Saturday, October 3, 2015

Kẻ song sinh - Chương 2


Tác giả: Xuân Đức

Chương hai 

Ký sự về ông Chủ tịch tỉnh và khối u kỳ lạ 


Năm 1996, tháng tám, chiều thứ sáu.
Chiếc xe cứu thương màu trắng của Phòng quản lý và bảo vệ sức khoẻ cán bộ tỉnh hú còi liên hồi, đèn đỏ quay nháo nhác, chạy. Thực ra thì cũng không cần phải hú còi inh ỏi như thế vì bệnh nhân không thuộc diện cấp cứu khẩn cấp, đường phố của cái thị xã nhỏ bé này cũng không quá đông người, người bệnh không cần phải nhập viện ngay lập tức để xử lý, mà là một chuyến đi xa, đi thong thả từ chốn tỉnh lị nhà quê xa xôi này về Hà Nội nơi có những phương tiện chẩn đoán cao cấp hơn để làm sáng tỏ bệnh tình. Nói tóm lại đáng ra người bệnh có thể đi bình thường, thậm chí là trên một phương tiện thông thường như xe khách, tàu hoả, cùng lắm là xe cơ quan...
Chiếc xe cấp cứu màu trắng, cục đèn trước nóc xe màu đỏ quay tít mù cùng với tiếng còi rú giật từng cơn một, chủ yếu là để loan báo đến bàn dân thiên hạ một tin tức hệ trọng. Đồng chí Chủ tịch tỉnh phải đi viện.
Tin tức lúc đầu từ Văn phòng Ủy ban lan sang Văn phòng Tỉnh ủy, sáng hôm sau hầu như tất cả các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đều tỏ. Đến khoảng tám giờ thì tin tức về đến các huyện, thị. Công chức toàn tỉnh sáng đó gặp nhau đều xao xác đầu môi câu chuyện nghiêm trọng: ông Quả hôm qua đi cấp cứu. Thật ư, đau chi vậy? Nghe nói bị một khối u to tướng. Ối trời ơi, u lành hay ác? Ác mới phải ra tận Hà Nội chứ.. Cha mẹ ơi, răng lâu nay không biết? Có đấy, nghe nói cái bụng ngày một to, đã khám mấy lần mà bác sĩ cứ bảo là hiện trạng bình thường, nghĩa là chuyện to bụng thời nay đối với các vị đó là bình thường, bụng không to mới là chuyện lạ... Tất cả đều ngẩn ra, cả những người thương ông, cả những kẻ ghét ông, kể cả những người cả đời chẳng một lần nhìn thấy ông, chẳng bận tâm đến ai là Chủ tịch tỉnh mình.
Ngày đó là thứ bảy. Sáng hôm sau chủ nhật, các công chức về nhà mang theo nguồn tin sốt dẻo. Thế là coi như gần khắp các làng xã trong tỉnh đều đã hay chuyện. Những nơi xa xôi nhất, được coi là hang cùng ngõ hẻm nhất thì đến sáng thứ hai cũng đã tỏ tường. Thế mà thôn Bàu, nơi chôn nhau cắt rốn của Chủ tịch, tuy không xa cách lắm nhưng là vùng gần như biệt lập, lại là nơi nhận tin muộn nhất. Mãi tới chiều thứ hai những người trong dòng tộc họ Thái mới hay tin. Làng Cau như rung rinh. Bàu nước Thủy đọng sủi bọt.
Trước khi ghi chép chuyện này ra giấy, tôi đã kể cho thằng bạn làm nghề viết báo nghe i xì như vậy. Thằng bạn tôi kêu to, làm đếch gì có chuyện đó, đúng là bốc phét.
Tôi biết nói sao cho hắn tin, vì hắn không phải là dân tỉnh ấy, lại càng không phải dân thôn Bàu thì làm sao cảm nhận được nỗi lo lắng đến đờ đẫn này. Đã bảo là cái thằng bạn nhà báo cứng đầu của tôi không chịu đi thực tế với tôi về tận cái tỉnh mà vị Chủ tịch Thái Quả đang trị vì thì làm sao nó hiểu được bối cảnh " ngàn cân treo sợi tóc" lúc đó.
Thái Quả, vị Chủ tịch tỉnh mới 46 tuổi chẵn này có một vị trí đặc biệt đối với làng Cau. Là con người duy nhất trong suốt chiều dài lịch sử mấy trăm năm của làng đã làm nên danh giá. Không đơn giản chỉ là niềm tự hào. Chưa tới hai nhiệm kì, từ cái ghế Phó Chủ tịch phụ trách văn xã, lên thay Chủ tịch giữa nhiệm kì, và năm nay, xin nhắc lại là năm 1996, Quả mới chẵn tuổi bốn sáu. Người kém cỏi đến đâu cũng có thể tính nhẩm được, cứ cho là kéo thêm nhiệm kì nữa cũng mới quá năm muơi, thừa sức ứng cử Trung ương khóa đầu, thay chân Bí thư là cái chắc. Người dân thôn Bàu vì biết thế nên hai năm qua đã nén nhịn không thắc mắc, kiện tụng gì chuyện con đường trục nối liền xóm Bàu lên huyện lị vẫn chưa chịu bắc cái cầu cho dù hai đoạn đường hai bờ đã đổ xong đất cấp phối. Làng Cau vì thế mà chịu cảnh gần nhà xa ngõ, lại trở nên biệt lập với văn minh tỉnh lị. Chính bà Thõn, phu nhân Chủ tịch đã đích thân nói rõ với họ hàng đại thể rằng, vẫn biết cái đạo xưa nay là một người cầm bút cả họ mút tay, nhưng đường còn dài, hãy cố nhịn, cứ để cho anh ấy tu thân, tề gia, trị quốc, bình xong thiên hạ rồi thì cả làng tha hồ mút. Cả làng đồng tình cao với chủ trương như vậy, kiên nhẫn dõi theo từng bước đi của vị Chủ tịch .
Cái thời khắc "bình thiên hạ" đang lù lù hiện ra trước mắt. Chưa tới hai tháng nữa là Đại hội tỉnh đảng bộ. Cái ghế Chủ tịch của Quả được bầu bổ sung giữa nhiệm kì thay lão Đắc bị điều ra Trung ương có thể coi là một cú xoay chuyển thế cờ vô cùng ngoạn mục. Tuy nhiên nó sẽ không là gì nếu kì Đại hội này lực lượng bên cánh lão Đắc lật ngược được tình thế. Đã nhãn tiền nhìn thấy nguy cơ rồi. Cái vụ "nghi án Mậu Thân" lúc đầu tưởng là đơn giản, bây giờ lại trở nên đại sự, phức tạp. Một đoàn của Trung ương bao gồm Ủy ban kiểm tra, Ban bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương hai ngày nữa sẽ vào tới tỉnh. Những cuộc họp Thường vụ và Ban Chấp hành tới đây có ý nghĩa bẻ ghi cho con tàu nhân sự Đại hội. Không hiểu bằng cách nào mà cả tỉnh này, già trẻ lớn bé gì đều tỏ tường từng chi tiết những câu chuyện thâm cung bí sử ấy. Kể cả những kẻ đui mù điếc lác ở tận dưới làng Cau quanh năm sống như một bộ lạc biệt lập mà cũng có thể nhẩm tính được cái ngày đoàn Kiểm tra Trung ương đổ bộ vào tỉnh. Dân làng Cau biết rõ, trong vụ " Mậu Thân" ấy, Quả hoàn toàn vô can, không những thế, anh còn là nhân vật nổi bật khi được coi là trung tâm xử lí mọi bất hoà. Nhưng như thế có nghĩa đây là thời cơ trời cho, Quả cần có mặt ở tất cả các cuộc họp, nhất là những cuộc do Trung ương chủ trì. Trời đất ơi, một năm có đến ba trăm sáu lăm ngày, thiếu chi ngày để đau ốm, sao lại ốm vào những ngày này, lại bỏ "mặt trận" mà đi ra tận Hà Nội vào đúng dịp này? Mà thiếu gì loại bệnh, đau gì không đau lại mọc ra khối u. Nếu lỡ như u ác thì sao? Người dân làng Cau chỉ còn biết ngửa cổ lên trời mà than : quả thật người tính không bằng trời tính !

Cũng phải nói cho thật công bằng là thời buổi này hiếm có một vị quan chức nào với cái cỡ tương đương như vậy mà lại có một gia cảnh đáng mủi lòng như Chủ tịch Quả. Thời buổi này- là nói vào cái năm 1996 ấy- hễ nói đến người có chức có quyền, nhất là chức Chủ tịch từ cấp xã lên đến cấp tỉnh, thiên hạ đều kèm theo những thói quen quả quyết đó là trung tâm của sự tham ô, tham nhũng, là những kẻ giàu sang không ai dò đoán được. Quả đã từng nuốt quả đắng này khi còn làm Chánh văn phòng Uỷ ban huyện, mà nay, dù đã là Chủ tịch tỉnh đầy triển vọng nhưng không phải không có người cũng nghĩ về anh như vậy. Vợ chồng Quả đều hiểu điều đó, tuy nhiên không vì thế mà họ tức giận, họ sống bình thản như một kẻ chân tu, không cố tỏ ra mình liêm khiết, cũng không vênh váo phô diễn sự giàu sang. Đôi khi vài kẻ nịnh hót đã mò đến thì thào vào tai Quả, hoặc với Thõn những điều ong tiếng ve của dư luận xã hội. Quả thì có chau mày chút xíu, nhưng Thõn, vợ anh thì không. Chị gật gật đầu, môi khẽ nhoẻn cười ra dáng thú vị và cũng thông cảm với người đời. Tuyệt nhiên không bao giờ họ hỏi lại: thằng nào, con nào nói ?
Tôi cũng từng kể với thằng bạn làm báo của tôi i xì như vậy, nhưng với bản chất định kiến nghề nghiệp, nó lại la toáng lên, bốc phét, hoạ chỉ có thầy tu mới có phong thái như thế. Nó nói toạc quan điểm với tôi rằng, chẳng qua chưa tìm thấy chứng cứ thôi, chứ thời buổi này nhằm vào tất cả đám có chức có quyền mà "nổ súng" thì trăm phát trăm trúng.
Nó đâu có biết, mà kể cả tôi lúc đầu cũng không biết, chính Chủ tịch Quả và Thõn là dòng dõi nhà Phật, họ là con Phật chánh tông. Chuyện đó tí nữa tôi sẽ kể.
Ngôi nhà của họ tuy hai gác nhưng nhỏ. Có người tỏ ra quan tâm khuyên Quả nên xây cất lại nhà cho rộng rãi một chút, chí ít là để tiếp khách, Quả không nói gì nhưng vợ anh lại cười trừ, nhà có hai vợ chồng đều bận công vụ nhà nước, làm nhà to ai ở, chỉ nhọc công lau quét. Thõn nói có lý. Qủa sinh năm 1950, tuổi Canh Dần, năm nay đã bốn sáu, Thõn với đứa em sinh đôi là Thẽn, tuổi con Dê, nay cũng đã bốn mốt. Đàn bà trên bốn mươi rồi mà vẫn còn son, thử hỏi còn gì cám cảnh hơn. Cách đây mấy năm, có người khuyên Quả nên đi ra bệnh viện ngoài Hà Nội khám cho chắc chắn rồi tìm phương cách chữa chạy. Quả không ra vui, không ra buồn, không gật cũng không lắc. Lại có kẻ rỉ tai riêng với Thõn khuyên tìm một đứa con nuôi, trước là vui cửa, vui nhà động viên anh ấy lo việc nước, sau cũng là lo chuyện về già. Thõn khẽ bĩu môi rồi nói chắc như đinh đóng cột . Chị sẽ đẻ cho anh ấy thằng con trai, thời buổi này đẻ đái đâu có khó, không thụ thai trực tiếp thì làm ống nghiệm, đẻ khó thì mổ, dễ ợt. Người làng Cau nghe nói thế chỉ biết thở dài.
Không ai tin một phụ nữ như Thõn lại có thể nghén chửa được nữa. Thế mà đầu năm nay, năm thứ hai của nhiệm kì Chủ tịch, cái năm mà trong các nghị quyết của tỉnh vẫn thường bắt gặp cụm từ năm bản lề, thì chị Trưởng ban quản lý các khu di tích Nguyễn Thị Thõn lại bất ngờ có mang. Dòng tộc họ Thái, rồi gần như tất thảy nam phụ lão ấu dân thôn Bàu thấp thỏm theo dõi từng cử động của hạt giống vàng. Mà chẳng riêng gì làng Cau, đa phần công chức của tỉnh cũng để mắt đến từng bước chân, từng nét béo gầy của người phụ nữ quá tuổi bốn mươi mới bắt đầu ốm nghén. Thực ra đây không phải lần đầu Thõn mang thai. Cách đây hơn hai mươi lăm năm, khi đó cuộc chiến ở vùng này đang bước vào một đại chiến dịch được coi là long trời lở đất, chiến dịch Mậu Thân thì Quả và Thõn cưới nhau. Cưới xong là thấy Thõn ốm nghén liền. Trái cây gì mau chín thì cũng mau rụng. Cái thai đó đã không được sinh nở. Nghe đồn rằng đó là nỗi bất hạnh, là hậu quả của những trận bom pháo khủng khiếp. Nhưng lại cũng có lời đồn rất ác nói rằng do vợ chồng Quả chưa thích sinh con nên đã tự bỏ...Và vì cái hành động bỏ con đó nên trời phật đã phạt cho tiệt nòi tiệt giống. Là nói lại lời đồn đại từ dạo Quả và Thõn mới chuyển ngành, còn đang thời kì chân đất đua chen vào chiếc ghế Chánh văn phòng rồi vào làm Phó Sở Văn hoá, chứ như hiện nay, bố thằng nào dám đặt điều.
Giờ thì Thõn đã có mang thật sự, cái bụng cứ nhích dần lên từng tí, sắc mặt Thõn cũng đổi thay từng tháng, nụ cười cứ nhạt dần..Dân làng Cau, dòng tộc họ Thái cũng như bạn bè chiến hữu chuyển dần từ hồ nghi đến lo lắng, nay thì đã thật sự vui mừng hả hê. Mồ cha cái tụi nào ác mồm ác miệng dạo trước không đến dương mắt lên coi cái bụng phè phè đầy kiêu hãnh của phu nhân Chủ tịch để nhớ đời rằng con cái của Phật không bao giờ tuyệt tự. Ấy là mấy bà thím, bà cô nhọn mồm ở thôn Bàu mới rủa ác như vậy chứ Thõn thì chỉ biết cười, từ lâu chị đều bỏ ngoài tai mọi điều thị phi của xã hội. Cách đây nửa tháng, Thõn xin nghỉ đẻ. Nhưng chị không sinh tại bệnh viện tỉnh mà lại vào Sài Gòn. Thõn giải thích việc này với hai lý do. Một là tuổi đã lớn, sợ khi sinh nở có bất trắc, vào trong đó có hẳn một bệnh viện chuyên khoa sản phụ trình độ cao sẽ yên tâm hơn. Lý do thứ hai là trong đó có dì nó, tức là Thẽn, đứa em song sinh với Thõn, tiện việc săn sóc, đỡ đần, ngoài này chẳng có ai để nhờ vả. Sự việc như thế là rõ ràng , hợp tình hợp lý, chẳng ai nghi ngờ gì nữa. Thõn vác cái bụng phè phè lên tàu vào Sài Gòn đựợc nửa tháng, chưa có tin tức gì về chuyện sinh nở thì ở ngoài này Chủ tịch Quả lại bất ngờ đi cấp cứu tận Hà Nội, mà nói là bị ung thư, thử hỏi còn chi thê thảm bằng, còn có cảnh ngộ nào thương tâm hơn thế nữa không !

*

Trưa thứ bảy Quả đến Hà Nội, anh rỉ tai nói nhỏ với cậu Lân Phó Văn phòng Uỷ ban đang đi theo anh, là chưa vào viện vội mà thuê một phòng khách sạn nghỉ lại. Sau đó Quả yêu cầu cô bác sĩ Phòng Bảo vệ sức khoẻ cán bộ tỉnh cùng cậu Phó Văn phòng Uỷ ban phải ngay lập tức theo xe trở về để làm việc, không được vì cá nhân tôi mà láng quáng tại Hà Nội. Cô bác sĩ thật sự ái ngại nhưng vốn biết tính Chủ tịch rất nghiêm khắc và giản dị nên không dám cãi. Còn cậu Phó Văn phòng thì lặng lẽ xếp áo quần, đồ dùng của "xếp" bỏ gọn gàng vào tủ rồi quay lại kiểm tra xem phích nước có còn nóng không, dí mũi ngửi xem khăn rửa mặt trong phòng vệ sinh có sạch không, xoè cả bàn tay ra lau xuống mặt ghế xem có nhẵn bóng không...Nhìn cái cách Phó Văn phòng quan tâm đến lãnh đạo, bất giác Quả nhớ lại những ngày mình còn làm cần vụ, anh vừa thấy vui vui vừa có gì đó chua xót.
Khi cả bọn chào Chủ tịch để đi ra thì bất ngờ cậu Phó Văn phòng quay lại. Anh ta liếc mắt ra bên ngoài hành lang rồi ghé sát Quả nói nhỏ:

- Liên lạc với anh thì em gọi vào máy nào?

- Cậu đừng gọi vì tớ sẽ luôn tắt máy.

- Không được. Em chuẩn bị thêm cho thủ trưởng cái sim này. Thủ trưởng cài sim này vào chỉ dùng để liên lạc với em.

Vừa nói hắn vừa dúi vào tay Quả chiếc sim điện thoại rồi khẽ mỉm cười chạy vội ra đuổi theo cô bác sĩ.

Thế là chiều đó Quả được tự do một nình. Anh dùng điện thoại gọi vào máy nhà riêng của cô em vợ ở Sài Gòn . Sau cuộc gọi đó Quả thay sim mới vào máy. Năm giờ chiều hôm đó, Thõn đáp máy bay ra thẳng Hà Nội. Chưa tới tám giờ tối chị đã xô cửa phòng khách sạn lao vào.

- Trời ơi, làm sao đến nông nỗi này ?

Quả nở nụ cười rất điềm tĩnh

- Không sao đâu em, cũng chỉ là thứ đoán mò thôi...

- Nhưng sao điện thoại không gọi được?

- À...quên sạc điện, hết mất pin.

Thõn vừa thở vừa cúi thấp xuống sát mặt chồng thì thào:

- U thật à?

- Chẳng lẽ u giả.

- Bệnh viện trong mình người ta nói thế nào?

- Chúng nó sờ bằng tay thấy khối u khá to..Chụp Xquang cũng thấy có một cục u như vậy. Chỉ có điều chưa xác định là u lành hay ác.

- Lành thì răng mà ác thì răng?

- Lành thì có thể mổ xẻ bình thường, còn ác thì...

- Lạy Phật..

- Nhưng thằng Hoàng viện trưởng nó bảo, nếu u ác mà đã phát triển to thế này thì cơ thể phải sụp đổ rồi. Đằng này anh vẫn thấy rất khoẻ, ăn vẫn ngon...Chỉ có gần đây thấy trong bụng hơi nằng nặng

Thõn thở dài một tiếng rồi ngồi xuống bên chồng :

- Sao không vô viện Trung ưong Miền trung cho gần?

Quả bĩu môi :

- Đã mất công đi thì ra hẳn ngoài này cho nó chắc chắn chứ...Rồi anh khẽ mỉm cười- Mấy lại có ra đây mới nhắn được em ra với anh. Mà này, em không còn cái bụng bự nữa trông vẫn đẹp như gái tơ ...

Thõn nguýt dài một cái:

- Đĩ đực...Liệu liệu cái mồm.

Quả thực, nếu như cậu Phó Văn phòng Ủy ban hay cô bác sĩ Phòng khám cán bộ tỉnh còn ở lại mà nhìn thấy phu nhân Chủ tịch lúc này sẽ vô cùng kinh ngạc. Một tấm thân thon thả, eo bụng vẫn thắt đáy lưng ong không hổ danh một thời làm diễn viên múa.

Quả ngồi sát lại hỏi thì thầm như sợ ai đó nghe thấy:

- Tình hình trong đó thế nào, khi nào sinh?

- Dì ấy mới đi khám lại, họ nói phải vài tuần nữa.

- Sao lâu thế?

Thõn lại nguýt dài một cái nhưng lần này có vẻ khó chịu:

- Lâu hay mau thì cũng ở ông, ai vô đó mà biết.

Quả lại lim dim mắt cười nịnh, rồi thì thào khẽ hơn:

- Này...khám lại...có biết được...

- Con trai chắc chắn rồi, chuẩn bị mà khao đi .

Quả nhăn nhúm khổ sở:

- Con trai đương nhiên là mừng rồi, nhưng cái anh lo là..có sinh đôi nữa không?

Thõn khoát tay một cái như múa:

- Yên chí đi, lần này thai một, soi chụp nhiều lần rồi, chắc như đinh đóng cột .

- Mô phật !

Không ai có thể ngờ một vị Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh lại thốt lên lời đó. Rồi anh nằm vật ra giường, thở nhẹ nhàng, nét mặt đầy vẻ mãn nguyện. Có lẽ lúc này Quả không chút vướng bận gì đến căn bệnh đang mắc phải cho dù là u ác..

Đến đây thằng bạn nhà báo cứng đầu xem ra không chịu đựng được nữa. Nó dí mặt vào sát mặt tôi. "Thần kinh mày có sao không đấy? Làm sao vừa kể chuyện bà Thõn nghén chửa, bụng to từng ngày từng tháng, rồi đùng một cái lại bảo thắt đáy lưng ong...rồi lại cái gì mà dì nó nghén một, nghén đôi nữa. Có vấn đề gì với mày thế?"

Không. Với tôi không có vấn đề gì cả. Nhưng với Quả thì có đấy. Vấn đề ấy có cội nguồn sâu xa, bắt đầu từ cuộc tình éo le của vợ chồng Quả, mà không, phải bắt đầu xa hơn thế, từ những người đàn ông thôn Bàu thuỷ đọng muốn chống lại định mệnh truyền kiếp của mình và lời tiên tri nghiệt ngã của ông thầy địa xa xưa.

*

Ngày ấy nói xa thì chưa phải quá xưa, nhưng cũng chẳng còn là chuyện gần nữa. Nhưng ở cái xóm Bàu này, mọi chuyện từ thủa khai khẩn khai canh đến giờ hình như vẫn cứ lẩn quẩn đâu đó, không ra cũ không ra mới, người ta kể lẫn lộn vào với nhau, hệt như nó đang tồn tại, hoặc nó mới xẩy ra hôm qua hôm kia vậy. Ví dụ như chuyện ba chàng trai làng kết nghĩa huynh đệ, cùng cầu tự trên chùa Cổ Si để xin Phật ban cho đứa con nối dõi tông đường. Chuyện đó xẩy ra từ trước những năm 1950. Cái chùa thờ Phật hiếm hoi kia đã bị bom đạn thời giặc Pháp san phẳng, hầu như không còn một chút dấu tích. Ấy vậy mà người thôn Bàu vẫn coi đó là một địa chỉ hiển hiện. Khi họ chỉ đường cho khách, hoặc bảo con cái đi tìm nắm lá thuốc nam là mặc nhiên chỉ tay: lên chỗ chùa cầu tự ấy! Cả ba người đàn ông đó đã khuất bóng lâu rồi, nhưng cái gốc mít cổ thụ nằm trên nền đất bỏ hoang thì vẫn còn uy nghiêm sừng sững để người làng vẫn cứ nói, huynh đệ họ bái tạ đất trời chỗ này đây.

Một người họ Thái tên Nhẫn, một người họ Phùng tên Tấn, còn người kia là lão Thúc, dân làng vẫn gọi thế vì không biết lão họ gì. Bởi lão không phải dân gốc làng Cau. Lão Thúc là đứa con trai duy nhất của người bố tên là Quản. Mà Quản chính là thằng con trai duy nhất trong số sáu cặp song sinh của người con trai tên tướng cướp. Sau khi Quản chết, người làng chôn hắn bên cạnh mộ ông nội và bố hắn. Ngoài những cây huyết dụ họ còn trồng bao bọc xung quanh ba ngôi mộ nhiều bụi xương rồng gai, ý là chôn sâu rào kỹ không cho cái giống đó nảy nòi. Họ đặt tên đứa con của Quản là Thúc để nhắc nhở dân làng đời này qua đời khác phải luôn canh giữ, để mắt đến cái nòi giống ấy.

Sở dĩ ba người đàn ông đùng đùng kết nghĩa rồi đi chùa cầu tự là vì họ đều là con cháu của những bằng hữu đạo chích trước đây. Trong số đó chỉ có Thái Nhẫn còn có anh em chú bác, nghĩa là còn họ tộc, còn hai kẻ kia là con độc đinh. Phần thì không chịu nổi những lời đồn thổi gốc tích xa xưa của mình, phần cũng nơm nớp lo sợ quả báo nên bọn họ rắp tâm tu thân tích đức. Nói vậy là để thấy rằng dân làng Cau dù cho gốc gác thế nào thì vẫn có lòng hướng thiện, đâu chỉ là loại bất trị, bất lương!

Thái Nhẫn và Phùng Tấn cầu tự và ăn chay rất chu đáo. Tuy nhiên chỉ có Nhẫn là thành tâm vì ông là dân không có học hành gì và cũng là kẻ đã đứng tuổi. Nhẫn sinh năm Canh Thân- 1920, ít hơn lão Thúc hai tuổi nên nhận làm em thứ. Còn Tấn lại quá trẻ, là tam đệ của cả nhóm. Hắn sinh năm 1928, tuổi Mậu Thìn, theo các thầy bói thì tuổi đó là tự do tự tại một mình không coi ai ra gì cả. Hắn cũng theo các huynh đi chùa, cũng có ăn chay, nhưng cùng thời điểm đó Tấn đã là một du kích hăng hái. Làng Cau lúc ấy là làng du kích, không có tề ngụy, nhưng đêm đêm du kích thôn lại lên tận chợ Huyện để trừ gian. Nghe nói chỉ riêng trong năm 1950 ấy, Tấn đã lập công phéng cổ hai tên tề điệp.

Nội dung lời cầu nguyện trước Phật tổ của huynh đệ nhà họ nói nôm na chỉ hai ước muốn. Có được đứa con trai để nối dõi tông đường và lạy Phật, xin được sinh một, đừng sinh cặp. Thời buổi đói kém đến xác xơ ấy mà sinh đôi thì quả thật phúc chuyển thành hoạ.

Không biết luật nhân quả có thật ứng nghiệm không, nhưng kết quả trong cái năm 1950 ấy, chỉ có Thái Nhẫn là toại nguyện. Ông sinh được đứa con trai và chỉ duy nhất có một đứa. Từ khi bà Hợp có mang, ông vừa mừng vừa lo, suốt ngày tụng kinh niệm Phật. Khi bà lên cơn đau chuyển dạ, người ông vã hết mồ hôi. Đã thế cơn đau bụng lại kéo quá lâu, hơn ba ngày ba đêm mà không chịu chuyển thành cơn đau rặn đẻ. Ông Nhẫn run rẩy, hết thắp hương lạy Phật lại đi bộ như chạy dọc theo bờ bàu thủy đọng, rồi lao xuống nước vớt hàng chục rổ bèo, lại leo lên nóc nhà dở gần hết một mái tranh...Cuối cùng thì thằng bé lì lợm ngoan cố kia cũng tòi ra được. Bà Hợp gần như ngất xỉu, nhưng ông vẫn chưa hết cơn lo lắng, không cho ai hồi sức cấp cứu sản phụ, ông vẫn cứ nhìn chằm chằm vào cái lỗ ấy của vợ xem còn có đứa nào tòi ra nữa không. Cuối cùng thì không. Nhưng ông không kịp reo lên sung sướng thì lại hét thất thanh. Vợ ông đã tắt thở.

Phải mất năm năm sau, năm Ất Mùi, mụ Sắn vợ lão Thúc mới có mang nhưng lại sinh ra một cặp gái. Khi mới sinh, cặp gái song sinh này có cặp môi mỏng và đỏ chót. Bà mụ nói rằng số cháu hơi bị cao, có thể khó nuôi nên gia đình chớ có khoe khoang, chớ có lắm mồm khi nói chuyện về con cái mình. Vợ chồng lão Thúc hoảng quá liền đặt tên con rất khẽ khàng nhỏ nhẹ. Thõn và Thẽn. Hai đứa trẻ càng lớn lên càng xinh gái. Nhưng ở cái thôn Bàu thuỷ đọng này, việc đó lại không phải là niềm vui. Đã có kẻ ác miệng xói mói, con gái mà tuổi dê thì rồi...dê phải biết. Lão Thúc buồn quá nên đổ bệnh, không bao lâu thì đi theo tổ tông nhà lão. Và như thế là nòi giống kẻ cướp đã thật sự tuyệt tự trả lại cho thôn Bàu vẻ thánh thiện của làng Cau thủa lập địa khai sơn.

Trong ba huynh đệ kết nghĩa và cùng cầu tự thì Tấn là lỗ vốn nhất. Cô vợ trẻ mới mười bảy tuổi của hắn vẫn cứ nhơn nhơn, mông vú phẳng lì không sau không trước. Quá chán nản và thất vọng, cuối năm 1953, nhân có dịp động viên nhân lực cho kháng chiến chuyển qua giai đoạn phản công, Phùng Tấn đã đầu quân đi biệt tăm mất tích. Sau đó chưa tới nửa năm con vợ trẻ cũng bỏ làng mà đi, có người nói rằng ả đã lên đồn Cầu Gia theo một thằng lính Bảo vệ.

Huynh đệ kết nghĩa không còn, vợ cũng đã thành người quá cố, chú bác thì chả mặn mà gì, một mình gà trống nuôi con, ông Nhẫn ngày thêm tiều tuỵ và còi cọt. Tuy nhiên ông vẫn một lòng hướng Phật bởi hơn bất cứ ai, ông đã thấy rõ quyền năng tối thượng của đức Chí tôn. Ông đặt tên đứa con nối dõi là Quả, vừa là sự thừa nhận, vừa là lòng tri ân đối với Phật tổ. Ngay từ những ngày còn thơ bé, Quả đã được bố răn dạy toàn những điều từ bi hĩ xả, không oán giận ai, không thù ghét ai, không ham hố bất cứ chuyện gì và cũng chớ nên than thân tủi phận cho dù cuộc đời có ngàn lần bạc bẽo. Quả cũng không đựợc đi đâu quá xa xóm Bàu, ngày ngày chăn dắt hai mẹ con bò nái, chặt bổi ủ phân rồi trồng sắn, ươm khoai lang và lặn ngụp dưới bàu nước vớt rong rêu lên ủ đất. Cả một thời ấu thơ của Quả gắn chặt với bàu thuỷ đọng và ký ức anh cũng lờ nhờ, đùng đục lẫn lộn bao nhiêu thứ như cái vũng nước không bao giờ lưu thoát này.

Tuy nhiên cuộc sống cho dù chậm chạp đến mấy rồi cũng cứ phải chuyển động. Chiến tranh rồi hoà bình, hoà bình ít bữa lại chiến tranh, cả nước xẩy ra chuyện gì, làng Cau y rằng cũng xẩy ra tương tự. Nhưng cái vùng đất thuỷ đọng này luôn luôn là kẻ chậm chân. Từ huyện lị về thôn Bàu chỉ chừng bốn cây số đường chim bay, nhưng lại bị ngăn cách bởi khe cát dài dằng dặc. Muốn về thôn Bàu, người ta phải đi vòng lên hết thôn Hạ Cờ rồi mới quay trở lại. Mà ngay cả con đường đất pha cát qua Hạ Cờ cũng chẳng dễ dầu gì, mùa nắng còn suôn sẻ , mùa mưa bão phải tuột dép lội qua khe, nước chấm tận lưng quần. Thế mới nói là gần nhà xa ngõ.

Trẻ con thôn Bàu cuối cùng cũng có đứa được đi học, nhưng hầu hết là quá tuổi. Quả vào lớp một khi đã cao lồng ngồng, lên đến lớp bốn bị bọn học trên cấp hai chặn đường cởi quần xem đã có lông chưa. Không biết bao nhiêu lần Quả khóc mếu khóc máo từ trường về đến tận nhà.Tuy nhiên ông Nhẫn vẫn dặn con không được tức giận, không được thù oán, càng không được mách báo với cô thầy mà hại bạn khác. Quả cứ cúi đầu cam chịu như vậy để học cho qua cấp một rồi cấp hai trường huyện. Cứ tan trường là cắm cổ chạy một mạch về nhà. Nhưng ngay ở thôn Bàu Quả đâu có được hoàn toàn yên thân, vui vẻ. Bọn trẻ trong thôn thất học nên rất lếu láo, chúng nó cứ gọi Quả là thằng ngố.Trông bộ dạng của Quả đã cù lần rồi, lại thêm cái đức nhẫn nhục nén nhịn mà ông bố truyền dạy nữa nên nhìn hắn lúc nào cũng như thằng ngớ ngẩn. Dần dần chính ông Nhẫn cũng cảm thấy con mình ngố. Trời ơi, ông kêu lên một mình trong đêm, lẽ nào bao nhiêu tâm thành của ông tu nhân tích đức lại được Phật ban cho một đứa con nối dõi như thế sao! Ông Nhẫn bất ngờ già sọp đi và đổ bệnh.

Trong cái đêm cuối cùng trước khi xuôi tay nhắm mắt, dưới mái tranh mục nát của túp lều ẩm dột bên bờ bàu nước đen ngòm, ông kéo tay thằng Quả lại trăn trối :

- Cả đời cha ăn chay niệm Phật không ngờ có lúc nản lòng oán thán đức Chí tôn nên chừ mới bị Ngài phạt. Cha đã giác ngộ rồi, không còn ấm ức chi nữa. Chỉ thương con không được khôn ngoan lanh lợi như con người ta, không biết rồi sẽ sống răng đây. Nhưng con ơi, dù sau ni có cực khổ đến mấy cũng không được than thân trách phận, phải tin ở quyền năng đức Phật. Con phải thấy rằng cả cái làng này được mấy người như cha, xin Phật đứa con trai là được con trai, xin đẻ một là y rằng đẻ một. Cho dù sau này trong làng xóm hay họ tộc có đối xử với con thế nào thì con cũng không được đem lòng thù hận. Nếu có cơ duyên gặp được chú Tấn, con nhớ nói rõ gốc gác của mình chắc chắn chú ấy sẽ nâng đỡ con. Cha nghe nói chú Tấn bữa nay làm quan trong Quân đội to lắm...

Năm đó Quả mới mười lăm tuổi lại là kẻ không được thông minh lanh lợi nên lời bố nói mười phần chỉ hiểu láng máng được đôi ba. Cái duy nhất anh nhớ rõ là chú Tấn của anh chừ đã là quan to, nếu gặp được thì đời anh sẽ sướng.

*

Ngay từ sáng chủ nhật Quả đã cùng vợ chuyển qua một khách sạn khác. Với sự khôn ngoan tích luỹ được của mười mấy năm làm quan chức, nhất là gần hai năm làm quan đầu tỉnh, Quả biết chắc chắn rằng, cho dù anh đã cố tình thay máy di động nhưng ngay trong đêm qua, thứ bảy đã có rất nhiều người biết anh đau bệnh gì, đang nằm ở đâu. Đó có thể là những vị Vụ trưởng, Cục trưởng của mấy Bộ Tài chính, Đầu tư hay Xây dựng...Có thể là cán bộ Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương...Mà cũng có thể là mấy thằng chánh phó giám đốc các sở ban ngành trong tỉnh đang có công vụ tại Hà Nội. Ngày nào, tuần nào mà chẳng có cán bộ của tỉnh chầu chực ngoài này. Quả biết thừa rằng ngay từ hôm thứ sáu khi anh lên chiếc xe cứu thương màu trắng chạy đi thì điện thoại từ Văn phòng Uỷ ban đã réo gọi khắp nơi để loan tin. Và chắc chắn sau khi ở Hà Nội về, dù có khuya khoắt đến mấy, dù có mệt nhọc đến mấy thì cái cậu Phó Văn phòng cũng gọi điện đi nhiều nơi, kể cả các cơ quan Trung ương thông báo tình hình cụ thể của Chủ tịch, hiện trạng sức khoẻ ra sao, đang nằm ở chỗ nào, lại còn gợi ý các anh nên đến thăm, nên động viên anh ấy, nên thế...nên thế...Đó là một thông lệ gần như bắt buộc, gần như là quy chế, là đạo đức, đôi khi phải hiểu như là một điều luật. Tứ thân phụ mẫu của những người có cương vị quan trọng khi ốm đau, khi qua đời thì cơ quan văn phòng của họ phải thông báo để các cấp liên quan, các cấp bằng hữu đến thăm hoặc phúng viếng. Là nói tứ thân phụ mẫu còn phải như thế, huống hồ đây lại đích thân Chủ tịch nằm viện. Quả cũng hiểu rằng, nếu sáng chủ nhật này có nhiều người đến khách sạn thăm anh, đương nhiên là kèm theo nhiều quà cáp, thì cậu Phó Văn phòng đã chứng tỏ được sự tận tuỵ và nhạy bén của mình. Làm người giúp việc ai chẳng mong được chủ vừa lòng. Điều này không phải đến tận bây giờ được làm bề trên Quả mới biết, anh đã tự ngộ ra khi còn là kẻ tớ, là một cần vụ mẫu mực của Tham mưu trưởng Mặt trận BZ.

Phó Văn phòng Uỷ ban tỉnh không hẳn đã là phiên bản của Quả- cần- vụ. Nhiều lần Quả tự so sánh và kết luận, nếu là một hình ảnh lặp lại thì cũng có sự khác rất xa, có thể ví cái thời xưa của anh là tấm ảnh đen trắng, còn thằng Lân bây giờ dù có giống anh đến mấy thì cũng là bức ảnh màu. Thời đại đã khác lắm rồi, làm kẻ phục vụ thời nay không phải chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời, biết nhạy bén đọc ra những thích thú đòi hỏi của "xếp", mà còn phải khôn ngoan bày mưu, tính kế giúp "xếp", phải "đi tắt đón đầu" để gạt bỏ những chướng ngại cho "xếp". Những chuyện như thế ở thế hệ cần vụ của Quả làm sao mà hiểu được.

Lân là dạng người đặc biệt. Mặt dài như một chiếc lưỡi cày, đôi mắt rất hay liếc chéo như con gái đưa tình, cả cái kiểu cười không phát ra tiếng nhưng cặp môi mỏng như lá lúa lúc nào cũng chẻ ra nom rất nhễ nhại, tất cả cái dáng vẻ và thần sắc ấy khiến người ngoài có thể nhầm tưởng anh ta thuộc diện khờ khạo, thậm chí có lời đồn thổi thằng cha ấy là bê- đê..

Nhưng chỉ cần sống gần hay cùng làm việc thời gian ngắn người ta sẽ giật mình nhận ra đây là một con người sắc sảo đến khôn lường. Lân không hề là đồng hương, cũng không phải bạn chiến đấu hay có thứ quan hệ gốc rễ gì đó đối với Quả. Khi ông Đắc còn tại vị chức Chủ tịch thì Lân cũng chưa lên Văn phòng Ủy ban tỉnh mà còn lặn ngụp ở dưới Văn phòng Hội đồng nhân dân của một huyện vùng biển. Cũng không phải sau khi thay chức Chủ tịch rồi thì Quả tìm người quen kéo lên để tạo cánh hẩu. Việc điều động Lân lên Văn phòng Uỷ ban tỉnh nằm trong thế cờ chung do đích thân Phó bí thư Sò thiết kế theo công thức: đã điều một anh phía tây về thì phải đồng thời kéo thêm một anh phía đông lên, dọn chỗ cho một người phía bắc vào cũng phải có thêm một chỗ cho người phía nam ra...Đó là thế quân bình tất yếu để yên lòng các địa phương và bịt kín những kẽ hở của câu chuyện cực kì nhạy cảm trong công tác tổ chức là "địa phương chủ nghĩa". Nhìn vào xiêm áo bên ngoài cứ tưởng tất cả mọi thứ diễn ra như là một sự công bằng và tất yếu, anh đưa vào chiếc áo, tôi góp thêm chiếc quần, anh kia có đôi giày thì anh nọ là chiếc mũ...Nhưng những người chóp bu trong cuộc cờ lại biết rất rõ. Đôi giầy rất khác chiếc áo. Ví dụ anh A ở huyện phía tây về làm phó một ban là để dự nguồn cho Thường vụ khoá sau, nhưng bác B dưới huyện phía đông lên làm phó cho ban khác thì coi như hết đường tiến thoái, cứ yên vị mà ngồi chơi.

Trong thế cờ đó, Lân được lên Phó Văn phòng Uỷ ban cũng thuộc diện "cờ bí dí tốt". Con đường thăng tiến của Lân coi như tắc tị. Chánh Văn phòng còn ít hơn Lân ba tuổi. Còn hai phó khác vừa là con cái nhà nòi, vừa học vấn đỗ đạt cao.

Ai đó (lại chỉ có thể là Bồ tát) mách bảo cho Quả khi anh vừa nhậm chức Chủ tịch rằng, hãy đưa bàn tay ra cho thằng Lân nó nắm. Không phải anh dắt nó tiến lên đâu, mà ngược lại, chính tay Phó Văn phòng này sẽ là quý nhân phù trợ cho anh...

Quả chủ động tránh gặp khách bạn, nhất là khách trong tỉnh, ngoài lý do không thể cho ai nhìn thấy hình hài vợ còn thon thả lép kẹp như thế thì anh cũng đang rất cần sự yên tĩnh, thật sự không muốn ai quấy rầy lúc này. Đó là một dấu hiệu bất thường của một vị Chủ tịch trẻ. Những quan chức trẻ thời nay, nhất là những người đang hãnh tiến thường say máu chỗ ồn ào, nơi đó là những hội nghị triền miên hết ban này qua ngành khác với vô vàn những tham luận, những tranh cãi, những đề xuất sáng kiến trên mây trên mưa. Nơi đó là những cuộc tiếp khách nhộn nhịp, tay bắt mặt mừng với đủ thứ mỹ từ khen ngợi nhau, hứa hẹn với nhau để rồi quên nhau nhanh chóng. Nếu không có những việc ấy thì lang thang tìm nhau, xúm xít quanh bàn nhậu, mặt đỏ phừng phừng, ép nhau nốc cạn từng vại bia, từng li bự rượu, lúc nào cũng phải "trăm phần trăm", phải vung tay múa chân, phải đồng thanh hô vang "dô,dô", nếu không thế là yếu kém, là thiếu tính hoà đồng và tai hại hơn là không phải cánh mình !

Quả cũng là người như vậy, cũng phải sống trong cái tiết tấu ấy chứ làm sao thoát được. Nhưng hôm nay anh rất muốn đơn độc, tuyệt nhiên không phải do linh cảm điều gì đó tuyệt vọng. Không, thực tình Quả không hề cảm thấy có chuyện gì nghiêm trọng hết. Cho dù cái khối u ở trong bụng anh đã nhô lên rất rõ, dùng tay ấn nhẹ là chạm tới, nhưng Quả vẫn tự thấy mình rất bình thường, cơ thể hầu như không hề có chút đổi thay gì đáng lưu tâm cả.

Một ngày chủ nhật trôi qua rất tĩnh lặng, cái tĩnh lặng rất không bình thường. Thực ra đã bao năm nay, đôi vợ chồng ấy hầu như không nói chuyện theo kiểu tâm sự với nhau. Người bên ngoài không ai biết được điều ấy. Trước mắt bàn dân thiên hạ họ là một cặp trời sinh, không những đẹp đôi về tuổi tác sắc diện mà trên tất cả mọi chuẩn mực cả hai người thật sự cân xứng. Cả hai đều là những cựu chiến binh, từng vào sinh ra tử vang bóng một thời. Cả hai đều có bằng Đại học đặt ra giữa bàn cho những kẻ nào vốn thích bới móc chuyện năng lực với học vấn phải tịt mồm, cho dù đại học của Quả chỉ là cái chứng chỉ chương trình cao cấp chính trị, còn đại học của Thõn là lớp Văn hoá du lịch tại chức do chính Sở Văn hoá cuả tỉnh phối hợp với một trường nào đó ngoài Hà Nội mở ra lấy cái sự vui vẻ làm chính. Đấy là bọn người hay đem lòng đố kị mới nói như thế, chứ bằng là bằng, đại học là đại học, bằng cấp phát chánh tông chứ đâu có phải của dổm. Thành ra mặc kệ kẻ nào xoi mói không phục thì cái cặp ấy vẫn đuề huề là một cặp cử nhân. Chưa hết, cái cặp uyên ương đó một là người đứng đầu toàn tỉnh, một là cán bộ quản lý các dự án đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm, kẻ xấu mồm ác miệng thì nói rằng đó là hai cái cối xay bạc, nhưng đa phần lại chép miệng thèm thuồng mà rằng, người ta nói thế gian được vợ mất chồng, đằng này trời cho được cả hai, thật phúc như Đông Hải, thọ tựa Nam Sơn. Ai nói chi thì nói, cái cặp ấy vẫn lấy cười làm lễ, rất ít khi cau có với ai hoặc cau có với nhau. Trước mặt mọi người họ cứ như đang giữa tuần trăng mật, ríu ra ríu rít, thậm chí có khi còn liếc mắt đưa tình...

Không ai biết rằng khi chui về trong căn nhà hoang vắng, khi không có khách bạn nào đến chơi thì kẻ dán mắt vào chiếc ti-vi, người kì cạch đếm tiền cộng sổ. Rất ít khi họ nhìn mặt nhau, càng không bao giờ tâm sự nỗi niềm với nhau ngoại trừ chuyện bàn bạc xem đã nên xây cất nhà mới chưa, nên gửi tiền vào ngân hàng này hay nhà băng nọ, đại loại như thế. Trong tất cả những thứ chuyện trên đời, chuyện tối kị nhất đối với hai người là tình yêu thời son trẻ và kỉ niệm thủa chiến chinh, cái mà người ngoài cứ tưởng là những mảng ký ức tuyệt vời luôn luôn rực cháy trong trái tim họ.

Thế nên ngày chủ nhật này đã trôi qua một cách lê thê và nặng nhọc. Ngoài việc hỏi đi hỏi lại u lành hay ác, nghén một hay nghén đôi ra họ thật sự chẳng biết nói gì. Cũng có khi họ bất chợt nhìn nhau rồi phì cười, nhưng cái cười hà tiện lắm, vành môi thì khô mà chút hơi xì ra quá mỏng không đủ tách môi ra khỏi bờ răng.

Sáng thứ hai, Quả gọi tắc-xi vào viện một mình. Anh nói với vợ " Em đừng đi theo, lỡ như vào đó có người nhìn thấy..em thon thả thế này thì.." Thõn quay ngoắt trở vào phòng không thèm nhìn theo chiếc tăc-xi lừ lừ chui ra khỏi cổng. Căn phòng khách sạn như rộng gấp đôi. Bất giác Thõn cảm thấy chơi vơi như con thuyền ra giữa khơi mà lại mất tay lái. Một câu hỏi hoảng loạn chập chờn hiện ra cho dù Thõn cố xua đuổi nó đi, giả sử Quả gặp xui xẻo...giá như chuyện ấy xẩy ra thì cuộc đời chị sẽ ra sao? Thõn không thể ngồi yên một chỗ, bật ti-vi lên rồi lại tắt, nằm vật ra giường chưa tới vài phút lại ngồi vọt đậy, chị đi bộ ra hành lang, xuống cầu thang, cười nói lơ mơ vài câu gì đó với cô nhân viên lễ tân rồi đi ra đường. Người đời vẫn vô tư, hay ít ra là Thõn cảm thấy như vậy. Dòng người cứ xao xuyến lại qua như trôi như dạt vô bến vô bờ. Thõn ngồi xuống quán nước bên vệ đường, gọi cốc chè đá. Hơi lạnh lan toả từ bờ môi vào vòm họng rồi tràn trề xuống cổ. Có lúc Thõn cảm thấy lòng dạ như đang đóng băng, có lúc lại thấy sôi cồn cào như lửa đốt. Chị uể oải đứng lên, đôi chân vô định kéo từng bước chậm rãi đi ra phía bùng binh ngã tư. Thõn muốn hoà tan vào đám người hỗn độn quay vòng kia mong sao cho mịt mù đầu óc để không còn phải bồn chồn khắc khoải...

Có lẽ phải đến gần ba giờ chiều, khi Thõn đã mệt nhoài ngủ thiếp đi trên đệm thì bất ngờ có tiếng gõ cửa. Chị choàng dậy lao ra. Một ngưòi đàn ông trạc tuổi chị bước vào dáng thanh thản :

- Xin lỗi, chị có phải là chị Thõn vợ anh Quả..

Trống ngực Thõn đập loạn xị:

- Đúng rồi...Anh là..

- Tôi là bác sĩ...Anh Quả nhờ tôi...

Không để cho người bác sỹ nói hết câu Thõn đã chồm lên:

- Nhà tôi sao rồi?

- Anh ấy không sao. Chúng tôi đã hoàn thành công việc hội chẩn, đã làm thủ tục cho anh ấy nhập viện...

- Nhưng mà..Thõn lấy bàn tay đè lên lồng ngực- Anh ấy bị u lành hay ác?

Người bác sĩ cười hiền lành:

- Không ác mà cũng chẳng lành, nói tóm lại là khối u nhưng không phải ung thư. Chị yên tâm đi..

- Lạy Phật...Bàn tay mảnh mai của Thõn vuốt mãi trên ngực, hai chân vẫn đứng như bị chôn, chị thậm chí không nhớ nổi việc phải mời khách ngồi uống nước- Ôi thôi chết, tui đoảng quá, mời bác sỹ ngồi...à, để tui pha chè..

Người bác sĩ vẫn cười rất hiền

- Không sao đâu, chị cứ để mặc tôi. Anh ấy bảo chị đừng vào viện nữa, thu xếp về lại trong kia...Ở trong viện hiện giờ rất đông anh em tới thăm và chăm sóc.

Thõn "dạ" khẽ một tiếng rồi ngồi yên lặng, đôi mi mắt sập xuống âm u. Có thể nhận ra sự chùng xuống mệt mỏi của một tâm trạng căng thẳng quá dài, mà cũng có thể nhìn thấy sự tủi thân xen chút căm hận nữa..Tất nhiên người bác sĩ hiền từ và tốt bụng kia không thể biết được

- Dạ thưa...lúc nãy bác sĩ nói..có khối u nhưng không lành, không ác, lại không phải là ung thư...thì là cái chi?

- Là một thai người.

- Úi...Cả khuôn mặt của Thõn gần như bất động, cặp môi khô giật giật.- Anh nói là...là nói chơi cho vui chứ..

- Dạ không, đúng là thai người chị ạ.

Thõn cố cười như rặn :

- Bác sĩ thiệt vui tính...Thời buổi bữa ni, đàn bà phải kế hoạch hoá nên đàn ông nghén thay...

Người bác sĩ vẫn không thay đổi thế ngồi và nụ cười:

- Đây là trường hợp hy hữu nhưng cũng không phải chưa từng xẩy ra. Trên thế giới đến nay cũng đã gặp mấy ca rồi.

- Nhưng đàn ông thì làm răng có thai được?

- Đây không phải là anh Quả có thai mà cái thai ấy là của người mẹ, nó không còn là thai nhi nữa mà đã đứng tuổi rồi, nó bằng tuổi anh Quả đấy. Khi bà cụ anh Quả mang thai, thực chất là song thai, nhưng do có một sự cố nào đó mà một thai thay vì nằm trong tử cung mẹ thì lại nằm vào bên trong thai kia..Chuyện này trên phương diện y học thì giải thích được, tuy nhiên chính chúng tôi cũng thấy thật kì lạ.

- .....

Không, bây giờ thì chính Thõn lại không thấy lạ kì gì hết, chị chỉ thấy rùng mình. Một cảm giác ói mửa như đang ốm nghén. Thì ra bà ấy vẫn sinh đôi, thì ra đấng Chí tôn vẫn khuất tất, vậy thì lòng thành để làm chi, lòng thành biết nương tựa vào đâu?

*

Quả được bệnh viện bố trí nằm riêng một phòng khá tươm tất theo chế độ ưu tiên cán bộ cao cấp. Khi người bác sĩ Phó khoa từ khách sạn quay trở lại báo cho anh biết Thõn đã lấy vé quay về Sài Gòn, Quả gật đầu cảm ơn rồi hỏi một cách hờ hững:

- Cô ấy không nói gì à?

- Không, nhưng hình như chị ấy hơi buồn...

Bác sĩ Phó khoa này cũng có chút tình cảm riêng với mảnh đất heo hút xác xơ của cái tỉnh miền Trung cũng như với riêng Chủ tịch Quả. Tháng chín năm ngoái Khoa ngoại của bệnh viện đi tham quan mấy vùng đất trong đó gặp cơn lũ lịch sử tắc đường, nếu không có Quả đích thân giải quyết cho chỗ ăn ở thì đã sẩy nhà ra thất nghiệp rồi. Không phải chỉ ở nhờ mà là thượng khách. Đã không tốn chi phí lại còn được thết đãi rất thịnh soạn. Hôm chia tay còn lủng lẳng quà cáp. Cái ơn ấy anh chị em trong khoa nói với nhau phải tìm cơ hội báo đáp. Vì vậy mà khi được Quả nhờ nhắn tin cho vợ, bác sĩ Phó khoa đã không sai nhân viên vì sợ không truyền đạt hết ý mà tự mình đi ngay.

- Đáng ra anh nên cho chị vào đây một lúc ...

Quả khẽ nhếch mép cười rồi đổi giọng :

- Bác sĩ ơi, có thể cho tôi biết bao giờ thì mổ được?

Người bác sĩ Phó khoa hơi lưỡng lự một chút :

- Nếu là tình trạng khẩn cấp, chúng tôi có thể mổ ngay được. Tuy nhiên trường hợp của anh rất hi hữu, ở bệnh viện này chưa có...Nhưng Giáo sư Trưởng khoa của chúng tôi đã từng gặp một lần bên Nhật. Chúng tôi muốn đợi anh ấy về trực tiếp mổ. Hơn nữa đây cũng là một dịp hiếm có để toàn khoa chúng tôi được biết thêm về hiện tượng này...

- Nghĩa là các anh muốn khối u của tôi trở thành một đề tài khoa học của bệnh viện ?

Bác sĩ cười hiền :

- Cũng chẳng đến mức thế đâu. Nhưng nếu thế anh thấy không tốt sao?

Quả không nói gì, khẽ thở dài một tiếng rồi hỏi:

- Bao giờ Giáo sư về?

- Ông ấy đang dự một hội thảo khoa học ở Mỹ. Theo lịch thì mười ngày nữa.

Quả bất ngờ reo lên:

- Tốt ! À, nhưng nếu để lâu hơn một chút nữa mới mổ thì có sao không?

Người bác sĩ Phó khoa quả quyết:

- Không, hoàn toàn không có vấn đề gì, đương nhiên là bệnh nhân hơi bị khó chịu một chút.

Quả gật gù vẻ hài lòng:

- Khó chịu cũng chẳng sao. Nhưng không biết sau khi về nước Giáo sư có kế hoach đi đâu xa nữa không?

- Theo như tôi biết thì không.

Quả thở hắt một cái rồi nhìn thẳng vào bác sĩ :

- Tôi muốn đề xuất thế này, bác sĩ thấy có thể chấp nhận được không nhé. Bệnh viện cho tôi ở đây mười ngày đợi Giáo sư về. Sau khi Giáo sư xem xét lại xong, đề nghị ông ấy khoan mổ, cho phép tôi về lại tỉnh...khoảng nửa tháng..

- Sao lại thế?

- Tại vì...khoảng tháng nữa trong tôi Đại hội..

- À..Người bác sĩ nhận thức ra ngay vấn đề nghiêm trọng- Sao trong ấy Đại hội chậm thế? Các tỉnh khác đã tổ chức xong hết rồi mà..

- À..Quả cười nhẹ ra vẻ mệt mỏi- Ở chỗ mình có vài chuyện lặt vặt, Trung ương chỉ đạo phải xử lí dứt điểm mới cho Đại hội.

- Tôi hiểu rồi. Nếu thế anh có thể về ngay bây giờ để lo cho Đại hội thành công đã. Tôi đảm bảo là bệnh của anh không có đột biến gì đâu.

- Ồ không- Quả khoát tay- tôi vẫn muốn ở lại chờ Giáo sư đã. Mà này, tôi ở thế này không trở ngại gì cho bệnh viện chứ?

- Dạ không, chỉ sợ anh buồn và...không được thoải mái thôi.

Quả đứng hẳn dậy dáng điệu dứt khoát :

- Cảm ơn các đồng chí, ta cứ quyết định như vậy nhé. Nếu trong mười ngày tới bệnh viện có nhiều bệnh nhân, các đồng chí cứ cho tôi ra ngoại trú, không sao hết - ngừng một chút rồi hạ giọng - tôi chỉ xin các anh điều này..

- Anh cứ nói .

- Trong thời gian tôi nằm đây, nếu có điện thoại hoặc có người xin gặp thăm hỏi, tôi chỉ có thể tiếp Văn phòng Trung ương , Ban Tổ chức hoặc Uỷ ban kiểm tra Trung ương, còn lại xin các anh trả lời là tôi đã ra ngoại trú, không rõ khách sạn nào..Các anh giúp tôi được chứ?

Người bác sĩ tỏ ra ngạc nhiên :

- Sao thế? Chẳng lẽ bạn bè...hoặc trong cơ quan..

- Không không, cơ quan càng không- Quả thở dài- Anh biết đấy, tôi là Chủ tịch. Chẳng ai tới thăm Chủ tịch mà lại đi tay không cả. Nói có tội với trời phật chứ, có người khi nghe tin tôi ốm đã mừng thầm vì có cơ hội thể hiện tình cảm..

Nói xong câu đó Quả bật ra tiếng cười hục hục. Anh cười như bị nấc cụt.

Người bác sĩ Phó khoa cũng cười nhưng không thành tiếng, rồi nói nhẹ nhàng:

- Anh yên tâm đi, tôi sẽ dặn anh em ở phòng trực.

Bác sĩ quay đi, bước chậm, lòng bỗng dội lền niềm cảm phục. Cán bộ ở những khu vực gian khó họ trong sáng thật- anh nghĩ vậy- Một vị Chủ tịch mà cố lẩn tránh sự thăm viếng quà cáp như thế thật là xưa nay hiếm, nó cũng hi hữu như cái khối u của anh ta vậy.

Khi người bác sĩ Phó khoa ra khỏi phòng, Quả nằm vật ra gường mắt nhắm nghiền lại, tự nhiên thấy mệt mỏi rã rời. Thực lòng thì anh đang rất lo lắng. Quả tự nghĩ không biết quyết định của mình đúng hay sai khi cố tình lánh mặt những cuộc họp kiểm điểm cấp uỷ. Thông thường, khi quân cờ đã đi vào thế chiếu bí, người ta rất cần có mặt để tuỳ cơ ứng phó với mọi bất trắc. Tất cả dân thôn Bàu, tất cả những ai thuộc "cánh" của Quả đều đang nghĩ như vậy. Ngay Bí thư tỉnh uỷ cũng bị bất ngờ. Khi Quả từ trong nhà riêng bước ra ngõ để lên xe cứu thương đã thấy Bí thư tỉnh uỷ Trần Hữu Ước đứng chờ sẵn ở đó. Ông ấy tỏ ra lo lắng thật sự. Quả giả vờ giật mình, mồm khẽ kêu lên: Trời ơi, anh! Anh đến làm chi cho vất vả, em đi mấy hôm là về ngay, chẳng có chuyện chi đâu. Ước nắm chặt tay Quả lắc lắc: Mong thế..mình cầu mong đừng có chuyện gì xẩy ra với cậu. Nói xong câu xã giao ấy, bất giác Ước ngửa mặt lên nhìn trời, Quả như nghe thấu lời than vãn từ trong sâu thẳm tâm can ông: Sao lại lúc này hả trời!

Quả hiểu được ý nghĩa câu than đó nhưng thực sự anh không hiểu được những suy nghĩ thật bụng của người Bí thư đầy vẻ trí thức này. Dạo Tỉnh uỷ bỏ phiếu giới thiệu nhân sự chức vụ Chủ tịch thay ông Đắc, Bí thư Ước chính là người không giới thiệu Quả. Ông ta phát biểu công khai và thẳng thắn rằng mặc dầu rất mến phục một cán bộ trẻ và có quá khứ khá hiển hách như đồng chí Quả, nhưng theo tôi, đồng chí Quả chưa được đào tạo quản lý nhà nước một cách cơ bản, trình độ chuyên môn cũng còn bất cập...vân vân. Trong lúc đó. Chính Phó Bí thư Sò lại giới thiệu và cổ động cho anh. Cuối cùng, Quả đã đắc cử. Tuy nhiên chỉ sau một năm, Quả nhận ra, chính Bí thư Ước mới là con người trung thực. Tuy không giới thiệu anh, nhưng khi anh đắc cử và bắt tay vào điều hành công việc thì Ước lại là người luôn ủng hộ, động viên và thậm chí đã xắn tay tháo gỡ cho Quả nhiều cú hóc xương gà. Còn Phó Bí thư Sò thì ngược lại. Lúc nào cũng vui vẻ, lấy vui làm chính, nhưng chính thằng Lân đã rỉ tai cho Quả biết nhiều cú ngáng đường rất ác ý của ông ấy.

Biết thì biết vậy nhưng cũng chẳng có chứng cứ gì. Bởi thế, khi xẩy ra những sự vụ có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ mà dư luận cả tỉnh ồn ào rằng, có hai phe đang múa võ với nhau, Quả thật sự thấy lúng túng. Một bên là Bí thư Ước, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Dân vận cùng khối Mặt trận và Chỉ huy trưởng tỉnh đội, bên kia là Phó Bí thư Sò kiêm Trưởng ban Tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh...Hiện tại Chủ tịch Quả như là người đứng giữa, chưa có phía nào lôi kéo được anh.

Tình cảnh đó đã đặt Quả vào thế khó xử. Anh ủng hộ ai, đứng về phía nào, dứt khoát sẽ phải bộc lộ quan điểm trong các cuộc họp trước mặt đoàn kiểm tra Trung ương. Đó là điều Quả không thể làm được. Hình như Bồ tát mách bảo cho anh rằng, đằng nào thì đoàn công tác Trung ương cũng phải lấy ý kiến anh. Nếu anh nằm viện ở Hà nội chắc chắn sau khi họp hành với tỉnh xong, tổ công tác sẽ ra gặp anh tại bệnh viện. Như vậy Quả sẽ trình bày quan điểm mình với Trung ương mà không ngại đổ vỡ quan hệ với các phe trong tỉnh. Chỉ có Bồ tát mới đủ anh linh khai sáng cho trí óc Quả nước cờ ấy và bày ra khối u kì lạ đúng vào thời điểm này...
Nhưng...
Bất giác Quả sờ tay lên bụng. Khối u đang có vẻ to thêm...lại hình như đang cựa quậy nữa. Lẽ nào đây là sự thật? Mặc dù rất tin vào y học nhưng vị Chủ tịch trẻ vẫn không sao hình dung nổi mình đang mang trong bụng một cái thai..Sao đấng Chí tôn lại bày đặt ra cái trò kinh khủng như thế đối với mình? Lẽ nào "nó" là anh em sinh đôi với mình? Lẽ nào "nó" đã sống chung bốn mươi lăm năm nay với mình, mà như thế là "nó" cũng biết hết tất cả mọi nguồn cơn bĩ cực của mình? Quả thoáng nghĩ , không biết khi mổ ra hình hài của " nó" thế nào, liệu có tóc tai, râu ria gì không, có biết nói không? Bất chợt Quả thấy rùng mình khi tưởng tượng ra cái hình nhân ấy bất ngờ cất lên tiếng nói, tiếng nói cực nhỏ nhưng sắc lạnh như mũi kim, "nó" có thể kể vanh vách tất cả bao nỗi bi hài của Quả, lại còn oang oang xổ ra mọi toan tính âm thầm bấy lâu mà Quả tự thề là sống để bụng chết mang theo...Nếu mà như thế thật thì..lạy Phật, thà cứ để con mang mãi nó trong bụng còn hơn !

Đăng ngày 22/11/2009

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan