Saturday, October 17, 2015

Cơn sốt Nhà văn nhí- mừng hay lo?

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

xuanduc.vn : Trên phongdiep.net có bài nói chuyện bên Tàu, nhưng đọc xong thì thấy rờn rợn..Xin phép chị Phong Điệp tải về đây để khách TST cùng được chia sẻ.  

      Văn đàn Trung Quốc đang xuất hiện ngày một nhiều các nhà văn nhỏ tuổi có tác phẩm được in; tổng số có lẽ đã trên vài chục người. Điều kỳ lạ là trong khi tuổi tác giả càng ngày càng nhỏ đi thì sách của họ lại dày lên và ăn khách đến mức khó hiểu !       Những kỷ lục khó tin
     
Tháng 7-2001, Đậu Khấu (sinh 10-1994) viết xong tiểu thuyết đầu tay Đậu Khấu Lang bạt ký dày 110 nghìn chữ. Dù viết chậm như vẽ từng chữ mà chú nhóc 6 tuổi này chỉ cần 5 tháng là "ngoáy" xong tác phẩm ! Ba tháng sau, sách được xuất bản. Chú bé viết tiếp Cuộc đời của Đậu Khấu (8-2003) rồi Con mắt tuổi thơ; mới đây ký hợp đồng với NXB viết tiểu thuyết Tuyên ngôn Đại cách mạng giáo dục gồm 11 chương, viết trong hai năm.
     Đậu Khấu lang bạt ký kể lại quá trình tác giả lang bạt hơn 30 tỉnh, thành phố theo cha mẹ đi kiếm ăn từ khi 7 tháng tuổi; dĩ nhiên chỉ kể chuyện từ khi tác giả có trí nhớ (hai tuổi rưỡi). Cha mẹ đều là nông dân thi trượt đại học, chuyên đi làm thuê ở các đô thị, Đậu Khấu 9 tháng biết nói; hơn 1 tuổi đã nhận mặt được 5-600 chữ Hán, 3 tuổi biết tra từ điển, 4 tuổi học giáo trình tiểu học bố mẹ dạy; 4 tuổi rưỡi viết nhật ký; 5 tuổi viết đồng thoại... Hơn trăm tờ báo TQ đã đưa tin về Đậu Khấu; Báo Tin điện hàng ngày (Anh) gọi cậu là "Nhà văn nhỏ nhất thế giới", Yahoo mở riêng trang web về cậu. Đài truyền hình trung ương TQ 6 lần đến nhà phỏng vấn, 3 lần mời lên Bắc Kinh. Cũng lắm người giễu: nhãi con ở tuổi mặc quần hở đũng và chưa đi học sao lại có thể viết nổi tiểu thuyết ?
      Đậu Khấu lang bạt ký chỉ được trả nhuận bút có mấy nghìn nhân dân tệ (1 NDT = 0,13 USD) nghe nói vì NXB phải trả nhiều tiền thuê đánh máy, do bản thảo chữ quá khó đọc. Nhưng tiểu thuyết viễn tưởng Chiếc đàn ma quái Thời Quang của Biên Kim Dương(s.1994) do NXB Nhân dân Nhật báo xuất bản tháng 4-2003 thì chỉ 4 tháng sau đã được một công ty Mỹ mua bản quyền với giá 150 nghìn USD (bằng tiền bản quyền cuốn Harry Potter TQ mua)  "Đây là con số thiên văn !" - Trương Thụ Tương, giám đốc NXB Khoa học Xã hội TQ nói - NXB của ông hàng năm nhiều nhất chỉ bán được 2-3 tác phẩm ra nước ngoài, thu được tổng cộng 2-3 nghìn USD. Để so sánh, xin nhắc lại: tiểu thuyết Tôtem Sói của Khương Nhung (s.1946) thai nghén trong 20 năm và viết trong 6 năm, từng gây tranh cãi ầm ỹ khắp TQ, chỉ được Penguin Group trả có 100 nghìn USD.
     Chiếc đàn ma quái Thời Quang dày 240 nghìn chữ mà tác giả chỉ cần hai tháng nghỉ hè ở nhà đã viết xong ! "Mỗi ngày cháu đánh máy vi tính khoảng 10 nghìn chữ, kém nhất cũng được 4-5 nghìn." - Dương khoe. Tiểu thuyết được Viện Nghiên cứu truyền bá sách Bắc Kinh quảng cáo om xòm; ngay trong tháng đầu phát hành đã trở thành bestseller số một, vì thế được gọi là Harry Potter của TQ. Khi bản tiếng Hàn phát hành ở Hàn Quốc, dân xứ này gọi Biên Kim Dương là Người đuổi theo Rowling. Mười tuổi, Dương trở thành triệu phú. Tiếp đó Dương viết liền 2 tiểu thuyết viễn tưởng Bộ lạc người Tần và Đầu nặng chân nhẹ, bán được hơn 1 triệu bản, bỏ túi thêm ít nhất dăm triệu NDT nữa. Bộ lạc người Tần kể chuyện Tần Thủy Hoàng cử 500 nam nữ thiếu niên đi tìm thuốc trường sinh, không ngờ họ lạc tới một hành tinh khác và ở lại, sinh sôi nảy nở thành một bộ lạc. Đầu nặng chân nhẹ kể chuyện theo con mắt của một chú bé suốt đời đi chổng ngược bằng hai tay. Đầu năm 2007, Dương tặng các bạn nhỏ vùng núi 1 triệu NDT (20 tỷ VNĐ) để họ mua sách đọc và hứa sẽ tặng họ toàn bộ tiền nhuận bút các tác phẩm mình sẽ viết.
  Hàn Hàn (s. 1982) nổi tiếng từ năm 1998 với mấy truyện ngắn, đã viết khá nhiều tác phẩm. Tiểu thuyết Tam Trùng Môn kể về sinh hoạt của học sinh cấp II, xuất bản năm 2000 tới nay đã bán 1,3 triệu bản, cao nhất TQ; năm ngoái lại nhận 2 triệu NDT từ cuốn Một tòa thành trì. Năm nay Hàn ra lò truyện dài 10 vạn chữ Ngày quang vinh, kể chuyện một tốp sinh viên tốt nghiệp đại học không tuân theo sự phân công, tự tìm đến vùng xa dạy học, xây dựng một thế giới riêng đầy ly kỳ. Sách in lần đầu 710 nghìn bản, nhuận bút 2,2 triệu NDT (15% giá bìa). Một cuộc trưng cầu trên mạng xếp Hàn Hàn ở cuối bảng 10 nhà văn TQ yêu thích nhất xưa nay (8 người khác đều đã chết) ! Tác phẩm của Hàn phơi bày mọi sự thật, ngôn từ sắc bén, sâu cay. Hàn viết khỏe, tự tin cao, ngang tàng nhưng học kém, lưu ban rồi bỏ học; giới phụ huynh coi là "gai góc, phản nghịch", "thiếu niên có vấn đề". Tháng 7-2007 Hàn tuyên bố: "Kể từ hôm nay tôi phong tỏa đài truyền hình trung ương", để phản đối đài này "bắt nạt nghệ nhân". Hàn không vào Hội Nhà văn nhưng vẫn viết ra tiền; ngoài ra còn có nghề đua ô tô, từng đoạt giải 50000 USD cuộc đua năm 2004, là thần tượng của nhiều thanh thiếu niên (nghe nói có 60 triệu người hâm mộ !).
  Lên 9 tuổi Tưởng Phương Châu (s. 1989) xuất bản tập tản văn Mở toang cửa sổ nóc nhà (in 5000 bản); 10 tuổi viết tiểu thuyết Đang dậy thì, trong đó cô bé dùng những từ như viagra, đồng tính luyến ái...12 tuổi viết xong truyện dài Trước thời thanh xuân và trở thành cây bút chuyên mục của báo Đô thị phương Nam. Trong kỳ nghỉ hè mỗi ngày cô viết 2500 chữ, chữ nào không biết thì viết ký hiệu phiên âm, mẹ đánh máy vi tính giúp.
  Cô bé Kim Kim (s. 1984) 4 tuổi đã làm thơ, tới năm 13 tuổi đã làm được hơn 2000 bài thơ, xuất bản 4 tập, được sách Kỷ lục Guinness xác nhận là nhà thơ nhỏ tuổi nhất thế giới. 16 tuổi xuất bản truyện dài 200 nghìn chữ, in 100 nghìn bản.
  Lưu Thiên Thiên 14 tuổi xuất bản truyện dài Anh hùng thật lòng, 240 nghìn chữ, được cải biên thành phim, nữ tác giả đóng vai chính.
  Cao Tĩnh Khang 8 tuổi dùng 8 tháng viết xong tiểu thuyết Kỳ Kỳ viết Tây Du Ký, 80 nghìn chữ, xuất bản năm 2001, dùng tư duy của trẻ em hiện đại viết lại toàn bộ truyện Tây Du, trong đó Ngọc hoàng Thượng đế dùng điện thoại di động, Tôn Ngộ Không dùng tên lửa, máy bay, thư điện tử, công nghệ na-nô ...

      Nhức nhối cơn sốt nhà văn nhí
      
Các nhà văn nhí TQ tỏ ra hiểu biết quá nhiều so với tuổi, rất "cụ non", chẳng biết giữ mồm giữ miệng trước công chúng. Một số tỏ ra rất tự phụ và khoác lác, quá tin vào tài năng của mình. Những điều họ viết và nói khiến người lớn lắc đầu lè lưỡi. Thành công quá sớm khiến họ mất đi nhiều nét đáng yêu của tuổi thơ.
Tưởng Phương Châu 5 tuổi đã đọc Trăm năm cô đơn, 12 tuổi mà có kiến thức của tuổi 30, từng nói những câu sặc mùi lõi đời: "Tôi sẽ tìm bạn trai theo tiêu chuẩn giàu như anh Bill Gates, phong độ như anh Chu Nhuận Phát (diễn viên Hong Kong), lãng mạn như anh Leonard (ngôi sao Hollywood), khỏe như anh Viagra (thuốc cường dương)."
Trong buổi giao lưu trên đài truyền hình quốc tế TQ, Biên Kim Dươngnói: truyện của cháu hay hơn Harry Potter, vì cháu có ưu thế tuổi nhỏ và người lớn căn bản không có trí tưởng tượng chỉ riêng trẻ con mới có. Cháu mơ ước tác phẩm của mình sẽ phát hành nhiều hơn Harry Potter. 15 vạn đô-la chẳng là gì, cháu phải kiếm vài chục tỷ NDT kia !
       Sau khi Đậu Khấu nổi tiếng, một trường tư thục nhận cậu bé vào học nội trú miễn phí, lên thẳng lớp 5 tiểu học, ngồi cùng các bạn hơn mình mấy tuổi. Nhưng mới được một học kỳ thì gia đình đã phải xin con về nhà, vì chú bé học quá vất vả, nhất là toán, tiếng Anh thì đến mấy chữ ABC cũng chưa biết, chỉ môn ngữ văn còn tạm được, tuy chữ viết như gà bới. Đã thế Khấu ta luôn tự phụ mình là thần đồng có tiểu thuyết xuất bản, không thèm chơi với ai; nhà trường phải cho ở riêng một phòng. Chú bé chẳng biết chào hỏi người khác, lúc rỗi chỉ ru rú đọc sách một mình. Các bạn giễu: Thần đồng này là nhi đồng mắc bệnh thần kinh ! Đó là kết quả giáo dục của cha mẹ: vì bận làm ăn, họ nhốt con cả ngày ở nhà làm bạn với sách truyện trẻ em; ra phố cũng để con vào hiệu sách rồi bỏ đi làm ăn.
      Hàn Hàn hay chê Hội Nhà Văn (HNV) và từng nói: nếu cho tôi làm chủ tịch HNV thì tôi mới vào Hội; và chỉ cần 5 phút là tôi ký xong giấy giải tán cái Hội ấy (mới đây bạn cùng lứa với Hàn là Quách Kính Minh, Trương Duyệt Nhiên đều đã vào HNV). Qua blog, Hàn Hàn hay tranh cãi, bêu giếu, thậm chí chửi nhau với các bậc hơn tuổi, gây khá nhiều sóng gió ồn ào trên văn đàn. Vụ tranh cãi đầu năm 2006 với nhà phê bình Bạch Hoa và một số người khác mãi sau mới chấm dứt bằng việc các đối thủ đều buộc phải đóng blog của họ. Vì Hàn có lắm người hâm mộ, cho nên tranh luận với Hàn không dễ chịu chút nào.
     Sự xuất hiện nhiều nhà văn nhí đã khiến cho một số trẻ học kém hoặc lười học cho rằng không học cũng chẳng sao. Ở Khác-bin có một nhóm học sinh học kém, không chịu ôn thi mà rủ nhau viết sách, "noi gương anh Hàn Hàn" học kém nhưng nhờ viết văn mà vẫn thành tài. Xu hướng viết văn kiếm tiền của một số người lớn, nhất là các "nhà văn mỹ nữ" trơ trẽn viết lên giấy mọi chuyện phòng the để kiếm tiền một cách mạt hạng, đã tác động xấu tới giới trẻ, và khiến họ tưởng lầm tác phẩm nhiều người đọc là tác phẩm hay.   

     Do đâu có cơn sốt nhà văn nhí ?
     
Dư luận TQ cho rằng giới truyền thông xuất bản đã góp công lớn gây ra cơn sốt nhà văn nhí thi nhau viết sách. Chạy theo lợi nhuận khổng lồ do thị trường bạn đọc thanh thiếu nhi (250 triệu người) có thể đem lại, họ ra sức tô vẽ, thổi phồng những chuyện li kỳ về tác giả, nhất là độ tuổi, tài năng lỗi lạc, tính cách "phản nghịch", cố ý bỏ qua nhận định về nội dung tác phẩm. Có khi sách chưa in mà cả nước đã xôn xao về tác giả. Bố mẹ Đậu Khấu khổ vì lắm người gọi điện hỏi cách dạy con thành thần đồng; rốt cuộc cả hai đều kiếm tiền bằng cách viết sách giới thiệu cách nuôi dạy con. Sách mẹ viết có tên "Làm thế nào để con tôi 6 tuổi đã trở thành nhà văn lớn"; sách bố viết là "Đậu Khấu trưởng thành như thế đấy", trong đó có 170 đoạn nguyên văn như truyện của con (!). Hai người hiện sống bằng nghề bán sách và mở lớp huấn luyện cách nuôi dạy "thần đồng".
     Tình trạng văn đàn TQ thiếu tác phẩm văn học phản ánh đời sống thanh thiếu niên đã thúc đẩy lũ trẻ tự viết về mình. Giới phụ huynh các tác giả nhí cũng góp phần gây "sốt": do chuộng hư danh, có thể họ ép con mình viết văn để sớm thành danh và kiếm được tiền. Không ít bạn đọc cho rằng người lớn đã viết văn giúp con; mẹ Tưởng Phương Châu (một nhà văn nổi tiếng chuyên viết trên mạng) bị nhiều người nghi ngờ hơn cả.

      Dư luận nói gì ?
      
Giáo sư ĐH Bắc Kinh Trương Dy Vũ nhận xét: xu thế nhà văn nhí viết sách xuất hiện là do thị trường đọc có nhu cầu rất lớn, tác giả nhí bám sát được tâm lý bạn cùng tuổi nên dễ gây sự cộng hưởng, giới phụ huynh học sinh cũng có tâm trạng chờ đợi sách cho con em họ - sự chín muồi của thị trường đọc là mảnh đất ươm trồng nhà văn nhí. Mặt khác, nên thấy rõ hậu quả tiêu cực của xu thế trên: không loại trừ các tác giả trẻ thật sự có tài, có sức tưởng tượng, nhưng một số tác phẩm vẫn còn thô ráp, đơn giản, xét nghiêm chỉnh thì chưa có giá trị văn học; do hiểu biết của tác giả chưa đủ độ chín nên dù tác phẩm đầu tay có thành công, song sau này họ sẽ gặp nhiều thử thách. Thái độ rất không bình thường (tâng bốc, kích thích tò mò về tác giả) của ngành truyền thông xuất bản sẽ gây trở ngại cho sự trưởng thành của các nhà văn nhí.
Nhà văn nổi tiếng Triệu Trường Thiên nói: yêu văn học thì mãi mãi có lợi cho các em, song muốn dựa vào văn học để đổi đời thì 80-90% sẽ bị hẫng hụt.
       Giám đốc NXB Văn hóa Thượng Hải Hách Minh Giám nhận xét: các em ấy chưa được học một cách hệ thống, tác phẩm chỉ có sự tưởng tượng phong phú, nhưng câu văn còn thô thiển, cách văn học chân chính một quãng xa; nhà văn phải có cơ sở kỹ năng cơ bản.
Chuyên gia giáo dục Hoàng Ngọc Phong nhắc nhở: chớ nên để tư tưởng chạy theo công danh lợi lộc của người lớn làm ô nhiễm tâm hồn trẻ em. Từ thập niên 80 xuất hiện nhiều "thợ viết", đâu phải là nhà văn, họ đã tác động xấu đến lũ trẻ.
       Nhà báo Ô Hoán Khánh than thở: Buồn thay, một nước lớn mà lại dựa vào lũ nhóc con (nguyên văn tiểu quỷ) để dựng nên bộ mặt văn đàn của mình. Học sinh chỉ nên là bạn đọc, nhiệm vụ của họ là học tập. Đằng sau cơn sốt nhà văn-học trò thực ra ẩn giấu sự suy đồi trong nền văn học TQ. Đã đến lúc nên chấm dứt cuộc tranh luận về chuyện học trò viết sách mà nên bắt tay vào việc chấn hưng văn học nước nhà !

Nguyễn Hải Hoành 
( nguồn phongdiep.net )



 Đăng ngày 13/08/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan