Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương 13


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG 13 


Nói thì nhanh nhưng làm lại chậm. Một lời cấp trên chỉ thị chỉ mất vài giây, nhưng cả một guồng máy vận hành theo nó phải mất hàng tháng. Đó là chưa tính đến những trắc trở của thời chiến. Vì thế mà câu chuyện nằm chơi của Đọt ở Tân Kỳ còn phải kéo dài thêm đúng một chu kỳ ba tháng nữa. Tuy nhiên, ba tháng cuối cùng này có nhiều cái khác cả vật chất lẫn tinh thần. Ngay trước tết nguyên đán, Li đã đến thăm. Đọt mừng không sao kể xiết, mặc dù câu chuyện của họ cũng chẳng mặn mà gì lắm. Cái Đọt mừng hơn cả là những tin tức mà Li mang đến. Anh vô cùng cảm động khi biết chuyện con Linh đã bỏ học một mình lặn lội vào quê vì anh. Thật không thể ngờ nó lại có hiếu và cũng có gan đến như vậy. Anh cũng hết sức cảm động khi nghe nói cả bí thư khu uỷ Vĩnh Linh lẫn bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị đều ra tay trong chuyện này. Tuy chưa có kết quả gì, nhưng như thế cũng đã ấm lòng lắm rồi. Anh đã vợi đi nhiều nỗi u phiền, uất ức trong lòng. Anh nhìn mọi cảnh vật đều thấy đẹp hơn. Nhìn những chiến sĩ coi giữ trạm thu dung cũng đỡ phần ác cảm. Và ngay cả với Li nữa, Đọt cũng thấy đỡ đi rất nhiều mặc cảm tủi hờn. Duy nhất chỉ có một điều làm anh vô cùng đau đớn, đó là cái chết của Khảm. Đọt nhờ cô Dung mua giúp một bó hương to, anh cắm cả bó lên một mô đất cao, cứ quay mặt về phương nam mà vái. Cả cái trạm thu dung, từ cán bộ đến đám quân đào ngũ đều trố mắt ra nhìn.
Cũng nhờ chuyến ra thăm của Li, với tư cách là một uỷ viên thường vụ khu uỷ dẫn đầu đàn cán bộ ra kiểm tra công tác ăn ở của nhân dân sơ tán, và câu chuyện trao đổi thế nào đó với trạm trưởng Việt, mà sau đó, Đọt được đối xử thân mật hơn nhiều. Có thêm chiếc chăn bông. Bữa ăn cũng tươi hơn. Đặc biệt là trong mấy ngày tết, Việt mời anh lên cùng ăn kẹo, nghe thơ Bác Hồ....Đọt thầm cảm ơn Li. Chỉ cần chừng ấy thôi cũng đủ để Đọt tự thấy ấm lòng cả đời. Ông cha vẫn nói: một ngày nên nghĩa, quả không sai.

Rồi cái ngày chờ đợi cháy lòng ấy cuối cùng cũng đã đến. Đầu tháng tư năm 1968. Một chiếc xe con đít tròn lao từ ngoài đường đất vào giữa sân. Trên xe có hai người nhảy xuống. Đọt nhận ra ngay một người. Anh hét to: "Quyết ! Quyết ! Tao đây!". Quyết chạy ào lại. Họ ôm lấy nhau. Ôm khư khư như kẻ chết đuối vớ được cọc. Rồi cả hai cùng oà lên khóc. Chỉ một tí thôi, lại cười, cười khà khà, cười khạch khạch, mắt nhắm tít, mà nước mắt vẫn chảy ra.

Một người bận thường phục đi tới. Đọt xô Quyết ra để nhìn. Không biết ai. Nhưng Quyết đã nhanh nhẩu:

- Giới thiệu với anh, đây là đồng chí Ngải, bí thư huyện uỷ.

- Vậy, anh Sinh đâu?

- Anh Sinh...bị thương nặng, đã rời mặt trận lâu lắm rồi ..

Đọt bước đến trước mặt người cán bộ tên là Ngải, đứng nghiêm:

- Báo cáo bí thư....

- Thôi được rồi, được rồi....Bọn tôi thật sự có lỗi. Bây gìơ hai đồng chí hàn huyên tâm sự nhé, tôi sẽ làm việc với trạm.

Người bí thư có tên là Ngải ấy quay lên nhà chỉ huy. Còn Đọt thì túm cổ áo Quyết lôi vào trong phòng. Anh hỏi nháo nhác, hỏi tới tấp lộn xộn đủ thứ chuyện. Quyết chưa trả lời xong câu này đã bị hỏi dồn câu khác. Nói tóm tắt lại như thế này. Sau mậu- thân, tình hình có căng thẳng hơn. Bom ném nhiều. Anh em thương vong nhiều. ở địa bàn các xã, cơ sở bị lộ diện trong cuộc đồng khởi nổi dậy nên bị tàn sát, tổn thất nặng. Cũng may sau đó, trên có chủ trương tăng cường một số lượng lớn dân quân ngoài Vĩnh Linh vào củng cố lại lực lượng du kích từng xã, nên phong trào vẫn không bị lắng xuống. Thuẫn đã được bầu bổ sung thường vụ, phụ trách công tác quân sự toàn huyện, anh ta đang nổi tiếng lắm, có khả năng sẽ lên phó bí thư. Sâm đã được đưa ra bắc đào tạo y sĩ. Chủ yếu là do cô ta đòi lấy chồng, nếu không giải quyết, cô ấy tuyên bố sẽ chửa hoang. Còn Quyết tự nói là lộn nghề rồi. Đang chỉ huy quân sự, tự nhiên bị lôi về làm uỷ viên thường vụ, phụ trách công tác tổ chức và xây dựng Đảng....

- Thôi được rồi....Có vẻ Đọt không muốn nghe những chuyện đó- Cậu hãy kể cho mình nghe trường hợp hy sinh của anh Khảm!....

- Em không rõ. Lúc đó anh ấy đã chuyển về làm chủ nhiệm chính trị đoàn 31.

- Thế có biết mộ anh ấy chôn cất ở đâu chưa?

- Chưa!

- Vì sao không đi hỏi?

- Thì anh bảo, công việc của huyện uỷ bận như thế....

- Bận cái cứt. Các cậu chẳng thằng đếch nào sống cho có tình có nghĩa cả.....

Quyết nhăn nhó:

- Kìa anh....Anh có biết trong một năm qua, anh em cơ quan mình hy sinh hết bao nhiêu không?

- Bao nhiêu là một chuyện. Quan trọng ở chỗ các cậu có nắm được chính xác các đồng chí ấy nằm ở đâu không? Hay thằng nào chỉ biết lo thân thằng đó?....

Quyết đã quá biết tính của Đọt nên không dám cãi. Cũng may vừa lúc đó, cả một đoàn người từ trên nhà chỉ huy đã kéo xuống. Đi đầu là Việt, rồi bí thư Ngải, rồi Dung, rồi cậu thượng sĩ từng bị mắng. Tất cả đều cười tươi. Chỉ có Dung, đôi mắt hơi hoe đỏ. Tiếng chào thân thiện, lời chúc mừng, câu đùa nghịch cứ lộn xộn lạo xạo, có cả lời xin lỗi ,nửa thành tâm nửa khách khí, có gì sơ suất mong đồng chí đừng để bụng, chúng tôi chỉ làm theo bổn phận mà thôi. Đọt chẳng nghe rõ câu nào ra câu nào. Đầu anh ong ong, người cứ lâng lâng, thậm chí không biết mình mơ hay thật. Có người kéo anh ra xe, ai đó vày vò áo quần nhét vào gùi....

Đọt cứ cười cười như một thằng ngố. Cho đến khi chiếc xe réo máy, xịt khói, chồm ra đường, cái thung lũng kinh hoàng kia xa dần, mất hút vào trong dáng núi, anh mới thật sự tỉnh người. Thế rồi bỗng nhiên anh thấy buồn, buồn ghê gớm. Anh gục đầu lên hai gối, cố nén tiếng khóc. Có một vòng tay choàng lấy vai anh ghì chặt. Đọt biết đó là Quyết. Anh không nén được bật to lên tiếng nấc...

Chiếc xe không đưa anh vào lại chiến trường, mà đưa về đoàn an dưỡng của quân khu ở một vùng biển. ở đó hầu hết là cán bộ từ các chiến trường miền nam ra. Đọt được bố trí ở khu nhà cán bộ trung cấp. Chế độ ăn tiểu táo, có nghĩa là đặc biệt nhất. Có thể nói đời anh như từ địa ngục được hoán trả lên thiên đường. Dẫu có nằm mơ cũng chưa một lần mơ thấy!

Nhưng các đồng chí ơi! Giấc mơ dù đẹp đến mấy thì cũng chỉ là giấc mơ, vẫn không thể nào là sự thật. Và người ta không ai có thể sống mãi với sự mơ màng. Thiên đường ư, nơi đó có lẽ chỉ dành cho Chúa và các vị thánh. Còn đồng chí Đọt, trước hết phải là một thằng người, làm sao bắt được con người trần sống mãi với Chúa. Đọt đã sống cảnh thiên đường ấy chẵn chòi tám năm. Không sinh hoạt Đảng, không công tác, không được ai thử thách rèn luyện, không chân lấm tay bùn. Chỉ ăn, ngủ, tập thể dục, đọc báo, nghe đài, đánh bài "tiến lên", tắm biển và tán gẫu. Tám năm chẵn chòi, từ tháng tư năm một ngàn chín trăm sáu tám đến tháng tư năm bảy lăm, khi Miền nam hoàn toàn giải phóng được ba tháng, thì Đọt mới được trở về.

Tám năm, là cả một quãng thời gian dài lắm đấy chứ. Anh như một cánh buồm dập dình, êm ả trên một đại dương mênh mông. Cuộc đời Đọt lúc này không thể còn gọi là nửa chìm nửa nổi nữa, mà là nổi hoàn toàn, nổi bồng bềnh, tuyệt nhiên không còn dính một giọt nước, không sóng xô, không bão dập, thậm chí không có cả sự lắc lư, chồng chềnh. Đọt bắt đầu uống rượu nhiều. Anh thường mò ra mấy phiến đá sát ngoài mép biển, ngồi uống một mình và nhìn đại dương. Càng những năm sau, tửu lượng anh càng lớn. Không gió to, sóng cả, nên thèm có những cơn say, thèm cái ngả nghiêng, chao đảo... Những lúc như thế, anh bỗng nhớ đến thượng nguồn. Có đêm nhớ đến quay quắt. Nhớ những con khe nhỏ, nước chảy róc rách len lỏi qua từng kẽ đá, nhớ những vũng nước tụ, lờ đờ, nơi thường có bầy cá lá tre lăn tăn quẫy lượn. Nhớ mấy cái chỗ đá dựng thành vách, suối xối thẳng xuống làm thác, bọt trắng bắn tóc loe lên đẫm ướt cả một quãng dốc dài. Dù đi rừng giỏi dang đến mấy cũng rất dễ trượt chân, què cẳng ở những chỗ như thế. Lại nhớ những bến đò, bến lội trên mấy khúc sông. Bến đò thì sâu, nước cứ tần ngần như không muốn chảy. Bến lội thì nông, nước trong veo, đá cuội lổn nhổn dày đặc, rêu bám trơn như mỡ. Sơ sẩy một chút là trẹo mắt cá chân. Đọt cứ nhớ tẩn mẩn như thế, rồi lại tợp thêm vài ngụm rượu. Vông lên, anh khề khà nửa như hát, nửa như ngâm thơ . Hỡi ơi, những con suối thượng nguồn, chúng mày có xô đẩy nhau ra biển cả không, sao mà tao không thấy thác, không thấy ghềnh, không nghe được tiếng róc rách, xào xạc. Hỡi ôi, mấy cái bến đò xưa cũ ấy, sao chúng mày khôn ngoan kín đáo thế, sao chúng mày giỏi giữ thân, giữ phận thế, chúng mày cứ tưởng bở rằng người đời mãi mãi vẫn cứ phải lụy chuyến đò ngang sao ? Ha ha, tao say lên là tao chưởi vung tí mẹt cho vui thế thôi. Chứ thực bụng tao rất thương chúng mày. Nói cho đúng hơn là thương hại chúng mày. Vì sao, hỡi những con suối trong trẻo ở thượng nguồn kia, hỡi những bến đò thầm kín nhẫn nhục xưa kia, vì chúng mày chính là kiếp trước của tao. Tao là định mệnh của chúng mày. Khôn ngoan mấy, giỏi dang mấy, hảo hán mấy cũng không thoát được đâu !

n

Có thật con người ta có cái gọi là định mệnh hay truyền kiếp không? Nếu không, thì sao trong quãng thời gian năm năm ấy, đứa con gái mười bảy tuổi của họ lại bắt đầu cái tuổi thành niên của mình bằng một đêm vượt sông giới tuyến đúng nơi bến đò Hói Cụ, để rồi sau đó lại đặt chân vào con suối Khe Ló, lại cũng dầm mình qua bến lội Quách Xá... Chao ôi, cứ như thế này thì e chuyện đời kể mãi, cứ lặp đi lặp lại hàng thế kỷ vẫn chưa ngừng.

Thôi, cho qua đi. Chỉ xin kể từ lúc Linh đã giữ chức vụ xã đội phó, và có tin đồn cô sắp sửa được bồi dưỡng để trở thành anh hùng của mặt trận Gio - Cam. Năm đó cô hai mươi tuổi. Quảng Trị vừa mới giải phóng, nhưng kẻ thù lại phản kích tái chiếm Thành Cổ. Năm 1972. Sự kiện 81 ngày đêm ở Thành Cổ là sự kiện động trời, cả trái đất này đều rung chuyển. Nhưng còn một chuyện khác, chỉ là chuyện rất riêng của một cô du kích thôi, thế mà cũng động trời, cũng lay chuyển cả vùng trời Cam Lộ, lay chuyển cả vị quan danh tiếng nhất huyện đã từng lừng lững như một tượng đài. Rất may chuyện này chỉ có người vùng này biết.

Hỡi những thể xác con người đang sống, chớ có vội vàng báng bổ vào hai chữ định mệnh. Hãy giải thích thử coi vì sao hai con người ấy lại gặp nhau, lại sống bên nhau, tỏ ra thích nhau và cùng lẫy lừng tiếng tăm như nhau.

Nói đến mấy từ lẫy lừng tiếng tăm thì cũng phải công bằng với lịch sử một chút. Cả một giai đoạn dài của cuộc chiến ở vùng này, có lẽ đã có hàng trăm người đáng được phong anh hùng, hàng ngàn người xứng danh là dũng sĩ. Còn những câu chuyện kể về các sự tích chiến đấu oanh liệt nơi đây thì hằng hà sa số, trập trùng như cây rừng, bát ngát như ca dao, không sao kể hết. Thật ra, sự tích về hai con người ấy chẳng phải kiệt xuất gì ghê gớm so với hằng hà sa số kia đâu. Nhưng vì cái danh tiếng của họ, oanh liệt thì đương nhiên rồi, lại còn pha chút màu sắc văn chương, lại có thêm chút kích thích như là võ hiệp, cho nên nó mới dễ để tiếng cho đời. Một đứa con gái, được mệnh danh là "nữ chúa rừng xanh" Một đứa là đàn ông, có biệt danh " gấu xám đường Chín ". Và như thế, dù không muốn chút nào vẫn phải quay lộn trở về trước đó vài ba năm, xin người đời dừng sốt ruột.

Mấy cái danh hiệu đầy chất tài tử đó xuất phát từ đâu và có tự lúc nào, thì chính bản thân người được phong tặng cũng không sao xác định được. Khi Linh vào đến Khe Ló chỉ mới là du kích thường, thậm chí còn có phần lớ ngớ, khờ khạo nữa. Đương nhiên chẳng ai lại đi gọi cô lúc ấy là nữ chúa rừng xanh cả. Nhưng lúc ấy, danh hiệu " gấu xám" đã có . Linh nghe và chợt thấy ngờ ngợ, hình như cô đã nghe hai tiếng ấy vang lên ở đâu đó rồi. ở đâu và lúc nào nhỉ, Linh cố nghĩ mà không nhớ ra . Linh vội hỏi vài cô du kích trẻ cùng trạc tuổi, cả đám họ tròn mắt ra nhìn cô như muốn kêu lên rằng, trời ơi, ở cái vùng này mà không biết đến con người hùng ấy ư ? Là thủ trưởng Thuẫn chứ còn ai nữa. Gặp vài chàng tân binh bộ đội chủ lực hỏi thử, họ cũng vung tay lên- Gấu xám kia kìa... Chính là danh tướng địa phương các đồng chí chứ còn ai khác ! Thế là Linh để mắt và đột ngột nhìn ra, quả thật, một con người khác thường. Người ấy chỉ huy toàn bộ lực lượng quân sự địa phương, có thể nói là võ tướng .Nhưng cả dáng người, dáng mặt, cả giọng nói nữa lại như một quan văn. Thân thể cao, hơi mảnh, tóc vuốt mái, rẽ ngôi, cặp môi mỏng nhưng rất nét như môi con gái. Giọng nói khẽ, tuy hơi vấp một chút, nhưng vì rất ít khi nghe anh nói, chỉ thấy cười nhiều. Sao người ta không gọi anh là sóc, là nai có phải hợp hơn không? Cảm nghĩ đầu tiên của Linh về Thuẫn là như vậy.

Còn Thuẫn, với con mắt tinh đời, anh cũng mau chóng phát hiện ra người nữ du kích ngoài Vĩnh Linh mới được bổ sung vào, có đôi mắt thật đặc biệt. Đôi mắt đen óng ánh, cái nhìn sắc lạnh nhưng lại hút hồn. Đôi mắt này sao quen thế nhỉ, hình như anh đã gặp đâu đó rồi, hay ít ra nó cũng gợi cho anh nhớ về ai đó. Thuẫn cố nghĩ mãi mà vẫn không sao nghĩ ra. Như thế là cả hai người, từ những giây phút gặp gỡ đầu tiên đều đã toát ra cho nhau cái gì đó ngờ ngợ, cái gì đó để mỗi người cố nghĩ, cố nhớ, nhưng là cái gì thì chẳng nhớ ra, lại khiến họ cứ nghĩ và nhớ về nhau.

Lúc này, địa bàn thôn Quách Xá cũng như mấy xã thượng nguồn sông Hiếu về danh nghĩa là được giải phóng. Chính quyền các xã đã được thành lập. Xã nào cũng có du kích. ít nhất mỗi thôn có một tiểu đội. Linh ở trong tiểu đội thôn Tân Định. Tuy nhiên, bọn địch không dễ dàng nhả ra. Chúng phản kích liên tục. Có những trận càn đẫm máu kéo dài hai ngày hai đêm. Thế nên chính quyền cách mạng và kể cả lực lượng du kích nữa, không phải lúc nào cũng bám trụ được trong địa bàn. Lúc địch không về ,họ căng băng rôn, cờ xí họp dân, vận động đào hầm hào chiến đấu, cố gắng sản xuất, tích luỹ lương thực . Uỷ ban nhân dân cách mạng không có trụ sở làm việc chính thức . Họ cũng không ngồi trong trụ sở hội đồng Ngụy vì sợ pháo kích. Lúc nào cần ra uy, họ mượn ngay nhà có con cái đang chạy theo bọn Ngụy trên quận. Tất nhiên nếu để bàn bạc những công việc bí mật thì hẹn gặp nhau chỗ khác. Còn khi địch càn về, tất cả triển khai chống càn. Nếu chống cự không nổi thì rút qua bên kia sông, lại kéo về căn cứ. Những lúc ấy, cán bộ xã, du kích thôn đều tụ về một khu vực, chịu sự chỉ huy chung của huyện. Đấy là thời gian để Thuẫn gần Linh.

Từ cuối năm 1969 đến năm 1970, Linh trực tiếp đánh tám trận. Trong đó có sáu cuộc chống càn ở thôn. Hai trận tham gia cùng bộ đội đánh bọn Mỹ đổ bộ lên các cao điểm 174 và đồi O Ngọong. Bản thân Linh giết được bốn lính Mỹ và mười một lính Ngụy, đạt hai danh hiệu dũng sĩ . Kể ra như vậy là quá tốt đối với một cô gái trẻ mười bảy, mười tám tuổi vừa mới rời ghế nhà trường. Biểu dương thì đúng rồi, nhưng cái thành tích như thế đâu đáng để gọi là " Nữ chúa rừng xanh "!. Thế mà, cái danh hiệu đó vẫn cứ đột ngột vang lên. Mãi sau này, Linh mới tìm hiểu được thì ra tên gọi đó xuất phát từ mồm của Thuẫn, lúc đầu cũng chỉ nói chơi cho vui thôi. ấy là vào một buổi chiều, Thuẫn nằm lắc lư trên võng, mắt khép lim dim, võng đưa nhè nhẹ, và thật kinh ngạc vô cùng anh ta lại còn khe khẽ hát nữa. Cả cái cơ quan sự huyện khi nghe tiếng hát phát ra từ trong cánh võng ấy thì đều trố mắt nhìn nhau, rồi lè lưỡi, rồi bịt miệng quay vội đi. Nhưng trong số đó lại có một cậu chạy tới. Cậu ấy tên là Phúng, tên như con gái, mặt mũi cũng như con gái, thân thể thì nhỏ nhắn, thon thon gần giống Thuẫn. Cậu ta là người trong An Hưng mới được kéo lên rừng. Mới lên mà được tiếng thông minh lanh lợi hơn chiến sĩ cũ. Có cái gì đó na ná như là truyền kiếp của Thuẫn ! Có nên tin vào chuyện đó không ? Thôi bỏ qua. Trở lại việc Thuẫn cất tiếng hát và Thuẫn chạy đến.

- Trời ơi, không ngờ thủ trưởng cũng hát hay ghê...

- Hay cái khỉ, nịnh vớ nịnh vẩn...

- Không phải cháu nịnh chú đâu. Mẹ cháu thường nói, nghe hát trên sân khấu không thích đâu, vì đó là diễn viên làm trò. Nghe thì phải nghe khi người hát đang có tâm trạng thực... Mà này, có phải thủ trưởng đang có tâm trạng không?

-Thằng này chỉ được cái bẻm mép. Buồn thì hát lảm nhảm cho vui chớ tâm trạng cóc khô gì....

-Thì đấy,cháu biết ngay là chú đang buồn mà. Cháu biết tỏng ra rồi...

Thuẫn nhổm đầu dậy:

- Mày biết cái gì ?

- Là không phải cháu tự biết đâu. Mẹ cháu vẫn hay nói, khi nào người ta buồn, tức là...

-Này này...Tại sao lúc nào cậu cũng dẫn lời mẹ thế. Lời của cậu đâu?

Phúng cười toét miệng như kẻ biết lỗi:

-Thưa thủ trưởng, thì cháu xin nói lời của cháu đây. Cháu đoán, chú đang buồn vì nhớ...

- Nhớ ? Nhớ ai?

- Người đó...

- Người đó là người nào ?

- Là em có mái tóc mượt dài, có đôi mắt bồ câu...

Thuẫn bĩu môi:

- Ôi giào, tóc dài, mắt bồ câu, cả đống đấy sức mấy mà nhớ .

- ấy không. Cháu nói là duy nhất kia... là- bất ngờ hắn rướn cổ lên hát, tiếng hát của hắn còn khổ sở hơn cả Thuẫn nữa- " Ngó bên tê Trường Sơn một dải, nghe bên ni sóng vỗ Cửa Tùng, Vĩnh Linh ơi trăm nhớ ngàn thương..."

Thuẫn ngồi vọt dậy, đảo mắt nhìn ra hai bên rồi quay lại nghiêm mặt:

- Này, tao cảnh cáo đấy. Đừng có đoán mò rồi nói tầm bậy tầm bạ, chết cả lũ đấy!

Phúng lùi lại, sợ hãi, tiếng nói trở nên bỗng trở thành lập bập "chùm ba "...

- Có chi mà chú ngại... mẹ cháu nói... Trai chưa vợ ... gái chưa chồng...

- Không phải tao sợ cấp trên đâu. Tao là đứa đội trời, đạp đất ở đời, sợ gì ai- Tự nhiên giọng Thuẫn hạ thấp xuống- tao sợ chính o ấy, đừng để người ta giận...

Phúng "xì " một tiếng rõ dài :

- Sức mấy, được gần thủ trưởng, con gấu xám đường Chín thì mừng chết mẹ đi chứ, dám giận.

- Đừng đùa mày. Tướng mạo con nhỏ ấy không phải tay vừa đâu. Nữ chúa rừng xanh đấy.

Phúng há to miệng :

- Cái gì ạ ? Nữ chúa rừng xanh ! Kinh ! :

Như thế đấy. Thế là từ đó ở núi rừng này cùng xuất hiện, cũng tồn tại hai cái biệt danh vừa quái dị, vừa lãng mạn. Và hai con người âý, một vô tâm, một cố tình, càng ngày càng xích lại gần nhau. Họ đã rất gần nhau, có khi gần sít sịt, thế mà tuyệt nhiên không hiểu chút gì về nhau. Là nói không hiểu cái cội nguồn sâu xa bên trong từng người, không nhận biết gốc gác về nhau. Họ chỉ biết vỏ bên ngoài là một thằng đàn ông thanh thoát đẹp mã, một đứa con gái sắc sảo, mãnh liệt ; Chỉ biết cái danh hảo của nhau, tự tôn sùng nhau và tôn vinh chính mình; Nếu có gì đó sâu hơn một chút, ấy là mấy từ đồng chí, đồng đội, cái loại từ dùng cho đại trà, số đông, cho cả một thời đại...

Cái sự thật họ cần biết về nhau thì cả hai đều không thể biết

n

Làm sao bây giờ. Mỗi lần con gái tôi gần hắn, tôi đều hốt hoảng kêu toáng lên. Tôi nhảy chồm tới, chắn ngay trước mặt con. Nhưng nó vẫn bước qua tôi. Có ai đời con gái lại tự mình tìm đến con trai, cọc lại đi tìm trâu, con không học được câu ngạn ngữ ấy sao hả Linh. Nó vẫn đi, như một kẻ bị thôi miên, nó dấn thân theo thần tượng riêng của nó. Nó giống mẹ nó ngày xưa bỏ cả làng quê, bỏ cả tuổi thơ mà theo cha Cựu. Sao em truyền nòi lại cho con cái đận ấy mà không truyền gấp cái giá phải trả ở đận sau, sao những người làm cha làm mẹ như chúng ta lại quá chậm chạp, quá chần chừ như vậy !

Đó là một đêm có trăng. Trăng ở rừng mới ác độc làm sao, mới gian mãnh làm sao. Sáng không ra sáng, tối chẳng ra tối! Trong những vòm lá màu sáng lờ nhờ, lấp ló vài vệt xanh mét xẻ chéo xuống, chập chờn như ma trơi. Nước trên suối cũng trở nên quái lạ, đầy ảo giác. Chỗ tối thì đen sịt lại, chỗ sáng lại ngời loé lên, chấp chới tựa thuỷ ngân. Còn khuôn mặt người mà ngồi dưới trăng trong vòm lá rừng lại càng đáng sợ. Mắt xanh biếc như cú mèo. Da mặt, vệt thì thâm bầm, vệt thì trắng nhợt...

Sở dĩ tối đó con Linh mò đi là vì chiều hôm ấy, nó nhận được quyết định đè bạt tiểu đội trưởng. Không có quyết định bằng giấy mà lại bằng mồm. Chính mồm cậu xã đội trưởng nói ra, lại nói rằng, đây là ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng phụ trách quân sự huyện. Linh vô cùng xúc động, còn tôi thì kêu thét lên: Con ơi, con lại sa vào con đường ham muốn quyền lực như các mẹ con ngày ấy rồi !

Giờ thì hai đứa đã ngồi bên nhau, đầu con Linh tựa vào vai Thuẫn, tay thằng Thuẫn choàng qua ghì chặt thân nó. Tôi điên tiết lao vào xô chúng ra, nhưng vô hiệu.

Ban đêm là thời gian của tôi. Nhưng sao tôi không hiển linh vào được đứa con gái tôi để nói cho nó hiểu! Tôi tự biết rồi. Đã bao giờ tôi nhận nó là con đâu. Đáng kiếp cho cái thân tôi. Đáng đời cho dòng họ thầy bói của tôi!

Cũng may là tôi vốn là người trầm tĩnh, thế nên sau vài phút rối loạn tôi đã kịp nghĩ ra một người. Đúng rồi, cả cái cơ quan huyện uỷ này chỉ còn duy nhất một người là có thể chia sẻ được những ý nghĩ của tôi.

Sáng hôm sau, Linh thức dậy muộn. Không hiểu vì sao lại như thế! Nó dậy được cũng là nhờ một cô du kích trong tiểu đội đến lay vào võng: "Tiểu đội trưởng! Dậy đi chứ, có người cần gặp đó!". Linh ngồi choàng dậy hớt hãi, tay dụi lấy dụi để vào mắt. Nó sợ người gặp lại là anh ấy....Nhưng không phải. Đứng sừng sững trước võng nó là một người đàn bà, dáng thấp, mập, mặt to, mông bè và cặp vú đồ sộ đội cả vòm ngực. Đàn bà đâu mà trông dữ tướng thế này. ý nghĩ đầu tiên của nó là như vậy. "Chào đồng chí tiểu đội trưởng!" Chị đàn bà to khoẻ cất tiếng ồm ồm. Nó hơi hoảng, rụt rè hỏi: - Chị là....- Tôi là Sâm, y tá của huyện uỷ.- Ôi, nó vội kêu lên, em chỉ mê ngủ thôi, có đau ốm gì đâu!- Có đấy, chị ta nói với giọng cương quyết, cô có thể đi với tôi một lúc được không? Nó hỏi- Lên trạm xá hả chị? Chị ta trả lời- Không, ra ngoài suối kia, được không?

Nó chỉ hơi hoảng một tí ban đầu thế thôi, còn sau đó lại rất thoải mái, rất tự nhiên. Nó là con nhà nòi mà, có biết sợ ai đâu. Hai người đi rất thong thả xuống dốc rồi tới bờ suối. Sâm đi trước, xuôi theo dòng chảy con nước. Linh bám theo sau, hơi ngạc nhiên và tò mò một chút, nhưng nó rất vui, cái nguồn vui từ chiều qua, tối qua vẫn còn dư vị.

- Ngồi chỗ này, được không?

- Tất nhiên là được.Mà này, chị định khám bệnh cho em ở chỗ này à?

- Không....

- Thế thì....chị gọi em ra đây làm gì?

- Để đánh ghen.

- Cái gì? Linh mở tròn mắt ra nhìn người đàn bà to béo kia rồi bật cười. Cô chỉ dám cười khẽ thôi vì sợ chị ta tự ái. Nhưng bất ngờ Sâm lại cười to hơn, cười ồ ồ như nước chảy. Cả hai cùng ngồi xuống bờ suối.

- Chị Sâm này, chị....trông thế mà vui tính ghê.

- Không. Em nhầm đấy. Đàn ông mà còn sợ, không dám chạm mặt chị nữa là....

Linh lại mím môi kìm nén nụ cười:

- Thật thế ư chị, mà gã đàn ông nào lại nhút nhát thế?

- Kẻ đã yêu chị....

- Thế a? Có ở trong cơ quan mình không?

- Có.

- Này, chị có thể lộ bí mật cho em biết với được không!

- Được chứ. Chính là hắn đấy.

- Hắn? Hắn là ai?

- Thằng cha Thuẫn....

- Này...Linh ngửa hẳn người ra xa để nhìn cho rõ khuôn mặt của kẻ đang nói chuyện. Nhưng nét mặt Sâm không có một chút thay đổi nào. Chị với tay bẻ một ngọn lá ném xuống suối. Con nước lập tức ngoạm lấy, cuốn vội đi.

- Hỏi thiệt nghe. Chị đang yêu anh ấy à?

Sâm ngoảnh lại nhìn Linh ra vẻ thương hại:

- Nếu tao mà ưa hắn, dù chỉ một giây thôi, thì có lẽ hắn đã không hại mọi người đến mức ấy....

Linh nhăn nhíu hai hàng lông mày lại:

-Này, chị đang nói về ai thế ? Chị dám gọi thủ trưởng Thuẫn như vậy à?

Sâm bật lên tiếng cười khô khóc:

- Thủ trưởng, kinh thật....Em hiểu thủ trưởng yêu quý của em đến mức nào? Hay em chỉ mê hồn với mấy cái từ hổ vằn, gấu xám đó? Em cần biết rõ điều này. ở vùng đất này, cái biệt danh gấu xám đó đã có từ khi ông Thuẫn mới chỉ là thằng lính nghĩa quân của Ngụy chạy lên rừng. Mà vẻ vang chi cái tên ấy, đó là do ba thằng lính dân vệ, nghĩa quân nhát như thỏ đế tự kêu lên thế thôi, chứ đâu phải danh hiệu cao quý gì của cách mạng phong tặng đâu. Thế mà cũng cướp công của người ta. Cướp người yêu, cướp chức vụ, địa vị còn chưa thoả mãn, có cái nhãn mác tầm phào ấy mà cũng đoạt nốt. Đúng là cái thứ người....

Linh thật sự kinh ngạc. Không phải nó kinh ngac vì những câu chuyện tày đình kia, những câu chuyện hoang đường không có gì thuyết phục nó tin được. Nó kinh ngạc bởi thái độ và lời nói của người đàn bà có dáng hình thô tháp đang ngồi bên cạnh. Hẳn chị ta đang chất chứa trong người một nỗi căm hận ghê gớm lắm. Vì lẽ gì mà chị ấy lại căm hận thủ trưởng Thuẫn như vậy. Cũng không khó đoán lắm. Theo tư duy của một học trò giỏi văn, giỏi cả toán nữa, Linh có thể khẳng định ngay rằng, đây là người đàn bà thất tình, hận tình. Thật tội nghiệp, chị ấy yêu mà không được đáp lại. Linh định buột mồm nói một câu nhưng lại không dám: - Chị ơi, tại chị không tự lượng sức mình. Nếu em mà là anh ấy, thì em cũng chịu thôi, làm sao mê chị được. Nghĩ vậy nên Linh định mỉm cười, nhưng cũng kịp kìm lại. Chả dại gì mà chọc tức chị ta lúc này, một người đàn bà đang bất hạnh.

Nhưng thật lạ, hình như người đàn bà đó lại đọc được ý nghĩ của nó. Chính Sâm lại mỉm cười đầy vẻ thương hại.

- Em đang suy nghĩ chị là con đàn bà đang ghen tuông căm hận chứ gì....Tội nghiệp em. Thôi tuỳ, ngày mai chị đi khỏi đây rồi. Em muốn suy đoán về chị thế nào cũng được. Nhưng chị khuyên em, nên đi sâu tìm hiểu nhiều người. Còn về....lão ấy....em muốn yêu thì cứ việc, nhưng hãy nên từ từ, đừng quá vội. Em cứ từ từ một chút là tự mình nhận ra thôi....

Sâm chống gối đứng dậy. Linh cũng không muốn níu giữ. Nó hỏi một câu lấy lòng:

- Chị nói mai đi...là đi đâu thế?

- À, đi học, rồi lấy chồng....

Nói xong, Sâm cười một mình và nhún nhẩy bước đi. Nó nhìn theo, tự nghĩ, hình như người phụ nữ này không được bình thường....

Tuy nhiên, cuộc nói chuyện đường đột của người phụ nữ không quen biết ấy không phải hoàn toàn vô tác dụng. Tin thì Linh không tin, có thể nói là không tin chút nào. Nhưng vẫn có cái gì đó vương vướng trong lòng. Bạn đã khi nào mắc xương kim của loại cá suối chưa, loại xương nhỏ xíu, mảnh như một sợi tóc, nó vướng vào một chỗ nào đó trong cổ? Chẳng đau đớn gì, ăn cơm uống nước vẫn bình thường, mọi sự vẫn trôi chảy, nhưng mà cứ ngờ ngợ, cứ vương vướng, nuốt không mất, khạc không ra, nó cứ bắt ta phải thường xuyên nghĩ về nó.





l



Linh cũng vậy, mặc dù đã rất nhiều đêm cố xua cái câu chuyện ám ảnh ấy đi, nhưng nó vẫn bám vào đầu óc Linh, không thể không nghĩ về nó. Mà những ngày ấy Thuẫn lại rất hay tìm gặp, lúc lý do này, lúc lý do nọ. Này, đồng chí Linh, tình hình trong thôn thế nào? Tình hình vũ khí đạn dược thế nào? Cũng có lúc thẳng thừng, chẳng cần dấu diếm: Linh ơi, lên chỗ anh đi, có hai cậu trinh sát quê ngoài Vĩnh Linh vừa vào hỏi thăm nữ anh hùng đấy...

Thế là đi. Không lên thẳng chỗ anh mà cũng chẳng ghé về chỗ em. Họ thường ra suối. Rừng thì rộng, suối thì dài, không có lối mòn thì đạp lên lá khô, củi mục mà đi, mỗi lần gặp là một địa điểm khác nhau. Thuẫn nói chuyện chẳng ra chuyện, không đầu không đuôi, tiếng nói thì lập bập. Duy chỉ có bàn tay là thành thạo. Cánh tay vòng qua lưng, bàn tay lúc đầu áp vào cánh tay phía bên kia, sau một hồi thì áp vào mạn sườn, từ mạn sườn lấn dần lên phía ngực, từ trên ngực lại vô tình rơi dần xuống phía bụng... Mấy hôm trước khi có cuộc nói chuyện của Sâm, thì mỗi lần bàn tay ấy di chuyển người Linh cứ nóng rần rần, đầu Linh cứ tê dại đi, hai tay Linh như bị co quắp lại. Khi bàn tay Thuẫn lách khỏi lớp vải áo, chạm vào da, cả người Linh như bị điện giật, tay Linh vội chụp lấy tay Thuẫn bấu bấu để gỡ ra. Nhưng mà yếu ớt quá, luống cuống quá, chẳng có chút sinh lực nào trước cái bàn tay đàn ông đầy sức mạnh và quyền lực kia. Cho nên, nó đã vào được cái nơi cần vào, nó chạm đúng cái chỗ xung yếu nhất. Hai tai Linh điếc đặc lại. Mặt nóng rốp lên như mặt bàn ủi. Cả tấm thân con gái cường tráng tự nhiên nhũn mềm lại. Lần đầu tiên thì như thế, đến lần thứ hai thì đơn giản hơn nhiều. Bàn tay đàn ông không cần thăm dò thử phản ứng nữa, còn Linh thì đã biết trước chuyện gì sắp xảy ra. Người nó vẫn nóng lên, nhưng vừa phải thôi, đầu óc cũng có lâng lâng nhưng không điếc đặc nữa....Đó là nói chuyện những lần gặp trước. Còn sau khi có cái "xương cá" mảnh như sợi tóc vướng vào rồi, họ vẫn gặp nhau, mọi tình tiết vẫn diễn ra theo kiểu ấy, nhưng cảm xúc của Linh thì không hoàn toàn như trước nữa. Nó là đứa con gái con nhà nòi, nòi của sự khát khao ham muốn vô bờ bến, nòi của cả sự tỉnh táo, tinh ranh của loại đàn bà lý trí mạnh hơn bản năng. Con nhà nòi nhưng giỏi giang hơn, khôn ngoan hơn nòi của nó. Vì nó là một con số cộng, cả mẹ Lương lẫn mẹ Li, cả ba Khảm lẫn bố Đọt. Nó lại sinh ra vào một thời đại sau bố mẹ nó, cả một lớp người đại trà đều khôn lõi hơn cha ông của họ chứ chẳng phải riêng gì trường hợp cá nhân nó....

Thế cho nên bắt đầu từ dạo đó, đối với Thuẫn, con Linh sống hai mặt. Cái mặt đam mê vẫn nặng hơn. Nó vẫn không đủ sức chối từ sự quyến rũ. Nó vẫn dấn thân vào các cuộc hẹn hò, vẫn đành khoanh tay chịu trói trong vòng tay xiết chặt như gọng kìm của gã đàn ông và cứ nhắm mắt mặc kệ cho cái bàn tay quyền lực kia chọc vào bóp bóp phía trên, moi moi phía dưới. Lần sau bao giờ cũng tệ hại hơn lần trước, mà lần trước đã chịu rồi thì lần sau làm sao cưỡng lại được. Đã đến mức nó bị vật ngửa ra trên lá bổi, cả cái thân cao lớn và già dặn của con "gấu xám" nằm đè lên, rồi trườn lên tụt xuống theo cái động tác vợ chồng mặc dù chưa thể cởi được áo quần nó ra.....

Nó cương quyết không cho cởi áo quần, nghĩa là nó không cho sự đam mê kia đạt tới đích. Đó chính là bản lĩnh ghê gớm của con trẻ, hơn xa mẹ nó ngàyxưa. Đó cũng chính là mặt thứ hai của mối quan hệ mà Linh đang phải đối phó với "gấu xám". Nó vẫn còn tỉnh táo. Tỉnh táo khi gần Thuẫn và càng tỉnh hơn khi xa, khi không chịu áp lực của sự đam mê.

Là những lúc, Linh chỉ một mình, nó tập trung suy nghĩ, nghĩ mãi về những lời nói của người đàn bà không bình thường ấy. "Chị khuyên em nên đi tìm hiểu nhiều người...Còn về lão ấy...em muốn yêu thì cứ việc, nhưng hãy nên từ từ, đừng qúa vội. Em cứ từ từ một chút là tự mình nhận ra thôi..."

Thế là, Linh bắt đầu vào một cuộc tìm hiểu. Từ ngày vào chiến trường, nó cũng như các cô du kích trẻ khác chỉ có một háo hức duy nhất là đánh giặc. Cả một thế hệ lúc bấy giờ là thế. Sau này, là nói hàng chục hoặc vài chục năm sau, có một thế hệ trẻ khác, họ đọc văn đọc thơ lớp trước nói về cái háo hức ra trận thuở ấy thì kêu lên oai oái, rằng chỉ bịa, làm đếch gì có cái thứ háo hức quái đản ấy. Người ta phải dằn vật lắm, trăn trở riêng tư lắm mới phải đạo chứ...Thì thôi, miệng lưỡi thế sự ai mà đon lường hết được. Cái lớp người như Linh lúc đó, bỏ hết sách hết vở, bỏ hết hoài bão học đường để lao vào chiến trường, náo nức đánh giặc, là một sự thật. Sự thật sao thì nói vậy, còn dại khôn thế nào đời sau cứ phán.

Quay trở lại chuyện Linh, đang nói rằng từ khi được vào mặt trận, chỉ có một háo hức duy nhất là lập công, chứ nó đâu có tính đến chuyện phải âm thầm dò tìm một cái mạch nguồn đầy bí hiểm như thế. Mà việc quái gì nó phải làm chuyện đó, tự nó cũng không giải thích được. Nhưng Linh vẫn không dứt ra khỏi một quyết tâm, lại là một kiểu đam mê khác, phải dò tìm, giải đáp cho ra những ẩn số. Chính loại đam mê này đã tạo nên một bản lĩnh khác của con người Linh, để sau này, con người ấy trở nên đáng gờm trên một mặt trận khác: Thương trường!

Hình như dần dần Thuẫn cũng cảm thấy được có cái gì đó khang khác ở người tình. Dứt ra thì cô ấy không muốn, nhưng gần hơn thì lại lãng tránh. Là có nghĩa thế nào? Đáng ra Thuẫn phải tỉnh táo hơn, sâu sắc hơn, chịu khó tìm hiểu hơn. Nhưng vì anh ta ngạo mạn, tự cho mình quá thông minh, tự khẳng định rằng, mọi tính toán của đàn bà không qua nổi kẻ tay của mình. Thế nên Thuẫn vội vàng kết luận, chẳng qua cô ấy cũng là loại con gái biết nhử mồi, được voi đòi tiên, lòng tham đàn bà là không đáy. Được rồi, anh ta nghĩ, muốn mồi cho mồi, để xem cá mắc câu hay câu mắc cá. Lập tức sau một thời gian ngắn, Thuẫn lại máy với xã đội trưởng đề bạt Linh làm trung đội phó. Quả thật, ngay buổi sáng nhận quyết định, chiều tối hôm đó, Linh đã mò đến.

- Em cảm ơn anh!

- Ơ hay, cảm ơn gì tôi, đó là quyết định của xã cô đấy chứ.

Linh khẽ nguýt một cái. Thuẫn làm bộ mặt căng:

- Thôi, cô về đi, không thì lại bảo tôi đòi hối lộ.

Linh vênh chiếc cằm lên:

- Nhớ nhé, đuổi thì về, sau đừng có cáu...

Nói rồi, rảo chân bước đi luôn. Đi ra gần bờ suối thì có một tiếng "này" phía sau. Linh không ngoái lại, nhưng dừng bước. Đã nghe hơi thở nóng ran sau gáy. Linh cúi đầu bước đi. Tiếng thở phì phì vẫn bám sát đằng sau.

Họ lại ra một đoạn suối khác, một vị trí khác, nhưng mọi sự thì lại diễn ra như cũ, không có gì khác. Bắt đầu là ôm sít nhau, hôn chùn chụt lên môi, cắn vào lưỡi, tay trái ghì lưng, tay phải luồn vào áo, rồi luồn xuống quần, rồi vật ngửa nhau ra, lại cày lên như con trăn trườn trên thân gỗ. Nhưng vẫn không có cách gì cởi cúc quần của Linh ra được....

Sau cái giây phút cuồng loạn đó, tình thế lại trở về như cũ. Thuẫn lại cảm nhận thấy sự lãng tránh của Linh. Hắn điên tiết chưởi thầm: đù mạ đàn bà, chẳng lẽ mỗi cú ôm lại phải đổi một chức vụ?

Chưởi thì cứ chưởi, nhưng hắn không thể chịu thua. Chỉ hai tháng sau khi được bổ nhiệm trung đội phó, Linh lại nhận được quyết định đề bạt Trung đội trưởng. Trung đội của nó phụ trách cả ba địa bàn An Hương, Tân Định và Quách Xá. Linh đã về sát vòng tay mẹ nó rồi mà không hề biết.

l

Không phải nó cố tình chập chờn để mà vụ lợi. Con Linh không đến nỗi xấu xa đến mức đó. Sự thực là, đã rất nhiều tháng trôi qua, nó không tìm ra được một manh mối nào. Cả cơ quan này, đã trải qua quá nhiều thời kỳ xáo trộn. Lớp người cũ như cách kể của Sâm hầu như không còn, mà nếu còn thì ở trên lớp lãnh đạo, Linh không sao mò lên được. Cũng có lúc nó định liều lao thẳng lên như kiểu dạo trước ở ngoài Vĩnh Linh lao lên tìm bác bí thư khu uỷ. Nhưng dạo đó khác. Nó là học sinh, thơ ngây, trong sáng, ai cũng xoa đầu, cũng cười trừ cho qua. Giờ thì nó đã ở trong một đội ngũ, trong tổ chức, phải chịu khép mình vào cái trật tự trên dưới. Mà nó cũng không còn là lính trơn để có thể liều mình. Nó đã có quyền. Quyền đối với lớp dưới thì phải chịu cái quyền của lớp trên. Cái cực lòng của nó chính là chỗ đó.

Không ai cho nó biết rõ được một điều gì, nhưng không phải hoàn toàn vô ích. Qua dò la nhiều người, ít nhất Linh cũng cảm nhận được một cái gì đó. Hình như không phải ai cũng bái phục, tôn thờ con người ấy. Thậm chí ở vài kẻ còn có cử chỉ khinh thường nữa. Chỉ bực nhất là không ai chịu nói thẳng ra, chỉ úp mở, bóng gió, đôi khi ngược lại, lời lẽ thì ca ngợi trên mây, nhưng nghe kỹ, nhìn kỹ, biết rằng người ta đang giễu cợt. Linh là đứa con gái cực kỳ thông minh và nhạy cảm nên nó có thể nhận ra. Và nó tự nổi cáu trong lòng. Tại sao người ta cứ sống giả dối thế? Tại sao không nói toạc móng heo ra. Nó thông minh nhưng còn quá thiếu kinh nghiệm sống. Nó không bận tâm đến điều này, cả cơ quan huyện uỷ lúc ấy đang lao xao một tin đồn, Thuẫn sắp lên làm phó bí thư huyện uỷ.

Việc gì đến thì rồi sẽ phải đến. Khoảng năm tháng kể từ khi Linh được bổ nhiệm chức vụ trung đội trưởng du kích phụ trách ba thôn, vào một buổi sáng, nó được chỉ thị lên gặp Ban tổ chức huyện uỷ. Linh hơi hoảng. Nó không hiểu cái ban gọi là tổ chức huyện uỷ đấy là ban làm công việc gì, mà tại sao lại gọi riêng nó. Hay là...chỉ vì chuyện quan hệ nam nữ nọ kia? Nhưng ông xã đội trưởng đã vỗ vai Linh mà cười nịnh:

- O trúng rồi!

- Trúng thế nào hả chú?

- Là lên cao.

- Làm sao lại thế được, cháu có biết gì đâu?

Xã đội trưởng khua tay:

- Tổ chức huyện uỷ mà gọi lên, tức là thuộc diện cán bộ nguồn, là hàng ngũ cốt cán của huyện. Này, có gì phải nhớ khao anh em, đừng có vội ngước mặt làm ngơ đối với tụi này đấy nhé!

Ông cười khì khì rồi bỏ đi. Linh cuống cuồng đạp qua suối, theo con đường giao liên đi như chạy về khu huyện uỷ.

Tiếp nó là một người đàn ông tóc cắt cao, mặt hơi gầy. Trông xa thì có vẻ già, nhìn gần thì chưa phải già lắm. Linh lúng túng không biết nên gọi anh hay chú.

- Thưa....đồng chí....

- À, o là Linh phải không?

- Dạ....Thưa chú....

- Mình là Quyết.

- Dạ, thưa anh....à, thưa đồng chí, không biết em được gọi lên vì chuyện gì ạ?

- O làm sao thế?

Linh chợt phì cười, ngượng ngập:

- Tại vì...em hơi lo lo....

- Sao lại lo...

- Dạ, tại vì em...không biết có chuyết điểm gì nghiêm trọng không?

Quyết mở to mắt ra, rồi lại mỉm cười rất hiền hậu:

- Thì ra sợ khuyết điểm hả?

- Dạ...

- Khuyết điểm thì ai mà chẳng có. Nhưng o ưu điểm nhiều hơn. Tôi còn nghe nói, người ta còn phong cho o là nữ quái gì đó nữa phải không?

Linh cuống lên:

- Tầm bậy, tầm bạ cho vui thôi mà, chú, đừng có tin họ...

Quyết lại cười:

- Ừ, thì cũng nói cho vui thôi. Nhưng mà, nhân đây tôi cũng xin khuyên thật nhé. Muốn tiến bộ, nên tránh xa mấy cái danh hiệu tào lao ấy đi.

- Dạ vâng...

- Huyện uỷ nghe phản ảnh về đồng chí, thấy rằng, đồng chí rất có triển vọng. Cũng đã có ý kiến đề xuất nên quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp cán bộ trẻ như đồng chí. Vì vậy hôm nay, ban tổ chức trực tiếp mời đồng chí lên để nắm thêm một số thông tin về lịch sử. Sẵn sàng giúp đỡ anh em bọn tôi chứ?

- Dạ, tất nhiên rồi ạ.

Quyết từ từ mở cuốn sổ ghi chép, anh nói rất từ tốn:

- Bọn tôi biết các đồng chí là dân quân đất thép Vĩnh Linh tăng cường vào đây. Đáng ra, tổ chức phải nắm hồ sơ lý lịch từ đầu mới phải. Nhưng mà điều kiện chiến đấu gấp gáp quá, lại cũng tin tưởng tuyệt đối vào công tác tổ chức ở ngoài đó...Thành thử, trong tay bọn tôi chẳng có chút thông tin gì về số du kích mới vào cả. Chiến trường nó lộn xộn thế đấy. Bây giờ cũng chưa thể nắm hết được, chủ yếu tập trung vào số cán bộ cốt cán có khả năng tạo nguồn cho huyện thôi. Nào, đồng chí cho tôi hỏi mấy cái nhé. O tên Linh, nhưng họ gì hè?

- Dạ, Phạm Thị Linh ạ.

- Quê quán, nghĩa là nơi sinh ấy.

- Dạ, Vĩnh Thuỷ, à, hình như, mà thôi, Vĩnh Thuỷ cũng được....

Quyết ngước mặt lên:

- Làm sao lại thế?

- Dạ, thì cũng là hoàn cảnh chiến tranh mà, chú....

Quyết mỉm cười, khẽ lắc đầu:

- Cũng đáo để đấy. Ngày, tháng, năm sinh...

- Dạ, cháu chỉ nhớ năm thôi. Một chín năm hai.

- Bố?

- Phạm...Linh chợt ngậm miệng. Cần phải khai thế nào đây? Bố Đọt liệu có ổn không? Có gì ảnh hưởng không? Mà, thực ra mình đâu phải con bố Đọt. Nhưng nếu khai thật chuyện gia đình thì liệu ba mẹ có bị mang tiếng là ngoại tình hay hủ hoá không?

- Này, Phạm gì?

Linh cắn cắn vành môi. Đúng là mình lẩn thẩn mất rồi. Ba đã mất sợ quái gì kỷ luật. Mẹ thì đã bỏ con mà đi biệt tăm mất tích, còn đâu nữa mà ảnh hưởng. Mấy lại, có ảnh hưởng thì phải chịu lấy chứ, ai chịu thay cho các ông các bà ấy được.

- Sao, o không nhớ nổi tên bố à?

- Dạ không phải. Tên thì nhớ, nhưng họ thì....

- Sao lạ thế?

- Dạ dạ...tên ba em là Khảm, còn họ...

Quyết chợt ngồi thẳng dậy:

- Này, em vừa bảo tên bố là gì?

- Là Khảm ạ.

- Còn mẹ?

- Là Lương ạ!...Nhưng còn họ thì...Thật ra....

- Khoan đã, khoan đã....

Quyết đứng bật dậy, không hiểu sao lại bước ra phía ngoài lán, nhìn quanh quất như thể sợ ai nghe thấy, rồi anh bước vào, ghé sát vào tai Linh, thì thào:

- Này, tại sao mang họ Phạm?

Người Linh cũng bắt đầu run:

- Thưa chú...chuyện này nó hơi...đúng là hơi rắc rối..chẳng qua cũng vì hoàn cảnh chiến tranh...

- Chà, nói nhanh lên có được không? Có phải bố nuôi là Phạm Đọt, mẹ là Li không?

Linh nhổm cả người dậy:

- Chú...chú biết bố mẹ cháu à?

Quyết đột ngột ôm ghì lấy đầu tóc Linh, nước mắt ứa ra.

- Ba cháu hy sinh rồi, cháu biết không.

- Cháu có biết ạ.

- Còn bố Đọt cháu đã được giải oan rồi, biết chưa?

Linh xô Quyết ra, mặt rạng rỡ lên:

- Thật thế hả chú.

- Thật. Chính chú ra đón từ năm trước kia. Mà nghe nói, cháu có công đầu phải không?...

Thế là một không khí khác hẳn. Không còn cấp trên cấp dưới, không còn tổ chức với cá nhân. Quyết cũng chẳng ghi chép gì nữa, anh kẹp cuốn sổ lại nhét vào xắc cốt. Anh chụp lấy tóc Linh xô ra xa, ngắm nghía. Linh cũng không còn chút e dè, ngượng nghịu nào. Nó cứ líu ríu như được trở về nhà, có khi còn hơn ở nhà nữa. ở nhà với mẹ Li, có bao giờ Linh được thoải mái thế đâu.

Quả là trời có mắt. Những gì mà con tôi nhọc nhằn tìm kiếm bấy lâu, giờ đây nó đã được giải đáp tường tận. Bằng trực giác của mình, nó tin tưởng tuyệt đối vào con người của Quyết. Dĩ nhiên, anh là con người của tổ chức, anh không nói một lời nhận xét đánh giá gì đối với Thuẫn, anh chỉ kể lại cảnh ngộ của tôi, của Đọt, của Sâm, anh kể một cách trung thực như lịch sử đã xẩy ra, không quy kết cho một ai hết. Nhưng con Linh thì đã tự hiểu. Nó có thể lý giải được tất cả mọi điều. Nó có trí óc và trái tim của một thế hệ sinh sau, khôn ngoan hơn nhiều so với lớp chúng tôi.

Nhưng nó vẫn choáng váng. Có lúc nó không sao tin nổi. Rồi nó tự tủi hổ cho bản thân nó. Nhưng nó ghê gớm hơn chúng tôi, hơn cả Quyết nữa, là không biểu hiện ra một thái độ gì rõ rệt cả. Nó ngồi câm lặng hồi lâu, rồi hỏi:

- Thế nghĩa là mẹ cháu vẫn còn ở Quách Xá?

- Đúng thế. Cháu có ý định gặp không?

- Phải gặp chứ. Nó nói dứt khoát vậy và đứng lên:- Cảm ơn chú Quyết nhiều, chú có hỏi gì nữa không, cháu xin về đây.

Quyết cũng vội đứng lên:

- Chú muốn cháu ở laị chơi ăn cơm với chú. Cơm thịt hộp.

- Cảm ơn chú. Chắc chắn cháu sẽ lên thăm chú luôn.

Nói rồi nó quay người đi, không hề ngoảnh đầu lại

n

Cảm ơn các đồng chí, cảm ơn các bạn hữu thân thiết nhất của tôi như Quyết, như Sâm. Các bạn đã vì tôi mà làm được một việc vô cùng ý nghĩa là kéo được đứa con tôi ra khỏi một cảm bẫy, kịp không cho nó phạm phải sai lầm. Nhưng các bạn đã không làm được việc tiếp theo là kéo nó không cho phạm cái sai lầm ác ngiệt khác, đấy là sự trả thù. Dĩ nhiên cũng không thể nào trách các ban được. Dẫu là con mình thì cũng không cha mẹ nào đủ sức níu kéo nó cả đời. tự nó phải chịu trách nhiệm lấy mọi suy nghĩ và hành động của nó. Hơn nữa, như cha ông vẫn nói, cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Giá như bản thân Thuẫn tự biết dừng lại thì có lẽ sự việc bẽ bàng ấy đã chẳng xẩy ra.

Sau buổi gặp ban tổ chức huyện uỷ chưa tới một tháng, Linh nhận được quyết định đề bạt làm xã đội phó. Mười sáu tuổi vào dân quân, mười tám tuổi chi viện cho chiến trường, láng quáng mấy tháng đã làm tiểu đội trưởng, mười tám tuổi lên trung đội phó, hai tháng sau lên trung đội trưởng, rồi mới thêm có sáu tháng đã lên xã đội phó. Có ai trên đời này thăng tiến vùn vụt như con tôi không? Tôi không thấy mừng chút nào mà lại thấy lo. "Phúc hoạ chi sở phục", sách xưa nói rồi. Tôi muốn kêu to lên: Hãy dừng lại đã! Nhưng tiếng gào của tôi chẳng vang vọng được ở chốn dương gian.

Nhận được quyết định đề bạt, Linh không đến gặp Thuẫn như mọi khi. Nó lập tức xuống địa bàn. Nơi đầu tiên nó đến là căn nhà của Lương.

Có phải là linh tính mách bảo không? Lương ngồi sẵn ngay ở căn giữa ngôi nhà, ngồi nghiêm chỉnh, mặt ngoảnh ra sân, dáng vẻ chờ đợi. Nhà lợp tôn, một gian hai chái! Phía chái đằng đông có một hầm tránh pháo. ở trong này không phải chịu đựng chiến tranh huỷ diệt nên tất cả vẫn nằm ngủ trong nhà, nền nhà không bị đào bới, khoét sâu thành loại hầm lộ thiên hoặc hầm chữ A như ngoài Vĩnh Linh. Nhưng từ khi thôn xóm được giải phóng, chính quyền và du kích bám trụ thường xuyên thì đạn pháo, đạn cối cũng thường xuyên dội về. Bởi vậy nhà nào cũng có hầm tránh đạn.

Xã đội phó Linh đi vào sân, bám sát sau lưng là một cô du kích thấp lùn, vai khoác khẩu AR15, thắt lưng lủng lẳng mấy trái lựu đạn. Nhìn cung cách ấy, người bình thường nhất cũng có thể đoán được, người đi trước là bà chỉ huy, kẻ bám sát phía sau là chiến sĩ liên lạc. Còn người ngồi ngay ngắn ở chiếc ghế bên cạnh cái bàn gỗ đặt ngay chính giữa căn nhà, có ai đoán được là loại người thế nào không ? Một bà già, hay ít ra cũng là một phụ nữ luống tuổi. Tóc chưa có sợi bạc. Nhưng hai hố mắt thâm bầm, nhiều vết nhăn hằn lên khi Lương cố nhíu mày lại để quan sát những kẻ vừa đến ngoài sân. Linh đã bước lên thềm nhà và dừng lại. Thật khó có thể hình dung đây là người đàn bà đã một thời sắc sảo, đoan trang mẫu mực nổi tiếng vùng Cam Lộ, một cán bộ địch hậu thông minh, sôi nổi xông xáo khắp các mảnh làng từ Vĩnh Hoà lên Vĩnh Chấp, Vĩnh Lâm...; Càng khó tin nổi, đây lại là một đội trưởng đội cải cách ruộng đất, nghiêm nghị, lạnh lùng đến ghê sợ trong những cuộc truy tìm bọn phản động hay đấu tố vạch mặt lũ địa chủ ác bá của nông thôn Vĩnh Linh... Bà ấy đấy ư, tấm thân đã gầy đi, lại có vẻ còn khô héo nữa. Đôi mắt u sầu, có nét gì đó của sự trầm cảm, bơ phờ. Hai bên đã nhìn rõ nhau, đã đủ một thời gian cần thiết để nhận định, phán đoán về nhau. Nhưng cả hai không ai chịu lên tiếng trước.

Người cất tiếng trước lại là cô du kích thấp lùn đi phía sau :

- Chào bác Lương. Xin giới thiệu, đây là đồng chí xã đội phó...

Lương khẽ lay động mép môi, gần như một nét cười đáp lễ. Linh khẽ quay người nói nhỏ câu gì đó với cô liên lạc. Cô ta gật mạnh đầu rồi quay gót chạy ra ngoài ngõ.

Còn lại hai người. Thật bất ngờ và kinh ngạc, Lương lại mỉm cười, lên tiếng trước.

-Con ngồi đi... Sao lại nhìn mẹ dữ tợn thế ?

Linh trố tròn cả hai mắt ra. Nó không còn bình tĩnh để cố giữ cái vẻ cao ngạo giả vờ của nó được nữa. Giọng nó ríu lại :

-Tại sao mẹ biết con ?

-Ba con nói...

- Cái gì ? Ba nào ?

- Ba Khảm con chứ ba nào. Đêm qua ba về báo mộng cho mẹ biết. Con xem, sáng nay mẹ sẵn sàng tư thế chờ con đấy thôi...

Nó không chịu được, hình như bao nhiêu uất ức, bực bỏ chỉ chờ có vậy là bung ra.

- Thôi, bà đừng có làm trò với tôi nữa. Bà độc ác, tệ bạc với tôi như thế chưa đủ sao ?

Lương vẫn ngồi tĩnh tại, tuyệt nhiên không một chút kích động :

- Tôi ác với cô ư ?

- Còn không à ! Có một người mẹ nào đành đoạn bỏ con như mẹ không ?

-Tôi bỏ cô hay cô bỏ tôi ? Thử nhớ lại đi, có phải từ khi cô còn thơ bé, tôi đã tìm cô, nói cho cô biết mọi sự thật, rồi thuyết phục cô theo tôi, thậm chí gần như van xin cô nữa. Nhưng lúc đó, cô chỉ tin mẹ Li thôi. Cô không chịu theo tôi, quyết chí theo chủ nghĩa xã hội. Thì đấy, cô cứ ở lại, tôi chịu thua, có ép cô đâu...

Cái giọng lưỡi như thế, nghe có điên không chứ. Linh hét to lên :

- Bà căm thù chủ nghĩa xã hội lắm à ?

- Đâu có...

- Tại sao lại phản bội.

- Phản bội ai ?

- Còn nguỵ biện à? Bỏ cách mạng, vượt tuyến, không phản bội là gì?

- Nói hay nhỉ, có học hành có khác. Nhưng mà này, ba con quê ở Giang Phao mà cũng vô đây, có phản bội không ? Con ở ngoài đó, cũng vượt tuyến vô đây đó thôi. Còn mẹ, mẹ về quê của mình, thế là chung thuỷ chứ sao gọi là phản bội...

Người ta kể về người đàn bà đáo để từ ngày còn trẻ . Quả thật lời đồn không ngoa. Linh điên tiết lắm, nhưng chẳng làm gì được. Chẳng lẽ vô cớ mà nhảy vào trói cổ mẹ giải ra trụ sở. Nó thở hắt một tiếng rồi quay gót ra sân. Mẹ nó vẫn ngồi bất dộng ở ghế, nhưng cất giọng to hơn.

- Lư hương ba mày tao đặt trên bàn thờ, không vào mà thắp một nén hương sao?

Nó quay ngoắt lại :

- Mẹ dám ...đặt ba ở đây à ?

- Nếu không thì đặt ở đâu ? Mày thấy chỗ nào hơn thì cứ mang đi....

Linh đứng đực người . Quả thật mẹ có lý. Không thờ ba ở đây thì biết đặt chỗ nào... Nhưng mà, tại sao cái gì bà ấy cũng có lý, cái gì bà ấy cũng tỏ ra lấn lướt mình ? Nó cắn răng nuốt khô một cái trong cổ họng rồi đi vào bàn thờ. Linh thắp hương cắm lên, nhưng không chấp tay vái, cũng không cầu nguyện gì hết. Nó lùi lũi bước ra.

- Nghe nói bố Đọt con được giải oan rồi phải không, hiện ở đâu ?

Nó dừng lại, mặt nghệt ra :

- Cái gì mẹ cũng biết à ?

Mẹ nó lại mỉm cười, rồi thở dài buồn bã.

- Không phải cái gì cũng biết, mà là cái gì của cách mạng, của đằng mình, cái gì liên quan đến con, mẹ đều biết.

Linh sững người, hai chân như bị chôn chặt. Mẹ nó đã quay trở lại bàn thờ, đốt thêm nột que nhang nữa. Còn nó, đứng như trời trồng, và không hiểu sao, hai khoé mắt lại ứa tràn nước.

l

Từ khi được đề bạt lên xã đội phó, rõ ràng Linh ít gặp Thuẫn hơn. Lý do cũng thật đơn giản, đã là xã đội thì phải về xã, về bám kỹ địa bàn. Nếu không được triệu tập lên họp hành, hoặc có công việc gì đó thực sự cần thiết thì Linh cương quyết không lên cứ. Giai đoạn này, cả mặt trận sôi động chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn Cam Lộ, giải phóng Đông Hà, giải phóng cả tỉnh. Bọn Mỹ sau khi rút chạy khỏi địa bàn Khe Sanh, Hướng Hoá thì về đây co cụm lại ở những cao điểm, cố thủ chặt, hạn chế hành quân, chủ yếu là dùng pháo khống chế toàn mặt trận. Vì vậy ở các xã, chủ trương của ta là củng cố chính quyền cách mạng, tổ chức phát triển thêm lực lượng du kích, tích cực chi viện cho những địa bàn chưa giải phóng ở sát Đông Hà. Xã đội phó như Linh vừa trẻ, khoẻ, lại hết sức thông minh lanh lợi nên xông xáo khắp nơi. Ngày kiểm tra từng chốt bố phòng của tất cả các thôn trong xã, đến từng nhà nhắc nhở dân sửa sang hoặc đào thêm hầm chống bom pháo. Nhiều đêm, theo lệnh trên, cô dẫn một tiểu đội thiện chiến chọc sâu về vùng Sòng, Cồn Mả đỏ, tập kích vào các bốt địch. Linh hoạt động như đám du kích trẻ vẫn gọi là con gà say máu. Có người không thiện cảm lắm thì tặc lưỡi : được tiếng khen ho hen chẳng còn! Thực ra, người ta đã không hiểu đúng về Linh. Cô lao vào công việc như một sự giải toả bao nhiêu rối ren, bí bức trong lòng. Còn thêm lý do nữa, cô cứ nháo nhào ở địa bàn để tránh lên cứ, tránh chạm mặt với Thuẫn.

Thuẫn cáu lắm, bực lắm, thậm chí còn hằn học nữa. Giỏi thật, lên đến chức xã đội là tự thấy đã ra khỏi tầm với của thằng này rồi phải không? Mới trẻ ranh mà đã đầy máu cơ hội, trục lợi đến thế a? Để rồi xem, hãy đợi đấy ! Thuẫn chỉ tay ra ngoài bờ suối mà ngăm đe như vậy. Nhưng nghĩ kỹ lại, Thuẫn thấy cay thật, mà đau nữa. Mỗi lần nó- tức là con trời đánh ấy- vờn mình, mình cho nó một chức. Từ lính trở lên tiểu đội trưởng, lên trung đội phó, rồi trung đội trưởng... Thế mà vẫn chưa có được miếng chén gì. Giờ thì nó quá quyền hạn của mình rồi, cán bộ xã thuộc cấp tổ chức huyện uỷ quản lý. Nó qua mặt mình rồi, làm thế nào đây ? Cái chức phó bí thư cứ nghe xì xào mãi, hỏi han mãi, đồn thổi mãi, chẳng thấy cóc khô gì cả. Chức ấy thì đang khuyết, không hiểu các bố còn đòi hỏi gì ở mình nữa.

Cả một đợt dài, mấy cậu lính trẻ làm liên lạc và công vụ ở ban đều hết sức lo sợ trước tính khí bất thường của thủ trưởng. Quát tháo, xô bàn, hất bát chén, có khi còn chưởi tục nữa. Chúng nó cứ lấm lét nhìn nhau, thầm đoán chắc chiến trường đang vào hồi quyết liệt, cam go lắm!

Chúng nó không thể hiểu được lòng dạ thủ trưởng đang bí bức đến dường nào. Có bao giờ Thuẫn thấy bí đến thế đâu. Từ dạo lên rừng làm cách mạng, khó mấy gỡ cũng ra, mục tiêu nào Thuẫn nhắm tới đều đạt được. Nhưng lúc này thì...

Giữa lúc Thuẫn đang vô cùng thất vọng và oán trách đủ mọi điều, thì bất ngờ nhận đựợc chủ trương của trên. Toàn mặt trận chuẩn bị tổng kết, mừng công để bước vào một mùa khô quyết định. Thường vụ huyện uỷ yêu cầu ban quân sự phối hợp với ban tuyên huấn lựa chọn và bồi dưỡng điển hình, từ cấp dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, cố gắng phải có anh hùng ! Đây là trách nhiệm và cũng là vinh dự lớn của cả huyện ta.

Thuẫn bật lên tiếng cười ha ha. Tiếng cười như ma quái. Đám lính trẻ xung quanh hết hồn. Thuẫn cười chán rồi hát. Lạy trời, thà anh ta cứ cười thoả thuê vào chứ đừng có hát. Nhưng ai mà dám ngăn anh ta, ai dám can dự vào nỗi háo hức của con " gấu xám ". Thuẫn tự nhủ, ta biết ngay mà. Lúc nào ta cũng có quý nhân phù trợ. Hết miếng võ này, trời lại ban cho miếng võ khác. Chức quyền của em đã ra khỏi tầm tay ta, nhưng còn danh tiếng, danh vọng của em thì sao, em có cần không, hãy đến đây, sà vào lòng anh, khắc có.


Đăng ngày 14/01/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan