Saturday, October 3, 2015

CỬA GIÓ - Tập II - Chương 38 & 39


Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG BA MƯƠI TÁM 

Trong toàn bộ phương án tác chiến mà Lợi trình bày trước hội nghị quân chính, có một điểm không sát với thực tế. Hay nói cho chính xác là chỉ đúng với thực tế nửa tháng về trước thôi. Còn bây giờ căn nhà lợp tôn ấy không phải chỉ có Hoan với Tá.Thì ai mà ngờ được sự thể lại xoay vần như thế!
Trước hết hãy nói đến chuyện đứa con trai đầu lòng của đôi vợ chồng ấy. Tá đặt cho nó các tên khá bình dị: Bình. Có người đoán tên ấy hàm chỉ một chiến tích trong công tác bình định của bố. Có người cho rằng đấy là khao khát muốn nhanh chống kết thúc chiến cuộc để được hưởng hạnh phúc trong hòa bình. ý kiến ấy căn cứ vào tâm tính của Tá, con người luôn thở ra nnhững nổi chán chường vì chiến tranh, con người nhiều lần và ở nhiều chỗ đã nhắc đi nhắc lại nguyện vọng của mình, từ bỏ con dao mổ xẻ trong quân lực để chọn cái nghề " tái thiết nông thôn ".
Lời bình phẩm thì nhiều nhưng rốt cuộc người ta thừa nhận hay nhất vẫn là của ông thầy bói dưới Đông Hà, một hôm được Tá đích thân mời lên vùng này hành nghề. Theo ông ta, trong căn nhà này có một sự mất thăng bằng giữa âm với dương. Bà Xướng là mệnh Thuỷ, Hoan mệnh Mộc, Tá mệnh Hỏa. Thủy dưỡng Mộc, cho nên mẹ Xướng sống với Hoan là hợp. Mộc sinh hỏa thì Hoan lấy Tá quá hay rồi. Chỉ ngặt vì Thủy khắc với Hỏa nên từ khi Tá về nhà này mẹ vợ với con rễ đâm ra trái ý nhau. May thay đứa bé ra đời trúng vào mệnh kim. Kim sinh thủy, chắc chắn mẹ Xướng sẽ hết cơn lận đận !...
Đa phần trong ấp tin vào lời tiên đoán ấy. Họ có ý chờ xem. Đứa bé càng lớn càng khỏe. Cái mắt, cái trán giống bố. Hai má và cằm giống mẹ. Đẻ ra là bú liền, mười lăm ngày đòi ăn cháo. Hai tháng rưỡi đã biết lẫy. Hơn chín tháng đã chập chững biết đi.

Biết đi đã nhanh, biết nói càng nhanh hơn. Tiếng đầu tiên là "ba". "Ba" qua "bà" thì chẳng mấy chốc. Rồi "bà ơi" trở thành câu đầu môi của bé.

Lúc thằng Bình gọi "bà ơi" một mình ở trong căn nhà lợp tôn ấy, thì trên nhà người dì của mẹ nó, bà Xướng cũng thui thủi một mình. Bà thèm nghe một tiếng ai đó gọi.

Nhưng có còn ai nữa mà gọi bà. Người dì suốt ngày ngồi dọn hàng trên chợ. Hai đứa con của dì mỗi đứa một phương, họa hoằn lắm mới ghé về thăm. Từ ngày con Hoan lấy Tá, làng xóm cũng không ai dám đến với bà. Tuy vậy thời gian đầu bà vẫn tin, vẫn chờ, vẫn hy vọng. Niềm hy vọng gửi về nơi nguồn sông, sau kín trong những khoảng rừng. May ra cách mạng vẫn lượng thứ cho bà, tìm đến, nếu được như vậy thì tuổi già cũng đỡ phần heo hút. Nhưng lạ quá, suốt thời gian đấy không hề có tiếng gõ cửa. ừ , mà ai dám gõ cửa nhà người dì kia chứ. Chẳng còn cánh nào để nối lại với "xanh". Giữa lúc cô đơn như vậy lại xảy ra cuộc chạm trán với Lợi. Sau lần đó bà hoàn toàn thất vọng. Nỗi thất vọng lắng lại thành nỗi buồn. Nỗi buồn chìm sâu xuống đáy lòng làm khuấy lên những lời oán trách. Oán trách cái gì đó không rõ rệt. Có lẽ là số kiếp. Chỉ biết rằng khi bắt đầu có những lời oán trách thì đồng thời người ta hay đòi hỏi. Tại sao mình lại đơn chiếc vậy? Tại sao cuộc đời lại nỡ tâm cô lập một kẻ suốt đời dâng hiến quên thân?

Đúng lúc ấy thì Hoan đến.

Dĩ nhiên mẹ Xướng không vì nỗi niềm của mình mà vội dung thứ cho đứa con bội bạc. Mẹ không thèm nhìn kỹ mặt Hoan, không thèm nghe nó hỏi. Thà cô đơn còn hơn nhục nhã thân danh.

Nhưng Hoan vẫn cứ đến. Lý do vì đứa bé cứ suốt ngày gọi bà. Thà đem nó đến cho nó thấy bà. Bà đấy, ngồi kia, bà đang giận mẹ nó... Con lại với bà đi!...

Giá mà đứa bé chưa biết đi và đừng bao giờ biết đi cả thì có lẽ câu chuyện cũng chẳng có gì thay đổi. Đằng này cu Bình là đứa khỏe chân khoẻ tay. Nó vươn người ra, nó doãi chân ra, nó bước. Trời ơi! nó bước trong mới thương làm sao! Mẹ nó đứng đằng xa vỗ tay khích lệ:

- Kêu bà đi! Đến với bà đi! Giỏi lắm! Hoan hô!...

Cu Bình cứ vương tay ra phía trước, chân chực chạy. Nhưng nó chạy thế quái nào được. Hình như nó mỏi lắm rồi. Nó bất lực. Nó mếu máo "B...à" Và nó ngã.

Mẹ Xướng bật dậy, lao đến. Mẹ ôm lấy cháu, giọng nghẹn lại:

- Ôi!... ôi... Tội chưa?... Tội quá hè!...

Quả là tội thật. Mẹ vừa ôm lấy cháu vừa giận cho mình. Có người bà nào lại nỡ ghét bỏ cháu? ừ, mẹ nó có lỗi thì trách mẹ nó, trách không được thì từ đi cũng không đáng. Còn nó có tội gì? Dù răng nó vẫn là cháu. ờ... cháu... cháu của bà... đừng khóc nữa nghe, bà đây, bà bế cháu!...

Hóa ra ông thầy tử vi lại đoán trúng!

Từ đó ngày vài lần, cu Bình lại lên với bà. Rõ ràng mẹ Xướng có vui hơn. ít ra cái khoảng trống vắng trong lòng bà cũng đang dần dần được bồi đắp. Chiều nào cu Bình lên muộn là bà trông. Bà thấy nhớ quá! Bà thấy thương nhiều. Thương cháu nên cũng dịu bớt sự bực bõ với con. ừ, nếu bực với nó, nó không đưa thằng Bình lên chơi nữa, buồn biết mấy. Mà thôi, nghĩ cho cùng Hoan cũng chỉ là đứa con gái đáng thương. Giận nó mấy năm liền cũng hả rồi. Lòng già có trời phật chứng giám. Mẹ nào mẹ chẳng thương con...

Thế là bà Xướng thôi không hằn học nhìn Hoan nữa. Bà ôm cháu vào lòng rồi hỏi han con. Dĩ nhiên là bà cố tình không nhắc đến Tá. Hoan cũng hiểu vậy. Chị sung sướng không kể xiết. Ngày hai lần, rồi ba bốn lần, chị dắt con lên với bà. Chao ôi là chuyện, bao nhiêu nông nỗi trút ra, bao nhiêu tủi hờn vợi sạch. Mẹ con, bà cháu lại rúc rích, thì thầm...

Rồi Tá đến, Tá thưa mẹ một câu rồi gọi Hoan đưa con về ăn cơm kẻo nguội. Bà Xướng lặng buồn. Nhưng không sao, nó về rồi mai nó lại lên thôi. Ngày hôm sau Tá lại lên. Anh cười từ ngoài ngõ. Cu Bình thấy bà liền giẫy giẫy khỏi tay bà. Không đợi cho con chạy lại, Tá đến ngay.

- Nào... Bình chơi với ai đó? Hí?

- Chơi với... bà...

- Rứa à? Rứa chừ ở với bà hay về với ba nào?

- Bà... ba...

Cả nhà phá lên cười. Cu Bình thích chí nhún nhẩy. Một tay nắm lấy bà, một tay nắm lấy ba, hai chân nó cứ thòi thòi, mồm liến thoắng:

- Bà... ba. Bà... ba.

Mẹ Xướng vỗ yêu vào đít nó.

- Mày về với ba mày đi. Tao không cần...

- Hứ hừ... ở với bà...

- Không. Không cho ở nữa.

- Hứ hừ...

Nó giẫm đành đạch hai chân, mồm mếu máo. Mẹ Xướng làm ra vẻ mặt giận không thèm nhìn nó. Nó khóc òa lên:

- Bà ơi!... Bà...

Thế là bà đàch chịu thua. Bà phải bế nó, phải xin xỏ:

- ờ thôi... bà hư hè... Tội quá, cháu ở với bà...

Cu Bình không khóc nữa nhưng vòng hai tay ôm riết lấy cổ bà. Tá cố dỗ dành cũng không sao bế được. Hoan cũng bất lực. Hai vợ chồng nhìn nhau cười. Cuối cùng Hoan đành chịu thua.

- Thôi... mẹ con ở đó với bà...

Nói xong anh quay về liền. Chỉ một lát sau Tá lễ mễ bưng lên một soong cháo gà. Vừa mới soạn ra cu Bình đã reo ầm lên:

- Gà... gà... Con ăn gà...

- Được rồi... Con phải mời bà ăn thì con mới được ăn.

Cu Bình quay lại:

- Bà ăn gà đi bà!...

Mẹ Xướng lắc đầu:

- Cháu ăn đi. Bà không ăn đâu.

- Hứ hừ... bà ăn đi!... Bà!...

Mặt nó xịu xuống. Coi chừng nó lại òa lên nữa cũng nên. Hoan lập tức ấn bát cháo vào tay mẹ:

- Mạ ăn đi với cháu một tý... Nó khóc đó...

Cực chẳng đã, mẹ Xướng phải bê bát cháo lên. Cu Bình thích quá chụp lấy thìa.

- Cháu thi với bà hí? Bà ăn đi!...

- ừ, cháu ăn đi.

- ứ, bà ăn đi!

Cứ thế, một già, một con nít mời mọc nhau. Mắt Hoan long lanh niềm hạnh phúc. Còn Tá thì mỉm cười. Anh vốn là con người kín đáo. Chắc hẳn niềm vui đang lặn sâu xuống đáy lòng.

Cả ấp không mấy ai để mắt đến những chuyện cỏn con như vậy. Vì thế họ có phần sửng sốt khi một buổi chiều nọ, thấy Tá đi trước ôm một bọc quần áo, Hoan đi sau xách hai chiếc túi, còn mẹ Xướng thì cầm lấy tay cu Bình đi như lần từng bước. Đoàn người chậm rãi tiến về căn nhà lợp tôn ở phía trung tâm ấp An Nha...

Người ta thở ra một tiếng rồi chậc lưỡi:

- Cái ông tử vi dạo nọ nói quá hơn thần!

*

Cần nhắc lại điều này, Tá bây giờ không phải là Tá cái ngày mới về ấp nữa mà là ông Liên đoàn trưởng có quyền thế khắp cả một vùng. Tuy vậy, trẻ con ở ấp An Nha vẫn thấy chú Tá hầu như không có cái gì thay đổi. Vẫn hay cười, hay nghịch với trẻ con và đương nhiên là vẫn hay cho kẹo bột. Cả đến khuôn mặt cũng không thay đổi. Tá như đứng nguyên giữa vấn cuộc thời gian. Anh không trẻ ra như sắc thái của kẻ hồi xuân, cũng không già đi như thần khí của kẻ đang bước về cõi chết. Bộ mặt cứ nguyên xi như đúc sẵn, hàm râu quai nón bao giờ cũng cạo nhẵn như mài.

Chỉ riêng có Hoan, con người đã gắn liền da thịt với Tá mới nhận thấy những biến đổi trong con người anh.

Trước hết dạo này Tá thức rất khuya và hút nhiều thuốc lá. Nhiều đêm Hoan đang ngủ say bỗng choàng dậy. Một bóng người ngồi im lìm phía cuối chiếc bàn, ngọn đèn tỏa đăng vặn nhỏ bấc. ánh sáng vừa đủ hắt một vùng nhợt nhạt. Đôi mắt anh khép lim dim, khói thuốc lá cuộn lờ vờ bọc quanh khuôn mặt. Trông Tá lúc ấy giống như một thầy phù thủy đang làm phép. Hoan kêu lên, run run:

- Ngủ đi!... Anh!...

Tá lờ đờ quay lại nhìn Hoan, không nói. Rồi anh uể oải đứng dậy đi về phía giường. Tá cúi xuống hôn vào môi Hoan. Mùi thuốc lá gây rờn rợn. Hoan nhắm nghiền mắt lại. Cả một khối lặng im nặng nhọc trấn áp, mài giữa lên cõi lòng cô. Tất cả chuyện ấy đều diễn ra trong cái màn sáng nhờ nhờ của ngọn đèn tụt bấc. Rồi Tá lại quay về phía chiếc bàn. Những cuộn khói cứ chập chờn quái dị.

- Anh... anh nghĩ chi vậy?

- Ngủ đi!

Đó là câu trả lời, câu an ủi và cũng là câu mệnh lệnh. Cái giác quan thứ sáu của người đàn bà báo cho Hoan biết rằng, hình như Tá đuổi theo một mối tình nào đó. Nghĩ vậy nên Hoan quay sấp mặt vào tường, thút thít...

Không. Giác quan thứ sáu đã báo lầm. Trong đầu Tá không hề vướng vất bóng dáng một người đàn bà nào khác. Anh không phải là người hám gái, không phải là kẻ vô thủy vô chung. Trái lại, con người anh là một boong-ke cực kỳ kiên cố, bất luận hoàn cảnh nào cũng kiên trì cố thủ lấy những gì đã có: Cuộc sống, tình yêu và lý tưởng. Cũng chính vì lẽ đó mà thời gian gần đây Tá phải thức nhiều.

Với cương vị Liên đoàn trưởng, cộng thêm trí thông minh của riêng mình, Tá phải thấy hết được những biểu hiện không yên ổn đang ngày một vây chặt anh. Mặc dù đài Sài Gòn vẫn lải nhải tuyên bố cố thủ Khe Sanh, mặc cho vị đại tá cố vấn tư lệnh vùng chiến thuật 1 cứ vung tay thề thốt, song Tá vẫn nhận thấy rằng ngày một có thêm nhiều biểu hiện Khe Sanh sẽ vỡ: Khe Sanh vỡ thì trục đường Chín sẽ trở thành con dao của đối phương chọc thẳng vào Đông Hà. Dốc Miếu sẽ ra sao? Cồn Tiên sẽ ra sao? Những kh61i bê tông cốt sắt ấy mà đổ thì sá gì chút vôi cát vương vãi bên ngoài. Làng Nam Đông, Nam Tây, ấp An Nha, An Hướng... Hơn ai hết Ta hiểu rõ thế đứng của mình. Phòng tuyến Mắc na ma ra mà bị chặt bung thìnhững làng giáp ranh này chắc chắn sẽ thuộc về phía họ.

Khói thuốc lá vẫn quấn dày trên mặt Tá. Bên ngoài loạc xoạc tiếng tàu lá chuối khô cọ mình trong gió. Bất giác Tá thấy rờn rợn. Hình như có chân ai đang rón rén sau nhà? Anh chụp vội khẩu con Mỹ, áp nhẹ người vào cửa. Không gian vẫn lặng ngắt. ấp An Nha đang ngủ. Giấc ngủ coi vẻ bình yên. Lạ thật, từ cái ngày ấp này được đánh giá là trọng điểm điển hình của công tác bình định thì chính anh, con người thực thi công việc ấy, đã làm nên công trạng ấy, lại thấy hồ nghi tất cả. Anh hồ nghi cả căn nhà trung tâm ấp của mình. Hồ nghi cả trung đội bảo an đứng gác chung quanh. Hồ nghi cả lão xã trưởng tận tụy và mẫn cán như một con chó.

Với tất cả sự hồ nghi đó. Tá lăm lăm khẩu súng trong tay lách nhẹ ra phía ngoài. Đêm sáng lờ mờ. Gió quật bốn phía. Tá căng mắt nhìn ra cổng. Rồi thoắt một cái, anh lẫn vào bờ chuối trước mặt chuồng heo. Có tiếng loạc xoạc phía lùm mía, Tá khom người như một con mèo rón rén tiến về phía ấy. Trước mặt là gốc ngô đồng nơi anh đã cho lính phục kích bắn chết một Việt cộng. Bây giờ hoàn toàn yên tĩnh. Nhưng sao trong cái tĩnh mịch kia, Tá vẫn cảm thấy thấp thoáng một cái gì đó. Anh nín thở ngồi rình. Bỗng Tá nghe có tiếng loạc xoạc phía sau, Tá vùng người quay phắt lại.

- Ối!...

Tiếng kêu bật ra. Tá nằm bẹp xuống. Phát súng nổ, ấp An Nha đột ngột giật mình. Một người nằm ngữa sóng xoài trước mặt Tá. Anh lao lên, dí súng vào bụng:

- Ai?...

- Ối... Trời ơi!...

Tá sững người. Rồi sau một giây lặng đi, anh chồm lên, vục tay xuống xốc mạnh cái xác thịt ấy lên.

- Hoan? Hoan? Em làm sao không? Hả?...

Người Hoan run như con thằn lằn bị đứt đuôi. Vất vả lắm Tá mới vực chị vào được trong nhà. Mẹ Xướng cũng hốt hoảng vùng dậy. Ngọn đèn được vặn cao lên.

Mặt Hoan xanh như một tàu lá chuối. Cả Tá lẫn mẹ đều xúm lại sờ, xoa khắp người Hoan. Không hề thấy vết máu. Thực ra Hoan đã ngã khụy xuống trước khi Tá nổ súng. Cô rủn người vì sợ chứ không phải vì bị thương.

Tiếng súng nổ dậy ran cả ấp. Lính bảo an chạy rầm rập. Chó sủa náo động. Tá ngồi lặng một lúc rất lâu, rồi quay lại nhì Hoan. Tiếng anh rít trong cổ:

- Hoan! Cô ra vườn làm gì? Cô tìm ai? Nói đi!

Nhưng Hoan vẫn chưa hoàn hồn. Chị nằm duỗi người gối lên mẹ Xướng mà thở. Chị không thể nào nhớ ra, cũng không sao cắt nghĩa được mình ra vườn làm gì. Có lẽ tại cái giác quan thứ sau. Nhìn thấy bóng Tá thoắt biến ra cửa, chị cứ nghĩ rằng mình đã bị rơi.

*

Đã đến lúc không chỉ có bộ óc của Tá linh cảm thấy rằng mặt trận Kha Sanh sắp vỡ. Bắt đầu là câu chuyện xầm xì đồn đại từ những tốp lính tiếp vụ ngồi lê la các quán nước ngọt như bệnh dịch lây làn vào các ấp. Rồi từng phái đoàn cố vấn ngồi trên xe bọc thép lao vùn vụt về phía Đầu Mầu, lại nhớn nhác nhào trở về Dốc Miếu. Bộ chỉ huy............... viện bao gồm một sư đoàn Mỹ và hai sư đoàn cộng hòa đang đóng ở trên đèo Cùa bỗng một đêm có lệnh chuyển xuống Tân Lâm. Rồi nguồn tin từ trong Huế lan ra. Có cả tin từ Sài Gòn vọng tới nữa. Một làn gió xao xác cuộn lên khắp trục đường Chín. Xã trưởng mặt cắt không còn hột máu. Lính bảo an lén lút cất giữ truyền đơn của ta. Những đội viên của đoàn "tái thiết nông thôn" thì vun vén đồ đạc. Bình thản nhất có lẽ là dân thường Họ vẫn lầm lì câm lặng. Bao nhiêu sự tráo trở, xoay vần của thế cuộc đã tạo nên một bộ mặt thờ ơ, lãnh đạm của dân. Tuy vậy, với con mắt sắc sảo Tá vẫn nhận ra một ngọn lửa đang âm ỉ như ngòi dây cháy chậm trong ấp. Sự lãnh đạm chỉ là dáng vẻ bề ngoài. Lửa đang tiến dần vào kíp nổ.

Trong tất cả những người quan tâm đến thời cuộc thì xốn xang gan ruột nhất có lẽ là mẹ Xướng.

Từ ngày ôm khăn gối về ở cùng với con rể, mẹ đã giết đi cái phần hy vọng trong cõi lòng già. Mẹ sống trong một sự đầy đủ từ giường chăn cơm cháo đến thuốc bổ, trầu ngon. Mẹ không còn phải mó tay vào việc nhà, việc cửa, không lao đao ngược xuôi tất bật đò chợ, không nghe lời ca thán, cũng chẳng biết đến sự vật lộn của dân tình. Mẹ như người tu đắc đạo, bị cắt hết sự ràng buộc với phần đời, ngày đêm sống lửng lơ trong trạng thái vừa xa hoa, vừa lạnh lẽo. Cho đến khi cơn gió nóng của những dư luận từ đâu đó ùa đến, sự chộn rộn, nhớn nhác bất ngờ lây qua mẹ. Thoạt đầu mẹ như bị cảm sốt, người ngây ngây nóng. Rồi sắc mặt dần dần......................, tim đập vồi vội. Mẹ sợ. Mẹ linh cảm thấy rằng những đôi mắt khác thường, những dáng di đầy bí ẩn của hàng xóm xung quanh. Mẹ nhìn được cả cái cười gượng gạo, lời nói lắp bắp của xã trưởng, dân vệ trong ấp. Cuối cùng là những đêm thức trắng của người con rể. Tất cả bọn họ đều có chung một tâm trạng, tâm trạng của kẻ thí mạng ra khơi đang ngửi thấy cơn giông ập đến. Không ngờ trong đó có cả mẹ, dù thân mẹ chỉ là bọt bèo nhưng đã tự bám mình vào chiếc thuyền ọp ẹp ấy. Rứa là mẹ ngồi sững ra. Mẹ bàng hoàng. Ai có thể ngờ rằng mẹ với bọn kia lại chung thuyền chung lái? Vô lý! Nhưng mà có thật. Xót xa chưa!

Một buổi sáng, khi cả nhà ngồi quanh bên chiếc mâm cơm thì Tá bỗng cất tiếng nói một cách chậm rãi nhưng khúc chiết, chứng tỏ anh đã tốn rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm:

- Mạ và Hoan chuẩn bị vào trong Huế, một thời gian... Trong đó con đã chuẩn bị sẵn nhà cửa tử tế rồi. Mọi tiện nghi, vật dụng đều tiện lợi hơn đây...

Tá ngừng lại. Cả mẹ Xướng và Hoan đều không nói gì. Thực ra họ đã cảm thấy từ lâu việc này đã xảy đến.

- Tình hình vùng mình không được ổn lắm. Bọn Bắc Việt đang dồn sức lấn tới. Dĩ nhiên chúng sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu. Nhưng mà... rồi đây mọi sự đều có thể lộn xộn. Bà già, em gái nên tránh sớm đi - Tá khẽ thở dài - Với lại, ở cái đất mình ở đây cũng khổ lắm. Hạt lúa củ khoai làm ra đã cực, gàu nước que củi kiếm được cũng chẳng dễ dàng. Thêm nữa, điện đóm không có, cuộc sống thời chừ mà cứ heo hút như thế này thì cực lắm.

Tá còn nói thêm nhiều điều nữa. Hoan cúi đầu lặng lẽ ăn, thỉnh thoảng lại liếc nhìn mẹ. Mẹ Xướng chợt hiểu. Nghĩa là vợ chồng nó đã bàn bạc với nhau. Câu chuyện hôm nay thực chất chỉ dành nói riêng với mẹ. Mẹ Xướng gác ngang đôi đũa lên chiếc bát còn đầy cơm, chống gối đứng dậy. Mẹ lặng lẽ quay vào buồng. Một lát mẹ ra, miệng nhai chầm chậm một miếng trầu đỏ sẫm:

- Thế nào Tá ạ...

- Dạ?

- Việc thành vợ thành chồng tụi bây tao không kịp chuẩn bị, cũng chẳng có điều kiện lo lắng. Nhưng chừ đã thành gia thất vậy rồi thì âu cũng là trời sinh trời dưỡng. Mạ chỉ còn đôi bông này... mạ cho con Hoan chút vốn. Trăm sự thì vợ chồng dắt díu lấy nhau. Từ hôm ni, coi như mạ cho hai đứa ra ở riêng... Nếu thằng Tá lo liệu được cơ sở trong Huế rồi thì tốt. Đem nhau vô đó mà lập nghiệp. Chỉ cốt nhớ lấy điều tu nhân tích đức...

- Rứa mạ không đi?

- Không.

- Buồn cười thật. Mạ đã bỏ chúng con hai năm nay rồi, vừa mới nối lại với nhau chưa được mấy ngày, chừ lại quay về như cũ... chỉ tổ thiên hạ họ cười cho.

Mẹ Xướng nhổ toẹt nước trầu xuống sàn mà Tá vừa lát lại bằng gạch hoa ngoại, và nói:

- Trước khác, chừ khác chứ. Trước là tao giận tụi bay. Tao bỏ nhà này đi. Còn chừ, tao cho tụi bay ra ở riêng, cho tụi bay được tự do tính liệu lấy cơ nghiệp. Còn nhà tao, tao ở. Hai việc đó khác nhau chớ.

- à... - Tá cười nhếch mép - nghĩa là mạ đuổi chúng con? Hay hè...

Hoan vội đưa mắt cho chồng. Chị cảm thấy không chừng lại bùng nổ những lời la hét, cãi vã.. Nhưng Tá đã nhanh hơn:

- Thôi, vậy thì con và Hoan sẽ đi. Đi ngay tuần này, chúng con cho mạ hay, chúng con cũng xin nói trước một điều, tấm lòng con đối với mạ thế nào hẳn mạ phải biết. Cả cái ấp An Nha này ai cũng biết. Rồi sau này có chuyện chi đó xảy ra thì mạ cũng đừng oán trách bọn con bất hiếu. Nói thật, mạ trước đây là cơ sở trung kiên của Việt cộng. Hoan cũng vậy. Rứa mà mạ và Hoan vẫn được an toàn.. Cứ giả sử không có con thì chắc chắn không như thế. Nhưng rồi đây thì sao? Con nói không phải để dọa, bởi vì mối hiểm họa không phải từ phía Quốc gia gây ra đâu, mà từ bên kia sẽ ập đến.. Mạ đã là người của tuyến bên này rồi. Chừ mạ có đẩy bọn con đi, nhưng không thể đẩy mối quan hệ ấy ra khỏi đời mạ..

Thế là chấm dứt. Câu chuyện được kết cục như một ván bài lật ngửa. Mẹ Xướng chết lặng người. Còn Tá thì vẫn bình thản. Chao ôi, cái dáng vẻ bình thản , trên khuôn mặt dày thịt của anh răng mà lạnh lùng và độc ác đến vậy. Tá nói dừt khoát một tuần nữa sẽ đi. Một tuần trôi qua nặng nhọc. Ngày nào mẹ Xướng cũng lên nhà bà dì. Lần này không phải lên ở như trước mà chỉ coi giúp nhà thôi. Tối đến mẹ phải về nhà mình ngủ. Nhưng ít nhất cũng quá chín giờ đêm mới về. Thực lòng mẹ không muốn nhìn thấy nét mặt lạnh như thép của Tá. Mẹ sợ.

Rồi đến một đêm không hiểu là đêm thứ mấy trong cái tuần chờ đợi đằng đẵng ấy, mẹ Xướng chợt về nhà sớm hơn bình thường. Chẳng biết cái gì đã xui kiến mẹ như vậy. Mẹ đi lững thững dọc đường trục, đến gần bờ chuối mới đứng sững lại. Vào nhà lúc này thật không hay ho chút nào. mẹ nghĩ thế nên lặng lẽ quay ra bờ giếng.

Xóm thôn tĩnh lặng quá. Từ ngày Tá trở thành người chủ mảnh vườn này, cái giếng của mẹ bỗng trở nên lạnh lẽo. Chẳng ai dám gánh nước ở đây nữa. Mẹ Xướng phẳng phất thấy nỗi nhớ mơ hồ. Mẹ lần mò tìm đến khoảng không cỏ sữa. Cỏ tốt như một lùm cây. Lần vào gần giữa, mẹ cúi xuống cạy thử nắp hầm. Tất cả còn nguyên vẹn. Mẹ lại thở dài. Cũng đã lâu lâu, mẹ không còn mối lo thấp thỏm vì sợ chiếc hầm dài bị lộ. Nói cho đúng ra là chẳng còn có một điều gì cụ thể để lo lắng nữa. Ngày tháng trôi qua vô vị, nhạt nhẽo. Chừ lật được miệng hầm ra , ngửi thấy cái mùi đất ẩm mốc, mẹ bỗng thấy ruột chộn rộn. Cái mùi đưa lại cho nỗi nhớ của mẹ những ký ức xa thẳm với bao nhiêu gian truân cơ cực nhưng cũng chan chứa biết mấy kiêu hãnh, tự hào. Mẹ bần thần thả chân xuống miệng hầm rồi vịn tay lên bờ đất mà đi. Cứ thế mẹ đi, đi như lần về với kỷ niệm , đi như ngược lại với thời gian. Thằng Sáu bí thư... Thằng Tùng xã đội... Con Phương giao liên... Bác Khán chi ủy... Rồi thằng Vinh chủ lực người Tây Sơn, thằng Lợi lính địa phương người ngoài Bến Hải... Chao ôi, thằng Lợi, nó chết rồi lại sống, nó hiển thánh như ông Quan Công, nó là người cuối cùng cho mẹ thắp hương rồi giã từ cách mạng. Nghĩ đến đó, nước mặt mẹ lại chảy tràn..

Đột ngột mẹ dừng chân lại. Cái chi hè? Tiếng người. Rõ ràng có tiếng rì rầm vọng đến. Không lầm, không thể lầm. Tiếng nói dội đến từ phía đằng kia. Ai? Có ai ở dưới hầm này ngoài những người cách mạng? Hay là con Hoan vẫn còn bắt liên lạc? Lạy trời, nếu quả vậy thì con của mạ qúa giỏi. ừ, biết đâu. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh... Mẹ bỗng thấy hồi hộp lạ thường. Mẹ bước vội hơn. Bước mau hơn. Tiếng rì rầm rõ dần, rõ dần. Rồi thì mẹ nhận ra. Tiếng thằng Tá!

*

Đêm đó, cả nhà mẹ Xướng không ai ngủ được. Một cái gì đó không lành đang buông xuống đè nặng mái tôn. Gà gáy giấc đầu, mẹ Xướng nghe có tiếng bước chân đi khẽ lại phía mình. Rồi tiếng gọi:

- Mạ!... Mạ!...

Tá vừa gọi vừa cúi sát xuống chiếc giường của mẹ Xướng. Gọi đến tiếng thứ ba mới nghe mẹ ú ớ hỏi?

- Há?... Chi rứa?...

- Không, mạ chưa ngủ được đâu. Đừng giả vờ với con nữa...

Mẹ Xướng tỉnh hẳn lại. Đúng ra mẹ giả vờ tỉnh hẳn. Giọng mẹ run run:

- Cái... chi?

- Con muốn nói chuyện với mạ...

Ngừng lặng một lát. Tá cố lấy giọng thật bình thường:

- Con muốn biết lúc tối mạ xuống hầm làm chi?

- Hầm của tao thì tao xuống tao lên chi mà chẳng được... chả lẽ phải xin phép mày à.

- Không. Con không muốn nói ý đó. Con chỉ muốn hiểu vào lúc ấy mạ nghĩ gì mà xuống chỗ ấy?

- Mày hỏi cung tao à?

- Mạ đừng nóng. Dù sao mạ cũng bắt gặp bọn con ngồi đó. Và việc phát giác ra mạ có cả ông Liên đoàn phó, ông xã trưởng, ông chánh an ninh... Con chỉ muốn yên ổn cho mạ.

Mẹ Xướng trở mình quay mặt vào vách giọng uể oải:

- Các ông ấy định làm chi tôi? Bỏ tù à?

- Cái đó con không biết được.

- Hừ, chẳng phải ở chỗ đó anh là người có quyền cao hơn cả?

- Dạ đúng rồi. Vì thế con muốn biết rõ sự thực để rồi liệu kế xoay xở.

Dù sao mẹ cũng nghe hết nội dung cuộc bàn luận...

- Không. Tao chẳng nghe thấy chi hết. Tao vừa đi lại thì tụi bay đã nom thấy...

Tá cười nhạt:

- Mạ nói vậy với con mà làm gì? Con muốn mạ không những không nghe thấy gì mà còn không trông thấy gì, không hề xuống chỗ ấy nữa kia... Nhưng khốn nỗi, tất cả người ta đã nhìn thấy mạ...

- Thì người ta làm cái chi nào? Hả?

Mẹ Xướng bỗng chồm người dậy, la to. Tá hốt hoảng đứng lên. ở giường bên kia Hoan cũng ngồi choàng dậy...

- Cái thân tôi tù tội cũng đã từng rồi - Vẫn cái giọng hổn hển ấy mẹ nói to - Các anh còn muốn chi nữa chứ. Nhà tôi các anh chiếm, hầm tôi các anh ở, các anh biến tôi thành kẻ ăn nhờ... Tôi hỏi, ai cho các anh tụ tập nhau ở đó? Ai cho? Việc quốc gia, chính quyền thì có trụ sở, có biệt thự lâu đài mà bàn, chui rúc như ăn trộm thế mà làm chi?

Xem ra câu chuyện không thể nào dẫn đến ổn thỏa được, Tá đành rút lui. Mẹ Xướng lại nằm xuống giường. Thực tình mẹ cũng biết mọi việc không đời nào kết thúc nhờ vào sự to tiếng của mẹ. Rõ ràng chúng nó đã nghi. Trong cách nói của thằng Tá, tuy hắn vẫn cố giữ ra vẻ độ nhưng đầy những hăm dọa hiểm độc. Bởi vì từ lâu bọn nó thừa biết mẹ không cùng bụng với chúng. Hơn nữa, cuộc họp nguy hiểm quá. Mẹ không ngờ cái lũ người này lại dám bàn với nhau những điều bất nhân thất đức đến vậy. Rứa mà vẫn cứ mạ mạ, con con... Ma quỉ nào xui mà mẹ lại mò về đây ở với nó? Không, không ma quỉ nào cả. Tất cả là do mẹ thôi. Mẹ nhạt bụng quá. Suốt cả một đời người sống vì cách mạng, hiến dâng tất cả cho cách mạng thì tự nhiên mẹ thấy mình đủ đầy, nghĩa tình lúc nào cũng trọn vẹn. Từ cái buổi nào đó, cái buổi mà lòng già chợt thấy cô đơn, thấy mình rủi ro và hẩm hiu quá nhiều thứ; thấy mình thiếu có nghĩa là muốnđược có những bù đắp cho mình, thì cũng từ đó mẹ bỗng bị mất đi, mất dần mất mòn rồi đến chừ coi như mất sạch. Mẹ đã dấn thân về lại nhà này nghĩa là hoàn toàn "qua cầu rút ván" với cách mạng. Răng lại đến nông nỗi này hả trời? Mẹ tấm tức khóc.

Tiếng khóc của mẹ không đủ sức cắt ngang tiếng ngáy của Tá. Nó bị bệnh viêm mũi nên tiếng ngáy bao giờ cũng thô bạo và ngang tàng. Mẹ Xướng ngồi dậy. Trời sắp sáng rồi. Ngày mai những chi sẽ xảy ra? ấp này đẫm máu, tiếng oan ức sẽ động đất động trời. Rồi ngày mai nữa... Cách mạng sẽ về. Khe Sanh Mỹ bỏ thì mấy cái ấp lèo tèo này có đáng chi. Chắc chắn Cách mạng sẽ về. Muôn vàn câu hỏi sẽ đặt ra. Ngày phán xử cuối cùng sẽ đến...

Không. Có thể cách mạng không trả thù. Nhưng mà cuộc đời sẽ găm những câu hỏi ấy trên đầu những ai đã bước đi cùng với tội ác.

Ngày mai... Ngày ấy sắp đến rồi. Nhưng có lẽ vẫn còn kịp cho những lầm lỡ biết ăn năn. Tiếng gà lác đác gáy. Mẹ Xướng bỗng thấy gan ruột bồn chồn. Mẹ thả chân xuống nền nhà. Hơi lạnh từ những mảnh đá hoa làm mẹ tỉnh táo. Tiếng ngáy của Tá vẫn ngắc ngứ, sò sè. Mẹ lần ra cửa. Gió ào ào xối vào mảnh vườn hoang. Gió cũng thốc vào cồn cào trong lòng mẹ.

Sau đó chừng một tiếng đồng hồ, ấp An Nha bỗng bị đánh thức dậy vì một loạt súng. Loạt súng ở phía tây. Rồi rất nhiều tiếng nổ tiếp theo. Tá vùng người dậy. Hoan cũng lồm cồm chui ra khỏi màn. Thằng Bình khóc thét lên. Hoan hớt hải ôm choàng lấy nó.

Tá vừa chạy ra ngõ thì gặp viên chánh an ninh.

- Chuyện gì thế?

- Lính báo có kẻ chạy ra khỏi ấp...

- Kẻ nào?

- Dạ... không rõ.

Tá sững lại. Một giây, hắn quay phắt lao vào nhà. Tá chồm đến giường mẹ Xướng. Mồm hắn rít lên:

- Rồi! Biết mà...

Tiếng Hoan run rẩy:

- Chi rứa... anh?

- Bà già trốn rồi. Đồ khốn nạn.

Hoan chết lặng người. Nhưng vừa lúc ấy Tá đã lao trở ra sân. Hoan nghe thấy tiếng hắn gào lên trong gió:

- Bắn dữ vào! Gọi súng cối bừa kỹ vùng ngoài! Bắn đi!...

Hoan nhắm nghiền mắt lại. hình ảnh người mẹ lảo đảo trong đêm giữa trăm ngàn ánh chớp và tiếng nổ hiện lên trong đầu chị. Hoan muốn kêu to lên: Hãy dừng lại! Kêu để mẹ quay lại, kêu cho chồng đừng quá ra tay... Nhưng chị không sao nhấc người lên khỏi giường và cũng không sao mở miệng ra được nữa. Bên ngoài Tá vẫn gào lồng lộn.

- Cho bắn đi! Bắn nhiều nữa vào!

Tiếng đạn cối nổ dậy mặt đất. Súng cực nhanh hoảng loạn, tung toé. Chân người chạy huyên náo. Chó sủa. Và gió...




Chương ba mươi chín

Phương án tác chiến của đại đội trinh sát và những đơn vị phối thuộc do tiểu đoàn chi viện được vạch ra như sau: Đại đội trinh sát chia làm ba mũi. Đội công tác chính trị cử người đi theo các mũi ấy, ngoài ra phải hình thành ngay một khung chính quyền gồm chủ tịch xã, xã đội trưởng, trưởng ban công an, trưởng hội phụ nữ, trưởng ban dân, địch vận. để tạo thế bất ngờ cho trận đánh và có đủ thời giờ mít tinh lập chính quyền, các mũi phải tiến nhập sớm một ngày vào sát ấp An Nha, mai phục sẵn hôm sau sẽ tấn công lúc nhá nhem tối.
Tiểu đoàn điều hai đại đội chốt phía đông đường 76, sẵn sàng đánh bọn tàn quân tháo chạy về Dốc Miếu, đồng thời để ngăn chặn bọn viện binh từ Dốc Miếu xuống . Một đại đội bộ binh khác cộng với "xê" 4 trợ chiến chiếm lĩnh khu đồi phía tây, vừa sẵn sàngđón lỏng kẻ địch từ Khe Sanh tràn về nếu xẩy ra việc rút bỏ Khe Sanh, vừa cặhn đứng viện binh của Cồn Tiên xuống.
Mệnh lệnh hành quân chiếm lĩnh vị trí được tất cả các đơn vị tiến hành nghiêm chỉnh và chính xác trước hai giờ sáng.
Sau khi kiểm tra lại các hầm hào bí mật của các mũi, ban chỉ huy đại đỗi trinh sát đã về họp phiên họp cuối cùng với bộ phận chính quyền xã để xem xét lại những gì còn sai sót trong kế hoạch mít tinh. Cuộc họp tổ chức trong một căn hầm mới đào khuất sau hai lùm chạc chìu lớn. Cửa hầm được nguỵ trang kín đáo. Bên trong người ta vẫn tnắp được hai chiếc đèn làm bằng sắt tây khá sáng. Mọi người ngồi quay mặt lại với ngọn đèn, thao thức, xao xuyến y như chờ phút giao thừa vậy.

- Nghĩ thêm đi các ông!. - Người đội trưởng nhăn nhó - Nghĩ cho hết đi coi còn sai sót chi nữa không? Nghĩ đi!

Các khuôn mặt bỗng căng thẳng. Nhiều vầng trán nhăn lại. Nhưng chẳng ai nghĩ thêm ra được một điều gì mới mẻ cả. Hồi hộp quá, bâng khuâng quá, tất cả đều đang sống trong sự rạo rực, nôn nao.

Đột ngột từ ấp An Nha rộ lên một tràng súng máy. Rồi tiếng súng nối nhau loạn xạ. Đạn cối bay vèo vèo ra ngoài ấp. Tất cả những người có mặt trong hầm lúc này: Chuyện gì đã xẩy ra? Tiếng súng nổ hỗn độn kéo dài gần một giờ mới lặng hẳn. Không gian chìm nghỉm, câm bặt. Nỗi lo lắng đề nặng tâm trí những người chỉ huy.

Trời lờ mờ sáng. Hầm chỉ huy vẫn không ai ngủ được. Bỗng một chiến sĩ trinh sát ló đầu vào.

- Các thủ trưởng!...

Lợi chồm ra đầu tiên:

- Chuyện gì thế?

- Dạ... chúng em bắt được một người... Dạ một bà già...

- ở đâu?

- Từ trong ấp chạy ra... Có lẽ chạy từ khi súng nổ.

- Hiện để ở đâu rồi?

- Dạ, tạm giam chỗ hầm chúng em...

Lợi chống tay vào bờ đất, đu người lên. Phía sau, các đội trưởng đội công tác chính trị cố nói vội cho mọi người cùng nghe:

- Cẩn thận! Có thể là một màn kịch trá hàng đó...

*

Mẹ Xướng không khóc lóc, không mếu máo cũng không hề tỏ ra sợ sệt. Mẹ hơi ngẩn ra khi trông thấy Lợi. Chỉ một thoáng thôi rồi mẹ bình tĩnh nói:

- Chúng nó đang có âm mưu. Nhiều lời đồn rằng, Mỹ sẽ bỏ Khe Sanh. Bọn trong ấp hoang mang dữ. Nó định tổ chức một cuộc núng quân ra ngoài nhằm đánh lạc hướng. Trong lúc đó, bọn đầu sỏ sẽ tập trung những người mà chúng tình nghi là cơ sở của Việt cộng, họ dẫn đi làm con tin rồi rút lui về Đông Hà. Nếu thoát được về dưới đó, chúng sẽ giết hết họ đi. Các con tính liệu mau mau, không thì chết hết...

Một tin cực kỳ quan trọng. Nhưng Lợi vẫn tảng lờ như không bận tâm gì lắm. Anh chăm chú nhìn mẹ Xướng. Cuộc chạm trán trên cánh đồng phía tây Dốc Miếu hồi tháng chín chưa hề phai nhạt trong trí nhớ của anh... Mẹ Xướng nói xong không hề thấy Lợi có biểu hiện gì, mẹ cúi đầu xuống giọng nghẹn lại:

- Hay là... con không tin mạ nữa...

Một cái gì đó ứa dậy trong lòng Lợi. Mắt anh cay xè. Nhưng Lợi cố trấn tĩnh lại. Anh nói nhẹ nhàng:

- Tất cả mọi mưu mô không sao tránh khỏi sự trừng phạt. Con tin như thế.

Mẹ Xướng khẽ thở dài. Hình như mẹ cũng nhận ra những ý nghĩ sâu xa trong câu nói của Lợi. Mẹ thì thầm:

- Con oán mạ lắm phải không?

Rồi không đợi Lợi trả lời, mẹ rầm rì kể. Mẹ nói lại tường tận đầu đuôi câu chuyện vì sao mẹ phải ra làm ruộng dạo ấy. Mẹ nói thêm những gì đã xẩy ra từ đó đến nay. Mẹ không hề dấu diếm cả về ở chung với vợ chồng thằng Tá. Và cuối cùng là cuộc chạm trán dưới hầm... Lợi chăm chú nghe. Dù sao thì lòng anh vẫn tràn trề một tình thương đối với mẹ. Cả khi bất ngờ bị phục kích rồi sau đó là một trận đánh đẫm máu, dẫn đến việc anh bị chỉ trích, phê phán, Lợi vẫn chưa hề mất hẳn lòng tin đối với mẹ. Vì sao như thế? Anh không giải thích rành rọt được lòng mình . Chỉ có điều lòng tin của anh bây giờ ít bồng bột, sôi nổi hơn. Một niềm tin đầy tỉnh táo và bao giờ cũng sẵn sàng đối phó.

- Cảm ơn mạ. Bọn con sẽ cho điều tra lại tình hình . Còn chừ, mạ định thế nào? Về đâu?

- Mạ cũng không biết nữa... Mạ hết đường rồi... ở với các con thì khó. Quay về ấp không được nữa. Nếu các con thương mạ... tin mạ... thì chỉ cho mạ lối ra Bắc....

- Ra bắc ư? Nhưng... biết gửi mạ cho ai ngoài đó?

Mẹ Xướng lại thở dài:

- Mạ cũng chẳng có bà con thân thích gì ngoài đó. Có anh Tùng thì chẳng rõ ở đâu...

Lợi bất gờ reo lên:

- A... anh Tùng cũng ở bộ đội. Con có biết. Hay là...

- Mà không được... Mạ không dám gặp nó nữa...

Mẹ khóc. Tiếng khóc sụt sịt, tủi nhục. Tiếng khóc mỗi lúc một to. Lợi chẳng biết khuyên can thế nào cho phải. Anh đành ngồi im nhìn mẹ. Một lát, anh nói đầy lưỡng lự:

- Mạ ạ... Con tin anh Tùng sẽ không oán mạ đâu. Hoàn cảnh thực éo le... Tất cả chỉ vì âm mưu thằng địch...

- Không. Thằng địch thì lúc nào mà chẳng hiểm độc... Bao nhiêu năm nay mẹ vẫn giữ được Hoan không cho nó sa ngã... Chỉ vì cái lần mạ đi tù... à, thôi chết... Nếu mạ ra được ngoài đó, mạ sẽ tìm tới nhà một người quen... ở xã chi hè? à... à... Vĩnh Hòa. Đúng rồi!

Lợi nhíu nhanh mày, vội hỏi:

- Mạ có quen người ở Vĩnh Hòa à?

- Có. Ông Chẩn...

- ủa?

Lợi không tin vài tai mình nữa. Còn mẹ Xướng thì sáng hẳn mắt ra như thể đang nhìn thấy người thân cũ:

- Mạ quên. con ông ấy ở trong tù mà...

- Trời ơi! Anh tên Quyền phải không mạ?

- Đúng rồi. Con biết à?

- Rứa là anh Quyền còn sống phải không mạ?

Lợi hỏi xong câu ấy thì giọng nghẹn lại, nước mắt trào ra. Bao nhiêu năm bặt tin, tuyệt vọng, chừ anh đã lần tìm ra đầu mối. Ngay giây phút ấy Lợi nghĩ đến bố. Làm cách nào tin cho bố đây?

- Con có biết quê anh Quyền à?

- Dạ... có... Anh Quyền là anh ruột của con mà...

- Chao ôi!...

Mẹ Xướng chồm người tới túm lấy hai tay Lợi. Rồi mẹ kể vội kể vàng. mẹ nói như sợ quên đi, như là để lát sau thì không thể nào nói nổi. Mẹ nói trong niềm tự hào, sung sướng. Còn Lợi thì bàng hoàng. Lòng anh mềm lại. Nước mắt không sao cầm giữ được. Anh thút thít như một đứa trẻ con. Phải, Lợi đâu đã già. Năm nay mới hai mươi ba tuổi. Công việc của chiến tranh đã chồng lên vầng trán anh những nếp nhăn vội vã. Chỉ có lúc này, tựa đầu vào tay của người mẹ, nghe kể về bao nỗi cay đắng của người anh mình thì Lợi mới thực sự bộc lộ hết sự xốc nổi của tuổi thơ. Anh vừa nghe vừa nấc, vừa xịt mũi.

Đội trưởng đội công tác chính trị bò đến miệng hầm, nhìn xuống gọi khẽ:

- Ông Lợi!

- Dạ...

Lợi quay ra. Khuôn mặt anh nhòe ướt nước mắt. Người đội trưởng ngớ ra, lắp bắp:

- Làm... làm sao lại.. rứa? Thủ trưởng?

*

Hoan lấm lét nhìn Tá, khuôn mặt hắn đanh lại, dữ tợn. Chưa bao giờ chị thấy chồng mình cáu kỉnh đến mức ấy.

- Thu xếp mau mau lên một tí...

- Nhưng mà... răng bữa trước anh nói hết tuần mới đi?

- Hừ, con mụ ấy nó chạy lọt rồi. Không khéo chết với nhau cả nút.

Hoan chết điếng người. " Con mụ ấy" nghĩa là mạ. Răng Tá lại nỡ gọi mạ như thế? Hoan muốn nói lại một tiếng nhưng không dám. Đôi mắt Tá đang long lên, môi tái xám như người lên cơn sốt.

Xã trưởng lập cập chạy vào, tiếng nói chen với tiếng thở:

- Đủ, đủ rồi... Mười sáu gia... gia đình...

- Giam nó lại trong trụ sở. Bảo tụi lính canh cho thật kỹ. Để nó sổng đứa nào thì liệu hồn.

- Dạ... đâu dám để... để sổng. Bọn tui tuy bất... bất tài... nhưng mà được cái trung thành... mấy lại cẩn thận... Đâu có trẻ người non dạ đến nổi... để cho Việt cộng sổng... sổng khỏi tay...

Nói rồi xã trưởng cười. Cái cười nữa miệng. Tá giận tím mặt. Rõ ràng con trâu già này nó đang giễu mình. Nghĩ mà căm, căm đến lộn ruột. Nhưng lão xã trưởng đã nhanh chân chuồn ra ngõ, Tá không biết quát ai...

Trời mờ hoàng hôn, Hoan lụi cụi dọn thức ăn lên bàn. Thằng Bình háu đói leo vội lên vồ lấy bát. Hoan khép nép so hai đôi đũa đặt xuống mâm liếc nhìn Tá.

- Ăn... cơm cho con nó ăn...

Tá bất dậy. Hắn khua tay vớ khẩu côn dắt vào người rồi nói như ra lệnh:

- Ăn trước đi!

Hoan định hỏi thì Tá đã lao vù ra cổng. Hắn đi rất nhanh. Đến gần trụ sở, hắn thấy người ta lố nhố rất đông, có tiếng trẻ con khóc, tiếng người lớn quát, hắn biết bọn lính đang thực thi mệnh lệnh của mình. Hắn thấy không cần phải đến đó nữa. Tá thuận chân đi thẳng ra phía cổng ấp. Rồi từ phía cổng ấp lại quặt về đường phụ. Hắn vẫn đi nhanh. Tấht ra chẳng có một công việc gì cụ thể cả. Mọi kế hoạch tuy có sự xáo trộn nhưng cũng đã thu xếp xong. Gần sáng sẽ có cuộc tấn công ra ngoài ấp. Cùng giờ ấy số cán bộ chủ chốt sẽ dẫn những gia đình con tin rút theo trục đường 75 về Dốc Miếu. Từ Dốc Miếu sẽ xuôi thẳng về Đông Hà. Thế là hết... Bao công lao gây dựng, bao khó nhọc phải đổi, chỉ một đêm nay nữa là hắn phải giã từ. Cuộc chiến này mới chó má làm sao!

Tá đi nhanh và dừng lại cũng rất nhanh. Màu chì hoàng hôn nặng nề đang gậm mòn dãy đồi phía xa mờ trên quận Cam Lộ. Bất giác Tá thở dài. Từ ngày đặt chân về đây hắn đã nguyện với lòng sẽ thu hồi toàn bộ dãy đất ba dan từ Gio Linh lên đến đại phận Cam Lộ. Nếu đứng vững được thì một ngày không xa, hắn sẽ tha thiết đề nghị đồng minh mở đường Bắc tiến. Vĩnh Linh sẽ lại về tay hắn. Cam - Gio - Vĩnh, ba cái tên ghép thành một, nghe vang giòn như tiếng một hợp kim. Tiếng vang ngân nga bao lâu nay trong lòng hắn. Không, tiếng vang ấy là tiếng truyền nối từ đời ba hắn kia. Không ai hiểu nổi điều ấy đâu. Cả làng An Nha này không ai hiểu. Ngay đến ngài tỉnh trưởng cũng không hiểu. Người tò mò nhất cũng chỉ biết hắn là sinh viên du học về . Còn người vợ tội nghiệp của hắn cũng như nhiều kẻ thơ ngây khác thì cứ đinh ninh rằng hắn vốn là một bác sĩ trong quân lực cộng hòa. Tất cả gia thế hắn, và những khát vọng cuồng cháy trong lòng hắn , chỉ mình hắn và một người nữa biết thôi. Người thứ hai ấy là tòa đại sứ Mỹ...

*

Xưa kia, đại bộ phận vùng đấ đỏ từ Gio Linh, Cam Lộ đến Vĩnh Linh đều ở trong tay hai anh em Cả Lễ và Xạ Nghĩa, khu dinh điền chủ yếu của Cả Lễ là vùng An Nha, An Hướng, Cồn Tiên. Nhưng đất canh tác của nó thì kéo suốt lên Cùa, ra tận vùng Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy. Dân Thủy Ba, dân Chấp Lễ ở tít ngoài Vĩnh Linh cũng vào làm cày ruộng rẽ cho Cả Lễ. Mùa nộp tô, sân nhà hắn nườm nượp người ra vào. Đầy tớ trong nhà cũng đã gần hai chục.

Cả Lễ có ba vợ, tám đứa con. Cũng như nhiều nhà khá giả thời đó, tình âu yếm của đức ông chồng bao giờ cũng giành cho cô ba và niềm hy vọng lúc nào cũng trút cho con út.. Đặc biệt đứa con út lại là con trai thì còn quý hơn ngọc. Khốn nỗi, con út ông Cả là một đứa gầy còm trong rất thiếu sinh khí. Từ khi lọt lòng cho đến ba năm sau hầu như không một ngày nào không ốm, không một đêm nào không khóc. Thôi thì đủ thuốc ta thuốc tây, đủ thầy bói giò, thầy phù thủy, thầy lấy lá số... Cuối cùng, hầu như tất cả đều khẳng định đứa trẻ quá cao số, cực kỳ khó nuôi. Nếu phải một gia đình nghèo thì cần đổi tên cho nó, gọi những tên rất tục tĩu. Rồi đổi cả cách xưng hô với bố mẹ. Hoặc gọi bố là anh, mẹ là chị, hoặc chú thím, hoặc cậu gì... Nhưng ông Cả lại không thể để con út mình mang một cái tên bẩn thỉu được. Ông đổi từ Tấn sang Tá. Theo ông, Tá nghĩa là tá điền, như thế đã quá tục rồi. Còn viêc đổi cách xưng hô với bố mẹ thì không thể được. Nghĩ mãi ông mới gọi chú Nghĩa vào. Ông giao cho người em nuôi đứa trẻ rồi cắt hơn mười mẫu ruộng ở Thủy Ba cho nó làm vốn.

Chẳng biết có phải nhờ vậy không mà mấy năm sau đứa trẻ bỗng hồng hào tươi tốt. Nó lớn nhanh, khoẻ mạnh, cứng cáp. Tính nó ít nói, ít nghịch ngợm nhưng lại gan lì. Cả Lễ vui mừng ra mặt và Xạ Nghĩa cũng hí hửng không kém. Lúc ấy ở gia đình ông Cả đang có sự lục đục ngày một quyết liệt giữa ba bà. Ba bà kéo theo ba bầy con. Ông Cả tuy bên ngoài dữ tợn làm vậy nhưng ở trong nhà lại như một hòn cù bị ném tung từ phe bà này sang phe bà nọ. Ông căm tức và ngán ngẩm. Cơ sự này rồi sẽ tan nát hết. Ông chỉ chờ đợi có thằng con cô Ba. Ông bàn với chú em, đợi thằng Tá lên mười lăm tuổi thì sẽ sang hẳn tên cho nó năm chục mẫu đất. Về già, nếu ông có bị các bà hắt hủi thì sẽ tựa nương vào anh con út gan lì này.

Còn một năm nữa Tá tròn tuổi mười lăm. Ông cha và ông chú rục rịch bàn chuyện lớn. Ai hay năm ấy cách mạng nổ ra...

Cách mạng chưa đụng đến thân thể cũng như tài sản ông Cả, song chính quyền địa phương không cho phép sang tên cho một cậu thiếu niên mười bốn tuổi được quyền chiếm hữu ruộng đất quá lớn như vậy. Nghĩa là cậu bé Tá là kẻ đầu tiên bị cách mạng hớt mất phần béo bở.

Một năm sau Tá tròn mười lăm tuổi thì người Pháp cũng nổ súng vào phủ Vĩnh Linh, đóng đồn Mỹ Cá, Vĩnh Chấp. Cứ tưởng đã đến cơ hội đòi lại năm mươi mẫu ruộng của mình, Tá khấp khởi tìm vào bố. Nhưng chưa đến nơi thì đã nghe tin du kích nữa đêm chém đầu ông Cả. Tá chết khựng giữa đường. Hắn trốn trong nhà một người cô họ. Hơn một tuần sau hắn mới lén lút trở ra Vĩnh Linh. Xạ Nghĩa lúc này cũng như cá nằm trên thớt. Rồi một đêm, chú cháu dẫn nhau vào nhà dòng Phước Sơn Tá được một người gọi bằng dì bảo lãnh, khai tụt xuống hai tuổi và đưa vào trại cô nhi. Mặc dầu năm đó Tá lớn cao như một người đán ông trai tráng.

Cuộc chiến tranh chống Pháp ở vùng Bình Trị Thiên này xem ra không có lợi cho người Pháp. Dĩ nhiên đó là nhận định của những bậc bề trên. Còn cậu bé Tá lúc ấy chẳng hay biết gì ngoài năm mươi mẫu ruộng và cái đầu người cha cứ chập chờn trong các bữa ăn, giấc ngủ. Hai năm sau, theo cái tuổi khai gian của người dì thì Tá đã được gặp một ông cha đầy quyền thế mà mãi gần chục năm sau anh mới biết đó là Ngô Đình Thục. Tá được cha Thục gửi đi học Pháp. Nhưng chỉ học được ba năm thì có một đến gặp Tá tại ký túc xá và sau đó dẫn anh đi. Tá không ngờ chuyến đi ấy lại được qua đất Mỹ. Bắt đầu từ đó con đường công danh mở ra trước mắt anh, những khát vọng bùng cháy ngày một dữ dội...

Ba mươi lăm năm trôi qua, từ cậu bé Tá đến ngài liên đoàn trưởng, con người ấy hình như không có gì thay đổi về tính tình, sắc thái, đặc biệt càng không hề thay đổi khát vọng cha truyền. Con người ấy được đưa về phụ trách công tác bình định vùng này. Thực chất chỉ là một bước tìm hiểu, thực tập rút kinh nghiệm mà thôi. Con người đó có tài quản lý cả một vùng đất rộng lớn. Duy nhất con người đó chứ không thể ai khác phải gáng vác trên vai sứ mệnh Bắc tiến, sẽ là lãnh chúa của triền đất đỏ ba dan nơi vĩ tuyến 17 này. Đấy là ủy thác của toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Đó cũng là câu tự đành giá mình của Tá.

*
Lợi đi cùng trung đội một. Trời vừa tối hẳn, họ đã áp sát hàng rào thứ nhất. Công việc cắt rào khá vất vả vì ở hàng rào này Tá cho gài rất nhiều mìn sáng và mình định hướng. Chiến sĩ trong đại đội hầu hết là mới, huấn luyện cũng chưa thật kỹ càng. Vì thế Lợi mới phải đi đầu cùng với trung đội trưởng Phiệt. Hai người vừa gỡ mìn vừa cắt dây thép. Cả trung đội trườn theo vết mòn phía trước như một con rắn chậm chạp chui qua lớp rào bùng nhùng. Gần một giờ sau họ mới qua được hết.

Hàng rào thứ hai đơn giản hơn. ở đây là tuyến tuần tiễu thường xuyên của bọn bảo an. Không có mìn nhưng rất nhiều chông. Thỉnh thoảng có một hố bẫy. Lợi gỡ xong lối vào liền nép qua một bên kiểm tra từng động tác bò của chiến sĩ. Nếu vượt qua hàng rào này an toàn coi như cầm chắc thắng lợi. ở giữa ấp không hề có chông, mìn gì nữa, tha hồ tung hoành.

Người cuối cùng của trung đội vượt qua hàng rào. Bỗng cả đội hình sững lại. Có tiếng truyền lệnh. Mệnh lệnh như một hơi gió truyền qua tai Lợi: " Có địch. Mời đại đội trưởng lên". Lợi trườn vội lên. Chưa kịp hỏi trung đội thì Lợi đã phát hiện ra . Trước mặt họ lố nhố rất nhiều cụm địch. Không biết chúng vô tình nằm ở đây hay cố ý phục kích? Đêm tối quá không tài nào phán đoán lực lượng. Lợi ghé sát vào Phiệt.:

- Cứ cho bộ đội nằm thật yên, chờ!

Mỗi một giây lúc này sao mà nặng nề và đằng đẵng thế: Từ đây vào tới mục tiêu chỉ còn năm, sáu trăm mét nữa thôi. Những bóng đen phía trước vẫn lố nhố, hì hục. Chúng nó vẫn không hề nói chuyện, không hút thuốc, chỉ thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng thình thịch dội đến. Kẻ địch đào hầm ư? Có thể lắm. Lợi liên tưởng tới câu chuyện của mẹ Xướng. Có thể bọn lính này được lệnh tử thủ trong ấp sau khi cấp trên của chúng rút chạy? Lợi lại ghé vào tai Phiệt:

- Này, anh vòng qua trái tìm một lối thoát, nghe!

Phiệt hiểu ý. Anh quờ tay ra đằng sau bấm vào một chiến sĩ. Thoắt một cái, hai bóng người tiến vào bóng tối phái bên trái đội hình địch.

Lợi kiên nhẫn chờ. Hai phút... ba phút trôi qua. Phía trước những bóng đen mỗi lúc mỗi thấp hẳn xuống. Có lẽ công sự của chúng đã sắp hoàn thành. Năm phút... Bỗng súng nổ. Bắt đầu là một loạt liên thanh. Rồi hàng tràng đại liên... Rồi pháo sáng. Hỏng to rồi...

- Đánh!

Cả trung đội được lệnh cường tập. Thủ pháo lao vun vút lên phía trước. Đạn AK quét sát đất. Lợi dụng giây phút kẻ thù chưa kịp đề phòng, Lợi cho trung đội lao tràn lên. Đã bám được mép công sự, chiến sĩ tản ra liệng thủ pháo xuống các hào. Phòng tuyến địch, nhanh chóng bị phá tung. Lúc này các mũi khác cũng đã nổ súng. Tiếng nổ dữ dội, loạn xạ khắp bốn phía.

Trận đánh diễn ra luộm thuộm hơn phương án đã vạch sẵn. Lợi vừa bắn vừa cáu kỉnh chửi thầm. Từ ngày anh được chỉ huy đại đội, chưa có một trận đánh nào suôn sẻ. Những trở lực cứ như ma quỉ hiện ra bất ngờ và trái khuáy. Chỉ có vài trăm mét nữa là áp sát được mục tiêu. Thế này thì hỏng bét rồi...

Tuy vậy người hoang mang nhất lúc ấy không phải là Lợi. Người đó, trước lúc có tiếng súng nổ đang đứng như găm chân xuống cồn đất cao nhất phía tây ấp An Nha, nhìn trân trân lên hướng đồi Cam Lộ. Tiếng súng đã nhổ bật hắn dậy. Và bằng tất cả sự tinh nhậy của bộ óc cha truyền, hắn nhận ra ngay tình thế. Tiếng súng giòn giã khắp bốn phía. Thế là hết. Tất cả đều đến phút trả giá rồi.

Tá lao như bay về nhà. Hoan đang ngồi chồm chỗm trên giường, hai tay ôm lầy con, miệng thở hồng hộc. Tá nhào đến chụp lấy tay:

- Chạy đi!...

Hoan vơ vội mấy chiếc áo, chân loạng choạng tìm guốc.

- Vứt cha nó đi!

Hoan không vứt nhưng chiếc áo tự động vượt khỏi tay. Chị ôm ghì lấy thằng Bình lảo đảo chạy theo chồng. Cả hai nhào ra ngõ. Từ phía cổng ấp, ngọn lửa bắt đầu bùng cháy. Tiếng hét dội đến huyên náo. Tá đứng sững lại. Hoan vừa thở, vừa hỏi:

- Chạy... đằng nào, anh?

Tá không nói. Hắn đứng im, câm lặng như chiếc cột sắt đóng xuống giữa lòng đường. Rồi hắn từ từ quay lại, vẫn cầm chặt tay Hoan thông thả kéo vào nhà. Căn nhà tối om. Hai người đứng như chết trong mà đêm khủng khiếp. Hoan thút thít khóc.

- Khóc cái gì? Im đi!

Hoan cố nín. Chị cố bấu víu vào một hy vọng nhỏ nhoi:

- Liệu họ có tha không?

Tá bật lên tiếng cười. Tiếng cười khô như một mảnh bát vỡ. Hoan chợt thấy rùng mình.

- Em cầu chúng nó tha à? Sao ngây thơ thế...

- Rứa... hết đường à?

Tá không trả lời. Bên ngoài tiếng nổ mỗi lúc một gần. Nhiều viên đạn bay xoẹt qua mái tôn. Mùi thủ pháo theo gió xộc đến khét lẹt. Tá bỗng cất tiếng nhẹ tênh:

- Đi em. Chết cùng chết. Đù mạ nó!

Hoan thấy điếng cả người. Nhưng chị không sao cưỡng lại được. Tiếng nói của Tá vẫn nhẹ như gió nhưng bàn tay thì cứng như kìm sắt. bàn tay ấy đang kéo chị đi. Chết cùng chết! Trời ơi, có cách nào bấu víu lại cuộc sống được không? Hoan mếu máo.

- Anh ơi!... Anh thương mạ con em... Hay là ta cứ xin tha mạng...

- Cái gì?

- Ta cứ xin tha mạng... Trước đây em có công lao với họ... " Bốp ". Một hơi gió đổ ập vào miệng Hoan, tê cứng.

- Ngu!

Hoan suýt oà lên khóc. Nhưng ngay lập tức chị ngậm vội lại. Đã nghe tiếng chân sầm sập phía trục đường. Tá dặc mạnh tay kéo Hoan ra phía bờ chuối.

Lợi dẫn trung đội lao vào ngõ.

Ngôi nhà im ắng. Không hề có dấu hiệu kháng cự nào. Lợi vẫy tay ra hiệu cho cả tổ triển khai vây bọc lấy các cửa ra vào. Rồi anh cất tiếng gọi:

- Ông Tá! Cô Hoan cần ra trình diện ngay!

Im phăng phắc.

- B40! Mục tiêu ngôi nhà, chuẩn bị bắn!

Vẫn im lặng. Lúc này bên phía ấp lửa đã bùng cháy. Các mũi tràn vào làm chủ toàn bộ chiến trường. Trung đội trưởng Phiệt cũng dẫn số còn lại của trung đội một tới. Lợi nói nhanh:

- Cho trung đội chiếm lĩnh mục tiêu!

Cùng một lúc mười tám tay súng lao vào theo bốn hướng. Không có sự chống cự. Lợi bật đèn. Căn nhà vắng tanh. Ghế bàn đổ lổng chổng. Vài chiếc áo rơi ngay chỗ ra vào. Lợi nghiến răng bực tức:

- Nó trốn rồi!

Cùng lúc ấy ở phía nhà trụ sở ấp, nhiều tiếng ồn ào loang ra. Lợi hiểu ngay số dân bị bắt làm con tin đã được giải phóng. Có tiếng loa vọng lên:

- Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Quân giải phóng huyện nhà đã tiêu diệt bọn ác ôn và những lực lượng chống cự. Đề nghị các gia đình đốt đèn lên. Nhân dân hãy phát giác những tên ngoan cố lẫn trốn. Kẻ nào sớm ra đấu thú sẽ được khoan hồng. Ai phát giác sẽ được khen thưởng... Các gia đình hãy đốt đèn lên...

Cùng một lúc, tất cả các cửa sổ đều được mở bung ra, những ngọn đèn toả đăng thắp sáng. ấp An Nha bừng sáng trong sự ngỡ ngàng, có phần hoảng hốt, có phấn khấp khởi. Lợi dặn trung đội trưởng Phiệt chốt giữ trục đường rồi anh lao ra trụ sở. Vừa đến nơi đã gặp trung đội trưởng công tác chính trị. Anh kêu lên cáu kỉnh:

- Nó chạy mất tong rồi. Đồ chó.

- Cùng lúc ấy có một người lao đến ôm lấy anh. Đôi tay run run, giọng nghẹn ngào:

- Giải phóng hết rồi à, con?

Lợi nhận ra mẹ Xướng. Anh ôm lấy mẹ:

- Mạ cũng vô được ấp ư?...

- Răng lại không được...

- Mạ ơi! Thằng Tá nó trốn rồi!

- Hứ?... Rứa con Hoan?

- Cũng không thấy.

Đội trưởng chính trị quay lại:

- Nó thoát đằng nào được. Các lối ra ấp đã bị bịt hết rồi...

Mẹ Xướng túm lấy tay Lợi dặc mạnh:

- Con đã coi... dưới hầm chưa?

Lợi ngớ ra. ừ nhỉ, tại sao anh không nghĩ ra điều đó. Lợi nói nhanh vói người đội trưởng:

- Anh cho triệu tập mít tinh sớm đi!

Nói rồi Lợi quay người chạy. Mẹ Xướng cũng lẩy bẩy chạy theo. Đến gần ngôi nhà lợp tôn Lợi gặp Phiệt.

- Đồng chí cho một tổ ra ngay cái giếng sau vườn. ở đó có một miệng hầm... Nhanh lên! Mình ngu quá!

Trung đội trưởng Phiệt gọi tiểu đội ba theo mình. Số còn lại đứng chờ mệnh lệnh của Lợi.

- Tiểu đội một theo tôi!

Sáu chiến sĩ chạy theo Lợi. Họ dừng lại trước chuồng heo. Lợi sắp xếp vị trí từng người xong, anh nhảy vào chuồng, đứng chéo một bên rồi dùng báng súng cạy hất chiếc máng. Một giây yên lặng. Lợi bất ngờ quạt một loạt đạn, tiếng nổ xé lên dữ dội.

Không cósự phản ứng gì. Lợi gọi to:

- Ông Tá! Lên ngay! Cách mạng gọi, lên ngay sẽ được khoan hồng. Chị Hoan, lên ngay đi, đừng chần chừ nữa!...

Tiếng gọi của anh không cò hồi âm trở lại. Lợi đưa mặt nhìn mẹ Xướng. Mẹ vội vàng nói:

- Để tao xuống cho...

- ấy chết, không được. Con xuống.

Mẹ Xướng giằng lấy tay Lợi.

- Đừng. Tao già rồi... Có làm răng cũng không ân hận nữa...

Nói rồi mẹ quay xuống miếng hầm kêu to:

- Hoan ơi! Ho... an... Mạ đây. Có nghe thấy tiếng mạ không? Đừng có sợ... Lên đi con! Con đừng sợ, không ai làm hại con đâu. Thôi, mạ xuống đây, mạ xuống với con đây.

Mẹ Xướng run run thả chân xuống. Nhưng cánh tay Lợi đã giữ chặt vai mẹ lại. Người tiểu đội trưởng phía sau lao lên, giọng dứt khoát:

- Tôi xuống cho.

Nói xong, anh đu người xuống liền. Ba chiến sĩ nhảy theo. Thêm hai người nữa. Cuối cùng là Lợi. Anh đẩy mẹ sang một bên:

- Mạ ở trên này chờ...

Nhưng Lợi vừa thả chân xuống đã thấy mẹ Xướng xuống liền bên cạnh. Anh vội vượt người lên túm lấy chiến sĩ đằng trước.

- Chuyền lên trước, nằm sát xuống đất, bò.

Cả đội hình dán xuống mặt đất trườn êm như rắn. Lợi quay lại nói nhỏ với mẹ Xướng:

- Mạ bò không được, cứ đứng đây, gọi to lên đánh lạc hướng...

Mẹ Xướng hiểu ý. Mẹ lùi lại nép vào một bên bờ đất. Rồi mẹ cất giọng vừa kêu gọi, vừa kể lể:

- Hoan ơi! Ho... an... Con ra đây với mạ... đừng dại dột ở trong đó nữa... mạ đây, mạ đã xuống hầm nhưng không thể vô trong đó được. Con có thương mạ thì ra...

" Roác... xiu"... Một phát đạn xoẹt qua mặt mẹ. Mẹ rùng mình thụt người vào bờ đất, tim đập loạn xạ. Thế là nó có trong đó thiệt rồi. Nó bắn ra nơi mẹ đứng. Quân bất hiếu. Quân bất nhơn. Mẹ gào lên:

- Hoan! Mi ngu chi lắm rứa, Hoan? Mi bắn ra mạ à?

"Bụp,... Bụp... Bụp..." Ba phát súng đạn cắt đứt tiếng gào của mẹ. Mẹ căm qúa, căm đến lộn cả ruột. Cha nó chứ. Mẹ nhổm người mấy lần mà vẫn không dám xông vào.

Bất ngờ tiếng súng dội lên. Mẹ nằm bẹp xuống. Đạn nổ loạn xạ. Không thấy đạn bắn ra phía cửa hầm nữa. Có lẽ thằng Tá định rút ra cửa hầm bên kia nhưng lại vấp phải bộ đội. Nhưng sao không ai bắn nữa? Hay nó chết rồi? Mẹ hồi hộp quá. Đột ngột có một tiếng trẻ con khóc. Trời ơi! Thằng cháu khốn khổ. Tiếng khóc chỉ bật ra một tí rồi lặng hẳn. Còn gì bức bối, ngột ngạt bằng sự im lặng này. Mẹ lồm cồm bò dậy, vừa chạy vào được mấy bước thì nghe tiếng Lợi gọi:

- Tá! Mày bị bịt chặt rồi. Đừng chống cự vô ích. Hàng đi! Chị Hoan... Chị hãy buộc chồng ra hàng Cách mạng đi. Đừng chống cự, vô ích...

Mẹ Xướng nín thở chờ. Lại có tiếng khóc, nhưng bây giờ không phải là tiếng khóc trẻ nhỏ nữa mà là Hoan. Tiếng khóc chen trong giọng nói thều thào:

- Lạy các anh!... Mạ ơi!... Con ra đây...

" Bụp". Một tiếng nổ khô khốc, đơn chiếc. " Bụp". Lại một tiếng nữa. Mẹ Xướng lao sầm vào. Mẹ đâm cả người vào bộ đội. ánh đèn pin loáng lên nhì nhằng phía trước. Hai xác người nằm sóng soài sát nhau. Một đứa trẻ bị mẹ đè lên đang dẫy mạnh. Mẹ Xướng chồm lên, giọng lạc đi:

- Ho...an... ơi!... Con ơi!...

Mọi sự đã kết thúc

Cả căn hầm ngập chìm trong sự nặng nề, căng thẳng. Lợi cúi xuống đỡ mẹ Xướng dậy.

- Thằng khốn kiếp... Nó tự sát y như Hit- le vậy...

Các chiến sĩ bế xác hai người đi ra ngoài. Lợi ôm chặt đứa bé. Nó hãi hùng giẫy khỏi tay anh, khóc thét. Mẹ Xướng lẩy bẩy đôi tay vịn vào vai Lợi. Đứa bé đã nhận ra bà. Nó chồm cả người qua. Mẹ Xướng đỡ lấy cháu. Nó nặng quá, mẹ không bước nổi Lợi cố đỡ cho mẹ thì thằng bé lại không chịu, hét toáng lên. Hai người vất vả lắm mới tha được nó đến miệng hầm. Đến đây, mẹ Xướng kiệt sức, ngồi xỉu:

- Con... để nó đây cho mạ...

- Nhưng nó nặng quá, mạ bế so nổi?...

Mẹ Xướng thều thào:

- Cứ để đây... Tao ôm nó... ba mạ nó trút tội lại cho tao đây mà... Trời hỡi trời ơi!...

Mẹ Xướng òa lên khóc. Lợi đứng im nhìn mẹ, thở dài.

*

Có lẽ đây là cuộc tập trung dân đầy đủ nhất của ấp An Nha kể từ cái lần ngài cố vấn về bốc dân đi khỏi ấp. Không một người nào vắng mặt kể cả gia đình nguỵ quyền. Hàng trăm bó đuốc cháy rần rật. Người ngồi chen chúc đầy kín sân. Một lá cờ nửa đỏ nửa xanh chỉ lớn bằng hai tờ giấy đúp gián vào tường. Ban đại diện chính quyền cách mạng xếp hàng ngang sau chiếc bàn gỗ. Một trung đội trinh sát càm súng trường có lắp lưỡi lê loáng bóng xếp thành hai hàng dọc, đại diện cho lực lượng vũ trang huyện. Người đội trưởng đội công tác chính trị, lúc này với cương vị chủ tịch xã, đang thuyết trình Anh kể tội bọn ác ôn anh nhắc lại bao nhiêu điều thống khổ của dân chúng. Anh kêu gọi đồng bào ủng hộ chính quyền cách mạng và cảnh cáo những kẻ nào rắp tâm chống đối, phá hoại cuộc sống mới của ấp. Cuộc mít ting được tổ chức nhanh và giải tán mau lẹ. Chỉ sau ba mươi phút, từng dòng người cầm đuốc toả ra ngõ. Bộ đội được lệnh phong toả bốn phía ấp chuẩn bị chống càn. Đội chính trị chia người đi từng nhà giáo dục, vận động và quyên góp gạo cơm.

Lợi cùng một chiến sĩ khoác súng đi đến tất cả các bộ phận. Anh kiểm tra và dặn dò tỉ mỉ công việc của ngày mai. Cuối cùng Lợi trở về trục đường chính và đứng lặng hồi lâu. Trục đường này chạy thẳng ra cổng ấp nên gió thốc vào lồng lộng. Lợi bỗng cảm thấy lòng trào dậy nhưng cảm xúc mênh mông lạ kỳ. Cũng nơi này, lần đầu tiên anh nhận mặt con người miền Nam. Lần đầu tiên tuổi trẻ của anh được nếm những đắng cay, xót mặn và ngọt ngào. Trước đây, trong cái đêm đầu ngồi thu mình dưới hàng cây chuối, anh đã từng so sánh đất An Nha với đất Vĩnh Hòa. Lúc đó cảm xúc hoàn toàn là cảm xúc của một học trò. Anh mới nhận ra phần giống nhau của màu đất đỏ, phần khác nhau của sự vắng lặng, ngờ vực trong ấp chiến lược với không gian thanh thân, yên hàn của làng xóm quê anh. Thế thôi. Còn chừ, Lợi đã tìm thấy những dấu hiệu khác thường, những giá trị vàng thau trong hai vòm trời, hai miền đất và ngay trong sự giằng xé của cõi lòng anh. Hoá ra tuổi trẻ của anh, cả một thế hệ như anh, lớp người sinh ra chỉ biết đến công bằng, tình ưu ái, nên khi bước vào cuộc đối đầu lịch sử này lại là lớp người yếu mềm đầy ngỡ ngàng hơn bất cứ thế hệ nào khác. Dù có giàu trí tưởng tượng đến đâu, dù đã vục đầu vào hàng trăm ngàn tên sách, vẫn khó mà hình dung hết những đen tối cạm bẫy của đêm trường mà con người phải mò mẫm, vật lộn, vượt qua để có được bó đuốc cháy minh bạch trong đêm khởi nghĩa này. Nhưng như thế đâu phải là chấm dứt. Có ngọn lửa nào khi bùng cháy mà không trút ra những luồng khói xám, không để lại những đống tro tàn, than nguội. Đó kìa, ngôi nhà lợp tôn ở trung tâm ấp đó, nó cũng được giải phóng như bất kỳ căn nhà nào trong ấp . Mẹ Xướng cũng đã được tự do như trăm nghìn người dân An Nha. Nhưng trên tay mẹ vẫn còn lại một tiếng khóc. Đó là gánh nặng của tội lỗi trút lại. Mẹ nguyện chịu đựng cho trọn đời. Nhưng lẽ nào chỉ có mình mẹ khổ ? Nghĩ đến đó Lợi không sao cầm được lòng. Anh bần thần đi về phía ngôi nhà mẹ Xướng. Càng gần anh cầng nghe rõ tiếng khóc của hai bà cháu đang quyện sệt vào nhau. Tiếng khóc càng to. Lợi càng bước vội...

Đăng ngày 02/07/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan