Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Chương 3 & 4


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG BA 

Đối với Vĩnh Linh thì đây là đợt tuyển quân lớn nhất từ trước tới nay. Mà không riêng chi Vĩnh Linh. Cả nước bộn bề xáo động. Mấy hôm nay đài dọc sang sảng những tin tức, những lời kêu gọi, tường thuật những cuộc mét tinh... Tiếng loa dõng dạc hào hùng. Nhà nào cũng có loa hộp gắn ở vách nhưng đám trẻ vẫn thích túm tụm dưới các cọc loa công cộng để nghe, để bàn tán, đoán gì đoán non bao nhiêu chuyện.Chuyện làm xáo động chúng nó nhất có lẽ vẫn là chuyện tòng quân. Hai tiếng ra đi nghe lúc nào cũng mới, nó lúc nào cũng hấp dẫn. Chưa ai cắt nghĩa cho rành rọt ra đi như thế nào? Đánh Mỹ ra làm sao? Nhưng miễn ra đi, đi thật xa. Rứa cũng đủ khoái chí rồi. Mỹ đã đổ bộ vô miền Nam ngày càng đông. Với lớp trẻ thì đây là cơ hội. Với lớp già thì có phần sửng sốt bàng hoàng. Mỹ đến y như lũ ngập, mà Vĩnh Linh lại là triền của con đê. Xao xuyến và chộn rộn. Mỹ đổ bộ lên đất nước gần như đồng thời với bao nhiêu tâm tư trái ngượ nhau cùng lúc đổ bộ lên tâm trí người dân. Đặc biệt là đám học sinh lớn tuổi. Mười phần đã chán học hết chín. Giờ lên lớp ngó mới tội nghiệp làm sao. Cởu nào mặt cũng thộn ra. Không nói chuyện riêng nhưng cũng không phát biểu. Thầy giáo cảm nhận được ngay tình hình đó. Nhưng biết trách mắng gì được. Thầy vẫn phải giảng :" Muốn tìm quỹ tích của M ta phải..." ở dưới lớp, những mảnh giấy nhỏ bằng cúc áo bị bắn tung từ bàn này sang bàn khác không theo một quỹ tích nào cả mà theo hướng những cái nháy mắt, hắng giọng.
"Mấy đứa trên Vĩnh Thủy nó xin tuyển ở xã có được không?" Đó là giấy của Lợi. Vài phút sau từ phía kia, một hạt cúc khác bay vèo tới. "Được sáu thằng. Có cả mấy đứa lớp chín như thằng Thái, thằng Liêm..."
Lợi ghé tai hỏi cậu bạn bên cạnh:
- Thằng Thái, thằng Liên mô hè?
- Cái thằng Thái lớp 9 "xê" mặt như con gái ấy. Còn thằng Liêm còm chuyên môn mang quần thủng đít đó...
Lợi gật gật ra vẻ hiểu rồi nhìn vội lên bảng. Thầy giáo đã trông thấy hai đứa nói chuyện riêng nhưng vẫn không nhắc. Thầy vẫn tiếp tục giảng: "Như vậy, ta thấy điểm M chạy trên một đường tròn mà bán kính bằng..."

*

Trong lúc bọn trẻ bồn chồn nhớn nhác như vậy thì chúng không hề biết rằng một số người lớn có trách nhiệm với chúng đang bối rối lo âu. Mặc dù các cuộc họp xã viên để quán triệt việc cho con em nhập ngũ được tổ chức hết sức long trọng và chu đáo. Và trong các hội nghị đó gần như ai cũng phát biểu hăng hái, cũng thi đua, cũng ủng hộ... Nhưng cũng có một số người thì trong bụng lại nghĩ con mình chắc chắn không phải đi đợt ni. Chính số đã là những người bị bất ngờ nhất. Thoạt đầu thì họ cảm thấy rằng những đứa con bỗng dưng đổi ngược tính nết. Ví dụ như thằng Liêm con thím Cải. Nó học hết lớp chín rồi mà tính nết vẫn bằng nhắng như đứa trẻ lên năm. Không có chiếc quần nào của nó mà không rách đũng. Nó có thể đá bóng suốt cả buổi trưa mùa hạ nắng sém gáy. Nó không hề ngồi yên được quá mười phút kể cả lúc học bài. Chân cứ rung liên hồi liến thoắng như có bệnh động kinh. Thực ra nó chẳng có bệnh tình chi hết. Đã bảo tính nó bắng nhắng mà. Rứa rồi, đùng một cái nó hiền như đi tu. Cái khuôn mặt xương xẩu, dài thuỗn như cái lưỡi cày ấy thỉnh thoảng lại thừ ra. Gọi một tiếng nó giật bắn mình rồi "Dạ" liến thoắng mồm.
Hôm đầu thì thím Cải nhếch mép cười. Sáng hôm sau thì thím đã phải nhíu cặp lông mày thưa thớt lại mà ngó trân trân vô nó. Đến trưa thì thím trố mắt ra, mồm bỗng lắp bắp như người nói lắp. Thằng Liêm vẫn "dạ" và mặt cứ ngớ ra. Hay nó ưng lấy vợ? Mới mười bảy tuổi đầu mà nghĩ chuyện đó thì hư thân thôi. Rồi thím bồn chồn chờ bóng một đứa con gái nào đó rẽ bước vô ngõ nhà mình...
Còn thằng Thái con dì Lài thì lại là một dạng khác. Xưa nay nó có cái miệng gần như để nhai cơm chứ không phải để nói. Muốn dò ý nó thì phải lắng nghe cho rõ những cái ầm ừ trong cổ. Nừu nó ầm ừ gọn và to thì nó ưng. Còn nó cứ rền rền như mèo nằm bếp thì có nghĩa là nó bực bội. Thỉnh thoảng lắm mới nghe nó nói vài tiếng. Thí dụ, đến bữa ăn, nó mời "cơm!". Ăn xong, đứng dậy, cha hỏi đi đâu, nó đáp "họp". Nó là đứa đẹp trai nhất nhà. Tóc quăn, mắt sáng, hai gò má nhú hồng cân đối như mặt con gái. Mặt đẹp vậy mà tính lại cục. Làng xóm bên ngoài cho rằng nó cục cằn là do bực bội với gia đình. Có thể có phần đúng như vậy. Gia đình dì Lài luôn luôn bức bối. Một ông hai bà. Làng xóm ai cũng biết tâm tính dì Lài. Lại thêm bầy con trai rất được nuông chiều nên rất ngổ ngáo. Đứa bé nhất cũng có thể quát trả anh lớn. Thậm chí quát cả dì Lài.
Rứa mà mấy hôm ni, Thái ăn nói dịu dàng đến mức không ngờ.
- Ăn mau đi mà dọn dẹp, út.
Thái nhắc thằng em cuối một cách nhẹ nhàng như vậy. Rồi Thái đứng dậy vẻ vội vã. Dì Lài hỏi dò:
- Mi đi đâu chừ? Có vô ghi điểm cho cha không?
- Dạ có - Thái nói rất từ tốn - Rồi con lại đi có chút việc nữa.
Nó nói chưa dứt câu thì đã thấy bóng thằng Liêm lấp ló ngoài bụi tre. Một tiếng huýt sáo khe khẽ. Thằng Thái lè lẹ lách cửa đi ra. Thoắt cá cả hai đã biến ra ngõ.
Nó đi đâu tất nhiên không quan trọng lắm. Xưa nay nó vẫn ít ngồi ở nhà. Nhưng dì Lài băn khoăn nhất là tâm tính của nó. Rứa mới hay, con người ta bỗng dưng tốt hơn trước cũng làm cho kẻ khác lo lắng. Một ngày, hai ngày, rồi đến ngày thứ ba, dì Lài lo nghĩ thực sự.
- Không biết tụi hắn kéo nhau đi đâu cả đêm, thím à?
Dì Lài hỏi thím Cải như thế khi gặp thím đang chống hai tay vô hông mà gào đến khản tiếng: "Liêm! Liêm!..."
- Nghe nói chúng hắn học võ, bác ạ.
- Răng? Học chi?
- Học võ - Thím Cải nhắc lại rồi ngồi bệt xuống đám cỏ bên mép bờ trúc.
- Cha mạ ơi! Con với cái... Rứa thím thấy hắn học ở đâu? Ai dạy?
- Mấy ông trên huyện đội hay ngoài quân khu chi đó. Họ dạy là dạy cho trinh sát dân quân. Bọn con nít chúng hắn chạy học theo.
- Cha tổ, ngu chi mà ngu lắm rứa - Dì Lài chưởi hằn học - Rứa rồi nhọc xác, hoặc què tay què chân thì ai nuôi! Con với cái. Tê nhưng ai nói với thím?
- Tôi phải căn vận mãi thằng Liêm nhà tôi mới nói. Lại còn nhiều chuyện nữa tê...
Dì Lài không dấu nỗi sự tò mò:
- Chuyện chi thím?
- Nhưng mà... bác đừng có bép xép.
- Cái thím này, tôi con nít hí?
- Nghe nói... thằng Mỹ nó sẽ đổ bộ ra cả miền Bắc bác ạ!
- Há?
- Thằng Mỹ ấy nờ. Cho nên bọn con nít nó học võ để tự vệ.
- Trời đất!...
Dì Lài bỗng thở gấp và cảm thấy tay chân bủn rủn, trống ngực đập thình thịch y như đã trông thấy kẻ địch vượt qua cầu Hiền Lương.
- Nhưng mà bác đừng có bép xép - Thím Cải nhắc lại.
Dì Lài "dạ" rất khẽ rồi cố ngồi xích lại thì thầm:
- Hèn chi tôi nghe bọn dân quân xầm xì chuyện Cồn Cỏ. Thím này, có phải nó đổ bộ Cồn Cỏ rồi không?
- Có... có thể rồi. Nhưng tôi cũng chưa nghe ai nói?
- Há? - Dì Lài vặn lại - chưa nghe nói thì răng lại có thể?
Thím Cải mở to đôi mắt trắng đục ra ngó trân trân vô dì Lài như thể chính mình mới là người cần hỏi câu đó.
- Bác lú thiệt. Thằng Mỹ thì hắn muốn đổ chỗ nào mà chẳng được. Bên Trung Đông, Trung Tây nó còn đổ nữa là...
- Rứa là hóa ra mình thua à?
- Hừ, mình thua răng được? Mình mạnh lắm chứ bác tưởng. Nhưng mà, thằng Liêm tôi nó nói cũng nhằm. Tốt nhứt là nên biết võ. Đó, tuần trước ở dưới cầu Hiền Lương nện nhau, bác biết không?
- Dạ không!... - Dì Lài trả lời rất thành khẩn.
- úi chà, cả một đồn mình đánh võ với đồn cảnh sát. Rồi mình ôm tất cả chúng nó ném xuống sông. Nó chết hết!
- Răng tui nghe con Phương nhà tui nói là chỉ ném có cái thằng thượng sĩ đồn phó...
- Hừ - Thím Cải lại trợn đôi mắt đục mờ lên - Đã ném được thằng thượng sĩ thì trung sĩ, đại sĩ chi mà chẳng ném được. Tui cho là họ ném hết.
- Dạ, thím nói phải - Dì Lài lại gật đầu thành khẩn.
Câu chuyện cứ thế mà xầm xì, một hóa mười, mười hóa trăm. Thím Cải vẫn luôn luôn không quên nhắc: "Nhưng mà bác đừng có bép xép..." Dì Lài lại "dạ" rất thành khẩn. Và câu chuyện cứ xầm xì cho tới lúc đàn trâu hợp tác đã no căng và lúc lắc những đôi sừng ngật ngưỡng đi về chuồng.
Bỗng có tiếng thằng Tào, con út dì Lài, gọi ở ngõ:
- Mạ!... Về!
Dì Lài mệt mỏi đứng dậy:
- Chi rứa mi?
- Về xã đội gặp.
- Há? Ai gặp?
- Xì, xã đội. Nói hoài. Anh Thái đi bộ đội.
- Hứ?
Dì Lài tưởng như mặt đất dưới chân rùng rình sàng gạo. Dì mở miệng định hỏi thêm nhưng Tào đã chạy ù mất. Dì hoảng hốt lao theo y như có đám cháy nhà. Thím Cải nhìn theo chép miệng:
- Răng rồi cũng cãi nhau cho coi *
Lẽ ra thì chẳng đến nỗi phải cãi nhau vì dì Lài đã ôm lấy Thái mà mếu máo với vẻ đầy thương cảm:
- Con ơi!... Rứa đi tuyển khi mô mà không cho mạ biết?
Thái khoái trá như vừa hoàn thành xong một nhiệm vụ hết sức mạo hiểm:
- Cho dì biết răng được. Con trốn trường về tuyển ở xã mà...
- Ơ... Rứa thì đời nào xã người ta lại cho...
- Xi, dì chẳng biết chi hết. Chị Phương làm "nội ứng" giỏi lắm...
à, ra vậy. Hóa ra con Phương nó ngấm ngầm giúp thằng Thái. Mà chưa biết chừng chính con Phương đã xúi giục. Trời ơi, thế này thì chịu răng được. Dì thấy phải cố gào lên để tạo một sức mạnh cần thiết nhằm trấn áp những đứa con "bất hiếu chi tử", nên dì rất chóng mệt. Khi mặt trời sắp lạn thì cổ dì đã khàn đặc. Lẽ ra biết điều dì nên hạ thấp giọng xuống một tý. Nhưng không, dì vừa khạc, vừa hét, vừa lau mồ hôi. Cho đến lúc trời tối hẳn thì tiếng dì cũng xẩm xịt lại. Chỉ còn những âm điệu cót két như tiếng bánh gỗ xe trâu.
Thái không hề nói lại nửa câu. Hoặc là có nói nhưng chẳng ai nghe thấy. Thỉnh thoảng mặt Thái đỏ gay lên và những tiếng gầm gử kéo dài trong cổ. ấy là Thái rất khó chịu. Khó chịu nhưng vẫn phải bấm bụng chịu. Không phải nó sợ dì. Xưa nay con cái trong nhà có ai sợ dì đâu. Cái chủ yếu là Thái nhận thấy thái độ của những người xung quanh chưa ai ủng hộ mình. Ông Cỗu lẳng lặng bỏ qua nhà chú Quất. Xưa nay ông vẫn thế. Tốt bụng nhưng cục cằn. Cục cằn mà lại bất lực. Những lúc trong nhà có chuyện to tiếng ông thường lùi lũi bỏ đi. Đến khi thấy quá đáng, ông mới hằm hằm trở vô chưởi át một câu "Tổ thằng cha chúng mày..." Rồi ông vớ luôn cái bàn xắt thuốc hay rút con dao lợ trên mái nhà trở ngược cán phang liền mấy cái. Ông thường đánh mấy cái liền cho nó công bằng. Nghĩa là mỗi người tham gia trong cuộc cãi nhau thường được chia đều một phang, không cần phân biệt trái phải. Và, trong nhà ông Cỗu, sự cãi nhau, đánh nhau cũng được phân chia khá đều từng tuần, từng tháng. Căn nhà gỗ năm gian làm trái hướng, gió nam không tới, gió nồm không vào, càng ngày càng nực nội, bí bức. Có lẽ vì rứa mà con cái dì Lài mặc dù được nuông chiều hết mức chúng vẫn chán ngấy gia đình, chán lẫn nhau, chán cả bố mẹ. Duy chỉ có hai người làm chúng nể và sợ. Đó là mạ Ngải, vợ cả ông Cầu và Phương, con gái mạ.
Phương hôm nay đi theo đội xung kích lên rừng chặt lá làm phân xanh chưa về. Thái chỉ còn trông chờ vô thái độ của mạ Ngải. Nhưng không hiểu răng mạ vẫn không nói một lời. Thái cứ phải bấm bụng chịu chưởi. Có lẽ mạ Ngải cũng hiểu điều đó, nhưng vẫn im lặng. Mạ bỏm bẻm nhai trầu và chốc chốc lại liếc mắt nhìn dì. Cho đến lúc cảm thấy dì đã đuối sức vì mỏi mệt, mạ mới chận rãi lên tiếng:
- Thái...
- Dạ... - Thái hồi hộp xích lại gần mạ Ngải
- Rứa mấy ngày nữa con mới lên đường?
Trời ơi, mạ hỏi vậy khác chi một sự mặc nhiên thừa nhận. Thái như muốn nhảy cẫng lên. Nhưng nó kìm lại được.
- Một tuần nữa mạ ạ - Thái nói rồi quay vù trở lại. Nó nhào vô chỗ kê chiếc hòm gỗ, xáo tung, lật tìm sầm sầm. Dì Lài ngừng chưởi và trố mắt ngó nó. Thái vẫn xáo, vẫn lật, vẫn tìm... Rồi đột ngột ôm choàng cả một mớ sách vở, bìa ảnh và gần như tất cả những gì có trong chiếc hòm gỗ ấy ra giữa sân. Nó làm chi vậy? Chưa ai kịp nghĩ ra thì ngọn lửa đã đột ngột bùng cháy. Trời đất ơi! Không ai kịp ngăn lại nữa rồi. Lửa bốc lên rần rật. Mặt Thái hừng đỏ dữ dội.
Dì Lài bỗng lồng lên như một con lợn nái:
- Trời ơi là trời!... Nó đốt, nó phá hết ư? Ai mua, ai sắm cho nó? Con ơi là con!... Đồ ngu như chó. Mày đốt đi!... Này... Thà nao đẻ ra con ngỗng con ngan còn có ích hơn mày, đốt đi... Dì nhào vô buồng, lôi gằing từ trên chiếc sào xuống những cái áo, cái quần, cái ni lông của Thái. Dì lật bật chạy ra sân ném vô mặt Thái kèm theo những tiếng "này, nì... đốt đi". ừ, thì đốt. Đốt hết. Thái thản nhiên như một người nung lò gạch. Dì dưa cái gì nó ném luôn vô lửa cái đó. Mạ Ngải hoảng hốt chạy ra. Mạ ôm choàng lấy Thái mà khóc. "Con điên rồi hả con!..." Mạ khóc, Thái bỗng nhiên cũng khóc theo. Dù sao thì nó vẫn còn là đứa trẻ con mà.
Ngọn lửa bùng lên nhanh và lụi đi cũng nhanh. Khi các tập giấy chỉ còn là những tập than mỏng lay lay trong gió thì dì Lài cũng gần như kiệt sức. Dì lăn ra giường thở những hơi dài não nề, hai tay đập xuống chiếu bèn bẹt. Cái giọng nói cót két lại chuyển qua kể lể:
... "Đứa lớn cho chí đứa bé... đứa khôn cho chí đứa dại, con gái cho chí con trai... (Thực ra dì làm chi có con gái, ấy là dì nói kháy con Phương)... Trời hỡi trời, có con mà khác thể độc thân.... Mang nặng đẻ đau mà đến cái tiếng mạ nó cũng không thèm gọi... (dì lại nói kháy mạ Ngải). Đẻ cho nhiều chỉ tổ đau... Nó đi, nó đứng nó không thèm ỉa lên mồm cha mạ một câu. Nhà ni vô phúc đến thế là cùng... Chẳng còn ai nói nổi ai. Con không cha như nhà không nóc... (ý dì lại muốn xỉa xói ông Cầu không biết dạy con)...
Cứ nghe những câu nguyền rủa đầy ngụ ý của dì Lài người ta dễ dàng nhận ra đây không còn phải là chuyện đi bộ đội của Thái. Thực ra đi hay không đâu phải tùy thuộc ở dì. Căn nhà gỗ năm gian của ông Cỗu hàng chục năm nay như căng đầy hơi ngạt. Chỉ cần một lỗ rò nhỏ là có thể bùng toạc ra ngay. Mạ Ngải hiểu rất rõ điều đó cho nên mạ ôm lấy Thái mà khóc. Rồi mạ buông Thái, rời đống lửa rần rật giữa sân, mạ lần dò đi vô bếp. Mạ ngồi lâu trong bóng tối, lòng u uất, ngổn ngang. Từ ngày dì Lài về cái nhà này, mạ chưa có lấy một ngày thanh thản. Chính mạ đã đi cưới dì về cho ông Cỗu. Rồi cũng chính bàn tay mạ đã nuôi cả năm đứa con đẻ của dì... Mạ đã bàn với con Phương năm lần bảy lượt về chuyện ăn riêng bởi không muốn vì mình mà gia đình thêm lục đục. Nhưng con Phương không chịu. Tính nó ưa bay nhảy. Ăn riêng ra không lẽ cứ để mạ thui thủi một mình. Nhưng cứ chung đụng mãi như ri thì rồi tan tành đổ nát hết. Mạ khóc và tự giận cho số kiếp của mình...
Trong lúc căn nhà năm gian làm trái hướng của ông Cỗu đang bí bức những hơi tham và chìm nghỉm trong cái lặng im nặng nề thì bên ngoài trời, trăng đã vọt lên tự lúc nào. Trăng tự tin và minh bạch. Cánh đồng Lâm Sơn Thủy đong đầy ánh trăng. Nước từ đập La Ngà tràn về mương thủy nông loáng bạc. Con sông Sa Lung ngập gió. Mặt nước như ớn lạnh khẽ rùng mình. Sóng gợn li ti. Giọng hò mái đẩy của các chàng trai, cô gái đi đò dọc chở phân xanh từ bến quan về ngân dài trên sông, chảy đẫm trong trăng. Thái lẻn ra bờ sông. Không phải để ngắm cảnh. Thái nóng ruột chờ chị Phương. Những giọng hò vẫn nối nhau trôi trên nước. Kia là giọng chị Bình ở thôn Lại Xá... đó là giọng thím Tuất... chà thím ấy đã trên bốn mươi rồi mà giọng vẫn trong veo. Thuyền chở lá cứ cặp nhau hai chiếc một mà lướt. Sao không thấy thuyền Lại Đức hè? Thái nóng ruột chờ chị Phương.

*

Sông Sa Lung tuy nhỏ nhưng khá đẹp. Đẹp và ngoan như một cô gái miền Trung. ở những ngọn núi phía trên Vĩnh Ô, Vĩnh Khê của Trường Sơn, nó chỉ là một con suối. Con suối bé tẹo như một đứa trẻ vô tư suốt ngày rúc rích cười. Đứa bé không cần biết mình sẽ phải trôi về đâu, chảy về đâu. Nói chung nó chưa có ý niệm về sự trôi dạt. Khi con suối ấy xuối về đến Bến Quan thì nó đã thành dòng.Đã đẩy đà thêm ra như cái tuổi dậy thì của em gái. Nó biết mình đang chảy. Đã có những mái chèo lách cách khua động đêm trăng. Tuy thế nó vẫn là suối và còn rất nông cạn, trong veo. . Người ta vẫn nhìn rõ mồn một từng hòn đá cuội. Vẫn gặp cái tiếng róc rách ngây thơ của nó đùa giỡn với bến đá, bờ lau. Xuống đến cầu Sa Lung thì sông đã thật sự lớn. Đôi bờ lá tre rũ tóc xuống. Nước bẽn lẽn trôi. . Rồi khi chảy qua cánh đồng Lâm Sơn Thủy thì sông đã bắt đầu phải làm cái phận sự mà bất cứ con sông lớn nào cũng làm, mang phì sa cho đất. Đã bắt đầu cho đời cái của riêng mình thì sông thường kín đáo hơn, lặng lẽ hơn nhưng cũng hay giận hờn, buồn tủi. Người con gái ấy đã bắt đầu biết yêu. Biết hiến dâng và đòi hỏi. Sông Sa Lung qua khỏi đất Vĩnh Thủy thì nhận thêm cho mình một nhánh khác là sông Hồ Xá. Chỗ đó là đất Vĩnh Lâm. Sông kết hôn và đa mang thêm một mối. Nhưng rồi hai nhánh sông ấy cũng không thể chỉ vì nhau mãi. Đến bến phà Vĩnh Sơn thì tất cả dòng nước chắt chiu từ thượng nguồn kia trao hết mình vào cho sông Bến Hải. Không còn ai nhắc đến hai chữ Sa Lung ở nơi này. Mà cả đến Bến Hải cũng thế thôi. Nó quặn đau, cào xé ra tận Vĩnh Quang thì gặp biển. Nó hòa tan vào sóng Cửa Tùng, trao hết lòng mặn ngọt cho biển Đông. ấy là khi người con gái đã trưởng thành làm mẹ. Mà đã làm mẹ thì có giữ được cho riêng mình cái gì đâu. Đến cái tên riêng cũng không ai gọi...
Nhưng thôi, hãy trở lại khúc giữa dòng, nơi con sông Sa Lung vừa trượt qua đất Vĩnh Thủy của nhà Thái, tiến về địa phận Vĩnh Hòa, quê của Lợi. Chỗ đó có một bến phà gọi là phà Châu Thị. Trên bờ phía đông, có một dãy ruộng thả sen. Tháng năm, mùa sen nở. Đêm trăng đầy dẫy hương sen thơm đến nghẹn ngào.
Trên bờ ao sen ấy, đêm ni có một người con trai và một người con gái đang đi thông thả bên nhau. Họ đã nói với nhau những chi nhiều lắm, nhưng đến chừ thì im lặng. Họ im lặng như thể cùng lắng nghe từng thời khắc khép mở của cánh sen. Người con trai có dáng đi mềm như múa, tóc chải mượt, Chiếc áo sơ mi cọc tay với những sọc dài buông thõng. Người con gái chắc nịch trong tấm áo dệt kim trắng mịn, tóc kẹp lửng thả dài về sau, óng ả buông gần tới gót. Chiếc trán cao đầy vẻ bướng bỉnh thỉnh thoảng lại ngửa lên trời lắc nhẹ. Hai cánh tay trần vòng đằng trước ngực như cố tình giữ chặt những hơi thở vội vàng bồng bột đang phả chen vào hương sen.
Họ vẫn đi thong thả qua hết bờ ao rồi dừng lại dưới bóng cây trúc, nhìn ra mặt nước. Sông Sa Lung chỗ này là nơi đầy đặn nhất, chan chứa nhất. Và đêm nay hình như trăng cũng sáng nhất, sáng đến mức tưởng như không ai còn có thể giấu nhau được điều gì. Có lẽ vì rứa mà cả hai cùng im lặng. Trăng đã vượt qua dãy cau của xóm Đơn Thầm, chừ thì trăng đã ngay trên đầu họ. Bóng hai người thu dần vào đôi chân rồi mất hẳn. Chỉ còn có họ và trăng. Đã đến lúc không lặng im được nữa.
- Phương đồng ý nghe?
Người con gái chợt cười rồi hỏi lại một cách ngây thơ y như nãy giờ không hề nghĩ ngợi:
- Nhưng đồng ý cái chi đã chứ?
- Thì đó, anh đã nói lúc nãy rồi - Vất vả lắm người con trai mới lấy đủ hơi để nói tiếp - Anh đã nghĩ rồi, tất cả chỉ vì cuộc sống của em thôi. Lần ni anh đi xa, mà rồi xa mãi...
Phương đột ngột ngắt lời:
- Anh đi học đạo diễn có hai năm, làm chi mà xa mãi?
- Không, học xong anh ở lại Hà Nội. Nhất định thế - Giọng người con trai sôi nổi hẳn lên - Từ lâu anh vẫn khát khao được hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Mà đã là chuyên nghiệp thì không có đất nào "dụng võ" tốt hơn là ở thủ đô.
- Tại răng lại rứa hè? - Phương lại ngắt lời nhưng lần này giọng nói có vẻ sẽ sàng hơn.
Giọng người con trai đầy bực bội, hằn học:
- Em nghĩ coi, Vĩnh Linh mình có mỗi cái nhà hát bằng lỗ mũi, còn cái đoàn văn công thì lèo tèo mấy chục người, chẳng hơn gì đội nghiệp dư. Hoạt động ở một Ty văn hóa bé tẹo như vậy làm chi có sự nghiệp. Lần này anh ra đi là vĩnh biệt. Con người ta sinh ra ở đâu không quan trọng, nhưng nhất thiết phải chọn cho mình một mảnh đất mà sống, mà vẫy vùng.
Người con trai chợt ngừng lại. Hình như anh cũng cảm thấy trong say sưa nói về hoài bão của mình anh đã bước quá nhanh để tụt lại đằng sau một khuôn mặt đang tái dần trong hơi sương se lạnh.
- Công việc của anh thì dễ thôi. Điều làm anh suy nghĩ nhất chính là cuộc sống của em, hôm nay và ngày mai - Người con trai nói dè dặt từng tiếng một. Rồi sau vài giây ngần ngừ giọng anh bỗng vang lên dồn dập, mãnh liệt - Dứt khoát em không thể ở căn nhà ấy được. Cũng không thể ở mãi cái đất này được. Ra ngoài đó, trước hết cứ ở tạm nhà bác anh. Rồi sau sẽ xin việc. Anh có khá nhiều bạn bè ở Sở văn hóa Hà Nội. Hoặc nếu em vẫn mê nghề thể thao thì anh sẽ liên hệ ở Tổng cục Thể dục thể thao cho em. Một xạ thủ đã từng hai lần giật giải huy chương vàng thì nhất định không ai bỏ cả. Mà ở đất thủ đô, người ta biết quý nhân tài. Em đừng lo.
Bỗng Phương ngước lên hỏi bằng một giọng khô đanh:
- Rứa còn mạ em?
- Mạ em? Tại răng chỉ còn mạ em? Còn dì, còn cha, còn các em nữa. Dù sao đó vẫn là một gia đình. Có em cũng thế mà vắng em thì đã sao?
- Không. Anh chẳng hiểu chi hết - Giọng Phương đã run run.
- Anh hiểu rồi - Người con trai cười nửa môi - thậm chí còn hiểu sâu sắc nữa kia. Nói thật, em còn nặng gia đình lắm. Cứ như thế thì làm sao có hoài bão lớn, có tương lai đẹp đẽ được. Giờ thì thấy vấn đề nó đơn giản. Nhưng vài năm nữa, tuổi tác lớn lên chút nữa, nhất định em sẽ ân hận.
Phương nín lặng, cúi mặt. Cô không nói không phải vì sợ mất lòng người yêu. Bản tính cô xưa nay gần như chưa hề biết sợ mất lòng. Nhưng những lời của Đường vừa nói đã làm cuộn lên trong cô một nỗi chua xót. Lớn lên trong một gia đình đông đúc, ồn ào nhưng lúc nào Phương cũng cảm thấy lạc lõng chống chếnh, không biết bấu víu vô ai. Có lẽ vì rứa mà Phương rất ham những hoạt động xã hội. Những lúc lăn lộn trên trường bắn, những sáng chạy tập điền kinh, những đêm diễn kịch trong đội tuyển văn nghệ của Ty văn hóa là những giờ phút sung sướng nhất của Phương được sông hết mình cùng bè bạn. Và chính trong những buổi ấy, Phương đã gặp Đường. Cặp mắt sắc và dài lúc nào cũng long lanh dưới đôi lông mày mỏng nhỏ, đôi môi hồng như môi con gái luôn luôn uốn lượn để phát ra giọng nói mượt mà và ẩm ướt của Đường đã tạo cho anh một nét duyên dáng khá đặc biệt mỗi khi đứng trước tập thể diễn viên văn nghệ. Anh gợi ý tâm lý nhân vật cho Phương diễn. Rồi anh khen ngợi Phương làm cho cô xấu hổ, đỏ mặt. Dần dần anh gợi ý cả những triển vọng, tiền đồ được bắt đầu nhen nhúm trong năng khiếu nghệ thuật của Phương. Rồi một lần, bên bờ sông Hồ Xá, dưới ánh điện xanh của tầng hai khách sạn hắt ra, anh đã gợi ý đến một sợi dây sâu nhất, mạnh nhất trong tâm hồn người con gái vốn có cái dáng ngang tàng bên ngoài kia. Phương đã choáng váng đến ngẩn ngơ trước tình yêu quá đỗi bất ngờ ấy. Cô im lặng và khóc... Từ bấy tới nay đã gần trọn một năm, Phương như một con ong say mật, chếnh choáng bay trong những lời gợi ý. Tất cả chỉ là sự gợi ý. Thoạt đầu thì xa xôi trăng nước, dần dần xích lại gần thêm như hơi gió lan man tắm vào da thịt. Cứ thế, những gợi ý thấm dần như giọt mực ăn sâu qua các tầng giấy mỏng. Ngọt mát mà vô hình.
Không ngờ đêm nai, dưới ánh trăng khuya sáng đến lạnh người, mọi gợi ý đều đã lật ra như bàn tay để ngửa. Phương vừa ở rừng về, chưa kịp ăn cơm đã nghe con bạn tới nhắn lên cho anh gặp. Tưởng có chuyện chi, ai ngờ sự thể lại như vậy. Anh ấy bắt mình phải bỏ tất cả để đi theo. Anh ấy học đạo diễn, đương nhiên rồi sẽ có nghề. Còn mình, cuộc sống sẽ ra răng? Hay lại suốt đời nương tựa vô đồng lương của chồng? Rồi mạ nữa? Liệu mạ có sống mãi với dì được không?
- Phương!...
Tiếng Đường cất lên khe khẽ, làn hơi đã phả sát vào nồng nàn bên thái dương Phương. Nhưng răng Phương vẫn nghe như tiếng gọi từ một nơi xa xôi nào đó vẳng tới, phảng phất và mơ hồ...
- Phương!... Em hãy nghe anh! Em có yêu anh thực sự không?... Thương nhau chín núi mười đèo cũng qua kia mà... Hãy đi với anh. Mạnh dạn mà đi! Cương quyết mà đi. Chẳng lẽ tình yêu của chúng ta chưa đủ tạo cho em một sức mạnh để dứt khỏi đất này ư? Rồi mai mốt ổn định đời sống, mua được nhà cửa, ta sẽ đón mạ ra. ừ, cũng nên đưa mạ thoát khỏi cái mối bùng xung ấy. Anh cũng biết đời mạ khổ nhiều, suốt đời sống vì người khác, làm cho người khác. Rốt cuộc mạ có còn giữ lại cho mình được chút gì đâu. Mạ cũng phải đi!
Anh ấy nói những chi vậy? Nói về gia đình mình hay đang gợi ý về một tình huống kịch, một hành động của nhân vật nào đó... Phương muốn gọi to lên một tiếng: "Anh!" để những lời mơ hồ kia hoặc tắt đi hoặc sát gần lại. Nhưng cổ Phương đã se lại chỉ đủ để cho một tiếng thở dài phát ra.
Đột ngột có tiếng kẻng báo động. Những âm thanh chát chúa đập tơi bời vào sương đêm làm huyên náo tất thảy mọi sự lặng yên của bờ sông. Cái giọng nói mơ hồ bên tai Phương cũng bất ngờ tắt ngấm. Từ phía bờ nam, một tiếng rì rì nặng nề vọng lên. Rồi tiếng động mỗi lúc một to thêm, thô bạo thêm. Trong ánh trăng vằng vặc, Phương đã trông rõ cái hình chiếc C.47 đen trùi trũi chậm chạp bay như trườn qua đầu các ngọn tre.
Bụp... bụp... xoẹt... xòe... Năm vệt sáng lăn tăn như kim tuyến rơi dọc xuống, rồi bật ngờ năm cái đèn dù bật lên, sáng chóa. Người con trai đứng bên Phương ngồi thụp xuống tự lúc nào. Vừa lúc ấy, tiếng súng mặt đất dậy ran lên khắp bốn phía. Súng trường nổ phát một, súng máy kéo từng điểm xạ dài. Một phản ứng nghề nghiệp bất ngờ xuất hiện, Phương đưa hai tay lên, cô nheo mắt trái, nín thở... Nhưng ngón tay bóp cò của Phương chợt khựng lại. Đêm ni Phương đi gặp người yêu, làm chi có súng. Mà giả sử có súng thì cái viên đạn chì của khẩu BRNO 4 kia đâu có ăn nhằm chi. Vô vị hết sức. Khối đen trên đầu vẫn rầm rì bay. Súng mặt đất vẫn nổ ran bốn phía. Cả Vĩnh Linh lúc ni chắc đã thức dậy mà nhìn lên trời hết rồi. Đêm nào cũng có vài lần như vậy. Những năm tháng bình yên đã qua. Lúc ni mà bỏ đất giới tuyến để đi thì cô độc và bạc bẽo biết mấy. Mà thà rằng đi chiến đấu cho cam. Chợt Phương nhớ tới mấy ngày khám nghĩa vụ vừa rồi. Nghe nói cả khu vực đợt này đi tới hàng ngàn người. Lớp trẻ Vĩnh Linh như cờ gặp hội. Phương mang máng nhớ tới cậu con trai có dáng người dong dỏng cao, đôi mắt xanh thẫm hôm nào gặp ở bến đò chỗ các em bị nạn. Cởu ấy đã trúng tuyển rồi. Chắc sướng lắm. Ra đi như vậy mới xứng nghĩa ra đi! Chứ như mình?...
Tiếng lì rì trên đầu đã xa dần ra phía Vĩnh Chấp rồi mất hút vô khoảng trời ngoài Quảng Bình. Giọng nóimơ hồ bên cạnh bất chợt lại vang lên nhưng lần này có vẻ gấp gáp hơn:
- Sao em?
- Sao?
- Ơ hay, em cứ như người mất hồn ấy. Một tuần nữa anh phải r a đi rồi...
Phương chợt cười mỉa mai:
- ừ, hè! Một tuần nữa anh cũng ra đi. Lúc đó, đợt nghĩa vụ quân sự cũng ra đi đó, anh biết không?
Đường nhăn nhó vẻ khó chịu:
- Sao em lại nói tới chuyện đó. Cái cần nhất là em có đi không?
Phương cười to hơn:
- Có! Em rất muốn đi, nhưng...
- Nhưng sao em?
- Em chưa khám, không biết có trúng tuyển không?
Đường ngớ ra. Cặp môi hồng nhếch lên cười méo mó:
- Lúc ni rồi mà em còn đùa được. Em có biết chiến tranh rồi sẽ thế nào không? Đừng ai đùa với chiến tranh cả. Đặc biệt là ở cái đất đầu cầu này...
Phương quay ngoắt lại, cặp mắt tròn xoe mở căng nhìn chằm chằm vô Đường. Giọng cô chua chát:
- Có phải vì rứa mà anh đã tính đến căn phòng của ông bác anh ở Hà Nội không?
- Tính là tính cho em...
- Thôi đủ.
Phương định nói thêm câu chi đó nữa nhưng giọng cô đã nghẹn lại. Cô quay lui, mặt cúi gầm bước đi như chạy.
Đường sững người đứng như chôn chân dưới tán lá tre quệt bóng lòa xòa. Bóng chiếc áo dệt kim của Phương đã nhỏ dần về phía cuối bàu sen. Vất vả lắm Đường mới nhổ chân lên và bước luýnh quýnh tới bên chiếc xe đạp. Anh lên xe đạp chếch choáng. Đến sát Phương cả hai chiếc phanh cùng kẹt lại:
- Phương!... Em giận anh à? Anh làm gì mà em giận?
Im lặng. Chân Phương bước lập cập mau hơn. Đường cà nhắc một chân chòi xuống đất, chiếc xe đạp lại trườn lên:
- Thôi, lên đây anh đèo về! Phương!
Phương dừng lại, lạnh lùng:
- Thôi, anh về trước đi!
- Lên đây anh đèo về.
- Đã bảo anh về đi mà lại - Giọng Phương gắt gỏng hơn.
Đường vẫn cố kìm tay phanh, van nài:
- Hay cứ lấy xe anh mà về. Anh đi bộ gần hơn...
Nhưng Phương đã bước tránh chiếc xe rồi cúi đầu đi thẳng. Được mấy bước, Phương dang rộng hai tay, duỗi ra gấp lại, thở những hơi sâu vào lồng ngực. Đường nhìn theo, nuốt khô một cái gì trong cổ họng rồi bất ngờ thả "rắc" cả đôi phanh. Chiếc xe đạp lao lên, lướt qua sườn Phương, vút thẳng.
Bỗng Phương dừng sững lại. Chiếc xe đạp mà cô vẫn thường đi, đang phóng lảo đảo phía trước, trên mặt đường nham nhở dấu chân trâu. Rồi một ngày không xa nữa, nó sẽ hòa vào cơ man những dáng xe, những dáng người trôi không dứt trên một đường phố xa xôi nào đó. Bất giác Phương úp mặt vô hai lòng bàn tay, nước mắt như muốn ứa ra. Thôi, đừng nuối tiếc nữa... Phương ngẩng mặt nhìn lên, cố thở lấy một hơi thật sâu cho lòng trầm tĩnh lại. ờ, đêm ni trăng sáng thật, sáng đến mức không ai có thể giấu nhau được một điều gì.

*

Việc Thái đi bộ đội rốt cuộc chẳng thành một vấn đề chi quan trọng nữa cả. Dì Lài cũng thôi không nói chuyện ấy. Có lẽ vì dì biết chắc rằng nói cũng chẳng cản được nó. Mấy lại, con làng xóm đi cũng đông. Cả thằng Liêm con thím Cải cũng đi. Thím Cải xưa nay vốn chịu tiếng là người lắm chuyện rứa mà lần ni cũng hể hả đi bắt gà về nấu nồi cháo thiệt to mời nội ngoại xa gần đến liên hoan. Người ta khen thím Cải mà dì thấy xót ruột,. "Con gà tức nhau tiếng gáy" dì đâu có chịu mang tiếng lạc hậu. Rứa là Thái thoát chưởi. Nhưng việc ăn ở trong nhà thì nhân cái cớ này mà bước vô giai đoạn "quyết liệt". Dì Lài với mạ Ngải đã dứt khoát ăn riêng. Họ nhờ ông đội trưởng xuống chứng giám, lại mời cô thư ký đội phó tới tính dùm để chia số thóc vụ vừa qua. Chuyện vì rứa mà đâm to ra. Làng xóm kéo tới nhòm vô. Chia bôi đong đếm... Lại thêm vài câu nói kháy: "Có con rựa cùn đó, chị có lấy thì lấy nốt", "Thôi mà, dì để mà dùng. Đông con đông cái tốn kém hơn tôi", "Đông ăn thì đông làm chị ạ, chẳng đến nỗi đi xin". "Dì nói phải. Mọi sự do tay mình làm ra. Kẻ ở nhờ, ở độ mới phải xin xỏ"... Cứ rứa mà đong, dếm, mà nói nói, cười cười...
Thái không ra vui, không ra buồn. Anh ngồi lẳng lặng coi như việc của nhà khác. Được cái là không ai can ngăn chi chuyện đi bộ đội nữa, rứa là yên rồi. Còn ông Cỗu thì hết đi vô lại đi ra, miệng lầu bầu những chi không ai rõ. Thỉnh thoảng người ta mới nghe ông chưởi bục ra một câu chưởi muôn thuở "Tổ thẳng cha chúng bay" Chẳng biết ông chưởi vợ, chưởi con hay chưởi con chó, bầy gà?...
Người duy nhất cảm thấy xót xa tủi hổ là Phương. Tối qua Phương về, nghe Thái nói rồi nghe mạ nói. Cũng như các lần trước, Phương cườikhẩy, nói phớt lờ: "Thôi, kệ dì mạ ạ. Chấp làm chi!" Nhưng suốt đêm qua mạ Ngải cứ thút thít, sụt sịt làm Phương không ngủ được. Sáng ni mạ đùng đùng nổi giận. Rứa rồi mọi việc đã diễn ra ngoài dự kiến của Phương. Chia bôi... đong đếm... Trời ơi, còn mặt mũi nào mà nhìn thấy chúng bạn nữa. Phương lẩn vô buồng nằm sấp mặt xuống gối. Thôi từ ni có lẽ chấm hết cuộc đời bay nhảy. Mạ già rồi, lủi thủi một mình trong căn nhà nhỏ, Phương nỡ nào mà bỏ đi đó, đi đây. Rồi sẽ sống ra răng? Sáng đi làm hợp tác xã, trưa về lúi húi nấu cơm?... Lẽ nào những lời nói mơ hồ đêm qua chừ lại vang lên khắc nghiệt vậy! Không, dù răng đó vẫn là con người tệ bạc, ích kỷ. Phương thà chết chứ không baop giờ chung sống với loại đàn ông như rứa. Nhưng chừ còn mình? Thà rằng như đứa con trai, dứt áo ra đi là hết. Có nhớ có thương chẳng qua là chút dập dờn trước một giấc ngủ say. Còn con gái, sinh ra như thể chiếc nôi, suốt đời đong đưa lắc đầy tủi cực. Sống gần hết một kiếp người như mạ đó mà chừ ngửa tay ra cơ chi có chút tiêng tây giành lại cho mình. Phương bỗng trào nước mắt.
ở ngoài mọi sự phân chia đã bước vô giai đoạn kết thúc. Cả dì Lài mạ Ngải đều cảm thấy mệt mỏi. Họ ngồi thừ xuống hai chiếc chõng mà thở. Những người đến "tham quan" đã lảng về. Đội trưởng, đội phó cũng rút lui. Căn nhà gỗ năm gian chật chội, ngổn ngang những thúng, mủng, nong, nia... Ông Cỗu vẫn đi vô, đi ra lầu bầu. Rồi đột ngột ông hét tướng lên:
- Chia rồi thì dọn đi! Ai đâu về đó!...
Mạ Ngải bỗng sững người. Ai đâu về đó? Vậy mạ về đâu? ừ, chết rồi. Nãy giờ cứ chia bôi đong đếm... mà quên khuấy đi mình sẽ tha những thứ ấy về đâu? Còn chỗ nào nữa. Cả cơ ngơi này bỗng chốc rơi về tay người khác. Đời mạ còng lưng thắt bụng dựng nó lên chứ còn ai khác. Những năm nất mùa đói kém trước cách mạng, ông Cỗu bỏ nhà đi sở cao su tận trong Nam bộ. Một mình mạ lùi lũi cuốc xới chăm nom. Ông đi tay trắng... ông về trắng tay... Rứa mà chừ mạ phải bỏ đây để đi ăn nhờ ở độ nơi khác. Oan ức chi lắm hỡi trời! Mạ Ngải òa lên nức nở. Tiếng khóc người già nghe não nuột như có đám ma. Ông Cầu ngớ ra không hiểu. Dì Lài cũng nín thở không hiểu. Chỉ có một người hiểu nỗi lòng mạ thôi. Cửa buồng đột ngột bị xô tung. Phương nhảy chồm ra đứng sừng sững trước mặt bố.Đôi mắt tròn xoe long lanh. Ngực Phương dội lên như sóng trong tấm áo dệt kim bó chặt. Chiếc trán vốn đã cao lại cao thêm vì đôi lông mày đang nhíu lại dữ tợn:
- Đi đâu? Cha định đuổi mạ con đi đâu! Nhà chung, vườn chung, của chồng công vợ... Không đi đâu hết! - Phương quay lại mạ nói nửa như khóc, nửa như hét - Mạ khóc làm cái chi? Nhà cửa chia ra, mỗi đầu một hộ. Chia ngay ra!
Nói rồi Phương nhào vô cửa buồng giật mạnh tấm màn hoa. Dây căng đứt "phựt". Tấm vải tuột xuống. Phương quát Thái:
- Thái! Giúp chị căng từ cột này sang cột này... Mau lên!
Dì Lài lật đật đứng dậy, giọng run run:
- Chia rứa thì ở làm răng?...
- Răng với mồm! Ai không ở được thì kẻ đó đi. Mà cả hai cùng đều không ở thì đốt. Đốt hết. Đừng có mà tưởng bở.
Cả nhà lặng thinh. Bọn trẻ khiếp vía luýnh quýnh dọn dẹp, căng màn theo lệnh của Phương. Thì đã bảo chúng nó chỉ sợ nhất có chị Phương mà. Nhoáng một lúc, mọi thúng mủng, nong nia đều được dẹp về hai phía gọn gàng.
Phương quay vô buồng lôi khẩu súng BRNO 4 trên vách cầm lăm lăm trong tay. Cô bước ra ngoài. Đến giữa sân, Phương còn ngoái lại đe:
- Nhà chung hai chủ, liệu mà ăn ở với nhau. To tiếng lần nữa thì đốt, đốt sạch!
Cái áo dệt kim trắng mịn thoắt biến ra ngõ. Có lẽ đến lúc đó ông Cầu mới kịp nghĩ ra những điều cần thiết. Ông gồi phịch xuống ghế rồi bất ngờ chưởi toáng lên một câu cốt để lấy lại uy danh cho mình:
- Tổ thằng cha chúng bay. Đốt thì đốt!

CHƯƠNG BỐN

Năm nay gió Lào đến muộn nhưng lại có vẻ khốc liệt hơn mọi năm. Gió quạt như bào trên mặt đất. Có cảm giác cả Khe Tre đang bốc lửa. Lá tre cháy vàng, quăn lại bay ngắc ngoải. Tiếng tre nổ lốp bốp như có đám cháy nhà. Ve kêu khàn rè tiếng.

Tiểu đoàn tập hợp dưới lòng một khe tre ở xóm Bợc. Chỉ mới có khoảng trăm người là mang quân phục, Còn nữa vẫn mặc nguyên những chiếc áo từ nhà ra đi. Mũ thì hầu hết chưa có. Những mái đầu để trần, tóc cháy sẫm vàng bệt đầy bụi đất đỏ.

Dưới lá quân kỳ cũ đã sẫm màu, chính trị viên khu đội Trần Chính đứng bên cạnh Ban chỉ huy tiểu đoàn vừa mới được bổ nhiệm. Sau họ một bước là đại biểu Đảng ủy, ủy ban, Hội mẹ chiến sĩ của xã Vĩnh Thạch. Tất cả đứng quay mặt lại với đoàn quân.

Đội hình xếp hàng tư, tiểu đoàn thành một tuyến dọc, súng trường K.44 bồng trên tay, tiểu liên K.50 khoác chéo vai, những khuôn mặt còn ròng ròng mồ hôi ngước nhìn lên lá quân kỳ, nghiêm trang đến mức căng thẳng. Nhìn vũ khí, trang bị và áo quần đủ màu trong hàng quân, cứ tưởng đây là một đơn vị dân quân vừa mới tập trung về để dự một lớp huấn luyện. Nhưng không! Đây là giờ phút ra đời tiểu đoàn "Bốn bảy", đứa con cưng của mảnh đất Vĩnh Linh.

Với Lợi thì đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời. Anh xúc động đến rưng rưng nước mắt khi nghe chính trị viên khu đội đọc diễn văn:

"... Hôm nay, ngày hăm sáu tháng năm, năm một ngàn chín trăm sáu lăm, tiểu đoàn chúng ta thành lập. Các đồng chí hãy ghi nhớ lấy ngày này..."

ở dưới hàng quân, Liêm lấy cùi tay hích qua Thái, hỏi thì thầm:

- Hôm ni là thứ mấy hè?

Thái nhíu mày lại rồi ghé qua sát tai Liêm, lầm rầm:

- Thứ ba!

Cái đầu xờm của Liêm gật gật:

- ờ, thứ ba. Nếu ở trường thì hôm nai có tiết chi hè? à... lý, địa, sinh vật... chi nữa hè?...

Đôi mắt của Lợi ở hàng bên liếc chém qua. Thái là Liêm vội ngậm chặt môi lại, đứng thẳng người lên, mặt ngẩng cao cứng đờ như tượng gỗ.

Tiếng chính trị viên khu đội vẫn vang lên dõng dạc:

"... Chúng ta xin thề trước lá quân kỳ sẽ hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, chiến thắng bất cứ kẻ thù nào. Chúng ta cũng xin hứa với các bậc cha mẹ, với đồng bào Vĩnh Linh yêu quý, với bà con Trị Thiên bên kia tuyến vô cùng thương nhớ, rằng, những đứa con ưu tú của mảnh đất đầu cầu giới tuyến này đã ra đi là chiến thắng..."

Đoàn người rùng rùng chuyển động bởi những cánh tay vung cao và tiếng hô đồng thanh dội từ lồng ngực căng đầy. Gió Lào vẫn thổi ù ù vào dọc khe tre. Lá quân kỳ bay rần rật như cháy.

Tự dưng Lợi thấy nhớ bố quá chừng!...

Đăng ngày 19/03/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Hữu Đạt - 20/03/2010

Viết lúc 5 giờ 40 phút ngày 20 tháng 3 năm 2010


Vào lúc 19 giờ ngày 21tháng 3, mình sẽ lên đường đi ra Thanh Hoá. Sau đó khoảng 25-26/3 có mặt tại Hà Nội, Hải Dương. (Ở Ngọc Liên - Cẩm Giàng)
Uớc mơ là đến thăm chùa một cột, Hồ Gươm, hồ Tây, Lăng bác một lần duy nhất trong đời..
Đây coi như là lần đầu tiên mình ra bắc, chắc cũng ngú ngớ lắm, nỏ biết mô, tê, chi, rứa hết cả.
Không biết những người bạn quen biết qua mạng đang ở những địa điểm trên, có ai rãnh làm hướng đạo viên giúp mình với không nhỉ?
Nếu có HĐ rất vui lòng được cảm ơn.
Điện thoại:
Hữu Đạt
0915075779

  Gửi bởi: giếng Cổ - 20/03/2010

Đọc CỬA GIÓ, gặp Vĩnh Linh
Mãnh đất Thép của Nghĩa tình nhân dân
Một thời máu lữa chiến tranh
Một thời của những phi thường Việt nam.

............
Gởi lời cám ơn Lão Trang
Đã đem CỬA GIÓ trình làng nơi đây
Để cho con cháu thời nay
Lắng lòng một chút ...cái ngày chưa xa





  Gửi bởi: Lão Trang - 21/03/2010

Cảm ơn Trần Bình đã đọc và có lời bình rất thấm.
  Gửi bởi: Người VL - 23/03/2010

Đạt thân mến.
Hãy gọi 0903206623! Mình sẽ đưa đạt đến những nơi Đạt muốn thăm HN.

  Gửi bởi: Người VL - 23/03/2010

Đạt thân mến.
Hãy gọi 0903206623! Mình sẽ đưa đạt đến những nơi Đạt muốn thăm HN.

  Gửi bởi: Hưu Đạt. - 25/03/2010

Cảm ơn đồng hương rất nhiều. Nhưng rất tiếc là khi nhận được tin này mình đang ở Hải Dương, dự định ghé thăm quê huơng của thần đồng thơ Việt Nam Trần Đăng Khoa. Hôm qua có điện cho bác Lê Bá Dương, và anh Khoa. Bác Dương  cho biết:"Bác cũng đang ở Hà nội. Anh Khoa cũng bảo "Cố gắng ở lại thứ bảy chủ, nhật anh em sẽ gặp nhau" Nhưng e rằng  thời gian không cho phép.  -Bởi đây là chuyến công tác mà thôi- mình phải về đã.
Có thẻ vài tháng tới, mình sẽ đến Hà  nội lần nữa và ở lại lâu hơn. Hẹn với các bác Thần Thơ, Anh Khoa, Anh Thọ và các bạn sẽ có dịp hẹn hò ăn kem hồ tây, bánh phồng tôm bờ hồ...
Chúc những đồng hương, các anh, các bác, các bạn ở lại vui vẻ, hạnh phúc, công tác tốt, bươn chải kịp nhịp sống công nghiệp của thủ đô, đang chuyển mình như rồng bay gió cuốn, trở mình vươn lên.
Mình đã có bài:  'Bắc kỳ ký sự ",sẽ hòan chỉnh và gửi lên trang bác Xuanduc.vn sau.
He he xin chào!
Thân chào Hà nội Thương yếu!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan