thương. Và đêm nay, tôi vẫn là người phụng sự tổ quốc. Đó là điều quan trọng nhất cho mỗi cá nhân, và tôi xin cảm ơn người dân Arizona về điều này.
Đêm nay, hơn bao giờ hết, tôi xin giữ trong trái tim tình yêu thương đất nước, yêu thương công dân nước Mỹ, bất kể đó là người đã ủng hộ tôi hay ủng hộ Thượng nghị sỹ Obama.
Tôi xin có lời chúc thành công tới người từng là đối thủ nhưng nay sẽ trở thành tổng thống của tôi.
Tôi kêu gọi toàn bộ nhân dân Mỹ, như tôi thường nói trong quá trình vận động, là đừng thất vọng về những khó khăn hiện tại của chúng ta. Hãy luôn tin tưởng vào triển vọng và sự vĩ đại của nước Mỹ, bởi không gì là không thể ở đất nước này.
Người Mỹ không bao giờ bỏ cuộc. Chúng ta không bao giờ đầu hàng. Chúng ta không trốn tránh lịch sử; chúng ta làm nên lịch sử.
Xin cảm ơn các bạn. Chúa phù hộ các bạn. Chúa phù hộ nước Mỹ. Xin cảm ơn.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan