Saturday, October 3, 2015

Kẻ song sinh - Chương 8


Tác giả: Xuân Đức

Chương tám 

Thằng Báng ( hoặc Bang, hoặc Hồng Bàng ) với đứa em song sinh của vợ Chủ tịch - giai thoại mới của dân thôn Bàu. 


Có vẻ như những tính toán của Quả đều rất chính xác. Người bác sĩ Phó khoa đã giữ đúng lời hứa. Gần một tuần trôi qua Quả được sống trong sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Không có bất cứ ai đến quấy rầy. Có lẽ lâu lắm rồi anh mới có được những ngày bình an như thế.Ngày nào cũng như ngày nào, buổi sáng sau khi các hộ lí cho anh uống thuốc xong (chủ yếu là thuốc bổ tăng cường thể lực), Quả lại nằm ngửa trên giường, co một chân lên cao, kê cuốn sổ lên đầu gối tập viết. Từ ngày phát hiện ra tài năng viết chữ đẹp của mình, Quả đã rèn được thói đam mê luyện chữ. Thật là kì diệu, nét chữ của Quả ngày một thêm bay bướm, mềm mại. Chính nét chữ huyền diệu này đã tạo ra cho Quả một xuất phát điểm vô cùng thuận lợi, lại còn giúp anh vượt qua những năm tháng cam go của thời kì khủng hoảng kinh tế. Làm đến Chủ tịch tỉnh rồi nhưng Quả vẫn không bỏ thói quen luyện chữ. Chính ông Phụng "giáo sư" có lần nói với Quả, luyện chữ chính là luyện tâm. Quả thì nghĩ đơn giản hơn, nó là ngón nghề trời phú, cố giữ nó, biết đâu có ngày thất cơ lỡ vận lại phải dùng đến.
Sáng thứ sáu, khoảng chín giờ, trong lúc Quả đang nắn nót tì tay trên đầu gối viết dòng chữ quen tuộc : Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam... thì người bác sĩ Phó khoa bước vào:
- Có một anh xưng là ở Ủy ban kiểm tra Trung ương muốn gặp...
Quả vùng người ngồi dậy:
- Mời anh ta vào! Nói xong lại chợt nhớ đây là bác sĩ Phó khoa chứ không phải là quân Văn phòng, Qua vội đỡ lời
- Cảm ơn anh, nhờ anh mời giúp...
Bác sĩ Phó khoa quay ra. Chừng hai phút sau, một người đàn ông thấp lùn, mặt hơi bị rỗ bước vào.
- Chào đồng chí Chủ tịch - Anh ta chủ động chìa tay ra - Tôi là Mừng, chuyên viên ở Ủy ban kiểm tra...
- Vâng vâng, tôi biết rồi... Ái chà, sáng nay lại đúng là ngày tôi phải ra ngoại trú...
- Sao, anh chuyển ra ngoại trú?
- Vâng. Mấy hôm nay bệnh viện hơi bị quá tải... Các anh ấy có đề nghị...
Anh chuyên viên thấp lùn nhanh nhẩu:
- Thế này đi. Chúng tôi vừa ở trong tỉnh ra, có vài việc muốn xin thêm ý kiến anh. Các đồng chí trong tổ công tác bảo tôi đến liên hệ trước, nếu được xin đăng kí với anh sáng mai.
Quả cũng nhanh nhẩu trở lại:
- Vâng sáng mai, hoặc là sáng kia... Thế nào cũng được ạ.
- Anh ra ngoại trú chỗ nào?
- Dạ, tí nữa khi chọn được khách sạn nào tôi sẽ a lô. À mà tôi phải gọi vào số máy nào?
- Anh có thể gọi thẳng cho Văn phòng Ủy ban Kiểm tra.
Anh chuyên viên lấy bút ghi vội vào cuốn sổ tập viết của Quả rồi chìa tay bắt thêm lần nữa và quay ra luôn. Quả nhìn theo, lẩm bẩm: Mẹ kiếp, chuyên viên Trung ương gì mà một câu hỏi thăm bệnh tình cũng không biết nói. Đúng là mặt sắt đen sì...
Tại sao bỗng nhiên Quả lại nghĩ ra chuyện sáng nay chuyển ra ngoại trú? Đơn giản chỉ vì anh vẫn chưa muốn tiếp xúc với đoàn công tác Trung ương, anh vẫn chưa sẵn sàng. Dù đã gần một tuần trôi Qua, Quả đã nghĩ ngợi rất nhiều nhưng không hiểu sao nó cứ lan man, chuyện nọ xỏ chuyện kia, vẫn không sao chốt lại được điều căn bản nhất. Có lẽ ngày hôm nay, một ngày nữa thôi phải tập trung tư tưởng để xác định chắc chắn mình phải nói những gì.
Như vậy là, mọi dự liệu của mình đã chính xác. Quả khẽ mỉm cười. Tuy nhiên không vì thế mà anh thoát khỏi cảm giác hồi hộp. Anh hình dung thấy những phiên họp Thường vụ trong những ngày qua chắc chắn rất căng thẳng. Ngay trước hôm ra Hà Nội, một thằng bạn ở Ban Tổ chức Trung ương phôn vào cho biết cách làm việc của đoàn là vừa đối thoại trực tiếp trong Thường vụ, trong toàn Ban Chấp hành, đoàn còn gặp riêng từng cá nhân, mỗi người ba mươi phút. Không phải Quả không có chủ kiến, vấn đề là khi phải đối diện với ông Sò và ông Ước, anh chưa biết ứng xử ra sao. Ngã theo bên này, lỡ như sau rốt bên kia lật lại thế cờ thì sau này mình phải sống thế nào. Hơn nữa, hình như có ai đó, ở đâu đó bất ngờ mách bảo cho anh, nếu vụ này mà khéo xoay xở thì cũng coi như cơ hội trời cho ngư ông đắc lợi.
Sau khi chuyển ra khách sạn, Quả chưa điện thoại báo tin vội. Như một thói quen, anh nằm ngửa ra giường, nhắm hai mắt lại. Quả bắt đầu suy nghĩ. Mà cũng lạ, không biết anh đã tập được thói quen suy nghĩ từ lúc nào. Trước đây, ngay cả những khi sắp giáp mặt với những trận đánh khốc liệt, Quả cũng không biết suy nghĩ. Nói cho chính xác là không biết phải suy nghĩ gì. Cái đầu của Quả lúc nào cũng như nung mủ, lờ nhờ, lỏng bỏng, dù có cố hết sức cũng chẳng tính ra được việc gì cho rành rọt. Cũng may Bồ tát đã cứu vớt anh khỏi đám mây mê muội đó. Có lẽ từ cái lần bất ngờ bị loại ra khỏi danh sách giới thiệu vào chức danh Phó Chủ tịch huyện - năm 1983 - Quả đã buộc lòng phải tập suy nghĩ. Rồi sau khi lên tỉnh, từ Trưởng ban quản lí di tích lên Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin (cái tên mới được đổi từ Ty Thông tin - Văn hoá), nhất là khi phải đối đầu với người thủ trưởng cũ là Đắc lúc ấy đã là Phó Chủ tịch tỉnh, Quả đã phải suy tính cách thức ứng xử đôi lúc muốn bể luôn cái đầu. Cái gì rồi cũng quen. Những ngày tháng gần đây Quả tự thấy mình càng nghĩ càng tìm ra được lắm điều hay. Mô phật!
Quả nhắm mắt như nhập thiền và bắt đầu nghĩ. Họ sẽ hỏi mình thế nào? Mình sẽ bắt đầu từ đâu đây? Có lẽ phải từ năm mình được đề bạt Chánh văn phòng và được bầu vào cấp ủy huyện. Bởi đó là giai đoạn mình gần lão Sò nhất. Lúc đó lão ta sống bộc bạch, lúc nào cũng lấy vui làm chính, không thâm thuý như sau khi leo lên ghế Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy rồi lên Phó Bí thư thường trực... Hay là từ năm 1983 cái năm bầu lại Hội đồng và Ủy ban các cấp..
Bỗng ai đó, ở đâu đó khẽ nhắc Quả: Vào đề khách quan hơn, phải làm ra vẻ vô tư kể lại những ngày mình còn lăn lộn ở huyện, may mắn được biết đồng chí Sò... Chớ có dại mà chằm hăm vào tố lão, người ta sẽ nghi ngờ động cơ mình. Cứ nói như thể lạc đề, như thể không quan tâm lắm tới dư luận đang chĩa vào Phó bí thư Tỉnh uỷ.
"Đúng đúng... hay hay... Cứ phải giả vờ làm như mình bị lạc đề..Cao kiến! Cao kiến!"
Ai đã nhắc mình khôn ngoan đến vậy? Chỉ có thể là Bồ tát thôi. A di đà phật !
Đúng vậy, đừng nhắc đến giai đoạn còn làm việc ở huyện nữa, lại càng không nên phân tích cái vỏ bọc lúc nào cũng lấy vui làm chính của lão ta đã khiến hàng loạt cán bộ mắc lừa, cứ tưởng lão chỉ là ông nông dân chất phác nông cạn, và chính mình là một trong nhiều nạn nhân... Thôi, chớ dại mà nhắc chuyện lão ta đã lừa mình rất ngoạn mục trong cú "đảo chính" ngọt lịm như đường để đưa thằng Quyền, đệ tử ruột của lão lên ghế Phó Chủ tịch huyện. (Chuyện đó mãi sau này khi cần liên minh, cha Thụ mới bật mí cho Quả biết). Mình mà chằm hăm vào đó mấy cha trong đoàn Trung ương sẽ nhìn rõ ngay ý đồ của mình. Bồ tát đã mách nước rất đúng. Mình cứ lan man, cứ cho lạc đề. Mấy lại mình đang bị bệnh hiểm nghèo mà, một khối u sắp phải mổ. Ai trong hoàn cảnh này mà có thể giữ được sự thông minh sáng suốt. Các bố cứ phải chịu khó nhẫn nại mà nghe thôi.
Có lẽ khách quan nhất là bắt đầu vào mùa thu năm 1983, khi mình gặp lại được vị "giáo sư" Trưởng ty Thông tin Văn hoá và ông ta đã sốt sắng dọn đường để mình lọt vào thánh địa tỉnh. Có nghĩa sẽ cắt đuôi cái đoạn đắng cay trước đó do lão Sò gạt phắt tên mình trong danh sách ứng cử bầu vào Ủy ban huyện. Các anh Trung ương sẽ thấy mình không hề có chút định kiến gì với lão ta... Thôi, cứ quyết định như vậy.

*

Nếu như trước đây từ chân đất ở thôn Bàu thủy đọng tiến vào khu nhà của Ủy ban nhân huyện, Thõn đã được tiếp nhận một cách quá đơn giản vì có bản khai lí lịch là diễn viên múa của đoàn Văn công Mặt trận, còn Quả lại phải qua kì sát hạch chữ viết đến toát mồ hôi hột, thì nay tình thế hoàn toàn ngược lại. Mặc dầu hôm chuyển giúp đồ đạc của chồng vào thành phố, Thõn đã gặp lại thầy Phụng và hai bên ôm chầm lấy nhau mừng đến mếu máo, nhưng vị Trưởng ty cũng thú thật là trường hợp của Thõn hơi bị khó. Với tuổi tác và nghề nghiệp hiện nay của Thõn không thể điều vô đoàn Ca Múa của tỉnh được. Chẳng có nghề nghiệp gì thích hợp để lí giải với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh. Tuy nhiên việc trắc trở đó có vẻ như không làm cho cả Thõn lẫn Quả quá buồn rầu. Họ đã sẵn sàng ở xa nhau. Thầy Phụng vẫn không quên lời hứa : Mình hứa là sẽ tìm cách giải quyết. Làm cách mạng thì cũng cần có gia đình chớ. Mình nói mấy cha phải nghe thôi... Cả Quả lẫn Thõn đều cười vui và cảm ơn sự quan tâm của thủ trưởng.
Nạp quyết định nhận công việc ở Ty buổi chiều thì ngay sáng hôm sau Trưởng ty Phụng đã yêu cầu Quả dẫn mình về địa bàn Thuận Thành để khảo sát thực địa. Quả hơi lúng túng một chút nhưng sau đó đã nhanh trí đề xuất trở lại:
- Báo cáo anh... hay là thế này, anh cứ để em đi trước..
Phụng xua tay:
- Không cần, mình đưa cậu đi bằng ô tô cho mau..
- Dạ... vấn đề là cũng đã lâu em không có điều kiện về lại dưới đó. Nay về không thể qua quýt được, trong một ngày chưa chắc đã gặp được ai, mà nếu gặp được các đồng chí cũ dưới đó mà mình vội vội vàng vàng lên xe trở về chỉ khiến cho họ coi thường, có khi họ lại chưởi cho ấy chứ. Vì thế thủ trưởng cứ để em đi xe đạp về trước, có thể em sẽ ở lại vài đêm. Sau đó trở về cơ quan, em sẽ báo cáo tình hình để anh cho ý kiến chỉ đạo. Như vậy anh có đủ điều kiện cân nhắc kĩ lưỡng mọi chuyện.
"Giáo sư" gật gù :
- Cậu nói rất đúng. Chánh văn phòng Ủy ban có khác. Rứa thì cậu đi nhanh về nhanh hí.
Quả tự thấy ngạc nhiên vì sự nói dối của mình. Mà cũng lạ thiệt, mình biết nói dối từ khi nào vậy? Sự thực điều khiến Quả lo lắng không muốn Trưởng ty đi với mình trong chuyến thị sát đầu tiên này chính là thằng Bang. Đã trên mười năm rồi không biết bữa ni hắn ở đâu, làm công chuyện chi, đang đà thăng tiến hay đã bị ai đó vạch mặt nên rơi xuống vực rồi. Hắn tiến hay thoái đối với Quả không quan trọng. Nhưng nếu chạm mặt với hắn ở dưới đó mà có mặt "giáo sư" Phụng không chừng kẻ bị vạch mặt là anh chứ không phải hắn.
Quả đã quá lo xa. Anh quên mất rằng đức Chí tôn luôn sắp đặt cho những đứa con Phật mọi đường đi nước bước.
May mắn hay kiếp nạn đều không ra khỏi lòng bàn tay ngài. Vì vậy nên đã gần chục năm nay thằng Báng đã không còn ở đất Thuận Thành nữa. Dân ở vùng này là dân kinh tế mới, hầu như không mấy ai biết nhiều về những ngày tháng xa xót thủa Mậu Thân. Lãnh đạo xã sau khi xem giấy giới thiệu đã vui vẻ tiếp đón rồi nói cho anh biết, bà con ở ấp Thuận Thành ngày trước chủ yếu là dân Tam Sa dưới vùng biển bãi ngang bị bọn Mỹ lùa lên đây lập ấp. Sau giải phóng họ đã quay trở lại quê cũ. Ông Hồng Bàng cũng về dưới đó, hiện là Xã đội trưởng Tam Sa.
Mô Phật! Quả kêu thầm lên trong bụng. Mặc dù rất điên tiết vì cho đến nay cái thằng ba bớp đó vẫn chưa bị ai vạch mặt. Nhưng thây mẹ hắn. Điều quan trọng là từ nay, ở vùng di tích đặc biệt này anh sẽ thoải mái mà kể những câu chuyện lâm li bi tráng về chiến cuộc Mậu Thân.
Quả đã kể những gì, chuyện gì anh trực tiếp chứng kiến, chuyện gì anh học mót lại từ chuyện bịa của thằng Báng, chuyện gì do chính anh đã bịa ra, sau này khi đã lên ngồi ghế Chủ tịch, thực lòng anh không thể nhớ lại được nữa. Chỉ cảm thấy đại khái là anh đã thêm dấm thêm ớt vào các chuyện hơi nhiều, có khi còn nhiều hơn trò bịa của thằng Báng nữa. Nhưng Quả không thấy hối hận hay lo sợ bởi anh tin bất luận lúc nào cũng có Phật tổ hoặc Bồ tát bên cạnh. Những điều anh đột xuất nghĩ ra có thể là do Bồ tát xui khiến. Những thế cuộc xoay vần luôn mang lại cơ hội cho anh chắc chắn phải do đức Chí tôn sắp đặt Nếu không thì làm sao cuộc đời anh lại luôn gặp may như thế.
Cụ thể là, tháng mười một năm 1984 Ty Thông tin- Văn hoá bắt đầu thuê tư vấn lập dự án Quy hoạch và tôn tạo khu di tích Thuận Thành, mà người được giao trực tiếp tham mưu và quản lý là Thái Quả. Trưởng ty Phụng là người chỉ đạo ý tưởng. Phụng và Quả vì thế mà gắn kết với nhau còn hơn là bạn tri âm, tri kỉ.
Đến tháng năm năm 1985 lãnh đạo tỉnh cùng một số ban ngành liên quan họp phiên đầu tiên nghe báo cáo dự án. Trong buổi thuyết trình đó nhóm tư vấn chỉ có thể nêu lên những mục đích chính trị chung chung rồi quay sang nói về ý tưởng quy hoạch, thiết kế, nội dung đầu tư. Một loạt bản vẽ căng lên xanh đỏ tím vàng khiến mọi người hoa cả mắt. Sau khi tư vấn trình bày xong, Quả xin phát biểu. Mọi con mắt đổ dồn vào anh khiến Quả hơi bị lúng túng...
Hơn nửa năm nay nhờ có cái mồm rất có duyên đưa chuyện của vị "giáo sư" khả kính ở các bàn trà, cuộc rượu mà rất nhiều người trong đó có cả một số vị lãnh đạo tỉnh đã được nghe nhiều chuyện về Quả. Họ đồn đại nhau ở dưói Ty Văn hoá có một con người thầm lặng nhưng rất đáng nể. Bây giờ Quả đang đứng lên trước mặt mọi người. Anh chưa kịp nói gì, chưa ai nghe thấy giọng anh tròn hay méo nhưng đã có nhiều cái đầu gật gù đầy vẻ khâm phục tán thưởng.
- Kính thưa các thủ trưởng! Giọng Quả run run, bé lí nhí. Trưởng Ty Phụng khẽ đẩy ánh mắt qua khích lệ. Quả e hèm một cái rồi cố ngẩng cao lên. Kính thưa các thủ... à xin lỗi, các đồng chí lãnh đạo. Tôi vốn là chiến sĩ phục vụ và liên lạc cho Tham mưu trưởng Mặt trận BZ vì vậy trong suốt thời gian chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân tôi có được lĩnh hội nhiều chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh. Nhờ thế mà tôi cũng có nắm được cơ bản ý đồ chiến dịch. Đến khi chiến dịch bắt đầu, tôi lại được Tham mưu trưởng Phùng Tấn cho về làm thằng lính chiến đấu trong đội hình tiểu đoàn của thủ trưởng Đắc đây. Thủ trưởng Đắc chính là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 14, sau đó là Trung đoàn trưởng trung đoàn 6. Thủ trưởng không những là vị chỉ huy tài ba mà còn là một tấm gương chiến đấu vô cùng dũng cảm cho chiến sĩ chúng tôi noi theo.
Nói tới đó Quả dừng lại ngước mắt nhìn về phía Phó Chủ tich Trần Đắc. Mọi người cũng quay lại nhìn ông. Đắc có vẻ cảm động, ông gỡ chiếc kính ra dụi dụi mu bàn tay lên đôi mắt. Rồi bất ngờ ông nói to:
- Hoàn toàn chính xác. Cậu này chính là cháu ruột của Tham mưu trưởng. Chính cụ ấy đã gửi cậu ta cho tôi nhờ rèn dũa. Nhưng thật không may, khi chúng tôi bị phản kích, tiểu đoàn phá đường máu rút ra thì tiểu đội của Quả đã bị kẹt lại.
Cả hội trường "ồ" lên một tiếng rồi tất cả quay lại nhìn Quả. Bây giờ thì coi như mọi thứ đã được kiểm chứng bằng vàng, cả hội trường lao xao những lời bàn luận. Quả rất phấn khích, giọng anh vang lên đầy tự tin.
- Dạ thưa các thủ trưởng, à xin lỗi, các đồng chí lãnh đạo. Trong cái rủi lại có cái may. Vì kẹt lại nên tôi không theo đơn vị rút lên rừng được mà phải bám theo du kích Thuận Thành, vừa móc nối lại cơ sở, vừa liên lạc với các mũi tấn công khác để tiêu diệt địch, đón lực lượng chi viện vào phối hợp tác chiến, lại đưa thương binh ra ngoài. Như vậy là trong vòng 21 ngày trên mảnh đất Thuận Thành đã có 14 tiểu đoàn của ba sư chủ lực thay nhau tham chiến. Máu xương của anh em đồng chí đổ xuống không sao kể xiết. Đây là một mảnh đất thiêng. Chúng tôi muốn khu di tích này trước hết phải là khu tôn vinh chiến công đồng thời cũng là khu tưởng niệm vong linh các liệt sĩ...
Quả đã nói như có ma ám. Không chừng chính vong linh các liệt sĩ đã mách lời cho anh. Quả nói nhiều, có phần lộn xôn, đôi lúc quá đà lạc ra khỏi nội dung dự án mà như thể đang kể chuyện lịch sử. Nhưng không hề có ai nhắc nhủ, không ai cắt lời, cả hội trường như bị hút hồn vào những tình tiết gay cấn li kì của cuộc chiến. Cuối cùng là vỗ tay, là những cái mỉm cười, những cú gật đầu khích lệ.
Chủ tịch tỉnh kết luận đại khái hoan nghênh sự chuẩn bị công phu của Ty Thông tin-Văn hoá, đề nghị cần tiếp tục lấy thêm ý kiến của địa phương, nhưng cơ bản là nhất trí với ý tưởng quy hoạch và ý đồ đầu tư. Giao các ngành chức năng thẩm định chi tiết trình Ủy ban tỉnh phê duyệt.


*

Về đến cổng cơ quan, chưa kịp xuống xe Trưởng ty Phụng đã la to lên: đầu xuôi thì đuôi lọt. Cả văn phòng mặc dù chẳng hiểu nếp tẻ gì nhưng cũng nhảy ra reo hò hoan hỉ. Quả len lén đi ra phía cuối nhà nơi có căn buồng xép bố trí tạm cho anh ở, làm việc, lòng lâng lâng niềm vui.
Bây giờ nhớ lại Quả nhận ra cái "cú" ấy không chỉ là mũi khoan để "xuôi" cho sau này cái đuôi được "lọt" mà thật sự là một quả bộc phá lệnh mở toang cánh cửa ra nhiều phía. Nghĩa là thắng lợi của nó là thắng lợi kép.
Trước hết đó chính là việc dự án tôn tạo di tich lịch sử Thuận Thành chỉ sau đó chưa tới năm tháng, đầu tháng mưòi năm 1985 đã chính thức được đầu tư. Và với trách nhiệm là người trực tiếp quản lý một dự án tiền tỉ, Quả đã tạo cho mình một vị thế mới. Vừa có uy vừa có tiền. Mà khi người ta có uy tín, đặc biệt là có tiền xủng xoảng trong túi thì mọi mối quan hệ khác bỗng trở nên xum xuê hơn. Mặt khác, sau buổi thuyết trình dự án ở hội nghị rất nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh và đầu ngành đã biết đến anh, không chỉ biết tên biết người mà đi kèm theo nó là sự mến mộ, cảm phục. Trong số đó quan trọng nhất là Phó Chủ tịch Đắc.
Khi Đắc từ ghế Ủy viên thư kí lên Phó Chủ tịch ( nhiệm kì Hội đồng năm 1983) có không ít kẻ không phục. Dư luận lao xao rằng lão này thất học, hình như chỉ lớp bảy, lớp tám gì đó, nhưng vì cấp hàm to trong bộ đội chuyển ra nên ngồi nhầm ghế cao. Một số anh thì nhận xét rằng cha này lúc nào cũng ra vẻ ta đây, ăn nói ngang tàng, chỉ huy lính tráng còn được chứ làm một chính khách thì không thể chấp nhận. Thậm chí đâu đó xì xầm, lão ấy bốc phét thế thôi chứ chẳng có chiến công chiến queo gì đâu. Nếu không thì sao đang ở chủ lực lại chuyển qua làm Bí thư huyện.
Sau cái hôm hội nghị thẩm định dự án, với mấy lời của Quả đã khiến nhiều người bắt đầu e ngại. Và cũng từ hôm đó, ông Đắc trở nên thân thiết một cách đặc biệt với Quả. Rất nhiều đêm, ông rủ Quả tới nhà uống rượu. Mặc dù Quả uống thuộc loại kém nhưng cứ phải kiên trì ngồi chịu trận để nghe ông than thở. Họ bỗng trở nên một đôi mà như lời ông Đắc định nghĩa là cánh lính tráng sau chiến tranh đã bị đám công tử bột không biết chút gì xương máu coi thường.
- Những thằng đã là lính như chúng mình thì sống chết gì cũng phải có nhau. Đắc găm đôi ánh mắt ngầu ngầu sắc huyết nhìn thẳng vào Quả mà nói vậy. Quả cũng ấn mạnh cốc rượu uống dở xuống bàn đánh "cụp" một cái rồi hoạ theo: thủ trưởng nói rất đúng.
- À, thế bữa nay cô Thõn làm gì, ở đâu ?
- Dạ... nhà em vẫn ở dưới huyện, làm cán bộ văn nghệ. (cũng không biết từ bao giờ Quả đã đổi cách xưng hô từ chú cháu qua anh em)
- Sao chú không cho chuyển cô ấy vào đây? Chẳng lẽ thích ở một mình để tự do?
Quả cười khì khì:
- Thủ trưởng cứ bêu xấu em hoài à. Bọn em muốn lắm chứ. Thủ trưởng biết rõ em hơn ai hết mà. Vợ chồng cưới nhau được đúng bốn ngày thì chiến dịch mở. Thế là xa biền biệt cho đến tận ngày giải phóng miền Nam. Đến chừ bọn em vẫn chưa có được đứa con để an ủi sau này...
Đôi mắt vị Phó Chủ tịch tỉnh chớp chớp, hình như đã có ngấn nước ứa ra. Ông cũng dằn mạnh chén rượu xuống bàn đánh "cụp" một cái:
- Không được. Bất công. Thằng nào thì con bồng con bế, vợ chồng suốt ngày lúc nào cũng líu ríu bên nhau em em, anh anh, đứa nào lại cứ suốt đời chịu cảnh chia li cách biệt. Vô lí. Làm cách mạng thì đâu có chuyện bất công như vậy. Chú để việc đó anh lo.
Quả đưa chén lên cụng cắc một cái vào chén xếp, giọng tràn trề xúc động.
- Em đội ơn thủ trưởng. Nhưng..
Đắc ngắt lời :
- Thủ thủ cái gì. Bữa ni cậu với mình là bạn..
- Không. Thủ trưởng muôn đời vẫn cứ là thủ trưởng. Bất luận hoàn cảnh nào thằng lính tiểu đoàn 14 này vẫn sát cánh cùng thủ trưởng của mình. Còn chuyện nhà em, thủ trưởng quan tâm thế là em cảm động lắm, nhưng cứ để thong thả đã. Em mới vào chân ướt chân ráo lại cố kéo thêm vợ con, người không hiểu họ lại xuyên tạc.
Đắc quắc mắt lên :
- Mày sợ cái đếch gì... Làm cách mạng ta sống theo pháp luật, không sống bằng dư luận.
Quả cũng đã bắt đầu bốc:
- Em làm gì mà phải sợ. Em chỉ là con tốt đen. Nhưng em ngại là ngại cho thủ trưởng... Em nhất trí là sống theo pháp luật. Nhưng mà dư luận thì cũng không nên quá coi thường thủ trưởng ạ. Chính đời em đã chịu đòn oan vì dư luận rồi. Theo em, lúc này thủ trưởng nên nén nhịn một chút, là em nói trên mọi chuyện chứ không chỉ riêng gì chuyện vợ em. Năm tháng còn dài mà, thủ trưởng.
- A ha, thằng này khá. Giỏi...quả thật quân đội đã đào tạo ra đứa nào đều là vàng ròng cả, cấm có sai.

*

Dân gian bên ngoài đời vẫn thường có câu: Sông sâu biển rộng dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người. Nhưng lòng thằng em tui nghĩ những gì tui đều thấu rõ hết. Đơn giản, vì tui ở trong bụng hắn.
Thực tâm hắn không muốn gần vợ. Đã từ lâu vợ chồng hắn sống với nhau chỉ như hai cái bóng so le trong một căn nhà. Có bao giờ các người tự ngắm cái bóng của mình chưa? Cứ thấy nó lẽo đẽo, lằng nhằng bên mình thì chán, thì bực bõ rồi chán ghét. Nhưng giả sử một hôm nào đó bỗng không nhìn thấy bóng, nhìn quanh, nhìn quất cũng chẳng thấy được bóng mình thì các người nghĩ sao, không hốt hoảng, cuống cuồng lên mới là chuyện lạ. Bọn hắn cũng vậy, vừa rất muốn tách nhau ra vừa tự thấy không thể cắt rời nhau được.
Thế nên trong những ngày hắn - thằng Quả em tui - đang tỏ ra đắc chí, đang tập quen dần với hơi men và những câu lấy lòng người khác ngọt xớt, đặc biệt hắn thấy nhẹ nhõm vô cùng vì thoát khỏi cái bóng lằng nhằng của vợ, thì khi đêm xuống chui mình vào cái buồng xép cuối ngôi nhà cơ quan, hắn bỗng thấy bơ vơ, cô quạnh đến ngớ ngẩn. Hắn nhớ Thõn. Nhớ đến quay quắt. Đó mới thật là điều khốn nạn cho sự u mê gia truyền của hắn. Rồi đột nhiên hắn tự hỏi lòng, những lúc như thế này hoặc những lúc khác tương tự thế này, Thõn có chút cỏn con nào trong tâm thức nhớ đến hắn không?

Nói nhớ thì không hẳn là nhớ, nhưng rõ ràng là Thõn cũng rất cô đơn. Nỗi cô đơn không phải chỉ mới xuất hiện trong những ngày Quả một thân một mình khăn gói vô tỉnh. Cô đơn cả khi họ ngủ chung một giường, thậm chí cả những lúc hai thân xác đè lên nhau hậm huỵch đào bới tìm kiếm mụn con. Đôi lúc Thõn nghĩ, hay là tiền định số kiếp mình phải chịu như vậy?
Cái ngày mới được xuất ngũ về thôn Bàu, mặc dù cả làng không ai biết chút gì về những năm tháng trên rừng của Thõn, mặc dù đám con gái, con trai mới lớn lên trong thôn cứ muốn bu bám vào Thõn để được nghe chuyện, hoặc để lây chút danh thơm của người Nghệ sĩ quân đội từ mặt trận trở về, nhưng Thõn vẫn thấy rất cô đơn và lạc lõng. Những ngày tháng đó chị vừa mong Quả về lại vừa rất sợ phải xáp mặt.
Thôn Bàu ngày ấy vẫn vậy, hầu như nguyên trạng như thủa Thõn mới ra đi, nhưng thật lạ lùng là chị không hề tìm thấy chút kỉ niệm ấm cúng nào. Cả dòng họ nhà Thõn không còn một ai. Tin tức về đứa em song sinh vẫn biệt vô âm tín.
Làng Cau vốn đã u tịch, hiu quạnh, lại thêm những năm tháng bom đạn huỷ diệt, người làng kéo nhau sơ tán tha phương đến lúc đó vẫn chưa kịp hồi hương. Mà cho dù dân làng có trở về đông đúc thì đâu phải là tổ ấm cho thân phận những đứa con gái lạc loài như Thõn. Ngay từ khi chưa nhập ngũ vào văn công, nghĩa là vừa mới chớm tuổi người lớn, chị em Thõn đã sớm nhận ra, người dân làng Cau ghẻ lạnh thế nào với những đứa trẻ sinh ra là thân con gái, nhất là những cặp sinh đôi. Trong con mắt dân làng, họ là mầm mống của mọi tai họa. Huống chi chị em Thõn lại là dòng giống của một gia phả đạo chích. Đừng có nói chuyện con Phật, con Tiên ra với dân làng Cau. Ở cái bàu nước đọng này, chẳng có bất cứ cái gì là thiêng liêng thanh khiết hết, tất cả đều là một thứ quẫn đặc, hổ lốn và thum thủm bốc mùi.
Thõn xuất ngũ gắng gượng sống ở thôn được hai tháng thì không thể chịu dược nữa, chị quyết tâm lên đường tìm Thẽn
Thõn ngược xuôi theo các chuyến xe đò, xe khách rồi tàu hàng, tàu chợ, lúc đi gần lúc đi xa; vất vả, bầm dập mất khoảng tám chín tháng trời mà tuyệt nhiên không lần ra được chút dấu vết gì về Thẽn. Không tìm được đứa em song sinh nhưng cũng không thể muối mặt quay trở lại thôn Bàu. Trong lúc tưởng như tuyệt vọng hoàn toàn, thì Bồ tát hiển linh, phép lạ thần kì xuất hiện. Là Thõn nghĩ thế. Bởi chỉ có Bồ tát mới đủ nhiệm màu, mới biết đến khúc đoạn nào là con người rơi vào bĩ cực để phù hộ. Trên một chuyến xe đò từ phía nam ra Thõn đã nghe hóng được tin chú Tấn còn sống và đang điều dưỡng ở trại thương binh nặng Quân Khu. Chuyến xe ấy cũng đang đi ra phía đó. Thế là Thõn thả người trôi theo bánh xe lăn....
Chuyến ra Bắc dạo ấy ra sao, có gặp được người chú đỡ đầu không, gặp được thì thế nào chỉ có đức Chí tôn mới biết rõ. Với Thõn đây là chuyện sống để dạ, chết mang theo. Nhưng đến chuyến vào Nam mười năm sau, cũng nhờ có sự hiển linh của Bồ tát mà Thõn bất ngờ tim gặp được đứa em thì vừa về đến nhà Thõn đã nhảy xe chạy ù vào tỉnh tìm Quả rồi bô bô kể.
Chuyến đi đó xẩy ra đúng vào dịp cái dự án tôn tạo di tích Thuận Thành đã bắt đầu khởi công, và Quả, chồng chị đang sống những ngày vô vàn đắc chí.
Năm đó ngành Lâm nghiệp cả nước tổ chức hội diễn văn nghệ toàn ngành. Cuộc múa hát hoành tráng này được phân ra nhiều cấp: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực rồi tiến lên chung kết toàn quốc. Khu vực miền Trung- Tây Nguyên được tổ chức tại một thành phố ven biển nam Trung Bộ. Thõn vừa là thầy, là tác giả, đạo diễn chương trình của Lâm trường Bảo Tín, vừa là Phó phòng Văn hoá huyện nên phải đích thân dẫn quân xung trận. Từ ngày về nhận công tác tại Phòng Văn hoá, lúc đầu chỉ là một cán bộ chuyên môn rồi được lên Phó phòng, Thõn luôn là "cai đầu dài" các chương trình hội thi, hội diễn của tất cả các công, nông trường, xí nghiệp trong huyện. Tất cả các đơn vị tranh giành nhau chụp giật Thõn. Lý do rất đơn giản.Tay nghề của Thõn cao hơn các "thầy" khác, hơn nữa cuộc thi nào Thõn cũng là thành viên Ban giám khảo. Vì vậy Thõn đã bao chương trình nào là "trăm trận trăm thắng". Đương nhiên một mình Thõn không thể bao nổi cả huyện. Thế là trong nội bộ Phòng Văn hoá gần như có sự thỏa thuận ngầm với nhau về địa bàn "làm ăn". Hai mươi xã nông thôn được chia đều cho các cô, các cậu thuộc diện thầy "ú ớ hội tề". Lý do cũng đơn giản, trò nào thầy ấy, à không, nói chính xác là tiền nào thầy ấy. Dàn dựng một chương trình văn nghệ cho một xã hậu hĩ lắm là được chục lon gạo, vài ki-lô gam bột sắn cùng với bữa liên hoan bằng bánh bột lọc. Thậm chí có nơi không có nổi bột lọc làm bánh mà phải dùng thứ bột tạp không lọc, gọi bằng xác sắn. Bột xác được nắm quanh chiếc đũa cho ra hình chiếc bánh như quả trám, ở giữa có lỗ thông. Dân gian gọi là bánh xoi lỗ đái.
Còn ở các công nông trường, xí nghiệp thì khác. Cái thời ấy không có khái niệm lỗ lãi, quan trọng nhất là đơn vị có hoàn thành kế hoạch không, có phong trào thi đua rầm rộ không, tinh thần cán bộ công nhân có vui tươi hăng hái không? Mà tất cả những tiêu chí ấy không có gì chứng minh rõ hơn là kết quả của các hội thi văn nghệ và thể dục, thể thao. Vì vậy mà thù lao cho các thầy các cô văn nghệ tươi mát hơn nhiều. Có nơi trả bằng tiền, có nơi là vài súc gỗ, mấy bộ bàn ghế, hoặc vài ngàn viên ngói, dăm tấn vôi, vài chục xe cát sạn Nếu gia đình thầy có làm nông nghiệp thì cũng có thể huy động vài chục công của công nhân đi cấy hoặc gặt giúp, coi như là thứ đổi công. Từ khi Quả chuyển vào Ty Thông tin- Văn hoá công tác, Thõn càng thêm rảnh rang chẳng phải bận bịu cơm nước giặt giũ cho chồng, chị càng hăng hái gấp bội. Cuộc sống và cơ nghiệp của gia đình Thõn thủa ban đầu được gây dựng bằng những vụ mùa văn nghệ như thế. Đó cũng là một lí do để Quả chần chừ chưa muốn xúc tiến gấp việc chuyển vợ vào trong tỉnh.
Đoàn văn nghệ Lâm trường Bảo Tín có mặt tại địa điểm tổ chức hội diễn sớm hai ngày. "Thầy" Thõn đã yêu cầu Giám đốc Lâm trường như vậy. Có tốn kém hơn một chút nhưng chắc ăn. Thứ nhất, vào sớm để tranh thủ tập dượt làm quen sân khấu. Thứ hai, có thể thăm dò chương trình các tỉnh bạn rồi kịp thời điều chỉnh, bổ sung chương trình của mình. Thứ ba, mà đây mới là lí do quan trọng nhất, là để có thời gian gặp gỡ "thân mật" với các vị thành viên Ban giám khảo. Không có những cuộc "thân mật" ấy, cho dù chương trình có xuất sắc mấy cũng vứt. Đúng là một vị "thầy" dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Ban giám đốc Lâm trường không thể không nghe.
Để thực hiện mục tiêu giao lưu ấy, ngay khi vừa xuống xe ở Trung tâm văn hoá tỉnh bạn, Thõn đã hỏi ngay chị bán cà-rem ở trước cửa rạp:

- Gần đây có cái rách-tu-ran nào đặc sắc không ?

- Cái chi ran, tui không hiểu?

- À, là một nhà hàng ăn... tương đối xịn ấy...

- Tha hồ - chị bán ca-rem khua tay một vòng - quán xá đầy đường. Nhưng ăn tạm được mà rẻ thì có quán...

- Không, không phải tạm được mà phải ngon, không tính chuyện rẻ mắc đâu thím ơi...Quán phải xịn, món phải độc và chỗ ngồi phải từ sang trở lên...
Chị cà-rem ngớ mặt ra vừa kinh ngạc lại có vẻ khó chịu. Có thể chị ta nghĩ, cái con mẹ nhà quê này phách lối dữ ha, nhìn cả tốp người bụi bặm vừa xuống xe và cả biển số xe nữa, biết chắc là dân xứ nghèo kiết xác, vậy mà nói năng cứ như đại gia... Chị nguýt một cái rồi hất mặt:

- Vậy thì qua Hương Cau...tha hồ, cái chi cũng có...

- Hương Cau? Úi, nghe quen ghê.

Chị cà-rem lại tròn mắt ra:

- Quen? Cô đã đến rồi hí?

- Dạ chưa. Nhưng mà... Hương Cau... cái tên nghe khêu gợi ghê.

- Phải, khêu gợi lắm - chị ta lại nguýt thêm cái nữa - Nhưng vô đó thì phải nhớ đường mà về...

Nghe Thõn nói lại ông Giám đốc Lâm trường hơi chột dạ:

- Chỉ sợ cao cấp quá mình không kham nổi..- Ông nói bằng một giọng ngập ngừng, run run.

- Anh đừng có lo- Thõn cười toét miệng - Bể rộng mặc bể, thuyền chèo có ngăn chứ anh. Ngay đêm ni anh đích thân đi với em, có thể kéo thêm cô kế toán nữa. Mình phải tiền trạm trước, lên phương án đã rồi mới nổ súng.

Ông Giám đốc gật gù bái phục:

- Đúng đúng..phải khảo sát trước, chuẩn bị đạn dược coi thế nào đã rồi mới quyết định nổ súng.

Tối đó, sau khi bố trí chỗ ăn nghỉ cho toàn đoàn xong, ba người khôn ngoan nhất của cái tỉnh "nghèo kiết xác" bắt đầu tiến hành trinh sát.
Nhà hàng Hương Cau không nằm trên con lộ chính chạy song song với biển như hầu hết các nhà hàng lớn của thành phố này mà lại lút sâu vào một mảnh vườn khá rậm rịt trong một ngõ phố nhỏ khá nhếch nhác. Không phải người dân nào của thành phố này đều biết đến Hương Cau, thành thử cả ba người cứ phải hỏi dò loanh quanh mãi mới mò ra được. Khoảng hơn tám giờ tối họ mới đến được cái cổng hình cầu vồng được lợp bằng một gốc hoa giấy rậm rịt. Vừa bước vào bên trong cổng, Thõn đã đứng sững lại.
Cả một khu vườn dày đặc cau. Rất nhiều loại cau cao thấp khác nhau trồng rất lộn xộn, không theo hàng lối, không mang dấu ấn gì của sự sắp đặt, có vẻ như chủ vườn có thể trồng vào bất kì chỗ nào còn thừa đất. " Thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau". Bất chợt Thõn nhớ ngay đến câu nói đầu môi của dân làng mình. Ừ, mà quả thật không hiểu sao vừa thoạt nhìn thấy khu vườn Thõn đã có linh cảm như bắt gặp một mảnh cô hồn làng Cau đang vật vờ trôi giạt nơi đây. Đương nhiên tức thì lúc đó Thõn không cắt nghĩa được cảm giác của mình, nhưng chỉ sau dăm phút chị mới thật sự nhận ra, linh cảm của mình vô cùng chính xác.
Ông Giám đốc Lâm trường cùng cô kế toán dĩ nhiên là không có chút cảm xúc gì, họ lật đật đi thẳng vào bên trong. Nhưng Thõn vẫn chưa thể bước tiếp được. Sau những hàng cau lộn xộn làm hoa mắt thì lù lù hiện ra một đấng Bồ tát trấn ngự ngay tại trước cửa nhà hàng. Thõn giật bắn mình như một kẻ buôn lậu bất ngờ chạm trán với công an. Pho tượng Bồ tát đặt trên khối đá lớn, cả tượng và đế có lẽ phải cao đến năm mét. Rõ ràng pho tượng vừa đặt không đúng chỗ, vừa không cân xứng với tổng thể kiến trúc khu nhà hàng. Điều mà vị Bồ tát này làm được là đã tạo nên sự đe nẹt đột ngột cho bất cứ ai dám bội tín với đức Thế tôn. Hoàn toàn không ý thức, nhưng Thõn đã chấp vội hai tay lên trước ngực, mồm buột ra câu "a di đà Phật", rồi cúi đầu bước vội vào trong như một kẻ phạm lỗi đang cố tình lẩn trốn.
Khác với vẻ u tịch bên ngoài sân vườn, bên trong nhà hàng đèn đóm đủ các màu xanh đỏ tím vàng nhộn nhạo nhấp nháy. Ngoài gian chính khá rộng kê khoảng hai mươi bàn ăn cùng với quầy lễ tân, còn lại là hai lối hành lang nhỏ kéo dài hun hút về phía sau đi qua hàng chục phòng nhỏ khép kín cửa. Hình như ở đây vừa tàn một cuộc ăn nhậu ở phòng lớn, mọi thứ đã được dọn dẹp, chỉ còn lại những tờ giấy nhàu nhò vứt lổn nhổn dưới sàn và bàn ghế bị xô đẩy lệch lạc khỏi vị trí. Hai nhân nhân viên một nam một nữ đang lau nhà và sửa sang lại ghế. Khi Thõn bước vào đã thấy ông Giám đốc Lâm trường đang hỏi han người đứng bên trong quầy lễ tân. Đó là một phụ nữ có vẻ đã trên tuổi ba mươi, khuôn mặt bầu, vai và ngực đều bự, đôi bàn tay vừa đen vừa thô. Cái hình hài ấy có vẻ phù hợp với việc làm chủ một sạp buôn ở chợ hơn là chủ một nhà hàng sang trọng thế này. Tuy nhiên lúc này Thõn hầu như không quan tâm đến những chuyện ấy, kể cả việc có đặt tiệc mời Ban giám khảo ở đây được không cô cũng không bận tâm nữa. Hình như ông Giám đốc Lâm trường đã ớn lạnh rồi. Ông quay ra nhìn Thõn khẽ lắc đầu. Thõn đưa mắt qua cô kế toán. Cô ta cũng nháy mắt lại một cái rồi trìa dài chiếc môi đỏ chót. Không ai nói thêm câu gì lặng lẽ bước ra.

Khi đi qua quá chân pho tượng Bồ tát, ông Giám đốc bất ngờ quay lại chấp hai tay: Lạy Phật, đây là nhà hàng hay cái máy chém vậy hả Phật? Cô kế toán phụt ra một tiếng cười xè xè như thể xăm xe đạp bị gai đâm. Đột ngột Thõn dừng lại:

- Giám đốc với cô về trước nghe, tôi muốn ở lại một chút... sẽ về sau.

Giám đốc nhíu mắt lại:

- Không ăn thua gì đâu cô, đây quả thiệt là cái máy chém.

- Không ạ. Cái chuyện mời khách để sáng mai rồi đi tìm chỗ khác...

- Rứa... cô ở lại làm chi?

- Em có việc riêng. Hai người cứ về trước đi, tý nữa em kêu tắc xi.

Nói rồi bỏ mặc sự ngạc nhiên của ông Giám đốc, Thõn quay vội vào bên trong, bước thẳng đến chỗ quầy lễ tân. Người phụ nữ mập vẫn đứng đó đầu cúi xuống tập hoá đơn, mồm lẩm nhẩm tính toán.

- Thưa chị...

Chị mập ngẩng lên:

- Răng, ô-kê hả?

- Dạ không. Em muốn hỏi... chị là giám đốc... à, là chủ nhà hàng này phải không ạ?

Đôi môi dày cộp son đỏ của chị mập khẽ nhếch lên một chút, rồi chị lại cúi xuống tập hoá đơn:

- Tui làm công thôi. Bà chủ đi vắng rồi..

Thõn bỗng thấy hồi hộp thật sự:

- Dạ xin lỗi chị... bà chủ ở đây là... người thế nào ạ?

- Ủa, cô hỏi thế nào là thế nào?...

Đến đây thì cả hai đều thấy lúng túng. Chị mập bỗng nhìn thẳng vào Thõn, đôi mắt khẽ nhíu lại rồi giãn to ra:

- Ủa..mà tại răng chị lại giống bà chủ tôi dữ rứa?

- Giống?

- Phải, cực giống nữa là khác. Kỳ quá ha, rứa mà nãy giờ tôi không để ý. Chu cha, cứ như hai giọt nước í.

Đến đây thì Thõn không kìm được nữa, cô như muốn nhảy cững lên :

- Đúng là hai giọt nước đó. Nó tên là Thẽn phải không?

Chị mập lại tròn mắt ra:

- Nó? Nó nào? Bà chủ ha? Không, bà chủ tên là Hoài Nam...

Có một giây sững ra, nhưng Thõn đã nhanh nhẹn cải chính:

- À, có thể...Chị ơi, chị thấy em giống như in chứ gì?

Đến lúc này thì chị mập đã bình tĩnh lại, chị buông tập hoá đơn xuống, lách người bước ra khỏi quầy lễ tân, ngắm nhìn Thõn từ trên người xuống dưới chân dò xét như mấy cô thầy tuyển diễn viên múa dạo trước. Chị vừa gật gật lại vừa lắc lắc đầu:

- Ừ, cũng giống... mà cũng không thật giống... mà cũng giông giống...

- Giống - Thõn kêu to lên - Em cam đoan với chị là rất giống.

- Răng cô biết?

- Thì bọn em là chị em sinh đôi mà.

- Nhưng tại răng cô lại quả quyết bà chủ là chị em với cô? Cô đã gặp bà chủ đâu ?

Bất giác Thõn thở dài, nước mắt ứa ra :

- Em tin là nó...vì em tin ở Bồ tát... Chị biết không, em tìm nó đã hơn chục năm rồi, đêm nào em cũng cầu nguyện Bồ tát...

Chị mập là một người phúc hậu. Chính sự phúc hậu là một bản năng giúp chị nhận biết đây thật sự là chị em ruột. Chị bỗng trở nên nhanh nhẹn:

- Cô vào trong này...

Chị quay người đi trước, Thõn vội vã bước theo. Đi dọc theo hành lang một đoạn ngắn thì rẽ trái. Chị mập mở khoá một căn phòng. Thoạt nhìn Thõn đã có thể nhận biết ngay đây là phòng bà chủ. Một bộ sa-lon nệm xanh, một tủ lạnh đặt sát góc phòng, một bàn gỗ kê gần cửa sổ và trên đó là chiếc máy điện thoại.

- Cô ngồi xuống đi, để tôi pha nước...

Chị mập mau lẹ rót nước lạnh từ trong tủ ra chiếc cốc pha lê trong veo. Thõn đảo mắt nhìn khắp gian phòng. Đột nhiên mắt chị dừng lại trước một tấm ảnh nhỏ. Chiếc khung tết bằng bản phim nhựa nhuộm màu, tấm ảnh bên trong đen trắng. Chưa cần nhìn kĩ Thõn đã nhận ra. Chị chồm người tới, dí sát mắt vào tấm ảnh. Đúng rồi, đây là ảnh hai chị em chụp vào ngày Thõn lên đường nhập ngũ. Hôm đó có cậu phóng viên báo Mặt trận đi theo đoàn tuyển quân. Cậu chụp nhiều lắm, mà hầu hết là chụp hình chị em Thõn. Lúc đó cũng đã có tiếng xì xào "Cứ thấy gái đẹp là tròn mắt ra, phóng viên phóng viếc đếch gì toàn là phường dại gái cả". Cậu phóng viên trẻ đó hứa đi hứa lại là sẽ tặng ảnh tận tay. Lúc đó Thõn chả tin. Hóa ra cái anh chàng này cũng biết giữ lời hứa...

- Có đúng là...chị em không?

- Dạ đúng. Đó chính là Thẽn , em tôi...

- Dạ, là bà Hoài Nam ạ. Chị mập ý tứ nhắc lại.

Thõn xoay hẳn người lại, đôi mắt ngấn nước nhưng đầy vẻ mãn nguyện:

- Nó tài quá... giỏi giang quá... Tôi thật không ngờ...

Chị mập khẽ cười rồi chậc lưỡi:

- Cũng gian nan trần ai lắm... Nhưng đúng bà chủ là người bản lãnh. Tôi chưa thấy ai lì gan như bà chủ. Lại thêm đức độ nữa. Chắc hẳn nhà chị đã mấy kiếp tu thân tích đức nên kiếp này mới hưởng lộc.

Thõn kéo tay chị mập ngồi xuống cạnh:

- Chắc chị hiểu nhiều về nó, đúng không? Chị ở với nó lâu chưa? À, mà chị tên chi, nãy giờ tôi quên chưa hỏi?

- Chị tên Hậu. Chị gặp được bà chủ cũng đã năm sáu năm rồi. Cái gì cũng do chữ duyên mà ra. Nếu như hồi trước số phận không cho chị gặp ông Bàng chồng của bà chủ, thì sau này làm sao có cơ được ở cùng bà ấy. Cho nên cho dù giờ có ai nói ghét ổng đến mấy chị cũng bỏ ngoài tai.

- Khoan đã, chị vừa nói chồng con Thẽn tên chi? Bang hả?

- Không, Bàng. Tên kêu bằng Hồng Bàng. Cái tên giống một tên đường họ đặt ở phố trên kia kìa.

- Ông ta ở đâu sao không thấy?

- Ông chủ không ở phố mà ở ngoài Tam Sa, làm Trưởng công an một xã miền biển.

Thõn nhíu mày :

- Tam Sa là ở đâu ?

- Xa lắm, đây đi ra theo đường Một phải đến vài trăm cây số. Từ đường Một về tới cái xã đó còn thêm chục cây nữa. Tội vậy đó. Nào có phải đói kém mưu sinh gì cho cam. Cả cái cơ ngơi này là tự một tay ông chủ gây dựng nên. Rứa mà không chịu ở hưởng phúc, vẫn phải làm cán bộ để cho người đời nói ra nói vào. Đúng là thiên hạ thối mồm. À, mà cô ăn kẹo đi cho thơm miệng. Kẹo Hồng Kông đó.

"Nghĩa là bà ta cũng nói mình thối miệng nên phải ăn kẹo cho thơm?" Thõn cầm chiếc kẹo lên tay nhưng không ăn, chị hơi phật lòng trước câu nói tiện mồm của chị mập.

- Cái ông em rể của tôi trước đây là tư bản Sài Gòn à ? Sao có thể gây dựng được cơ nghiệp kinh khủng đến vậy?

Chị mập bĩu môi một cái ra dáng trách móc:

- Chị em mà cũng nghĩ vậy trách gì thiên hạ... Ông chủ là cán bộ cách mạng đó. Là loại Việt cộng "rờ" hẳn hoi...

- Rờ nghĩa là sao?

- Trời đất, coi bộ cô không có biết chi là hoạt động cách mạng rồi. Cán bộ trong này có mấy loại. Loại tập kết về, loại trên rừng xuống. Ông chủ là loại rừng đó.

- À ra thế. Nhưng...như thế thì lấy vốn liếng đâu?

- Chỉ Phật tổ mới có quyền năng như rứa. Cô có nghe nói Phật có nghìn tay nghìn mắt không?

- Có. Nhưng chẳng lẽ đức Chí tôn lại bớt cho ông em rể tôi một tay sao? Giọng của Thõn toát lên vẻ diễu cợt.

- Đúng rứa. Một cánh tay...Thiệt là kì diệu, cái cánh tay to lắm...Cô không tưởng tượng nổi đâu.

Đôi mắt Thõn nhíu chằng lại:

- Chị nói rõ đi, em chẳng hiểu chi hết.

Chị mập vẫn thong thả, từ tốn:

- Làm sao mà hiểu được. Đúng là Phật tổ đã cho ông chủ một cánh tay... Chị mập đưa mắt nhìn ra khoảng sáng lờ nhờ bên ngoài, nơi có pho tượng Bồ tát đứng im lìm giữa những hàng cau lố nhố. Giọng chị nhỏ lại có lúc thì thầm như tụng kinh - Người ta vẫn nói: khổ tận thì cam lai. Nhớ cái ngày Mậu Thân, cả ấp Thuận Thành mười người chết bảy còn ba, vậy mà ông chủ vẫn sống, chị vẫn sống... Nếu không có đức Phật che chở thì có may mắn đến rứa không?

- Khoan đã, chị vừa nói ấp chi? Thuận Thành há?

- Ừ, mà sao?

- Có phải đó là ấp...

- Cô không biết được đâu, ngoài xa kia, mà còn ngược lên phía tây kia..nơi đó ngày trước bọn ngụy gọi là vùng chiến thuật một.

Thõn kêu lên:

- Thì đúng rồi... à không, chị kể tiếp đi!

- Quê tui cũng ở biển, đó là bến đổ bộ của bọn Thuỷ quân lục chiến. Năm 1967, bọn chúng lùa hết dân thôn chị lên khu tập trung phía tây thành phố, lập ra cái ấp kêu bằng Thuận Mỹ, cách ấp Thuận Thành chỉ chừng cây số. Đến tết Mậu Thân ta đánh vào, bọn Mỹ lại tràn ra, hai bên quần nhau gần tháng trời... Cứ nhớ lại là thấy ớn lạnh sống lưng. Nhất là khi cách mạng rút lui rồi thì thằng Mỹ nó trút hết mọi căm tức lên đầu người dân. Cô không thể biết được đâu. Thoạt đầu là chúng xả súng bắn, bắn vào bất cứ ai, bất cứ vật gì, con gì, bắn như một thứ xả giận. Bắn chán rồi thì hãm hiếp. Gái tơ không có thì hiếp gái nạ dòng, hiếp cả con nít, cả người già. Tiếp đó là đốt nhà, đốt chuồng bò, chuồng lợn, đốt cả những cây rơm. bụi hóp. Cuối cùng chúng lùa những ai còn sót lại, chủ yếu là đàn bà con gái ra tập trung vào một bãi trống sau đồi, lấy giây thép gai rào bốn phía. Nó giam cả thôn hơn năm ngày, để cho trong thôn trống hơ trống hoác, gọi là tát nước để bắt cá. Lợn gà cũng chết đói đừng nói là người. Nếu không chết đói thì chúng cũng bắt thịt. Năm ngày sau, không thấy ai tòi lên nữa chúng nó mới cho bọn chị về. Quả thật chẳng ai có thể trốn tránh, nhịn ăn nhịn uống được đến năm ngày. Rứa mà ông Hồng Bàng vẫn sống. Cô nghĩ có phải thần diệu không?

- Sao? Lúc đó chú em rể vẫn ở trong thôn à?

- Chứ còn đi đâu nữa. Mà lại ở ngay dưới căn hầm bí mật của nhà chị. Căn hầm ở dưới chuồng heo. Cái đêm được thả trở về thôn, nhà đã bị đốt, chị phải lót tạm mấy tấm lá chuối héo ngay bên thành giếng để nằm. Hũ gạo bị đập vỡ, còn một ít đổ tung toé ra đất, chị cố gom lại để nấu bát cháo. Khi nồi cháo vừa sôi, bỗng chị nghe có tiếng loạc xoạc ngoài chuồng heo. Chị run cả người. Gà không còn, heo cũng không còn, có gì nữa mà loạc xoạc? Lặng đi một lúc lại nghe như có tiếng thở. Chị cố đè tay lên ngực, chân rón rén bước ra.. Trời ơi, thì ra một xác người...

Chị mập lấy tay vuốt vuốt lên ngực như thể chuyện vừa xẩy ra lúc nãy. Thõn thì lại quá sốt ruột:

- Là chú rể phải không?

- Phải.

- Nhưng làm sao cậu ta không chết ?

- Rứa mới là kì diệu. Mãi sau này, khi cuộc sống đã chuyển qua thời làm ăn, sau một lần hút chết trên biển trở về thì ổng mới kể, hồi đó trước khi xuống đồng bằng, ổng đã tự chuẩn bị cho mình rất nhiều lương khô. Rứa mới nói, khổ nạn là việc của muôn kiếp nhưng ai biết nhìn xa trông rộng, tích cốc phòng cơ thì có thể vượt qua vận hạn. Ông chủ là người vậy đó.

Thõn nín lặng. Chị đã lờ mờ nhận ra những toan tính của kẻ đồng hương từng là thủ trưởng cũ. Có lẽ trên đời này ngoài hắn ra khó có người thứ hai đủ bản lĩnh để lo trước mọi thứ như vậy.

- Sau đó thế nào nữa chị?

Chị mập khẽ thở dài:

- Bát cháo gạo trắng sót lại ấy cũng chỉ cho ổng tỉnh người chứ không thể kéo dài cuộc sống. Mấy ngày kế tiếp thực nan giải. Ổng ngồi ôm gối như một cái bị rách, hai con mắt quặp xuống nom thật thảm hại. Rồi đột nhiên ổng bật dậy, miệng méo lại, run run: "Này... chị có biết đường đi lên mấy mỏm đồi bọn Mỹ vừa mới rút đi không?"

"Biết, nhưng để mần chi?"

"Đi, ta đi tìm cái ăn... Thằng Mỹ nó giàu mà văn minh, nó không liếm sạch bát như ta đâu."

Thế là tui dẫn ổng mò lên đồi. Tìm chẳng được thứ chi để ăn, nhưng lạy Phật, còn may hơn cái ăn chính là gặp được nhóm du kích Thuận Thành. Bọn tui thoát chết từ đó. Sau này ổng trở thành Xã đội phó du kích của cả ba ấp. Nhưng hết chiến tranh, tui cùng dân Tam Sa tính đường về quê. Không biết nghĩ sao ông cũng đi về theo bà con. Năm đầu ổng làm Xã đội, mấy năm sau lại chuyển qua làm Công an xã. Việc chi ổng cũng tận tình, hết lòng hết dạ vì công việc.

Không hiểu sao Thõn lại nhoẻn miệng cười rồi hỏi tiếp:

- Còn chuyện bàn tay Phật thì thế nào ạ?

- Không phải tay Phật, mà tay người - Chị mập vẫn chậm rãi - cũng không phải người mình mà là người Tây. Nó dài và to hơn bất cứ cánh tay nào của người xứ mình, lại thêm lông lá nữa...

- Chị nói chuyện chi mà nghe kinh khủng rứa?

- Cô không phải dân biển nên nghe mấy chuyện này nó ghê sợ, chứ người ở biển như bọn chị lại trông thấy thường xuyên. Mùa biển động năm nào mà không lượm được vài ba xác người dạt vào. Có khi xác còn tươi roi rói, có khi nó đã trương phình lên to như con trâu mộng..Nhưng tự cổ chí kim chưa có ai nhặt được một cánh tay bị đứt rời như trường hợp ông chủ Bàng. Nó đứt rời ra khỏi cơ thể nhưng lại bị khoá chặt với một chiếc hộp va li cứng, họ kêu bằng cái gì nai nai đó. Trong chiếc cặp có đến..một vạn hay một triệu gì đó đô la. Cô bảo nếu không phải là Phật tổ ban tặng thì làm sao chúng sinh lại có được lộc lớn đến như vậy!

Thõn ngẩn cả người, mồm trở nên lắp bắp:

- Có chuyện đó thiệt ư? Sao lại chỉ là một cánh tay...?

- Ai mà biết. Nó bị đứt khỏi cơ thể ở ngang bả vai này này, không biết là do cá mập ăn mất người hay là do dao chặt. Nếu dao chặt thì cũng là thứ dao cùn vì thịt vai còn tua tủa ra, chín tái như thể đã được luộc.

Thõn nhăn mặt lại lắc lắc đầu:

- Khiếp, nghe rợn cả người. Mà chị có tận mắt nhìn thấy không?

- Nhìn thấy sao được. Lúc đó trời chưa sáng hẳn, chỉ có ông Công an xã mới phải cực khổ thức khuya dậy sớm vậy, chứ dân làng biển lười lắm, hễ trời động không ra khơi được là đêm uống rượu say mèm, ngày ngủ cho đến tận bữa cơm trưa.

- À... nghĩa là... chẳng ai nhìn thấy cả ngoài chú em rể tôi.

- Chứ còn gì, Phật cho ai thì chỉ người ấy thấy thôi chứ, phải không nào?..

Có ai đó gọi bên ngoài, chị mập la to một tiếng "Dạ, tới ngay đây" rồi vội vã chạy ra quầy lễ tân. Thõn vẫn ngồi như bất động. Không phải chị bị choáng ngợp trước câu chuyện quái dị về cánh tay thằng "Tây" nào đó. Là dân thôn Bàu thủy đọng, từ khi còn ở truồng xuống bàu xúc tép cho đến lúc trưởng thành từ biệt làng Cau ra đi, Thõn đã nghe biết bao nhiêu chuỵện về cái xóm nhỏ u tịch đó còn quái đản hơn chuyện này nhiều. Nhưng Thõn và cả Thẽn nữa, chẳng tin một chút nào. Còn chừ, có nên tin không? Thõn chưa thể khẳng định được. Điều duy nhất chị tin vào trực giác của mình là Hồng Bàng chính là Bang, mà không, phải gọi cho đúng tên anh ta là Báng. Không ai ngoài anh ta có thể "nhìn xa trông rộng" để tích trữ lương khô rồi chui tọt xuống trốn hầm bí mật dưới chuồng heo trong cái tuần tát nước bắt cá ấy . Nhưng làm sao anh ta lại đổi tên xoành xoạch như kì nhông thay màu thế? Mà làm thế để làm gì? Rồi làm sao con Thẽn em chị lại lấy anh ta. Trời Phật nào lại sắp đặt ác nghiệt vậy?

Đơn vị Lâm trường Bảo Tín biểu diễn vào sáng ngày thứ ba của Hội diễn. Nhìn cách thức gật gù của Ban giám khảo và những tràng vỗ tay rần rật của khán giả, khuôn mặt ông Giám đốc cứ ngây ra như kẻ say rượu. Đáng ra "thầy Thõn" phải vui lắm. Tuy nhiên tâm trạng Thõn lúc này hầu như không còn bận tâm tới chuyện thắng thua của cuộc thi nữa. Kéo quân về khách sạn, trong lúc toàn đội đang ngất ngưởng với những cốc bia tràn bọt và những tiếng hét "dô ! dô" như động kinh thì Thõn ăn quáng quàng mấy miếng rồi vội vã tìm đến nhà hàng Hương Cau. Nhưng Thẽn vẫn chưa về. Chị mập nhìn Thõn ái ngại "Có lẽ bà chủ ra ngoài ông chủ chứ không phải đi Sài Gòn". Chị ta nói như tự nói với mình chứ không phải an ủi Thõn. Không hiểu sao tự nhiên Thõn thấy giận em. Nó sướng lắm rồi, vênh vang lắm rồi, nó có biết đâu mình đã cất công tìm nó hàng chục năm nay. Dẫu biết cơn giận có phần vô lí nhưng nước mắt Thõn vẫn ứa ra.

Chiều cuối cùng của Hội diễn đúng vào thứ bảy. Cuộc tổng kết tại sân khấu Nhà văn hoá được tổ chức rất hoành tráng và ấn tượng. Có mười ba đoàn tham gia thì năm đoàn huy chương vàng, sáu tỉnh đoạt bạc và hai đoàn nhận giải đồng. Vui vẻ cả làng. Đúng là một kỳ Hội thi thành công rực rỡ.

Buổi lễ kết thúc, hàng trăm con người xanh đỏ tím vàng ùa ra sân như một đàn chim ngũ sắc. Thõn không thể không vui vì chương trình Lâm trường Bảo Tín đoạt giải vàng mà lại được xếp đọc thứ hai sau đơn vị chủ nhà. Ông Giám đốc vung cao tay, la to giữa hội trường "Coi như ta nhất, nhất của nhất." Cả đoàn cùng hét vang "Nhất của nhất ! Nhất của nhất, tức siêu nhất!"...Thõn đã quen với cảnh này nên từ tốn hơn. Cô lặng lẽ lẩn mình chờ cho đám đông nhốn nháo chen nhau ra cửa hết mới thong thả bước ra. Vừa lọt qua được cánh cửa Nhà hát, bỗng như linh tính mách bảo điều gì đó, Thõn đứng sững lại. Đúng là linh tính, hoặc là Bồ tát, chứ thực ra cô vẫn chưa nhìn rõ điều gì khác lạ. Phủ tràn mặt sân vẫn là những tà áo xanh đỏ tím vàng xao xuyến như một bầy bướm. Nhưng thật là huyền diệu, ánh mắt Thõn vẫn bắt gặp được một ánh mắt đang nhìn vào cô chằm chằm... Không rõ ràng gì hết, không có đủ một giây định thần, suy đoán, Thõn đã hét lên đến lạc cả tiếng:

- Thẽn! Em ơi...

Có đến hai tiếng hét chứ không phải một. Tiếng hét ré lên nghe thất thanh như một tai họa khiến tất cả đám đông trên sân sững ra. Hai người con gái lao vào nhau, ôm chầm lấy nhau, rồi vày vò, mếu máo, rồi cùng ngồi thụp xuống mặt sân tru tréo như nhà có đám tang... Mọi người chạy ùa đến, hốt hoảng, nhưng liền sau đó thì hiểu. Nhiều người ứa nước mắt, cũng có vài tiếng sụt sịt. Thế mới biết phàm đã là diễn viên nghệ thuật, cho dù là diễn viên nghiệp dư cũng là những người nhạy cảm nhất...

Đêm cuối cùng ở thành phố ven biển ấy, hai chị em ôm nhau nằm rù rì tâm sự thức trắng đến sáng. Thẽn kể gần như không sót một ngày tháng nào kể từ buổi rời thôn Bàu thủy đọng để đi làm cán bộ tăng cường cho vùng giải phóng. Lúc đầu chỉ làm du kích, sau mấy tháng đã lên chức phụ trách phụ nữ thôn. Đã bắt đầu hô hét, ra lệnh, dọa nạt những người yếu bóng vía...Thế rồi Mậu Thân xẩy ra, địch càn lên, cả thôn tá hỏa. Nhiều người chạy dạt lên rừng tìm giải phóng. Riêng Thẽn bị kẹt nên nhắm mắt theo dòng di tản chạy về phía biển. Năm 1973 vùng biển được giải phóng, Thẽn có ý định trở ra quê thì bất ngờ gặp Báng cùng dân Tam Sa từ trên khu ấp chiến lược trở về. Báng lúc đó lại là một cán bộ lãnh đạo xã. Thẽn như kẻ chết trôi vớ được mảnh gỗ mục. Họ lấy nhau và trở thành cán bộ cốt cán ở đó... Nghe đến đây, Thõn choàng dậy hỏi dồn: "Này, có đúng là chồng mày nhặt được một cái cánh tay thằng Tây?" Thẽn hơi sững ra một tí rồi thở dài: "Em cũng nghe nói vậy, chả biết có đúng không?" "Ủa, vợ chồng mà không biết thì ai biết?" Thẽn khẽ xì một cái gần như cười rồi hỏi lãng qua chuyện khác : "Còn chị thì răng? Chắc bữa ni oai hùng rồi phải không ?" "Oai cái cục cứt.". Rồi Thõn kể vắn tắt về mình. Đúng là rất vắn tắt, như cách người ta viết trích yếu lí lịch, còn những chuyện oái oăm trong cuộc đời cũng như quan hệ chồng vợ đương nhiên không bao giờ chị kể. Sáng hôm sau, Thẽn chạy ù về nhà hàng sau đó quay lại dúi vào tay chị hai lượng vàng. Thõn hốt hoảng không dám nhận. Thẽn nói như ra lệnh: "Chị cần phải có vốn riêng, nếu không chồng nó coi thường, khó sống lắm. Sau này nếu cần, chị cứ vào em. Nên nhớ, đừng bao giờ lép vế trước các cha ấy!"

*

Phật nói chúng sinh có tám cái khổ. Tui nghĩ Phật tuy pháp lực vô biên nhưng thấu tỏ làm sao hết mọi nỗi khổ trần ai. Theo tui cái sự khổ của cõi trần có lẽ phải kể đến mười, trăm, thậm chí là hàng ngàn thứ. Có người sinh ra ngu ngơ, ù điếc, không hề biết một chuyện chi xung quanh mình, có khổ không? Khổ. Nhưng ngược lại, người thông minh sáng dạ, biết nhiều, chuyện chi cũng biết, có khổ không? Thậm khổ. Tỉ như thằng Quả em tui, thời trước hắn ngố như thế nên thua thiệt hết chuyện này đến chuyện khác, ngay cả lấy vợ đẻ con mà cũng bị lừa, hắn đau khổ lắm, nhiều đêm thức thao láo con mắt không sao ngủ được. Từ ngày hắn tập suy nghĩ, rồi biết suy nghĩ thật, lại cố tâm nghe ngóng mọi chuyện xung quanh, nghe xong thì nhập tâm rồi suy nghĩ, bên ngoài ai cũng tưởng đời hắn đã khổ tận cam lai, nhưng bên trong tui biết hắn đã tự chuốc lấy nỗi khổ. Khổ hơn ngày trước nhiều.
Thế nên khi vợ hắn đi Hội diễn về lao vào tỉnh tìm hắn thao thao kể chuyện tìm được đứa em sinh đôi, chao ôi là nó giàu, vàng đeo ngón tay này, cổ tay này, đeo cả trên cổ ngực nữa. Nhà nó ấy a, không thể gọi là nhà mà phải kêu bằng dinh thự. Vườn quán rộng mênh mông, bức tượng Bồ tát cao ngất ngưởng... Vô đó mình cứ kêu con này con nọ, mấy người làm của nó cứ trố mắt lên kinh ngạc và sợ hãi. Phải kêu bằng cô chủ, bà chủ cơ. Cái số con Thẽn thiệt đào hoa. Chẳng ai đoán trước đời nó lại dính được vào thằng Báng...

- Báng nào? Thằng Quả ngắt lời.

- Thì cái lão Báng phụ trách Hậu đài - Hành chính đoàn em chứ còn ai nữa. Anh không còn nhớ sao. Con ông Sụt dưới quê thời trước chuyên bắt trộm gà, trộm chó đó. Đúng là không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời...

- Khoan đã, em nói từ từ một chút coi nào. Tóm lại thằng Báng giàu hay con Thẽn nhà em giàu?

- Cả hai đứa đều giàu. Vốn liếng lúc đầu là của thằng Báng. Nhưng chừ thì cơ ngơi do con Thẽn chủ trì, nó đã trở thành bà chủ. Còn chồng nó, thằng Bắng ấy vẫn cứ tiếp tục làm Cách mạng, lão ấy làm Công an xã ở đâu ngoài mình đây này. Cứ phải xa nhà, cũng cơm niêu nước lọ như anh thôi...Không ngờ loại người ba bớp như hắn mà giờ trưởng thành chững chạc ghê. Giàu đến thế mà vẫn một lòng tận tụy vì nhân dân phục vụ.

- Khổ quá, em khoan bình phẩm. Cứ kể hết cho anh nghe đi đã.

Thõn thấy bực mình, nhăn mũi lại;

- Thì còn chi nữa mà kể hết. Tóm lại là trời Phật đã phù hộ cho con Thẽn gặp được thằng chồng khôn ngoan lanh lợi nên đời hắn sung sướng. Anh nghe thủng chưa.

Có cái gì đó đột ngột khoan xoáy vào thái dương Quả, hắn chỉ muốn đá tung cái chân ghế trước mặt. Nhưng hắn lại chẳng làm gì, chì cười khì một cái rồi lầu bầu một mình:

- Vô lí, vẫn kiên trì Cách mạng, vẫn cơm niêu nước lọ xa nhà để phục vụ nhân dân thì lấy đâu ra tiền làm vốn? Chẳng lẽ ăn trộm?

Thõn bĩu dài chiếc môi, nguýt mắt một cái, giọng nói cũng kéo dài ra:

- Người như anh thì cũng chỉ nghĩ được có thế thôi. Chắc anh đang nghĩ là anh ta tham ô tham nhũng như kiểu mua gạch táp-lô không trả tiền chứ gì...

- Này, cô nói ý gì thế?

- Ý gì, ý là để anh bớt cổ hũ đi. Tiền của thằng Báng là tiền trời Phật ban cho đó. Bố con anh cứ tu nhân tích đức, tu mãi tu hoài mà Phật có động lòng đâu.

Quả nhíu mày, hỏi:

- Tiền thế nào mà cô bảo là của trời Phật ban cho?

Thõn hừ một tiếng tỏ vẻ kẻ thắng rồi lấy giọng bắt đầu kể tiếp chuyện Báng nhặt được cánh tay thằng Tây tua tủa thịt tái tím ở bã vai và trên cổ tay lủng lẳng một chiếc cặp. Đúng là một huyền tích rùng rợn, Quả nghe mà cứ thấy lạnh cả sống lưng, cổ họng lợm lên chực nôn...

Thõn có vẻ khoái chí vì đã mang về làm quà cho chồng một chuyện kì lạ. Nhưng thằng Quả em tui hôm nay không còn là thằng Quả khù khờ ngày xưa nữa. Sau mấy phút bị hút hồn vào câu chuyện ma quái, bỗng nhiến hắn giật mình. Chắc hắn lại cho là Bồ tát đã khai sáng trí óc cho nó...Hắn đột nhiên mím môi lại, đầu gật gật mấy cái, mồm lẩm nhẩm: "Có vấn đề...có vấn đề rồi." Con Thõn trố mắt lên: "Vấn đề gì?" Hắn liếc chéo mắt qua vợ cười bí hiểm: "Đúng là có vấn đề. Em không hiểu được đâu" "Ối trời - Thõn kêu lên - bữa ni tập làm bộ oách hí, cán bộ tỉnh có khác."

Thế rồi suốt đêm đó hắn nằm không ngủ. Hắn suy nghĩ, suy nghĩ đến muốn vỡ toác cả đầu. Hắn chẳng nghĩ ra được gì, cũng không biết sẽ phải làm gì, nhưng rõ ràng là hắn thấy phải hành động. Hắn quên mất vợ hắn sau một chuyến đi xa trở về đã tức tốc vào đây. Cái việc đơn giản nhất phải hành động đêm nay thì hắn quên vì đang mải nghĩ đến hành động xa vời trong thời gian tới. Đến khi Thõn luồn tay vào dưới quần hắn, thức tỉnh từng phần cơ thể hắn thì cái đầu trên của hắn cũng lờ mờ tỉnh ra... Hắn ý thức được không thể không cố gắng làm chuyện ấy. Và hắn lật người lại cố trườn lên trên thân xác vợ. Nhưng với những động tác đầy cố gắng ấy chỉ tổ làm cho vợ hắn bực mình và coi rẻ hắn hơn.

Như vậy có gọi là khổ không? Da diết khổ.

Đăng ngày 20/12/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 22/12/2009

Nhân ngày 22-12 con kính chúc Lão Trang và tất cả khách văn- những người đã một thời cầm súng mạnh khoẻ, vui và hạnh phúc!
  Gửi bởi: Victory - 03/01/2010

Ở hiền thì gặp lành. Nhưng đối lúc ở hiền vẫn không gặp lành. Vậy nên mới có thuyết số phận. Hãy thông cảm cho hoàn cảnh người khác thì người khác mới đối xử tốt với mình khi hoạn nạn. Hôm nay mình may mắn hơn người khác nhưng biết đâu ngày mai lại gặp vận đen. Chứ đừng thấy người khác gặp vận đen nghe người ta xúi giục mà xông vào trục lợi. Như vậy mới có chữ TÌNH, sống mới có đức độ để lại cho con cháu. Hôm nay anh Thái Quả chèn ép người khác thì ngày mai có thằng khác chèn lại anh thôi. Đừng tưởng mình là siêu nhân, là ngon lành.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan