Tuesday, October 13, 2015

VỀ LÀNG


Tác giả: Lưu Quôc Hoà


           Ông Vọng có thói quen đọc sách vào ban đêm khi bà và cháu con tập chung ở tầng trệt xem Ty vi. 
Căn nhà hai mặt phố của ông bà là nơi đông vui nhộn nhịp nhất trong một quận của thủ đô. Tuy sống chung nhưng thành viên cả nhà cũng chẳng nhiều nhặn gì. Ông bà ở với anh trưởng nam đã vào tuổi ngũ thập đang công tác nhà nước. Cô vợ kém chồng hơn chục tuổi ngồi bán hàng cùng mấy người gíup việc. Mấy đứa cháu gái đang tuổi đi học. Chúng học ngày học đêm. Có khi trong giấc ngủ mơ cũng là chuyện học hành thi cử. Mắt đứa nào cũng sề xễ cái kính !và độ dày điốp cũng dày theo tuổi và cấp học. Mang tiếng ở cùng nhà mà suốt ngày có khi chẳng ai nói với ai câu nào. Con trai đi làm vắng. Tối nhọ mặt người mới về lại lao đầu nhòm vào vi tính mà lắc, mà gật. mà vỗ đùi, mà bực dọc hay hớn hở... Hình như mọi buồn vui, lo lắng trong con người anh trưởng nằm cả ở sàn giao dịch chứng khoán...Con dâu ngoài giờ bán hàng là sơn sửa móng chân móng tay, đi cầu đi cúng đền nọ phủ kia. Các cháu thì tất nhiên rồi: Chúng tiết kiệm từng giờ, tiết kiệm cả lời hỏi thăm ông bà để còn học. Ngồi mâm mấy chị em nó nói toàn tiếng Anh tiếng Nga sèo xèo như rán mỡ, tiếng Trung xủng xoảng trúc trắc, thậm thọt rồi phá lên cười. Rõ khổ! Sống trong nhà với con, với cháu mình mà như đi du lịch Sao Hoả sao Kim.
        Ông khổ thì bà cũng có sướng hơn đâu. Ngoài 70 tuổi với nhau cả rồi. Ăn ít, ngủ ít mà hoạt đông ngoài trời ngoài mấy tiếng đi dưỡng sinh với câu lạc bộ người cao tuổi là chui vào cái lô cốt tít tịt đỉnh ông giời trên gác 5. Gối mỏi chân chồn, chúm miệng vào huýt sáo. ở trên ấy thoáng và đỡ ồn hơn. Cứ đóng cửa kính và bật điều hoà nhiệt độ lên là thích mùa nào có mùa ấy. Ông lại đọc sách. Bà lại lẩm nhẩm đọc kinh Phúc âm. Thôi cuộc sống người già thế là ổn lắm rồi. Lương hưu trí đại tá của ông và lương Bác sỹ của bà thừa sống. Chẳng con cháu nào phải nuôi. Căn nhà của ông đấy 5 tầng mát mẻ thênh thang, cháu con mặc sức mà dùng...
Dạo này ông Vọng lại mê văn học. Trong thư viện nhỏ nhà ông đầy vầm vập các sách văn học. Cả đời làm lính rồi làm cấp chỉ huy Sư Đoàn. Ông toàn phải vùi đầu vào các sách vở của nhà binh. Toàn chiến thuật với chiến lược. Toàn mệnh lệnh và nghị quyết. Về già ông mới thấy mình như thoát sác khỏi bao điều đã trải.
Đọc những trang văn, ông thấy thư thái tâm hồn và hý hoáy sáng tác. Ông mê những trang viết của các nhà văn tên tuổi viết về làng quê Việt Nam thanh bình...Làng quê hiện lên trong ông cánh cò trắng bay chấp chới trên thảm lúa xanh. Cánh diều no gió trên đê làng. Luỹ tre xanh và hàng xóm láng giềng chất phác...Ông nhớ nôn nao quê hương chôn nhau cắt rốn của mình ở Hà nam, có con sông Châu Giang trong mát. Có mía và ngô ven bãi. Có con đò ngang với tiếng gọi đò vang vọng sông dài...Ông sinh ra từ đấy. Ra đi từ đấy. Mồ mả ông cha vẫn còn nằm lại Nghĩa địa Bãi Quan...Ông gấp sách thẫn thờ và nôn nao nhớ bao kỷ niệm cũ. Như kẻ mộng du. Ông bơi trong những hoài niệm quê hương ...Quê ông đấy. Cái làng Quần Phương cách Thủ đô 50 phút ô tô. Ông còn 3 sào vườn hương hoả vẫn cho cô cháu gái mượn trồng rau sạch ...Ông phải về thôi. Nhất định phải về xem lại thế nào.
Đấy là thời điểm làng quê vẫn vô cùng yên ả...Nó đúng như trang văn mà ông cầm tên tay. Cái khát vọng an lạc tuổi già lại nhen nhóm trong ông và từ từ lan sang bà. Nó len vào ý nghĩ và khát vọng của đôi vợ chồng già đang cư ngụ trên đỉnh thượng ngôi nhà 5 tầng sang trọng với vật chất và tinh thần quá đầy đủ...
...Phải đến gần 2 năm sau. Quyết tâm trở lại quê cha đất tổ mới thành hiện thực. Có nghĩa là ông bà và con cháu đã có cuộc thương nghị cởi mở và hết sức dân chủ để đi đến nghị quyết chung là: Ông bà rời thành phố để về quê an dưỡng tuổi già. Để hưởng không khí mát lành chốn nhà quê. Để cái bệnh cao huyết áp có môi trường thanh sạch, bài thuốc tự nhiên không mất tiền mà rất chi là công hiệu. Rồi mồ mả ông cha, rồi nội ngoại xum vầy yên ấm...Rồi rất chi là bao nhiêu thứ người già cần đến...Kể cả việc nhắm mắt xuôi tay cũng được mát mẻ phần hồn...Nơi đô hội là dành cho người trẻ đua chen. Ông bà sắp về với tổ tiên thì cần gì học tiếng Anh, tiếng Nhật. Cần gì đến vi tính với ký hiệu rặt tiếng ngoại quốc nhìn hoa cả mắt... Cần gì vũ trường và nhạc "rốc" ...Con cháu hãy tha cho cảnh "tứ đại đồng đường" bất đắc dĩ này! Cho mấy thân già được thoát ly cái lô cốt vĩ đại mà về quê với hương đồng gió nội.
Anh trưởng tên là Vũ Vân hết lời can ngăn bố mẹ. Vốn dĩ anh là người có giáo dục. Hai vợ chồng rất ngại mang tiếng là con mà không được kề cận mẹ cha lúc tuổi già bóng xế. Giá là con đò, vợ chồng sắn sàng nhổ neo mà dong buồm theo con đò cha mẹ. Khổ nỗi nó lại là ngôi biệt thự 5 tầng bê tông cốt thép có độ vững chống động đất 6 độ rite . Lại đang đương nhiệm việc nước. Vợ con đang là một tế bào ký sinh vào chốn đô hội không thể tách rời. Cha mẹ quyết vậy anh cũng đành chiều. Mà kể ra từ đây về quê đâu xa sôi . Thôi cha mẹ đã quyết cũng phải chiều lòng. Biết đâu mai mốt về già. Vợ chồng anh cũng nghĩ như thế. Cha mẹ đi trước làm "tiền trạm" có khi lại là cơ hội tốt cho nay mại của vợ chồng anh.
Thế là Vũ Vân thu xếp về quê. Lo thủ tục xin phép họ hàng. Thuê một cai xây dựng cũng là chỗ con cháu để thiết kế ngôi nhà 2 tầng theo kiến trúc của biệt thự đời mới cho cha mẹ. Anh giải quyết nhanh gọn mọi việc trong 3 hôm và báo cáo cha mẹ: Con đã khoán "chìa khoá trao tay" bao giờ xong con mời bố mẹ về quê nhận nhà. Nhà quê bây giờ ai cũng bận, chỗ ăn ở chưa có, bao giờ song chỉ cần một chuyến ôtô là ông bà về quê định cư yên ả
********************
Đó Là buổi sáng đẹp trời. Chiếc xe 24 chỗ ngồi nhẹ nhàng êm ả lăn trên đường làng chở ông bà Vọng và một số bạn già trong câu lạc bộ dưỡng sinh Thành phố về quê khánh thành nhà mới. Đây cũng là dịp những bạn già chia tay nhau để thay đổi môi trường .
Ngôi biệt thự 2 tầng với sơn ngoại thất màu kem, hiện lên như cô gái tỉnh rực rỡ và hiện đại đứng bên cô gái quê còn trang trí tuỳ tiện. Cơm cỗ đã sẵn sàng. Các già làng trong họ lục cục chống gậy đi dự tiệc theo lời mời rất trọng vọng của gia chủ. Ông bà Vọng mặt tươi như hoa vồ lấy mấy ông bạn già thời còn chăn trâu cắt cỏ. Thế là từ nay, sau một vòng đời tao loạn. Họ được lần thứ hai đoàn tụ với nhau dưới mái quê đầm ấm
***********
Thấm thoắt đã qua tháng đầu. Cái dư âm đoàn tụ vừa lắng xuống. Ông bà loay hoay thích nghi với môi trường nhà quê. Cũng chẳng dễ dàng gì. Sự xoay bản lề này là cuộc cách mạng mới trong lối sống thường nhật của con người từ tỉnh về quê. Nhà thì đầy đủ tiện nghi chẳng khác gì Thủ đô. Cũng tắm nóng lạnh. Cũng máy giặt, điều hoà nhiệt độ loại xịn. Cô cháu gái trong họ làm người giúp việc nội trợ trong nhà...Nhưng có để mà có cho đủ lệ bộ chứ không tài nào hoạt động được. Đường dây tải điện nhà quê, cả xóm chung một đường tải bằng dây lưỡng kim. Cứ đóng điều hoà hay các đồ dùng công xuất lớn là cả xóm kêu như như vạc. Đèn nê ông đang sáng phụt tắt. Quạt đang quay đứng khựng hoặc lờ đờ đếm được 3 cái cánh. Cả xóm lại nhao nhao: Cái nhà ông Vọng lại chơi sỏ cả xóm rồi. Người ta nhông nhốc chạy đến mà la , mà trách, mà dè bửu xỏ xiên cái ông cậy lắm của nhiều tiền chơi hoang, chơi huỷ. Vài bận như vậy . Ông bà không dám động đến cầu dao. Cả cái tăng thế cũng giấu biệt vào buồng. Người ta đồn ông dùng cái máy "hút điện" hết về nhà mình mặc cha hàng xóm. Vậy là hai thân già rát mặt không dám dùng điện. Nhiều tối điện yếu quá, Cả hai phành phạch quạt nan. Mà dạo này nông thôn mất điện luôn xoành soạch. Oái oăm là cái điện lưới. Đã yếu lại phì phụp lúc có lúc không...Khi dọn cơm nóng chảy mỡ thì không có điện. ăn xong tám hoánh vác cuốc ra đồng rồi mới có. Ban đêm cũng vậy. Lúc thức thì tối om. Ngủ vài giấc tự nhiên bừng lên chói cả mắt...
Lại cái nạn chó cắn nữa mới tệ. Sao nhà quê bây giờ nuôi lắm chó thế! Lũ chó no ăn dửng mỡ, ngứa miệng nên ra sức mà sủa. Chó lai như con bê sủa ông ổng . Lũ chó cỏ sủa dai như bão may. Mỗi nhà đều có dăm ba con để thừa lộc cơm thừa canh cặn. Chó nhà này sủa lập tức nhà bên, nhà bên nữa nhất hô bá ứng. Nó sủa lên còn hơn tàu hoả chạy ngoài đường lộ. Có nhiều con chó rách tập sủa leo hẳn lên mái bằng, vểnh tai, nhướn cổ ngó ra bốn phía. Sao đổi ngôi: sủa. Đài tút tút : Sủa. ánh đèn pin loáng qua ngoài đường cái: sủa...Ba bề bốn bên làng xóm nhôn nhao tiếng chó...Tầm trưa là lũ gà mái nhảy ổ. Những con mái vỗ cánh nhảy khỏi ổ là tông tốc, toang toác mà kêu. ..Lũ vịt dưới ao bơi trắng như cò. Chúng leo lên hồi nhà ông Vọng mà thải tầng lâu, tầng mới. Chúng sơi cám cò nên phân khắm lặm đến nôn nao ruột gan. Khác lũ chó, lũ gà. Bọn vịt thường cất tiếng đồng loạt. Vỗ cánh đồng loạt như động cỡn phát dồ...Khi chúng đã đồng thanh khởi nghĩa. Ông bà chỉ còn nước bịt tai , nhắm mắt mà kêu trời...Góc trái ao . Nhà Năm Lân làm nghề mổ lợn. Cứ 3 giờ sáng tiếng lợn bị chọc tiết kêu xé tầng trời, kêu rợn tóc gáy. Mấy nhà trang trại nuôi heo đồng loạt thải nước bẩn vào cái ao nhỏ. Nước ao đặc sệt và tanh lợm. Những mô hình trang trại kiểu ấy mọc lên như nấm quanh làng. Mùi thuốc trừ sau , mùi phân hữu cơ từ cánh đồng dưa gang , dưa chuột hợp sức chen vào. Không gian quê làng như quả gấc ủng rụng lâu ngày. Người làng như con sâu uể oải hoặc cuống cuồng bơi trong ruột quả gấc ấy!Mặc kệ. Họ vẫn làm kinh tế bằng mọi cách...Đúng là cảnh: Đau mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt chứ mình em đâu.
Nhà cả Thoại lại vừa khánh thành tổ hợp máy sát gạo đầu tách ngay trái nhà ông nữa. Suốt này máy nổ tòng tọc kêu, Bụi trấu bay mù trời, khói đen phun lên nồng nặc...Đứng trên tầng thượng quan sát cả làng. Ông thấy cái làng Quần Phương nghèo khó xưa kia giờ đã đổi lốt. Tất cả là một khối xi măng vĩ đại và rất phản mỹ thuật. Nó nhôm nhoan hổ lốn như khoai xếp gậm gường. Đâu còn những mái tranh, mái ngói vẩy cổ kính ngày xưa. Cả con người cũng khác đi nhiều lắm. Nhà ai cũng kín cổng cao tường ...Họ cũng uống bia và chơi lô, chơi đề bạo liệt. Đám con trai con gái không còn hò hát đêm trăng hay tụ tập nô dùa sân đình có cây đa giếng nước. Cả con cháu gái giúp việc ông bà nữa. Cứ xểnh ra lại đi đàn đúm với bạn. Nó cũng phấn, cũng son. Cái quần bò ngắn đũng lúc nào cũng chỉ trực tụt khỏi mông.
Biết sao được. Trai gái quê bây giờ đâu còn e ấp thẹn thò. Cuộc sống thị thành dã táp vào tận hang cùng ngõ hẻm...Nhà quê như lột sác, thoát sác khỏi những tập tục, lễ hội truyền thống thời ông bà đã đắm mình. ..Ông ngán ngẩm bảo bà
- Thế là ta nhầm rồi bà ạ! Cứ tưởng về quê thanh bình nhưng về quê còn ồn gấp mấy Thành phố. Phố xá ồn ào có giờ. Đây suốt ngày suốt đêm ồn không giờ giấc...Cứ mất ngủ oi bức thế này chắc tôi với bà không bám trụ nổi.
Như hưởng ứng nhận định của ông. Điện bừng sáng. Lợi dụng có điện. Cánh máy sát bắt đầu hành sự. Những bao thóc xếp tầng lâu tầng mới chờ điện bây giờ mới cho vàò máy. Cánh xay đậu. cánh làm bún, làm giò chả cũng đợi dịp có điện là vào cuộc. Giữa đêm khuya khoắt. Cái thời khắc để cho con người tái tạo nơ - ron thần kinh mà sống nhưng làng Quần Phương ít ai nghĩ đến. Họ phải tranh thủ. Họ phải giành dật thời gian mà mưu sinh. Làm quáng quàng và hộc tốc leo lên xe đạp, xe máy vù ra chợ tỉnh đổ buôn. Suy cho cùng chỉ có lũ gà lũ vịt và trâu bò là vô can với các hoạt động ban đêm. Con người làng ông khổ quá, tất tưởi quá trong cơ chế thị trường. Suy cho cùng cũng vì cơm áo. Ruộng đất 70% đã thành khu công nghiệp. Họ không bươn chải chỉ có chết chìm trong đói nghèo. Chỉ có ông bà hưởng lương nhà nước nên có quyền "trưa không vội tối không cần". Các cụ bô lão cũng bị hút vào vòng quay cùng con cháu. Chẳng ai có thời gian ngâm vịnh thơ phú.Để chè tam rượu tứ. Bàn chuyện ngoài hành tinh. Họ đã quen với cảnh tất bật này từ lâu rồi. Khổ mấy nhưng khi đã quen rồi. Người ta cho là lẽ tự nhiên nên chẳng ai thấy khổ. Ông bà như cái cột hành hình. Ra đường không ổn mà ở nhà thì nóng nôi, bứt dứt: Ông chua chát bảo bà:
- Quả thật chẳng con cháu nào làm mình khổ! Chỉ tại mình...Tham hương đồng gió nội
Bà Vọng lườm ông:
-Mang tiếng ông là nhà binh...Ông chẳng chịu nguyên cứu tình hình. Đùng đùng dẫn quân đi phá bốt làm gì chẳng thất bại.
Cứ đều đặn. Hai ngày một lần. Các con ngoài Thành phố gọi điện về hỏi thăm sức khoẻ ông bà. Trót thì trét. Khổ đến ngập đầu nhưng chả lẽ tốn bao tiền của xây biệt thự để về quê. Tốn bao cuộc họp giải thích lý do cùng con cháu. Mấy tháng trời đã sinh sự tháo lui sao tiện. Ông cười vang bảo chúng: "yên tâm đi! Bố mẹ thấy khoẻ ra! Quê mình mát mẻ dễ chịu lắm"...
******************
            Đến tháng thứ 3 thì tình hình nguy cấp quá rồi! it ăn, ít ngủ , đến trẻ trai cũng quỵ huống chi người già. Những căn bệnh tiềm ẩn được dịp chui ra hành hạ. Bệnh viện thì ở xa. Mấy ông bác sỹ về hưu cũng già cả. lẫn cẫn với nhau cả rồi. Mà gọi được họ đâu có dễ. Phải lấy hết bình sinh mà lên tấn, chống lại mấy con chó dữ như hổ báo. Gần nhà xa ngõ, trẻ mỏ lại không có mà sai bảo...Thật là cảnh có tiền mà chịu khổ! Thịt cá mua về cô cháu nhà quê chém to kho mặn bắt miệng già khảnh ăn tiêu thụ...Ốm đau từ đấy mà ra. Bà chăm ông. Ông gượng được thì ông lại chăm bà. Cái cảnh hàng xóm tối lửa tắt đèn gọi nhau qua bờ dậu mồng tơi bây giờ không còn nữa. Nhà nào cũng kín cổng cao tường bí hiểm như lô cốt , lúc cần nhau cũng diệu vợi vô cùng. Ông bà Vọng như nằm giữa hoang đảo . Cái hoang đảo cô đơn giữa bao hoạt động sống vần vũ chốn nhà quê thời mở cửa.
Kết quả là hai ông bà phải thuê tắc xi đi viện. Thầm lặng và lén lút như kẻ trốn chạy khỏi chính ngôi nhà mình. Cô cháu gái chăm sóc ông bà mải chơi vừa "lĩnh lương" xong đã vù đi mãi đẩu đâu để giao du bạn bè. Căn bệnh "u sơ tiền liệt tuyến" bệnh viện Tỉnh gợi ý cho ông lên tuyến trên. Bạc nhược vì bệnh tật. Ông bàn với bà điện cho anh trưởng...Và thế là qua gần một trăm ngày thử nghiệm thay đổi môi trường. Cả ông và bà gày sọm đi mấy tuổi...
Căn nhà cũ lại đón hai vợ chồng già trở lại. Đã lâu, căn gác vắng chủ nên hưu quạnh. Ra viện ông không còn ý định về quê nữa. Không ai ghẻ lạnh mảnh đất đã sinh ra mình, nhưng nghĩ về nó và đối sử với quê hương thế nào là cả một câu hỏi, một thái độ ứng sử cho phải đạo. Cho hợp thời... Điều đơn giản ấy ông chợt nhận ra.
Thành Phố Phủ Lý đêm 1 và mồng 2/6/09


 Đăng ngày 05/06/2009

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan