Thursday, October 15, 2015

MUA CHỖ - truyện ngắn

Tác giả: Hữu Đạt
          
             Ở cơ quan, ông Quả là người có thâm niên cao nhất. Công tác lâu năm, lại thêm đức tính cần cù và chịu khó, hay giúp đỡ mọi người những khi cần thiết. Điều đặc biệt là ông không bao giờ tham gia bình luận về một ai đó khi họ vắng mặt, nên mọi người nể phục ông lắm.



 Khổ một nỗi ông là người có bằng cấp thấp nhất trong số những người được gọi là "mâm trên" của đơn vị. Nếu như không muốn nói ông là người không có một tý chuyên môn gì cả. Do đó dù có cố gắng đến mấy, ông cũng chỉ được bố trí đến chức trưởng phòng hành chính của cơ quan mà thôi.
Ngày xưa vào thời đất nước đang chiến tranh, ông đâu có được ăn học đến nơi đến chốn như bọn trẻ bây giờ. Thời điểm đó, bất cứ ai học xong lớp Bảy  hệ Mười là quý lắm rồi.
 Tốt nghiệp cấp II xong, ông Quả tham gia lao động cùng hợp tác xã, rồi nhập ngũ.
Ròng rã bao nhiêu năm rong ruổi khắp các chiến trường từ Quảng Trị vào đến Tây Ninh, chiến khu D...
Vào sinh ra tử, lăn lộn trên bom, dưới đạn....thế mà súng đạn của thằng Mỹ đã chừa ông ra. Nói chính xác ra, thì chúng cũng đã xẻo đi của ông một miếng thịt ở bên mông phải. Nhờ thế mà ông mới được xếp vào hạng thương binh ¾ và luôn nhận được sự ưu tiên trong phân công công tác.
Như ông bà ta thường nói vui là: "Bom đạn thằng Mỹ đã không đủ làm ngứa cái lỗ đít của ông". Nhưng chúng đã cướp đi cơ hội học hành của ông. "Nếu như không có bọn Đế Quốc, thì tao đã có cái bằng lái máy kéo từ lâu rồi. Đó là cái bằng danh giá nhất của một anh chàng nhà quê như tao thời đó."- Ông thường nói với mọi người như vậy. Bọn trẻ nghe mà cười tít cả mắt lại. Bởi ngày nay có ai theo hoc để lấy cái bằng lái máy kéo, máy cày nữa đâu.
- Không lái máy kéo, thì ông cũng đang kéo cả cái phòng hành chính quản trị này đó sao! - Một người hóm hỉnh trêu lại.
- Xì! Cái chức trưởng phòng hành chính thì có chi là to tát. Đứa nào ưng tao nhường cho đó! Nào điện, nào nước, giấy photo copy, giấy vệ sinh vân vân và vân vân thứ... Ai không có thì hỏi tao. Còn tao có sai bảo được ai bao giờ đâu. Thậm chí cái sân, cái ngõ, nhà cầu bẩn... cũng gọi tao nốt. Nhắc bọn bay chưa làm, thì tao phải xắn tay lên. Hừm! Thế mà bảo là trưởng với phó... cho rờm rà.
 Ông thủng thẳng trả lời và cũng không tỏ ý buồn bực, hay tức giận. Bởi ông nghĩ làm gì cũng được. Miễn là xong tháng, ký lương cái roạc, rồi đem tất về cho vợ. Trong lý lịch ghi dòng chữ là chức vụ: "Trưởng phòng hành chính". - Thế là đủ oai để trình bày với ông Tổ, ông Vải khi xuống mồ. - Mọi người lại cười và đấm lưng ông thình thịch.
Chính vì vậy mà ai cũng thương ông. Bởi ông quá thật thà, bảo gì nghe nấy, chả bao giờ để ý đến cử chỉ của từng người, hay suy đến nghĩa tận cùng của từng câu nói.
 Đúng là phòng quản trị hành chính của ông, có đến những bốn biên chế thật. Nhưng hai cô kia là văn thư và thủ quỷ kiêm nấu nước, một anh là lái xe, chuyên đưa đón các thủ trưởng. -  Người gọi đùa là "Cán bộ đường lối". Vì vậy việc "chạy chợ, chạy đò"  thì ông phải đảm trách chứ còn ai vô đó.
Nếu bấm đốt ngón tay, kể từ ngày chuyển ngành tới giờ, ông cũng đã có gần hai mươi năm công tác rồi chứ bộ. Nhưng gia đình ông vẫn nghèo. Nghèo đến nỗi quạt chỉ mua được một cái, còn lại là phải xin đồ thải loại của cơ quan về dùng. Khi khách khứa tới thăm nhà, ông chả có bộ bàn ghế nào cho xứng cả, đành lấy chiếc chiếu hoa Nga Sơn, trãi ra nền hàn huyên tâm sự...
Nhà người ta thì đổi hết xe đời này sang đời nọ, thậm chí còn mua cả xe con, để đi làm, nhưng ông thì vẫn phải vật lộn mãi với chiếc xe máy Trung Quốc cà tàng. Tiếng nổ còn lớn hơn cả tiếng máy cày thời bao cấp.
Mỗi lần đến cơ quan, không dám chung trong ga ra với những chiếc xe sang trọng. Mà lẵng lặng nhét dưới gầm cầu thang cứu hộ của tòa nhà, rồi dùng miếng ni lon sậm màu trùm kín lại như một bảo vật.
Có lần toàn đơn vị tổng vệ sinh, bọn trẻ liền lôi chiếc xe ra vứt chổng chơ ở sân và ra nghị quyết "Đốt! Bán sắt vụn để kiếm đĩa thịt chó nhậu chơi!"
Một thằng cao giọng nói:
  "Đổi cho ông ấy chiếc Dream Thái trị giá còn sáu mươi phần trăm chất lượng của thằng Tám ấy."
 Nhưng ông không chịu. Ông vội vàng lao ra, giằng lại cho bằng được. Đồng thời cũng cương quyết không chịu nhận món quà bố thí đó
Bọn trẻ lại cười, dẫu môi bảo:
"Lão già chơi trội. Muốn gây ra một vụ scandan ấy mà! Thời buổi này làm gì có ai nghèo đến mức ấy!"
Ông nghe, chẳng nói, chẳng rằng. Lẵng lặng dắt xe đi về, mà đau nhói ở lồng ngực.
 Ông không cãi, vì chúng đâu có biết. Khi ra mới quân, lập gia đình, vợ chồng ông chỉ có mỗi túp lều tranh xiêu vẹo. Ông được nhận vào làm bảo vệ cho một đơn vị nên mức lương cũng ít ỏi lắm. Trong lúc đó, vợ ông lại sinh đôi. Trăm thứ khổ. Người ta cho con bú thì chỉ cần nghiêng người lại và cứ thế ngủ. Chứ vợ ông thì phải chổng mông lên trời, mới có thể cho hai đứa cùng bú được. Hễ một đứa quấy là cả nhà cùng khóc. Đứa này ốm, thì cả vợ và chồng phải lên viện, để thay nhau mà bế. - Vì đứa nào cũng cần sữa mẹ.
"Hừm! Tao có phải như tụi bay, vào cơ quan là làm cán bộ liền đâu. Ì ạch mãi mới mới có ngày nay đó." - Ông lẩm bẩm.
Tuy nhiên từ đó, mỗi khi tới cơ quan, là ông lại ngang nhiên để "chiếc trực thăng" của ông trong ga ra. - Ngang ngửa cùng những chiếc xe bóng lộn khác của bọn  trẻ.
 Không rõ thông tin rò rỉ từ đâu. Bọn lính cũ, đồng  cũ của ông từ Hà Nội biết. Chúng liền quyên góp tiền, mua gửi cho ông một chiếc xe Suzuki mới choáng.
Ông không muốn nhận cũng không được. Thằng hội trưởng hội lính chân chì của Hà Nội cười hà hà qua điện thoại nói:
- Cái đó, bọn em kỷ niệm cho thủ trưởng. Nhưng không biếu không đâu, mà thủ trưởng lo. Sắp tới, trung đoàn ta sẽ xây dựng một nhà bia tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh trong trận huyết chiến "Nam Thạch Hãn" năm Một Chín Bảy Mươi. Thủ trưởng có trách nhiệm dùng chiếc xe đó chạy lui, chạy tới để lo thủ tục và quán xuyến chất lượng công trình.
Ông sung sướng, cưỡi lên xe phóng vút đến cơ quan.
 Thực chất mà nói: Ngoài chức trưởng phòng hành chính ra, ông còn đảm nhiệm một cương vị không kém phần quan trọng của đơn vị nữa. Đó là Bí thư chi bộ Đảng của khối. Nhưng hình như cả hai vị trí đó, không bao giờ đem đến lộc cho ai. Nên người ta mới nhường cho ông.
Được cái bà Nho - vợ ông - con trai, con gái ông, chả bao giờ than vắn thở dài, buông lời chê trách ông vì một điều gì đó.
 Tuy nhiên, nhiều lúc ngồi một mình, ông cũng suy nghĩ: "Vì sao cũng là con người, cũng là có bề dày công tác như nhau... mà người khác lại giàu thế? Còn mình thì quá khổ? Họ đã làm như thế nào để vợ con sung sướng?"
Câu hỏi cứ xoắn lấy đầu ông khi ngồi ở nhà một mình. Thậm chí là cả những khi đi gặp mặt đồng đội.
Có lần, một thằng đồng đội giả say, lè nhè nói:
- Chúng bay... toàn là những đứa có chức, có quyền, nhà cao, cửa rộng, con cái đề huề. Lại tìm những chỗ ngon mà nhảy vào. Đứa nào có thể, thì giúp thằng Quả với. Làm sao để nó có bậc lương cao cao một chút. Lại hưởng thêm được chút lộc của thiên hạ chứ.
Thằng khác lại đế thêm:
- Chúng mình có cho nó tiền trăm, tiền triệu thì rồi cũng hết. Chi bằng... thằng nào lo được, thì lo cho nó cái chỗ ngồi. Để nó được mở mặt mở mày ra cùng thiên hạ. Con cái nó được nhờ.
Tưởng là chúng nốc rượu vào, lợi dụng hơi men, buông lời gièm pha, cạnh khóe. Nên ông Quả cứ ngồi im. Thậm chí là còn giả vờ say, ngửa mặt lên cười hi hí... như một thằng điên nữa chớ.
Thì đúng trăm phần trăm rồi còn gì. Cãi với chúng để mà mất tình đồng đội à! Hơn nữa mình có kém, có tụt hậu, chúng mới đem ra dèm pha chứ. Trên đời, người ta cười thằng khôn mà bị dại, chứ ai đi cười thằng dại mà không biết khôn bao giờ... Vậy nên chả ai biết ông Quả là người dại thật, hay giả dại nữa...
 Tất cả đều lặng im, hướng mắt về phía ông Lực. - Thằng bạn chí cốt từ thời chăn trâu cắt cỏ với ông.
Lực với Quả là người cùng một làng, học chung một lớp, tốt nghiệp cấp II một lần. Và cùng nhập ngũ một lần... Rất nhiều cái giống nhau. Đó là chưa kể: Cả hai đều chung một ước mơ là cầm cái vô lăng chiếc máy cày Liên Xô đỏ chót, chạy băng băng trên những thửa ruộng của hợp tác xã. Rồi chiều chiều, dừng lại trên đường trục to, chờ một cô gái xinh đẹp nào đó nhảy lên... và rồ máy chở về nhà...
Nãy giờ, ông Lực đã nghe hết những câu của mọi người. Nhưng ông vẫn lặng lẽ  ngồi uống. Lâu lâu, lại chau mày ra chiều suy nghĩ một điều gì đó. Hình như là ông đang miên man, tư duy đến một vấn đề rất hóc búa.
Mãi đến khi, ông người ngồi bên cạnh, huých mạnh một cái, ông Lực mới bừng tĩnh giật mình quay lại.
- Sao mày tính sao hả Lực? Liệu có giúp được thằng Quả như ý anh em không?- Ông Cả hỏi.
•-         Cái gì cơ? - Ông Lực hỏi.
- Gớm! Bây giờ lại giở giọng Bắc ra nữa đấy. Thằng Chu - một cán bộ cở bự khác chen vào tỏ ý mỉa mai.
- Nhưng ý  Quả thế nào? Có đồng ý với ý kiến anh em không? - Ông Lực ôn tồn ngước mắt hỏi.
Bấy giờ  ông Quả mới hết "dại", ngồi ngay ngắn lại, đem những trăn trở của mình ra than thở:
- Nhiều lúc đi ăn kỵ, ăn giỗ... người ta cứ xoắn lấy hỏi: "Vì sao chậm tiến?"  Mình cũng cảm thấy xấu hổ lắm. Đành giả ngây, giả ngô, cho qua chuyện. -  Nhấp một hớp bia như để nuốt nghẹn. Ông Quả thật thà giải bày tình cảnh:
-Nói thật với anh em, mình cũng muốn lắm chứ. Nhưng do mình không có bằng cấp, năng lực kém, nên không bao giờ nghĩ tới điều đó.
          Nghe xong tất cả cùng cười ồ lên và nói:
- Thời buổi này, làm gì cần bằng cấp với năng lực. Bằng cấp là cái cớ để xin việc. Thiếu chó gì đứa ôm một đống bằng, mà có làm được gì đâu. Ví như ngồi đây, thằng nào mà chả có bằng vi tính và tiếng Anh. Thế mà nhân viên đi vắng một chút, phải vào thao tác máy để gõ một đoạn báo cáo là... cũng không xong. Tiếng Anh thì biết mỗi mấy câu "Thanh cùi va vào mắt" (Thank you verymurch)  yes, ô kê mà thôi.
 Mọi người lại cười đến cả chảy nước mắt.
          Ông Lực - người bạn chí cốt của Quả lại đủng đỉnh nói:
          - Thực lòng, mình giúp được cậu Quả, nhưng các bạn biết đó... E hèm... - Lực Hắng giọng một cái rồi nói tiếp:
-  Để bổ nhiệm một vị trí tương đối, không chỉ riêng mình quyết định được. Khó nói...Tế nhị lắm...
          - Tế nhị cái con khỉ khô. Hết mấy? Mi nói toẹt ra, liệu hắn có lo nổi không?
          Ông Quả giật mình, tự hỏi: "Lo cái gì? Sao lại phải lo?" Tuy nhiên ông không dại mở mồm ra hỏi ngay, mà nói bâng quơ:
          - Nếu được làm một trưởng phòng cấp huyện hẵn hoi, thì quá tốt. Ít ra cũng được ngồi mâm trên với các bạn khi hội họp. Còn nói đến chuyện làm kinh tế thì mình xin chịu. Bởi mình đã già rồi, ruộng đất không có. Nhà cũng không có mặt tiền, nên chả buôn bán làm được gì.
          Ông Lực vỗ vai ông Quả cười sằng sặc. Mọi người cũng ngả nghiêng ra sàn mà dàn dụa nước mắt.
- Ôi... ông bạn yêu quý của tôi ơi! Ông ngờ ngạch quá đi mất! Muốn giàu, muốn con cháu ăn sang, mặc đẹp... thì phải ngồi đúng chỗ. Cần gì buôn bán, với cày cuốc. -Lực dừng lại gõ gõ vào đầu mình và nói tiếp:
•-          Cày, cuốc ở đây này!
 Ông Quả nhăn nhăn trán, tỏ vẻ khó hiểu.
•-         Đúng chỗ? - Ông Quả ngạc nhiên trố mắt hỏi lại.
•-         Đúng thế! - Mấy người bạn gật gù, rồi nâng ly lên ô kê, zô tiếp:
Ông Cả kiên nhẫn giảng giải:
- Nếu cũng con người như nhau, nhưng ngồi ở những vị trí khác nhau, thì kinh tế gia đình và vị thế sẽ đổi khác. - Người bạn nâng ly lên ngang mày, nheo mắt ra hiệu uống, rồi thủng thẳng nói tiếp:
- Mười mấy năm qua, mày đã quen lề lối: "Cấp trên đặt đâu, thì ngồi đó" rồi, nên nghèo là phải. Mà cái nghèo luôn kéo theo cái hèn mà lại. Muốn ngồi đúng "chỗ ngon" thì phải "chạy", phải nhờ người "đỡ đầu".
Ông Quả choáng váng: "Trời đất quỷ thần ơi! Từ trước tới nay mình chỉ nghe nói: "Mả cha, mả ông hoặc là mả mẹ... đặt đúng chỗ, thì mới phát tài, phát lộc... Đằng này ngồi đúng chỗ, cũng thành danh sự nghiệp..." Khái niệm này, thì đúng là lần đầu tiên ông nghe thấy.
Biết là ông Quả người thật thà, chậm hiểu, ruột thẳng như ruột ngựa. Ông Lực vỗ vai nói tiếp:
-  Thôi nói nhiều bất lợi. Bạn về, chịu khó chắt bóp mất đi vài năm lương, tìm mua một cái "chỗ" cho thích hợp. Mình tin chắc là chưa đầy một năm, sẽ lấy lại vốn ngay mà. Không những thế vợ, con, cháu, chắt... cũng hưởng vinh hoa phú quý!
- Nhưng "mua chỗ" ở... chỗ nào? - Ông Quả ấp úng, chất phác hỏi nhỏ. - Liệu có "cái chỗ" rẻ rẻ, in ít tiền một chút không?
- Cái đó thì không thể nói toạc móng heo ra đây được. Tùy theo năng lực... vốn có của mình nữa. Khi nào có tiền thì khắc có người đến giúp cho. Tiền nào của ấy! -  Ông Lực trả lời, rồi lấy cớ bận họp thường vụ phải từ biệt ra về gấp.
Buổi gặp mặt giải tán. Ông Quả mang theo nỗi suy tư về nhà, gọi vợ con đến, trịnh trọng bàn bạc. Bà Nho cũng nhất trí hoàn toàn với quan điểm ông:
- Ừ thì cũng phải kiếm lấy cái chỗ cho đàng hoàng, để nở mặt, nở mày với thiên hạ. Mà con cái được hưởng chút thơm lây chứ.
Hôm sau vợ ông liền rút hết số tiền tiết kiệm chắt bóp được từ bấy lâu nay về và vay mượn thêm bạn bè ít nữa.
Tiền thì đã có. Nhưng đợi hoài, đợi mải... chả thấy ai tới rao bán "cái chỗ" như những người bạn mách nước. Cũng chả có ai điện tới hỏi thăm: "Tình hình thế nào rồi?"
 Ngày ngày, ông vẫn lo điện nước, giấy má, chăm lo các thiết bị văn phòng... Thỉnh thoảng, lại phải chạy đi liên hệ các nhà hàng để đặt tiệc, tổ chức các hội nghị... Đôi khi rãnh rổi, ông tranh thủ giúp bộ phận bảo vệ, tạp vụ quét dọn cầu thang, sân, ngõ... cho đơn vị.
Đợi hoài đợi mãi mà chả thấy một động tĩnh gì. Buồn bực, ông định gọi điện lên cho thằng bạn chí cốt, chửi: "Đồ lởm! Mày chơi  muốn chơi xỏ tao à?"
 Nhưng khi vừa nhấc máy điện thoại lên, ông đã nghe thấy tiếng của Lực cười khà khà ở cuối dây. Cười một thôi, một hồi no rồi, nó mới bảo:
- Khi nào rãnh rỗi, ông bà đem tất cả tiền lên đây. Tôi sẽ lo cho một cái "chỗ" như ý.
 Khấm khởi mừng thầm trong bụng. Ông cùng vợ vội đem tất cả tiền có được lên văn phòng gặp ông bạn vàng.
Sau một hồi bàn bạc, ông Lực đồng ý xếp cho ông Quả vào một vị trí như yêu cầu.
 "Nếu ngồi ở đó mà không thu được tài lộc, mới là chuyện lạ." - Ông Lực dặn, rồi chìa bàn tay múp máp ra.
Chưa đầy một tháng sau, ông Quả được điều động lên làm trưởng phòng Lao động và thương binh xã hội huyện. Công việc thì cũng không có gì là vượt quá khả năng của ông. Vì chức năng của phòng là chỉ việc chuyên lo những chế độ chính sách cho thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng mà thôi. Ngoài ra thỉnh thoảng còn có kèm thêm giải quyết cho một số suất đi làm việc ở nước ngoài. - Theo chỉ tiêu đã định sẵn.
Việc của ông là đọc và nhờ tư vấn của các chuyên viên cấp dưới, rồi ký.
(Ký hoặc cấp chế độ cho ai, là quyền của ông. Chưa có chữ ký của ông, thì hồ sơ cứ nằm đó tới mùa quýt.)
Chính vì vậy mà trước đây, những người tiền nhiệm đã hoàn thành rất tốt "nghĩa vụ" của mình với vợ con và bà con chòm xóm. Nói chung thằng nào ngồi vào đó rồi cũng giàu nứt đố đổ vách. Đi đâu cũng được vị nể "dưới rước lên, trên ngồi trước".
Nhưng không hiểu vì sao, gần đây vị trí này, chả ai ưa ngồi vào đó lắm. Theo ông Lực nói thì:
-Ăn, nhưng phải biết chùi mép. Thấy mồi là khoan đớp ngay. Phải thăm dò nông sâu, nặng nhẹ cái đã. Ham đớp sớm, mắc câu có ngày. Chính vì thế mà cái "Chỗ" đó nhiều thằng mơ, nhưng cũng sợ. Vả lại, thằng nào cũng kiếm ra tiền nhờ "cái chỗ" cũ của mình.  Quen khách, quen cửa rồi, nên nay điều động chuyển sang "chỗ" mới, tất thảy chúng đều ậm ừ, thoái thác...
Ông Lực còn cho biết thêm:
- Bao nhiêu thằng, muốn mua cái " Chỗ" đó bằng những năm năm lương cơ bản đấy. Nhưng vì bạn bè, nên tao mới dành cho mày. Tao cầm chút đỉnh, chẳng qua là để bịt mồm mấy thằng khác, chứ tao chả tơ hào của mầy xu nào đâu...
 Ngừng một chút, Lực thở dài nói:
- Hừm thời buổi này thế đấy, lãnh đạo muốn quyết định cái gì cũng phải có trên có dưới. Không chúng lại bảo: "Chuyên quyền! Coi thường tổ chức! Coi khinh tập thể! Mất dân chủ!"

                                                           ***
Gần mấy tháng nay, ông Quả đã ngồi vững trên cái ghế trưởng phòng. Bà con, cô bác, bạn bè... ai cũng hí hửng chúc mừng và phát biểu đúng như lời ông Lực nói.
Nhưng ông thất tất cả thủ tục hồ sơ người ta đưa đến đều thấy nằm vào diện không giải quyết là không thể được. Cô Liên cấp phó giúp việc thì bảo:
•-         Từ từ, rồi hẳng ký bác! Coi chừng ký lộn đó!
Nhưng thực ra tất cả giấy tờ, hồ sơ ông xem kỹ, thì có sai sót chỗ nào đâu. Vậy là ông quắc mắt lên vặc lại. - Lần đầu tiên, ông nói như quát với một người dưới quyền:
- Như thế mà không làm nữa, thì ngâm đến bao giờ? Hay là đợi người ta viết đơn khiếu nại?
Từ đó hễ có việc gì là Liên cứ răm rắp làm theo, không cãi. Không tư vấn.
Tiếng lành đồn xa, nhân dân trong huyện lấy làm thích thú, quý mến ông lắm.
Nhưng ông vẫn không hề nhìn thấy lộc bổng gì gì ở đâu cả. Chỉ được người ta mời đi nhậu say sưa hết trưa, sang tối mịt mù rồi về mà thôi.
Ông phải gặng hỏi, Liên liền kề tai rỉ rủ:
- Trái cây phải biết giấm, thì mới ngọt. Bác thấy lộc, là ăn luôn, thì chỉ có vậy thôi.
•-         Khó hiểu! Sao lại thế? - Ông hỏi. Cô phó phòng vẫn điềm đạm trả lời:
- Từ trước tới giờ, họ nói: "Thật thà là cha thằng dại" đúng là không ngoa chút nào. Bác thuộc vào diện thật thà quá mức...Cái mà người ta đáng được, thì phải cố mà làm cho nó khó. Cái đáng lý ra, là họ không thể có, thì mình cố mà giúp. Thì may ra mới có lộc chứ. Người dân nào đến trình hồ sơ, là bác liền ký roạc một cái. Hoặc bảo: "Cái này chắc chắn là không đúng chế độ chính sách rồi!" Thì ai dại chi bưng lộc đến hầu hạ bác nữa.  May mà họ mời đi uống, chứ không cho gì thì bác cũng chịu. Khi xong xuôi việc, bác có dám đến nhà họ đòi trả công nữa không?
- Vậy là... là muốn có tiền... phải biết hạch xách, nhũng nhiểu...?
- Đúng! Bác nói không sai một tý nào. Nhưng hạch xách, mà người ta không dám kêu ca, còn mang ơn mới là vấn đề.- Cô cấp phó nghiêm túc nói.
Mắt ông Quả bỗng như có hàng ngàn con đom đóm bay ra, tóa hỏa, lộn xộn, lơ lững vờn nhau trong không trung.
 Ông chợt nhận ra một điều là: "Thì ra ở trên đời cái gì cũng có giá của nó cả. Mà sao ngày nay người ta hay nói vòng nói vo quá? Hóa ra, không phải lúc nào làm tiền cũng bằng cách chân chính cả."
- Bác có biết?... Từ trước tới nay, bác là người lãnh đạo duy nhất ở đây, không được lòng nhân viên không? Nếu bỏ phiếu tín nhiệm, thì cháu e... là bác...phải về hưu trước tuổi, hoặc chuyển công tác thôi. - Cô cấp phó nói rồi, cúi xuống cười.
- Hứ??? - Ông Quả giật nảy mình. - Nghiêm trọng vậy sao?
Cô ta thôi cười nói tiếp:
- Vì bác... mà mấy tháng nay, bọn chúng không được đi hát Ka ra ô kê, nhậu nhà hàng một bữa nào, nói chi là lên nhà, đổi xe!
-Vì tôi?
 - Dạ đúng! Nếu bác ghét cháu, vì những câu nói thẳng, thì cho cháu chuyển công tác. Chứ ở đây có tiếng mà chả có miếng nào cả. Chán phèo.
Lạ lẫm! Nhưng ông không thể hiểu nổi vấn đề. "Nên giàu hay là phải sống thanh thản đây." - Ông tự hỏi.
- Thế theo cô, thì típ người như thế nào là đủ tư cách ngồi "chỗ" này? - Ông Quả nhiệt tình hỏi lại.
- Tất nhiên là đàn ông rồi. Nhưng người ấy phải trẻ khỏe, năng động, biết vận dụng... Thì bọn cháu mới nhờ được chớ. - Liên ráo hoảnh trả lời.
Ông Quả không nói gì nữa. Trong đầu bộn bề bao ý nghĩ:  " Nếu lãnh đạo, mà biết làm ra tiền, thì nhân viên họ sẽ rất phấn khởi và quý mến nhiều hơn. Sống phải có tập thể, có đồng đội..."
 Nhưng vì quá liêm khiết, nên bây chừ ở đây, ai cũng muốn xa lánh ông hết. Họ đang tìm cách nói xấu ông. Thậm chí có người còn lén viết đơn lên tỉnh, đề nghị bố trí ông sang vị trí khác, kẻo ở đây ông không có chuyên môn nghiệp vụ gì. Làm ăn bất cập lắm...
Bản thân ông cũng lo lắng, phân vân với khoản tiền đã bỏ ra mua "chỗ" biết khi nào mà có, để trả nợ cho anh em, bà con, họ hàng đây?
Rồi một ngày, ông đem thắc mắc của mình ra nói với vợ con. Bà Nho thở phì một cái rõ dài, rồi nói:
- Ông xử sự thế cũng được. Mấy mươi năm nay, lăn lộn với đời, nghèo thì nghèo rồi, đừng bon chen, ăn thua với xã hội, bạn bè nữa, mà phút chốc mất trắng. Thôi coi như cái khoản tiền đó... tôi bỏ ra mua cái danh dự cho ông...cho cái nhà này. Ông đừng lo lắng nữa mà đau ốm.
Biết là vợ nói có lý, nhưng bà ấy vốn là người nông dân chưa lột xác hẵn, chắc chi nghĩ và phát biểu đã trúng.
Ông định đem hết những băn khoăn trong lòng ra, tâm sự với với mấy nhân viên cấp dưới. Nhưng khi ông lại gần, thì mọi người đều e dè lãng tránh. - Nhưng không biết là họ không muốn gần gủi với ông, hay là do mải cắm cúi vào màn hình cái máy tính mà cứ ậm ừ cho qua chuyện.
Đôi khi rãnh rỗi, họ lại nói sang chuyện Triều Tiên, Nhật, Mỹ...sắp choảng nhau...  Ta là người khổ, hay lâm vào cảnh "tọa sơn quan hổ đấu" đây?
" Có lẽ họ sợ mình, hơn là quý trọng. Bởi từ ngày về đây, họ cũng khổ lây vì cái tính gàn dở của của mình." - Ông chợt hiểu, rồi lủi về phòng, ngồi im buồn bả.
Sau nhiều lần gạ gẩm, được ông Chuẩn - cũng là một cán bộ lâu năm, sắp đến ngày nghỉ hưu - mới mạnh dạn phát biểu thẳng:
- Cái ghế đó là ghế bổng, ghế lộc. Nhưng cũng là cái ghế họa. Bao nhiêu người đổi đời nhờ chiếc ghế đó. Nhưng không hiểu vì sao mấy năm gần đây, ai ngồi vào ghế đó, đều ăn lộc vào là không chết đứ đừ, thì cũng đi tù, bãi miễn công tác... Nhẹ thì cũng bị buộc nghỉ hưu trước tuổi... Ông ngồi đó, muốn khỏi họa thì đừng có cạn tàu ráo máng, vơ vét hết bổng lộc của thiên hạ... tất sẽ ổn.
 Ngừng một chút, người cán bộ già nói tiếp:
- Riêng tôi, thì tôi luôn luôn ủng hộ ông.
-Thế hả? - Ông Quả chồm tới, siết chặt lấy người Đảng viên già, nước mắt trào ra chan chứa. -  Sao ngày nay, ít người đồng quan điểm với bọn mình quá nhể. Hôm nào,  hai thằng gàn chúng ta cùng đi uống rượu dở nhé.
Chiều hôm đó, ông Quả bước ra khỏi phòng làm việc, mà lòng cảm thấy thanh thản đến vô cùng.
Vài tháng sau, bỗng ông Lực gọi điện xuống bảo ông Quả lên gặp ông ta tại văn phòng gấp.
Vừa bước vào phòng làm việc của ông Lực, ông Quả đã thấy một bộ mặt hầm hầm giận dữ đang chờ mình. Lực thét:
- Mày ngu vừa vừa, để thằng khác ngu cùng chứ. Nể bạn bè, đồng đội, tao xếp mày vào chỗ đó, mà không biết ăn. Đã thế lại để người ta thắc mắc, kiện cáo hoài. Thằng khác ngồi chỗ đó hàng tháng, hàng quý... tao còn có chút hương hoa. Mày về đó, đã ngót năm nay rồi, mà nhà tao, vợ chồng mày cũng quên cả ngoc luôn.
Quả không biết đầu cua tai nheo gì, gân cổ lên cãi:
 - Báo cáo đồng chí! Tôi luôn làm tốt trách nhiệm của mình trước toàn dân, toàn Đảng đó chứ!
- Không báo cáo, báo chồn gì ở đây hết! Không biết thì hỏi cấp phó, người giúp việc, nó chỉ cho. Đằng này nó có góp ý, thì ông mắng. Thật hết chịu nổi. Ông xem đây!
Lực đổi sang giọng châm chọc, rồi vứt ra trước mặt ông Quả một đống đơn từ chuyên viết về ông - nặc danh, hư danh, hữu danh có... Nội dung toàn kể về những bất cập trong công tác lãnh đạo của ông. Nào là thiếu trình độ chuyên môn, không hòa đồng với cấp dưới, năng lực lãnh đạo kém, tắc trách, vân vân và vân vân....
Mồ hôi túa ra như tắm. Ông Quả lắp bắp định phân trần, nhưng ông Lực đã xua tay gạt đi.
- Thôi! Không trách mày nữa. Bổ nhiệm mày còn có thường vụ, vậy bãi nhiệm cũng đâu có dễ. - Lực tiến lại gần vỗ vai, thân mật nói:
- Nể tình bạn bè cũ, hơn nữa còn có đồng đội khác gây áp lực với tao. - Nếu bỗng nhiên mày rời bỏ cái "chỗ" đó.  Vì vậy, tao đã bảo vệ mày đến cùng... Nhưng từ nay, phải biết khôn ra. - Ngừng một lát như để thăm dò, rồi Lực nói tiếp:
- Đợt này, tỉnh ta có mấy tiêu chuẩn đi tham quan Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc. Tao xét mày là người thiệt thòi nhất, nên đã xếp cho đi đợt này. Cơ quan mày được ưu tiên hai suất. Mày và ông Chuẩn - cũng là cán bộ sắp đến ngày nghỉ hưu mà chưa được đi đâu cả. Hai thằng gàn, đi với nhau đợt này vậy. Việc ở nhà giao cho cô Liên cấp phó đảm nhiệm thay.
 Nói rồi, Lực khoái chí rung đùi cười khà khà và chìa bàn tay múp máp ra.
Thế là hai ông cán bộ Đảng viên lâu năm, được ưu tiên lên đường đến thăm chùa Tây Thiên - Vĩnh Phúc trước, rồi vượt biên giới qua Trung Quốc sau.
Chuyến viếng thăm Trung Quốc của hai ông mất những bốn tháng ròng. Nhưng không lo. Bởi trước lúc đi cô Liên bảo: "Các bác cứ ứng thật nhiều mà chi, bao nhiêu Nhà nước chịu tất."
Các ông đi hết danh lam thắng cảnh, lại về di sản văn hóa, Vạn lý trường thành...
Đến ngôi chùa nổi tiếng nọ. Nghe người ta đồn rằng: "Nếu ai áp ngón tay vào dưới lòng bàn tay của Phật Tổ, thì cầu gì được nấy, vạn sự như ý."
Ông và ông Chuẩn đều cố chờ đến lượt mình để áp bàn tay vào đó và cầu:
"Mong cho quốc thái, dân an. Chúng tôi được khỏe mạnh phục vụ lâu hơn nữa. Trong quá trình công tác không xảy ra sơ suất gì. Dưới được lòng dân. Trên vừa ý lãnh đạo"
Sợ Phật Tổ nghe không rõ, chưa tường hết ý, các ông phải lầm rầm nhắc đến ba lần như vậy. Mải đến khi, người sau chờ lâu quá, họ đẩy khẽ, hai ông mới chịu nhường chỗ cho họ.
Ra về, ai cũng cảm thấy sung sướng, lòng khỏe nhẹ, vì được cấp trên chiếu cố thưởng cho một chuyến đi thú vị.
 Khi về đến Móng Cái, điện thoại mới bắt đầu hoạt động trở lại. Hai ông bỗng nhận được một tin đầy sửng sốt.
Cả ông Chuẩn và ông Quả đều được ban lãnh đạo sắp xếp cho về chờ nghỉ hưu trước tuổi.
Bất ngờ, nhưng các ông không cãi lại sự sắp xếp của cấp trên.Vì biết chắc chắn đây chỉ là ván cờ do ông Lực bày ra.
- Ừ thì thế cũng được, trước sau gì rồi cũng nghỉ, nhường chổ cho lớp trẻ nó lên. - Ông Quả nói.
-Tôi thì đúng rồi, vì đã năm mươi chín tuổi. Riêng ông còn những ba mươi sáu tháng nữa cơ mà! -Ông Chuẩn cãi lại.
- Ôi dào! Ngủ một giấc là xong hai mươi năm ấy mà. Ba mươi sáu tháng, nhằm nhò chi. - Ông Quả vui vẻ tự động viên mình.

***

Kể từ khi đi tham quan về đến nay, đã hơn bốn tháng rồi, những việc trong đơn vị đều do Liên đảm nhiệm. Ông chỉ đến ngồi cho có vị, để chờ hoàn thành chế độ. Trên không yêu cầu ông phải đảm nhiệm thêm công việc gì nữa.
Với lý do công trình xây dựng, tu bổ lại nghĩa trang đang dang dở. Phải giao cô Liên phụ trách tiếp. Hồ sơ, ai thụ lý thì phải tập trung giải quyết hết, mới được bàn giao. Vậy là ông cứ ngày ngày ngồi chơi xơi nước.
 Bực mình, ông cáo bệnh xin đi nghỉ dưỡng. Cấp trên đồng ý liền.
Một buổi chiều, khi ông Quả đang ngồi miệt mài bên bàn cờ tướng để giết thời gian với các ông cán bộ hưu trí cũng đang nghỉ ở đó. Thì chuông điện thoại đổ. Người ta bảo ông phải về gấp đơn vị, có việc khẩn.
Chiếc xe Méccedéc bóng lộn của ban thanh tra chở ông lao vút, nuốt trôi những khoảng đường giữa trưa hè oi ả.
Thì ra trong thời gian ông đi vắng. Cô Liên thay ông đảm nhiệm rất nhiều công việc.
Có một số trường hợp rất đặc biệt đã xảy ra.
Dạo này, người làm chế độ thương binh giả quá nhiều. Nên Bộ yêu cầu phải rà soát lại từng đối tượng cho chắc chắn.
Lợi dụng vào chỉ thị đó, Liên ngang nhiên thu hồi thẻ thương binh của một cựu sĩ quan quân đội. - Ông ta là người đã từng tham gia suốt trong quá trình kháng chiến chống Mỹ.
 Năm một ngìn chín trăm bảy mươi, trong một trận tập kích vào căn cứ địch ở chiến trường Quảng Trị. Lúc xung phong, vì quá hăng máu mà ông bị rơi xuống một cái hầm xăng bị bỏ không của địch. Trong khi đang loay hoay tìm cách trèo lên, thì lửa bùng lên. Hơi xăng bốc cháy trùm lên cả người ông. May mà đồng đội chạy đến, kịp giúp ông dập lửa. Nếu không thì ông cũng đã thành món thịt nướng hôm đó rồi.
 Tuy không chết, nhưng ông vẫn phải vào bệnh viện dã chiến nằm gần hai tháng. Giờ đây, sẹo bỏng còn đầy mình. Nhưng dù giải thích thế nào, Liên vẫn khăng khăng:
- Không có giấy chứng thương, tức là bác không bị thương trong chiến tranh. Cháu phải thu hồi, để trình lên trên xem xét.
- Nhưng cô bảo lúc đó đang là chiến tranh đạn lửa, bệnh viện thì dã chiến. Lính trận thì hôm đây mai đó, tôi làm sao giữ được loại giấy đó. Khỏe mạnh, được xuất viện, quay trở lại đánh nhau với Mỹ là sướng lắm rồi. - Người cựu chiến binh điềm đạm giải thích.
Lời qua tiếng lại, cô Liên vẫn khăng khăng không nhận ra sai lầm của mình. Người cựu chiến binh bực bội bỏ về.
 Sáng hôm sau, ông lại đến. Đi với ông, còn có mấy người đồng đội nữa cùng đến. Người cựu chiến binh chưng ra trên bàn làm việc của quyền trưởng phòng Liên, mười mấy tấm huy chương các loại và hơn chục tờ giấy xác nhận là dũng sỹ diệt Mỹ. - Duy cái giấy xác nhận nằm viện lúc bị thương, như cô Liên yêu cầu thì không có.
Họ trình bày sao, cô cũng không chịu trả lại thẻ thương binh cho ông ta.
- Không chừng, bác còn bị truy thu số tiền đã hưởng lậu trong mười mấy năm qua nữa chứ. - Liên dọa. - Rất nhiều người lợi dụng vào quá khứ, để đến đây xưng công với cách mạng. - Cô hùng hổ sừng sộ.
Họ nổi nóng, bưng cái bàn làm việc của quyền trưởng phòng Liên, ném ra sân. Cái ghế của cô ngồi, bị đập gãy nát.
Cảnh tượng xảy ra thật hãi hùng, không ai có thể dừng được trận lôi đình của những thương binh đã đổ xương, đổ máu trong chiến tranh.
 Người ta phải nhờ mấy chiến sỹ ở huyện đội lên lựa lời, khuyên nhủ mãi, các cựu chiến binh mới chịu yên.
 Trong thời gian đó ông Quả đi vắng. Người ta quyết định nâng cấp, sửa chửa lại nghĩa trang liệt sỹ của huyện nhà đồng thời giao cho cô Liên đảm nhiệm.
Khi hoàn thành, ông Lực được vinh dự chọn là người cắt nhát kéo đầu tiên trên dãi băng đỏ chót.
 Chả hiểu vì lý do gì, mà khi chưa kịp cắt hết nhát kéo, ông Lực dã vội giật lùi một cái. Vô tình đụng lưng vào bức tượng đài ngất nghểu gần 15 mét. Nó bỗng chuyển mình, kêu răng rắc, rồi đổ ụp xuống. Trước muôn con mắt của toàn dân thiên hạ.
 Tuy thoát chết, nhưng ông Lực phải chấp nhận gãy cả hai cái xương đùi và đi bằng xe lăn suốt một thời gian còn lại của cuộc đời. Trên chiếc xe lăn ông ra rả chửi:
" Đồ vô trách nhiệm. Đồ thiếu đạo đức! Tao sẽ đưa cả lũ chúng bay ra tòa!"
 Ban thanh tra bắt tay vào làm việc. Và kết luận:
" Công trình bị rút ruột gần hết. Phần lớn xi măng, sắt thép đều không đúng như tiêu chuẩn thiết kế.
Một số vật liệu thì do nhà thầu cắt bớt bán ra ngoài. Còn đa số là do "trên" chỉ thị, phải cố làm sai để trích lợi nhuận."
Sự cố xảy ra dồn dập. Tất cả những nhân viên dưới quyền ông Lực - trong đó có cô Liên phải nhận kỷ luật đình chỉ công tác. Ông Lực cũng có một phần trách nhiệm trong đó, nên chờ ngày xuất viện là làm chế độ nghỉ hưu luôn.
Người ta đã phải gọi ông Quả về, để đảm đương và giải quyết những hậu quả còn lại.
Bước chân vào căn phòng lộn xộn, bừa bãi giấy tờ.  Ông lầu bầu: "Hừ! Phàm cái chi đã làm hỏng một lần, thì phải phá đi làm lại, mới được sao? Cũng như đánh cờ tướng, đã lỡ sai vài nước rồi, thì khó mà cứu vãn nổi tình thế. Chi bằng chịu thua, sắp xếp lại từ đầu cho rồi.

                                                                                                16/4/2013
                                                                                               Trần Hữu Đạt
                                                                 ĐC:UBMTTQ - Vĩnh Linh - Quảng Trị
                                                                                        ĐT 0915075779


 Đăng ngày 28/03/2014

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan