Sunday, April 24, 2016

Về một xu thế thi pháp trong kịch của Xuân Đức

Một tập tuyển chọn kịch bản của tôi sẽ được NXB Sân Khấu phát hành vào đầu tháng 5 này. Trong tuyển tập này, tôi chỉ tập hợp một số kịch bản trực tiếp về đề tài nóng- về mối xung đột giữa cái cao thượng với thấp hèn- giữa cái thiện với cái ác của xã hội hiện tại mà người ta thường dùng thuật ngữ là đề tài chống tiêu cực.

Cảm ơn PGS Tất Thắng, nhà lí luận hàng đầu của Sân khấu Việt Nam hiện nay đã có lời giới thiệu.

Tôi xin đăng trước bài viết tựa cho tập kịch này của nhà lí luận- PGS Tất Thắng.

Về một xu thế thi pháp
trong kịch của Xuân Đức 

00.                                 Đó là xu thế phi sử thi hóa, nó manh nha ngay từ một số vở kịch Xuân Đức được sáng tác theo xu thế ngược lại là xu thế sử thi hóa. Ta có thể nhận ra sự manh nha này trong vở kịch Cái chết chẳng dễ dàng gì. Thế rồi, trong tiến trình viết kịch, Xuân Đức đã đẩy cái xu thế phi sử thi hóa ấy mạnh lên, nhanh lên với một sức lấn và tốc độ ghê gớm để nó bao trùm hầu hết các vở kịch của mình, và điều đáng nói nhất là để nó tạo nên những vở kịch nổi trội và sâu lắng cái cá tính sáng tạo của nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức. Có thế nói rằng Xuân Đức là nhà viết kịch của xu thế phi sử thi hóa và cái xu thế ấy đã bắt gặp người của mình; cuộc tao ngộ này đã tạo nên sự thăng hoa trong sáng tác kịch của anh. Mặc dù, như ta đã biết, anh từng bước vào ngưỡng  của nghề viết kịch  bằng vở Tổ Quốc (1), một vở đông đặc tính sử thi. Nhưng phải chăng, cái xu thế sử thi hóa ấy  đã không cuốn hút được anh, đã không hợp với anh ?

01.                                 Kịch và sân khấu Việt Nam hiện đại đã một thời hành động sáng tạo trong xu thế chung của văn học nghệ thuật Việt Nam ( nhất là ở thời kỳ 1965-1975) là xu thế sử thi hóa. Xu thế ấy đã góp phần sáng tạo nên nhiều tác phẩm kịch và sân khấu có giá trị, đóng góp đáng kể vào thành tựu của nền văn học nghệ thuật Việt Nam với tư cách là một trong những nền đi tiên phong trên mặt trận chống đế quốc  ở thời đại chúng ta, như ta đã biết. Thế rồi,  khi hiện thực cuộc sống trên đất nước ta diễn ra trong bước ngoặt lớn lao của lịch sử là bước ngoặt từ chiến tranh sang hòa bình và liền sau đó từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường thì văn học nghệ thuật cũng có  một bước ngoặt đáng kể. Bên cạnh xu thế sử thi hóa, xu thế phi sử thi hóa đã nổi lên thu hút nhiều tinh lực sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm có nội dung và nghệ thuật đổi mới…mà kịch của Xuân Đức  là một trường hợp đáng để mắt đến.

02.                                 Phải nói rằng, theo đuổi xu thế này, một mặt, và bị xu thế này dẫn lối, mặt khác, kịch của Xuân Đức đã phản ánh được những yếu tố mới của hiện thực thời đại và nơi đông đặc những vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề về đạo đức tinh thần khiến ta nhói  tim, sóc óc, nơi ẩn hiện, lúc thì thấp thoáng, khi thì lộ diện của những con người vừa là sản phẩm của cơ chế thị trường, vừa  là chủ thể tạo nên những mặt trái ghê gớm của cơ chế ấy. Đó là nói về cái mới trong nội dung kịch của Xuân Đức do xu thế mà cụ thể là các vở kịch  được tuyển chọn trong tập sách này, cũng là những vở làm mới mẻ, giá trị cho sân khấu các cuộc thi, các liên hoan sân khấu mấy năm gần đây… Còn về mặt nghệ thuật, cụ thể là về mặt thi pháp thì với hình tượng về những con người phức tạp, đa dạng được diễn tả trong xu thế phi sử thi hóa ấy, những con người vì mục đích tối cao, (nói theo thuật ngữ của Stanixlapxki) là chức sắc, địa vị, quyền lực, là tiền bạc, của cải, đất đai, v.v… mà có thể làm bất kỳ điều gì.. trong mối quan hệ gia đình - vợ chồng, cha mẹ,  anh em, trong mối quan hệ xã hội bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp… để đạt được cái mục đích tối cao ấy. Tôi đặc biệt thích thú với những nhân vật kiểu này của kịch Xuân Đức. Đó là những nhân vật chính cống của kịch với tư cách một thể loại văn học lấy xung đột làm biện pháp mỹ học nhằm diễn tả, đúng hơn là lột tả cái phức tạp nhức nhối của hiện thực cuộc sống, nơi con người ta luôn luôn hành động và tìm tòi cách thức, mọi thủ đoạn, mọi âm mưu để đạt được mục đích tối cao của mình. Tôi càng thích thú hơn khi những con người ấy, những nhân vật kiểu ấy của kịch Xuân Đức luôn luôn đi đến cùng trên con đường của mình. Nói theo cách nói của Aritxtot thì họ là những nhân vật có khuynh hướng ý chí mãnh liệt và có hành động quyết liệt thể hiện ở những việc làm ghê gớm đến tàn bạo đang được bình thường hóa trong đời sống của họ, nó tạo nên ở họ cái chất kỳ, chất quái. Họ tạo nên một bên, một phía rất có trọng lượng trong cán cân xung đột của nghệ thuật kịch Xuân Đức. Cái tính phức tạp làm nên nét sâu sắc và hiện đại của những nhân vật mà ta đang bàn của Xuân Đức là trong chỗ sâu thẳm nơi con người họ vẫn còn ẩn giấu một chút nhân tính nào đó... cái độ chênh giữa sự tàn bạo nổi trội và một chút nhân đạo ẩn chìm đã khiến cho những nhân vật này ghê gớm thì gớm ghê thật, nhưng luôn luôn bận tâm đến lo âu, hốt hoảng đến sợ hãi trong tư thế mất cân bằng (Sans – équilibre). Hơn nữa, và đây cũng là điểm đáng chú ý của kịch Xuân Đức, trong thế giới nhân vật của anh, ngoài những típ nhân vật đã nói ở trên, còn một típ khác tạo nên những va chạm, những đụng độ, những đối kháng ... bề ngoài thì có vẻ âm thầm khi phẳng lặng như bề mặt nước của một dòng sông, nhưng thực chất là sôi nổi mạnh mẽ... và đôi khi cuồn cuộn… như những luồng ngầm đưa dòng sông vào nơi ghềnh thác. Đó trước hết là những con người của truyền thống trong xu thế hiện đại... những con người mới của cơ chế thị trường hiện nay, và có thể nói là những anh hùng của thời đại chúng ta. - Họ phải đương đầu đến đối đầu với thế giới nhân vật quái kiệt kia mà đa phần lại là những bạn bè, chiến hữu, đồng chí, đồng đội của mình và một phần nhỏ, nhưng nếu rất có sức mạnh là những cha anh, những thủ trưởng, những cấp trên, những vị lãnh đạo của mình. Đó là một mặt. Mặt khác, đôi khi họ phải đấu tranh với chính những người thân yêu ruột thịt của mình. Và trong cuộc đối đầu đó, họ đã phải trả giá, có người gặp tai biến. Đây có thể xem là những tiền thân của nhân vật bi kịch.

03.                       Nếu như ngày nay các nhà lý luận hay nói đến tính đa chức năng của văn học, trong đó có chức năng dự báo, thì kịch của Xuân Đức cũng chứng tỏ ít nhiều chức năng đấy.

          Ít nhất kịch Xuân Đức cũng dự báo một thời kỳ đổi mới thực sự của sân khấu chúng ta...

Tháng 10. 2015

PGS. Tất Thắng

 

 

 

 

 

 

 

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan