Saturday, October 17, 2015

Một cuộc tranh luận rất hữu ích

Tác giả: Nguyễn Hòa và Lê Anh Hoài

Xuanduc.vn : Mấy hôm nay trên các trang Web bạn bè xuất hiện một cuộc 'đấu khẩu' khá nóng. Một bên là nhà báo kiêm nhà lí luận văn học Nguyễn Hòa- một bên cũng là một nhà báo, kiêm nhà văn, nhà nghệ thuật nữa : Lê Anh Hoài. Mặc dầu chỉ mới là loạt bài đầu tiên nhưng vì nó đã đụng vào một vấn đề hiện đang khá nóng trong sinh hoạt văn học hiện nay. Tôi gộp cả 2 bài lên một trang để bạn đọc dễ theo giõi và tùy quan điểm riêng từng người mà có sự phán xét khác nhau.

Nguyễn Hòa
Thơ: Sáng tạo mới và những "múa may" màu mè
Sáng tạo mới luôn gắn liền với nhận thức mới. Nói cách khác, một sản phẩm do con người làm ra chỉ được coi là mới khi ra đời như là kết quả của nhận thức mới, đáp ứng trực tiếp, cụ thể các yêu cầu bức thiết của cuộc sống.
Mà muốn có nhận thức mới thì không có cách nào khác, con người dấn thân vào thực tiễn, phải học, phải đọc, phải suy nghĩ, phải tự tạo lập khả năng nhận diện một cách bản chất về những biến động của lịch sử, của thế giới tinh thần xã hội - con người; đắm mình vào đó mà tìm ra những xác tín tư tưởng - thẩm mỹ, để rồi, như diễn đạt của Nguyễn Huy Thiệp thì, "thoát thành bướm và hoa".
Những "mảnh vụn tư tưởng" hiển nhiên không có khả năng đưa tới những giá trị tư tưởng - thẩm mỹ lớn, càng không thể đẩy tới sự ra đời của tác phẩm lớn. Những triết lý nông cạn rút ra từ các cảm nhận hời hợt càng không đưa lại điều gì. Cái tôi của nhà thơ dù ghê gớm đến mức nào thì anh ta cũng không phải là "người từ trên trời rơi xuống", anh ta không bao giờ có thể đứng ra ngoài các quan hệ đồng loại, nếu không muốn nói các quan hệ đó còn chi phối, góp phần quyết định cái tôi của bản thân anh ta. Bởi cái tôi chỉ là cái tôi khi đặt trong các quan hệ với đồng loại, với người khác.
Giống như trường hợp câu thơ "Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa" của một nhà thơ nổi tiếng. Đây là một câu thơ hay, rất đắc địa trong cấu tứ toàn vẹn của bài thơ Tản mạn thời tôi sống, nhưng khi nhà thơ tách riêng câu thơ ấy ra, sử dụng làm đề từ cho blog cá nhân thì tôi thấy đó là câu thơ... dở. "Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa" thì có gì độc đáo, nên thơ, hay câu này còn ẩn chứa các triết lý, thông điệp tinh thần sâu xa đến mức chỉ tác giả mới nhận biết được?
Sau gần một thế kỷ, các chuyển dịch xã hội - con người đã làm thay đổi vô số quan niệm văn hóa - nghệ thuật vốn thịnh trị một thời. Và theo sự vận động của thời gian, các chuyển dịch ấy ngày càng diễn ra nhanh chóng, dễ gây ngỡ ngàng nếu đánh giá bằng các tiêu chí thế hệ. Như những chàng trai cô gái thời nay không còn hồi hộp chờ tới ngày hội làng, mà họ tạo ra ngày hội cho mình ở vũ trường, ở những chuyến picnic, offline hay... đi "phượt".
Trong khi đó, sự hồn nhiên nghề nghiệp và cả thói háo danh nữa, đã làm cho không ít người làm thơ vẫn bảo lưu trong tâm tưởng cái ý nghĩa ngỡ là bất di bất dịch của danh hiệu nhà thơ. Để một số người tài năng còn hạn chế nhưng thích làm thơ cũng ngộ nhận, rồi ứng xử với cộng đồng theo phong cách của... nhà thơ lớn. Họ không muốn biết (hay không biết?) người của công chúng bây giờ là hoa hậu, là ca sĩ đắt "sô", là người mẫu, là minh tinh màn bạc...
Một sự thật đã, đang và sẽ còn hiện diện trong đời sống của chúng ta là khi con người phải sống trong sự vây bủa của các phương tiện nghe - nhìn thì họ có quá nhiều "món ăn" để thưởng thức; và rồi, sự lên ngôi của nền công nghiệp giải trí đã nhanh chóng đẩy vị thế của nhà thơ xuống hàng thứ yếu. Tình huống ấy đặt những người làm thơ muốn nổi danh phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc là gia nhập làng giải trí, hoặc là phải thay đổi để kéo công chúng lại với thơ...
Với các nhà thơ đã và đang thay đổi, đã và đang vật lộn cách tân nhằm kéo công chúng về với thơ, từ góc nhìn của tôi, đây là một câu chuyện dài, trong đó có cả những bi hài kịch mà người trong cuộc chưa hẳn lúc nào cũng tỉnh táo nhận ra. Tôi sẽ bàn thêm về điều này ở những phần sau, riêng về trình diễn thơ, xin dẫn lại điều đã viết trong bài 2007 và cuộc "bể dâu" của một năm văn học: dường như nhiều người vẫn chưa lưu tâm làm thế nào để có thơ hay mà chỉ loay hoay tìm cách đem thơ đến với công chúng. Giống như người làm ra sản phẩm chưa cần biết chất lượng ra sao đã vội nghĩ đến việc làm thế nào để bán được thật nhiều. Trong bối cảnh ấy, trình diễn thơ đang như là một thứ mode.
Nhớ năm trước, thấy có nhà thơ nằm nhoài trên ghế hay cạo đầu trọc lốc rồi mượn pantomin để "diễn thơ", tôi chưa hết buồn cười. Đến năm nay, nhìn mấy nhà thơ lăn lộn quay cuồng, đầu tóc rũ rượi, áo xống hớ hênh, mặt mũi ngơ ngác... vừa "hét thơ" vừa "gào thơ" thì tôi kinh ngạc. Trân trọng cố gắng của các nhà thơ, song tôi vẫn muốn hỏi nếu "xem - nghe" xong rồi, lúc ra về người ta chỉ còn nhớ tiếng bước chân huỳnh huỵch, tiếng lốc cốc gõ lên sàn gỗ, tiếng "la thơ" thất thanh, mớ tua rua xanh đỏ, mấy chiếc mặt nạ rơi xuống và cái áo rộng cổ... và không nhớ đó là bài thơ gì, bài thơ ấy hay ra sao, thì nàng Thơ liệu có tự hào?
Khi điều quan trọng nhất là bài thơ khó có thể đọng lại như nốt "chủ âm" của một màn trình diễn thì thiết nghĩ rút cuộc, màn trình diễn chỉ còn là một phái sinh của sân khấu chứ đâu có thuộc về thơ. Còn nếu xét từ lịch sử sân khấu thì trình diễn như vậy đâu có gì lạ. Vào lúc thơ phải vay mượn hình thức thể hiện của một loại hình nghệ thuật khác để tìm cách đến với công chúng, liệu có nên coi đó là sáng tạo mới mẻ?
Đầu tháng 6/2008, tôi được mục kích tác phẩm nghệ thuật của một nhà văn tham gia dự án nghệ thuật trình diễn có tên là Nghệ sĩ với đường phố: cuộc đối thoại bất tận... Đem nghệ thuật ra đường, nhà văn mặc bộ quần áo bảo hộ lao động đứng trên vỉa hè phố Lê Văn Lương, biến mình thành... cột điện. Trên cái "cột điện" ấy, bạn bè của anh bôi sơn xanh đỏ lem luốc, dán lên mấy mẩu giấy ghi "khoan cắt bê tông", "rơi giấy tờ", thậm chí người ta "tè" cả vào cột điện.
Tôi không biết anh nghĩ gì khi đứng phơi mặt triển lãm bên đường, tôi cũng không biết anh nghĩ gì khi mấy cô gái vừa nhìn anh vừa khúc khích cười, còn nhiều người qua đường trố mắt như nhìn ai đó lạc ra từ cái nơi vốn không dành cho người có thần kinh bình thường? Còn tôi thì nghĩ, là nhà văn hãy viết văn cho hay, xông ra đứng đường thì còn gì văn chương nữa, chỉ còn là một trò lố lăng trong con mắt người đời. Thật là tội nghiệp cho một kiểu học mót không đến độ.
Trong cuộc hội nhập văn hóa được coi là xu thế của thời đại, sự phóng chiếu của một số hoạt động nghệ thuật có nguồn gốc từ phương Tây đang đẩy tới sự đồng hóa các nhu cầu và thị hiếu trên phạm vi toàn cầu. Nhưng văn hóa, trước hết là sự khác nhau và chính sự khác nhau ấy là tiêu chí cơ bản đầu tiên xác định một cá nhân thuộc về cộng đồng dân tộc nào, một sản phẩm nghệ thuật mang dấu ấn của cộng đồng tinh thần nào.
Không phải bất cứ cái gì "tây" làm thì "ta" cũng phải làm theo. Sự khác nhau về văn hóa thường đẩy tới tình huống có các "gu" thẩm mỹ được định vị khác nhau. Nắm bắt được đặc trưng quan trọng ấy, người ta sẽ tỉnh táo hơn trước khi thực hiện một hành vi nhân danh nghệ thuật
Lê Anh Hoài
TÔI THẤT VỌNG VỀ TƯ CÁCH MỘT NGƯỜI CẦM BÚT 
(Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Hòa)
Tôi đọc bài "Thơ: Sáng tạo mới và những "múa may" màu mè" được đưa lên trang báo điện tử của báo Công an nhân dân (4h:35, ngày 03/08/2008)
http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2008/8/96609.cand
bài này được trang phongdiep.net link lại

Đọc bài báo, tôi rất bất bình và thất vọng về tư cách của một người cầm bút, ở đây là tác giả bài báo nói trên, ông Nguyễn Hòa. Để nêu rõ quan điểm của mình, trong việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của bản thân, với tư cách một người tự trọng và nghiêm cẩn, tôi quyết định viết bức thư ngỏ này gửi ông Nguyễn Hòa. Tôi cũng mong muốn công luận tỏ tường và hy vọng Ban biên tập báo CAND - nơi đăng tải bài này lưu tâm.
Toàn bộ bài báo có nội dung công kích một số hoạt động nghệ thuật đương đại như trình diễn thơ, nghệ thuật công cộng... Quan niệm về nghệ thuật đương đại là vấn đề ngỏ, đã có nhiều ý kiến, và ý kiến kiểu như của ông Nguyễn Hòa là bình thường. Điều không bình thường trong bài báo trên là những câu chữ thóa mạ, làm nhục các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật đương đại trong thời gian qua, trong đó đặc biệt là cá nhân tôi.
Sau đây là đoạn đáng chú ý có nội dung xâm hại đến cá nhân tôi, với tư cách là nhà văn và cao  hơn, với tư cách một công dân sống tại một quốc gia đang hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh và nhân văn.
"Đầu tháng 6/2008, tôi (Nguyễn Hòa) được mục kích tác phẩm nghệ thuật của một nhà văn tham gia dự án nghệ thuật trình diễn có tên là Nghệ sĩ với đường phố: cuộc đối thoại bất tận... Đem nghệ thuật ra đường, nhà văn mặc bộ quần áo bảo hộ lao động đứng trên vỉa hè phố Lê Văn Lương, biến mình thành... cột điện. Trên cái "cột điện" ấy, bạn bè của anh bôi sơn xanh đỏ lem luốc, dán lên mấy mẩu giấy ghi "khoan cắt bê tông", "rơi giấy tờ", thậm chí người ta "tè" cả vào cột điện.
Tôi không biết anh nghĩ gì khi đứng phơi mặt triển lãm bên đường, tôi cũng không biết anh nghĩ gì khi mấy cô gái vừa nhìn anh vừa khúc khích cười, còn nhiều người qua đường trố mắt như nhìn ai đó lạc ra từ cái nơi vốn không dành cho người có thần kinh bình thường? Còn tôi thì nghĩ, là nhà văn hãy viết văn cho hay, xông ra đứng đường thì còn gì văn chương nữa, chỉ còn là một trò lố lăng trong con mắt người đời. Thật là tội nghiệp cho một kiểu học mót không đến độ."
Đoạn văn trên không nêu đích danh tôi. Nhưng trong tháng 6/2008 tôi đã tham gia dự án nghệ thuật công cộng "Ra đường" do nghệ sĩ thị giác Ngô Lực tổ chức với tác phẩm "Tôi là cột điện". Đã có nhiều bài báo viết về tác phẩm này cũng như các tác phẩm có mặt trong dự án. Trước đây và trước tôi chưa có ai trình diễn tác phẩm có hình thức tương tự. Bởi vậy, khi Nguyễn Hòa viết như trên, rất nhiều người biết ngay là nói đến tôi.  Do đó, tôi buộc lòng phải khẳng định: ông Nguyễn Hòa cố tình công kích tôi.
Khẳng định rõ ràng như thế, tôi muốn vạch trần thủ đoạn viết lách không đàng hoàng không chính trực của Nguyễn Hòa: Trong bài báo này ông ta toàn dùng cách nói phiếm chỉ để công kích các nhà thơ, nhà văn và nghệ  sĩ. Có thể cách viết này sẽ khiến ông ta dùng những từ ngữ thóa mạ một cách dễ dàng hơn chăng? Thủ đoạn này được dân  gian gọi là "chửi đổng", nó thường khiến những người bị thóa mạ không muốn "dây vào" với kẻ thiếu tư cách, và bỏ qua sự xúc phạm. Nhưng tôi quyết định không hành xử như thế. Tôi nghĩ cần tuyên chiến với một người viết báo thiếu lương tâm như ông Nguyễn Hòa.
Tôi sẽ không làm mất thời gian của mọi người và của chính mình nên sẽ không tranh luận về nghệ thuật đương đại với ông Nguyễn Hòa. Việc này là không cần thiết trong khuôn khổ bài này, đồng thời tôi cho rằng, thật khó có thể có cuộc tranh luận đúng nghĩa với một người thiếu hiểu biết về nghệ thuật đương đại nhưng lại luôn tỏ thái độ rất kỳ thị nó.
Sau đây là một số điều tôi muốn đưa ra công luận.
1. Cách hành nghề thiếu trung thực của ông Nguyễn Hòa:Ông Hòa dùng từ "mục kích", điều này khiến bạn đọc hiểu ông ta đã đến xem tác phẩm trình diễn của tôi và quan sát toàn bộ diễn biến xung quanh nó. Nhưng thật ra, ông ta hoàn toàn không có mặt tại đó. Các nghệ sĩ và nhiều nhà báo có mặt hoàn toàn có thể xác nhận việc này!
Cách làm việc này đã dẫn đến kết quả tai hại cho ông Hòa: ông ta đã nêu sai cả tên của dự án nghệ thuật. Đúng ra, tên của dự án nghệ thuật cộng đồng này đơn giản là "Ra đường". Còn tên tác phẩm của tôi là "Tôi là cột điện". Bản diễn ngôn của tác phẩm ghi rõ và đã được phát cho tất cả những người đến xem. Nếu Nguyễn Hòa làm việc nghiêm túc hơn, ông ta có thể lên Google và tìm hiểu thì không đến nỗi sai ngớ ngẩn như thế.Với cách viết báo thiếu trung thực đó, liệu có thể tin được những mô tả của ông ta ? 
2. Về việc dùng những từ ngữ xúc phạm tôi:Ông Hòa viết cụm từ: "lạc ra từ cái nơi vốn không dành cho người có thần kinh bình thường". Dù ông đưa đẩy, làm như đó là ý kiến của công chúng, nhưng ai cũng rõ nhận định của ông ta: Tôi (Lê Anh Hoài) điên (thần kinh bất bình thường/tâm thần)!
Đây là một sự xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm của người khác. Đáng buồn hơn sự xúc phạm này lại nhân danh "phê bình nghệ thuật", núp bóng việc rao giảng, hướng dẫn công chúng về cái đẹp.
Ông Hòa có hiểu được điều này không, hay ông tự cho mình cái quyền phán quyết, tự cho mình cái quyền tự do xúc phạm người khác?
Xin thưa với ông Hòa, và toàn thể những ai đọc bài này. Tôi không hề nhầm lẫn việc xúc phạm này với quyền nhận xét tác phẩm khi nó đã được công bố. Người thích sẽ khen, người không thích sẽ chê, ngoài ra có cả những người thờ ơ, không quan tâm, không khen không chê. Sự khen chê này có nhiều cấp độ, cũng là điều bình thường!
Nhưng dù kiểu nào thì văn hóa phê bình tối thiểu vẫn phải là: Chỉ quan tâm đến những gì thuộc phạm trù nghệ thuật và lấy tác phẩm làm trung tâm. Tuyệt đối không bình luận đến nhân thân của tác giả, càng không được xúc phạm tác giả. Ông Hòa đã không có được mảy may chút nào của cái văn hóa này. Ông nhận định về một lĩnh vực nghệ thuật mới bằng vài ý khơi khơi, để rồi hạ những câu thóa mạ một cách thiếu giáo dục.
Tôi muốn nhấn mạnh, kiểu viết báo này hoàn toàn không lương thiện vì đã mượn danh "phê bình nghệ thuật" để làm nhục người khác. 

3. Quan niệm hẹp hòi của Nguyễn Hòa về hoạt động của nghệ sĩÔng Hòa làm ra vẻ không hiểu hoặc nhận thức của ông có vấn đề chăng, khi viết: "nhà văn hãy viết văn cho hay, xông ra đứng đường thì còn gì văn chương nữa..."?
Điều thứ nhất, xin thưa với ông, viết văn tôi vẫn viết, làm nghệ thuật tôi vẫn làm. Đây là hai việc khác nhau. Cớ sao ông lại cấm tôi làm nghệ thuật đương đại và bắt tôi chỉ viết văn? Có gì liên quan giữa việc "ra đường" và "văn chương" ở đây nhỉ?
Công chúng đã được biết đến rất nhiều người hoạt động trong nhiều  lĩnh vực nghệ thuật. Trên thế giới thì quá nhiều, không cần kể ra cho mất thời giờ, còn trong nước: Nhạc sĩ Văn Cao, Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang (diễn viên điện ảnh), nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Đỗ Chu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhà văn Trần Nhương, nhà văn Đoàn Lê ... vẽ tranh và tổ chức triển lãm hẳn hoi; Họa sĩ Lê Thiết Cương và Nguyễn Thúy Hằng lại viết văn; Nghệ sĩ Đào Anh Khánh chơi nhạc, Thiếu tướng Hữu Ước viết văn, làm thơ, viết kịch, viết ca khúc, vẽ tranh...
Vậy thì sao hả ông Nguyễn Hòa? Ông có điều gì cần răn dạy các nhà văn, nghệ sĩ tôi kể ra trên đây không?
Và về chính ông, sử dụng chính cái logic mà ông dùng, tôi có thể hỏi ông: Tại sao ông đang làm báo mà còn đi làm phê bình văn học? Làm phê bình văn học chưa đủ hay sao ông còn nhảy sang phê bình nghệ thuật? Nếu bắt ông phải "tập trung" làm cho hay, thì ông có khả năng chọn lĩnh vực nào hả ông Hòa?
Điều thứ hai, nếu muốn có ý kiến gì về tác phẩm văn chương của tôi, ông cứ viết bài đàng hoàng. Được như vậy có phải tôi kính trọng và cảm ơn ông bao nhiêu không? Sao ông lại phải làm cái trò nói cạnh nói khóe, nói xỏ nói xiên như vậy?
Gần đây, người ta thường nhắc đến Nguyễn Hòa với biệt danh "búa". Ông cũng có vẻ tâm đắc với biệt danh này. Thật ra, nó có vẻ nhái F.Nietzsche, nhưng tôi nghĩ "búa" cũng rất tốt, nếu nó được đặt vào tay người có lương tâm và hiểu biết. Với ông,  tôi e rằng nó có tác dụng phá hoại một cách võ biền nhiều hơn.
Chúc ông viết được những bài phê bình nghiêm túc. Xin chào ông.

LAH
(Bài cóp từ trannhuong.com và phongdiep.net)

 Đăng ngày 11/08/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Môn Sinh - 12/08/2008

Sáng tạo nghệ thuật là yêu cầu muôn thuở,nghệ thuật thiếu sáng tạo sẽ khô cằn và chết yểu,Tuy nhiên sáng tạo nghệ thuật phải có tiêu chí rõ ràng.Bỏ qua những tiêu chí tối thiết sẽ là quái dị ,công chúng không thể chấp nhận trong đó tiêu chí tính dân tộc phải được coi trọng.Thưa các nhà văn !

  Gửi bởi: Trung Đô - 12/08/2008

Tieu chí mà có trước thì đó là một thứ nghệ thuật mô phỏng, chính trị hoá nghệ thuật. Nghệ thuật không có giới hạn sắp đặt. Sợ quái dị làm sao hiểu nổi văn học kinh dị, huyền ảo. Càng thấy Kim Dung 'lẩn thẩn" sẽ chết con người ta. 

  Gửi bởi: Thân Thơ - 12/08/2008

Ở Đông Hà,  đâu có bán kính đổi màu không nhỉ! Mua về mới đọc được bài trên của ... Nguyễn Hoà và ...

  Gửi bởi: Thân Thơ - 12/08/2008


Tôi đâu phải Nhà Thơ

Tim tôi không qua trường lớp
Lòng tôi chỉ học ngoài đời
Mỗi khi trái tim rộn nhịp
Bảo lòng, rung động lòng ơi!

Trăng đêm rọi sáng triền đồi
Miền quê thanh bình tươi trẻ
Tim tôi lại rộn lên thế
Tôi ngồi tôi viết, là thơ?

Chiều nay gió thổi bâng quơ
Một mình bâng khuâng lối nhỏ
Bóng ai đi về qua đó
Lòng tôi gửi nhớ đi theo.

Trưa hè trời mở trong veo
Tre ru tiếng quê một thuở
Thúc lòng tôi quay nỗi nhớ
Bồi hồi nhắc tuổi thơ xưa

Tim không trường lớp bao giờ
Lòng ơi gặp bao ý tứ
Tình tôi dạt dào như thế
Phải chăng trường lớp mới Thơ?

                 100808


  Gửi bởi: Đặng Giang - 12/08/2008

Ông Nguyễn Hòa nổi danh đao búa. Nhưng cú này thì búa ông đập lưng ông. Không đến dự cuộc trình diễn nghệ thuật mà giám viết "Tôi đã mục kích..." thì có đáng tin được những gì ong nói không?

  Gửi bởi: Bạn đọc - 12/08/2008

Tôi đồng ý với ông Nguyễn Hòa. Làm nhà văn nhà thơ thì phải ngồi vào bàn, lao tâm khổ tứ với những con chữ chứ sao lại ra đứng đường làm cột điện. Làm thế, cái cộtt điện thật nó cười cho chết: "Ê của rởm kìa!". "Hãy cho gã mấy xu đi!" "Láo! Trình diễn nghệ thuật đấy". "Nghệ thuật gì lại có cái thứ nghệ thuật đứng đường! Ca ve gọi bằng cụ!"

  Gửi bởi: Xuân Đức - 12/08/2008

Hoan nghênh các vị khách quý đã quan tâm đến những vấn đề rất đáng được quan tâm của văn học. Chủ quán xin cáo lỗi vì đã không chỉnh sửa được cái màu chữ trên trang bác Trần Nhương nên khi vào cái nền của tôi nó lại thành ra thê. Tất cả là do cái trình độ tin học của chủ quán nó quá " siêu đẳng". Bây giờ cũng có thể cóp lại nhưng sợ mất lời nhắn của bạn bè. Thôi, xin mọi người chịu khó cho một chút. Kể ra cũng đọc được đấy chứ nhẩy, chú Thân Thơ ?

  Gửi bởi: NGUOI YÊU THO - 12/08/2008

Bao giờ người sáng tác
Âu yếm kẻ phê bình
Văn chương bớt nhiễu loạn
Môi trường đỡ thối inh
Hoan hô bác trình diễn
Bẻ búa bác Nguyễn Hòa
Cả hai lên xới vật
Dân chúng cùng reo ca


  Gửi bởi: Ke Qua Đường - 12/08/2008

Vào trang nhà của bác Xuân Đức được đọc cả hai bài. Tranh luận hay cãi nhau trên văn đàn là chuyện muôn thuở ấy mà. Riêng Nguyễn Hòa thì tôi biết, cha này chưa bao giờ nói láo đâu. Bạn Đặng Giang nghe một phía rồi nghĩ là Nguyễn Hòa không có mặt. Đường rộng, hè dài có khi Nguyễn Hòa đứng đâu đấy, Lê Anh Hoài với bạn bè không biết thì sao. Mà dại gì cha này lại thò mặt ra, phản đối không được, ủng hộ cũng khó. Tôi không bênh ai, tôi chỉ nhận xét thế thôi.

  Gửi bởi: Yêu Văn - 12/08/2008

Tôi đọc trên web của Lê Thiếu Nhơn thấy nói trong 28 ngày Nguyễn Hòa viết 21 bài nói về thực trạng văn học Việt Nam không biết thật hư thế nào. Mới đăng mấy bài đã ồn ào đăng hết 21 bài có khi cãi nhau to. Tay này nói thẳng, cứ để hắn viết đâm ra lại hay, ối người sợ hắn mà chờn đấy.

  Gửi bởi: Bạn Văn - 12/08/2008

Nguyễn Hòa là tay chém khét tiếng. Hắn như con quạ đen. Trông thấy hắn là ngửi thấy mùi tử khí. Cũng cần những tay đao phủ để phéng những thằng nhố nhăng

  Gửi bởi: Chú Tễu - 12/08/2008

Trời sinh ra chú Anh Hoài
Lại sinh ra một lão cai văn đàn
Là Hòa, cổ bạnh hổ mang
Cắn ai kẻ đó sẽ mang tật nguyền
Đình Sử, Minh Đức đảo điên
Rồi còn Việt Thắng, Chí Bền, Đoàn Hương
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời Hòa lại yêu thương văn đàn
Xin chào Chánh tổng Hổ mang!


  Gửi bởi: Lê Hoan - 13/08/2008

Đọc bài bác Hòa, thấy bác nói rất có lý. Đọc bài bác Hoài thấy bác cũng có lý. Nhưng khi xem hai bức ảnh ông lê Thiếu Nhơn cho lên trang Lethieunhon.com thì thấy ông Hoài điên nặng. Không thể nghĩ đó là người bình thường

  Gửi bởi: Vãng Lai - 13/08/2008

Khổng Tử bảo có chính danh mới yên phận vị. Lê Anh Hoài làm thơ viết văn chưa đâu vào đâu đã chạy ra đường làm "cột điện" vì anh ta chưa yên phận vị. Tại sao anh ta chưa yên phận vị? Vì anh ta chưa chính danh, chưa chính danh nên vừa làm nhà văn vừa làm "cột điện". Chỉ có nhà văn nhà thơ chưa ngộ ra điều này mới nhắng nhít làm trò cho thiên hạ cười. Bác Xuân Đức, anh Trần Đăng Khoa và nhiều nhà văn khác đã chính danh rồi nên không ra đường "múa may" (mượn chữ của Nguyễn Hòa). Nguyễn Hòa nói đúng nhưng đừng giễu người ta thì hay hơn.

  Gửi bởi: Mỗ - 13/08/2008

Chú Tễu làm vè hay. Bị Nguyễn Hòa cho xơi đòn mà Trần Đình Sử, Hà Minh Đức, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Chí Bền, Đoàn Hương đều im thin thít, à phải tính thêm cả Khổng Minh Dụ, Lê Mạnh Thát nữa, im thin thít hết. Nhưng Mỗ này chưa đồng tính với Chú Tễu ở câu "Mấy đời Hòa lại yêu thương văn đàn", nếu không yêu thương văn đàn thì ông sẽ không lôi các đồ dỏm ra phê phán, như thế là làm sạch văn đàn chứ. Chú Tễu có nghĩ thế không?

  Gửi bởi: Thân THơ - 13/08/2008

Xin mọi người cứ bình tĩnh. Mọi từ ngữ gai góc, dù là cái gai nhỏ, có khi chỉ mang lại ngứa ngáy, khó chịu thôi. Tôi đã chịu khó đi đọc lại các bài viết của cả hai phía. (Trên các trang web có khá nhiều...). Thí dụ:

“...nhà văn Nguyễn Quang Lập nhảy vào comment:
 “Bọ không thích tác phẩm " Tôi là cột điện" của chú mày vì nó ngộ nhưng không mới, mặc dù nó có ý nghĩa nâng cao dân trí- nhắc nhở văn hoá PR mới khai sinh ở nước ta chừng chục năm nay, chia sẻ sự vạ lây của những người ngay thẳng, muốn vô can nhưng không thoát nổi văn hóa tạp nham thời kinhtế thị trường bủa vây bốn phía cuộc đời, ý nghĩa thì ý nghĩa nhưng cũ thì vẫn cũ vì tây nó đã làm rồi.
 Khá khen LAH dám đưa nghệ thuật trình diễn ra đường phố, nhưng LAH quên mất đây là đường phố An Nam, ở đây bọn lưu manh văn hoá qua lại rất nhiều.

Nguyễn Hoà còn lấy búa đập công khai, thế là phúc, thế gọi là sự khốn nạn tử tế.
Sợ nhất bọn ném  đá dấu tay, chúng hoan hô ông sau đó nhổ nước bọt vào ông mà ông không biết, lại còn đi uống bia cụng ly với chúng nó. Ngay trong báo ông đó, không ở đâu xa.
...”
Nhân vô thập toàn. Mọi sự thận trọng rất cần ở cái xứ còn nhiều quái đản... và cũng đừng có đưa ra trò quái đản thêm nữa!


  Gửi bởi: Yêu Văn - 13/08/2008

Bác Thân Thơ à, không hiểu các bác khác thì thế nào, chứ em thì rất bình tĩnh, chuyện này thì có gì phải mất bình tĩnh đâu bác. Bác Xuân Đức bảo đây là việc đáng quan tâm của văn học, em mạo muội viết tham gia. Anh Nguyễn Quang Lập nhận xét như thế nào là việc của anh Nguyễn Quang Lập nếu bác có ý kiến thì bác viết ý kiến của bác ra cho bà con đọc với. Em đồng ý với bác là xứ này còn nhiều quái đản, nhưng bác không thể không đồng ý với em là xứ này không thể mở mày mở mặt bằng mấy trò quái đản, phải chỉ rõ quái đản để gạt nó sang một bên. Sáng nay em tìm được blog bupbebangbot của anh Lê Anh Hoài, em hình dung được anh ấy là người thế nào rồi, bác tìm đọc cái blog ấy xem nhé.

  Gửi bởi: Thân THơ - 13/08/2008

Hay thật. Thế là 'Thân Thơ' tôi lại giao lưu với 'Yêu văn', và trước hết tôi cũng xin tiết lộ rằng tôi cũng là người yêu văn, yêu thơ. Vậy ai làm thơ hay, viết văn hay là tôi đọc. Tôi đọc thấy không hay, tôi không đọc nữa, không phê bình, bàn luận gì cả. Rất đơn giản Bạn ạ (xưng Bạn cho phổ thông và tôi viết hoa chữ Bạn) . Đó là tôi.
Còn có những cái lạ đời, khác thường, thì cũng xem mà chấp nhận hay không chấp nhận.
Bạn thử nghĩ mà xem, thơ, văn, nghệ thuật ...là do con ngươì tạo ra. Nói nôm na nó là một món ăn tinh thần. Mà đã là món ăn thì thôi, không bàn cãi. Ở Nga có câu ngạn ngữ như thế: "về khẩu vị thì đừng bàn cãi". Ông Hoài ông ta tạo ra món đó. ÔNg ta không thể chê nó được. Còn ông Hoà, không tiêu hoá được thì ông ta chê, ông ta khạc, hay làm gì thì khỏi nói. Tôi nói bình tĩnh là có ý xem xét theo cái lý như tôi giải bày đó.
Bạn nghĩ sao, khi người ăn chay mà ta mời họ món thịt cho hôông!!!!!
Ngược lại, người Việt ta mà được mời món xup thịt cừu kiểu Trung Á.
ỐI giời ơi, không ăn và im lặng là vì lịch sự thôi.
Vui vậy nhá.
Có gì không ưng ý, thì cứ coi THân Thơ tôi xào nấu không ra gì, chứ không phải không tôn trọng một ai đó.


  Gửi bởi: Nguyễn Văn Thọ - 14/08/2008

Tôi ở Châu Aauu đủ một phần ba đời người. Ra đường va đập, cả khi tôi lầm tuyết hè dường thấy người ta cũng như anh Hòa hôm nay trình diễn Nghệ thuật đường phố. Nhiều ý kiến ở đây là biểu hiện tự do nhận thức, dân chủ đa luận. Có như thế mới bội sinh, phát triển. Nhưng nếu bổ bảng anh Hoài ôi cho là thiếu công bằng.
Mỗi loại hifng nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng của nó. Trong quá trình phát triển của mỗi loại hình nghệ thuật đều từ thấp lên cao và có thành có bại ở mỗi cá nhân và mồi loại hình nghệ thuật. Lê đ Đạt từng nói Cách tân phải trả giá. Ở đây tôi suy ra, nghệ sì thực hiện các hình nghệ thuật mới và lạ cũng phải trả giá.
Nghệ thuật trình diễn ở ta học từ nước ngoài. Ít nhiều nó cũng làm hoạt động của các loại hình đa dạng và phong phú hơn và có buổi trình diễn hay , dở là tất nhiên vì nó phụ thuộc vào tài năng của từng cá nhân trong quá trình sang tác mọt kịch bản trình diễn.
Nếu như trước đây, thơ các cụ viết ra chỉ ngâm xướng, rồi viết ra lá ra thân tre, rồi giấy..lại xướng họa thành đêm Thơ, rồi hát thành ca trù..chắc thủa ban đầu cũng có kẻ dị ứng vì ngay cả bây giờ tôi cũng thích đọcvăn bản thơ trên giấy hơn là ai đó cứ véo von đọc thơ bên tai tôi nhất là liên chi hồ điệp. Nhưng tôi ko bảo những người thích đọc thơ sang sảng là điên.
Buổi trình diễn của Hoafibeen Châu Âu không lạ. Nó phaafnnafo buộc cho người ta suy ngẫm ssau xa về một vấn đề nào đó tác giả gửi gấm. Và làm vui mặt phố hay sân khấu. Có gì đâu mà la lên như đỉa ophari vôi. Nếu mọt loại hifng nghệ thuật sinh ra hoặc học mót từ đâu cứ nên để nó xuất hiện.Còn thành hay bại , tiến lên, tồn tại hay không thuộc về không còn của nó.
Buooirtrifnh diễn của Hoài tôi đánh giá là dấn thân và dũng cảm. Bởi ở ta chưa có khong khí dân chủ Châu Âu, dám chấp nhận sự lạ. Hơi khác người tí là vu vạ cho anh Hoài điên, như thế là hẹp hồ và nông cạn.
Tôi ủng hộ Hoài khi mà ở nghìa đen, cây cột đèn thật buồn. Nếu nó biết nói như con người nó sẽ cất tiếng. Nhưng noscaam lặng như người nghjeej sì dấn thân đứng im bên lề đường để tự do sơn phết, tự do đái...phun chất phế thario bia cỏ , bia hơi...
Còn u suyluaajn nữa, cái cột đèn vốn thẳng tắp, bọn ngụy nghệ thuật nhan nhản ngoài đường và chúng uốn lưỡi...
Ở Châu Âu, cảnh sat không xua đuổi các nghệ nhân trình diễn nghệ thujaajt trình diễn ngoài trời, công chúng người lướt qua không thèm xem, nhưng có người đứng lại, trầm tư. Dù thái độ ra sao họ licj sự hơn là không bỉ thử người nghệ sì đang tìm tòi ngôn ngữ và lao động chứ không lười nhác.
Xin các chư vị anh hùng, giang hồ rộng lòng chớ nên  vội va vung đao kiếm sawjcmufi tử khí... cho nước ta có cơ phát triển đa sắc đa diện. Ko ai chết cả đâu .


  Gửi bởi: Chú Tễu - 14/08/2008

Ô hô "làm sạch văn đàn"
Ngổn ngang khắp chốn chỉ toàn tử thi
Tễu em thôi, chẳng nói chi
Kẻo bác đao phủ lại đì chết tươi


  Gửi bởi: Thân THơ - 14/08/2008

Co thêm cổng gì đâu hả Bác. Có thể do chưa quen, Bác thông cảm, chứ không phải thất lễ đâu.

  Gửi bởi: Xuân Đức - 14/08/2008

Có đấy. Ông nên hỏi Adim xem. Lúc đầu vào thì không cần đăng nhập mât khẩu, nhưng chiều nay vào muốn comment no hỏi mật khẩu. Chỉ có tôi vào được còn ông Tiên chịu. Tôi đã nhắn được nhưng lại không mở ra xem hiển thị được. Ông nên bảo với Adim bỏ rào ấy đi.

  Gửi bởi: Xuân Đức - 14/08/2008

Ông Thân Thơ ơi, ông thử trả lời một câu ngay trên trang của ông mà tôi vừa nhắn xem sao ?

  Gửi bởi: Thân Thơ - 15/08/2008

Tôi đã đảo lại các khoản, xem có lỗi đâu không. Đúng là có 4 lời nhắn, tôi trả lời cả mà. Thấy có lạ là ở chổ ghi góp ý, hỏi tên bạn là gì thì lại thấy: Than tho"đã đăng nhập", mà trước không có. Vâng, để hỏi lại Admin. xem.
Bác thông cảm, tôi không thất lễ đâu mà.


  Gửi bởi: họa sĩ ngô lực - 22/09/2008

đọc bài viết của ông nguyễn hòa và một số ý kiến tôi thật sự rất ngạc nhiên về những nhận định quá thấp về trình độ cảm nhận nghệ thuật của một số công chúng việt nam , quan trọng hơn khi đây là những nhà phê bình người mà làm cầu nối giữa tác phẩm và công chúng !ban đầu tôi định không tham gia diễn đàn nào hết vì tôi cảm thấy rằng đó là một chuyện thừa ! thừa vì đến giờ này khi mà nghệ thuật đương đại đã chứng minh sức mạnh va sự hâp dẫn của nó một cách đương nhiên của nhân loại , mà những nhà phê bình việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóa không hề hay biết gì vế nó ...phải chăng đó là một sự học nửa vời hay đây chỉ la một hành vi thiếu văn hóa và vô đạo đức??? tôi cho rắng tất cả những lý do đó là không thể nào chấp nhận được đối với một nhà phê  bình !!
tuy nhiên có tác phẩm là phải có phê bình ...nhưng trước khi phê bình điều gì mình cần phải nắm rõ điều đó , và phải thực sự nghiêm túc với những lời nói của mình , nếu khồng sẽ biến lời nói ấy thành những hành vi thiếu văn hóa , hoặc chẳng hay ho gì khi để lộ ra cái sự dốt nát của mình , có chăng cũng chỉ lừa đươc một số kẻ ngu dốt a dua tung hô !! tôi nói điều này ngay cả bản thân tôi nếu không nghiêm túc cũng không ngoại lệ ,,
 mọi vấn đề cụ thể tôi sẽ mời mọi người đọc và tìm hiểu vào một ngày gần nhất , còn bây giờ tôi sẽ copy một bài nghiên cứu sơ lược (chưa hoàn toàn đầy đủ và có một số vấn đề là cam nhận cá nhân , nhưng hy vong qua nhưng vấn đề sơ khảo này moi người sẽ có một cách nhìn nhận khác về tác phẩm của lê anh hoài và có những ý kiến sát thực hơn !!
VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ NTDD
theo từ điển Đương Đại có nghĩa là những gì đang diễn ra ở trong hiện tại, cũng có thể hiểu theo nghĩa của sự cách tân và phát triển đây là vấn đề cũng gây nhiều tranh cãi ( theo một số nhà phê bình nhận định)

-Những nghệ sĩ đương đại đã đặt ra một cách nhìn mới về sự vật, hiện tượng và một khuynh hướng sáng tác mới ,đó là nghệ thuật thị giác, các nghệ sĩ đi theo khuynh hướng này gọi là nghệ sĩ thị giác

-Quan điểm về chất liệu và tư tưởng :

Nghệ sĩ thị giác lại đặt vấn đề về cái nhìn, những gì nhìn thấy trước mắt là chất liệu thực tại và chất liệu có tính biểu cảm cao nhất,bản thân nó vốn đã đẹp và đầy sức biểu cảm. Gĩư nguyên sự vốn có của nó hoặc tác động vào nó ,để dùng cho ngôn ngữ biểu đạt của mình, điều này thể hiện rất rõ trong nghệ thuật sắp đặt (chất liệu, động vật, thực vật, con người v.v..)chính là chất liệu của tự nhiên , nên phải chịu sự tác động chi phối của môi trường , hoàn cảnh , có nghĩa là sự biến đổi của hình thái , chất liệu cả vềtư tưởng nên tác phẩm không bao giờ dừng lại, và đóng khung một chỗ , hình thức đưa vào bảo tàng rất khó, vì sự biến đổi của nó chỉ dựa trên tự nhiên .( thay đổi theo từng ngày, từng giờ ), khiến người nghệ sỹ cũng không kiểm soát được tác phẩm của mình. Có người còn cho rằng đây là nghệ thuật phù du ()
Các nghệ sỹ đương đại dung chứa trên những quy luật của tự nhiên,, .dựa vào quy luật của tự nhiên để sáng tác ,để tồn tại những ý niệm những cảm xúc của họ và ý tưởng của họ

Cũng có thể nghệ sĩ sẽ tạo ra một hình tượng khác bằng cách là vẽ hoặc chụp hình hoặc mô hình, quay phim... nhưng không quan điểm theo cách nhìn về bố cục, màu sắc theo ngôn ngữ giá vẽ về mặt thẫm mỹ ,mà tất cả những gì thể hiện trên bức tranh, hoặc bức ảnh chụp chỉ để cho người xem hiểu được ý đồ, thông điệp của tác giả đem lại một cách tốt nhất (hinh )

Những gì mà nghệ sỹ thị giác đem lại là sự vận động của hình ảnh về nhân sinh quan , sự biến đổi về tư duy , cảm xúc của từng thời điểm, mỗi con người khác nhau công chúng khác nhau ,đều hiểukhác nhau và cảm nhận khác nhau .(tư duy mở)tác phẩm không giới han một cách hiểu và nó như một cỗ máy sản xuất thông địêp ..


Quá trình để thể hiện hình thành lên tác phẩm cũng là một điều không kém phần quan trọng cho nghệ sỹ đương đại , quá trình dẫn đến tác phẩm có khi còn quan trọng hơn là tác phẩm hiện tại, , (.tác phẩm đừng lãng phí của songdong hàn quốc)
Trong trong tác phẩm đương đại , con người cũng là một chất liệu quan trọng cả về tư duy cũng như hình ảnh hoặc cảm xúc , sự vận động của con người dựa trên bối cảnh và cảm xúc hiện tại, sẽ tạo lên muôn ngàn vô số những thông điệp , con người là một tổng hoà của ý thức , tư duy và hình ảnh để tạo lên những thông điệp khác nhau , con người có thể dẫn dắt những ý niệm của công chúng , con người với hình ảnh vận động đa chiều về cảm xúc có thể tạo ra nhiều những thông điệp mà nghệ sỹ muốn nói với công chúng ,(điều này thể hiện rất rõ ở nghệ thuật trình diễn )
.
Ngoài ra những tác giả suy nghĩ theo cách nhìđương đại đã xoá bỏ tất cả mọi ranh giới giữa quá khứ, hiện tại , giữa tác giả, tác phẩm , mọi hành vi của công chúng tác động cũng là sự cộng hưởng cho tác phẩm phát triển Tất cả đều có thể làm chất liệu sáng tác đều là thành phần cho tác phẩm.(xem hinh )Người nghệ sỹ chỉ đóng vai trò khơi gợi chứ không quyết định , sự kết thúc của tác phẩm cũng như sự thành công của tác phẩm .

Nghệ thuật thị giác không liên quan gì đến nghệ thuật giá vẽ , chỉ có duy nhất là sử dụng thị giác để giải quyết vấn đề, cách đặt vấn đề về thị giác hoàn toàn khác so với cách nhìn của nghệ thụât tạo hình ‘.thị giác ‘ở đây được hiểu theo cách là những gì được nhìn thấy, hoặc những gì đươc suy nghĩ thông qua cái nhìn , không quan điểm đẹp xấu theo tư duy mỹ học của nghệ thuật giá vẽ
không đặt nặng về quan điểm hay cách thể hiện , tất cả những gì liên quan đến bố cục , màu sắc chỉ để giải quyết vấn đề về ý niệm,về những thông điêp mà nghệ sỹ đem lại chính vì điều đó , nghệ thuật thị giác. không quan trọng người đó là hoạ sĩ được đào tạo theo lối vẽ hàn lâm .Vì trong thành phần đó tất cả mọi người có một cách nhìn riêng để tham gia , ( tất nhiên là hoạ sĩ thì có tư duy về sự nhìn nhận tốt hơn về thị giác ) và trong hình thức nghệ thuật thị giác , trong đó có nhiếp ảnh gia , nhà văn ,kiến trúc sư, nói chung là những nhà tư tưởng có nhu cầu diễn tả tư tưởng và ý niệm của mình thông qua thị giác , thông qua sự biến đổi của hình ảnh và cấu trúc cuộc sống .
Nghệ sĩ thị giác có thể , và sử dụng loại hình nghệ thuật khác đểlàm chất liệu cho tác phẩm của mình không giới han những ý tưởng táo bạo theo một dạngngôn ngữ có thể nói cách khác là môt ngôn ngữ tổng hợp .(âm thanh lời văn , chữ viết thậm chí là sáng tác với máy tính …)

Nghệ sĩ đương đại tạo ra tác phẩm,tạo ra một văn cảnh, để mọi người đi vào đó và tương tác với tác phẩm ,và tự sản sinh ra nhưng thông điệp .vậy nên tính cộng đồng rất cao và từ bản chất cộng đồng này có nhiều nghệ sĩ không làm tác phẩm . mà những dự án nghệ thuật cộng đồng của họ là tác phẩm của họ (vidu)

Nghệ sĩ đương đại có thể tạo ra những không gian phá cách ,mời mọi người đến tham dự hoăc tạo ra một cuộc chơi để mọi người cùng tương tác .và chính sự tương tác đó cũng có thể là một tác phẩm lớn hay một dự án nghệ thuật ..từ đó không quan điểm theo cái tôi cá nhân, mà đôi khi hoạt động như một nhà hoạt động xã hội bằng những tác động thị giác và những hành vi của mình .
và để kết bài tôi mượn đoạn trích của ông nguyễn hòa tôi cho rằng ông nói rất hay nhưng tôi tin chắc rằng ông ta không bao giờ biết   được những  điều bình thường mà một hoc sinh câp một của nước ngoai đã đọc ...nhưng thực sự chỉ là cái vỏ múa mep khua môi chứ chẳng hiểu biết gì
Sáng tạo mới luôn gắn liền với nhận thức mới. Nói cách khác, một sản phẩm do con người làm ra chỉ được coi là mới khi ra đời như là kết quả của nhận thức mới, đáp ứng trực tiếp, cụ thể các yêu cầu bức thiết của cuộc sống.
Mà muốn có nhận thức mới thì không có cách nào khác, con người dấn thân vào thực tiễn, phải học, phải đọc, phải suy nghĩ, phải tự tạo lập khả năng nhận diện một cách bản chất về những biến động của lịch sử, của thế giới tinh thần xã hội - con người; đắm mình vào đó mà tìm ra những xác tín tư tưởng - thẩm mỹ, để rồi, như diễn đạt của Nguyễn Huy Thiệp thì, "thoát thành bướm và hoa".


  Gửi bởi: Ryu.97 - 20/05/2009

Nhà văn ngồi bàn giấy thì kinh nghiệm sống sẽ như thế nào nhỉ? Tôi thích đọc những mẫu chuyện sinh động và logic, do đó việc nhà văn có nhiững ý tưởng lạ sẽ đem lại cái sinh động trong văn phong,thể hiện sống động hơn qua nghệ thuật đương đại, cứ trói buộc ý nghĩ cổ hủ văn chương là phải gắn với bàn giấy thì những ý tưởng chui ra từ bàn àh? Nếu người dân sống văn minh hơn thì chắc chú nhà văn đã đóng vai nhà phê bình cổ hủ rồi.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan