Saturday, October 3, 2015

Kẻ song sinh - Chương 7


Tác giả: Xuân Đức

Chương bảy 

Kiếp nạn đầu tiên- bước một bước gặp ngay đức Đạt Ma. 


Tôi lí lẽ với cậu bạn nhà báo của tôi, theo cậu thế nào là logic, thế nào là sự trung thực? Ví dụ, một hôm cậu đến chơi thấy mình đang ngồi như nhập thiền, mắt khép lại, cả khuôn mặt không lộ ra một chút cảm xúc thế sự nào thì cậu nhận định ra sao về trạng thái mình lúc đó? Chắc cậu cho rằng theo logic thì mình đang thanh thản vô cùng đúng không?
Một vị chủ tịch một tỉnh với nhịp sống hăm bốn giờ trong một ngày, bảy ngày trong một tuần lúc nào cũng xoay như chong chóng nay lại có thể tĩnh lặng nằm yên trong một căn phòng lạnh toát màu trắng hết ngày này qua ngày khác được sao? Một con người với biết bao hoài vọng, khao khát, bao nhiêu ham muốn chưa thoả mãn mà giờ khi tuổi đời còn đang kì sung mãn lại thanh thản nằm chờ ca mổ hi hữu nhất trong lịch sử y học nước nhà mà không hề có chút ưu tư gì sao?
Không phải thế. Dù sao anh ta vẫn là một con người, một người như bao người. Quả không thể nói là không sốt ruột, không lo lắng, thậm chí thỉnh thoảng vẫn quẫy lên trong đầu những ý nghĩ sợ hãi.
Nhưng vào cái thời điểm này Quả rất cần đến sự tĩnh tâm.
Trên cả cái khối u quái dị trong bụng là một kì Đại hội có thể quyết định toàn bộ những năm tháng còn lại của Quả. Trên cả sự lo lắng về một ca mổ chưa có tiền lệ trong y học là cuộc mổ xẻ tổ chức sắp diễn ra trong nội bộ lãnh đạo tỉnh. Với người này hay người khác là sự thắng hay bại. Với Quả thì đây lại là thời cơ trời cho. Không biết cách nhận lộc trời không chỉ là mang tội mà đôi khi lại còn phải rước lấy hậu họa.
Thế nên chưa bao giờ trong cuộc đời Quả thấy cần phải động não suy nghĩ như lúc này. Suy nghĩ có nghĩa là bắt buộc phải nhớ lại, cố nhớ thật tỉ mỉ những năm tháng đã qua, tất cả những mối quan hệ, những khuôn mặt, những giọng điệu, những ánh mắt của rất rất nhiều hình nhân. Cố nhớ và đừng lãng tránh những cú va vấp, những thời khắc thê thảm, không phải để rút ra nguyên nhân, bài học như cách nói trong các nghị quyết, điều cốt lõi là để nhận mặt xem nhân tình thế thái ai là người có thể tin cậy được.
Và trong chuỗi ngày dằng dặc đó, cái thời khắc đáng nhớ, đáng nghiền ngẫm đầu tiên không phải cái buổi vác súng lên khu rừng Mặt trận BZ gặp người chú quý hoá, cũng không phải cái năm dở khóc dở cười khi được chú Tấn cưới vợ cho một cách gấp gáp rồi lại gấp gáp điều chuyển về đơn vị để từ đó bắt đầu một cuộc sống lưu lạc... Hay là khi chui hầm nhịn đói ở ấp Thuận Thành, hay mấy năm nằm chơi vô vọng với khúc nhạc vàng não nuột ở trạm thu dung...
Không. Giờ bình tĩnh nghĩ lại, những trắc trở đó chỉ là con rệp.

*

Cái năm cay đắng đầu tiên chính là khi Quả đang như diều gặp gió. Là năm 1983, Quả lúc ấy là Huyện ủy viên, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện.
Từ khi được nhận vào làm việc ở Văn phòng Ủy ban huyện năm 1976 đến năm 1983, chẵn chòi bảy năm, cuộc đời Quả cứ y như có Bồ tát dẫn đường, cầu được ước thấy, nhẹ nhõm và an tâm mà đi, cuộc sống cứ tưng tưng như một khúc ca mùa xuân ra trận.
Tháng sáu năm 1983 là thời điểm bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Từ tỉnh xuống huyện, xã, chỗ nào cũng bộn bề ngổn ngang những công việc, những tính toán, những lo toan, sắp xếp. Song hành và cổ động cho nó là tiếng loa, tiếng nhạc của các đài phát thanh công cộng, các xe thông tin lưu động trên đường, điểm tô nhan sắc cho nó là những tấm pa-nô cỡ lớn, cờ lá chuối đủ màu xanh đỏ tím vàng, những tấm băng rôn căng ngang căng dọc khắp các tuyến phố. Người ta nói quê hương đang mở hội thật quả không ngoa. Và trong lòng một số người, như Quả chẳng hạn, cũng đang xốn xang mở hội.
Mọi việc có vẻ như đức Chí tôn đã an bài. Năm trước Quả được bằng khen của tỉnh. Trung tuần tháng tư, đích thân "bác" Sò Bí thư đã gọi lên trao đổi, cậu trẻ nhưng được, có chí, sống đơn giản, vui vẻ, rứa là tốt. Đưa cậu vào nguồn là bác rất yên tâm. Quả rưng rưng muốn bật khóc. Nhưng hình như Bồ tát mách bảo không được bộc lộ sự vui mừng quá mức nên đã kìm lại được. Giữa tháng năm, một hội nghị cốt cán được triệu tập để lấy ý kiến. Trong danh sách đề xuất của hội nghị, tên của Quả cũng được nhiều người đánh dấu nhất. Coi như cánh cửa vào "nhà trắng" đã hé mở. Thậm chí nhiều người gặp Quả đã cười toe toét miệng, kính chào đồng chí Phó Chủ tịch! Quả nhăn nhó, ông giết tôi rồi, đùa gì thì đùa, mấy chuyện này mà đùa cợt là cầm dao chọc yết hầu của nhau đấy ông ạ. Người kia vẫn to giọng, em đâu có đùa, trong huyện này ông anh là số một. Quả cũng la lên, thôi thôi, cho tôi lạy ông, được chưa?
Theo kế hoạch, ngày mồng mười tháng sáu Ban chấp hành Huyện ủy họp bỏ phiếu giới thiệu các chức danh chủ chốt để Hội đồng nhân dân bầu vào các chức vụ chánh phó chủ tịch huyện.
Bất ngờ ngày hai mươi tám tháng năm, có hai lá đơn tố giác gửi lên Ủy ban kiểm tra huyện uỷ. Một đơn từ Xí nghiệp Gạch Ngói, một đơn là công nhân Xí nghiệp Vôi. Ngày mồng hai tháng sáu, cả hai vị Giám đốc của hai xí nghiệp bị mời lên Công an huyện. Chỉ là giấy mời nhưng cả huyện đã xôn xao đồn thồi rằng hai thằng cha tham ô đó đã bị gô cổ. Ngày mồng bảy tháng sáu, thông báo chính thức của cơ quan điều tra về những sai phạm của hai đơn vị kinh tế trong đó liên quan đến một số cán bộ cốt cán của huyện. Mặc dù vụ việc chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng cơ quan công an kiến nghị với huyện nên có hình thức xử lí kỉ luật hành chính đối với các Giám đốc và yêu cầu thu hồi những tài sản thất thoát.
Đối với một địa phương, những vụ việc như thế được coi là nhẹ nhàng, không có gì quá nghiêm trọng. Nhưng với Quả thì là một đòn trời giáng. Trong phiên họp cấp ủy ngày mười tháng sáu, danh sách Thường vụ huyện ủy giới thiệu ra Ban chấp hành đã không còn có tên Thái Quả. Trước đó vài giờ "bác" Sò gặp riêng Quả, nói - Việc của chú thì chú tự biết rồi đó. Vì vậy, để bảo vệ uy tín cho chú, bác sẽ không đưa tên chú vào danh sách nữa. Cố đưa vào chỉ tổ để người ta chất vấn, lại phân tích nọ kia, rồi khi bỏ phiếu chỉ được dăm ba phiếu, chẳng còn ra làm sao nữa. Chú có hiểu không?
Tất nhiên là Quả hiểu. Và cay đắng hơn, anh đã nhận ngay ra cái điều mà bố anh ngày xưa vẫn luôn mồm nói: người tính chẳng bằng trời tính.
Những ngày tháng tiếp đó là quãng thời gian u ám nặng nề chưa từng thấy trong cuộc sống của vợ chồng Quả. Mà cũng lạ thật, nếu so sánh với mấy năm ngụp lặn với du kích Thuận Thành, đói khát đến phờ phạc cả người, hay những đêm dài cô quạnh giữa khu rừng âm u cùng khúc nhạc vàng não nuột nơi trạm thu dung thì hoàn cảnh của Quả lúc này phải là cõi tiên mới đúng. Có chuyện gì ghê gớm xẩy ra đâu. Thõn suốt ngày suốt đêm vẫn nhảy nhót hát hò với các đội văn nghệ. Vừa vui vừa được hầu cơm bưng nước rót. Càng gần đến ngày bầu cử các đội văn nghệ càng tập luyện ráo riết. Mỗi một "vụ" làm ăn thế này mang về cho gia đình cô không ít quả thực. Còn Quả vẫn đường đường là một Huyện ủy viên, Chánh văn phòng, đầy vai đủ vế. Chức không to nhưng lại là đầu gà, muốn đi ô tô thì tự điều ô tô, muốn uống nhậu là bịa ra chuyện mà uống nhậu.
Nhưng sao lại buồn thế này, lại chán nản thế này. Căn nhà vốn ngổn ngang lạnh lẽo nay càng trở nên u ám. Rất nhiều buổi chiều đi làm về đã vào đến sân nhưng nghĩ thế nào Quả lại quay chiếc xe đạp trở lui. Anh muốn gọi ai đó lang thang ra quán nhậu. Quả không muốn chui vào nhà. Một căn nhà với biết bao công sức, mưu mẹo mới có được. Nó chính là cơ ngơi đầu tiên do tự chính tay Quả gây dựng nên. Có ai ngờ chính nó lại trở nên mầm họa làm sụp đổ cuộc đời Quả. Mà có gì ghê gớm đâu. Nhà chỉ mới lợp bằng ngói, tường xây gạch táp-lô, vôi màu cũng chỉ mới quét sơ sài bên trong còn bên ngoài vẫn trần xì cái màu tro xám của gạch xỉ. Có thế thôi cũng đã mang tiếng lợi dụng chức quyền, tham ô tham nhũng... Chao ôi, cuộc sống sao lại hà khắc đến vậy. Thời buổi này, hình như bất luận ai có một tẹo chức quyền thì gần như đương nhiên được gắn ngay bản án vô hình là phường đục khoét. Thật sự có ai chui vào tận trong bếp nhà này để hiểu tường tận cuộc sống thực của vợ chồng Quả.
Không ai biết được bên trong cái vỏ hào nhoáng là Huyện ủy viên, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện lúc nào cũng phải cười nói, tiệc tùng búa xua với khách khứa, mặt thường trực màu đỏ gay vì men bia, rượu, là cái bụng rỗng không cả vật chất lẫn tinh thần. Tình cảm vợ chồng gần như đã đóng băng suốt bảy tám năm nay. Vật chất thì cho dù cả hai đứa đã nhào lộn đến chóng mặt cũng chưa ra khỏi cơn bĩ cực. Hàng ngày sau giờ làm viêc, Quả vẫn phải ôm một đống giấy khen về nhà để viết. Khi không còn giấy khen thì bí mật nhận vỏ chai của mấy xưởng chế bia khổ về nhà cọ rửa.
Bia khổ là cái từ đám dân bụi gọi thứ bia tự nấu bằng phương pháp thủ công. Những năm khủng hoảng kinh tế này, loại bia ấy là món xài đại chúng nhất. Huyện nào cũng có một vài cơ sở nấu bia khổ mà chủ nhân của nó chính là cán bộ viên chức ở tất cả các cơ quan nhà nước. Chỉ có tầng lớp đó mới có điều kiện đi đó, đi đây học mót được nghề, lại cũng có chút sáng dạ mới làm theo được. Đây là thời kì được gọi là chân ngoài dài hơn chân trong, người người làm thêm, nhà nhà làm thêm. Kẻ thì chung nhau nấu bia. Kẻ thì dán túi ni-lon, cắt xén hoặc đóng bìa sách. Có nhà lại đi tìm những đống gạch vỡ ở những khu nhà đã đổ nát về đập vụn rồi mua thêm vôi đóng gạch táp-lô. Kẻ không kiếm ra được nghề gì thì tự chế lò nấu rượu lậu. Chẳng riêng gì các tỉnh lẻ, ngay giữa Thủ đô Hà Nội mà dân tình còn truyền nhau câu phương ngôn: Đêm đêm cả nhà lo việc nước, ngày ngày cả nước lo việc nhà! Lúc mới nghe, Quả chưa hiểu nổi cái thâm thúy của chữ nước. Đến khi tận mắt nhìn thấy cảnh suốt đêm người dân nối đuôi nhau xếp tràn xô chậu dọc theo các hẻm phố để chờ lấy nước anh mới bật ra tiếng cười. Đã nói Quả là người không được sáng ý mà. Trong bối cảnh đó, việc Quả làm thêm bằng nghề viết giấy khen được coi là sạch sẽ và sang trọng hơn cả. Tuy số tiền kiếm được không nhiều vì làm gì có giấy khen để viết cả năm, nhưng đổi lại, vị Chánh văn phòng lại được tiếng thơm. Thơm vì chữ đẹp, thơm hơn chính là sự liêm khiết. A ha, liêm khiết. Vậy mà giờ đây, chỉ có mấy trăm viên gạch xỉ, mấy ngàn viên ngói chưa kịp trả tiền anh đã được liệt vào hàng tham quan...
Sự thất thế của Quả càng khiến cho mối quan hệ vợ chồng anh càng lạnh lùng thêm. Thõn thường về rất khuya, vào đến nhà là kêu mệt, tắm rửa qua loa rồi lên giường nằm úp mặt vào vách tường. Chỉ vài chục giây đã nghe thấy ả ngáy khè khè.
Thực ra Thõn không hề ngủ. Quả biết tỏng như vậy nhưng mặc kệ. Anh cũng lật người ra phía ngoài và cũng bắt đầu ngáy.
Thõn mở mắt nhìn trân trân vào góc tối trong phòng. Một căn phòng tuy có rộng nhưng vô cùng bộn bề bởi quá nhiều thứ chất ngổn ngang. Chỉ nguyên xe đạp đã có tới ba chiếc. Đây là ba chiếc xe mới keng, hiệu Hữu Nghị, mua về không phải để đi mà để dành. Hai chiếc xe cũ, xích líp mòn cùn như mài được bỏ ngoài phòng khách. Đó là phương tiện đi lại hằng ngày của cả vợ lẫn chồng. Đợt làm chương trình Hội diễn cho Lâm trường Bảo Tín, Thõn không xin tiền, chỉ xin "mua chịu" một súc gỗ huệng khoảng bốn khối tròn. Ông Giám đốc rất sởi lởi, bảo Trưởng phòng kế hoạch dẫn "thầy" lên tận bãi tập kết gỗ, "thầy" thích cây nào thì đánh dấu vào. Thế là giữa bãi hàng trăm cây gỗ lớn nhỏ đủ chủng loại, có một cây huệng (gỗ nhóm ba) tròn lẳn, thẳng băng, cân đầu cân đít, được khắc sơn trắng mấy chữ: đã bán cho Thõn! Nói mua chịu là một cách nói lịch sự, có tính nghệ thuật, thực ra đó là nhuận bút và nhuận công. Còn làm cách nào để hợp thức hoá chuyện mua bán sau đó là nghệ thuật của Giám đốc, Thõn không đủ trình độ để hiểu. Liền theo đó, Giám đốc lại rỉ tai, Lâm trường vừa liên kết với bên thương nghiệp đưa về một lô hàng xe đạp, nếu "thầy" có nhu cầu thì lấy vài chiếc. Nhu cầu đương nhiên lúc nào cũng có. Không phải nhu cầu sử dụng mà là trữ hàng thay tiền mặt. Thõn nói, nhà em nhờ tận tụy làm thêm ban đêm (viết giấy khen và lau cọ chai cho mấy cơ sở sản xuất bia thủ công) nên cũng dành dụm được chút tiền mặt. Tuy nhiên những ngày tháng này, bán mái gà buổi sáng, nếu giữ tiền đến chiều hôm sau thì chỉ mua được vài quả trứng, vì thế nên bất luận có loại hàng gì, nhất là hàng quốc doanh, giá mềm hơn bên ngoài là lập tức phải mua ngay. Trong nhà Thõn lúc này có đến hàng chục loại soong nồi nhôm Liên Xô đủ các cỡ to nhỏ, bốn vỏ chăn vải hoa Trung Quốc, sáu chiếc phích đựng nước nóng cũng là hàng Trung Quốc. Và bây giờ lại có thêm ba chiếc xe đạp nữ hiệu Hữu Nghị nữa. Tuy tất cả các thứ đó đều được mua bằng tiền viết giấy khen và lau cọ chai - là Thõn luôn giải thích như vậy - nhưng chị vẫn không an tâm. Thời buổi này có nhiều tiền đã là chuyện đáng ngờ, lại mua được nhiều hàng "giá trong" cũng là một vấn đề cần xem xét. Vì thế, Thõn cẩn thận chất tất cả những thứ đó vào các góc tối trong phòng. Bên ngoài phòng khách và bếp chỉ thấy lổn nhổn những thứ mà vứt ra sân cũng không ai nhặt.
Khôn ngoan và ý tứ đến vậy rồi mà vẫn chịu tiếng mang lời. Thật trên đời không chi khổ nhục bằng lấy phải người chồng ngu!

*

Đã bước qua mùa xuân năm 1984. Mùa xuân sập sùi mưa và sốt ruột vì giông sấm. Tuy nhiên, nói gì thì nói, mùa xuân với khí tiết đặc biệt của nó cũng làm nảy nở trong con người ta những thèm muốn khát khao. Mọi giống đực tìm đến giống cái. Rất nhiều loại cây trụi lá như đã chết rụi hoàn toàn trong những tháng mùa đông thì nay cũng đã le te đâm chồi. Tui nói với hắn, đã đến lúc mi phải học mấy gốc sầu đông kia, phải quên đi nỗi buồn vàng úa mà vượt lên, mà đâm chồi, không phải vì cái thân mi và tau, mà phải nghĩ tới cái dòng họ mình, cái làng Bàu thủy đọng của mình, chẳng lẽ cứ như dân ở làng cam phận từ kiếp này qua kiếp khác cắm đầu xuống cái bàu nước đen ngòm ấy sao. Lúc đầu hắn chán, chỉ thở dài rồi lật sấp mặt xuống gối, chưởi đổng: mẹ kiếp, bươn chãi làm cái đếch gì, chức cao quyền lớn là cái lỗ l.. Cứ nhìn cái loại người oai phong một thời như lão Tấn là đã muốn nôn ra... Tui chưởi lại hắn, kẻ đáng buồn nôn là mi ấy. Con lợn còn đỡ ngu hơn mi. Căm người ta, hận người ta mà không dám mở mồm, cứ cúi đầu lẩn tránh như chính mình là thằng kẻ cướp bị bắt quả tang. Thời của các cha ấy hết rồi, chừ là thời của mình, phải gồng lên, vục dậy vượt lên trên cả chúng nó thì mới hả cái mối hận ấy chứ. Quả lật ngửa người ra, câm lặng, nhưng tui lại nghe được từ trong sâu thẳm cõi lòng hắn vọng lên một câu hỏi khắc khoải: liệu có làm được không hay chỉ là ảo tưởng. Tui lại chưởi, ảo tưởng cái cục cứt, không có chuyện chi mà không làm được. Cổ nhân nói, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Mi hãy ghi nhớ lấy câu này: trên đời bất cứ chuyện chi, kẻ khác làm được thì mình cũng làm được. Cứ tâm niệm như thế mà sống. Hắn ngồi dựng dậy. Nhưng làm như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Chú Tấn bữa ni đã... Tui gầm lên, vứt mẹ cái thằng chú đó đi... Bây giờ nó đã là thằng què rồi, là cái xác trơ rồi, còn non nước chi nữa mà nhòm ngó vào nó... Quả lại thở dài, nằm xuống, cố nhắm mắt lại nhưng không sao ngủ được. Biết cậy nhờ ai đây. Cả một cuộc đời kể từ khi lọt ra khỏi lòng mẹ cho đến tận ngày hôm nay, hắn chỉ biết tựa vào hai người. Bố và chú Tấn. Cả hai với hắn giờ coi như đã vùi sâu chôn chặt xuống đất đen . Một nỗi đắng ngắt ứa lên trong cổ họng. Chưa bao giờ hắn cảm thấy cô đơn, trống trơ như lúc này. Hắn cứ lật ngửa rồi lại lật sấp trên giường, chốc chốc lại thở dài đánh thượt một cái... Tui cũng thức với hắn. Gần sáng, bỗng như thể có Bồ tát xui khiến, tui chợt nhớ tới một người... Tui chưa kịp gọi hắn thì thằng Quả cũng bất ngờ ngồi vọt dậy, hai tay chấp trước ngực, lầm rầm khấn nguyện: Mô phật! Cảm tạ Bồ tát!
Ngay sáng hôm ấy, lấy cớ có công chuyện phải vào làm việc với Văn phòng Ủy ban tỉnh, hắn điều chiếc xe Oát chạy vào thành phố. Tất nhiên hắn không vào Ủy ban mà rẽ về phía Ty Thông tin- Văn hoá.

Cái con người mà trong đêm Quả bất ngờ nhớ ra đó chính là ông Trưởng ty Thông tin Văn hoá tỉnh, vị "giáo sư" lúc nào cũng yêu nước nồng nàn và nồng nàn yêu khúc nhạc Trịnh
Nhưng vì sao bỗng dưng Quả lại nghĩ đến thầy Phụng? Đơn giản là vì ở trong hàng ngũ các cán bộ có cỡ của tỉnh cho đến lúc này chỉ có hai người biết được quá trình cống hiến của anh. Ông Đắc thì hiểu kĩ hơn, nhưng sau cái lần gặp nhau đột xuất ở chợ được ông cho ăn một cốc chè hạt sen kèm theo lời hứa gọi điện thoại mà rồi lại quên, đến nay Quả cảm thấy chẳng còn chút mặn mà gì nữa. Mấy lần ông về huyện, nhìn thấy Quả ông cũng chỉ cười cười rồi vội vã lao vào phòng tiếp khách với các vị trong Thường vụ. Cũng có một lần gặp nhau ở hiên hội trường trong cuộc hội nghị triển khai nghị quyết cấp bách của tỉnh là phá rừng, khai hoang trồng sắn để giải quyết thiếu đói, ông bắt tay Quả rung rung mấy cái rồi nói trơn tuột: nghe nói cậu bữa ni khá lắm đúng không? Tiếp tục phấn đấu hí.
Dần dần Quả ngộ ra một điều, không phải ông ấy nhạt tình với Quả mà thực lòng ông ta không còn tâm trí để giao du với loại cán bộ tép riu như anh. Ông và những cán bộ cỡ ông đang tốn quá nhiều công sức vào các mối quan hệ cao hơn, phức tạp hơn, nó liên quan đến những chặng đường tiếp theo của họ. Quả không hề trách ông, chỉ thấy buồn.
Còn thầy Phụng? Thực ra thầy không hề có quan hệ mật thiết gì lắm đối với anh, nói có quen cũng được mà không quen cũng không sai. Hồi ở Mặt trận, thầy ở bên đoàn hát múa thuộc quân Cục Chính trị, còn Quả là cần vụ của Tham mưu trưởng. Nhưng vì có chuyện Thõn mà thầy có qua lại chơi với chú Tấn vài lần. Thế thôi. Rồi trong đám cưới của Quả, ngoài người chú thay mặt cha nói những điều đạo lí ra thì chỉ duy nhất có "giáo sư" phát biểu ý kiến. Quả nhớ mãi hôm đó thầy Phụng nói trong sự xúc động đặc biệt, hai mắt long lanh ngấn nước. Rồi thầy đọc thơ. Lời thầy và lời thơ đại để là ngợi ca đám cưới như một biểu trưng của chủ nghĩa nhân văn Cách mạng, là khúc tình ca ngọt ngào giữa tiếng súng trận rền vang...
Quả cứ băn khoăn mãi, không biết ngần ấy kỉ niệm có đủ để vị "giáo sư" danh tiếng kia nhớ ra mình không?
Cái tòa nhà mà Ty Thông tin- Văn hóa tỉnh đặt trụ sở là loại nhà khép kín như kiểu nhà tu. Hình như trước đây nó là một cơ sở chiêu hồi của chính quyền Ngụy. Nhà cao đến ba tầng lầu nhưng bốn phía đều tường cao bọc kín mít. Đứng ở ngoài phố nhìn vào, có cảm tưởng đây là trụ sở của loại cơ quan an ninh đặc vụ hay gì đó đại loại như thế chứ khó ai đoán đấy lại là chốn vui vẻ hát múa và cờ đèn kèn trống.
Không phải là chủ nhật, cũng đang giờ hành chính nhưng không hiểu sao cả cơ quan lại vắng tanh vắng ngắt. Quả đi thẳng vào phòng hành chính chỉ thấy một cô văn thư trẻ ngồi đọc sách trinh thám với một chị trung niên làm tạp vụ. Nhờ có chiếc xe U-oát đỗ xịch trước cổng nên vị thế của Quả cũng không đến nỗi nào. Chị tạp vụ pha nước mời khách, còn cô văn thư thì tỏ ra rất nhanh nhẩu:
- Dạ thưa anh, dịp này các cơ quan trong tỉnh đều lên rẫy tăng gia lương thực. Bữa ni đang là mùa vụ mà anh. Mà anh tìm chú Trưởng ty hí ? Chừng ba giờ chiều chú ấy sẽ về... Chiều nào chú ấy cũng về... Mà anh có công chuyện hay chỉ là quen biết?
- Dạ... tôi vừa quen biết mà cũng vừa có công chuyện...
- Hai người đồng hương à? Hay bạn?
- Dạ, chúng tôi là bạn chiến đấu trên chiến trường BZ...
- Úi... anh... à chú cũng bộ đội về hí?
- Dạ...
Người làm văn hoá thật dễ gần. Quả nghĩ thế và thấy yên tâm để hỏi han trước về "người đồng đội cũ" mà thực tình anh cũng chỉ gặp có mấy lần loáng thoáng, còn lại toàn là biết qua lời kể của Thõn. Cô văn thư trẻ hào hứng kể về xếp của mình. Cũng chẳng phải cô mê gì lắm vị thủ trưởng quá xa vời đối với một nhân viên tép riu như cô. Chẳng qua nhàn rỗi quá, suốt ngày buồn thiu với mấy cuốn truyện cũ mèm nhàu nát, chẳng có ma hời nào hỏi han đến, nay gặp được vị khách không mời mà đến, lại có vẻ rất lễ phép và chịu khó nghe chuyện nên cô tranh thủ xổ hết ra. Mấy lại, ca ngợi xếp cũng chính là quảng bá cái cơ quan cao sang mà cô là một thành viên. Ánh mắt cô nhân viên cứ đong đưa theo từng chi tiết chuyện tài hoa của vị "giáo sư" như thể cô là người đủ tầm để nhận xét đánh giá tài năng của một cán bộ đầu ngành cấp tỉnh. Quả vốn có bộ mặt thật thà, lại đang diễn vai đồng đội chiến hữu sau bao năm chưa gặp lại cố tri nên càng khích lệ cô nhân viên háu chuyện. Nhờ vậy mà cơ bản Quả đã nắm được vị thế, khả năng của vị "giáo sư" ở trong ngành văn hoá cũng như trong lãnh đạo tỉnh. Một buổi sáng trôi qua nhanh, Quả không đến nỗi quá thất vọng vì phải chờ đợi.
Gần trưa, Quả nói dối là cần qua bên văn phòng Ủy ban tỉnh bàn công việc, cho xe lui về quán Lộng gió gọi hai bát mì xào. Lái xe ăn xong xin phép đi về thăm một người bà con sống trên khu tập thể xưởng in. Quả ngồi lại trong quán, kéo ghế vào sâu trong một góc tối, mượn tờ báo để đọc thực chất là úp kín mặt và bắt đầu ngáy...

*

...Rõ ràng thầy Phụng không nhận ra người quen, nói chính xác hơn là ông không nhớ chút gì về người chiến hữu có bộ mặt từ bi đang ngồi đối diện. Tuy nhiên là một trí thức lớn, "giáo sư" luôn có cách ứng xử không bao giờ để mếch lòng người khác. - Ô, Phụng vừa chìa tay ra vừa kêu to cộng thêm toàn bộ khuôn mặt giãn ra hết cỡ - Cậu tức là... lâu ngày quá ha, mình cứ nhớ lẫn đứa này sang đứa khác. Già rồi, lú lẫn hết rồi, tệ quá..
- Dạ thưa... hồi ở BZ em là cần vụ của Tham mưu trưởng Phùng Tấn, giáo sư có nhớ thủ trưởng Tấn không? Nói xong câu đó Quả thấy đắng ngắt trong cổ. Mà hình như lão "giáo sư" này cũng có biết chuyện ân ái của Thõn và Tấn. Quả chợt thấy đỏ tấy hai vành tai, anh lầm bầm tự rủa mình sao lại ngu thế. Nhưng khuôn mặt vị Trưởng ty lại giãn ra rạng rỡ. À, cha Tấn hí? Nhớ chứ... nhớ chứ... mà cha ấy là lính ở bộ phận mô hè?
Quả suýt phì cười. Người ta thường bảo các nhà trí thức siêu phàm có chung căn bệnh đãng trí. "Giáo sư" quả là nhân vật siêu phàm!
Tuy nhiên với Quả, sự đãng trí bấp bênh ấy lại là một cơ hội tốt. Mục tiêu Quả đặt ra trong chuyến đi này chỉ nhằm khâu nối lại những chiến hữu cũ hiện đang có vai vế trong tỉnh, và việc chắp nối ấy phải bắt đầu bằng sự chắp nối kỉ niệm quá khứ với vị thế hiện tại. (Bồ tát đã mách bảo thế). Nếu như cái gì "giáo sư" cũng nhớ rành rọt thì Quả còn biết kéo dài câu chuyện thế nào. Thế nên trước vẻ mặt thoáng chút bối rối của Trưởng ty, Quả khẽ khàng nhắc lại từng con người, từng sự kiện, nhắc nhiều nhất là tên tuổi và cuộc sống hiện nay của mấy anh chị em trong đoàn múa hát. Đương nhiên, người được nhắc nhiều nhất là Thõn. "Giáo sư" vừa chêm nước trà vào chén cho khách vừa tỏ ra rất kiên nhẫn lắng nghe. Vẻ mặt lúc nào cũng thường trực nét xúc động. Quả chưa đủ tầm nhận thức để có thể đọc ra được vẻ xúc động của "giáo sư" mấy phần là thực, mấy phần là cố gắng... Nhưng Quả mặc kệ, chẳng quan tâm. Bởi chính anh, trong cái giọng kể bùi ngùi kia tuyệt nhiên cũng không có một sợi tơ nào là tự hào hay tâm huyết hết. Cực chẳng đã Quả mới phải nhắc đến cái thời ấy, những con người ấy, cái thời và những con người đã được Quả chôn sâu vùi kín trong kí ức tủi hổ của mình...
- Ừ ừ... đúng đúng... "Giáo sư" cứ gật gù theo từng chi tiết câu chuyện của người chiến hữu - Chiến tranh là như rứa mà. Bất luận ở giác độ nào chiến tranh cũng là thứ bất bình thường của đời sống. Cậu có biết đời sống bình thường là phải thế nào không?
Quả thộn mặt, thật thà:
- Dạ..em không biết ạ.
- Là nó như ri hí. Hạt mầm từ đất trồi lên, rồi lấy gió, lấy nắng lấy không gian bao la mà vươn cành, đơm hoa kết trái. Rồi hoa trái lại già đi, rơi xuống vùi vào đất đai, rồi lại nảy mầm trồi lên. Rứa đó. Nên Trịnh mới hát, hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi... Đâu có phải cơ thể Trịnh là một hạt bụi, hí? Cái triết luận sâu xa của Trịnh là vậy...
- Dạ thưa giáo sư...
Quả vội vã ngắt lời bởi anh biết nếu không mau miệng thì chắc chắn "giáo sư" sẽ làm liền mấy khúc ca Trịnh. Mà tới lúc đó thì dù có Bồ tát hiển linh cũng khó mà ngăn cản được.
- Dạ thưa... Trưởng ty, không biết đến khi chiến dịch Mậu Thân mở ra, giáo sư có theo đoàn về nội đô không?
Thầy Phụng ngẩn ra một lúc, có thể là ông ngạc nhiên vì sự ngắt lời rất thiếu lịch sự của một kẻ kém học như Quả, mà cũng có khi do câu hỏi đột ngột khiến "giáo sư" chưa huy động kịp trí nhớ. Trưởng ty Phụng ngồi lặng đi một lúc, dụi dụi điếu thuốc đang hút dở vào chiếc gạt tàn, rồi giọng ông bỗng trầm hẳn xuống.
- Khi đoàn văn công xuất kích, mình bị mấy cha tuyên huấn gọi qua bảo viết giúp một bài kêu gọi thanh niên sinh viên trong đô thị xuống đường. Mình viết mất hai ngày, giao cho các cha đọc, lại góp ý lên xuống, lại sửa lui sửa tới. Xong, tưởng hết việc, ai ngờ mấy cha lại bảo mình phải đích thân đọc vào máy ghi âm. Xong, chuẩn bị lên đường đuổi theo anh em thì... nhận được tin... Buồn quá.
Ông thở dài một tiếng rồi lại moi một điếu thuốc vê vê ở tay.
Được rồi, Quả mừng thầm trong bụng. Như vậy có nghĩa là Trưởng ty không có mặt ở nội đô cũng như vùng Thuận Thành, mình có nói sai nói đúng thế nào thì cũng không sợ ông phát hiện. Không hiểu sao chính lúc này Quả lại nhớ tới cái tên Hồng Bàng- Không, hắn là Bang, mà cũng không phải, tên hắn chính xác là Báng. Nhớ đến Báng tuyệt nhiên không phải vì tình cảm đối với hắn, mà là vì Quả sắp phải kể cho vị "giáo sư" siêu phàm mà rất đỗi đãng trí này nghe cuộc chiến khủng khiếp, bi hùng của những ngày ấy mà trong câu chuyện đó thực tình Quả chỉ chứng kiến rất ít. Nhưng bây giờ anh lại biết về nó rất rộng, rất kĩ, rất chi tiết với vô vàn những mẩu chuyện, những tình tiết éo le xúc động mà thực tình cho đến bây giờ Quả cũng không dám chắc chuyện nào là sự thật, chuyện nào là do thằng Báng thêu dệt. Thật không ngờ sống gần cái thằng trời đánh không chết ấy lại có ích cho mình đến vậy.
Mô Phật ! Chẳng phải tui kể công nhưng tất cả sự may mắn trót lọt ngày hôm đó đối với Quả thì công lao của tui không nhỏ. Ngay từ phút giây đầu tiên chạm mặt với cái lão"giáo sư" đó, tui phải nhắc nhủ hắn thường xuyên - mà hắn lại cứ tưởng là lời Bồ tát - Ngay cả khi "giáo sư" sắp cất lên khúc ca nhạc Trịnh chính tui đã giục hắn cướp lời. Rồi tiếp theo là những câu chuyện lâm li bi thảm của mặt trận tây - nam sông Thuận Thành khiến "giáo sư" không cầm được nước mắt thì cũng chính tui đã phải âm thầm nhắc cho hắn nhớ từng chi tiết. Cho dù những chuyện đó là lấy lại từ cái mồm ba hoa của lão Bang, nhưng với cái đầu mít đặc như thằng em tui làm sao lại có thể nhớ được. Mà dù có nhớ được thì kể lại một cách suôn sẻ, mạch lạc, lại dặm thêm tí chút li kì hồi hộp đâu có phải ai cũng làm được. Thực ra lời hắn nói là nói lời của tui. Nhưng hắn đâu có thèm biết ai đã gia ân cho hắn. Hắn thật sự là con người bạc nghĩa đúng như lời nguyền rủa của vợ hắn sau này khi biết chuyện hắn lén tằng tịu với đứa em song sinh của Thõn. Tui giận hắn đến bầm tím ruột gan.
Trưởng ty Phụng bất ngờ sáng mắt lên, chồm người tới khiến Quả hết hồn:
- Cậu giỏi, cậu thật tuyệt vời...
- Không... em... chỉ là... em đâu có lập được công gì to tát.
- Không phải chuyện công lao - "Giáo sư" ngả người ra chiếc ghế tựa, nhả một hơi khói ngon lành, mắt khẽ lim dim- Cái quý nhất ở cậu lúc này là vốn thực tiễn cuộc sống, mà nói cụ thể là cuộc chiến tại Thuận Thành. Đây, cho cậu xem đống thư này..
- Thư gì thế ạ?
- Thư của các sư đoàn, các đơn vị, các vị tướng lĩnh đã từng tham chiến tại Thuận Thành. Họ yêu cầu tỉnh phải quy hoạch lại chỗ đó thành khu di tích đặc biệt, rồi phải lập dự án tôn tạo nó để giáo dục truyền thống. Họ bảo tỉnh không phải lo chuyện kinh phí. Cứ để bên Bộ Quốc phòng ra tay. Thường vụ và Ủy ban đã chuyển hết xuống cho mình đây, các cha còn chỉ thị trong năm này phải lo xong.
Quả lướt lướt qua mấy trang thư, chẳng đọc được gì vì lá thư nào cũng dài loằng ngoằng, nhưng anh vẫn gật gật đầu:
- Đúng... đúng quá. Các anh ấy tâm huyết quá... Mình phải lo thôi thủ trưởng ạ.
- Lo, đương nhiên rồi, nhưng ai lo?
- Dạ, thì anh là Trưởng ty, đương nhiên anh phải lo rồi.
- Một mình mình thì làm được cái đếch gì, cả mấy cha bên tuyên huấn cũng ú ớ hội tề. Chừ thì may rồi, trời phật phù hộ cho mình rồi. À, mà mình quên chưa hỏi, hiện tại cậu làm gì, ở đâu?
Quả hớn hở: Thưa anh, em hiện tại là Huyện ủy viên, Chánh văn phòng huyện...
"Giáo sư" hơi nhíu mày lại một tí, rồi khịt khịt mũi:
- Huyện uỷ viên thì..cũng có sao đâu. Cậu có bỏ nó đi được không?
- Dạ... bỏ cái gì ạ?
- Cái Huyện uỷ viên ấy.. Phụng thở khà một cái để nhả hết khói thuốc ra rồi nói với một giọng nghe không có vẻ hứng thú lắm - Mình nói bỏ là bỏ cái chức Huyện uỷ viên thôi chứ không nói cậu bỏ Đảng. Có Đảng cũng tốt, càng hay...
- Dạ thưa anh... nhưng mà...
Trưởng ty ngồi thẳng dậy, nhìn chiếu tướng Quả như đang sát hạch học sinh:
- Nếu cậu đồng ý, mình sẽ xin các cha bên tỉnh điều cậu lên Ty.
Quả cố nén sự hồi hộp:
- Vô đây... nhưng em thì làm được chi?
- Mình sẽ giao cho cậu làm Trưởng ban quản lí khu di tích.
- Nhưng mà em... em chẳng được học hành gì về bên ngành đó cả, sợ rằng.
"Giáo sư" vung tay một cái rồi bất ngờ xổ ra một tràng đầy bực bõ:
- Học, học cũng có ba bảy loại học. Cậu tưởng bữa ni mấy cha cứ xơn xơn khoe mấy cái bằng này bằng nọ mà làm được việc à? Cái thói đời bây giờ cứ trọng danh hơn trọng thực. Mình nói thiệt, với vốn sống hiện nay của cậu đổi vài bằng tiến sĩ tớ cũng đổi.
Ngừng một lúc Phụng lại mở tròn mắt ra như thể đang mặc cả ở chợ:
- Sao? Nói cái rụp nghe coi?
- Dạ... cái này... tuỳ anh thôi. Em là lính mà, tổ chức cứ sắp xếp, em chấp hành.
- Ô kê! Mình dẫn ông đi uống rượu.

Đăng ngày 14/12/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 15/12/2009

he,he...Lao Trang lẻn đi đánh quả đâu rồi ấy nhỉ mà không thấy tinh thần màu cờ sắc áo xuống đường ủng hộ đội tuyển bóng đá ? Tối qua con nổi hứng ra đường và được một kỷ niệm nhớ đời Lão ạ. Số là quanh quẩn nhìn Thích ca mãi cũng chán nên con vác xe ra đường hòa vào dòng người đang hưng phấn phóng như điên và hét hò bạt mạng. Đang tà tà sát mép lề thì con phát hiện thằng bé con khoảng 3 tuổi chạy ngược chiều trên vỉa hè, vừa chạy vừa gào khóc. Nó vừa chạy vừa té rồi lại bật dậy chạy tiếp...Con đã cho xe lướt qua nhưng không hiểu sao hình ảnh thằng bé sấp ngửa dọc đường làm con phải lưu tâm và cho xe quay lại. Đến lúc tóm được nó con mới hay thằng bé đang trong cơn hoản loạn. Người nó đầm đìa mồ hôi, tim đập liên hồi và nó gào khóc đã khản giọng...Thấy con dỗ dành nó có vẻ bớt khóc và hạ lệnh đi tìm ba má nó. Con hỏi ba má con ở đâu nó chỉ lung tung. Hỏi con tên gì nó bảo cu Bin, Ba má tên út Tám, học trường cô Sáu...Vốn có kinh nghiệm dỗ mấy chú tiểu trong chùa nên con bỏ nó lên xe, mua thêm gói bánh và hai cô cháu lên đường. Cứ nó chỉ đâu con đi đó. Có một đoạn đường mà theo nó con phải tới lui đến mấy lần nhưng rồi chẳng hiểu sao đến nơi nó lại lắc đầu và chỉ sang hướng khác. Mệt quá nên con dỗ nó thôi về nhà cô ngủ, cô cho con siêu nhân, máy bay, tàu hoả...rồi mai đi tìm má nhưng nó mếu máo khóc là con chỉ ngủ với ba má con thôi. Cứ thế...đến hơn 11g thì xe hết...xăng. Thật hú vía tại vì nhờ cây xăng này mà nó đã nhận ra đường về nhà. Con vừa nổ máy là nó đã chỉ tay ra lệnh thẳng tiến. Cuối cùng nó chỉ vào một con hẻm bề ngang hơn mét nhưng chiều dài thăm thẳm quanh co. Rồi nó bỗng chỉ tay vào đám đông đang bàn tán trước mặt và reo lên: Ngoại con kia rồi! Trời đất, con mừng còn hơn cả nó Lão ạ bởi thực lòng con lo không biết nếu không tìm được ba má nó thì con không biết sẽ làm gì  . Vừa thấy nó, ông ngoại nó chạy đến bế lên hôn chùn chụt rồi khóc rưng rức. Con đang tính khóc theo thì ổng chắp tay lạy con và mô Phật liên hồi làm con phát hoảng. Té ra cu cậu được một cặp ba má cũng đang còn trẻ con chở đi chơi, chẳn biết mãi làm gì, hào hứng thế nào mà để con đi lạc. Ông ngoại nó kể ba má nó chạy về không thấy, khóc như mưa và huy động cả xóm trọ đi tìm. Hii, hi...đến lúc này con mới nhìn kỹ thằng bé. Trông nó thật khôi ngô và dễ thương. Cu cậu diện một chiếc áo đỏ rực. Trước ngực là VN chiến thắng còn sau lưng là ngôi sao vàng choé. Quần jean xanh rất mốt nhưng hơi bị ướt vì sợ quá nên... tè ra quần. Hú vía Lão ạ. Con bàn giao nó và chạy về đến nhà đã hơn 12g đêm. Một đêm xuống đường nhớ đời Lão ạ. Suýt nữa con đã có thằng cu tí để nuôi. He,he...
  Gửi bởi: THÀNG BÉO - 20/12/2009

Sư mô chi lạ rứa !
Xuống đường còn ...He...he
Dê cái tìm dê đực
Chùa chiền thành trại...dê
Lão Trang sẽ béo hú
Rượu tắm vài ngàn be
Thảo nào vườn Trúc vắng
Lão lú, quên đường về
He!
         He!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan