Saturday, October 17, 2015

NHÂN VẬT NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG tiểu thuyết " BẾN ĐÒ XƯA LẶNG LẼ" của Nhà văn XUÂN ĐỨC

Tác giả: Đỗ Thu Thủy

1, Trong 4 tiểu thuyết đạt giải thưởng cao nhất (giải A) của HNV năm 2005 có tới hai tác phẩm cùng khai thác về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Một là tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong của nhà báo - nhà văn Trần Văn Tuấn, một là Bế đò xưa lặng lẽ của nhà văn Xuân Đức. Điều này cho thấy chiến tranh đã, đang và vẫn sẽ dành được sự quan tâm của các tác giả, bất chấp đây là một đề tài "nặng ký", đòi hỏi ở người viết cả kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật lẫn những trải nghiệm của hiện thực đời sống, nhất là đời sống chiến tranh và thân phận người trong cuộc. Thực ra mấu chốt của vấn đề không đơn giản chỉ là viết cái gì, mà điều quan trọng hơn là viết như thế nào, tức là đòi hỏi một điểm nhìn và cách mô tả về chiến tranh để "cả người viết và người đọc đều không thấy mệt".

Khác với sự trong trẻo, thơ thới mang tinh thần nghĩa hiệp kiểu Nam Bộ và một chủ nghĩa anh hùng cách mạng mang đậm chất sử thi của Rừng thiêng nước trong, ở Bến đò xưa lặng lẽ, người đọc được tiếp cận với một trong nhiều góc khuất của bối cảnh chiến tranh, cái góc khuất ít người nhận ra, ngoại trừ người trong cuộc, nhưng luôn gây nhiều trăn trở,day dứt, ám ảnh. Ấy là đời sống tâm hồn, là những mơ ước, khát vọng, là tình yêu, là những riêng tư bản năng nhất đã bị cỗ xe chiến tranh cuốn vào trong từng bánh xích của nó, không thể cưỡng lại được, ở cái thời khắc nghiệt ngã mà mọi cái bình thường nhất có thể trở thành bất thường, và mọi cái bất thường có thể trở thành cái đương nhiên không cần bàn cãi. Điều này cũng không hẳn là một vấn đề mới so với nhiều câu chuyện chiến tranh trước đây. Cái khác là ở chỗ Xuân Đức đã để cho các nhân vật của mình "đụng độ" và thường xuyên cảm nhận về nó, đắt trong tương quan mang tính xung đột giữa cái ý thức và cái vô thức, giữa con người cá nhân đầy bản năng và con người lý trí luôn toan tính để tồn tại. Cái góc khuất ấy, do vậy, vừa đáng buồn, vừa đầy cảm thông, vừa khiến người ta phải suy ngẫm về cuộc chiến tranh đã qua của dân tộc thông qua số phận của những người lính, phần lớn là những anh hùng, những người nổi tiếng trên bình diện xã hội nhưng bã bượt, bầm dập về tâm hồn. Có thể coi đây là một câu chuyện buồn trong chiến tranh, là một khía cạnh khác của sự hi sinh mất mát, là mặt trái của chiến thắng được chính những người trong cuộc tư vấn và không ngừng sám hối.
2. Người đọc có thể nhận ra sự vạm vỡ của một tiểu thuyết và tầm vóc của tác giả ở nhiều yếu tố thuộc về cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Ở Bến đò xưa lặng lẽ, Xuân Đức tiếp tục chứng tỏ một bút lực sung mãn với vốn sống, vốn hiểu biết phong phú, những trải nghiệm chiến tranh và cả mẫn cảm một nhà văn dày dặn kinh nghiệm trong "trường văn trận bút". Điều đó có thể giúp ông nhìn sâu, nhìn kĩ vào từng số phận, để đi vào cái thế giới tận cùng thẳng sâu của con người tưởng như đã hoàn toàn bị triệt tiêu bởi cái dữ dội, khốc liệt, đầy nghiệt ngã của bối cảnh chiến tranh. Và để thể hiện sâu sắc, cảm động, thấm thía về cái thế giới ấy, tác giả đã tạo nên một sáng tạo nghệ thuật đáng kể, đó là hình tượng người kể chuyện.
Ở bình diện thi pháp, người kể chuyện là "hình tượng ước lệ về người trần thuật (một hình thái của hình tượng tác giả...),người mang tiếng nói,  quan điểm của tác giả vào trong tác phẩm văn xuôi)". (Từ điển thuật ngữ văn học, NXBGD,tr 153, 154). Như vậy người kể chuyện, xét theo một khía cạnh nào đó, cũng là một loại nhân vật, một hóa thân của tác giả. Nó là một phương diện nội tại của cấu trúc tác phẩm, đặc biệt ở một thể loại tự sự dài hơi như tiểu thuyết thì sự có mặt của người kể chuyện thường có vai trò liên kết, xâu chuỗi các sự kiện, biến cố, và trong chừng mực nào đó, bổ sung thêm một cách nhìn và sự đánh giá, làm cho sự trình bày, tái tạo con người và đời sống trong tác phẩm thêm phong phú.
Trong tiểu thuyết của mình, tác giả Xuân Đức đã xây dựng hình tượng một người kể chuyện đặc biệt: hồn ma của một chiến sĩ cách mạng, tức một người cõi âm kể chuyện về cõi dương. Đơn giản là kể về một câu chuyện, tất nhiên là cặn kẽ đến trong chi tiết, mà hầu hết những người con sống (bao gồm cả hồn ma ấy khi chưa là liệt sĩ) đều tránh né hoặc không dám đối diện. Hồn ma ấy có mặt ngay từ những trang đầu của tiểu thuyết, lặng lẽ chứng kiến vụ án động trời của người dương liên quan đến các vong hồn liệt sĩ, một câu chuyện bi thảm có thật cách đây gần 20 năm ở Quảng Trị. Qua sự sáng tạo của nhà văn, nó còn làm một nhiệm vụ, một sứ mạng nghệ thuật quan trọng hơn, đó là chắp nối các sự kiện, các nhân vật thành một chỉnh thể; thành một câu chuyện với đầy ắp những biến cố đau buồn liên quan đến số phận của 4 nhân vật chính trong chiến tranh nơi tuyến lửa khu 4 Vĩnh Linh - Quảng Trị, với không gian chủ yếu trải dài hai bờ giới tuyến. Đó là câu chuyện về Khảm, Lương, Ly và Đọt. Một người đã là người âm, đồng thời trong vai người kể chuyện, một thành bị cáo phiên tòa, một trưởng ban tuyên giáo, một là công dân lặng lẽ... Người kể chuyện, hồn ma tên Khảm cùng lúc xuất hiện ở hai tư cách gần như đối nghịch: Vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân. Trong toàn bộ câu chuyện được kể về mình và những người trong cuộc , nhân vật ấy là người chứng kiến, người biết tất nhưng lại không thể làm gì, không thể thay đổi được gì kể cả khi đang sống, và khi đã chết. Anh chỉ biết làm, và làm một cách trung thực tận đáy một việc. Đó là sám hối, dày vò trong đau khổ và tuyệt vọng.
Trong cuộc đối thoại triền miên mang tinh thần tự vấn đầy sám hối ấy, lần lượt hiện lên số phận bốn con người mà ngay từ đầu định mệnh đã gắn chặt họ với nhau, và vì hoàn cảnh, có lúc lại xô đẩy, kéo họ trở thành đối nghịch của nhau. Có một điểm chung trong số phận của bốn người ấy. Đó là bi kịch tự đánh mất mình, tự chối bỏ những gì tốt đẹp thiêng liêng nhất (tình bạn, tình yêu, tình vợ chồng, tình cha con...) để chạy theo những toan tính riêng tư, rồi từ đó tạo nên biết bao câu chuyện oan trái, biết bao cảnh tượng trớ trêu, biết bao bi hài kịch cười ra nước mắt. Họ, trong sâu thẳm tâm hồn, ý thức sâu xa về bi kịch ấy, cố vùng vẫy thóat khỏi nó nhưng dường như càng vùng vẫy càng bị nhấn sâu trong đau đớn, tuyệt vọng. Đây là câu chuyện của Lương và Khảm, yêu nhau đắm say, cuồng nhiệt đầy trong sáng thiêng liêng nhưng rồi chồng phải lén lút ngoại tình với vợ, cha mẹ không dám nhận con, là Ly và Đọt, cặp vợ chồng "lắp ghép" khập khiễng để hợp thức hóa chuyện Linh, đứa con của tình yêu giữa Lương và Khảm nhưng thực tế "trong tám năm làm chồng vợ, cô ấy chỉ cho tôi có ba lần", và luôn gọi nhau là đồng chí... Ở bình diện xã hội, bi kịch tự đánh mất mình của họ có nguyên nhân chủ quan, ấy là sự xô đẩy của hoàn cảnh, ở đây lại là hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, khi con người bị dồn đẩy, buộc phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Họ, đôi khi trong giới hạn mong manh của mình, buộc phải tự đánh mất mình để tồn tại đúng như lời tuyên bố của Rệ, tay cáo già lọc lõi làng Quai Mọ. "Ở cái đất này, đố ai sống thật với chính mình được"( trang 119). Tuy nhiên khác với nhiều câu chuyện khác viết về bi kịch tự đánh mất mình trong chiến tranh, sự xuất hiện của hình tượng nhân vật người kể chuyện ở tư cách đặc biệt kể trên đã khiến cho câu chuyện của Xuân Đức không đi theo hướng giải quyết, lý giải ở phương diện khách quan, tức là nương theo những tác động của hoàn cảnh. Trong câu chuyện này, yếu tố khách quan ít xuất hiện như là một tác nhân trực tiếp. Nó thường hiện lên gián tiếp qua lời biện minh, bào chữa đầy tính chủ quan của các nhân vật, giống như một sự đổ lỗi, ngụy biện để che đậy những điều thẳm sâu trong cõi mênh mông của suy nghĩ con người. Trong dòng độc thoại triền miên của các nhân vật, trong đó có nhân vật người kể chuyện (một hồn ma trung thực vì chẳng còn gì, chẳng cần gì phải giấu giếm nữa) bi kịch đánh mất mình của họ nghiêng về yếu tối chủ quan, cái bi kịch được viết lên bằng rất nhiều mưu mô, toan tính, bằng tàn nhẫn và giả dối để dần tự đánh mất những phần tốt đẹp nhất trong con người, dần trở nên vô cảm một cách đáng sợ. Trong một tình huống trớ trêu nhất khi gặp lại Lương, Khảm đã từng đau đớn thốt lên "Tôi có tình yêu, có khát vọng tại sao suốt một cuộc đời lúc nào cũng vụng trộm. Son trẻ vụng trộm đã đành. Có con có cái rồi mà vẫn phải lén lút ngoại tình với vợ của mình, giờ lại bậy bạ với người chưa phải cơ sở cách mạng, thậm chí có thể trở thành đối tượng thù địch. Càng dằn vặt, càng sám hối tôi càng thấy xót xa ân hận, lại tự thấy cay đắng khổ đau. Nhưng mà trời ơi đắng cay là thế nhưng sao sâu thẳm trong tôi hình như vẫn có chút dư vị đó thực sự ngọt ngào" (tr 126-127). Lời sám hối chân thành, đau đớn này của Khảm hé lộ cái nguyên nhân căn cốt sâu xa của bi kịch: ấy là sự xung đột giữa hai phần đối lập, đây mâu thuẩn trong mỗi con người. Họ: phần cảm tính và phần lý tính, sự thánh thiện bản năng và những toan tính vụ lợi. Ba trong số 4 con người họ (bao gồm Khảm, Lương, Ly) đã bị gục ngã trước những thử thách của hoàn cảnh, không dám trung thực với chính mình, chạy theo những toan tính cá nhân, làm hoen ố những gì thiêng liêng tốt đẹp nhất của tình bạn, tình yêu, tình đồng chí...và chính họ phải trả giá, phải âm thầm trong tuyệt vọng, đau đớn, phải bã bượi, bầm dập. Chính Ly, người nữ cách mạng kiên cường, vị chủ tịch phụ nữ, thường vụ huyện ủy đã gần như suy sụp trước cái chết đột ngột của Khảm bởi vì  chị bừng tỉnh nhận ra sự nhỏ nhoi của kiếp người, sự phù du của công danh quyền lực, sự vô nghĩa của những toan tính bon chen và ý nghĩa của tình người, nhất là những người thân ở quanh mình, "Mình chết rồi sự sống xung quanh vẫn thế, lại có kẻ khách nhảy lên cái bục hôm qua mình vừa đứng, biết đâu giộng nói người ấy còn vang vọng hơn cả mình" (tr 379). Người duy nhất biết sống trung thực với chính mình ấy là Đọt, "Con gâu xám" của đường chín. Như trớ trêu thay sự trung thực tận đáy ấy của anh lại bị hết người này đến người khác, lần này đến lần khác lợi dụng, bị cuộc đời xô đẩy, oan khuất triền miên...Đọt lẽ ra đương nhiên và đàng hoàng trở thành anh hùng của cuộc chiến, thì cuối cùng lại trở thành phạm nhân, tội nhân với cả một dặm đường trần ai, phiêu bạt.
Trong Bến đò xưa lặng lẽ, có thể nhận ra những đợt sóng ngầm cuôn chảy trong thẳm sâu tâm hồn các nhân vật, một sự tranh đấu âm thầm để dành lấy quyền được là mình sống với con người của chính mình. Họ đã đi dến tận cuối cuộc chiến, cuối cuộc đời của họ, cuối một khát vọng níu giữ phần còn lại cuối cùng tốt đẹp đã bị rơi vãi, bị tước đoạt trong chiến tranh. bởi vì không ai nói ra nhưng trường đời và những tháng năm xông pha khói lửa đã dạy họ một bài học quá ư đơn giản mà kỳ thực lại vô cùng thấm thía: họ sẽ còn lại gì sau cuộc chiến khốc liệt sau những toan tính cá nhân, họ sẽ làm gì, sẽ sống như thế nào để những mất mát riêng tư của mỗi cá nhân và của rất nhiều đồng chí đồng đội khác không trở thành vô nghĩa, để cuộc chiến này mãi mãi còn lại trong họ cái dư âm không chỉ là chua xót, đau đớn lầm lỡ mà còn là cả một niềm tự hào và kiêu hãnh về những năm tháng không thể nào quên của dân tộc chúng ta.
3. Việc lựa chọn nhân vật người kể chuyện đã tạo nên một đặc trưng nghệ thuật khác của tiểu thuyết này, đó làgiọng điệu trần thuật. Câu chuyện, nói chính xác hơn là tâm sự của một hồn ma trong vai người trần thuật đã tạo nên ởBến đò xưa lặng lẽ một giọng đặc trưng: Giọng phân trần, sám hối, tự vấn, ăn năn. Và bởi là một hồn ma; nên nó có thêm vẻ điềm tĩnh đầy trải nghiệm. Bởi vì chiến tranh đã lùi xa, con người đã có đủ bình tâm để đánh giá những chuyện được mất, để suy ngẫm về chuyện đúng sai, để nhận ra đâu mới là ý nghĩa đích thực của cuộc chiến mà họ đã theo đuổi, đã dâng hiến sức lực, tuổi trẻ và xương máu. Giọng điệu ấy cho người đọc một cảm nhận mới về chiến tranh, về người lính cách mạng, ở góc khuất và tối của nó, mà phải thật sự có bản lĩnh, người ta mới dám trung thực đến tận đáy như vậy. chính vì thế hình tượng này cũng bao hàm cả một triết lý đầy xót xa của tác giả: Có phải chỉ đến lúc lìa bỏ dương thế, sông trong thế giới lạnh lẽo của cõi âm, con người mới đủ tỉnh táo mà suy ngẫm, nhìn ngắm đích thực về bản thân mình, về mọi người. Với họ, sự suy ngẫm, sám hối ấy có quá muộn màng? Có là vô nghĩa hay mang một ý nghĩa thật thực sự nào với người đang sống?
Sự thống nhất giữa hình tượng người kể chuyện (người trần thuật) và giọng điệu trần thuật đã khiến Bến đò xưa lặng lẽ mang dáng dấp của một tiểu thuyết tâm lý cho dù trong đó đầy ắp các sự kiện, biến cố vừa mau lẹ, vừa dữ dội của bối cảnh chiến tranh. Nó thể hiện ở một kết cấu đặc biệt: sự đan xen chồng chéo của nhiều câu chuyện, ở nhiều thời điểm, với nhiều cảm giác và ý thức, là sự đảo ngược trật tự thời gian tuyến tính để sử dụng thời gian đồng hiện, sự hòa lẫn thực hư của hiện tại và quá khứ ...để nhằm một mục đích sau cùng và trên hết của nhà văn là cố gắng "phơi bày các hoạt động và bí mật của nội tâm". Những bí mất có thể làm sửng sốt nhiều người, có thể cả đau đớn nhưng cũng là cứu cánh để nâng đỡ tâm hồn họ, đúng như hôn ma của Khảm đã tự thừa nhận trước khi câu chuyện được kể "Tôi không hát sử thi về một vùng quê, mà chỉ kể cổ tích đêm giao thừa"...
Viết xong ngày 3 tháng 8 năm 2008
Nguồn : Sách MỘT BƯỚC TRÊN ĐƯỜNG của TT Bồi dưỡng viết văn ND

 Đăng ngày 15/11/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Môn Sinh - 16/11/2008

Xin chúc mừng Lão Trang ! Đúng là bến đò xưa không lặng lẽ ! Tôi đã đọc và cứ mường tượng ra nhân vật Đọt đâu đó ở quê tôi ! Hèn chi Nhà thơ Hữu Thỉnh vào thăm Quảng Trị cứ đòi đi thăm bằng được nhân vật thật ngoài đời để tận mắt chứng kiến một con người ấn tượng  !

  Gửi bởi: Văn Lý - 16/11/2008

Theo nhu Môn sinh thi nhân vật Đọt là nhân vật có thật ngoài đời, vậy thì oái oăm quá nhỉ...Tôi đọc trên báo hay nghe đài già đó, hình như ở Quảng Trị thời chống Mỹ cũng có ngừoi anh hùng "cọp xám đường 9" thế "gấu xám D9" với "cop xám D9" có phải là 1 không ? Tôi chắc là một, vì khi viết tác giả đã gọi chệch "cọp" thành "gấu" đấy mà, đều "xám D9" cả. hihihi

  Gửi bởi: Xuân Đức - 16/11/2008

Chào mọi người. Tiểu thuyết là tiểu thuyết. Đời sống là những chi tiết đâu đó được nhặt nhạnh để tạo nên nhân vật. Nó cũng như tên tướng cướp Trương Sỏi vậy. Đừng coi nhân vật Đọt là có thật 100%. Nó chỉ có một nguyên mẫu ở tính cách và một phần số phận thôi.

  Gửi bởi: cuchoa - 18/11/2008


Chú, có chuyện hay hay cháu muốn kể mà không biết ké vào đâu cả. Thôi thì đành ké nhờ vào đây chú nhé!
Trưa qua đi học về, mặt hai thằng con trai cháu tươi như hoa và chúng hớn hở khoe: Mẹ ơi, con được nghĩ học 2 ngày để chống bão. Hoan hô bão! Sướng quá! –2 anh em hò reo vang nhà. Cháu cứ thấy băn khoăn vì bão theo dự báo là vào tối thứ 2 sao mà Sở cho nghỉ luôn thứ 3, thứ 4 nữa nhỉ? Thấy cháu nghi ngờ, thằng anh bảo: Cô giáo nói cho nghỉ một buổi chiều tránh bão và 2 ngày dọn dẹp mẹ ạ. Chết thật! Kiểu này thì có bão to rồi dù trời vẫn nắng chang chang. Ra đường thấy mấy cây xăng xếp hàng đông như kiến toàn người với các loại chai lọ lỉnh kỉnh để mua dầu, dân trên núi thì lếch thếch kéo nhau đi sơ tán. Không khí vô cùng náo nhiệt!
Nhưng rồi bão không vào. May quá! Sáng nay cháu đi làm thì 2 anh em đang ôm nhau ngủ. Ai dè vừa đến cơ quan, đang loay hoay công việc thì thằng lớn gọi: Mẹ ơi, con đi học đây! Cô chủ nhiệm gọi không có bão thì phải đi học. Chết rồi, thế ai ở nhà với em? Cháu cuống lên vì sợ thằng bé ngủ dậy lại táy máy mấy thứ nguy hiểm nhưng đang lo việc nên chưa về được thì cô giáo lại gọi đưa thằng út đi học. Thấy cũng đã hơn 8g rồi, cháu xin cho nó ở nhà thì cô giáo giãy nảy: Không được, học sinh vắng nhiều là em mất điểm thi đua chị ạ. Nghe nói đến điểm thi đua là cháu khiếp vội xin Xếp rồi 3 chân 4 cẳng chạy về đưa con đi học. Về nhà thấy thằng bé đang mếu máo vì ngủ dậy không có ai. Nghe cháu giục mặc quần áo để đi học thì nó thút thít: Mẹ ơi, con tưởng nghỉ 2 ngày nên chưa làm bài tập. Cháu trấn an nó: Không sao, cô giáo có hỏi thì con nói là con lo chống bão! Vừa xỏ giày nó vừa liến thoắng: Bão ngốc quá mẹ nhỉ?  Chẳng chịu vào đây để con nghỉ học cho sướng! Đến lớp thấy lẻ tẻ được 4-5 cháu nên nhà trường lại cho các cháu nghỉ. Ui cha, vừa cười vừa mếu, cháu lại đưa nó về nhà.
Hoan hô sở giáo dục lo xa!
Đến cơ quan thấy tờ báo để trên bàn, cháu liếc qua thì thấy cái tít in rất to và bắt mắt: TRONG VÒNG MỘT THÁNG RƯỠI MÀ 5 LẦN DỰ BÁO SAI.
Lại phải hoan hô bác khí tượng có tầm nhìn xa từ nhà xuống bếp làm cho người dân bao tỉnh lao đao!.
 Nào là lúa gạo, nào lào bão... Ôi! Các loại dự báo thời nay!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan