Thursday, October 8, 2015

Về Tam Kì hội thảo văn chương và những chuyện bên lề ở Quảng Nam


Tác giả: Văn Công Hùng

          nhà thơ mỏng manh nhạy cảm và có thể cả yếu đuối nữa, thế mà một mình một khu rừng trong nỗi mặc cảm dày vò khắc khoải và có thể là cả ân hận nữa thì nỗi cô đơn đau khổ nhân lên gấp mấy lần? Hoàn toàn mù tịt với tình hình và cả cách đánh của địch, một hôm ông gặp một tốp biệt kích nhưng lại mặc quân phục giải phóng



          Trong hai ngày 29 và 30 tháng 9, tại thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam đã diễn ra một hoạt động văn học khu vực, ấy là "Hội thảo: Nhà văn và cuộc sống các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên" do Hội Nhà Văn Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức. Hơn sáu chục nhà văn Việt Nam trong khu vực đã về dự. Chúng ta gặp tại đây các nhà văn Cao Duy Thảo, Nguyễn Gia Nùng, Trần Vạn Giã, Lê Khánh Mai, Vân Hạ, Phạm Dạ Thủy... đến từ Nha Trang, Trần Hyuền Ân từ Phú Yên, Lệ Thu, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang... từ Bình Định, Nga Hơvê, Nguyễn Trung Hiếu từ Quảng Ngãi, Ngân Vịnh, Thanh Quế, Đà Linh, Trần Kỳ Trung, Nguyễn Kim Huy, Thái Bá Lợi, Lê Anh Dũng... từ Đà Nẵng, Phạm Doanh, Nguyễn Hoàng Thu, Văn Thảnh từ Đăk Lăk, Hữu Kim từ Kon Tum, Văn Công Hùng, Thu Loan từ Gia Lai và chủ nhà Quảng Nam với nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Đoàn Hội Nhà Văn Việt Nam từ Hà Nội vào có nhà thơ Hữu Thỉnh chủ tịch hội, nhà văn Đỗ Kim Cuông, vụ trưởng vụ văn hóa văn nghệ ban tuyên giáo trung ương, nhà thơ Nguyễn Hoa, phó ban tổ chức hội viên, nhà văn Trung Trung Đỉnh giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhà thơ Lê Quang Sinh, giám đốc trung tâm văn hóa nhà văn...
          Tất nhiên bao giờ mở đầu hội thảo cũng là đề dẫn. Theo đánh giá thì đề dẫn của Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam do nhà văn Thanh Quế, chi hội trưởng nhà văn Việt Nam miền trung chấp bút khá công phu. Thanh Quế nhắc các nhà văn trong chiến tranh đã bám trụ đời sống chiến tranh vô cùng khốc liệt để viết: Phan Tứ, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc, Thái Bá Lợi, Văn Công, Chu Cẩm Phong, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh, Cao Duy Thảo, Nguyễn Trí Huân, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Bá Thâm, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Trung Hiếu, Liên Nam, Tô Phương, Nguyễn Khắc Phục...
          Mỗi người có vùng đất quen thuộc để hoàn thành sứ mệnh của mình, các nhà văn trong chiến tranh đã phần nào đáp ứng được sự kỳ vọng của dân tộc, của cuộc kháng chiến với các tác phẩm nổi tiếng như: Về làng, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, trại ST 18, Măng mọc trong lửa, Đất Quảng, Rừng xà nu, Bài ca chim chơ rao, Vùng chân hòn Tàu, Bazan khát, Những người đi tới biển, Bùng nổ của mùa xuân, Bán đảo, Họ cùng thời với những ai, Trùng tu, Năm 75 họ đã sống như thế, Lạc rừng, Ngược chiều cái chết... Một thế hệ tiếp theo xuất hiện sau 1975 được đề dẫn nhắc đến là: Thu Loan, Văn Công Hùng, Bùi Tự Lực, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Huỳnh Thạch Thảo, Hoàng Nhật Tuyên, Lê Khánh Mai... nhưng đề dẫn cũng thừa nhận tuy tác phẩm và tác giả có, nhưng tác phẩm có tiếng vang, gây dư luận trên văn đàn chưa có. Một phóng viên báo Tiền Phong có chất vấn tôi về việc này, rằng tại sao Nguyễn Ngọc Tư viết Nam bộ rặt Nam bộ thế, các nhà văn miền bắc viết lộ chất đồng bằng bắc bộ thế, nhưng các nhà văn Miền trung Tây nguyên thì hình như dấu ấn vùng miền chưa rõ?
          Nhà văn Đỗ Kim Cuông - Vụ trưởng Vụ văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Tung ương, đã đánh giá về tình hình văn học nước ta trong những năm qua và Nghị quyết 23 của Trung ương về văn hóa văn nghệ. Các nhà văn nhà thơ Bùi Tự Lực, Nguyễn Thanh Mừng, Thu Loan, Lê Khánh Mai, Nguyễn Gia Nùng, Thái Bá Lợi, Lê Văn Ngăn, Trần Kỳ Trung, Trần Huiền Ân... đã đọc tham luận và phát biểu. Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá cao hàm lượng trí tuệ của các bản tham luận và cho rằng, muốn có tác phẩm lớn, được công chúng nồng nhiệt đón nhận, nhà văn cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp và gắn bó với cuộc sống, phản ánh cuộc sống thông qua lăng kính văn học bằng tài năng và trách nhiệm của mình. Tôi thì phát hiện rằng, các nhà văn viết giỏi hơn nói, nói giỏi hơn... đọc tham luận viết sẵn. Trừ cái "tham luận ba trang" của Cao Duy Thảo, ông gọi thế vì viết nó đúng 3 trang, đọc trực tiếp bằng văn bản được nhiều người thích, còn thì các bài nói vo của Thái Bá Lợi, Lê Văn Ngăn, Trần Hyuền Ân... được đánh giá cao hơn các bài viết sẵn, dù, sau này tôi nghe nói, ai có bài viết sẵn thì mới có... nhuận bút, còn nói vo thì... nghỉ khỏe. Nhân nói chuyện nhuận bút thì trong hội thảo cũng có nhiều người nói về nhuận bút. Rằng thì là đòi tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao mà nhuận bút như thế thì làm sao mà kích thích sáng tạo. Báo càng oai (Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân đội...), Nhà xuất bản càng sang (Hội Nhà Văn, Văn học...) thì nhuận bút càng... thấp, tức là tỉ lệ nghịch với cái sự sang, sự oai ấy. Nhà văn Đỗ Kim Cuông, vụ trưởng vụ văn hóa văn nghệ ban tuyên giáo trung ương nói kinh nghiệm đi thực tế ở Trung Quốc là đưa các nhà văn về huyện làm...phó chủ tịch, ít nhất là ba năm, còn thì năm bảy năm. Tôi nhìn gần bảy chục ông bà "phó chủ tịch" tương lai của Việt Nam ngồi trong phòng họp mà hình dung tình hình kinh tế chính trị xã hội nước nhà sẽ tăng tiến ra sao nếu nước mình cũng bắt chước trung Quốc đưa nhà văn xuống thực tế làm phó chủ tịch huyện. Mà tại sao lại chỉ được là phó chủ tịch huyện nhỉ, bác Tố Hữu từng làm đến phó thủ tướng thường trực chính phủ cơ mà? Bác Đặng Thai Mai từng làm chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, bác Nguyễn Khoa điềm từng là phó bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng rồi UVBCT đấy...
          Nhưng mà điều khiến các nhà văn háo hức là được ban tổ chức cho trở về thăm căn cứ khu ủy khu V xưa ở Trà My, Căn cứ địa Nước Oa - "Thủ đô kháng chiến Khu Năm" thời chống Mỹ nơi hiện đang có phần mộ liệt sĩ Nguyễn Mỹ.           Có nhiều chuyện về Nguyễn Mỹ, nhà thơ "Như chưa hề có cuộc chia ly" mà nghe các đồng đội của anh kể ở đây nghe cứ rưng rưng quặn thắt.
          Những ngày cuối đời của nhà thơ Nguyễn Mỹ, ông gần như bị cách ly với cuộc chiến đấu và đồng đội. Sau này phải thẩm tra đi lại mãi, cách đây mấy năm, nhà thơ mới được công nhận là liệt sĩ. Số là ở quê tại Phú Yên, ông có một bà mẹ, bà rất nông dân, một hôm bị bắt trộm con gà, mà người bắt chính là mấy anh... du kích. Bà chửi liền mấy ngày đêm thì bị chính mấy anh này bắn chết, nhưng họ lại báo lên trên rằng bà là Thiên Nga. Thế là Nguyễn Mỹ bị cách ly, được phân ra rẫy ở một mình đuổi khỉ và chim. Tôi nghe kể mà hình dung nỗi cô đơn và đau khổ của ông đến mức nào. Một người bình thường đã cô đơn và khổ, huống gì đây lại là nhà thơ của "cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/ tươi như cánh nhạn lai hồng- Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/ Như chia hề có cuộc chia ly...", nhà thơ mỏng manh nhạy cảm và có thể cả yếu đuối nữa, thế mà một mình một khu rừng trong nỗi mặc cảm dày vò khắc khoải và có thể là cả ân hận nữa thì nỗi cô đơn đau khổ nhân lên gấp mấy lần? Hoàn toàn mù tịt với tình hình và cả cách đánh của địch, một hôm ông gặp một tốp biệt kích nhưng lại mặc quân phục giải phóng. Mừng quá, sướng quá, hạnh phúc quá, ông nhào ra vẫy rối rít: Các đồng chí ơi, tôi đây... Bảy ngày sau thì đồng đội mới biết ông đã bị bắn chết. Nhưng lúc này thì xác đã trương lên và có biểu hiện có lựu đạn ở dưới xác. Thường bọn biệt kích hay cài lựu đạn dưới xác liệt sĩ để nó sẽ phát nổ tiêu diệt tiếp khi đồng đội đi tìm. Thế là mọi người để nguyên ông nằm trên mặt đất, lấy đá xếp vòng xung quanh rồi đứng xa hắt đất vào chôn. Đấy là một nỗi đau, là bi kịch cứa mãi trong lòng đồng đội của ông, nhất là khi họ lại là nhà văn, nhưng bi kịch hơn là sau đấy khi quay lại quy tập hài cốt thì... toàn bộ hài cốt đã không còn. Chỉ còn lại các dụng cụ cá nhân mà khi bị bắn chết anh vẫn mang trên người như quần áo, dép, vỏ đạn, bi đông... những thứ này bây giờ nằm dưới ngôi mộ có tên liệt sĩ nhà thơ Nguyễn Mỹ lúc nào cũng đỏ thắm hoa mười giờ do nhà văn Nguyễn Bá Thâm trồng và hôm nay thì rực đỏ hoa hồng do chúng tôi mang đến. Nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Thanh Quế và nhà văn nguyễn Bá Thâm là người sống chiến đấu cùng Nguyễn Mỹ thời ấy, đồng cam cộng khổ và hiện nay cũng là người siêng năng đi thăm và lo lắng cho Nguyễn Mỹ nhiều nhất (Tôi chứng kiến hôm ấy ông Thâm rút tiền đưa cho người gác nghĩa trang hẹn mua giúp hương thắp hàng ngày mỗi khi các ông không lên được), khi kể chuyện này đều buồn rượi rượi và các ông đều cho rằng, khả năng lớn nhất là nhà thơ Nguyễn Mỹ đã bị thú dữ đào lên ăn thịt. Ông Cao Duy Thảo lặng lẽ ngồi bệt sát mộ Nguyễn Mỹ và kể cho tôi nghe câu chuyện trên. Rồi ông kết luận: chiến tranh mà. Trong chiến tranh không có chuyện gì không thể xảy ra. Nhiều chuyện còn bi kịch và kinh khủng hơn nhiều, nhiều chuyện cố tin cũng không thể tin nổi, dù đấy là sự thật. Ông kể thêm chuyện tìm mộ nhà văn Chu Cẩm Phong. Những người chôn Chu Cẩm Phong vẫn còn cả đấy, nhưng đào nát cả thửa ruộng đã chôn anh rồi vẫn không thấy hài cốt đâu. Cuối cùng bà mẹ anh xuất hiện. Bà thắp nhang vái rồi sẵn chai rượu mang theo, bà ngậm trong miệng phun khắp xung quanh. Và điều kỳ lạ xảy ra: Một đám cỏ chuyển màu có hình người. Đào lên thì đấy đúng là di cốt Chu Cẩm Phong...
          Đấy là chuyện buồn. Còn chuyện vui thì nhiều. Ngay trưa đầu tiên Ủy ban nhân dân Quảng Nam chiêu đãi, bỗng ở một cái bàn sát góc có tiếng quát rất to, ầm ầm như đánh nhau. Mọi người hoảng hồn nhìn sang thì ra bàn ấy có... 3 ông Quảng Nam đang... tranh luận. Về đây ở mấy ngày mới hiểu tại sao có câu "Quảng Nam hay cãi". Họ không tự ái mà còn hồ hởi kể chuyện vui về chính xứ họ. Ví dụ một ông bảo: Đố ông tại sao Quảng Nam có nhiều tù binh (thậm chí là liệt sĩ) thế??? Tại vì Mỹ đi càn ở trên, quân mình đang ngồi yên lành dưới hầm bí mật, nghe một thằng nói: Việt Cộng toàn bọn học chưa hết lớp ba, thế là đồng loạt đội hầm đứng dậy... cãi: Láo, láo quá, tụi tao học hết cấp 3 rồi lận. Thế là nó chỉ việc quay lại... bắt. Chuyện nữa, địch đuổi chạy gần chết, gặp đống rơm, chui vào yên ổn vì địch đã đi qua. Nhưng bỗng có một thằng trong toán địch nói: Tụi nó chết hết rồi, về thôi. Thế là ào ạt chui ra: Cha tổ bây, chết mô mà chết, sống nhăn đây nì? Lại nữa, một ông du kích đang trốn dưới giếng cạn, ngụy đi càn qua, một thằng nói: Lại kiểm tra cái giếng. Một thằng khác bảo: giếng đầy nước, đứa nào mà chui xuống để chết ngộp à? thế là nhảy lên... cãi, có nước mô mà ngộp... hù hu hu.
          Hồi lâu lâu tôi có viết cho anh Đoàn Huy Giao mấy cái kịch bản để anh làm phim tài liệu. Đoàn Huy Giao là một đạo diễn phim tài liệu rất giỏi, theo tôi. Khi giao kịch bản tôi có yêu cầu: Nếu đọc lời bình bằng tiếng Quảng xin anh cho thêm một dòng phụ đề để... người Việt hiểu. Nhưng cũng cái giọng Quảng ấy đọc thơ thì rất hấp dẫn. Hôm giao lưu thơ, cụ thể là đọc thơ trước sinh viên và bộ đội Quảng Nam, các nhà thơ giọng Quảng thứ thiệt đã thể hiện thơ mình rất tuyệt vời. Cũng đi lên đi xuống, đi dọc đi ngang, giơ tay biểu cảm, mắt nhắm rưng rưng... Ông Hữu Thỉnh vốn nổi tiếng là người đọc thơ rất hay, lấy nước mắt của rất nhiều người, nhưng khi nghe những nhà thơ giọng Quảng đọc thơ và diễn thơ thì ông...khiếp. Dù sau đấy, anh Bùi Công Dụng, một người rất tài hoa, phó văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, đoán ý của tôi rồi đưa lên blog của mình rằng: Văn Công Hùng rất mê mẩn giọng đọc thơ xứ Quảng, anh lặng đi nghe trong nỗi xúc động tột độ, nhưng sau đấy anh thú nhận: Tớ chả hiểu gì cả vì... chả nghe rõ lời, nhưng biết là thơ hay và giai điệu thì tuyệt...
          Theo chương trình thì tháng 11 này sẽ đại hội chi hội nhà văn Việt Nam khu vực Tây nguyên. Có nhõn 11 người ở ba tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum. Đăk Nông chưa có ai, Lâm Đồng thì thuộc miền Đông, anh em Tây Nguyên muốn sinh hoạt chung với Miền Trung cho nó vui, thi thoảng đi họp gặp nhau, chứ chia cắt ra, biết đến khi nào mới gặp, mới nghe nhau đọc thơ, để "dẫu thấy hay nhưng nghe xong lại chẳng... hiểu gì?"...
                                                Pleiku đêm 03/10/2008

Nhà thơ Văn Công Hùng bên mộ Nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ

Nhà văn Cao Duy Thảo, bạn văn bạn chiến đấu một thời với nhà thơ Nguyễn MỸ

NGUỒN : vanconghung.vnweblogs.com

 Đăng ngày 04/10/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Môn Sinh - 04/10/2008

Anh Đức ơi ! Giả như không có hội thảo MTTN thì chuyện đời và sự hi sinh của Nguyễn Mỹ làm sao chúng ta biết được ! Cuộc chiến khốc liêt cả từ phía ta là vậy !
  Gửi bởi: Xuân Đức - 04/10/2008

Thế đấy ĐTiên ạ. Thế mà vài người vẫn cứ cho rằng Cách mạng không có bi kịch.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan