Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ- Tập II- Chương 24 & 25


Tác giả: Xuân Đức 

CHƯƠNG HAI MƯƠI BỐN

Mây tả tơi như những chiếc bao tải rách nát trôi vật vờ từ biển vào phút chốc đã choàng kín cả bầu trời. Oi bức đến ngột ngạt. Biển chưa có sóng to, mặt nước lăn tăn, âm u, thỉnh thoảng sủi lên mấy đụn bọt trắng. Biển như thể sắp sôi.Những bước chân cứ chậm dần lại, uể oải, cà nhắc. Đội hình dứt đoạn. Đâu đó vài người ngồi nghỉ. Mấy đứa trẻ không chịu nổi cái nóng bức, chui đầu ra khỏi những chiếc thúng, vịn tay vào tao dóng, mặt mày phờ phạc, mồm há to như chim sáo đói mồi. Ai không thích nghỉ thì cứ đi. Đôi quang gánh không còn nhịp nhàng nhún theo chân nữa mà bắt đầu lắc lư , xiêu vẹo.

Thật là lạ ! Mới đi có hai ngày đường mà ngỡ đã hàng tháng trời ròng rã. Nếu như không có tiếng bom B52 dội phía sau lưng lẫn trong tiếng bom chuyển rầm rì đến sốt ruột thì chắc chắn những người sơ tán đã tưởng mình xa quê hương tới hàng trăm cây số rồi.

" Trạm hai" còn cách một buổi đi bộ nữa. Theo kế hoạch phải tới đó mới có ô tô đón. Đoàn người cứ lần theo mép biển mà đi, kiên nhẫn, bền bỉ.Trẻ con thôi không khóc nữa.Người lớn ít nói chuyện dần. Thực ra cũng chẳng còn chuyện gì để nói. Trước mặt họ hoàng hôn chầm chậm buông nặng nề. Con đường đi còn thăm thẳm, cuộc sống ngày mới trên đất lạ xem ra mơ hồ mung lung?...Đã đành có Nhà nước giúp đỡ, có địa phương bạn cưu mang, nhưng xưa nay "sẩy nhà là ra thất nghiệp" huống chi giữa thời buổi này, tất cả để dành cho đánh thắng thằng Mỹ, chẳng lẽ mình đã được rút lui về chổ an toàn lại còn đòi hỏi nhờ vả quá nhiều nữa chăng?

Đối với Ông Chẩn, đây là một bước biến đổi ghê gớm trong cuộc đời. Từ cái thuở bỏ làng Cát Sơn ra ngụ cư đất Vĩnh Hòa,rồi lên chiến khu, lại trở về làng Cát, lại ra đất đỏ... là cả một chặng đường phiêu bạt. Cái chết của vợ như một dấu chấm qua hàng. Ngỡ rằng từ đó đời ông sẽ đóng bia mãi mãi bên mộ vợ.Ai hay năm nay, đã đến cái tuổi "sáu bảy" rồi, tay trắng trở về tay trắng, lại ra đi hun hút đường trường...Tất nhiên ông cũng hiểu một cách thấm thía, cuộc ra đi này khác cơ bản ngày trước. Chừ đi có đội, có đoàn, có ủy ban lo trước đường đi chổ đến; có Nhà nước cắt đặt từng trạm đón cẩn thận. Mấy lại, ông cũng như hơn hai vạn người dân Vĩnh Linh khác ra đi không phải để cầu mạng sống cho riêng mình.Cái ý nghĩa này các chi bộ phải giải thích mãi dân mới thông...

Có lẽ để bù đắp cho nỗi niềm trĩu nặng của ông Chẩn là cái thơ ngây đột ngột của Cần. Từ sau ngày bố " vắng nhà", lại đến cái chết của bà, Cần triền miên trong những u buồn, mệt mỏi. Nay nó bỗng thấy tất cả như sắp sữa bắt đầu có lại, tất cả như một trò đùa ẩn núp sau những tảng đá, gốc dừa dọc bờ biển trên chặng đường đi xa. Nó vừa đi vừa nhảy lò cò, miệng líu ríu bao nhiêu câu hỏi. Người lớn mệt mỏi chẳng thiết trả lời. Thì nó chẳng thiết hỏi người lớn nũa. Nó tự hỏi rồi tự trả lời. ít ra nó cũng đã tám tuổi. Cũng gọi là người lớn chứ. Không lớn mà đi xa thế này ư?

Chị Thảo như cái đòn gánh ngoắc mấu vào hai ông cháu, hai nỗi niềm buồn vui...Chiếc đòn gánh chung chiêng trên vai làm thành chiếc cầu bập bênh, giao động vô hồi giữa những ngổn ngang trăn trở,Với chị, ra đi là bước quá giang, là sự lỡ làng... Chị, với cái tuổi ấy, với tất cả những nổi đau đã phải trải qua, nay đứng trước một chặng đường mới vừa thấy mình già đi như thể tất cả đã qua hết rồi, tất cả không thể nào có lại; vừa thấy mình trẻ quá, mọi việc hình như mới sắp sửa bắt đầu còn xa lắc xa lơ, còn thấp thỏm bao nhiêu mối lo, tính toán...

Chị vừa là sự cân bằng của ông với cháu, vừa là nổi giằng xé của trẻ với già !

Họ vẫn đi, đòn gánh cứa trên vai kẽo kẹt.

*

Đoàn người sơ tán về đến được " trạm hai" thì đã gần nữa đêm. Hình như cái xóm nhỏ này chưa hề ngủ. Những mái tranh thấp lè tè nấp dưới các cây phi lao cụt ngọn, lá phi lao rụng dày mặt cát. Tiếng gọi nhau í ới, vài ba vệt đèn pin lóe nhanh rồi tắt vội, tiếng chân đạp lạo xạo, mùi vỏ hàu, vỏ hến xông lên quẩn trong khí trời oi bức khiến càng thêm tanh lợm.

Một người đàn ông trạc tuổi trung niên từ đâu đó xông thẳng đến mặt bố con ông Chẩn, giọng anh vỡ ra rè rè.

- Bác ở đội mấy hè?

- Dạ, đội chín...

- Rứa bác tên chi hè?

- Dạ... Chẩn

- à Nguyễn Hữu Chẩn hí ?

- Dạ...

Hai bàn tay người đàn ông trạc tuổi trung niên ấy áp vào bàn tay ông Chẩn rung rung hồi lâu.Rồi anh quay nhanh lại phía sau hét tướng:

- Mau lên ! "Hộ" ông Chẩn bốn người...

Tiếng chân lạo xạo luống cuống.Thêm mấy bóng đen nữa chạy đến. Không trông rõ ai, chỉ thấy những cánh tay đưa ra giằng lấy gánh. Một người cúi xuống bế xốc bé Hầm lên. Một người khác thấp hơn ôm lấy Cần, giọng nghẹn ngào:

Tội chưa ! Mới chừng ni tuổi đã phải đi bộ ngần ấy...

Cả khách lẫn chủ đều nghẹn ngào. Rồi những người chủ nhanh nhẹn giằng gánh đỡ trên vai, túm chặt tay bố con ông Chẩn mà dắt. Chừng mười phút sau, họ chui xuống một căn hầm hiện ra trong ánh đèn dầu vàng đục.

Bây giờ ông Chẩn mới nhìn rõ mặt những người dắt mình. Một ngư dân chừng bốn mươi tuổi. Hai cô gái thấp , béo, tròn trạc "hăm mốt" "hăm hai". Họ đều mang súng chéo qua vai, mặt lấm tấm mồ hôi và cát.

- Hầm này dành cho " hộ" của bác - anh con trai cất tiếng rè rè - cơm nước cứ nấu trong hầm, nhưng chỉ nấu ban đêm và lúc chập choạng thôi. Nờu ban ngày máy bay nó " rẹt" chết. Bác với chị cứ nghỉ thoải mái. Chừng nào có xe chúng tôi sẽ gọi...

Nói xong anh khom người chui ra. Hai cô gái bám theo.Tiếng chó sủa, tiếng gọi nhau í ới, trẻ con khóc lè nhè. Ông Chẩn thấy ân hận vì quá chậm mồm, chậm miệng không kịp cảm ơn những người chủ nhà tốt bụng ấy một câu cho thỏa đáng.

Chị Thảo đặt bé Hầm nằm ngang lên tấm ván. Còn Cần cũng lăn xuống bên em, xoãi rộng hai tay, hai chân, mồm há ra như hát. Tội nghiệp, đi bộ suốt một ngày, chân tay nó như bị tháo rời ra khỏi cơ thể. Vừa đặt mình xuống nó đã ngủ lịm đi. Chị Thảo lấy nồi, vo gạo bắc lên bếp. Củi phi lao nổ lép bép, lửa chập chờn một góc hầm. Ông Chẩn tựa lưng vào tường đất, duỗi thẳng hai chân, xoa tay đều lên hai đầu gối. Tiếng í ới bên ngoài thưa dần rồi mất hẳn. Có lẽ tất cả đã về được vị trí nghỉ ngơi rồi.

Ông quay nghiêng người nhìn con dâu. lửa hừng lên trên hai gò má lấm tấm mồ hôi của Thảo. Càng vất vả, tất bật nom Thào vàng trẻ ra. Bất giác ông thở dài.

Thảo ngước lên nhìn bố.

- Ông ngả lưng một tý, chừng nào cơm chín con gọi...

- ừ...

Ông Chẩn quấn xong điếu thuốc với tay rút que củi đang cháy. Ông rít mạnh hơi thuốc, nhả khói ra dọc cửa hầm. Rồi bất ngờ ông nhíu cặp mày bạc thếch lại như vừa nhận ra một điều gì.

- Nì, đây là làng biển răng lại xa biển hè ?

- Dạ không xa đâu. Biển ngay bên nách rồi đó.

- Hứ, răng không nghe sóng đập ?

- Dạ sắp bão mà.

à đài có báo cơn bão số ba ! Ông Chẩn gật gù, hiểu ra. Trước cơn bão, tất cả bỗng lặng đi, đáng sợ thật !

Nồi cơm bắt đầu sôi lục bục.lửa cháy mỗi lúc một to. Tiếng cơm sôi gợi lòng người nghĩ về một căn nhà ấm cúng, một cảnh sống êm đềm bình an... chao, tiếng cơm sôi trên con đường sơ tán, gia tài một gánh trên vai sao mà thấy long đong, bập bềnh đến vậy ! Ông Chẩn cố nuốt những cảm giác ấy vào lòng đặt mình nằm xuống ván, mắt nhắm như ngủ. Nhưng tiếng cơm sôi lục bục bên tai, tiếng vung đập lên miệng nồi lập bập như bước chân, đi sấp ngửa trong đêm khiến cổ ông cứ ứa đầy nỗi niềm cơ cực. Ông muốn gọi to lên một tiếng , gọi ai cũng được, gọi như tiếng vạc thốt lên giữa đêm trường, may ra vợi bớt nỗi ưu tư...

Nhưng ông chưa kịp gọi thì ngoài xa đã vẳng vào tiếng ai đó gọi ông :

- Ông Chẩn ! Ông Ch...ẩn ! Chị Thảo ơi !

Ông Chẩn ngồi dựng dậy. Chị Thảo cũng dướn người ra phía cửa hầm. Có tiếng xe ô - tô ì ì bên ngoài. Tiếng chân người lao đến gần. Đã nghe rõ giọng rè rè của người chủ nhà lúc nảy.

- Mời ông, mời chị ra thôi ... xe đến rồi !

Trời đất ! Không biết nên vui mừng hay nên kêu khổ. Con Cần, thằng Hầm đang duổi thẳng chân mà ngủ. Nồi cơm vừa mới sôi gạo còn cứng nguyên hạt. Chị Thảo luýnh quýnh dập lửa, Ông Chẩn cầm hai chân Cần mà lay:

- Cần !Cần ! Dậy đi cháu. Mau lên ! Nào, mau lên !...

Phải mất mười phút sau họ mới chui ra được khỏi hầm. Phía bãi tràm người ta kêu nhau ồn ào như họp chợ. Tiếng xe gầm gừ nghe đến sốt ruột. ánh đèn gầm quét lên mặt cát vàng đục. Tất cả có tám chiếc xe. Người ta đưa đẩy nhau lên, gồng gánh soong nồi loảng xoảng...Bố con ông Chần ngồi lọt vào giữa bà con đội chín. Tiếng cười hể hả. Ai đó bật lửa châm thuốc, tức thì ai đó bên cạnh hét toáng lên:

- Tắt đi ! Máy bay nó ném cho mất xác chừ...

- ái chà, nhát như cáy.

- Gớm, thì ông gan. Ông gan răng không ở lại mà đánh Mỹ hè !

- Ô hay, đi cũng là đánh Mỹ chứ ? Đi thế này không cần gan dạ à ?

- ối chà, phà khói ra ngoài cửa kia ! chết ngạt trẻ con đây này...

- Trời vật cái nhà ông đi ! không hút một điếu đã chết ai kia chứ ?

Xe nổ máy chồm lên, lắc trái, lắc phải. Người đổ đè lên nhau, gồng gánh choàng vào cổ, la oai oái, cười sằng sặc... Thế mới biết,dẫu đã đến cái cùng tận của gian truân rồi cũng hãy còn chút vui.

Đoàn xe rầm rì trườn ra khỏi trảng cát, ngoặt tay lái rồi phóng ù ù trên con đường nhựa củ kỹ. Gió thốc ngược chiều, vải bạt đánh phần phật,gió xoi vào tận từng ngóc ngách trên xe. Gió như cũng muốn đền bù lại cho người sau một ngày oi bức ngột ngạt. Nhiều người lim dim mắt, không phải ngủ mà là tận hưởng. Sau hai ngày đi bộ đến rã rời chân tay, có được lúc ngồi yên mà hưởng gió trời lồng lộng như thế này không gọi là hạnh phúc sao được!

Cảm giác thật dễ lầm lẫn! Phải lúc mọi người cứ ngỡ là gió đang quạt hơi mát ào ào qua lòng họ thì cơn bão số ba đang hình thành ngang vĩ tuyến mười bảy. Không gian gần như đặc lại vì oi bức. Cây cối đứng im chịu sự trừng phạt. Trên mặt biển những bọt nước sủi lên mỗi lúc một nhiều hơn.

Người ta chỉ có thể nhận ra sự thật ấy khi chiếc xe đột ngột dừng lại. Người chao về phía trước, chồm lên nhau. Bất ngờ từ đâu đó, cái nóng như chiếc chảo rang khổng lồ úp chụp lên khối người trên xe. Hơi thở hồng hộc. Nhiều người nhoài đầu ra phía ngoài để thở. Trẻ con cựa mình khóc. Mồ hôi nấp sẵn trong da phút chốc ứa tràn ra, nhớp nháp.

Thế rồi, cũng hết sức đột ngột, cái chảo nóng trên đầu bỗng như thể vỡ vụn ra lã tả rơi xuống. Tất cả những người trên xe nhất loạt co vai lại. Đã kịp hiểu ra sự thể. Những tiếng động cơ phản lực đang đổ rào rào trên đầu.

Người ta lao ra cửa thùng xe. Những bà mẹ bế con chỉ thiếu kêu trời. Nhưng không ai kêu. Kinh nghiệm tránh máy bay đã cho thấy tốt nhất là im lặng mà nghe. Tiếng động cơ đổ từ phía trái vào, thế là chạy qua phía trái. Tiếng bom xé gió từ trên đầu trượt ra phía sau lưng. Tiếng nổ làm chung chiêng cả một vùng đồi. Chạy nữa. Nhưng bất ngờ tiếng máy bay lại réo từ phía biển vô. Chúng nó đã đổi hướng bổ nhào. Không thể chạy trở lui được nữa "Dạt ra hai bên" ! Ai đó hét như ra lệnh. Đoàn người lập tức rẽ ra hai phía. Bom nổ thành chùm bốn, năm quả liền. Mặt đất toé lửa hắt ngược lên.

Thảo ghì thằng cu Hầm trước ngực, người chị lao về phía trước, chạy thục mạng. Hơi bom xô qua trái, chị nhào qua trái. Hơi bom xô về phải, chị lại nghiêng qua phải. Có tiếng chân thình thịch xung quanh. Thảo đinh ninh là ông và con Cần đang bám sát chị. Lại một loạt bom xé gió trên đầu. Thảo hơi cúi xuống nhưng vẫn chạy. Bom nổ. Thảo ngã sấp người đè lên con. Cu Hầm khóc ngạt hơi, Thảo lồm cồm đứng dậy, nhảy qua một lùm cây. Gai móc vào ống quần nghe "Roác" một tiếng. Có hơi gió táp vào da. Kệ! Thảo vẫn lao như bay lên hướng đỉnh đồi.

Tiếng chân người thình thịch vượt lên phía trước. Ba, bốn bóng đen. Không thấy bóng trẻ con Thảo chững người lại, gọi to;

- Ông ơi ! Có con Cần đó không ?

Mấy bóng đen không dừng lại, không một tiếng trả lời. Thảo quay lại nhìn vội phía sau. Không còn ai nữa. Chị hốt hoảng chồm lên lao theo những bóng đen trước mặt.

Vượt qua hết một quãng đồi yên ngựa, họ mới dừng lại. Thảo hớt hải nhào đến giật áo người này, dặc tay người nọ, giọng chị lạc hẳn đi.

- Ông ơi ! Cần ơi !...Trời đất ơi , có ai thấy ông tôi đâu không bà con ơi ! Ông ơi ! Cần ơi !...

Nhưng nào có ai thấy. Đám đông kia một người một đôi, cũng đang lạc nhau, cũng gọi cũng tìm.

Bỗng có ai đó kêu to từ phía chân đồi :

- Bà con ơi ! Máy bay đã ném bom ra phía đồi cát, bà con nhanh chóng về xe để vượt qua trọng điểm.

Lại chạy. Từ rất nhiều hướng trên đồi, các tốp người nối nhau lao về phía đường cái ! Thảo vừa chạy vừa gào đến khản tiếng :

- Ông ơi ! Cần ơ...i...

Rất may, không có một chiếc xe nào bị cháy. Nhưng máy bay vẫn đang nhào trên đầu. Ông Phó chủ nhiệm hợp tác chạng chân ra giữa đường hét tướng :

- Lên xe ! Cứ lên đủ xe nào chạy xe ấy ! lên đi !...

Thảo vẫn loay hoay giật áo người này, túm tay người nọ, mồm mếu máo gọi ông. Ông phó chủ nhiệm lao đến giữ lấy vai chị :

- Chị kia, lên xe đi chứ !

- Dạ. Nhưng còn ông...

- Ông về sau sẽ đi sau.

- Dạ nhưng ... tui đi xe đội chín...

Một chiếc phản lực nhào thẳng xuống trục đường. Một loạt hai mươi ly nổ xé tai, mùi thuốc súng xông lên khét lẹt. Ông phó chủ nhiệm đẩy mạnh tay khiến Thảo ngã dúi về phía chiếc xe :

- Đã bảo cứ lên xe cho đủ. Không chia đội nữa , nghe chưa?

Thảo chạy xiêu vẹo đến bên thùng xe. Người trên xe choài tay xuống bế lấy đứa bé và dìu chị lên. Chiếc xe nổ máy, giật mạnh một cái rồi lao đi.

Thảo bỗng òa lên nấc nở: " Ông ơi ! Cần ơi" ! Tiếng chị lấp trong tiếng động cơ máy bay tơi tả khắp bầu trời.

*

Chính ông Chẩn cũng không hiểu nổi tại sao mình lại bị lạc khỏi mẹ con Thảo. Đúng cái lúc máy bay đổi hướng bổ nhào và ai đó hô to : " chạy dạt ra hai bên" thì ông bị hơi bom xô ngã sấp xuống bên bụi cây. Nếu những người chạy đằng trước không kịp nghe tiếng "hự" bật ra từ vòm ngực ông thì có lẽ ông còn nằm mê man ở nơi đó chưa biết đến khi nào mới dậy được. Rồi người ta luồn tay vào nách ông , dìu ông chạy. Cứ thế mà xuôi xuống chân đồi, rồi lại chạy ngược lên một sườn đồi khác. Ông vấp phải bụi bờ, khuỵ xuống, đứng lên vài chục lần chẳng nhớ nữa. Cuối cùng thì cũng thoát khỏi vòng vây oanh tạc.

Khi nhóm của ông Chẩn tìm về tới xe thì cũng chỉ còn lại một chiếc cuối cùng đứng đợi. Ông phó chủ nhiệm càu nhaù giục mọi người lên xe. Ông Chẩn chạy tới:

- Chú có thấy con dâu tôi tìm tôi không?

Ông phó chủ nhiệm nhìn ông Chẩn một lúc rồi sự nhớ:

- ờ có có, chị nớ kêu ông hoài khóc in cả lên. rồi lên xe đầu tiên rồi.

- Tội nghiệp!..

Ông Chẩn chép miệng liền mấy cái rồi lên xe. Dầu sao cũng yên tâm. Mẹ con nó đi xe trước chắc chừ đã ra tới quá sông gianh rồi.

Không ai ngờ sự thể lại như thế!

Chiếc xe cuối cùng về tới " Trạm ba" lúc gà gáy sáng đêm hôm sau. Cả khối người đi trước vẫn thức và đứng đầy sân hợp tác để chờ xe. Xe dừng lại, khối người kia ùa đến. Ông Chẩn nhận ra ngay tiếng gọi khàn đặc của Thảo: " Ông ơi, Cần ơi!" Ông chống tay vào thành xe, nhấc chân ra. Có ai đó đỡ lấy lưng ông. Chưa đặt chân xuống tới đất ông đã mếu máo goị lại:

- Thảo! Thảo...Ông đây mà!...

- Trời ơi!.. Ông ơi...

Hai bố con túm lấy vai nhau. Chợi Thảo dừng lại, thụt lui một bước giọng chị thảng thốt:

- Rứa...Rứa con Cần đâu ông?

- ủa, con Cần?...Không phải nó đi theo con à?

- ơi trời ơi!... Con ơi là con ơi!...

Chị Thảo sụp hẳn cả người xuống y như cây chuối bị chém ngang gốc, hai tay chị đập bèn bẹp lên nền đất. Đám đông xung quanh đột ngột lặng đi rồi ông phó chủ nhiệm hiểu ra ngay tình thế, ông lao sầm vào chiếc lán cạnh đó. Người ta nghe tiếng quay máy reng réc, tiếng gọi máy cáu kỉnh luýnh quýnh:

- A lô! A lô! Trạm hai đâu? Trạm hai?.. Tôi đây. Đề nghị các đồng chí tìm giúp một cháu gái...ừ nó là Cần...ừ ở chổ ngầm sỏi. Cách trạm các đồng chí chừng hai mươi kilômét.

Chị Thảo khóc đến xỉu người. Bà con xúm lại bế chị lên, mỗi người một câu an ủi. Nhưng an ủi sao nổi. Thà rằng đứa con nó chết ngay trước mặt, dầu đau xót đến mấy cũng đã được nhìn thấy con. Yên tâm mà vĩnh biệt! Đằng này không biết nó sống chết ra sao, cứ nghĩ đến đêm trường bơ vơ ậnhi hoang hiu quạnh mà thấy bủn rủn tay chân..

Người ta dìu Thảo vào nhà, đặt chị lên giường như đặt một bệnh nhân cấp cứư. Thảo gần như ngây dại, miệng rên rỉ, thều thào:

- Con ơi...Tại mạ không cho con đi đợt trước...Tội của mạ to...To tày non.. mạ đáng...chết...

Trong lúc đó ông Chẩn vẫn đứng như trời trồng ngoài bãi xe. Cho đến phút này ông vẫn không thể ngờ tới, không thể hiểu được tại sao thằng Mỹ lại có thể dồn con người ta đến mức cơ cực dường này?

CHƯƠNG HAI MƯƠI LĂM 

Với bé Cần đi một mình không hẳn đã là một việc nguy hiểm. Thậm chí còn có vẻ thích nữa kia. Cần chỉ hơi thắc mắc tí tẹo thôi, đó là tại răng mãi không thấy mạ hoặc ông gọi nó về ăn cơm. Nghĩa là dần dần nó cảm thấy đói. Có lẽ đây là tai hoạ đâù tiên trong ngày hôm nay chăng?

Ý nghĩ trước hết của Cần là tìm về nhà. Nó quên mất rằng nhà nó cách xa chỗ này hơn hai ngày đi bộ và nó không nhớ được cả cái việc mạ đã đi sơ tán. Không phải không nhớ nhưng theo nó đi sơ tán cũng như đi thăm ông nội hoặc là như một chuyến ra khơi của bố ngày trước thôi. Đi đâu cũng chỉ tạm thời. Nhà mới là cái gốc.

Cần cứ nhắm hướng mặt trời mà đi. Dù cho nó là đứa hay quên hoặc chưa hiểu hết mọi điều, thì duy nhất có điều này không bao giờ nó nhầm lần:

Nơi mặt trời lên là biển. Nhà nó ở đấy.

Cần vừa đi vừa chú ý xuống đất xem dấu chân của ông, của mẹ đi về hướng nào. Khốn nỗi đây lại là đồi sỏi, con người đi qua có ai để lại được dấu tích gì đâu. Thế thì chẳng thích bằng bãi cát trước mặt nhà Cần. Sáng nào cũng vậy, Cần thích chạy ra nhìn những dấu chân cứ nối nhau ra tới mép nước thì biến mất, y như con người đêm qua đã theo nhau xuống hết dưới đáy đại dương. Tha hồ mà tưởng tượng. Có lẽ dưới đó người ta đông lắm. Dưới đó vừa mát lại vừa không có bom...

Còn trên đồi sỏi này chỉ duy nhất có dâú bom lở loét và vệt khói thuốc đen sì. Những cây bồi lúp xúp, cành lá tả tơi như vừa có con sóng to nào cuốn lên. Ông và mạ đi đâu? cả cu Hầm nữa, tịnh không hề nghe thấy tiếng nó khóc? Chán quá. Mà bực nữa! Chả ai thèm gọi Cần một tiếng. Giá như ở đây có góc phi lao nào to to một chút thì Cần đã ngồi xoài xuống rồi. Chẳng phải đi tìm ai hết. Cứ ngồi ngủ một giấc là ông với mạ sẽ về. Nhưng mà nóng quá, nóng từ trên trời đổ xuống nóng từ dưới lớp sỏi xông lên. Lại khát nữa, chao ôi là khát. Cần muốn vùng dậy nhưng hai chân cứ bết lại, muốn dừng lại nghỉ thì cái nóng như giật bắn chân lên. ức quá trời, ức muốn khóc được.

*

Mặt Trời đã lặn xuống phía những ngọn núi lô nhô đằng sau lưng Cần. Nhưng cái nóng vẫn cứ lởn vởn giữa trời chẳng chịu lặn. Cần mệt xỉu người. Nó ngồi bệt xuống đất. Rồi nó nằm xoài ra.

Bỗng có tiếng ầm ì đâu đó vẳng tới. Cần cố lật nghiêng người nghe. Tiếng ầm ì rõ dần. Cần ngồi vọt dậy. A, Ô tô! Đúng ô tô rồi. Thì ra ông và mạ vẫn chờ nó dưới đó.

-Bây giờ thì đã chắc chắn mười phần rồi. Tiếng ô tô chậm chạp ì ạch như đang lên dốc. Còn Cần thì đang lao xuống chân đồi. Nó qủa quyết rằng, nó chạy nhanh hơn ô tô.

Chạy xuống hết đồi thì gặp ruộng. Ô hay, răng đêm qua chạy lên không thấy ruông hè? Hay là lạc hướng rồi? Nhưng rõ ràng ô tô đang chạy trước mặt. Thế là Cần quyết định lội xuống ruộng. Ruột Cần thót lại, mồ hôi đổ giọt, môi run lên vì đói, mệt.

Trời lại tối rất nhanh. Chẳng còn trông thấy bờ, thấy cỏ. Cứ bước liều mạng. hụp! Nó trẹo chân đổ nghiêng người. Bùn lấm nhầy nhụa lưng. Lại gượng dậy lại đi. Tay chân bải hoải, rã rời. Nước mắt ứa ra nhưng miệng nó vẫn líu ríu, rên rỉ: cố đi, cố đi, nhanh lên cho kịp xe! Gặp được mạ tha hồ khóc, tha hồ bắt đền. Mau mau lên....

Nhưng nhanh hơn nó vẫn là chiếc máy bay khốn kiếp. Hai chiếc phản lực không biết từ đâu nhào đến ngay trên đầu. Con Cần khuỵu cả hai chân xuống bùn. Có tiếng nổ " Bốp" ở đâu đó. Con Cần chưa dám ngẫng lên. Bất ngờ vô số ánh chớp loé lên trước mặt, sau lưng, xung quanh nó. Tiếng nổ rền như ngô rang. Bom bi rồi! Cần nằm bẹp xuống bùn, cố gần như tắc thở.

Tiếng xe ô tô tắt biến. Thay vào đó, cũng ngay chổ đó, một chùm lửa bay vút lên. Rồi hai chùm, ba chùm chéo nhau. Tiếng nổ dưới mặt đất thùm...thùm...thùm, Tiếng nổ trên đầu thụp...thụp...thụp. A, pháo bắn! Nghĩa là có bộ đội. Chết cha thằng Mỹ rồi. Cần bỗng thấy khoẻ hẳn người, nó vùng dậy, lao lên chạy. Đạn pháo càng bắn lên tới tấp trông thích mắt quá đi thôi. A ha, một chiếc cháy, lửa bùng lên to quá. Cả một khối lửa đùng đùng trườn ra biển. Cần reo không thành tiếng. Nó vẫn chạy băng băng. Hết đói rồi, hết mệt rồi, hết cả nặng nhọc nữa...

Đúng, nó thấy nhẹ hẳn người. Có thể nhảy hai chân lên được. Nhưng ở giữa ruộng bùn làm sao mà nhảy. Nó chỉ biết đứng, ngơ ngác nhìn. Nhìn mãi. rồi tiếng súng cao xạ bỗng ngừng bặt. Tiếng động cơ máy bay cũng tắt ngấm lâu rồi. Nó như sực tỉnh nhìn cái bóng sẫm từ chân núi đang trườn dần về phía biển. Nó hốt hoảng, bật khóc. Tiếng khóc dội vào đồi hoang, nghe héo hắt như âm vang tiếng còi tàu ở một ga vắng xa xôi nào đó.

Nó cứ vừa bò, vừa cào lên bùn, vừa khóc. Khóc đến mức mụ cả đầu, không còn chút tỉnh táo nào để nhận ra tiếng những bước chân thình thịch dội từ trên đồi xuống. Tiếng chân lội bùn ì oạp, sì sụp. Rất nhiều tiếng bước chân đã vây tròn lấy nó. Nó vẫn không hề biết. Cho đến khi có đôi tay sờ vào nách nó kéo lên, một giọng người lớn phả sát vào tai, nó mới bừng tỉnh.

-Cháu!...Cháu làm sao thế này?

Nó bừng tỉnh nhận ra những bốn người cao lớn đang vây quanh lấy nó. Thế là nó oà khóc to hơn. Sau đó nó xỉu vì đói, vì mệt. Nó chẳng còn biết gì nữa. Đêm mung lung mịt mù, Cần thấy mình đang nằm trên bãi cát, có con sóng dồi nó lên rồi lại cuốn nó xuống, chao qua trái, qua phải. Ngoài xa một chút là em nó, thằng Hầm, đang bơi, vừa bơi vừa vẫy. Một con sóng chồm lên lấp tràn qua mặt em nó. Cần hốt hoảng vùng lên kêu thất thanh.

-Em! Em !...Hu hu...

Một bàn tay người lớn đặt lên ngực nó. Cần mở mắt. Vẫn còn con sóng lắc lư trôi, à, không phải xe đang chạy. Nó đang gối đầu lên hai chân một chú bộ đội. Chú nhìn xuống nó, mỉm cười:

-Ngủ nữa đi cháu!

Cần khẽ nhíu vầng trán như muốn xoá những con sóng đã chồm lên cơn mê.

*

Gần sáng, đoàn xe ghé vào nấp trong một làng nhỏ cuối tỉnh Quảng Bình. Cần vẫn ngủ say. Tiểu đoàn trưởng Tùng bế nó trên tay lễ mễ đi vào căn nhà đầu xóm. Anh gặp một phụ nữ mập mạp, nước da đen sạm, đôi bàn tay to và rộp dày. Thấy anh bế bé Cần, chị chép miệng mấy cái tiếng ồm ồm như tiếng đàn ông:

- Chao... Tội nghiệp quá hè!... Chắc lại lạc mẹ phải không?

Tùng nén tiếng thở dài, giọng buồn buồn:

- Đúng đấy, chị ạ, chúng tôi sẽ tìm cách cho cháu gặp mẹ.

- Răng? Anh định nuôi cháu ạ?

Người phụ nữ ngước đôi mắt to lên nhìn chồng, rồi như đã thấy rõ quyết tâm của anh, chị lại chép miệng.

- Dưng mà, các anh chiến đấu suốt ngày suốt đêm vậy thì nuôi nấng làm răng? Rõ tội...

Tùng ngồi im lặng. Rõ ràng anh chưa thể trả lời được những câu hỏi rắc rối ấy. Cuộc đời anh chưa bao giờ phải đèo bồng trẻ nhỏ, không biết những ngày tới sẽ thế nào? Bất giác Tùng nghĩ đến Hoan. Nếu không có thằng Mỹ, nước không bị cắt chia, hẳn anh đã có con rồi. Con anh dễ thường cũng đã lớn hơn, hoặc ít ra cũng bằng con bé này... Tùng khẽ quay lại. Bé Cần vẫn ngủ say, miệng nó trề ra như đang dỗi. Lẽ nào mình có thể bỏ rơi một đứa con như thế này để ra đi cho nhẹ tay, rảnh chân?

Và thế là người tiểu đoàn trưởng cao xạ quyết định:

- Không hề gì chị ạ. Chúng tôi sẽ nuôi cháu, có thể sẽ gặp khó khăn... nhưng nhất định không thể khó bằng đánh giặc đựơc. Không thể...

Tùng nhắc lại như tự khẳng định với mình. Khó mà lường trước đựơc những gì xảy ra. Nhưng, cũng như tình huống một trận đánh vậy thôi, có rắc rối tới mấy cuối cùng cũng phải tuân một quy luật nhất định. Miễn là mình đừng chùn bước.

Tùng đứng hẳn dậy và bước ra. Anh bước từng bước khá dài và lòng tự nhủ: Có thể đã bắt đầu những bước gian truân mới. Thử xem nào! Những gì rắc rối nhất cứ thử xẩy ra đi!

Y như một lời niệm chú, trước mặt Tùng bỗng xuất hiện một quân nhân tóc đã hoa râm, trán hói cao, bộ quân phục tuy bê bết đất nhưng vẫn còn hằn những đường li thẳng tắp. Người ấy dừng lại đảo mắt một vòng rồi hình như cũng đoán được Tùng là thủ trưởng, anh lao tới:

- Báo cáo... anh có phải là thủ trưởng tiểu đoàn không ạ?

- Vâng. Có chuyện gì thế đồng chí?

- Dạ tôi là Huỳnh, thiếu tá, đoàn trưởng đoàn văn công xung kích của mặt trận...

Đôi mắt Tùng mở tròn ra, anh chìa tay thành khẩn:

- Xin lỗi đồng chí, tôi là đại uý Lê Viết Tùng...

Người thiếu tá vẫn nhã nhặn:

- Dạ vâng, tôi muốn báo cáo với anh một việc...

Hai người dẫn nhau trở vào nhà. Người đoàn trưởng văn công ngồi xuống chõng.

- Báo cáo đồng chí, chúng tôi là một bộ phận của văn công Tổng cục chính trị, được trên cử vào chiến trường "bê hai". Từ Hà Nội vào đến Nghệ An thì được đi ô tô. Còn từ đó tới trong này đều đi bộ. Dạ... nói chung sức khoẻ anh em vẫn tốt, vẫn đảm bảo đi tới chiến trường được anh ạ. Duy chỉ có một trường hợp... Huỳnh dừng lại, liếc nhìn người tiểu đoàn trưởng, đắn đo:

- Dạ có một đồng chí nữ bị sốt rét đã ba ngày nay rồi. Chiều qua chúng tôi đến đây, đồng chí ấy vẫn sốt mê man. Suốt đêm qua nhiệt độ vẫn cứ ba chín, bốn mươi độ. Sáng nay, đoàn chúng tôi phải tiếp tục lên đường. Từ đây vào tới "bê hai" có nhanh cũng phải vài tháng nữa. Đồng chí ấy khó mà theo được. Vì vậy...tôi muốn gửi lại các đồng chí...

Tùng đã hiểu ra nội dung cuộc gặp gỡ. Anh quay lại phía sau.Chị đội trưởng bồng cháu bé đi xin sữa. Còn bé Cần vẫn đang nằm thiếp.Bây giờ lại thêm một bệnh nhân...

Thấy Tùng im lặng người đoàn trưởng nằn nì:

- Vẫn biết là các đồng chí đang làm nhiệm vụ, nhưng dẫu sao cũng gần đây...Hơn nữa đơn vị thế nào cũng có quân y sĩ, có xe cộ... hoặc là nhờ các đồng chí chuyển giúp bệnh nhân đến một quân y viện nào gần đây, hoặc nhờ các đồng chí điều trị giúp rồi sau gửi đồng chí ấy về tuyến sau...Chúng tôi xin bàn giao lại toàn bộ giấy tờ...

- Báo cáo anh, tiểu đoàn chúng tôi không phải đóng ở đây. Chúng tôi đi nhận pháo ngoài quân khu về, chỉ nghỉ lại đây một ngày, tối đến là cơ động...

- Hay là... trong ngày hôm nay các đồng chí giúp cho một chiếc xe chở đồng chí ấy đến viện?

- Không ổn anh ạ. Một là ban ngày xe không thể chạy được. Từ đây quay trở ra đến bệnh viện khá xa. Hai nữa xe chúng tôi không được phép rời pháo.

- Chà...Người đoàn trưởng thở ra một tiếng rõ dài rồi đưa bàn tay gãi gãi vào chiếc trán hói . Tội nghiệp quá đồng chí ạ, cô ấy là một diễn viên rất tốt, Mới có hai mươi mốt tuổi, người Hà nội chính gốc đấy. Đồng chí ấy vốn không trong diện đi, thế mà cứ nằng nặc xin mãi...

Vừa lúc ấy từ ngoài sân, một cô gái bận quân phục, đầu đội mũ tai bèo chạy vào hớt hải:

- Anh Huỳnh ơi ! Gái Hà nội sốt dữ quá anh à !

Tùng đứng hẳn dậy.

- Các đồng chí đưa cô ấy lại đây.

Nói rồi anh bước ra gọi cậu chiến sĩ liên lạc :

- Đồng chí gọi giúp quân y sĩ!

- Rõ.

Chiến sĩ liên lạc chạy đi.Tùng lẩm bẩm một mình:

- Quái thiệt, hom qua đến chừ bao nhiêu là chuyện...

Các diễn viên xúm xít cõng bệnh nhân đến. Đấy là một cô gái có khuôn mặt thon thon khá xinh, mớ tóc phi dê lòa xòa trước trán. Cô bận bộ quân phục mới, chiếc mũ tai bèo lật ra phía sau lưng. Da mặt tái xám nhơm nhớp mồ hôi.

Tùng cúi xuống áp bàn tay lên trán người diễn viên trẻ. Có cảm giác toàn thân cô là một khối lửa đang bốc hừng hực. Tùng thấy thương quá! Anh nhấc cô gái đặt vào chính giữa giường. Bên cạnh là bé Cần vẫn đang thiêm thiếp. Trông cô cũng chỉ lốn hơn Cần tí tẹo thôi. Sức vóc ấy mà dám vượt tận cùng dãy Trường sơn, thật khó tưởng tượng nổi.

Tùng ngước lên nói với người đoàn trưởng.

- Các đồng chí cứ để cô ấy lại. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình...

Đoàn trưởng Huỳnh đưa cả hai tay túm lấy tay Tùng lắc lắc hồi lâu:

- Cám ơn, cám ơn quá ! Thật là...

Thế là cuộc chia tay diễn ra. Các cậu con trai đứng tần ngần nhìn mãi vào khuôn mặt thon thon, nói mà như không để cho cô gái ấy nghe:

- Đừng buồn Kim Hà nhé ! Sẽ gặp nhau sau...

Còn các cô gái thì thút thít. Con gái muôn thuở vãn thế. Họ vuốt mặt, vén tóc, thơm tràn lên đôi môi nhợt nhạt của Kim Hà. Cô diễn viên mắt vẫn nhắm nghiền, mồm lắp bắp một câu gì đó chẳng ai nghe rõ. Hai giọt nước mắt ứa ra tròn vo như hai giọt sương lăn dài xuống chiếu. Rồi bàn tay cô khẽ nhúc nhích. Một cô bạn hiểu ý, cầm vội bàn tay ấy nâng lên, nắm chặt. Và có lẽ không cầm được lòng, cô bạn òa lên khóc. Tiếng khóc nhòa trong lời kể lể:

- Nó...nó... là bạn thân...thân nhất của em. Em hiểu nó...

Tiếng khóc làm cho bé Cần thức giấc. Nó mở mắt rồi hốt hoảng ngồi dựng dậy. Cần lơ láo nhìn những người xung quanh.Bỗng đôi mắt nó dừng lại ở người nằm bên cạnh. Bất giác Cần nhảy lên ôm choàng lấy cổ Tùng, giọng run rẩy:

- Chú ơi, chú đưa cháu về với mạ.

Tùng ghì chặt lấy Cần. Anh hiểu rằng chỉ có như vậy mới làm nó bớt sợ hãi.

*

Chỉ có anh hiểu được, ít ra là trong hoàn cảnh riêng biệt này, nổi sợ hãi của đứa cháu nhỏ. Nhưng liệu anh sẽ làm được gì đây, làm gì để xoá bớt đi những nổi kinh hoàng ấy trong đầu trẻ thơ?

Gần một năm nay đánh nhau với giặc Mỹ trên đất Vĩnh Linh, tiểu đoàn anh bắn tan xác bốn máy bay. Nhưng tình thế ngày một thêm quyết liệt. Số lần tốp, lần chiếc máy bay địch tăng gấp rưỡi, gấp đôi năm ngoái. Đặc biệt sau thất bại cay đáng của trận càn quy mô bên bờ Nam dạo tháng năm, giặc Mỹ xem chừng ngấm đòn trước sức mạnh của miền Bắc nên chúng càng điên cuồng, lồng lộn. Gần nữa quân số tiểu đoàn anh bị thương và hy sinh. Hai phần ba số súng bị hỏng. Lần này Quân khu trang bị cho đơn vị toàn bộ pháo mới và bổ sung cho anh ngót nghét năm chục tân binh. Những trận chiến đấu tới đây sẽ thế nào? Anh biết Vĩnh Linh đã cơ bản hoàn thành công việc sơ tán người già, trẻ con. Còn lại là thép chọi thép.

Tháng bảy rồi! Những cơn bão cứ ngấp nghé ngoài biển đông. Trong đất liền nắng như đun như hầm. Cây cối đứng trơ ra, kiên gan chịu đựng để rồi ít nữa lại tả tơi. Trong những cơn gió xoáy phũ phàng.

Còn con người? Dĩ nhiên không thể như một cành lá. Con người ngoài cái nhựa sống ra còn có trí tuệ. Trí tuệ sẽ giúp chúng ta đi qua suốt cả bốn mùa, đi qua những cơn bão dông lớn nhất. Con người thực là vô địch!

Nhưng trí tuệ một đứa bé lên tám liệu có thể đủ giúp cho nó đi qua sự huỷ diệt của giặc Mỹ không?

Suốt buổi sáng nay Tùng day dứt mãi với câu hỏi ấy.

Lúc này có lẽ hơn mười giờ. Kim Hà đã ngồi dậy được. Còn bé Cần sau khi húp một tô cháo nóng dĩ nhiên là nó thấy khoẻ hẳn lại y như không hề có chuyện gì xảy ra. Và chính Bé Cần là người bắt chuyện trước:

- Cô cũng đi sơ tán à?

- Không...-Kim Hà hờ hững.

- Thế tại sao cô lại ở đây.

Kim Hà khẽ nhíu mày. ừ.. Tại sao mình lại ở đây nhỉ?

Hơn ai hết Kim Hà tự hiểu rằng nếu mình từ chối mà cũng chả cần từ chối, nếu mình không nằng nặc kêu van với trưởng đoàn xin đi cho bằng được thì chắc chắn mình đã không ở chổ này rồi. Sự nhiệt tình ấy đúng hay sai? Kim Hà khẽ nhắm mắt lại Hà nội chập chờn trong nỗi nhứo như một vệt đèn màu lấp loá ở trên khung cửa nào đó, xa xôi...

Thay cho câu trả lời là một câu hỏi:

- Thế còn cháu? Tại sao lại ở đây?

- ồ cô không biết chi cả. Cháu đi sơ tán mà...

- ở đâu mà sơ tán ra đây?

- Vĩnh linh.

- Vĩnh Linh? Cháu ở Vĩnh linh ư?

- ừ...

- Thế bố mẹ cháu đâu?

- Bố đi vắng lâu rồi. Mẹ với ông cũng đi sơ tán nhưng về rồi.

- ồ, sao lại về?

- Cô chẳng biết chi cả. Sơ tán xong thì về chớ sao?

Thế thì Kim Hà không hiểu được thật. Không hiểu thì lại phải hỏi:

- Thế bây giờ cháu định đi đâu?

- Cháu cũng về chứ?

- Nhưng...Người ta giữ cháu lại đây kia mà...

Bé Cần quắc mắt lên:

- Ai giữ? Chẳng ai giữ cả.

Cô diễn viên Hà nội cố gắng giải thích:

- Chú bộ đội ấy. Chú ấy sẽ giữ cháu...

- Chú ấy không có quyền đâu...

Vừa lúc ấy Tùng bước vào:

- Này, sao chú lại không có quyền?

Cần trả lời trơn tru:

- Vì chú không phải là bố cháu.

- ồ...Tùng chợt lúng túng- nhưng... nhưng chú không có chau đi nhờ xe thì cháu bảo sao?

Cần nín lặng. Nó ngước cặp mắt tròn xoe nhìn Tùng. Rồi đôi mắt khẽ chớp chớp. Có lẽ nó không hiểu tại sao người lớn cứ ăn hiếp nó hoài vậy. Nhưng rồi nó quyết định:

- Thế thì cháu đi một mình.

Nói rồi nó đứng phốc dậy nhảy ra sân. Tùng vội vã đuổi theo nắm lấy tay Cần. Nó giằng ra, Tùng túm chặt thêm. Nó oà lên khóc! Tùng đâm ra luống cuống:

-ái chà... đáo để hè!...Thôi nín đi! Nín... đi... chú nói đùa đấy. Chú sẽ đưa cháu về Vĩnh Linh, nhất định thế rồi...

Cần nín lại nhưng tiếng nấc vẫn còn ấm ức. Tùng dắt tay nó vào dỗ thêm chặp nữa nó mới lặng hẳn. Đợi Cần vui vẽ trở lại, Kim Hà mới dè dặt hỏi:

-Sao cháu không ở lại đây?

-Chán lắm.

-Sao lại chán?

-Vì không có biển. Không có biển chả biết chơi với ai, cô không hiểu à?

Kim Hà gật đầu tự thú nhận sự thiếu hiểu biết của mình. Thì ra trên đời còn có trường hợp ấy nữa. Người ta chán vì không có biển. Còn mình thử xem những lúc chán là vì không có cái gì?

-Nhà cô có biển không?

-Không.

-ồ, rứa cô có em bé không?

-Có. Cô có em nhưng không bé nữa. Em cô lớn bằng cô rồi.

Bé Cần bật cười.

-Cô lại không thật thà rồi. Không thật thà thì xấu.

Kim Hà vội giải thích:

-Đúng như thế mà. Em cô có chồng rồi kia mà. Bé Cần tròn mắt ra nhưng có lẽ nó nom thấy vẻ mặt của người nói chuyện nghiêm trang quá nên không dám cãi lại. Cần hỏi thỏ thẻ:

-Rứa cô...Cô có chồng chưa?

Kim Hà cúi mặt xuống hai má nóng ran.


Đăng ngày 10/05/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan