Sunday, October 18, 2015

Lẽ phải luôn tồn tại

Tác giả: Bài trên báo ANTĐ

Kịch bản: Những chấn động còn lại ( Dư chấn)

Lẽ phải luôn tồn tại

ANTĐ - Sử dụng dàn diễn viễn có tiếng như Quốc Khánh, Xuân Bắc để thể hiện đề tài chống tiêu cực, vở diễn “Những chấn động còn lại” do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng đã đề cập trực tiếp đến những vấn đề nóng của xã hội. Vở diễn vừa ra mắt ngày 18-1 tại rạp Hồng Hà.
 

“Nam Tào” Xuân Bắc đã vào vai nhân vật Lục Tiểu Linh Tốn rất ngọt

Vết nhơ không dễ xóa

Tác giả Xuân Đức khi xây dựng kịch bản “Những chấn động còn lại” đã lồng ghép thông điệp đầy tính văn học ở đề tài chống tham ô, tiêu cực trong một bộ phận quan chức. Đó là có những tội ác đã đi qua nhưng những dư chấn của nó vẫn còn đọng lại, có những tội ác trong quá khứ, tưởng chừng đã bị lãng quên nhưng mãi mãi là vết nhơ không dễ gì xóa nhòa. Thế nhưng, khi dàn dựng, NSND Doãn Hoàng Giang lại nhấn mạnh đến cuộc chiến chống lại cái ác. Tâm điểm của vở kịch nằm ở dư chấn của một vụ án oan đã khép lại trong quá khứ, kéo dài đến hiện tại và ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của những con người có liên quan.

Bắt đầu bằng màn dàn dựng tai nạn giao thông để giết người bịt đầu mối, tưởng như vở diễn sẽ đưa người xem đến với cuộc truy tìm thủ phạm. Song điều bất ngờ là, không có thủ phạm nào được chỉ ra mà cảnh mở màn này chỉ như nút thắt động chạm đến tội ác chồng chất, tội ác được che đậy bằng vỏ bọc của những con người lương thiện. Bức thư của người bố trước khi bị sát hại, chỉ đích danh kẻ chủ mưu giết mình đã được người con trai cất giữ để đi tìm sự thật. Nhưng chỉ một phút sơ sảy, bức thư này lại rơi vào tay con trai của kẻ chủ mưu giết người. Đến đây, nhiều người sẽ đoán rằng, vụ án như vậy là đi vào ngõ cụt và sẽ khép lại vì bị mất chứng cứ. Tuy vậy, con trai của kẻ giết người lại là một chiến sỹ công an. 

Cuộc chiến chống tiêu cực diễn ra dai dẳng và phải đánh đổi bằng cả tính mạng 

“Án trong án”

Từ bức thư này, anh đã tìm thấy “án trong án”, tức là có tới 2 vụ án chồng chất lên nhau và kéo dài tới hơn 20 năm. Đó là câu chuyện dài về những người từng là chiến hữu, cùng sinh tử trong thời chiến nhưng lại đối mặt với nhau trong thời bình. Cuộc chiến chống tiêu cực khiến một cán bộ huyện ủy vì phát hiện ra sự liên quan trong đường dây buôn lậu định tố cáo thì lập tức bị bịt miệng bằng án oan để loại khỏi hàng ngũ những người đảng viên. Vụ án tưởng chừng đã chìm lắng cách đây 20 năm nhưng thực ra tội ác chồng chất vẫn để lại những hệ lụy đến tận sau này.

Dư chấn của vụ án ấy chính là thái độ của những người trẻ, thế hệ hậu sinh của các nhân vật có liên quan trong vụ án. Từ anh công an tới con trai của người bị sát hại, con gái của người đi xác minh vụ án đã lùi vào dĩ vãng đều có chung quan điểm, lật lại vụ án năm xưa để những người đang sống dù đã gần đất xa trời được bình yên trong sự công bằng của lẽ phải. Vở kịch khép lại mà không có thêm bản án nào được luận tội và mọi thứ dường như mới chỉ dừng lại ở việc thể hiện ý chí. Cái kết này hơi khiên cưỡng trong vở kịch nói về đề tài chống tham nhũng. Nếu đạo diễn-NSND Doãn Hoàng Giang khai thác thêm vài chi tiết để thấy rõ cái giá phải trả cho tội ác đã gây ra, cho sự hy sinh để lẽ phải được tồn tại trong cuộc sống thì tính văn học cũng như tính nghệ thuật sẽ nhuần nhuyễn hơn.

Đăng ngày 23/01/2015

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan