Saturday, October 3, 2015

Kẻ song sinh - Chương 1


xuanduc.vn: Bạn đọc quý mến!
Như đã hẹn, bắt đầu từ tuần này tôi sẽ chậm rãi đưa tiểu thuyết
Kẻ song sinh lên mạng. Đương nhiên, để bảo vệ bản quyền cho việc in, phát hành sau này tôi buộc phải đăng không trọn vẹn.
Năm ngoái tôi đã có đưa lên trước 3 chương và đã có lượng tuy cập kha khá. Tuy nhiên đến nay cả 3 chương ấy đều đã được sửa chữa hoàn chỉnh.( Ngay cả tên truyện cũng đã có cắt ngắn đi một chữ- không còn chữ
Những nữa...). Nhằm cung cấp cho bạn đọc một văn bản hoàn chỉnh chính thức và cũng để nối lại mạch truyện cho những ai đã đọc sau một năm có thể quên quên nhớ nhớ...tôi xin đăng trở lại từ đầu. Mong bạn đọc chịu khó bỏ thêm chút thì giờ đọc lại để có được mạch chuyện liên tục. Cảm ơn các bạn.

             Chuyện kể trước khi vào truyện 
            Nguyên mẫu nhân vật trong câu chuyện này là do một đồng nghiệp của tôi- một cán bộ lãnh đạo Sở Văn hoá tỉnh QN- kể về người bạn của anh ấy đang làm Chủ tịch tỉnh, nhân một lần tình cờ chúng tôi gặp nhau tại Cao nguyên. Thấy câu chuyện khá li kì và thú vị nên sau đó tôi đã mò về tận cái tỉnh ấy tìm hiểu ngọn nguồn. Trước lúc xuất hành tôi rủ thêm thằng bạn làm báo cùng đi để chụp ảnh làm bằng chứng, nhưng cái thằng bạn này của tôi rất cứng nhắc, mới nghe nói sơ sơ là nó đã sổ toẹt liền.

           Thằng bạn làm báo của tôi là một đứa thông minh vào loại bậc nhất trong số những người thông minh mà tôi quen biết. Hồi còn học phổ thông với nhau hắn không khá hơn tôi. Tuy nhiên đến thời điểm này, tài năng, uy tín và vị thế của hắn trong làng báo cũng như trong dư luận xã hội thì tôi chỉ còn nước ngửa cổ bái phục. Tôi đã chứng kiến mấy lần hắn lừng lững đi vào cửa toà nhà Tỉnh uỷ mà mắt không thèm liếc ngang nhìn dọc. Ở mấy tỉnh Miền trung này có lẽ không có cơ quan lãnh đạo cao cấp tỉnh nào không mòn nhẵn khuôn mặt hắn. Dù ai bận việc gì, gấp gáp đến mấy nhưng hễ nhìn thấy hắn là phải cười thật tươi, chạy đến bắt tay, vỗ vai, nồng nhiệt vài câu rồi mới xin lỗi có chút việc gấp, hẹn gặp nhau bù khú sau nhé!
           Tôi rủ hắn cùng đi lấy cớ là chụp ảnh làm bằng, thực ra với tôi ảnh iếc để làm gì, chứng cứ làm gì, đằng nào thì khi viết tôi cũng bịa lung tung. Cái tôi cần ở thằng bạn này là uy tín của hắn để khi cuốn sách ra có chi sơ suất còn có chỗ nương tựa. Quan trọng hơn là quá trình vào trong tỉnh đó, đi thực tế với một nhà báo nổi danh chắc chắn tôi sẽ được đón tiếp đàng hoàng, không chừng còn được bố trí khách sạn, cơm nước tử tế. Thế mà hắn đã từ chối. Tệ thật!
           Tôi liền đi thực tế một mình theo cách mà các thầy dạy viết văn đã truyền thụ. Tôi hỏi chuyện rất nhiều kiểu người khác nhau và nghe các kiểu người ấy thay nhau kể lể. Nhưng tôi không có tài để làm được cái công việc sau đó như các thầy đã dạy: khái quát lại rồi tự mình sáng tạo ra một tác phẩm theo cách nhìn của mình. Không làm được vậy đành ghi lại nguyên xi lời họ đã kể, nó muốn ra cái gì thì ra. Cái gọi là sáng tạo duy nhất của tôi là xê dịch địa điểm đi một chút ra ngoài cái tỉnh đó để người đồng nghiệp tôi khỏi bị rầy rà và bản thân tôi cũng đỡ phần phiền toái.
            Tôi công khai việc này là để khẳng định bản quyền tác phẩm có một phần thuộc về anh bạn đồng nghiệp ở tỉnh QN,  phần nữa là của các nhân chứng ở địa phương.


          Chương một 
Giai thoại về ông phó cối và lời tiên tri 
Tôi đoán cái bàu nước này có trước như là sự sắp đặt của tạo hoá rồi sau đó làng Cau mới mọc lên bao bọc lấy ba mặt của bàu thuỷ đọng. Bởi vì tôi là người của làng khác tới đây, lại có chút học hành nên mới luận ra theo cái lẽ chung của sự hình thành làng mạc. Tuy nhiên, những người già, và cả những kẻ còn non choẹt ở làng này thì quả quyết rằng, làng Cau khi mới hình thành không hề có bàu nước, tất cả là một bãi đất phẳng lì, rộng mênh mang, cây trái bốn mùa tốt tươi, rậm rịt như rừng ngàn. Dân làng này thời đó sống hiền lành như những ông bụt, suốt năm không có một lời to tiếng nhỏ nào từ trong nhà ra ngoài ngõ. Đường ngang lối tắt trong xóm cỏ mọc tràn khép kín lối đi. Người ta không muốn xén cỏ, cũng không chặt cây, đặc biệt là vào mùa xuân, mùa của lộc trời. Vào mùa xuân, nếu thấy một đọt cây bị chặt là cả làng coi như chuyện động trời, là tai họa lớn lao, và nếu xác định được thủ phạm cho dù là trẻ con thì bố mẹ chúng cũng bị phạt trồng mười cây cau mới.
Tôi dám chắc nếu chuyện đó có thật thì hoàn toàn không phải do người làng Cau thấm nhuần chiếu chỉ của ông vua rất mộ Phật thời nhà Lý cấm dân không được chặt cây mùa xuân. Bởi cái lẽ thứ nhất, làng này theo sử sách chỉ mới có cách đây chừng năm trăm năm, còn chỉ dụ vua nhà Lý là năm 1126. Lẽ thứ hai là dân làng Cau thủa đó rất ít học, nói chính xác là không hề có người biết chữ, không có ai đi ra khỏi làng kể cả đi làm ăn kiếm sống chứ đừng nói là đi làm quan. Và, cũng theo các người già kể thì suốt năm cũng chẳng có một ai ở bên ngoài đặt chân đến nơi này...
Cho đến một lần, thì cũng là lời kể của mấy ông già trong làng, có một anh phó cối xuất hiện. Cho dù đây là hiện tượng cực kỳ đặc biệt nhưng dân làng vẫn rất chào đón và hoan nghênh anh ta. Bởi lẽ cả cái làng Cau này hơn bốn chục hộ dân mà không một nhà nào có được chiếc cối xay lúa. Làng Cau như đã kể, là một vùng đất bằng phẳng, tuy nhiên ở rìa làng hướng biển lại có một lạch nước nhỏ, nước suốt năm trong veo và hai bờ của lạch là hai rẻo đất trũng đủ để cho dân làng cấy lúa. Không nhiều nhưng hầu như nhà nào cũng có chút ruộng đủ lúa ăn chừng ba, bốn tháng trong năm. Ngặt một nỗi, khi mùa về thu hoạch xong, phơi khô quạt sạch, lại phải gánh đi mất hàng buổi vào tận trong những vùng ruộng xa để xay xát. Ở đó dân làng Cau mới được tận mắt nhìn thấy những chiếc cối xay hai thớt, thớt dưới có cái cọc tròn nhẵn giống i chang " cái ấy", thớt trên có một lỗ khoét sâu vào, khi úp hai thớt lên nhau đương nhiên cái nọ phải xỏ vào cái kia...Thoạt nhìn thấy lần đầu, đám đàn bà, con gái làng Cau cứ đỏ bừng cả mặt .
Mãi sau này khi có sự cố động trời lở đất xẩy ra với làng Cau, và nhất là sau khi có thầy địa lý nghe nói là đệ tử chân truyền của Cao Biền đột ngột đặt chân đến nơi này và phán ra những câu tiên tri xanh rờn nghe sởn gai ốc thì người làng Cau mới giật mình ngộ ra, mọi tai ương đều do một lão phó cối ấy mà ra cả. Nhưng chuyện đó để sau hãy nói.
Còn lúc này, chàng phó cối có mái tóc cắt ngắn, hơi bờm xơm nhưng trông lại vui mắt, mặt dài, cằm nhọn đã trở thành người bạn của cả làng. Vai gánh toòng teng hai hộp đồ nghề, mồm nhai trầu bõm bẽm, lân la từ xóm trong ra xóm ngoài, từ hướng bắc vô hướng nam, không một nhà nào chàng không đặt chân đến bất kể họ có nhu cầu đóng cối hay không. Đóng được chiếc cối xay không phải là quá lâu, chỉ mất chừng nửa tháng. Nhưng để có đủ vật liệu đóng một chiếc cối lại là chuyện dài dòng. Trước hết là tre vót thành nan tròn để đan vỏ cối. Tre chỉ có thể được đẵn vào tháng mười một âm lịch là lúc hết kỳ ra măng mới không bị mọt. Sau đó là tìm loại đất sét dẻo để nện ruột cối. Nêm cối hay còn gọi là răng cối được làm bằng gỗ trầm ná, loại gỗ nhẹ nhưng rất dẻo và dai. Còn cái cọc tròn nhẵn thính rất khêu gợi kia ( mà dân địa phương các làng ruộng gọi trắng ra là c...cối ) lại phải chọn cây ran, thứ gỗ rất cứng khó bị bào mòn... Thêm cái giàng xay, tức là chiếc cần dài để người ta cầm lên đó mà đẩy cối thì phải tìm loại cây nhẹ mà bền, lại phải có sẵn khúc ngẹo phía trên để móc vào tai cối...Rắc rối và cầu kỳ làm vậy nên anh phó cối đến làng Cau từ tháng mười một năm trước mà mãi đến mùa thu năm sau mới đóng được có chín chiếc cối. Đang khi phó cối chuẩn bị bắt tay vào đóng chiếc thứ mười thì chuyện tày đình đã xẩy ra. Đứa con gái câm của mụ Noan, là cái nhà đựợc phó cối đóng chiếc đầu tiên, đùng đùng phình to bụng và lên cơn đau đẻ. Nói đùng đùng bụng phình to và đẻ con nghe có vẻ quái dị và vô lý, sự thực thì ả ta vẫn nghén đủ chín tháng mười ngày, có điều do cả hai mẹ con hợp lực mà trói ép cái bụng đến khi không thể ép được nữa phải thả cho nó bung ra thì cũng chỉ sau vài ngày là lên cơn chuyển dạ. Một cặp con trai ra đời. Cả làng Cau hay tin, chưa hết bàng hoàng, chưa kịp chờ cho sản phụ qua khỏi "phòng long" ( nghĩa là những ngày phải kiêng cữ tiếp xúc)  để đưa ra hạch tội và truy tìm thủ phạm, thì ở ngôi nhà kề cận có con mẹ goá chồng tuổi đứng vào bậc chị của lão phó cũng bất ngờ kêu làng kêu nước tới giúp đỡ đẻ vào lúc nửa đêm chỉ cách vụ đẻ lậu ở nhà mụ Noan chưa tới một tuần. Một cặp con gái tòi ra. Cả làng sôi lên như động biển, chỉ cần chờ trời sáng là cho trói gô cổ thằng cha phó cối lôi ra sân đình. Nhưng không ai kịp làm điều đó vì hắn đã chuồn khỏi làng từ quá nửa đêm. Những người già làng Cau sau này không kể tiếp rằng những ngày sau đó số phận những người đàn bà thích mân mê cái cọc nhọn cối xay đó thế nào, có bị người làng trừng trị không, có phải bôi vôi cạo đầu không... Người ta không kể vì chuyện đó trước hết là nỗi xấu hổ, nhục nhã của một mảnh làng vốn vô cùng tĩnh mạc và nền nếp, hơn nữa họ, những con người bạc mệnh dơ dáy đó cũng chỉ tồn tại với làng Cau thêm được vài tháng ít ỏi nữa thôi, rồi thì cả họ, cả cái làng Cau này bất ngờ bị một tai họa khủng khiếp, một cơn chấn động long trời lở đất, để lại cho làng  sự dị hình méo mó và nỗi ám ảnh truyền kiếp đến tận bây giờ.
Đó là vào tháng chín âm lịch, sau tiết thu phân chưa tới một tháng, vào một đêm trời bất ngờ nổi trận cuồng phong, mưa xối ầm ầm, gió cứ giật liên hồi như bão. Ở vùng này tháng chín là tháng mưa sa nước sỉa, là mùa của lụt bão triền miên. Tuy nhiên cơn lốc tố này hoàn toàn nằm ngoài sự dự đoán bởi trước đó không hề có một dấu hiệu nào của một cơn bão, thêm nữa  trong cơn gió giật thỉnh thoảng lại gầm lên từng chuỗi sấm chớp, đó là chuyện quái gở chưa từng có của thời tiết mùa thu. Mưa cứ trút như thể trên trời vỡ ống cống từ đầu hôm đến quá nửa đêm không có một giây ngơi nghỉ. Rồi đột ngột người ta nghe một tiếng sét kinh hoàng, tiếp đến là tiếng rít buốt tai kéo dài như có một vật gì đó đang xé gió mà lao xuống giữa làng. Cả gầm trời sáng chóe lên, đất dưới chân bỗng chao nghiêng như đánh võng, trẻ con bị hắt từ trên giường xuống đất khóc thét, người già ngã chúi vào bếp, nhiều mái tranh xiêu nghiêng. Sau đó thì im bặt, im một cách dị thường, mưa cũng đột ngột tạnh, chỉ còn lại tiếng gió vẫn rít từng hơi dài nghe thăm thẳm u u như tiếng chó hú. Không một ai dám chui đầu ra khỏi nhà cho dù trời đã tạnh, một phần vì đêm vẫn tối như mực, phần nữa người ta vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì mới xẩy ra. Không ra khỏi nhà nhưng cũng không ai dám nằm ngủ tiếp, kể cả trẻ con. Tất cả ngồi đợi trời sáng.
Và sáng ra, những người già trong làng là những kẻ la to lên trước hết vì chính họ là người đầu tiên nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng này. Cả một vùng rộng lớn ngay giữa tâm làng đã biến thành một hồ nước mênh mông lai láng. Cây cối và khoảng mười nóc nhà đã mất tăm dưới nước. Trong số những hộ dân tử nạn có cả hai nhà mụ Noan và ngưòi đàn bà nạ dòng mới sinh những cặp con tháng trước.Chính giữa tâm hồ nổi lên một cồn đất, giữa cồn đất lại có một phiến đá đứng thẳng to như thân cây lim già, còn hình thù thì lạy trời, sao nó lại giống cái chốt tròn của chiếc cối xay đến thế?
Cái hồ giữa làng Cau không phải hình tròn mà hơi méo, ừ thì méo một chút cũng không sao, nhưng đằng này nó lại méo như hình hài cái của đàn bà thì thật quá sức chịu nổi. Hồ không có lối nước chảy vào, cũng không có lối thoát nước ra. Tuy nhiên thật kỳ diệu, đã mấy trăm năm rồi mà nước trong hồ không hề cạn. Mùa mưa lũ nước có đầy lên một chút nhưng không bao giờ tràn vô trong làng, còn mùa gió lào, cây cỏ cháy khét vì nắng hạn thì nước hồ cũng chỉ cạn đi dăm phần, chưa bao giờ khô hẳn, kiệt cùng lắm thì vẫn còn đủ để vây bọc khoả lấp quanh cái hòn đá trời đánh kia. Dân vùng này về sau không gọi đây là hồ mà gọi là bàu, và vì nước không có chỗ lưu thông nên gọi là Bàu thủy đọng. Dần dần không hiểu sao tên làng cũng đổi, không ai gọi làng Cau nữa mà kêu bằng thôn Bàu thủy đọng. Ngưòi già thời nay giải thích với tôi rằng, lý do là vì sau này làng không có tập tục trồng cau nữa. Dân gian có câu: thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau. Đất làng ngày xưa mênh mông như thế, con cháu nhiều đời sinh sôi vẫn chỉ trên dưới bốn năm chục nóc nhà nên thừa đất. Còn sau cái vụ trời đánh đó một phần lớn đất đai của làng đã ngập nước. Hơn nữa, còn quái dị hơn chuyện lở đất, là không hiểu sao sau này dân trong thôn Bàu thủy đọng có quá nhiều người sinh đôi, cứ mười người sinh nở thì có đến ba bốn cặp song sinh. Vì lẽ đó mà hộ khẩu trong làng đột ngột tăng nhanh. Cho đến thời hiện tại đất quá chật, người quá đông, lấy đâu ra chỗ đất thừa mà trồng cau. Và cái bàu nước ứ đọng kia ngày một thêm tù đọng, đặc quánh lại, mùa hạn bốc mùi thối ngập cả làng khiến không ai ngủ được. 
Bây giờ mới kể đến chuyện ông thầy địa lý Cao Lỗ. Nghe nói ông vốn không phải họ Cao nhưng vì là đệ tử chân truyền đời thứ mười một của ngài Cao Biền nên đã được đổi họ. Thầy Cao Lỗ hạ cố đến vùng này coi như một cơ duyên. Đó là năm vua Minh Mạng hạ chiếu cho đào một con sông chạy dọc theo triền cát, đi qua hai phủ nhằm nối liền những rẻo đất xác xơ ở chốn chó ăn đá, gà ăn sỏi này bằng đường thủy. Mọi sự lúc đầu xem ra cũng dễ dàng vì địa giới con sông đào đi qua hầu hết là đất pha cát nên việc đào xới khá nhẹ nhàng. Nhưng khi tiến gần đến vùng bàu thủy đọng, gặp một triền ruộng cát lấp, cứ sau một ngày dân phu cật lực đào xong, đêm đến gió lại hú từng cơn dài, cát bay rào rào mù mịt, sáng mai ra lòng sông đã bị lấp đầy cát. Cứ thế, trầy trật tới lui từ đầu mùa đông qua gần hết mùa xuân, dân phu vẫn không sao vượt qua được quãng ruộng cát dài chưa tới một dặm. Quan phủ trình tâu lên vua, nhà vua hạ chỉ cầu thầy địa lý giỏi, thế nên Cao Lỗ mới xuất hiện. Thầy Cao xem xét chỗ đất ấy thế nào rồi trình tấu lên nhà vua ra sao chẳng ai biết được, chỉ thấy rằng một tuần sau vua Minh Mạng xuống chỉ cho ngừng công trình. Có một lễ hạ cờ tổ chức ngay trên bờ ruộng đất cát do đích thân thầy Cao làm chủ lễ. Từ đó cái nơi cát lấp ấy được mang  tên mới: thôn Hạ Cờ.
Quay trở lại nói chuyện thầy Cao vào thôn Bàu thủy đọng. Là vì khi đến xem chỗ đất nơi sông đào dở dang, thầy phải lội ngang, đạp tắt, tiến ra phía đông coi thế Thanh Long, lùi về tây ngắm hình Bạch Hổ, xuôi vô hướng nam rồi quay ra triền đất phía bắc nhằm tìm dáng dấp Chu Tước, Huyền Vũ...Thế nên thầy Cao đã đặt chân vào thôn Bàu. Có thể nói lâu lắm rồi dân thôn Bàu thủy đọng mới có một dịp náo nhiệt như thế. Nam phụ lão ấu hầu như không sót một ai đều đổ ra đường thôn bám theo chân thầy. Chó sủa nháo nhác inh ỏi cả xóm. Đám người rồng rắn đó muốn được tận mắt coi thầy làm phép hô sông gọi núi như lời đồn đại bấy lâu. Tuy nhiên gần suốt hai canh giờ bám theo chân thầy đến vã hết mồ hôi mà không hề nhìn thấy thầy làm gì, cũng không nghe nói câu gì, vẻ mặt bất động, đôi tròng mắt lờ đờ, chỉ có bộ ria mép thỉnh thoảng lại giật giật. Thầy cứ đi như thế dọc theo đường thôn, không nhanh không chậm, không gấp không trễ, và đám dân thôn Bàu chỉ còn biết bám theo xầm xì chỉ trỏ. Bất ngờ thầy Cao dừng lại, không, phải nói là thầy đứng sững lại, đứng như trời trồng, cả tấm thân thầy như rung lên, đôi ria mép giật liên tục. Trước mặt thầy là cái bàu nước hình méo mó, nước nhờ nhờ không ra xanh không ra tím và một hòn núi đá mọc như trêu ngươi giữa tâm bàu. Thầy Cao đứng vậy khá lâu áng chừng hút tàn một điếu thuốc thì đột ngột quay người lại. Lúc này đám dân đen phía sau cũng đứng như cây chết, câm lặng và nín thở. Trẻ con thì chắc mẫm sắp được coi thầy làm phép, còn người già khôn ngoan hơn, họ linh cảm thấy thầy sắp phán một điều gì đó. Và đúng thế, đệ tử chân truyền đời thứ mười một của ngài Cao Biền đã cất lên một lời phán, nhưng không phải phán cho dân thôn Bàu, cũng không phải phán xuống đất làng Cau... Thầy Cao ngửa mặt lên trời, nói mà nghe giọng như hát, hát nhưng lại rên rỉ như khóc, như than, rằng:
Sơn bất thượng
thuỷ bất thâm
trai tắc trá
gái tắc dâm. Ô hô ! 
* 
Tất cả những chuyện vừa kể thực hư thế nào, mấy phần thật mấy phần bịa thì có trời mới biết. Dù sao làng Cau hay thôn Bàu cũng đã tồn tại năm trăm năm, cũng đủ mọi buồn vui sướng khổ như trăm ngàn mảnh làng khác. Cái chuyện huyễn hoặc trên kia dần dần cũng phôi phai, rất ít khi người ta kể lại. Nhiều nhiều năm tháng trôi qua không biết cơ man nào là những sự biến động của thủy, hỏa, đạo, tặc, dân tình rồi cũng chai lì với mọi hiểm hoạ, chẳng ai còn hơi sức để chiêm nghiệm xem chuyện gì là ứng với lời phán truyền xa xưa. Tuy nhiên cũng có những sự biến đặc biệt khiến người ta không thể không liên tưởng.
Cách thôn Bàu chừng ba dặm về phía tây có một vùng rừng tràm hoang vắng nằm án ngữ trên con đường mòn xuyên Việt mà ngày nay chính là quốc lộ Một. Cây tràm chỉ cao quá đầu người nhưng xanh tốt và rậm rịt tạo thành những lùm bụi đan dày vào nhau khiến đất cát dưới gốc cây suốt năm không bao giờ có được chút nắng lọt xuống. Miệt rừng trải ra hai bên đường mòn mỗi bên chừng hai dặm, kéo dài theo đường khoảng mười dặm tạo nên một vùng đất u tối đầy hiểm họa. Và quả thật, nơi đây là hang ổ của một đám cướp nhiều năm trấn ngự trở thành nỗi kinh hoàng của tất cả khách bộ hành trên con lộ ra bắc vào nam. Người ta kể rằng, nếu ai đó từ phương xa đi đến chốn này không hiểu nội tình mà bước gắng qua đoạn truông tràm vào lúc trời xâm xẩm tối, y như rằng được nghe một câu ru cất lên giữa khoảng rừng âm u: Chim bay về núi túi rồi, anh không lo liệu còn ngồi chi đây. Đấy chính là ám hiệu hành động. Ai hoảng hốt vứt của chạy lấy người thì còn mong thoát thân, ai lơ ngơ không hiểu hoặc gan lì tỏ máu anh hùng thì coi như hôm đó là ngày giỗ. Cái truông dài hun hút đó đã trở thành nỗi kinh hoàng của khách bộ hành cũng như dân bản địa suốt hàng chục năm. Cuối cùng thì triều đình cũng phải ra tay, một vị Nội tán đầy mưu lược được lĩnh chỉ khâm sai ra đánh dẹp. Sau nửa năm đám cướp bị dọn sạch, tên chủ tướng bị chặt đầu. Ngài Nội tán cho chôn xác hắn ngay tại rừng tràm rồi học theo tích truyện nhà Phật sai dân địa phương trồng phía dưới chân mả một cây huyết dụ ý là mở lòng hiếu sinh cho kẻ đạo tặc có cơ hội tu tâm, đặng kiếp sau làm người lương thiện. Còn bọn lâu la đệ tử, đứa bị bắt giải về kinh, đứa chết tại chỗ, đứa bỏ chạy thục mạng rồi mai danh ẩn tích suốt đời. Quan Nội tán dương cờ khua trống về kinh lĩnh thưởng. Ngài không hề biết rằng, trong đám tàn dư chạy loạn kia  có đứa con cả của tên tướng cướp. Hắn cắt rừng chạy xuôi về đông, vượt mấy đồi cát, lội băng qua một choi ruộng nước rồi chui tọt vào một khóm làng biệt lập. Đấy chính là thôn Bàu. Hắn thay tên đổi họ, tự nói là dân làm thuê từ ngoài Sa Thuỷ vào kiếm bát cơm ăn. Hắn có thể nhận làm bất cứ công việc gì, từ lội bàu vớt bèo đến cuốc đất trồng sắn, lợp lại mái tranh mục nát trên nhà những mẹ góa con côi hay nhặt cứt trâu, cứt bò về ủ phân bón ruộng... Hắn có vẻ ngu ngơ nhưng vui tính, thỉnh thoảng lại ngẫu hứng tru lên một điệu hát. Giọng hắn ngai ngái, không ra đực không ra cái, cái bài hắn hát cũng không ai biết bài chi, nghe cứ như là nửa tiếng kinh nửa tiếng thượng. Nhưng mà vui tai, lại có vẻ quyến rũ nữa. Nhất là đám trẻ con. Thế nên chỉ mới gần nửa năm làm thuê ở xóm Bàu hắn đã có nhiều bạn. Đám con trai theo hắn đánh khăng, chơi đáo, con gái lại thích trêu chọc hắn như đùa giỡn với con mèo hoang. Người già không thích hắn lắm nhưng lại thấy được việc vì hắn làm thuê mà không lấy tiền công, chỉ xin bát cơm ăn trong ngày. Dần dần người ta cũng thấy hắn vô hại.
Dân gian thường nói "để lâu cứt trâu hoá bùn". Cái thằng con tướng cướp ở với dân xóm Bàu hết tháng này qua tháng khác, hết năm nọ đến năm kia thì rồi dần dần trở thành dân bản địa làng Cau. Người vùng này vẫn có câu ca : còn da lông mọc, còn chồi nảy cây, thế nên cuối cùng hắn cũng lấy một ả con gái trong làng làm vợ. Cuối cùng hắn cũng cắm được mấy cột tre và tấp lên đó dăm tấm tranh để thành một cơ ngơi. Năm đó hắn đã ở tuổi ba lăm, tức là đã ngót nghét mười năm ngụ cư ở chốn ao tù nước đọng này. Cuộc sống cứ nặng nhọc và chậm chạp trôi đi. Người làng đã không còn nhớ gì nhiều chuyện ngày đầu hắn đến đây, không còn cảm giác gì lắm việc hắn chỉ là đứa làm thuê ở mướn. Người hay nghĩ ngợi và chiêm nghiệm thì chết sớm, kẻ vô tư lại sống dai hơn. Thế nên sau mười năm hắn trở thành dân làng Cau chính hiệu. Thế nên không ai để tâm đến một sự chuyển hóa ghê gớm xẩy ra từng tháng từng năm trong làng. Đám trẻ thôn Bàu dần dần trở nên thạo nghề đạo chích. Trẻ nhỏ thì ăn cắp vặt trong xóm như bắt gà, trộm chó, đứa lớn thì lặng lẽ đi xa đến những thôn cách đó vài ba cây số đào tường cạy tủ. Lúc đầu cũng có vài nhà hoảng hốt, la lối chưởi đổng ra giữa trời giữa đất. Nhưng chưởi bới thì có chết ai. Nhà mất của thường thân cô thế cô, đành thở ngắn than dài đổ cho thời thế loạn lạc, còn nhà được của tuy lòng cũng hơi áy náy, cũng có chút phiền muộn vì con cái hư hỏng, nhưng dầu sao vượt qua được sự túng bấn mỗi ngày đâu có dễ dầu gì nên lại chép miệng cho qua.
Tội nghiệp cho người già, nhất là những người hay nghĩ ngợi và chiêm nghiệm thường chết sớm, còn lại cuộc sống muôn thủa vẫn là sự vô tư, đa phần con người cũng chẳng khác gì con gà, con vịt, sinh ra từng bầy từng đàn trên đất đai chỉ cần biết cái gì ăn được, cái gì không ăn được. Nên chi đám trẻ thôn Bàu dần dần chuyển qua nghề đạo tặc chuyên nghiệp chẳng làm mấy ai thấy kinh ngạc hoang mang. Lại càng không ai để ý tới chuyện này, đám con gái thôn Bàu theo đám con trai đi ăn đêm, chửa hoang ngày một nhiều, lại thường đẻ sinh đôi, mà nhiều nhất lại là sinh đôi con gái, nghĩa là sinh ra cái gốc của sự đĩ thõa, cứ nhân đôi, nhân đôi... Kiếp sống trên đất làng thì trôi đi nhưng nước trong bàu vẫn ứ đọng thành một thứ chất lỏng đặc mùi. Người làng ngày một đông đúc, mà đông nhất lại là đàn bà con gái, cái giống để tiếp tục nhân đôi hộ khẩu, nhân đôi hiểm họa cho làng.
Cho đến một ngày lão dân ngụ cư lâm trọng bệnh. Năm đó hắn chỉ mới tuổi năm mươi nhưng mặt mũi hốc hác nhăn nheo không khác gì kẻ đã lên lão. Chỉ đến khi đó người làng mới có dịp bình tâm nhìn kỹ mặt hắn. Da mặt sần sùi nhiều vết sẹo, hai gò má nhô cao, cặp tròng mắt đùng đục màu đồng thau. Chỉ có cái miệng là vẫn nhoẻn cười vui tính như hồi mới về làng. Người già, lại thật tội nghiệp cho người già, lúc nào cũng thành tâm nên hỏi hắn có điều chi trăn trối. Hắn cười, sắp chết vẫn cười, tay run rẩy khua một vòng rồi kể tên sáu cặp song sinh trong làng, năm cặp gái, một cặp cả gái cả trai, nói là con gửi của hắn xin dân làng đừng ruồng bỏ mà tội nghiệp. Người già nghe nói hết hồn, lại hỏi hắn quê quán nơi đâu, có còn ai thân thích họ hàng để nhắn gửi, hắn lại nhoẻn cười và lắc đầu. Cho đến khi sắp trút hơi thở cuối cùng hắn mới chỉ tay về phía tây, nói thều thào, đứt quãng: "Rừng... tràm... truông... có mả cha... trồng nhiều cây... huyết dụ... xin chôn tại đó..."
Cho đến tận phút giây ấy dân làng Cau mới ngã ngửa ra vì cái lai lịch của đứa con tên tướng cướp. Rồi như một phản ứng giây chuyền, câu chuyện huyễn hoặc xa xưa về lão phó cối với lời phán truyền của ông thầy họ Cao mấy trăm năm trước lại trỗi dậy trong ký ức người già. Họ, những người già tội nghiệp ấy cay đắng nhận ra tội lỗi của mình là không biết ôn cố tri tân, không biết đóng cổng rào làng cứ vô tư cho kẻ ngoài xâm nhập. Mọi hiểm hoạ đối với làng Cau nếu không phải từ trên trời giáng xuống thì cũng từ ngoại nhập vào... Bài học nhãn tiền rồi mà cháu con sao không khắc cốt !


 Đăng ngày 20/11/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: TB-Giếng cổ - 21/11/2009

Hoan hô bác Xuân Đức. Bác đúng là càng già càng dẽo dai, lối dẫn chuyện và văn của bác luôn thể hiện một bút lực thiên bẫm. Sau "Bến đò xưa lặng lẽ", rất có thể đây lại thêm một tiểu thuyết hấp dẫn và độc đáo nữa của nhà văn xứ Gió Lào quê mình mà bạn đọc không thể quên...Chúc bác luôn mạnh khỏe để viết khoẻ.Hẹn gặp bác tại TST

  Gửi bởi: Xuân Đức - 21/11/2009

Cảm ơn TB. Trời rét quá, không đi chơi đâu được cả. Hẹn gặp nhau tại TST nhé.

  Gửi bởi: Đồi trọc Vĩnh Linh - 04/12/2009

Bối cảnh trong truyện răng hao hao giống miền quê Thôn Tây Vĩnh Tú. Khéo nhiều kẻ nhận mình là Bá Kiến đến kiện Nam Cao.Mà nhà văn thì Không sợ hệ lụy!

  Gửi bởi: Đặng Thị Hương Hà - 15/12/2011

Bác Đức kính mến!Con là người Huế,đang làm đề tài về tiểu thuyết của Bác,tháng trước ra phá bĩnh giấc ngủ trưa của Bác đây.Mất mấy đêm trắng mắt để "ngấu nghiến"tất cả các tiểu thuyết của Bác,và bắt tay vào soạn thảo đề cương luôn.Nhưng khi đụng phải lịch sử vấn đề thì gay quá!huuu tìm mãi không thấy .Bác có thể hé mở cho con vài địa chỉ báo chí hoặc tạp chi hoặc sách có đề cập về các tác phẩm của Bác được không.Với lại Bác cho con địa chỉ mail để con gửi thư cho Bác nữa .Vài bữa nữa,con lại xin Bác 1 cuộc hẹn nữa ở TST,Bác nhé!

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan