Sunday, October 18, 2015

Những mặt ngưòi thấp thoáng"- Hiện thực hôm nay

Tác giả: Nhà văn - Nhà viết kịch Nguyễn Hiếu

 xuanduc.vn: Bài viết này của Nhà văn - nhà viết kịch Nguyễn Hiếu vừa đăng trên Văn nghệ Trẻ số mới nhất (số Chủ nhật 12-8-2012). Nhưng bản đăng này là của tác giả gửi trực tiếp cho xuanduc.vn. Vì thế có thể sẽ có vài ba chữ trên trang này không khớp với bản in trên VNT.

"Những mặt ngưòi thấp thoáng"- Hiện thực hôm nay
          Hội diễn sân khấu kịch nói 2012 tại kinh đô Huế đã khép lại. Ba giải vàng cho ba vở diễn đã được xác nhân và công bố. Nhưng có lẽ trong ba giải vàng đó vở diễn "những mặt người thấp thoáng"( NMNTT) của Nhà hát kịch Hà nội có thể coi là vở diễn xứng đáng nhất, khiến các đồng nghiệp, các nhà chuyên môn, cũng như khán giả "tâm phục ,khẩu phục" bởi sự toàn bích của một tác phẩm sân khấu. Đó chính là sự tưởng thưởng xứng đáng cho một cách làm nghệ thuật chân chính, nhậy bén. Một cách tham gia hội diễn thực sự nghiêm túc của Nhà hát kịch Hà nội trên một cốt cách say mê nghề đáng trân trọng về nghệ thuật của một đơn vị sân khấu Thủ đô giữa thời buổi sân khấu phía bắc đang đi vào quãng lặng..
        Giữa một thực trạng có thể nói là buồn khi khá đông các đơn vị sân khấu quốc doanh phía bắc tham gia Hội diễn kịch nói 2012 gần như là một sự chiếu lệ, thủ tục với các kịch bản quá cũ được hâm lại thì Nhà hát kịch Hà nội mang đến Hội diễn hai kịch phẩm dựa trên hai kịch bản mới toanh với một sự đầu tư nghiêm túc cả về tài chính lẫn nghệ thuật.
            Để một kịch bản văn học trở thành một kịch mục thì điều đầu tiên phải kể đến khả năng chọn kịch bản của nhà hát đó. Nhà hát kịch Hà nội mà ở đây trước hết phải kể đến con mắt xanh và sự nhanh nhậy của NSND Hoàng Dũng khi phát hiện ra hai kịch bản đoạt giải nhất và nhì của cuộc thi sân khấu hai năm do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt nam( HNSSKVN) tổ chức để cùng một lúc dàn dựng thành tác phẩm sân khấu mang đi hội diễn. Để đánh giá chất lượng một vở diễn người ta thường dựa trên ba tiêu chí. Kịch bản văn học. Tài năng đạo diễn và dàn diễn viên thể hiện . Ở NMNTT có thể nói là trường hợp hiếm hoi đã hội tụ đủ ba yếu tố này.
         Tôi tiếp xúc với kịch bản"NMNTT"( kịch bản đoạt giải nhất) của nhà văn Xuân Đức tại trại sáng tác vào tháng 9/2011 của HNSSKVN khi còn đang ở dạng phác thảo. Ngay từ khi nghe tác giả đọc tác phẩm dự trại tôi đã nhận ra đây là một kịch bản của một nhà văn viết kịch có nghề, có tâm và có sự nhạy bén của một cây bút biết nhận ra những vấn đề của thời sự nóng bỏng. Với Những mặt người thấp thoáng, Xuân Đức vẫn tuân thủ theo mạch kịch, mạch văn có khi chất riêng của một ngưòi viết có tài và có nghề sinh ra ở vùng đất lửa Quảng Trị, vẫn là dòng chảy liên tục của tiểu thuyết "Người không mang họ", của kịch bản " Tổ quốc" ( viết cùng Đào Hồng Cẩm, " Cái chết chẳng dễ dàng gì""Chuyến tàu tốc hành trong đêm", "Bản rông đô mùa hạ"...Kịch bản NMNTT thể hiện một cách trực diện về một đề tài đang được các tác giả kịch, cũng như các nhà văn không ngại gai góc ưa thích nhưng được thể hiện theo phong cách Xuân Đức. Đó là việc sự dụng con ngưòi, là công tác tổ chức cán bộ, là sự lợi dụng khe hở luật pháp xã hội để kiếm lợi riêng ... Từ đầu đề cho đến những lớp lang của NMNTT phản ánh một loại người đang thao túng xã hội .Loại người này không có danh phận rõ ràng trong xã hội nhưng giống như một con kì nhông biến hình ( khamaleon) mà văn hào Sê Khốp đã viết về chúng từ đầu thể kỉ 20. Trong NMNTT nhân vật đó mang tên Phiệt . Một gã lêu lổng, học hành không đến nơi đến chốn nhưng bằng sự lưu manh, và xử lý rất tài về thông tin nhân sự rò rỉ, những thông tin hắn thu lượm được trong những cuộc trà dư tửu hậu...đã trở thành thứ áo giáp tạo ra giá trị, tạo nên vũ khí lợi hại cho hắn..Từ đó Phiệt đã hù doạ, thao túng và kiếm lợi với đủ các loại người từ ông Chủ tịch tỉnh, nhà doanh nghiệp, ngưòi công nhân, đến tay đầu tư Việt kiều...và chỉnh bản thân gã cũng lần lượt như con biến hình trùng qua các giai đoạn cuộc đời.Khi đội lốt một nhà văn, nhà báo trong chiến tranh, trong thời buổi khó khăn bao cấp và để rồi lột xác thành một doanh nghiệp đang thao túng các dự án. Và cái vỏ bọc cho uy tín của gã là mớ danh thiếp, và sự hiểu biết về các vị lãnh đạo ở trung ương và chính phủ  Diễn tả sự biến hình cùng những thủ đoạn của Phiệt, Xuân Đức đã tỏ ra am hiểu khá sành cơ cấu nội chính và những hệ lụy về những cơ cấu này.( Ông vốn là một Giám đốc đầu ngành của một tỉnh). Sự nham hiểm, thớ lợ, sự giả nhân giả nghĩa và cũng sắn sàng tàn khốc của Phiệt- một gả cò chính trị, kinh tế đang tồn tại và rắp ranh trở thành một thứ maphi giữa xã hội nhiều bất trắc chính là chất thời sự nhanh nhậy trong kịch bản của Xuân Đức để từ đó vang lên lời cảnh báo, nếu không kiên quyết loại trừ những kẻ như Phiệt thì cuộc đời này sẽ nhiễu nhương đến đâu, cái thật cái giả sẽ bị đánh tráo, chân giá trị con người và luật pháp sẽ ra sao? Với tài năng, tay nghề cao của một nhà văn, kịch tác gia Xuân Đức đã triển khai song trùng câu chuyện của quá khứ, hiện tại và phần nào của tương lai. Bài hát được nhắc đi nhắc lại như một âm điệu về sự cảnh tỉnh và hối hận của những con ngưòi gần chót đời mới nhận ra mình đã sai lầm,  đã bị lừa gạt như thế nào"Nếu có ứơc muốn trong cuộc đời này , hãy ước muốn cho thời gian trở lại ...."
            Quả tình mới nghe đọc NMNTT tôi hơi e ngại cho sự thể hiện của kịch bản này trên sân khấu nếu một đạo diễn không tìm ra chìa khoá riêng. Rất may kịch bản này lại được một đạo diễn gạo cội vừa có kinh nghiệm vừa có nhiều ngón nghề như NSND Doãn Hoàng Giang thể hiện. Trong vở diễn NMNTT Doãn Hoàng Giang nhanh chóng tìm ra cái lõi của kịch bản và được dịp thể hiện tất cả mọi ngón nghề ông đã tìm ra, tích tụ trong hơn 50 năm làm nghề của mình như một dịp tổng kết đắc hiệu nhất. Ở NMNTT Doãn Hoàng Giang đã tung hoành với sự hoành tráng, với những trang trí lớn, với những tầng lớp bục bệ và số lưọng diễn viên đông đảo để thể hiện sự bao quát, diễn biến ào ạt của cuộc sống. Ngưòi xem cũng như bạn nghề thêm một lần cảm phục sự biến đối không gian và thời gian qua sự ứơc lệ thông qua trang phục của những tốp diễn viên minh hoạ, nhờ đó làm nổi bật sự song trùng, đan chéo về quá khứ và hiện tại của vở diễn một cách khéo léo và hợp lý .
           Thành công cuả NMNTT không thể không kể đến một dàn diễn viên có tay nghề cao, luôn luôn có ý thức rượt đuổi để khám phá nghệ thuật, khám phá sự chân thực của bức tranh cuộc sống bằng niềm đam mê cháy bỏng. NSƯT Tíến Đạt , NSƯT Thu Hà , NS Trần Minh , NS Thanh Tùng.. và nhất là NSƯT Trung Hiếu. Có lẽ với sự chuyên môn tươi mới của một đạo diễn vừa ra lò (Trung Hiếu cũng vừa là đạo diễn của kịch phẩm mới toanh của đoàn kịch nói Quảng Ninh tham gia hội diễn) anh đã bổ sung hoàn chỉnh hơn khả năng diễn xuất đa dạng của mình. Tôi cho với vai Phiệt, Trung Hiếu đã bộc lộ rõ  taì năng lĩnh hội và thể hiện một nhân vật biến hình trùng chính xác như thế nào.  Khi ông Hoàn - một Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy lâu năm, nhắc đến cuốn tiểu thuyết Phiệt hứa sẽ viết để phản ánh một giai đoạn của đất nước thì người xem gai ngưòi nghe Trung Hiếu thể hiện  sự thớ lợ đến tàn khốc của loại ngưòi này. Phiệt nói "tôi định viết một tiểu thuyết về chiến tranh, nhưng đất nước đã thay đổi...đất nứơc ( lúc này) chưa cần văn chương mà cần làm giầu...Vậy thì.."
        NMNTT xứng đáng đoạt giải vàng và cũng thật đáng xem để mỗi người trong chúng ta có những suy gẫm đối với cuộc sống này .                                                                  
    Nguyễn Hiếu       

 Đăng ngày 13/08/2012

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan