Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương 12


Tác giả: Xuân Đức

Chương 12


Như một mảnh thuyền vỡ, nửa nổi nửa chìm, gió kéo ra, sóng tấp vào, xoay ngang xoay dọc, cuối cùng cũng dạt được vào một bờ bãi, gác mũi nằm đó, lạ hoắc chốn nơi, nhưng mà yên tĩnh. Yên tĩnh đến mức lạ lùng. Đọt đã sống như vậy ở cái khu nhà này ngót nghét hơn ba tháng, ba tháng cuối cùng của năm 1967.
Bốn phía là lèn đá. Những khối hình lừng lững chồng chất, cao ngất ngưỡng đủ các kiểu dáng, nhìn đi ngắm lại mãi vẫn thấy lạ lùng. Khoảng thung lũng nằm gọn ở giữa rộng chừng ba chục héc- ta, vỏn vẹn chỉ có một con đường đất nối với bên ngoài. Bên ngoài là gì, là đâu, Đọt không sao biết được. Cái lúc người ta đưa anh vào đây là ban đêm, trời đất mịt mùng, gió thổi ù ù và sương rơi rất buốt . Anh thấy lá cây xoà xuống quệt vào bạt xe, lại nhận ra tiếng suối đâu đó rào rào. Đọt biết mình được đưa lên vùng rừng. Xuống xe, anh được dẫn vào một phòng nhà xây, có chiếc giường một, một mảnh chiếu, một chiếc màn, một tấm chăn chiên, một ngọn đèn dầu, không có gối. Người chiến sĩ có khuôn mặt dễ ưa nhìn anh với vẻ ái ngại :

- Đi đái thì cứ ra đằng hồi nhà, đừng đái ngay trước cửa mà hôi nghe chú. Còn ỉa thì phải tới đầu kia, nhưng, chú cố gắng đừng ỉa đêm, cọp nó vồ đó ...

Nghe cái giọng thực thà đó, Đọt biết không phải cậu ta hù doạ .

- Này... nhưng đây là đâu ?

- Là trạm... thu dung.

- Thu dung là cái quái gì ?

Cậu ta nhoẻn miệng cười :

- Là để đón loại người như chú đó. Thôi, ngủ đi cha, mai sẽ rõ. Nói xong, anh ta bước ra, tiện tay khép luôn cửa. Không nghe tiếng lịch kịch bên ngoài, nghiã là không có khoá, nghĩa là không phải phòng giam. Đọt lẩm bẩm một mình: Thu dung là cái mả mẹ gì nhỉ ?

Thôi thì cái gì mặc xác nó. Không nghe tiéng máy bay, tiếng bom nổ, không hề có ánh sáng chập chờn của pháo sáng. Thế là yên hàn rồi. Cái gì thì ngày mai sẽ rõ. Đọt quệt quệt hai chân vào nhau rồi vật người lên giường, quấn chiếc chăn chiên bó chặt từ đầu đến chân. Không đủ ấm. Nhưng mệt quá, anh ngủ say như chết...

Đọt nghe có tiếng gọi. Lơ mơ một chút rồi tỉnh. Đọt nhận ra tiếng con gái. Anh ngồi vọt dậy, xỏ chân vào dép ra mở cửa. Một chiến sĩ gái mặc áo túi chéo đang đứng chực bên ngoài, tay xách chiếc xô nhôm, bên trong bỏ một chiếc bát, một đôi đũa, thêm cái khăn bông nữa...

- Ngủ say thế, gọi mãi...

Đọt cố lấy giọng thân mật.

- O cứ vào chứ tôi có chốt cửa đâu...

Cô gái tròn mắt ra:

- Chết chết... chú ngủ phải nhớ chốt cửa trong, nghe chưa ?

- Chẵng lẽ ở đây mà cũng sợ mất trộm à ? Mà tôi có của nả gì đâu...

- Cái con người chú ấy. Cọp nó tha cổ đi khi nào không biết đó... Này, những thứ này để cho chú dùng. Giếng nước chỗ kia, nhà ăn đó, thấy chưa. ở đây, năm rưỡi phải tập thể dục. Sáu giờ ăn cơm. Khi nào nghe ba tiếng kẻng là cầm bát về đó...

Nói xong, cô gái đặt chiếc xô xuống đất, lật đật đi nhanh về phía nhà ăn. Đọt định thần nhìn kỹ. Trong màn sương lờ mờ hiện lên bốn dãy nhà. Cái nhà xây gạch phía trước có vẻ tươm tất hơn cả. Đọt đoán ngay là chỗ ở và làm việc của những người có trách nhiệm của khu thu dung này. Cái nhà Đọt đang ngủ chỉ có ba phòng. Hai phòng hai đầu cửa khoá, không có người ở. Còn chếch qua phía trái là một dãy nhà khá dài, có lẽ phải đến mười phòng... Ở đó đang lố nhố có người... Còn kia là nhà ăn, cô gái ấy bảo thế...

Quên hỏi cô ta mấy gìơ rồi. Có lẽ đã quá giờ tập thể dục. Nghĩa là sáng đầu tiên này, người ta đã tha cho anh. Đọt khẽ mỉm cười, bỏ bát đũa vào giường rồi xách chiếc xô đi ra giếng. ở đó có ba người đàn ông đang múc nước rửa mặt. Tất cả đều mặc một loại áo quần bà ba màu tro xám. Đọt đảo mắt về phía nhà dài. Có dăm bảy người nữa đều mặc một kiểu quần áo như thế. Đọt bỗng đứng khựng người lại. Anh vốn là kẻ thông minh, rất nhanh nhạy trong việc phán đoán tình hình. Cái kiểu ăn mặc đồng phục này, nếu không phải là bệnh viện thì chỉ có ở trại giam ?

- Chào các anh !

Cả ba người đàn ông cùng giật mình, cùng quay lại nhìn anh ngơ ngác. Đọt cố nhoẻn nụ cười thân thiện. Nhưng đáp lại, cả ba gã kia đều vội vã quay đi. Đọt múc nước đổ vào xô, rửa mặt, moi mũi, moi tai rất kỹ. Anh cố làm chậm để suy nghĩ. Nhưng bất ngờ ba tiếng kẻng vang lên. Đọt giật mình. đổ nước, quay vội về phòng lấy bát đũa lật đật chạy đến nhà ăn.

Ở đó, có tất cả mười hai người đứng làm hai hàng quay mặt vào hai chiếc bàn được nối dài liền vào nhau. Trước mặt mỗi người là một bát mì sợi. Đọt thấy mình bị hớ khi cầm theo bát đũa. Anh đang lúng túng chưa biết đứng vào đâu thì cô gái lúc nãy đã bước đến : " Của chú đằng này... " . Đọt quay lại. ở góc nhà, có một chiếc bàn vuông. Chỗ đó chỉ có một bát mì. Cũng chẳng có gì khác hơn. Loại mì sợi nấu trong nồi nước có chút mỡ hoá học, rắc lên vài đọt lá hành tăm. Không có thêm thịt thà gì. Dân kháng chiến gọi thứ mì nước này là mì " không người lái ". Nhưng ở bàn riêng của Đọt có ưu tiên thêm bát nước chấm trộn ớt tươi.

Rõ ràng mình được đối xử khác. Đọt vừa húp mì vừa nghĩ vậy. Mọi người đều ăn rất nhanh. Tuyệt nhiên không có tiếng thầm thì nào. Rồi tất cả cùng đứng lên, lặng lẽ đi về. Chỉ một lát sau , tốp người ở nhà bên lục tục ra đi. Họ xếp hàng, vai vác cuốc hoặc rựa, vẫn những bộ áo quần màu tro nhạt đó, họ tiến thẳng ra phía vùng đất bằng phẳng gần chân lèn đá. Không ai gọi Đọt. Anh đảo mắt nhìn toàn bộ khung cảnh thung lũng. Mây nặng trĩu trùm lên các đỉnh đèo. Còn giữa thung lũng thì pha mù thành mưa, lá cây mọng nước, gió thổi se se lạnh.

Có lẽ phải chờ đến gần nửa buổi sáng, không gian mới quang đãng hơn, cảnh vật hiện ra đẹp như một bức tranh thuỷ mạc. Tuy nhiên lòng anh vẫn không thấy vui thêm chút nào. Cái câu hỏi mơ hồ trong đầu Đọt cứ lảng vảng không sao xua tan được.

Một thượng sĩ ôm trong tay chiếc xắc- cốt bước vào. Anh ta rút ra một tờ giấy :

- Ông Phạm Đọt! Yêu cầu ông khai vào đây !

- Khai cái gì ?

- Đọc vào mẫu thì biết. Mà có biết đọc không ?

Hỗn xược ! Suýt nữa Đọt buột miệng chưởi. Anh cố ghìm lại :

- Tôi muốn gặp đồng chí chỉ huy .

Ngươì chiến sĩ nheo mắt :

- Cái gì ?

- Chỉ huy các anh đâu, điếc hả ?

- Này... láo thế hả ? Anh ta đã có vẻ điên tiết. Nhưng Đọt còn điên hơn.

- Chính cậu mới là láo đấy. Thứ nhất tôi đáng bậc cha chú của cậu. Có khi nào cậu nói chuyện với cha mình như thế không ? Các cậu là thanh niên miền bắc, được nuôi dạy trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, thế có biết cái câu tiên học lễ, hậu học văn là thế nào không ?

- Này này...

- Này này cái gì. Thứ hai, tao là một huyện uỷ viên, trưởng một ban đảng của huyện uỷ, chí ít cũng ngang cấp với một tiểu đoàn trưởng quân đội. Cậu đã học lễ tiết quân nhân chưa ?

Cậu thượng sĩ trìa môi :

- Giỏi nhỉ. Thế ông có biết hiện giờ ông là gì không ?

- Không biết. Vì thế tao mới cần gặp chỉ huy các cậu để hỏi cho rõ...

- Này, để tôi nói cho nhé...

- Im ngay ! Tao không nghe loại như mày nói. Đừng có trợn mắt lên thế. Mày có biết bọn Mỹ đã trợn mắt lên gấp một trăm lần như thế với tao chưa ? Mà mày thì biết cái đếch gì là Mỹ với Nguỵ. Đã biết bắn súng chưa chú mày, khi nào rỗi việc, tao dạy cho. Mày có biết thế nào là một thằng lính ở mặt trận đường Chín- Khe Sanh đã đánh nhau bảy mươi mốt trận lớn nhỏ chưa ? Đi ra đi, gọi chỉ huy vào đây !

Đọt nói một thôi một hồi như xả hết nỗi ấm ức trong bụng ra, rồi anh mặc kệ cậu thượng sĩ, vật mình nằm ngửa ra trên giường, hai mắt nhắm lại. Đọt thầm đếm trong đầu : một, hai, ba. Anh chờ một cú đấm vào mặt. Nhưng không thấy. Anh mở mắt nhìn. Người thượng sĩ đã đi ra khỏi sân hướng về nhà chỉ huy .

Một lúc sau, từ trong phòng trực ban, một cán bộ bước ra. Đọt đoán chắc là cán bộ vì anh đã có tuổi, có lẽ trên bốn mươi, mặt gầy, mắt sâu, bước đi chậm. Người ấy không đeo quân hàm, cũng không mặc áo màu vàng. Anh khoác chiếc áo bông bộ đội bốn túi.

- Chào anh Đọt. Tôi là Việt.

- Chào anh Việt, tôi là Đọt...

Người cán bộ bật cười : - Tất nhiên rồi... Anh bảo gặp tôi phải không?

- Phải.

- Anh cần nói chuyện riêng ?

- Không. Tôi cần hỏi. Vì sao tôi lại bị thế này ?

Người có tên là Việt hấp háy đôi mắt :

- Anh bị làm sao ?

- Còn làm sao nữa. Tại sao tôi lại phải ở tù ? Ai xử án tôi thế ?

- Ai bảo anh ở tù. Chúng tôi đối xử với anh như một tên tù à ?

- Không. Nhưng cũng gần đúng. Mà này, các anh diễn trò với tôi cứ như phỉnh con nít ấy. ở đây là cái gì ? Cái đám mặc áo quần đồng bộ màu tro xám kia là gì ? Các anh không trói tôi, cửa buồng ngủ cũng không khoá ngoài, có vẻ tôi được tự do nhỉ. Lại còn cho một bàn riêng để ăn mì, cứ như là khách quý ấy. Đọt thở dài một tiếng rõ to rồi nói tiếp- Các đồng chí có biết bọn Mỹ đã giở trò như thế nào với tôi không ? Từ Đông Hà vào Phú Bài rồi vô tận Đà Nẵng, nó đánh thì quá hơn đánh con chó, rồi nó lại dỗ như dỗ con. Rồi thằng quận trưởng Cam Lộ nữa, tiếp đón tôi còn hơn tiếp bố nó ấy... Kẻ thù là thế... Ai dè thoát được, về với đồng chí mình, lại được đối xử còn khó chịu hơn cả chúng nó...

Người cán bộ gầy yếu lặng lẽ nhìn Đọt, kiên nhẫn lắng nghe, không to rõ bất kỳ một sự phản ứng nào. Đọt nói xong, nhìn chiếu tướng vào chủ nhà, vẻ thách thức .

- Tóm lại, các anh đang nghĩ tôi là người thế nào, nói toạc móng heo ra đi. ít nhất tôi phải được biết mình hiện tại ra sao để mà tự xác định, nếu không các anh đừng có trách tôi là kẻ không biết điều.

Người cán bộ tên là Việt gật mạnh đầu :

- Thôi được, anh cần biết thì tôi thẳng thắn cho anh biết. Đây là một trạm thu dung chứ không phải trại tù. Nhưng số anh em kia là những người chịu kỷ luật, cũng gần như tù. Trong số đó, tám người là đào ngũ, bỏ trốn nhiệm vụ. Một cậu thì ăn trộm gà của dân, ăn trộm đến sáu lần, vật chất thì không đáng kể nhưng lại tổn hại quá lớn đến danh dự quân đội. Chúng tôi điều tra thì mới biết, anh ta cố tình làm vậy để chịu kỷ luật, khỏi ra mặt trận. Còn ba cậu khác thì can tội đánh lộn nhau, đánh cả phụ nữ nữa, cũng may phát hiện kịp chứ nếu không chúng nó đã dính vào tội hiếp dâm rồi...

- Thế đây... tôi được vinh dự đứng bên cạnh các hảo hán ấy đấy...

- Anh khác. Để tôi đọc nguyên văn điện của trong đó gửi ra cho anh nghe nhé, tôi cũng chẳng có gì phải dấu... Bức điện ấy ghi thế này... Anh Phạm Đọt, nguyên cán bộ chủ chốt của huyện uỷ Cam Lộ, từng được mệnh danh là " gấu xám "đường Chín. Chiến đấu dũng cảm, bị địch bắt, mất liên lạc nhiều tháng, sau đó lại được trả về sống ở gia định. Có nhiều thông tin cho rằng đã chiêu hồi. Sau đó, tự trốn ra. Cần tìm hiểu, xác minh thật chính xác. Cần đối xử tốt, chân tình...

- Hết à ?

- Hết.

- Hay quá nhỉ ?

- Anh bảo hay cái gì ?

- Hay ở câu tìm hiểu, xác minh chính xác ấy... ở đây, ai sẽ xác minh chính xác cho tôi đây ?

- Thế đấy, mọi việc đều không dễ dàng chút nào...

Đọt quắc mắt lên :

- Không phải là không dễ dàng mà là không thể được, không bao giờ xác minh được. Chí có tôi với bọn Mỹ, không có bạn tù, không có cơ sở nội gián, vậy thì, các đồng chí tìm hiểu ai ? Xác minh chỗ nào ?

Việt cũng căng mắt ra :

- Thì thế mới bế tắc. Chẳng lẽ anh bảo cách mạng cứ tin đại vào lời khai rất hùng hồn của anh ? Nếu anh là tổ chức anh phải làm thế nào?

- Nếu tôi là tổ chức ư ? Thì tôi đếch cần nghe ai khai. Tôi cứ nhìn vào thực tế. Tôi bị bắt giam bốn tháng, lại thả về sống giữa làng xã gần bốn tháng nữa là tám, trong tay tôi có mấy chục cơ sở ở trong các xã, trong đầu tôi có hàng chục khu căn cứ của huyện uỷ, tỉnh uỷ, của bộ đội chủ lực địa phương. Cứ nhìn xem một năm ấy, có cơ sở nào vỡ không ? Có cứ nào lộ không ? Các người đui cả hay sao, hay cố tình nhắm mắt lại ?...

Giọng nói của Đọt run run, hơi thở sùng sục. Rõ ràng anh đang rất kích động. Việt thầm nhận xét, một kẻ giả mạo khó mà đóng kịch được như vậy. Hơn nữa, cái lý của anh ta thật sự đáng phải suy nghĩ...

Là nói đáng phải suy nghĩ thôi, chứ không thể cắn cứ vào mấy lời nói hừng hực căm tức ấy mà kết luận được. Điều duy nhất mà Việt, người cán bộ lớn tuổi nhất trạm này có thể làm, là dặn dò anh em cán bộ trong trạm phải đối xử tốt hơn với Đọt, nếu có thể chăm sóc được thêm chút gì thì nên chăm sóc. Cũng không cần thiết phải cặn vặn thêm người ta làm gì. Việc cần làm lúc này là tìm mọi cách nối liên lạc được với các tổ chức ở trong chiến trường Quảng Trị để xác minh.

Thế là từ hôm ấy, Phạm Đọt nghiễm nhiên trở thành vị khách quý bất đắc dĩ. Anh sống trong trạng thái nửa chìm nửa nổi ấy đến nay vừa trọn ba tháng cuối cùng của cái năm đại hạn này.

Quá rỗi rãi thời gian nên sinh ra nghĩ ngợi lẫn thẫn. Đọt nhẩm tính một mình. Cái năm 1967 này, một phần ba năm ở tù của Mỹ, một phần ba năm ở tù giữa làng, còn phần ba nữa là ở tù Cộng sản ! Cái năm chi lạ thế này... Hai cái đận tù kia đương nhiên là đau đớn hơn, khổ ải hơn, nhưng mọi sự là rõ ràng. Người đời vẫn hay nói, thất thế kiến tha bò. Anh đã thất thế, thì anh cũng hiểu rõ thế thời để tự điều chỉnh. Còn lúc này, tù chẳng ra tù, mà lại tù, nhàn nhã cái thân chừng nào thì lại cực nhục trong lòng chừng đó. Sau cái mắng mỏ không thương tiếc cậu thượng sĩ ấy, chẳng còn ai thèm nói chuyện với anh. Muốn chưởi bới cũng không có người để chưởi. Ba tháng chín chục ngày như vậy chứ có phải một hai buổi gì. Đọt gần như phát điên lên.

Trong toàn bộ khu trạm thu dung này, có một người thỉnh thoảng còn để mắt đến Đọt. Đó là cô gái vừa nấu ăn, vừa phục vụ. Sau nhiều lần chào hỏi, Đọt mới biết tên cô là Dung, người Quảng Bình. Mặc dù Quảng Bình với Quảng Trị là hai tỉnh khác nhau, nhưng nằm trong hoàn cảnh ở đây, cũng có thể tạm coi là đồng hương. Hơn nữa, bố của Dung vốn là sĩ quan Công an vũ trang cũng đã được điều động tăng cường làm cán bộ chính trị ở mặt trận Quảng Trị. Không biết cụ thể ở chỗ nào. Thâm tâm Dung rất muốn lân la hỏi chuyện Đọt. Không ngờ cái duyên cớ trời sắp đặt ấy đã được Đọt khai thác triệt để. Còn có ai giỏi hơn anh trong việc gây dựng, chắp nối cơ sở. Qua Dung, khi vô tình, khi cố ý, Đọt đã biết rõ chỗ này là đất huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Cụ thể hơn chút nữa, ra khỏi thung lũng này là gặp ngay một trục đường vào khu sơ tán của nhân dân Vĩnh Linh. Ở đó, người ta mới dựng lên một trường cấp III. Năm nay là năm học đầu tiên của các cháu.

Trống ngực Đọt đập thịch thình . Một " phương án tác chiến " vụt hiện ra. Nhưng anh vốn là người cực kỳ bản lĩnh, có thể bộp chộp, bốp chát trong tính tình hoặc nói năng, nhưng với các kiều " phương án tác chiến " thì vô cùng kín đáo và thận trọng. Đọt vẫn giả vờ gật gù, giả vờ hỏi tránh qua chuyện khác, không để lộ chút nào về sự quan tâm của mình. Cho đến một ngày, tự cảm thấy chắc ăn. Đọt quyết định đột phá.

Đó là lúc Dung đi thẳng đến phòng ngủ của anh :

- Chú thay áo quần, cháu giặt cho.

- Chết chết, ai lại thế ! ...

- Là sao ?

- O giúp tôi thì tôi biết ơn. Nhưng thủ trưởng sẽ trị tội o đấy...

- Là chú Việt bảo cháu giúp chú.

- Anh Việt ? Tại sao anh ấy lại cho giúp nhỉ ? Đọt vừa thay áo vừa hỏi. Dung nói - Chú ấy bảo, đúng sai rồi tổ chức sẽ xác minh, nhưng anh ấy là người đã chịu nhiều cực khổ, là loại vào sống ra chết, mình không nên bạc đãi. Nếu sau này xác định có tội thì anh ta sẽ phải chịu tội...

Đọt ném cái áo xuống đất rồi ngồi phịch xuống giường :

- Này, chú hỏi thiệt nghe. Vậy, cháu có tin chú không ?

Dung mở tròn hai mắt nhìn Đọt :

- Cháu a ? Cháu thì làm sao biết được.

- Chú có bảo cháu biết hay xác minh gì cho chú đâu, chỉ hỏi trong lòng cháu có tin chú không thôi...

Dung trở nên lúng túng :

- Cháu... cháu không biết... Chú thay cả quần dài đi.

Đọt thở hắt một cái, cởi quần dài vứt nốt xuống đất. Trong lúc Dung thu dọn, anh tranh thủ mặc bộ áo quần khác vào. Đây là bộ quần áo mà trạm đã cấp cho anh. Không phải áo quần bà ba màu tro xám mà là một bộ quân phục cũ, vải Tô châu. Khi Dung chuẩn bị bước ra cửa, Đọt gọi giật một tiếng :

- Này... thế anh Việt có cấm o nghe tôi nói chuyện không ?

- Đâu có.

- Vậy, tôi muốn nói chuyện với o, o có chịu nghe không ?

- Nhưng mà chuyện gì ạ ?

- Chuyện chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị...

- Ôi cháu thích lắm... Sắc mặt Dung vừa rạng lên lại xìu xuống - Nhưng mà cháu chỉ nghe cho biết thôi, chứ cháu chẳng giúp gì được chú đâu...

Đọt phì cười : " Chẳng lẽ tôi lại đi nhờ o giúp à ? " "Vậy thì chú cần cháu nghe mà làm gì " Đọt ngừng lại, thở dài một tiếng : " O có khi nào sống gần một người câm không ? O có biết được nỗi khổ tâm của con người khi không nói được cho đồng loại nghe không ? Tôi đang là người như thế đó..." Dung chớp chớp mắt, có lẽ có cái gì đó trong khoé mắt cô đang muốn trào ra. Dung khép vội mắt xuống, cúi đầu, ôm đống áo quần chạy đi...

Chiều hôm đó, sau khi ăn cơm về chừng nửa tiếng, Đọt thấy Dung đi thẳng lên nhà chỉ huy. Cô gặp Việt ngay ở hiên nhà. Họ nói với nhau gì đó khoảng vài ba phút. Sau đó, Việt đánh mắt nhìn qua phòng của Đọt rồi quay lưng vào. Còn Dung thì tung tẩy đi qua. Đọt hiểu, cô ấy đã trực tiếp xin phép cấp trên. Thiệt là tội nghiệp. Nhưng thôi, thế cũng đã may lắm rồi.

Họ cùng ngồi ở hiên nhà trên chiếc ghế băng dài, ngoảnh mặt nhìn ra sân. Đọt có ý chuẩn bị từ trước nên anh kể rất mạch lạc. Câu chuyện vừa chân thực, vừa ly kỳ, từ ngày đầu thơ trẻ ở Cam Tuyền cho đến khi vào rừng theo du kích, rồi cùng người yêu vượt tuyến ra bắc, lại trở vào chiến trường hoạt động. Đọt đặc biệt kể khá chi tiết trận đánh đồi Mù U, nơi gần một trăm chiến sĩ bị bọn Mỹ gom xác lại đốt... Một cô gái trẻ như Dung làm sao mà hình dung được, làm sao mà cầm lòng nổi. Đầu Dung cứ cúi dần, mũi cô nhiều lần sụt sịt... Trời nhá nhem rồi tối hẳn. Đọt đưa cây đèn dầu ra hiên. ánh sáng dầu không đủ soi sáng hai con người. Họ chìm nghỉm vào bóng tối thung lũng. Nhưng câu chuyện chiến trường, chuyện về những thân phận con người thì không hề chìm xuống, nó cứ rì rào tuôn chảy, cứ sôi lên với bao nỗi niềm...

Đọt kể đến đoạn ra bị đưa ra giam ở Vĩnh Linh ba ngày, và phải chờ đến giây phút cuối cùng, biết rằng không còn bấu vào ai được nữa mới nhắn tin cho Li, Dung cáu kỉnh kêu lên :

- Sao chú kỳ thế ? Ngốc nữa...

- Đúng... Chú thật là ngốc... Nhưng lúc đó, thật sự chú hơi tự ái...

Dung quệt ngang tay áo lên mặt, có vẻ như lau nước mắt, giọng cô đầy cương quyết.

- Chú yên tâm, cháu sẽ tìm cách nhắn tin cho thím ấy...

Như vậy cờ đã vào thế. Đọt vội xích người lại gần hơn :

- Không cần... Nếu cháu thật sự giúp chú thì... có thể tìm một người ở gần hơn, chú đoán là sát ngay đây thôi.

- Ai thế ?

- Con chú. Nó đã lên cấp ba được một năm. Theo như cháu kể, thì chắc chắn nó đang học ở ngôi trường sơ tán ấy...

Dung " à " lên một tiếng rồi gật mạnh đầu : " cháu hiểu ! ".

l

Có thể nói cuộc đời của anh đã trải qua không biết bao nhiêu phen phải chờ đợi, nhưng có lẽ chưa từng có cuộc chờ nào khiến Đọt thấp thỏm, nôn nao từng giờ như lần này. Kể cả những ngày ở trong ấp Quách Xá chờ tin giải cứu của Khảm cũng không thể so sánh được. Những lần ấy, dù đang ở trong cạm bẫy hiểm nguy, nhưng Đọt biết chắc là vẫn có đồng đội bên cạnh, anh tin một cách sắt đá rằng, từng ngày vẫn có những con mắt rõi theo từng cử động của anh. Hơn nữa, bên cạnh còn có Lương, ai nghĩ gì mặc họ, riêng với anh, Lương vẫn là một đồng chí, một người bạn thuỷ chung và tin cậy. Còn bây giờ, anh cô đơn như một nhành cây khô lạc loài đang bị con suối cuốn ra sông, sông lại đẩy ra cửa biển. Bến bờ ngày một rộng ra, rừng xưa ngày một xa vời, một chút nữa thôi là sẽ chơ vơ giữa biển cả. Đến đó coi như chấm hết. Anh chờ đợi một sự xuất hiện của con gái anh, mà không phải con anh, thậm chí không chắc đã còn nhớ anh, còn có thể nhận ra khuôn mặt anh. Lại chỉ là một đứa trẻ, vừa vô tư, vừa ngại ngùng, lại đang học hành nữa. Đã chắc chi nó quan tâm đến con người như anh, lại là một kẻ đang đầy rắc rối, biết đâu sẽ làm hại đời nó... Đọt vừa hy vọng lại vừa tự đặt ra các giả thiét. Nếu nó là đứa vô tâm thì chắc sẽ chẳng xúc động chút nào trước cảnh ngộ của anh. Nhưng nếu nó là kẻ sâu sắc, nhạy cảm, thì biết đâu lại suy tính, tìm đến anh có lợi hay hại ? Cả hai đường đều thật sự tuyệt vọng đối với anh. Nhưng Đọt vẫn thấp thõm chờ đợi, bởi không chờ vào nó còn biết bấu víu vào đâu. Anh như kẻ đã đắm thuyền giữa biển, đã cạn kiệt sức lực và niềm tin, chút ảo giác chập chờn này khác chi cánh buồm trong mơ, Đọt không muốn mở mắt ra vì sợ mất nó...

Đọt cứ nằm thẳng đuỗn trên giường, mặc dù không sao ngủ ngày được. Anh nhắm nghiền mắt lại, cố gắng níu kéo giấc mơ, mà đâu phải là mơ, chẳng qua anh cố tưởng tượng ra cái giấc mơ đó. Cố gắng ghìm lòng không mở mắt ra, mặc dầu anh nghe rõ tiếng những bước chân lép xép, lật đật từ ngoai sân rồi loạc roạc trên thềm nhà. Vẫn không mở mắt. Đọt quá lo sợ mọi thứ sẽ tan biến trong phút giây...

- Cái gì thế này, chú vẫn ngủ được hả trời !

Đọt đã nhận ra tiếng cô Dung. Nhưng anh vẫn không chịu mở mắt. Một cái xô rất mạnh vào mạng sườn: - Này, dậy mà coi ai đây này ! Đọt nghe lạnh cả người. Nhưng anh vẫn cố kiên nhẫn. Anh khẽ động đậy phần mi, cố mở thật từ từ, quay cổ lại từ từ, rồi từ từ mở hẳn đôi mắt. Trời ơi, đây rồi ! Thật rồi , Con !

Đọt ngồi vọt dậy, mồm há to, nhưng câm lặng. Còn Linh thì vẫn đứng im, mắt ráo hoảnh vẫn không chớp. Dung lặng lẽ đi ra ngoài ...

Cổ họng của Đọt bất ngờ khô khốc lại :

- Con ngồi xuống đi ...

Linh không nói gì, lặng lẽ ngồi xuống . Đôi mắt nó vẫn không rời quan sát toàn thân Đọt. Anh gượng cười :- Không sao đâu con ạ ! ... Còn con thế nào, ra đây vẫn học giỏi chứ ? Linh gật đầu. - Mẹ con có gửi thư ra không ? Nó lắc đầu. - Thời chiến nó khổ thế đấy, mọi thứ đều trắc trở...Nó không hỏi thăm anh. Không biểu hiện một cảm xúc nào cả. Không biết cô Dung đã kể gì với nó chưa? Đọt thử thăm dò :

- Cô Dung bảo con đến đây hả ? Cô ấy kể gì với con ?...

Linh lắc nhẹ đầu, rồi nói :

-Cô bảo có bố ở đây.

- Thế thôi à ? Linh gật đầu. Đọt thở dài một cái, rồi con người anh trở lại cái bản tính vốn có- Bố muốn nhắn con đến, trước là để thăm con. Sau nữa, bố muốn nói với con một sự thật. Bố thấy cần phải nói vì sợ sau này không còn cơ hội nữa...

Đôi mắt đang mở tròn của Linh chợt khép lại :

- Bố định nói về ba mẹ đẻ của con phải không ?

- Sao ? Con biết rồi à ?

-Bố đừng nói chuyện đó nữa... Con muốn bố kể xem, bố đang gặp chuyện gì ? Vì sao bố lại ra nông nỗi này ?

Đọt cố vươn người dậy, cố dướn cao :

- Bố có làm sao đâu. Bố vẫn...

- Thôi đi bố. Con đã bước qua tuổi mười sáu rồi, con biết phải làm gì giúp bố ! Bố hãy nói đi, con phải làm gì ?

Đọt chùng người xuống, giọng anh cũng khẽ lại :

- Thế nghĩa là... cô Dung đã kể cho con nghe rồi ?

- Sơ sơ thôi...

- Bây gìơ con muốn bố kể lại tỷ mỷ ?

Linh quờ tay vén mái tóc ra phía sau, giọng gãy gọn :

- Thôi, để khi khác. Giờ bố hãy bảo việc cần làm.

- Nhưng như thế thì làm sao để con tin bố ?

- Con tin. Ai nghĩ thế nào kệ họ. Con tin là được. Bố hãy nói đi, việc đầu tiên con cần phải làm là gì ?

- Hãy báo gấp cho mẹ con, là bố nói mẹ Li ấy... Mà, con có tin mẹ Li không ?

Linh không nói gì chỉ lặng lẽ gật đầu.

Buổi gặp diễn ra rất mau lẹ. Linh ra về ngay. Còn cô Dung thì rất ngạc nhiên. Cô trở vào nhìn chằm chằm vào Đọt- Bố con bao nhiêu ngày mới gặp nhau mà chỉ loáng thoáng thế thôi ư ? Đọt cười- Thế thôi, bố con nhà lính mà ! Rồi anh nhoẻn miệng cười thật tươi :

- Cảm ơn cô Dung nhiều lắm. Sau này thế nào tôi cũng tạ ơn ...

Chưa bao giờ Dung thấy Đọt cười tươi như lúc ấy.







l





Cái tin tôi hy sinh khiến chị chết sững đi cả một ngày. Hình như hôm ấy có cuộc họp gì đó quan trọng bên khu uỷ. Li nhắn qua báo cáo ốm. Chị lặng lẽ chui vào hầm, nằm vật xuống ván. Chị không khóc, đương nhiên rồi, vì tôi với chị xét cho cùng cũng chẳng có quan hệ gì gọi là ruột rà thân thích cả .Chị cũng không thắp hương, vì trong nhà chị không có hương, không có cả bàn thờ. Ngày đó ở Vĩnh Linh, rất ít nhà còn bàn thờ. Cuộc sống đã chuyển xuống căn hầm chữ A, bàn thờ không còn chỗ đặt. Cái quan trọng hơn là suốt hàng chục năm được giaó dục nếp nghĩ duy vật, người ta đã quên dần những lệ tục mang tính tâm linh. Hương khói nói chung thì vẫn còn, nhưng chỉ thắp khi có người hy sinh, thắp tập thể tại nơi họ chết hoặc nơi chôn cất. Hương có sẵn ở các cửa hàng Hợp tác xã mua bán, khi cần thì dân quân hoặc cán bộ đoàn thể ra mua chung. Ở một vài nhà dân cũng có ít nắm để dành. Nhưng loại nhà cán bộ khu uỷ như Li thì không bao giờ có.

Một tuần sau đó, Li sống câm lặng trong một trạng thái u tịch. Chị không lên lửa nấu cơm. Có lúc ăn lương khô. Có lúc vật vờ qua nhà vài người dân ở cạnh, nhón củ sắn, củ khoai gì đó bỏ vào mồm nhai cho qua bữa. Ngày vẫn gượng đến cơ quan hoặc đi cơ sở, chưa tối đã chiu vào hầm nằm . Nằm nhưng không ngủ. Có đêm không ngủ lấy một giờ. Không hiểu sao, chỉ với cái chết bất ngờ của một người bạn như tôi lại khiến Li suy sụp như vậy ? Chính bản thân Li lúc đầu cũng không tự giải thích được tâm trạng của mình. Đương nhiên cái chết không hề làm chị sợ. Cái chết của tôi cũng không phải là tổn thất quá nặng nề đối với cuộc đời chị. Không có cái gì rõ ràng cả. Vậy thì vì sao ?

Nhưng rồi từng đêm, từng đêm qua đi, Li bắt đầu hiểu. Sự mất đi của tôi như một lỗ thủng bất ngờ hiện ra trên cái máng nước cuộc đời mà Li đã dày công tạo dựng lên với một quyết tâm sắt đá là bắt dòng chảy kia phải về đến đích. Cái lỗ hỏng tạo ra vùng xoáy. Thế là cả một quá khứ cuộn lên, xáo trộn. Li bắt gặp lại từng quãng đời mình, cái ngày thơ ngây khao khát sống, cái ngày cực nhọc, ê chề nhưng quyết vùng vẫy để vượt qua, rồi cái khi uất ức, phẫn chí, cái khi cắn răng nhấn chìm bao dục vọng để nín thở vượt lên, trở nên một cán bộ mẫu mực, một người phụ nữ sắt đá... Không phải lúc nào Li cũng hãnh diện với con đưòng đi của mình. Thực lòng, đã không ít lần chị giật mình nhận ra mình không còn là mình nữa. Đôi khi những câu hỏi đại loại kiểu này đã vụt hiện ra. Tại sao lại thế? Sao mình lại trở nên ích kỷ, độc ác vậy ? Mình cứ lao theo đà này rồi sẽ đến đâu?... Tuy nhiên, những câu hỏi phản tỉnh ấy cũng chỉ lóe lên như một ánh chớp xa mờ trên nguồn xanh hoặc dưới chân biển, nó không đủ tạo nên tiếng sét thức tỉnh người chị...

Cái chết của tôi, vội vàng quá, bất ngờ quá, khiến Li chợt nhận ra một điều, cái chết luôn luôn quanh quẩn đâu đó, có thể bất chợt hiện ra và cướp đi bất cứ người nào... Người để mình căm ghét cả đời, cũng sẽ chết, mà chết rồi còn căm ghét họ làm sao được. Người mình muốn trả thù, chết rồi, sự trả thù khác chi đấm tay vào khoảng trống. Người cho mình nương tựa, chết rồi, cột tựa gãy, mình sẽ nương vào đâu. Người để ta thương, ta trọng, ta hàm ơn, chết đi, mình có khóc lóc ân hận cũng chỉ mình mình biết. Và rồi đến lượt mình, cái chết có thể chụp cổ lôi đi bất cứ lúc nào, có khi mình đang ngủ ngon giấc sau một ngày thuyết giáo những điều cao cả ở một diễn đàn nào đó... Mình chết rồi, sự sống xung quanh vẫn thế, lại có kẻ khác nhảy lên cái bục hôm qua mình vừa đứng, biết đâu giọng nói người ấy còn vang vọng hơn cả mình?...

Một tuần lễ trôi qua, Li như con tằm lột xác, hoảng sợ nhìn lại vỏ kén của mình. Chị cương quyết không chịu trở lại trong chính căn hầm của mình nữa. Chị tìm qua hầm Cúc, một cán bộ trẻ mới bổ sung vào Thường vụ Hội. Ban ngày, Li đi khắp nơi, có việc đã đành, không việc, chị cũng la cà hết chỗ này qua chỗ nọ. Tối đến, Li ôm Cúc nằm chung trên một mảnh ván. Lúc đầu, Cúc hơi bị lúng túng trước cử chỉ quá bình dân của thủ trưởng. Đối với lớp cán bộ nữ trẻ ở vùng này, Li lúc nào cũng là một thần tượng, họ vừa tôn sùng, vừa nể sợ, rất tin cậy nhưng không bao giờ dám sàm sỡ, đến quá gần. Thế mà giờ đây, người cán bộ thượng cấp đầy uy lực đấy lại ôm ghì bụng cô cùng nằm úp bát, lại còn rầm rì nói chuyện, thậm chí còn khúc khích kể cái chuyện đàn ông đàn bà... Thực lòng thì Cúc rất muốn nghe. Vừa thích lại vừa ngại, vừa sợ. Ai dè, chị ấy lại thế, đôi khi mấy cái từ ấy, mấy cái tên gọi loại " của bí mật " ấy cũng bật ra ở miệng chị giòn tan, không chút ngượng ngập... Rồi bàn tay chị ta nữa, hôm đầu ôm ngang eo, nửa đêm nắn nắn vào bụng. Đêm sau thì lần lần lên ngực. Cúc là thiếu nữ nhà quê, chưa từng có tay ai đụng vào ngực. Mặt cô cứ đỏ lựng lên trong đêm khi bàn tay Li chạm vào ngực. Tuy nhiên, cái trò này dễ quen, đến mức, lúc Li ngủ quên rồi, Cúc lại muốn cựa quậy cho tỉnh dậy để bàn tay thượng cấp lại ngọ nguậy... Sau dăm đêm, Li đã lần tay vào trong lớp áo, cạy cả cóoc - sê của Cúc ra rồi ốp tay lên bầu vú nó, cứ để nguyên vậy ngủ.

Những cơn lũ đầu mùa, lũ giữa mùa, rồi cuối mùa đã rút hết. Đường, phà đều đã thông. Bom đạn Mỹ thì chẳng nói làm gì, nó cứ ném bất thùng chi thình, tắc đường đó lại thông ngay đó, sức mấy mà hẹn hò chờ đợi. Thế mà chuyến đi ra bắc của Hội phụ nữ vẫn chưa xuất phát được. Lý do chủ yếu là vì họp. Cả chiến trường miền nam đang vào mùa khô. Cả nước đang dốc sức cho một cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt. Thế nên họp liên tục. Cứ nán chờ xong cuộc này thì lại đột xuất triệu tập cuộc khác. Một nhân vật quan trọng như Li khó mà chạy thoát các cuộc họp quan trọng đó. Và thực ra, chính chị cũng chưa đủ nghị lực tự mình nhổ bật ra khỏi các diễn đàn trọng đại ấy... Tuy nhiên, gần đến tết dương lịch, Li đã hạ một quyết tâm sắt đá. Thôi, dẹp hết, lên đường !

Thì con Linh xuất hiện.

Li thật sự sững sốt không sao ngờ được con Linh lại có mặt lúc này, thậm chí còn không nhận ra khuôn mặt nó nữa. Nó đứng giữa lòng đường hào, áo quần nhàu nhò bụi đất, tóc cong quăn lại vì bụi, mắt sâu hoắm, thâm bầm... Chị kêu lên :

- Làm sao vậy con ? Có chuyện gì vậy ?

Vẻ mặt Linh thật nghiêm trọng :

- Con mệt quá ! Có nước rửa không mẹ ?

- Chết cha rồi... mấy hôm nay mẹ bận quá, thôi, để mẹ chạy xin cho một xô...

- Thôi khỏi, con lên thẳng khe mội, phải tắm chứ rửa ráy thì chỉ thêm bầy hầy ra thôi.

Nó quẳng vội mấy thứ xuống giữa chiếc bàn đầy bụi bặm rồi chạy đi.

Li vừa dọn dẹp giúp con vừa thầm phán đoán xem vì lẽ gì nó về. Chẳng lẽ nó chán học. Không thể nào. Nó là đứa học giỏi toàn diện, không thể bỗng dưng mà chán bỏ học. Hay vớ vẩn thế nào rồi bị đuổi ? Càng không đúng. Nó là đứa con gái rất cứng rắn, thậm chí còn coi là quá chững chạc già trước tuổi. Vả lại, nếu có chuyện gì đó sơ sẩy, nhà trường còn phải nghĩ đến chị chứ !

Một vài chị hàng xóm cũng đã chạy qua. Họ hỏi chuyện láo nháo như họp chợ. Hỏi lý do nó về thì ít, hỏi thăm tin tức con em họ ở ngoài đó thì nhiều. Nhưng con Linh đi tắm rồi, có ai mà hỏi. Họ quay lại giúp Li nấu cơm, thịt gà, luộc rau... Có lẽ phải đến gần một tiếng đồng hồ sau Linh mới trở lại. Nó nhào vào ăn cơm. ăn dồn ăn dập, không nhìn ai, không nói gì. Chao ôi, con gái đâu mà có kiểu ăn xấu đến vậy. Nhưng chắc là nó đói nhiều bữa rồi. Không nên hỏi nó gì lúc này, cứ cho nó ăn đã. Vả lại, Li còn lạ gì tính con, cái gì nó thấy cần nói là nó nói, chớ dại mà gặng hỏi. Ăn no nê, nó thả bát đũa, chống hai tay ra sau, ngả người thở. Cái dáng ấy mới quá quắt làm sao. Nhưng vẫn không ai nói gì . Tất cả đều nhìn nó thông cảm. Nói tất cả, bởi vì bữa ăn này ngoài mẹ ra, còn thêm cô Cúc, còn có bác Dĩnh hàng xóm... Thế mà nãy giờ Linh hầu như chẳng chút bận tâm. Chỉ đến khi ăn no, ngả người ra thở nó mới nhận ra mọi người .Nó nhăn răng cười- Cháu xin lỗi, cháu chào cô, chào bác ! Thế là cả nhà đồng loạt bò ra cười...

Không khí bỗng trở nên vui vẻ. Chị hàng xóm chớp thời cơ hỏi về con mình. Cúc cũng hỏi thăm đứa cháu. Lại có thêm mấy bác cuối xóm không biết ai báo tin mà đã mò đến kịp thời. Linh lập tức ngồi thẳng dậy. Nó nói một hơi một hồi như bài văn viết sẵn. Theo lời nó, đứa nào cũng khoẻ, cũng vui, học hành tiến bộ, đạo đức tốt. Bà con Tân Kỳ rất đỗi thương yêu chúng nó. Nghe cách diễn thuyết của nó, các bà mẹ, bà dì không lấy gì thoả mãn lắm, vì nó cứ chung chung, đại khái, không rõ ràng mặt mũi con cháu họ đứa nào cả. Tuy nhiên, mọi người vẫn vui, vẫn yên lòng. Dù sao nó vẫn là đứa trẻ học sinh, chẳng thể đòi hỏi gì hơn được.

Bất ngờ, Linh khoát tay :

-Chừ, cháu xin phép các cô, các dì, cháu có chuyện muốn nói riêng với mẹ cháu.

Mọi người hơi ngạc nhiên. Li cũng ngạc nhiên. Không phải ngạc nhiên vì nó có chuyện gì đó quan trọng, mà là vì cung cách và lời nói của Linh, nó đã trở nên người lớn lúc nào rồi, thậm chí, cốt cách ấy còn báo hiệu cho thấy rằng, cô bé mười sáu tuổi này tiềm ẩn một năng lực của kẻ có một quyền lực to lớn sau này.

Linh chui vào hầm trước. Li theo sau. Bên ngoài, Cúc giúp dọn dẹp. Những bà hàng xóm thì tự động ra về.

