Showing posts with label Kịch. Show all posts
Showing posts with label Kịch. Show all posts

Monday, November 9, 2015

HƯƠNG TRẦM GIÓ - KỊCH BẢN PHIM TRUYỀN HÌNH NHIỀU TẬP


Tập 12
1-    NỘI / NGOẠI: TRONG PHÒNG NGỦ CỦA LANH / BÊN NGOÀI QUÁN CHÁO– ĐÊM 

Trong căn phòng rộng..Ba cựu chiến binh ngồi quây quần với nhau, ở giữa là ấm nước lá rừng..
Phúc đang cầm tấm ảnh đen trắng chụp những đồng đội cũ..
Hoàng nhấp nhấp chén nước lá..nhăn mặt..

Wednesday, October 28, 2015

HƯƠNG TRẦM GIÓ -KỊCH BẢN PHIM TRUYỀN HÌNH NHIỀU TẬP


Tập 11.

1- NỘI / NGOẠI: BẾN XE – CHIỀU MUỘN. 

Nội: Nhắc lại hình ảnh cuối tập trước. Hoàng và Soạn ngồi chung trên ghế dài trong phòng đợi..
Hoàng ngửa người ra ghế, một bên ôm chặt chiếc ba lô có trùm áo che kín…Mắt Hoàng lim dim như ngủ.
Hoàng ngó ra phía cửa chờ khách…thỉnh thoảng cũng liếc nhìn qua Hoàng..

Thursday, October 22, 2015

HƯƠNG TRẦM GIÓ -KỊCH BẢN PHIM TRUYỀN HÌNH NHIỀU TẬP



Tập 10 
          1-  NỘI: NHÀ HOÀNG – BUỔI SÁNG. 

Hoàng khoác ba lô lên vai..Chị Tâm và Phương sửa soạn giúp anh..
TÂM: 

( Đưa chiếc bi đông ngụy) Bình tong đây..Em đã cho đầy nước chè cho anh.. 

Thursday, October 8, 2015

NHIỆM VỤ HOÀN THÀNH- ( 3 cảnh cuối: 7 - 8 & 9 )

Tác giả: Xuân Đức

Cảnh 7

                     Trên phông chuyển hình ảnh qua cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975..Những trận đánh lớn, những đoàn xe tăng hùng dũng tiến vào mặt trận..

                     Cảnh sân khấu: Thành phố Đà Nẵng. Tiếng reo hò vang dậy: Giải phóng Đà Nẵng rồi! Thành phố Đà Nẵng đã hoàn toàn giải phóng!..

NHIỆM VỤ HOÀN THÀNH - (cảnh 5 & 6)

Tác giả: XUÂN ĐỨC

                                     Cảnh 5

                     Mùa xuân năm 1972. Nơi đóng quân của Quân đoàn 2.

                     ( Tiếng hát tập thể cả nam lẫn nữ bài hành khúc “ Miền nam kêu gọi ta” vang lên giục giã..Đèn sáng, một cô gái tay xách túi đi như chạy vào gần chỗ bộ đội ngồi hát, thập thò, ngượng ngùng không dám đến gần. Đấy là Lệ Giang, sinh viên trường Âm nhạc Hà Nội.

NHIỆM VỤ HOÀN THÀNH - (Phần II, Cảnh 3 & 4)

Tác giả: XUÂN ĐỨC

PHẦN II

Cảnh 3

                     Hà Nội đầu năm 1961

                     ( Phòng làm việc của Đại tướng ở Bộ Tổng tư lệnh. Đêm. Đại tướng khom người nhìn chăm chăm vào tấm bản đồ. Trung tướng Hoàng Văn Thái và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn vào)

HOÀNG VĂN THÁI: Báo cáo đồng chí Tổng tư lệnh, tôi Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn đến chào anh trước khi đi học.

ĐẠI TƯỚNG: Hay quá..Ngồi đi..( Một sĩ quan bê ra một khay trà, đặt xuống bàn )

SĨ QUAN:    Mời các thủ trưởng uống trà. ( quay vào)

ĐẠI TƯỚNG: Cả hai đoàn cùng khởi hành một lúc à?



LÊ TRỌNG TẤN: Vâng ạ. Nhưng đoàn anh Thái chỉ qua Trung Quốc, nhoáng cái là đến..Đoàn của tôi phải ngồi tàu hỏa qua tận Liên Xô..đường xa, ngán lắm..



ĐẠI TƯỚNG:Sao, đường kéo pháo lên Điện Biên còn không ngán, nay ngồi tàu hỏa vi vu trên đường mà lại sốt ruột sao?



HOÀNG VĂN THÁI: Báo cáo anh Văn..chúng tôi không sốt ruột vì đi đường xa..mà là..



ĐẠI TƯỚNG: Có chuyện gì sao?

HOÀNG VĂN THÁI: Thưa anh..Chúng tôi biết lúc này anh cùng Quân uỷ đang đau đầu về những vấn đề nan giải ở chiến trường, nhất là chiến lược chi viện cho Miền Nam..Đường Trường Sơn tuy đã hình thành nhưng chỉ là con đường mòn, khả năng vận chuyển bằng sức người rất hạn chế. Đường tiếp tế trên biển thì..đang rất khó khăn. Từ sau chuyến đi thử đầu tiên của tiểu đoàn 603 đêm 30 tết năm ngoái bị thất bại đến nay đã hơn một năm, tuyến đường biển vẫn chưa khơi thông được..

ĐẠI TƯỚNG: Các đồng chí cứ yên tâm. Không có khó khăn nào có thể cản được quyết tâm chi viện của Miền Bắc đối với Miền Nam. Tôi đã báo cáo với Bác và xin ý kiến anh Ba, gửi một bức điện tối mật cho Trung ương Cục và các tỉnh ven biển Miền Nam yêu cầu các tỉnh tổ chức cho thuyền bí mật ra Bắc báo cáo tình hình bến bãi, tình hình bố phòng ven biển và tuần tiễu trên biển của địch..sau đó sẽ trực tiếp dẫn thuyền vào..

LÊ TRỌNG TẤN: Trời đất ơi, tình hình đang gay go như thế mà chúng tôi lại ung dung ngồi học. Mà phải học mất mấy năm..anh bảo không sốt ruột sao được



ĐẠI TƯỚNG:Thế các cậu bảo chuyện học hành, đào tạo sĩ quan cho quân đội không phải chuyện rất sốt ruột sao? Thử hỏi trên thế giới này có loại tướng lĩnh nào như chúng ta không? Làm tướng, chỉ huy hàng vạn quân, vậy mà không hề được học lấy một ngày về nghiệp cầm quân..



LÊ TRỌNG TẤN: Nhưng chúng ta đã đánh thắng bao nhiêu tên tướng Pháp…

ĐẠI TƯỚNG: Tuyệt đối không được suy nghĩ giản đơn như thế. Mỗi một cuộc chiến, mỗi một thắng lợi đều phải được đánh giá trong hoàn cảnh thực tế của nó. Hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp là khác, rất khác với hoàn cảnh cuộc chiến đầu chống Mỹ hiện nay..Chúng ta vẫn có thể đánh Mỹ bằng du kích, vẫn có thể đánh bằng tầm vông, giáo mác, nhưng chúng ta không thể thắng Mỹ chỉ bằng những thứ đó. Vì thế, vấn đề cấp bách của quân đội hiện nay là phải khẩn trương xây dựng lực lượng chính quy, từng bước hiện đại. Các sĩ quan chỉ huy từ đơn vị lên đến trên Bộ Tổng cần phải được khẩn trương đào tạo..Nhiệm vụ này cũng cấp bách khẩn trương không kém gì việc mở đường chi viện cho chiến trường Miền Nam đâu. Anh Thái đang phụ trách Quân huấn càng phải quán triệt điều này.(Hai tướng nhìn nhau) Thôi, yên tâm lên đường, tranh thủ học được cái gì là cố mà học, tích lũy thành vốn, sau này về nước còn dạy lại cho bọn mình nữa chứ.

HOÀNG VĂN THÁI: Anh Văn..



ĐẠI TƯỚNG: Bây giờ là đầu năm 1961, đến năm 63 các anh về chắc chắn chiến trường sẽ có biến động lớn..Lúc đấy các tướng sẽ tha hồ mà thi thố kiến thức, tài năng.



HOÀNG VĂN THÁI: Báo cáo anh..Là chúng tôi cũng bày tỏ tâm sự với Anh, người anh Cả của chúng tôi như thế thôi, chứ thực tâm chúng tôi đã rất quán triệt. Đêm nay, hai chúng tôi đến để chào từ biệt anh, chúc anh ở lại sức khỏe thật tốt để lãnh đạo toàn quân. Chúng tôi hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập mà Bộ chính trị và Quân ủy đã giao phó.

ĐẠI TƯỚNG: ( Bắt tay) Hãy giữ đúng lời hứa hoàn thành nhiệm vụ học tập. Là người lính, sinh mạng chính trị của chúng ta chính là hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng giao. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành.Chúng ta không có một ham muốn gì khác.

CẢ 2 TƯỚNG: ( Đứng nghiêm) Xin chấp hành triệt để nhiệm vụ Quân ủy và Tổng tư lệnh giao!

                    ( Trợ lí tác chiến dẫn một cán bộ Miền Nam, gầy yếu, có phần xơ xác trong trang phục bà ba đen vào. Đấy là Thà)

TRỢ LÍ:      Báo cáo thủ trưởng, đồng chí Thà từ Khu 6 ra báo cáo tình hình với Đại tướng..

ĐẠI TƯỚNG:( gần như reo lên) Khu 6 hả? Hay quá rồi..

TRỢ LÍ:     ( Với Thà) Đây là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ nguyên Giáp. Đồng chí Thà chào Đại tướng đi!

THÀ:           ( Sững người) Đại tướng..em..( chùi nước mắt)

ĐẠI TƯỚNG: Được rồi..( Ôm chặt Thà) từ khu 6 ra được đến đây là may lắm rồi..À, để tôi giới thiệu nhé. Đây là đồng chí Trung tướng Hoàng Văn Thái, đây là Thiếu tướng Lê trọng Tấn, đều là cán bộ cao cấp của Bộ tổng.

THÀ:            Em kính chào các thủ trưởng..

                    ( Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn lần lượt bắt tay và chào lại

ĐẠI TƯỚNG: Được rồi, đồng chí Thà ngồi xuống đây..uống trà đi..( tự tay rót trà mời. Thà ngỡ ngàng, run run đón chén nước)

THÀ:            Trời ơi, sao Đại tướng lại rót trà cho em..

ĐẠI TƯỚNG: Lúc này đồng chí là thượng khách, một thượng khách vô cùng quan trọng và đặc biệt. Đồng chí uống nước, nghỉ một chút rồi nói cho chúng tôi nghe tình hình trong đó. Bà con mình thế nào, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy có khỏe không? Anh Hiển, anh Lê có khỏe không? À, mà cả tình hình của đồng chí nữa..Đi từ trong đó ra đây mất bao nhiêu ngày? Sức khỏe có đảm bảo không? Ăn uống thế nào?..



LÊ TRỌNG TẤN: Anh Văn..Xin anh hỏi từ từ từng câu thì đồng chí ấy mới trả lời được chứ ạ?

ĐẠI TƯỚNG: ( Hơi ngẩn ra, rồi cười) Ừ..tôi mừng quá nên quên mất. Được rồi, đồng chí Thà cứ uống nước, cứ thong thả..rồi nhớ gì thì báo cáo, vấn đề gì trước cũng được. …

THÀ:          ( Đứng dậy, lấy ra phong thư) Báo cáo Đại tướng, có lá thư..anh Hiển dặn tôi chỉ được đưa trực tiếp cho Đại tướng..

ĐẠI TƯỚNG: ( Cầm thư) Tốt quá rồi..Trung ương đang rất sốt ruột muốn biết được tình hình đường đi trên biển. ( Tự tay kéo rộng tấm bản đồ, người trợ lí dọn dép khay trà, Đại tướng cầm cây bút đưa cho Thà) Bây giờ đồng chí Thà báo cáo đi, chỉ rõ các vị trí trên bản đồ này..( Thà cứ đứng đực người)

HOÀNG VĂN THÁI: ( Nhắc) Đồng chí cứ bình tĩnh nói đi..

TRỢ LÍ:       Đồng chí nhìn vào bản đồ kìa.. Chỉ rõ các bến bãi có thể cập tàu được..

ĐẠI TƯỚNG: Sao thế?

THÀ:           ( Run run) Báo cáo các thủ trưởng…Em.. không biết chữ..

                    ( Tất cả sững người)

TRỢ LÍ:     Trời đất ơi..đồng chí không thể đọc được những chữ trên bản đồ này sao?

THÀ:           Báo cáo các thủ trưởng, tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, 8 tuổi đã phải lặn cá ở biển Cà Ná..Mới lên 15 tuổi, chị tôi đã phải cho tôi thoát li theo Cách mạng..Nếu ở lại chắc tôi đã bị bắt lính hoặc đã chết vì luật 10/59..Cả quê tôi, hầu như không có đứa trẻ nào được tới trường..Không một mảnh làng nào còn nguyên vẹn vì những cuộc bố ráp tát nước bắt cá của chế độ Ngô Đình Diệm..

ĐẠI TƯỚNG: ( Quay mặt, che những ngấn nước mắt) Cán bộ mình trong đó nhiều người như thế...( Tất cả lặng đi vì xúc động. Một lúc sau) Thôi được rồi..Bây giờ tôi sẽ chỉ trên bản đồ, nói từng điểm, đồng chí sẽ báo cáo rõ từng nơi ấy nhé. Đây, cái vạch đỏ này là đường số 1, ngoài này là Vũng Rô, đây là Phan Rang, còn đây là Phan Thiết..Cái mũi nhọn này là Mũi Đèn, còn đây là Vũng Giăng..Đây là Cà Ná..

                     ( Tất cả các tướng cùng Thà đều cúi sát vào bản đồ. Ánh sáng tập trung chiếu vào cụm người như một cụm tượng đài)

Lời kể của Đại tướng: Đêm đó tất cả chúng tôi không có ai cảm thấy mệt mỏi. Chúng tôi thức cùng nhau đến tận 1 giờ sáng. Thà kể cho chúng tôi nghe tường tận từng bến bãi, từng luồng lạch mà anh đã đích thân chèo thuyền tiếp lương, tiếp vũ khí cho chiến trường Nam trung bộ,Tây Nam bộ..Anh còn kể về cuộc đấu tranh gian khổ mà vô cùng oanh liệt của đồng bào đồng chí MiềnNam..Cũng như con đường Hồ Chí Minh trên Trường Sơn được bắt đầu bằng những lối mòn giao liên của người dân Vân Kiều, Pa Cô và nhiều đồng bào các dân tộc khác của Miền Tây Tổ Quốc, con đường Hồ Chí Minh trên biển cũng được khởi nguồn từ những người dân biển chưa biết đọc biết viết như Thà. Con đường Hồ Chí Minh, cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là con đường từ sách vở, từ ý chí chủ quan, từ lí thuyết giáo điều, nó được khởi nguồn từ nhân dân, từ thực tế sống động của cuộc chiến đấu của dân tộc vì khát vọng tự do độc lập.

                     ( Đèn sáng trở lại toàn bộ sân khấu. Đại tướng ôm chặt Thà)

ĐẠI TƯỚNG: Cảm ơn đồng chí Thà rất nhiều. Mấy hôm trước, nhiều đồng chí ở Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa cũng đã ra báo cáo với anh Ba và Bộ chính trị. Có thể nói, các đồng chí đã giúp Trung ương khơi thông một tuyến đường tiếp viện trển biển. Lần này nhất định chúng ta sẽ thành công.

THÀ:          ( Đứng ngiêm) Báo cáo Đại tướng, nhiệm vụ anh Hiển giao cho tôi, tôi đã hoàn thành. Xin phép Đại tướng và các thủ trưởng cho tôi sáng mai trở lại chiến trường.

HOÀNG VĂN THÁI: Sao, đồng chí trở về ngay à?

THÀ:        Vâng ạ..Đường đi ra mất gần 4 tháng..Tôi nhớ bà con, anh em trong đó lắm..Hơn nữa, nhiệm vụ đã hoàn thành rồi mà..

ĐẠI TƯỚNG:Nhiệm vụ các anh trong Khu ủy giao đồng chí đã hoàn thành rất tốt. Nhưng bây giờ tôi sẽ giao nhiệm vụ mới cho đồng chí, bao giờ hoàn thành mới được trở vào.

THÀ:            Đại tướng giao nhiệm vụ trực tiếp cho em ư? Nhiệm vụ gì ạ?

ĐẠI TƯỚNG:Có hai nhiệm vụ. Một, đồng chí phải vào bệnh viện quân đội kiểm tra sức khỏe, sau đó điều trị và bồi dưỡng cấp tốc cho thật khỏe…Hai, đồng chí phải đi học ngay một lớp bổ túc cho biết đọc, biết viết..

THÀ:           Đi học? Báo cáo Đại tướng, tình hình chiến trường đang lúc dầu sôi lửa bỏng thế này thì tôi học sao vô ạ?

LÊ TRỌNG TẤN: Không vô cũng cố gắng nhét cho vô. Đến như tôi với Trung tướng Hoàng Văn Thái đây mà sáng mai cũng phải lên đường đi học rồi đấy..

THÀ:            Thật sao? Các thủ trưởng cao cấp mà cũng phải đi học sao?

HOÀNG VĂN THÁI: Phải học. Cuộc chiến đấu sắp tới chúng ta phải trực tiếp đánh bọn Mỹ, một đội quân hiện đại bậc nhất thế giới..Chúng ta không thể không tự nâng cao kiến thức của mình.

THÀ:         Ý thủ trướng nói, sắp tới bọn Mỹ sẽ trực tiếp nhảy vào miền Nam sao? Chúng ta sẽ trực tiếp đánh quân Mỹ sao?

LÊ TRỌNG TẤN: Đúng. Chính Đại tướng Tổng tư lệnh đã nói như thế đấy.



ĐẠI TƯỚNG:Không phải tôi nói mà là Bác Hồ nói..

THÀ:              Bác Hồ?..

ĐẠI TƯỚNG:Bác đã nói với tôi ngay khi tiếng súng chống Pháp vừa mới chấm dứt. Chỉ có Hồ Chí Minh mới có tầm nhìn xa trông rộng như thế.

THÀ:            ( Bồi hồi) Bác Hồ…Đồng bào trong đó nhớ Bác lắm, Bác ơi!..




Đèn tắt.







Cảnh 4

                     Gần 2 năm sau. Tháng 10 năm 1962. Biển Đồ Sơn.Trên phông chính là cảnh biển đêm.Tiếng sóng biển ầm ì - Suốt cảnh này tiếng sóng lúc to lúc nhỏ rất sốt ruột.

                     ( Các sĩ quan chỉ huy Đoàn tàu Phương đông I đứng đón Đại tướng trên bến. Đại tướng cùng Trợ lí bước nhanh vào)

CHỈ HUY TÀU: Báo cáo Đại tướng Tổng Tư lệnh, tàu Phương đông 1 đã sẵn sàng xuất phát, xin mệnh lệnh của Tổng tư lệnh!

ĐẠI TƯỚNG: Sức khỏe các thủy thủ thế nào, có đủ sức vượt biển trong thời gian dài không?

CHÍNH TRỊ VIÊN: Báo cáo Đại tướng, sức khỏe và tinh thần bộ đội đều rất tốt. Tàu Phương đông 1 sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.

ĐẠI TƯỚNG: Rất tốt. Nhưng các đồng chí cũng phải chuẩn bị thuốc men đầy đủ. Bây giờ là tháng 10, biển đông bước vào mùa bão. Chúng ta chọn thời điểm này để xuất phát là cố tình đánh lạc hướng địch. Tuy nhiên sẽ phải chống chọi lại với gió to sóng lớn.(ngừng ngắn) Đã nghiên cứu kĩ đường đi rồi chứ?

CHỈ HUY TÀU: Báo cáo Đại tướng, chúng tôi đã nghiên cứu kĩ. Hơn nữa, trong chuyến đi này, đơn vị được sự hướng dẫn trực tiếp của một đồng chí từ trong  nam ra, rất thông thạo luồng lạch.

ĐẠI TƯỚNG:Thế hả? Là đồng chí nào thế?

CHỈ HUY TÀU: ( Quay người gọi xuống tàu) Đồng chí Thà, lên gặp thủ trưởng!

ĐẠI TƯỚNG: ( Ngạc nhiên) Đồng chí Thà?

                    ( Thà chạy lên, đứng nghiêm)

THÀ:            Báo cáo Đại tướng..Tôi sẵn sàng chấp hành nhiệm vụ!

ĐẠI TƯỚNG:Sao lại thế? Nhiệm vụ tôi giao cho đồng chí năm ngoái đã hoàn thành chưa?

THÀ:          ( lúng túng) Báo cáo Đại tướng, em đã hoàn thành..được hai phần ba..còn..xin nợ lại một phần ạ.

ĐẠI TƯỚNG: Thế nào là hoàn thành hai phần ba?

THÀ:         Dạ..về sức khỏe, em đã được bồi dưỡng rất tốt. Bây giờ em có thể vượt biển liên tục hàng trăm ngày liền ạ. Còn về học..

ĐẠI TƯỚNG:Về học thì sao? Không chịu khó học phải không?

THÀ:          ( Cuống) Dạ không đâu ạ. Em đã rất cố gắng..nhưng quả thật khó quá..Khó hơn vượt biển nhiều..( nhiều người  tủm tỉm cười) Tuy nhiên em cũng quyết tâm chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng..Em đã biết đọc, biết viết chữ..nhưng..còn xấu ạ..

ĐẠI TƯỚNG: (Quay sang trợ lí) Này..cho mình tờ giấy và cây bút..( Trợ lí mở xắc cốt lấy)Đây..đồng chí viết thử mấy chữ tôi xem..

THÀ:          Lo lắng) Dạ..viết thử?

CHÍNH TRỊ VIÊN: Cứ viết đi, mạnh dạn lên..

THÀ:           Nhưng..em viết chữ gì ạ?

CHỈ HUY TÀU: Chữ gì cũng được, chữ gì mà cậu thường xuyên tập viết đấy..Viết đi..nếu không Đại tướng không cho đi đấy.

                     ( Thà bặm môi, tay hơi run, lấy hết sức viết.)

THÀ:            ( Đưa cho Đại tướng) Báo cáo..em viết xong rồi ạ.

ĐẠI TƯỚNG:(Cầm lên, khẽ kêu lên) Bác Hồ..( Mọi người chuyền tay nhau xem)

THÀ:           Báo cáo các thủ trưởng..Em đã có khuyết điểm..khuyết điểm rất nặng. Bác Hồ và Đại tướng đã giao nhiệm vụ cho em phải học biết đọc, biết viết. Em cũng đã rất cố gắng. Suốt ngày em tập viết tên Bác… vì em biết, suốt ngày suốt đêm không lúc nào Bác không nhớ về đồng bào của em ở trong đó..Nhưng em chưa thể viết tên Bác thật đẹp để trở về viết cho bà con cô bác trong đó coi..Nhưng các thủ trưởng ơi, việc học sau này còn nhiều thời gian, nhiệm vụ này nhất định em sẽ hoàn thành. Nhưng chuyến tàu với hơn 30 tấn vũ khí này là vô cùng quan trọng. Em không muốn các thủ trưởng phải lò dò đi theo mấy cái chữ trên bàn đồ. Em có thể nhìn thẳng vào từng ngọn sóng mà biết sức gió, nhìn thẳng vào màn đêm mà nhận ra hướng đi..Đại tướng ơi, Đại tướng hãy cho em đi chuyến này. Nếu tàu cập bến thành công, em hứa sẽ quay trở ra tiếp tục nhiệm vụ học tập.

ĐẠI TƯỚNG: ( Xúc động) Được. Tôi đồng ý..( Tất cả reo lên, ôm lấy Thà) Các đồng chí! ( tất cả đứng nghiêm) Đồng chí Thà nói rất đúng. Chuyến tàu đêm nay vô cùng quan trọng và đặc biệt. Nó quan trọng không phải chỉ vì vận chuyển được một số lượng vũ khí lớn vào cho chiến trường Miền Nam mà nó sẽ mở ra một con đường lịch sử. Đường Hồ Chí Minh trên biển. Các đồng chí là những chiến sĩ cảm tử mở đường. Bác Hồ, Bộ chính trị và Quân ủy sẽ dõi theo từng bước đi của Phương đông 1.

TẤT CẢ:     Đồng thanh) Chúng tôi xin hứa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

                     ( Đại tướng ôm chặt từng người. Các sĩ quan xuống tàu. Tiếng máy nổ. Tàu nhổ neo. Tiếng sóng dội to hơn. Đại tướng vẫy tay. Đèn tối dần. Ánh sáng chỉ còn tập trung vào hình ảnh Đại tướng)

Lời kể của Đại tướng: Đêm 11 tháng 10 năm 1962 là một đêm đặc biệt. Những người lính cảm tử trên chuyến tàu vỏ gỗ đầu tiên đã ra khơi. Tiếng sóng biển Đồ Sơn cứ cồn cào mãi trong tôi..Tôi trở về Hà Nội mà lòng cứ cồn cào bởi tiếng sóng. Cán bộ chiến sĩ của quân đội ta thật anh hùng, họ chấp nhận mọi hy sinh không có mảy may băn khăn do dự. Nhưng những người chỉ huy như chúng tôi thì không sao yên lòng được…Suốt thời gian đợi tin chuyến tàu Phương đông 1, tôi hầu như không ngủ được.

                    ( Đèn sáng dần, sân khấu trở lại không gian phòng làm việc của Đại tướng ở Bộ Tổng. Đại tướng gọi điện thoại)

ĐẠI TƯỚNG:A lô..Tôi, Văn đây. Đã có tin tức về tàu Phương đông chưa?

TIẾNG TRỢ LÍ: Báo cáo Đại tướng, tàu mới đi có một ngày mà..

ĐẠI TƯỚNG: (Ngẩn ra) Mới một ngày hả? Ừ..đúng thế..Mới một ngày. Nhưng mà này, tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí phải theo giõi sát từng giờ, từng ngày, có tin gì phải báo cáo ngay cho tôi nhé.

TIẾNG TRỢ LÍ: Rõ.

                     ( Ánh sáng thu nhỏ tập trung vào hình ảnh Đại tướng cúi sát vào tấm bản đồ, cây bút chì đang lần theo nét vẽ hướng con tầu trên biển. Trên phông lớn, biển đêm sóng lớn, con tàu không số chồm lên sóng lầm lũi tiến về phía trước.)

Lời kể của Đại tướng: Một ngày, hai ngày, ba ngày..rồi bảy ngày..tám ngày trôi qua. Ngày nào tôi cũng hỏi nhưng cơ quan tác chiến đều trả lời là vẫn không nhận được tin tức. Tôi không phải là người sợ thất bại, nhưng với chuyến đi này..nếu vẫn không thành công như chuyến đi thử nghiệm đầu tiên cuối năm 1959 thì con đường tiếp tế cho chiến trường thật sự bế tắc. Còn nếu thành công, 30 tấn vũ khí trên tàu Phương đông 1 đủ trang bị cho một tiểu đoàn. Như  thế, chỉ cần 1 tiểu đội thủy thủ, một tuần vượt biển sẽ sánh bằng 1500 người gùi thồ 5 tháng ròng rã trên đường Trường Sơn…Với quân ủy Trung ương, việc mở cho bằng được đường tiếp tế trên biển là nhiệm vụ sống còn. Thử hỏi làm sao tôi không sốt ruột được.

ĐẠI TƯỚNG: (Quay điện thoại) A Lô, Cục 2 phải không? Tôi, Văn đây. Có tin tức tình báo nào liên quan đến đụng độ trên biển không? Ý tôi muốn nói, có tin nào đại để là tàu chiến của Mỹ đụng độ với tàu được cho là của ta không? Không hả? Các dồng chí theo giõi sát tình hình, có tin gì phải báo cáo ngay cho tôi..( Đặt máy..thẫn thờ)

                     ( Đèn sân khấu sáng hơn. Chuông điện thoại. Đại tướng chồm tay lên tổ hợp.)

ĐẠI TƯỚNG: Tôi Văn đây!..( Trầm lại) Anh Ba à? Vẫn chưa anh ạ..Vâng..cơ quan tham mưu vẫn đang túc trực từng phút..Tôi biết các anh đang rất sốt ruột. Tôi cũng vậy..Vâng, nếu có tin tôi sẽ báo cáo anh ngay..( Đặt máy..đi lại..Lại có tiếng chuông, cầm vội tổ hợp lên) A lô..( sững ra..khẽ) Thưa Bác..vâng..Xin lỗi Bác, vẫn chưa có tin gì ạ..Anh Ba, anh Năm, anh Tô đều liên tục điện hỏi..Dạ..xin Bác cứ yên tâm. Nếu có tin tôi sẽ báo cáo với Bác ngay ạ..( Thẫn thờ đặt máy..) Bác..Bác đừng quá lo nghĩ..nhất định quân đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Bác giao..

                    ( Ánh sáng lại thu nhỏ rồi tắt hẳn. Đèn sáng lại toàn sân khấu. Nhiều sĩ quan cao cấp của Quân ủy đã có mặt quanh bàn làm việc của Đại tướng. Tất cả cùng dán mắt vào bản đồ..Trợ lí đi nhanh như chạy vào, đứng nghiêm, tiếng nói như run lên..)

TRỢ LÍ:       Báo cáo Đại tướng Tổng tư lệnh..( Tất cả quay nhanh lại nhìn)

ĐẠI TƯỚNG: Thế nào, đã có tin rồi phải không? ( Trợ lí cố ghìm xúc động) Đồng chí nói đi chứ?

TRỢ LÍ:       Báo cáo anh Văn..Báo cáo các đồng chí Quân ủy..đã có điện của Tỉnh ủy Cà Mau..

ĐẠI TƯỚNG: Đọc đi.

TRỢ LÍ:        ( Đọc)“Tàu Lê Văn Một, Bông Văn Dĩa đã về tới nơi ngày 16 tháng 10! An toàn, đầy đủ. Các đồng chí trên tàu đều khỏe mạnh.

                     ( Tất cả các sĩ quan đều reo lên. Riêng Đại tướng đứng sững người, khẽ nghiêng mặt che những ngấn nước mắt. Mọi người quay lại, chợt im lặng nhìn Đại tướng, xúc động dâng tràn)

TẤT CẢ:     Anh Văn!..

ĐẠI TƯỚNG: ( Quay nhìn mọi người, mặt rạng lên niềm hạnh phúc. Hai tay ông dang rộng)Các đồng chí..Chúng ta đã hoàn thành được một nhiệm vụ thật sự nặng nề. Hãy chúc mừng đoàn tàu không số..Chúc mừng Hải quân Việt Nam.

                    ( Các sĩ quan áp sát người vào trong vòng tay của Đại tướng. Ông ôm chặt họ)

ĐẠI TƯỚNG: Hãy báo cáo ngay với Bác và anh Ba!

TRỢ LÍ:           Rõ.



Đèn tắt. 


 Đăng ngày 15/08/2014

NHIỆM VỤ HOÀN THÀNH - Kịch bản sân khấu - Cảnh I & II

Tác giả: XUÂN ĐỨC

               NHIỆM VỤ HOÀN THÀNH
              
Kịch bản sân khấu
Kính viếng hương hồn Đại tướng huyền thoại VÕ NGUYÊN GIÁP 

NHÂN VẬT:



Nhân vật lịch sử: 

Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tướng Hoàng Văn Thái.Tham mưu trưởng mặt trận ĐBP

Tướng Lê Trọng Tấn 

Nhân vật hư cấu có nguyên mẫu.

Đảng ủy viên Mặt trận 1.
Đảng ủy viên Mặt trận 2.
Lê Duy, họa sĩ
Lệ Giang: Vợ Lê Duy
Thà, cán bộ từ Nam Trung bộ ra.
Chất: Cựu chiến binh Quảng Bình.
Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân.
Chỉ huy tàu Phương đông.
Chính trị viên tàu Phương đông.
Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn II
Trung đoàn trưởng 101.
Bác sĩ bệnh viện quân đội.
Y sĩ phục vụ Đại tướng.
Trợ lí tác chiến bên cạnh Đại tướng.
Chiến sĩ cảnh vệ bảo vệ nhà Đại tướng.
Nhiều sĩ quan, chiến sĩ các quân binh chủng khác nhau. 

Nhân vật mang tính biểu trưng:
-         Chị Nguyễn thị Quang Thái
-         Chị Đặng Bích Hà
-         Vương Thừa Vũ
-         Hoàng Ngọc Mậu
-         Một số chỉ huy cao cấp khác

PHẦN I



Rừng Tây bắc năm 1954
Nền chính phông hậu sân khấu là màn hình lớn để có thể chuyển tải những đại cảnh xa và tái hiện những cảnh quá khứ.

Cảnh 1
Không gian chính sân khấu là lán chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

DƯ CHẤN (Cảnh cuối)

Tác giả: Xuân Đức

                      CẢNH VIII
                     ( Trở lại cảnh rừng, nơi đang xẩy ra sự bất ổn. Nhân dân đang tụ tập phản đối. Phó Chủ tịch Mai Thức đứng đối diện với đám đông)

DƯ CHẤN ( cảnh VII)

Tác giả: Xuân Đức

                      CẢNH VII                    
                     ( Trở lại phòng khách nhà Mai Thức. Tường từ ngoài vào, dáng đăm chiêu. Anh đảo mắt nhìn vào trong, rồi ngồi xuống ghế, suy nghĩ mung lung. Ông Mai Liêm từ trong ra)
MAI LIÊM:   Thằng Tường phải không?

DƯ CHẤN ( CảnhVI)


Tác giả: Xuân Đức


                      CẢNH VI
                     ( Nhà ông Bính. Phòng khách bày biện đơn giản nhưng ngăn nắp.Có tiếng còi xe rồi Thu Trang tay xách túi du lịch hớn hở bước vào..)

DƯ CHẤN. (Cảnh IV và V)

Tác giả: Xuân Đức

                      CẢNH IV.
                    ( Một lối nhỏ ở bìa rừng. Đạt ôm gối ngồi buồn rầu..Một lúc, Đạt moi trong túi ra lá thư nhàu nát. Anh mở thư , tay run run)

DƯ CHẤN - cảnh II & III

Tác giả: Xuân Đức
Xuanduc: Phải đi Hà Nội mất 4 ngày để lo cho việc Tổng duyệt kịch bản của Nhà hát Quân đội. Đến ngày 20 /7 mới về. Vì thế post liền 2 cảnh để mọi người túc tắc đọc, đợi chủ quán hồi hương nhé!

                      
CẢNH II                           
                      Hai tháng sau.
                     
Vẫn cảnh rừng nhưng ở một vị trí khác. Đất vẫn đang rung chuyển, lá đổ, chim chóc vụt bay..Nhiều tiếng la hét hoảng loạn..Nhiều người dân chạy qua..

DƯ CHẤN - kịch bản sân khấu - cảnh I

Tác giả: Xuân Đức

DƯ CHẤN - Kịch bản sân khấu viết theo đơn đặt hàng của Bộ VH-TT&DL 
NHÂN VẬT: 
TRẦN VĨ:      65 tuổi, cán bộ hưu trí .
MÂY:             Con gái Vĩ.
Ô BÍNH:         69 tuổi, nguyên cán bộ  TW, về hưu
THU TRANG: Con gái ô Bính - Kĩ sư thiết kế dự án.      
MAI THỨC:   Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách Công nghiệp.
MAI LIÊM:     80 tuổi. nguyên là cán bộ lãnh đạo cao nhất của tỉnh.
MAI TƯỜNG: Con trai Mai Thức, sĩ quan Công an.
CHỊ HẠP:      
ĐẠT:                Con trai chị Hạp
TỐN:                Đại gia- Giám đốc Công ty xây dựng thủy điện
Nhiều nhân dân, thanh niên.
Vài tên lâm tặc. 

CẢNH I
            Rừng nguyên sinh, nhiều cây lớn. Bên bờ con suối Sao La.
Trần Vĩ - trạc 65 tuổi, đang đứng trên bờ suối, bắc tay lên miệng gọi to xuống phía dưới.
TRẦN VĨ:   Trang ơi! Mây ơi..Lên thôi, trời chiều rồi...đi dưới suối nguy hiểm lắm..
                     ( Một lúc cả Trang và Mây cùng lên..)
MÂY:          Tuyệt vời...Con đã ở vùng rừng này bao nhiêu năm rồi nhưng chưa bao giờ được xuống dưới lòng suối. Nếu không có chị Trang vào khảo sát dự án thủy điện thì có lẽ chẳng bao giờ con được mò xuống dưới đó..( Với Trang) Chị có vào lại lần nào nữa không hả chị?
TRANG:      Cũng còn tùy..Căn cứ vào tình hình phê duyệt thiết kế cuả Ủy ban tỉnh..Nếu trót lọt thì thôi, có trắc trở thì nhóm tư vẫn lại phải khảo sát thêm.
MÂY:          Chị Mây hứa rồi nghe. Mà em cũng đã biết địa chỉ nhà chị dưới thành phố rồi, thế nào cũng có dịp em xuống chơi..
TRANG:      Mây cũng hứa rồi nhe..
MÂY:          Em hứa..Thực ra..ba em vẫn thường xuyên nhắc đến bác Bính..Ba cũng muốn về thành phố thăm bác ấy mà chưa có dịp. Đúng thế không ba?
TRANG:      Chú..Hôm chú về dự Hội nghị những người có uy tín cao ở các thôn bản..sao không ghé chơi với bố cháu?
TRẦN VĨ:    Ờ..Chú cũng muốn lắm..Nhưng mà..( Lặng im)
TRANG:      Có phải chú ngại không ạ?
MÂY:          Sao lại ngại hả chị? Hai người là bạn chiến đấu thời đánh Mỹ kia mà..Nghe ba em kể, bác Bính là thủ trưởng của ba em..
TRANG:      Bố chị cũng kể như thế. Chị nói ngại không phải hai người ngại nhau đâu..mà là ngại người khác.
                    ( Ngừng ngắn)
TRẦN VĨ:   Nói như vậy tức là..bố cháu đã kể hết chuyện của chú cho cháu nghe rồi phải không?
TRANG:      Không ạ..Bố vốn là người rất ít khi kể những chuyện liên quan đến công việc của bố. Ngay cả khi bố về hưu ở tuổi 59, mẹ hỏi vì sao ở cương vị như bố ngoài Trung ương, người khác thường nghỉ muộn hơn mà bố lại về sớm, bố chỉ khẽ cười rồi trả lời, về sớm cho nó nhẹ người..
MÂY:          Thì ra bố chị cũng suy nghĩ giống y như ba em...
TRANG:      Mãi đến cái năm có Đại hội Đảng các cấp, bố trăn trở mất mấy ngày..rồi quyết định viết một lá thư..Bố đã định gửi đi..nhưng  sau đó..không gửi nữa..
TRẦN VĨ:    Có chuyện đó sao? Mà..vì sao anh ấy lại không gửi?
TRANG:      Có lẽ..là do cháu..Năm ấy, mẹ cháu mới mất..Bố rất thương và lo cho cháu..Bố đã hỏi ý kiến cháu trước khi gửi lá thư lên Trung ương..Đấy chính là dịp bố có kể sơ qua chuyện chú..Bố muốn báo cáo với Trung ương về những người đã cố tình hại chú..Nhưng ..cháu đã xin bố..
TRẦN VĨ:    Chú hiểu rồi..Có phải cháu đã lo sợ..điều gì đó..
TRANG:      Cháu có sợ..Thật sự là cháu có sợ..nhưng không phải lo sợ cho cháu..Cháu lo cho bố..Chú..chú có trách cháu không?
TRẦN VĨ:    Không..Chú không thể trách ai được, vì ngay cả chú cũng vậy thôi..
TRANG:      Từ hôm đó, đêm đêm bố cứ thở dài..Bố nói, dù đã được minh oan nhưng chú Vĩ chẳng còn thiết tha gì với cuộc sống nơi quan trường nữa..Chú ấy đã bỏ thành phố mà đi, không biết bữa nay chú sống thế nào?
TRẦN VĨ:   Cháu về nói với bố là chú đang sống rất tốt. Chú đã lên tận rừng đầu nguồn này, vui thú cùng những người dân ở căn cứ kháng chiến cũ..cùng họ nhận chăm sóc bảo vệ rừng.. Ở đây thật sự bình yên..
TRANG:      Chú đã tìm thấy sự bình yên thật sự hả chú?
TRẦN VĨ:   Thật sự chứ.. Cháu nhìn đi..đây là vùng rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại..Ở giữa đại ngàn..lòng chú thật sự thấy bình yên...Cháu có cảm nhận được sự bình yên tuyệt đối ở đây không?
                    ( Có chuông điện thoại của Trang)
TRANG:      A lô! Anh Tường à? Dạ vâng, em đang ở trong Sao La..Anh muốn gặp em..Có chuyện gì gấp không anh? Vâng..Chiều nay em về..Vâng ạ..( tắt máy)
MÂY:          Người yêu của chị hả?
TRANG:      Ừ..
MÂY:           Tuyệt quá..Thế bao giờ chị làm lễ cưới?
TRANG:       ( Khẽ thở dài) Chị cũng chưa biết..
MÂY:           Phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ đi chứ..Nếu không..Mà hoàng tử ấy là người thế nào? Làm công việc gì?Có say đắm chị không?
TRANG:      Nói chung bọn chỉ ổn..Chỉ có điều..
MÂY:           Có điều sao? Trục trặc gì à?
TRANG:      Không hiểu sao bố chị có vẻ không ưa..
MÂY:          Bác Bính mà cũng khó tính vậy sao?
TRANG:      Không..Bố vốn là người rất cưng chiều chị..Vì thế nên trong chuyện này chị mới cảm thấy không yên tâm.
TRẦN VĨ:    Bác Bính không tán thành? Này, cháu có thể nói cho chú biết, bạn trai của cháu đang làm gì?
TRANG:      Dạ..anh ấy ở ngành Công an.
TRẦN VĨ:    Công an thì tốt quá rồi, sao bác ấy lại..Thế..anh ta con cái nhà ai?
TRANG:      Dạ, anh Tường là con thứ của chú Mai Thức, phó Chủ tịch tỉnh..
TRẦN VĨ:    ( Hơi sững ra) Con Mai Thức..tức là cháu nội ông Mai Liêm..
TRANG:       Vâng ạ. Chắc chú cũng biết mấy người đó?
TRẦN VĨ:     ( Lẩm bẩm như mất hồn) Biết..chú rất biết..
TRANG:       Chú?..Có chuyện gì hả chú?
TRẦN VĨ:     À..không..không có chuyện gì đâu. Họ là những cán bộ cao cấp của tỉnh, có ai mà không biết.
TRANG:      Thế..chú có ủng hộ tình cảm của cháu không ạ?À đúng rồi..khi nào về thành phố, gặp bố cháu, chú nói vun vào cho cháu mấy câu nghe chú. Bố cháu quý chú lắm, chắc sẽ nghe lời chú..
TRẦN VĨ:    Chú?..Chú không có quyền..Đấy là lựa chọn của cháu mà..
( Bất ngờ đất chuyển..cây rung lên)
TRANG:     Trời ơi..chuyện gì thế này..Vùng này cũng động đất sao?
MÂY:          Không phải đâu, chỉ là dư chấn thôi.
TRANG:      Dư chấn?
MÂY:          Mấy tháng lại đây bỗng nhiên xuất hiện dư chấn..Có người nói là do động đất ở trong vùng rừng Tây Sa..
TRANG:      May quá..Trong thiết kế cháu cũng đã tính đến.
TRẦN VĨ:    Này, cháu đã tính kĩ chưa? Nếu để vỡ đập chứa thì hậu quả sẽ khôn lường đó. Cháu hiểu không?
TRANG:     Vâng, cháu hiểu ạ..
                    ( Đất lại rung dữ dội hơn, mọi người vịn vào nhau và ôm chặt cây) 


Tắt đèn.

 Đăng ngày 14/07/2014

HẠT THÓC VÀ CON GÀ - Cảnh cuối

Tác giả: Xuân Đức

                         CẢNH V 
 Một ngày mới. Trở lại không gian phòng khám bệnh.Kiến đứng giữa, nét mặt tỉnh táo. Hạnh đứng cạnh, vai khoác sẵn đồ đạc chuẩn bị xuất viện. tay âu yếm sửa lại cổ áo cho chồng. Bác sí Tư vẫn còn đeo mặt nạ. Cô Thoa đang hoàn tất thủ tục giấy tờ..

HẠT THÓC VÀ CON GÀ - Cảnh IV

Tác giả: Xuân Đức

                         CẢNH IV 
Trở lại không gian sân khấu chia đôi. Thời gian chuyền về đêm. 
( Phía trong khu chữa bệnh, ở một góc tối, Bác sĩ ngồi bên mấy con gà bằng hàng mã, cầm từng con, ngắm, vuốt nhẹ, thở dài...lòng phân vân...
Kiến rón rén đi ra, cúi lom khom  vẻ sợ sệt. Bác sĩ vội lấy mảnh vải che lên mấy con gà rồi nấp vào chỗ tối, quan sát..

HẠT THÓC VÀ CON GÀ - Cảnh 2 & 3

Tác giả: Xuân Đức

                       CẢNH II 
 Thời gian chuyển vào đêm..
                  .  Mảng tường được xoay dọc chia đôi sân khấu thành hai không gian. Một bên là phía trong khu chữa bệnh. Một bên là bãi đất phía ngoài nối với đường làng.
-         Cảnh bên trong, Bác sĩ Tư ngồi đối diện với Kiến. bác sĩ đeo mặt nạ gầy gò. Trong lúc Bác sĩ hỏi chuyện Kiến thì bên ngoài bờ tường, Hạnh lò dò đến sát tường áp tai nghe.

Hạt thóc và Con gà - Cảnh I

Tác giả: Xuân Đức
                       xuanduc.vn: Không phải bỗng dưng Lão thích chuyển từ sở trường chính kịch qua sở đoản Hài kịch. Viết Hài kịch khó lắm, Lão tự thấy không thể theo đuổi được. Tuy nhiên, khi nhớ lại mẩu chuyện cực ngắn của Phù Thăng mà Trần Đăng Khoa kể lại trong cuốn Đối thoại của mình..Lão rất muốn viết thành kịch bản. Nhưng mấy lần thử bút với thể loại chính kịch đều thấy không " nuốt trôi" được. Cuối cùng chợt nghĩ, tại sao không dùng bút pháp khoa trương của hài kịch, may ra sẽ tải được vấn đề mà không phải " mắc xương".           
                      Hài kịch thể nghiệm.
                       Phỏng theo ý tưởng truyện mi ni của Phù Thăng. 
NHÂN VẬT: 
KIẾN  Bệnh nhân tâm thần
Bác sĩ TƯ, một người to béo.
HẠNH: Vợ của Kiến, một phụ nữ xinh đẹp, đẫy đà..
THOA:  Người giúp việc của Bác sĩ TƯ, cũng xinh đẹp.
NGƯỜI TO BÉO.

CẢNH I
( Phòng khám bệnh của Bác sĩ Tư. Phòng bày biện xộc xệch. Một mảng tường trắng có lối vào bên trong. Kí hiệu chữ thập gắn trên tường. Hai ghế ngồi và một chiếc bàn.)
( Có tiếng người bên ngoài)
Tiếng HẠNH: Vào đi!
Tiếng KIẾN:   Không vào.
Tiếng HẠNH: Ngoan nào, nghe lời em, vào đi, không sao đâu mà.
Tiếng KIẾN:   Không mà..
Tiếng HẠNH: ( Hét to) Có vào không?
Tiếng KIẾN:   ( cũng hét) Không!
   ( Im lặng ngắn)
Tiếng HẠNH: ( bất ngờ) Ối, gà kìa..Đó đó..con gà ngoài ngõ kìa....
Tiếng KIẾN:  ( Lạc giọng) Cứu! Cứu!..( Chạy vào, ngã dúi ra nền nhà. Hạnh chạy theo sau, nhếch mép như cười)
KIẾN:              ( Vẫn chưa hết sợ hãi) Gà...gà đâu?..Cứu ..
   (  Thoa, trợ lí của Bác sĩ Tư từ bên trong ra)
THOA:          Có chuyện gì thế?
KIẾN:             ( Chỉ ra ngoài) Gà..
THOA:            Anh là ai?
KIẾN:              Hạt thóc.
THOA:            ( Cau mày) Tôi hỏi anh là ai?
KIẾN:              Tôi..là hạt thóc..
THOA:           Này này..Anh với chị định diễn trò gì ở đây thế? Có biết chỗ này là chỗ nào không?
HẠNH:           Dạ..đây có phải là bệnh viện tư của Bác sĩ Tư không ạ?
THOA:           Cái gì mà bệnh viện tư với bác sĩ tư?
HẠNH:          Dạ..ngoài kia có tấm biển, bệnh viện đặc trị bệnh tâm thần của bác sĩ Tư..
THOA:          Thì đúng rồi. Đây là bệnh viện tâm thần, đâu phải chỗ cho mấy người đùa giỡn..
HẠNH:        ( Bĩu môi) Thế mà chúng tôi lại tưởng mình đi nhầm vào chỗ ..thuế vụ
THOA:           Chị nói thế, nghĩa là thế nào?
HẠNH:          Nghĩa là, đã là bệnh viện thì tư hay công gì cũng phải Lương y như từ mẫu, đúng không? Đằng này, mới trông thấy bệnh nhân đã quát lác cứ như thuế vụ nhìn thấy dân buôn trốn thuế.
THOA:         ( Ngớ ra một giây rồi toét miệng cười) A..hóa ra anh chị là bệnh nhân hả? Ôi, em xin lỗi..
HẠNH:         Cô nhìn tôi thế này mà nói là bệnh nhân tâm thần à? Có cô tầm thần thì có.
THOA:          Chẳng phải chị vừa bảo..
HẠNH:         Là ông ấy kìa. Nghe tiếng bệnh viên ông Bác sĩ Tư này trị bệnh tâm thần nổi tiếng hơn cả bệnh viện quốc doanh, thế mà nhìn người không đoán ra ai là bệnh nhân..Xem ra..tin đồn cũng chỉ là tin đồn thôi. Kiểu này không khéo tiền mất tật mang.
THOA:        Không đâu chị ơi. Tại vì tôi không phải là bác sĩ mà chỉ là người giúp việc cho bác sĩ, chứ bệnh viện chúng tôi trị bệnh tâm thần nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vang xa ra khắp thế giới nữa đấy. Năm ngoài, chúng tôi đã điều trị thành công cho hai bệnh nhân người..người Mông sơ  đấy.
HẠNH:          Người Mông sơ..là người nước nào? Là Mông cổ hả?
THOA:           Không phải Mông cổ..Ôi dà, có giải thích chị cũng chẳng biết được. Mông sơ..nói tóm lại, là người xứ sơ mông. Trên núi cao kia...Mà này..( chỉ Kiến) anh ngồi lên ghế đi, sao lại chui xuống gầm bàn như thế?
HẠNH:          Này chị ơi, tôi có thể gặp Bác sĩ TƯ được không ạ?
THOA:          Được, tôi sẽ báo với Bác sĩ. Bác sĩ sẽ ra ngay.Nhưng mà.( Kéo tay Kiến đứng lên)Mời thượng đế ngồi lên ghế này..nếu không tôi lại mang tiếng là người của thuế vụ..Thế..Ngồi yên đấy. Tôi sẽ đi mời Bác sĩ..( Chạy vào bên trong)
  ( Kiến vẫn lấm lét nhìn ra ngõ.)
  ( Một người đàn ông to béo, mặt bự, đeo kính trắng từ trong đi ra. Đấy là BS TƯ. Thoa theo sau)
BS TƯ:          ( chào rất to) Xin chào!
  ( Kiến giật bắn mình quay lại, rồi hét lên)
KIẾN:            Gà..Gà..( Lật bật chui xuống gầm bàn)
  ( Thoa cúi xuống kéo Kiến dậy)
THOA:           Này anh..Không phải gà đâu. Đây là bác sĩ..
KIẾN:             Gà..
BS TƯ:           Anh ta sao thế?
HẠNH:           ( Nói một mình) Bác sĩ mà hỏi ngu ngơ thế thì gay rồi.
BS TƯ:           ( Với Kiến) Này, anh tên gì?
KIẾN:             Hạt thóc.
BS TƯ:           Tôi hỏi họ tên anh kia. Họ gì? Tên gì?
KIẾN:             Họ...hạt, tên thóc..
  ( Bác sĩ ngớ người nhìn Hạnh)
HẠNH:           Thưa Bác sĩ, anh ấy bị tâm thần. Lúc nào cũng nói mình là hạt thóc và rất sợ gà..
   ( Thoa phì cười, Bác sĩ lườm mắt, cô vội bịt miệng lại)
BS TƯ:         Thật kì lạ. Nhưng tại sao nãy giờ anh ấy không sợ mà vừa nhìn thấy tôi lại sợ? Tại sao anh ấy không nhìn cô Thoa đây là gà mà khi nhìn thấy tôi thì lại...Chẳng nhẽ tôi lại giống như gà...
                        ( Thoa lại phì cười, Bác sĩ lại lườm)
HẠNH:          Thưa bác sĩ..
BS TƯ:          ( Đưa tay ngắt lời, đi lui đi tới chậm rãi, lẩm nhẩm) Là hạt thóc..sợ gà..Sợ gà..là hạt thóc..( Với Thoa) Thôi được rồi, cô Thoa đưa bệnh nhân vào bên trong khu tường kín..Chú ý nhẹ nhàng, đừng làm anh ấy sợ..
THOA:           Dạ..( dìu Kiến đi) nào đi thôi, thượng đế.
KIẾN:             Không..trong đó nhiều gà lắm.
THOA:           Anh yên tâm. Gà ở đây mắc dịch H 5 toi hết rồi..( cười)
KIẾN:             Không..tôi không đi..( Quay qua vợ) Kìa mình, cứu tôi..
HẠNH:         Này, trong kia không có gà, còn ở đây, anh không nhìn thấy con gà to bự đó sao? Có chịu đi không?
KIẾN:             Đi..đi..( Hạnh và Thoa đưa Kiến vào khuất)
BS TƯ:         ( Nói với theo) Chị đưa anh ấy vào rồi trở ra đây tôi hỏi chuyện nhé.
HẠNH:          Vâng ạ.
  ( Cả bọn vào khuất. Bác sĩ vẫn đi đi lại lại, lẩm nhẩm)
BS TƯ:          Là gà..sợ thóc..À không phải, là hạt thóc sợ gà..Đương nhiên là gà sẽ mổ hạt thóc..
  ( Hạnh từ trong ra)
HẠNH:          Thưa Bác sĩ..
BS TƯ:          Mời chị ngồi..Anh ấy bị thế này bao lâu rồi.
HẠNH:          Thưa bác sĩ..Gần hai năm rồi ạ..
BS TƯ:          Hai năm? Sao chị lại để lâu như thế?
HẠNH:         Dạ thưa..Không phải để lâu đâu ạ. Anh ấy bệnh là em đưa đi bệnh viện ngay. Nhưng...không một bệnh viện nào chữa được..
BS TƯ:        Sao? Chẳng nhẽ các bệnh viện tâm thần Trung ương mà cũng bó tay sao?
HẠNH:           Dạ..không phải bệnh viện bó tay, mà là..anh ấy bó tay..
BS TƯ:           Là sao?
HẠNH:          Dạ..là vì bệnh viện nào cũng đông người vào ra. Cứ thấy ai mặt mũi to bự, đeo kính trắng là anh ấy la toáng lên: gà gà..Không có bác sĩ nào đến gần anh ấy được ạ..
BS TƯ:          Thấy người to béo, mặt bự, đeo kính là tưởng gà? Trách gì.( sờ vào mặt mình, cười núc nắc) Trách gì..
HẠNH:          Em xin lỗi Bác sĩ..
BS TƯ:        Không sao. Ai lại chấp nê người tâm thần..Hì hì..To béo, mặt bự..Cũng quái lạ đấy nhỉ. Chị có thể cho tôi biết vài thông tin liên quan đến anh ấy.
HẠNH:          Vâng ạ.
BS TƯ:          ( Gọi vào trong) Cô Thoa..
THOA:           Dạ..( chạy nhanh ra)
BS TƯ:           Ghi chép.
THOA:           Vâng ạ.
BS TƯ:           ( Với Hạnh) Họ tên?
HẠNH:           Dạ..em là Hạnh.
BS TƯ:         Tôi hỏi tên chị làm gì? Chị cũng bị tâm thần hả? Họ tên bệnh nhân.
HẠNH:           À..dạ, nhà tôi tên Kiến. Họ Hắc bạch..
BS TƯ:           Cái gì? Hắc bạch? Anh ta gốc tàu hả?
HẠNH:           Không ạ. Là người Việt chính hiệu đấy ạ.
BS TƯ:           Là người Việt sao lại có cái họ nghe cứ như trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung thế? Hắc bạch..Đã hắc lại còn bạch..
HẠNH: .        Thưa bác sĩ, họ ấy là họ sang trọng lắm đấy ạ..Ở làng tôi mấy người mang họ ấy đều trở thành cấp cao, cấp cốp hết ráo. Ví dụ ông Hắc bạch Hùm..Hắc bạch Ngọ, Hắc bạch Tượng..
BS TƯ:          À..Thế là rõ rồi. Vấn đề không phải ở họ. Vấn đề là cái tên. Thiếu gì tên không đặt, lại đặt là Kiến.  Hùm, Voi, tệ nữa là Ngựa..Tất cả đều có thể thăng tiến. Đằng này là Kiến. Hắc bạch Kiến. Tên như thế thì luôn luôn lo sợ là phải.
HẠNH:          Dạ thưa, đấy là trách nhiệm của bố mẹ anh ấy, đâu phải lỗi của tôi. Hơn nữa, anh ấy vốn cũng thăng tiến đấy chứ. Là người duy nhất trong xã đỗ bằng tiến sĩ ở nước ngoài..
BS TƯ:           Sao? Anh ta từng là Tiến sĩ nước ngoài?
HẠNH:           Vâng.
BS TƯ:           Là nước nào?
HẠNH:           Là Đức hay Ý, hay Nhật gì đấy, em cũng không rõ nữa.
BS TƯ:           Đức, Ý, Nhật? Trời đất, sao lại ba nước đấy?
HẠNH:           Ba nước đấy thì sao ạ? Ba nước đấy không phải là nước ngoài xịn sao?
BS TƯ:        Xịn. Quá xịn nữa là khác. Nhưng chẳng lẽ anh ấy không học lịch sử thế chiến 2?
HẠNH:          Thế chiến 2 thì liên quan gì đến chuyện này?
BS TƯ:       Chắc chị cũng chưa học hết Phổ thông, đúng không? Nếu đã học, chắc chị biết hồi Thế chiến 2, ba cái nước đó là nước xấu.
HANH:        Tôi biết chứ. Rất xấu. Chính vì thế nên bây giờ anh Kiến mới lâm trọng bệnh.
BS TƯ:       Chị nói vậy có nghĩa anh ta mang bệnh từ khi còn học nước ngoài?
HẠNH:          Bác sĩ chẩn đoán chính xác.
BS TƯ:        ( Với Thoa) Ghi đi, bị bệnh từ nước Đức hay Ý hay Nhật gì đấy..( Quay lại Hạnh) Anh ấy tốt nghiệp về nước mấy năm rồi?
HẠNH:          Hơn 5 năm..
THOA:          Này, sao chị khai bệnh cứ lung tung, bát nháo thế hả?
HẠNH:          Sao lại lung tung bát nháo.?
THOA:        Lúc đầu chị bảo, anh ta phát bệnh mới gần hai năm nay. Rồi nói, anh ấy mang bệnh từ khi còn học nước ngoài..Rồi thì lại khai, anh ấy về nước đã hơn 5 năm..Vậy, thực ra, con số nào là chinh thức đây?
HẠNH:          Cô thì biết cái gì. Tất cả đều là con số chính thức.
THOA:           Nếu thế thì bệnh nhân phải phát bệnh 5 năm rồi.
HẠNH:         Ơ, cái cô này, sao lại cứ cãi tôi nhỉ. Tôi là vợ anh ta chứ có phải cô đâu.
THOA:         Ai thèm dành cái lão chồng điên ấy mà chị cáu. Tôi nói là với cách khai bệnh của chị thì anh ta phải bị bệnh 5 năm rồi.
HANH:         Không, chỉ mới 2 năm. Khi đó, anh ấy vừa mới được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa của Viện nghiên cứu gì đó..
BS TƯ:          Viện Nghiên cứu gì đó là Viện gì?
HẠNH:        Viện gì mà chẳng được. Bữa nay cái gì mà chẳng có viện nghiên cứu. Mà ..hay nhỉ, Bác sĩ không hỏi bệnh tình lại cứ đi hỏi lăng nhăng mấy cái chuyện học hành.. Này, ông Bác sĩ, nói thật đi, có biết chữa bệnh thật không, hay chỉ là loại lừa bịp. Tôi nói để hai người biết, lừa người khác thì được, chứ đừng dại mà qua mặt tôi.
THOA:           Này, chị kia. Ăn nói cẩn thận đấy.
HẠNH:       Hách gớm nhỉ? Tôi ăn nói thẳng ruột ngựa vậy đó, cô làm gì tôi?
THOA:          Chị tưởng ở đây tôi không chấn chỉnh được loại người như chị hả?
HẠNH:          Tôi thách cả nhà cô đấy..
THOA:         ( Đứng dậy) Được. Tôi sẽ nhốt chị 1 tuần vào bên trong mấy bức tường kia với mấy ông tâm thần..
HẠNH:          Cô dám?
THOA:           Có gì mà không dám? Chị nghĩ là sẽ báo với Chính quyền chứ gì? Nhưng khi Chính quyền đến thì chị đã thành bệnh nhân tâm thần thật rồi..Đấy, mới năm ngoài, một thằng lếu láo, bị tôi lùa nhốt vào trong đó, mới có 1 tuần là điên ngay, hết thuốc chữa luôn. Nào, chị có cần thử không? (Túm tay kéo) Vào đây..
HẠNH:          ( Cuống cuồng) Ấy, đừng, đừng..Tôi xin lỗi..
BS TƯ:        Thôi thôi, đừng ồn ào nữa..Để tôi chắp nối lại các vấn đề nào. Học ở Đức Ý Nhật thành tiến sĩ..Về nước đã hơn 5 năm. Tại sao chị lại nói mang bệnh từ các nước đó?
HẠNH:          Không phải tôi nói, mà là họ nói?
BS TƯ:          Họ...là ai?
HẠNH:        Thì là..cũng mấy ông mặt bự, đeo kính như ông đó. Cụ thể là người nào, họ tên gì thì Bác sĩ phải hỏi chính anh Kiến ấy. Tôi chỉ biết thế này này, hồi đầu khi anh ấy chưa bị tâm thần , nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày, rồi cả nhiều đêm nữa, anh ấy cứ buồn. Tôi hỏi, ai đắc tội với anh? Anh ấy nói, không ai đắc tội với anh mà chính anh đã đắc tội với họ. Anh đã mang cái bệnh từ nước xấu về đây, reo rắc bệnh tình cho người khác. Tôi điên tiết la to, họ nói thế mà anh không biết cãi lại à? Cái đầu tiến sĩ của anh đâu? Cái mồm Tiến sĩ của anh đâu rồi? Anh càng buồn thêm. Anh nói, cãi sao được em. Anh chỉ là hạt thóc bé nhỏ..Còn họ là Gà..Cả bấy Gà..Em bảo Hạt thóc có mổ được bầy Gà không?
  ( Tất cả như sững ra, Hạnh thút thít..Một nét nhạc buồn..)
HẠNH:       Anh ấy đã sống những ngày, những tháng, những năm buồn lắm, cô đơn lắm..Thế rồi anh ấy đổ bệnh..( Thút thítSau hồi lâu) Bác sĩ ơi, liệu bệnh tình anh ấy có chữa khỏi không ạ.
BS TƯ:          Cũng có chút khó khăn. Chữa bệnh tâm thần không giống như các loại bệnh khác. Thuốc thang chỉ là thứ hỗ trợ. Liệu pháp chữa trị loại bệnh này chủ yếu là liệu pháp tâm lí. Sở dĩ phòng chữa tư nhân của tôi ăn đứt các bệnh viện chính vì tôi sử dụng học thuyết Phân tâm học của Phơ- rớt..
HẠNH:          Phơ Rớt là loại thuốc gì hả Bác sĩ? Có đắt lắm không?
BS TƯ:        Không phải thuốc, Phơ rớt là một Bác sĩ, một nhà Phân tâm học. Ôi dà, mà có nói chị cũng chẳng hiểu. Vấn đề là bác sĩ phải khơi gợi những ẩn ức bên trong của bệnh nhân.
HẠNH:         Khơi gợi những ẩn ức bên trong...Hay quá. Thế thì Bác sĩ cứ khơi gợi ẩn ức của anh ấy đi. Mà này..( nói nhỏ) nếu khơi gợi ra được chuyện gì đó..ví dụ như..chuyện bồ bịch chẳng hạn, Bác sĩ nhớ nói cho tôi biết với nhé. Hì hì..
BS TƯ:         Bồ bịch?..Đấy cũng có thể là một lí do của bệnh sợ đấy. Thế lâu nay anh ta hay cặp bồ lắm hả?
HẠNH:           Đâu có..Là em..nâng cao cảnh giác thế thôi.
BS TƯ:         Đàn bà các cô chỉ được mỗi chuyện đấy.( Nghĩ ngợi) Khó khăn nhất hiện nay là, bệnh nhân không dám nói chuyện với tôi..Cứ bảo tôi là Gà.
HẠNH:        Cũng tại cái mặt bự của Bác sĩ..Giá như ông ..có thể dấu cái mặt bự với cái kính cận ấy đi thì..
BS TƯ:         Dấu cái mặt?..( Chợt nghĩ ra ) Dấu cái mặt? Đúng rồi. Hay, dấu cái mặt..diệu kế, diệu kế.. ( Quay qua Thoa) Cô Thoa, cô chạy gấp ra chỗ ngã ba, ở đó có cửa hiệu bán đồ hàng Mã..
THOA:           Ôi giời ơi, Bác sĩ bảo tôi mua mấy thứ cúng ma ấy à?
BS TƯ:           Đúng thế. Cô chọn cho tôi vài ba mặt nạ..Cái mặt gầy, cái mặt cọp, cái mặt ngựa..Lại mua thêm vài ba hình nộm Gà, gà trống, gà Mái, cả gà con nữa..Nhanh lên.
THOA:           Những thứ phức tạp như vậy...liệu có sẵn không?
BS TƯ:          Rất sẵn. Thời nay, cứ ra phố là cái gì cũng có.Người ngợm, ma quỷ, ô tô nhà lầu, đô là, Ơ-rô gì cũng có tất. Ngay ngã ba kia kìa. Đi nhanh lên..
THOA:           Vâng ạ.. ( chạy nhanh ra)
HẠNH:           Bác sĩ..ông định làm ma sớm cho chồng tôi sao?
BS TƯ:           Tôi..sẽ thử nghiệm phương pháp của Phơ- rớt..
   ( Vừa lúc Kiến lò dò từ bên trong ra)
KIẾN:             ( Khẽ gọi) Mình...mình..Về thôi..Về nhà nhanh lên.
BS TƯ:           ( Quay lại) Anh chưa về được đâu.
KIẾN:             ( hét lên) Ôi, Gà..Gà..( chui xuống gầm bàn)
HẠNH:          Đừng sợ. Có em đây, đừng sợ..( Đứng chắn ngay trước mặt Kiến)
    ( Thoa ôm mấy mặt nạ chạy vào)
THOA:           Đây rồi. Đúng là cứ bước ra phố thì cái gì cũng có. Mặt gầy này, mặt cọp này, mặt ngựa nữa này...
                        ( Bác sĩ bình tĩnh sắp xếp các mặt nạ, rồi lần lượt đeo lên mặt)
BS TƯ:        ( Đeo mặt gầy) Chị tránh ra đi..( Nói to) Này, anh Hắc bạch Kiến..Anh ra cho tôi hỏi..
                       ( Mọi người lo lắng nhìn vào gầm bàn..Kiến run cầm cập chui ra..ngơ ngác nhìn..)
BS TƯ:          Anh biết tôi là ai không?
  ( Kiến tròn mắt nhìn, mọi người hồi hộp..)
KIẾN:            ( Bất ngờ nhoẽn cười) Hê hê..cái mặt..gầy gò quá..
  ( Tất cả thở phào. Bác sĩ xoạy lưng lại, lấy mặt nạ Cọp đeo vào)
BS TƯ:           ( Quay ra) Con gì đây?
KIẾN:             ( Hơi giật mình ) Con cọp..
BS TƯ:           Có sợ cọp không?
KIẾN:             ( Lắc đầu).
BS TƯ:         ( Lại xoay người đeo mặt Ngựa vào, quay ra) Có sợ con này không?
KIẾN:             ( Lại lắc đầu)..
                       ( Mọi người cười vui vẻ)
BS TƯ:           ( Bất ngờ lột mặt nạ ra) Tốt lắm..
KIẾN:            ( Hét thất thanh) Ối, Gà gà..( Cuống cuồng chạy vào trong. Cô Thoa vội chạy theo)
BS TƯ:           Ô kê. Tôi đã nghĩ ra cách tiếp cận bệnh nhân rồi.
HẠNH:           Nghĩa là Bác sĩ chắc chắn sẽ chữa khỏi bệnh cho anh ấy?.
BS TƯ;           Chắc chắn hai trăm phần trăm.
  ( Cả hai cùng đập bàn tay vào nhau)
CẢ HAI:         Ze! 

                                          Tắt đèn.
 Đăng ngày 11/06/2014