- Có chuyện gì thế con ? Li lo lắng nhìn nó hỏi.

Li nhìn găm vào mẹ.

- Mẹ có biết tin tức gì về bố không ?

- Ba con? Li hơi hoảng hốt, chẳng lẽ nó đã biết tin ba Khảm mất.

- Con hỏi về bố Đọt kia ?

- À... có biết. Mà này, chẳng lẽ con đã gặp ?

- Bố ở gần chỗ con.

- Có bị giam cầm không ?

- Không giam nhưng... đúng là bị cầm. Cũng may, bố đã nhờ người nhắn tin cho con... Ngừng một lúc, Linh lại quắc mắt lên nhìn Li- Con hỏi thiệt, mẹ có tin bố Đọt không ? là con hỏi, tin vào sự trung thành với cách mạng ấy ?

Không hiểu sao Li lại gật đầu một cách mau lẹ, không chút đắn đo.

- Mẹ tin.

- Vậy thì hãy tìm cách giải oan cho bố đi...

Li xoay xở thế ngồi, có cái gì đó bứt rứt trong người chị :

- Mẹ đã suy tính nhiều rồi mà chưa nghĩ ra cách.

- Sao không tìm cách nhắn tin cho ba Khảm con ?

- Ba Khảm ?.. Li lặng người. Suýt nữa thì chị đã buột mồm nói ra sự thật. Nhưng Li kịp nán lại. Có lẽ khoan nói cho nó biết lúc này ...

Linh vẫn hăm hở :

- Bố Đọt bảo con về nói với mẹ, cố gắng tìm cách báo tin cho ba Khảm. Chỉ có ba Khảm mới bảo lãnh cho bố...

Li cố ra vẻ gật gật đầu để dấu nó, chị nói ngập ngừng :

- Đúng thế..Tuy nhiên mẹ nghĩ ngoài ba Khảm ra còn một người nữa... nhưng chưa biết cách nào tìm gặp được.

- Ai ? Mẹ nói thử xem nào ?

- Bác Sĩ, bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị.

Linh nhăn trán :

- Bác Sĩ là bác nào, mẹ gặp khi nào chưa ?

- Chưa ...

- Thế bây giờ bác ấy ở đâu ?

- Tất nhiên là ở trong chiến trường...

- Thế thì còn nói làm gì. Mười năm nữa chắc gì gặp nổi ông ấy.

Li khẽ thở dài :

- Thực ra, cũng có một cách, nhưng ngại quá.

- Thì mẹ cứ nói thử con nghe nào ?

- Nhờ bác Đào, bí thư khu uỷ. Họ liên lạc với nhau dễ lắm.

Linh kêu to lên :

- Thế sao mẹ không nhờ ? Mẹ lên gặp bác Đào như cơm bữa mà.

Li khẽ nhếch mép cười :

-Gặp là một chuyện, con tưởng dễ mà trình bày những việc thế này với bí thư khu uỷ à ?

Linh trìa dài môi :

- Ôi dào, làm gián điệp phản động gì mà sợ...

- Con không hiểu đâu.

- Con hiểu. Mẹ lúc nào cũng chỉ nghĩ cho mình, sợ thượng cấp chấn chỉnh đúng không ?

-Linh, con ăn nói với mẹ thế à ?

- Lại thế rồi... Thôi được. Con biết phải làm gì rồi.

Nói xong, nó đứng bật dậy, vụt đi ra ngoài. Li vội vã kêu với theo, nhưng không kịp. Chị chỉ còn biết chép miệng than thở " con với cái ... học đâu ra cái tính ấy không biết ".

Nó đi, đi tít mù tăm tăm cả chiều đó. Li vừa bực lại vừa thương. Chị lụi cụi làm cơm. Lại thịt thêm con gà nữa. Nhưng xẩm tối vẫn không thấy Linh về. Chị dọn cơm ra bàn, úp lại, hết đứng lại ngồi, đi vào rồi đi ra. Cuối cùng cáu quá, chị quay vào bàn, ăn một mình. Nhưng không ăn nổi, không nuốt nổi, chị lại bước ra sân, nhìn bao quát ra phía cuối làng, lại nhìn dọc theo các đường hào, vẫn không thấy gì. Buồn quá, Li bỏ vào hầm nằm...

Khoảng tám giờ tối Linh mới về. Nó nhảy ào xuống căn hầm lộ thiên giữa nhà, hét to một tiếng: Mẹ! Li điên tiết, ngồi dựng dậy định quát to "đồ bất hiếu". Nhưng chưa kịp mở mịêng thì nó đã liến thoắng- Xong rồi, dễ ợt. Li lồm cồm chui ra khỏi hầm, nửa hỏi nửa mắng: - Đi đâu mà như trâu sổng chuồng thế ?- Con đi gặp bác Đào? Linh vừa trả lời vừa nhào vào phòng ôm lấy lưng mẹ. Li run lên: - Trời đất ơi, sao mi dám thế hả ? Nó nói - Mẹ kỳ thật, có gì mà không dám. Mình là dân, ông ta là Đảng. Dân có tâm tư, nguyện vọng, không tìm đến Đảng thì còn tìm đến ai. Con gặp bác Đào là nói luôn như thế ! Mẹ có cứ tặc lưỡi, kêu lên- Trời ơi, con với cái ! Nhưng nó cười tươi như hoa - Bác Đào nghe con nói dân với Đảng như thế, bác mở to mắt ra, cười khà khà, rồi bảo: - Mi là con mẹ Li đúng không? Như vậy cũng chỉ là một nửa dân thôi, còn một nửa là Đảng đấy. Thôi được rồi, dân có tâm tư gì thì nói cho Đảng nghe thử coi. Thế là con nói. Lúc đầu con cũng định nói ngắn, nói vắn tắt thôi. Nhưng vắn tắt thì làm sao mà diễn đạt hết ý, đúng không mẹ ! Thế nên con vẫn phải cố vào đề, rồi tường thuật rồi dẫn chứng, chứng minh... Con làm một lèo có lẽ phải hơn một tiếng đồng hồ mới dừng lại. Thế mà bác ấy vẫn ngồi im, kinh không ? Mới nghe Linh kể đến đó, Li đã rên rỉ như đang lên cơn sốt rét : - Chết rồi con ơi, con phạm tội tày đình rồi. Nó bĩu môi : - Có dám vào hang cọp mới bắt được cọp con chứ. Mẹ biết không, thế là bác ta đi qua góc hầm, quay máy điện thoại gặp ngay bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị. Bác ấy nói vắn tắt thôi, không dài dòng như con đâu. Chỉ nói độ năm phút mà lại đủ hết ý, kinh không ? Mẹ có đoán phía đầu giây kia, bí thư Quảng Trị nói gì không ? Tất nhiên là con chẳng nghe được, nhưng con đoán được, là vì con căn cứ vào câu trả lời của bác Đào. - Dạ, đúng như thế, anh bực mình cũng phải thôi, tôi vừa nghe xong cũng bực lắm. Vâng vâng, tôi xin đảm bảo với anh sẽ cho mời bên công an qua hỏi rõ chuỵện này, nhưng xin anh kiểm tra lại trong đó.... Vâng vâng, tôi đồng ý với anh đây là sinh mạng chính trị của một con người chứ đâu ba lơn như thế được. Rồi rồi, chào anh ! Đó, mẹ đoán được không ? Theo con, thế là bố Đọt được cứu rồi. Mẹ tài thiệt, cái đường dây mẹ tính toán đúng là lợi hại... Nó nói liến thoắng như chim, rồi dừng lại thở. Vừa thở vừa cười. Rồi bất ngờ kêu lên : - Con đói quá rồi... bác Đào tệ thật, tiếp khách cả buổi mà chẳng mời khách được miếng gì. Thôi, con phải ăn cái đã...

Nhoáng một cái đã ra hầm giữa, ngồi vào bàn, cúi đầu ăn lấy ăn để. Sao mà tệ thế hở trời, cả đến một câu mời mẹ ăn cơm mà cũng không biết nói ! Tôi thầm oán trách con tôi như vậy.

Nhưng lúc đó, chị không hề bận tâm đến chuyện đó. Chị đang nghĩ về Đọt, lòng khấp khởi mừng thầm vì thấy nhận định của con Linh là rất có lý. ừ, mà sao nó tài thế, mà lanh lợi thế, lại còn gan góc nữa. Li chợt tự hỏi thầm, cái cốt cách ấy là của ai vậy. Rõ ràng nó giống mẹ nó hồi trẻ. Khi còn bằng tuổi nó, Lương đã bộc lộ tư chất của một người đàn bà ý chí và mãnh liệt. Còn Li thực chất chỉ được cái bạo mồm, nhưng lại nhút nhát. Li không dám dấn thân vào bất cứ hoàn cảnh mạo hiểm nào. Li bây giờ, tuy đã trở thành một người phụ nữ hoàn toàn khác xưa, một người đàn bà thép như cách gọi của nhiều kẻ tôn sùng, là họ nói thế thôi, bởi người ta chỉ nhìn được cái vỏ bên ngoài. Còn con người bên trong của chị thì chỉ có riêng chị tự biết, cũng chưa khác mấy ngày xưa, vẫn còn rụt rè, mềm yếu lắm. Li rất sợ người xung quanh nhận ra yếu điểm của mình nên chị thường cố nống lên, lúc nào cũng căng căng, cũng quan trọng. Thật ra, chị qúa lo xa đấy thôi. Người đời không dễ đọc ra được... Ngay cả bản thân tôi, cũng chỉ nhận ra sự thật ấy khi tôi trở thành người âm. Thành người thiên cổ, không vướng bận thể xác, tôi có thể lặn vào bất cứ ngõ ngách kín đáo nào của bất kỳ một ai đó, để biết rành rọt họ đang toan tính những gì. Bây giờ cũng vậy. Tôi biết chị đang buồn. Đáng ra chị phải vui vì tin mừng về Đọt, vui hơn nữa bởi nhận ra rằng đứa con gái mà chị đã dốc lòng nuôi nấng, nay nó tài ba quá, giỏi dang và dũng cảm lắm... Nhưng Li thấy lòng se lại khi khám phá ra rằng, cái cốt cách của con Linh là của mẹ đẻ nó. Càng lớn nó càng giống. Dù mình có cố gắng đến mấy cũng không đồng hoá được. Bỗng dưng có câu hát ru xa vời của mẹ ngày xưa vọng về " Tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn nó quện nhau đi ..." Tôi lo lắng đứng chắn câu ru lại, nhưng tôi cũng bất lực. Lạ thật, ba bốn chục năm rồi, có bao giờ Li nhớ được một câu ru nào đâu...

Không biết có phải vì sự hiển linh của tôi lúc này mà khiến chị chợt nghĩ đến tôi không ? Chị nghĩ một cách dữ dội, một cách quyết liệt. Tôi không sao chống trả được. Rồi chị vùng dậy, xăm xăm bước tới bàn ăn. Lúc này, con linh đã gặm xong chiếc đùi gà, xương vất lổn nhổn trên bàn, nó duỗi thẳng người ra, nó há to miệng, tay xoa xoa vào miệng. Cái cử chỉ thật vô duyên hết mức. Con trai mà thế còn xấu hổ huống là một đứa con gái xinh đẹp như nó.

Li ngồi xuống bên kia bàn, đối diện với Linh. Hai mắt chị nhìn chiếu tướng vào nó. Tôi biết rõ chị định làm gì. tôi hốt hoảng van to - Đừng, Li, khoan đã ! Để thư thả đã chị ơi, con nó đang vui mà...

Nhưng không ngăn được. Li hạ giọng trầm :

- Con ăn no chưa ?

- Dạ rồi, no quá đi mất, no tức cả lưng quần...

- Tốt lắm. Bây giờ hãy nghe mẹ nói...

Li khẽ ngừng một chút. Tôi cố gồng lên để dập tắt ý định của chị nhưng chẳng có kết quả gì. Lời nói vẫn cứ tuột ra...

- Con phải bình tĩnh, nghe chưa ?

- Cái gì thế mẹ ?

- Là... chuyện của ba con...

- Mẹ yên tâm. Con tin mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

- Không. Là mẹ nói về ba đẻ của con... Bác Khảm ấy ?

Đôi mắt Linh khẽ chớp chớp :

- Sao ạ ?

- Ba con... hy sinh rồi !

Bây giờ thì tôi mới chết thật. Tôi chết đúng khi câu ấy tuột ra. Tôi không sao với được tay mình tới gần con bé. Tôi rất muốn xoa đầu nó và nói ra câu này : mẹ Li nói dối đấy. Ba vẫn ở ngay bên con ! Tôi bất động, Li cũng bất động, còn con tôi cũng ngồi trơ như một hòn đá. Nó ngồi vậy rất lâu, hai mắt vẫn mở trừng nhìn vào mẹ nuôi của nó. Nhưng có lẽ nó không còn nhìn thấy Li nữa, mà lại nhìn thấy tôi. Hai bố con tôi nhìn thẳng vào nhau. Đó là lần đầu tiên sau mười sáu năm sinh thành ra nó, chúng tôi mới dám nhìn thẳng vào nhau. Con tôi vẫn không khóc, không có lấy có một màng nước mỏng nào trong mắt. Có lẽ nó biết trấn giữ không cho tràn ra, nó sợ che khuất mất hình bóng ba nó.

Tôi rất giận Li. Dù biết rằng đằng nào cũng phải báo tin cho con. Nhưng đáng ra phải để từ từ đã, phải chuẩn bị công tác tư tưởng cho nó đã. Với một đảng viên, cán bộ từng trải, trước một trắc trở thử thách nào thì tổ chức, đoàn thể cũng phải làm công tác tư tưởng. Huống chi, nó vẫn còn là trẻ con. Tôi trút sự bực dọc vào Li. Nhưng chị ta vẫn ngoan cố. Chị thắp một que hương cắm vào góc hầm rồi phân trần như thể cãi lý với tôi : " Anh đừng giận tôi. Đời tôi đã phải trả giá cho mọi sự chần chừ, che dấu. Sở dĩ con Linh nó ngầm oán tôi cũng chỉ vì điều ấy. Giá như tôi nói cho nó biết sự thật ngay từ ngày còn bé, thì có thể khác rồi. Trong lúc tôi cố giấu diếm để bảo toàn cho anh chị, thì chính các người lại lén lút nói ra, nói ra từ thuở con nó mới lên sáu tuổi. Chính các người đã âm thầm hại tôi... " Que hương chưa tàn, nhưng Li đã nằm sấp lên ván khóc. Tôi ngao ngán không còn lời lẽ nào để cãi lại. Tôi bỏ mặc chị ấy, chạy vội ra với con. Nhưng con tôi đã bỏ đi rồi.

Nó bỏ lên trên hầm trực chiến của trung đội nữ dân quân. Nó ở luôn tại đó. Cái chết của tôi là bước ngoặt quyết định đời nó. Chấm dứt tuổi thơ, chấm hết trang giấy học trò. Mười sáu tuổi trở thành nữ dân quân, mười bảy tuổi tình nguyện tham gia vào lực lượng chi viện cho các xã ở Cam Lộ. Đầu năm mười tám tuổi đã trở thành trung đội phó, rồi hai tháng sau lên trung đội trưởng, sáu tháng nữa lên xã đội phó chính cái xã của mẹ đẻ nó. Suýt nữa thành anh hùng nếu không có một chuyện động trời xấy ra. Nhưng tất cả những chuyện đó sau này hãy kể.

Đăng ngày 12/01/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan