Wednesday, October 14, 2015

RỒI MÙA...- Truyện ngắn

Tác giả: Lê Nguyên Hồng



 "Rồi mùa toóc rạ, rơm khôBậu về quê bậu biết nơi mô mà tìm"                                - Ca dao-
          Thời Pháp đô hộ, giai cấp phong kiến nắm trong tay phần lớn ruộng đất, nhiều nông dân bần cùng phải đi làm công, làm mướn cho chủ đất để kiếm cái ăn, cái mặc qua ngày. Ruộng đất nhà giàu cò bay thẳng cánh, dân nghèo tứ cố vô thân kéo đến làm thuê đông nghịt. Cái cảnh "chủ" và "đầy tớ" thịnh hành suốt cả một thời gian dài trên mọi làng quê Việt Nam. Kẻ ngồi mát ăn bát vàng, kẻ ăn không hết, người lần không ra án ngữ nặng nề trên những xóm thôn. Đẳng cấp, giai tầng xã hội bị phân hóa sâu sắc. Kẻ nắm ruộng đất trở thành ông chủ giàu có. Nông dân nghèo phải è mình ra chịu nhiều thứ thuế đè nặng hai vai, phải bán hết ruộng đất, trở thành người trắng tay, làm thuê cho chủ ngay trên phần đất hôm qua đang là của mình. Người nghèo làm thuê cho nhà giàu là điều tất yếu xẩy ra trong xã hội đương thời. Nhà giàu bố trí người làm theo tổ, nhóm và cắt cử người theo dõi, giám sát nghiêm ngặt tận nơi làm việc. Ai làm việc không năng suất hoặc có ý lãn công thì người được chủ tin tưởng phân công theo dõi liền báo ngay với chủ trừ tiền của ngày hôm đó. Nhà giàu bố trí người làm rất chặt chẽ và có tai mắt ở khắp nơi. Kiếm được đồng tiền, bát gạo của nhà giàu phải đong bằng mồ hôi, nước mắt cùng với sự cơ cực, tủi nhục. Nhóm cày, bừa, làm đất là đàn ông khỏe mạnh. Nhóm nhổ mạ, đi cấy, trồng khoai là phụ nữ nhanh nhẹn hoạt bát. Chủ nhà chỉ lựa chọn người làm được việc mới nhận. Còn nhóm đưa cơm, nước, lo việc trong nhà là người thân tín của chủ. Các nhóm được phân ra rạch ròi để ai nấy lo phần việc của mình nhưng họ lại có mối liên kết với nhau, hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn. Đã cùng thân phận " áo ngắn" nên họ đoàn kết, bênh vực nhau khi bị chủ đối xử tệ hoặc trả công rẻ mạt.
           Có chàng thanh niên ở huyện Như Hà tên là Lường mới lập gia đình ở riêng. Vợ đang mang thai, cuộc sống khó khăn, túng thiếu nên Lường đã tìm đến làm thuê cho nhà phú ông ở huyện Yên Mỹ. Anh là thợ cày, bừa rất giỏi. Các cô thợ cấy tranh nhau những đám ruộng do Lường cày, bừa vì đất nhuyễn, cắm cây mạ mát tay. Trong đoàn thợ cấy có Hương là cô gái gốc gác bà con với nhà phú ông. Cô này đi ở cho nhà phú ông đã sáu năm nên thạo việc đồng áng, đặc biệt nhổ mạ, cấy lúa luôn dẫn đầu cả nhóm. Được Hương bày vẽ nên chị em mới đến gia nhập nhóm lên tay rất nhanh. Và lúc nào nhóm của Hương cũng gánh mạ đến sớm, luôn luôn giành được những đám ruộng do Lường cày bừa. Nhóm bừa và nhóm cấy rất hợp nhau. Vì chủ nhà đã khoán rất cụ thể cho nên mọi người cặm cụi làm cho xong phần việc để chủ không bắt bẻ hoặc bớt xén tiền công. Lường có dáng người đậm đà, chắc khỏe, làm việc xông xáo nên chị em cứ hay gần gủi trêu đùa. Trời nắng nóng, anh ta lột áo ném lên bờ, ở trần, mang quần đùi làm việc cho mát, bày ra thân hình vạm vỡ, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn, thu hút ánh mắt của các cô gái. Cô nào chưa chồng cũng ước thầm trong bụng có được anh chàng khỏe mạnh như thế thì khoái biết mấy. Té ra chị em phụ nữ cũng ham muốn vẻ đẹp của thân thể đàn ông, cũng mê đàn ông chẳng kém gì đàn ông mê gái, nhưng không chị nào thổ lộ cả. Đàn ông có dáng vóc đẹp cũng là lợi thế trong chuyện tiếp cận phụ nữ, dễ làm cho chị em xao lòng, si mê, khao khát. Trong thực tế, phụ nữ rất mạnh mẽ, thích người đàn ông nào là tìm mọi cách để giành cho bằng được, chỉ khác đàn ông là họ kín đáo, giữ kẽ để khỏi mang tiếng: "cọc đi tìm trâu". Có khi xong việc của mình, Lường để nguyên thân trần như thế nhảy xuống ruộng cấy giúp chị em vài bó mạ. Tính anh chàng vui vẻ, hay giúp người khác nên nhóm thợ cấy cảm mến, thân thiện. Chị em là nhà nông chính hiệu nên rất mạnh bạo trong ăn nói cũng như việc làm. Hương có cảm tình riêng với anh chàng Lường. Đi làm mướn, nhưng mọi người cũng có thời gian rỗi ban đêm, nhóm này vẫn đến chơi với nhóm khác rất tình cảm. Nhiều người đi làm thuê lâu ngày nên có dịp quen biết, đi lại thân tình với nhau. Không ít cặp đã bén duyên, sau đó đưa nhau về quê, nên vợ thành chồng. Những mối tình như thế sống với nhau bền chặt, thủy chung vẹn toàn, họ chỉ đến chính quyền làm thủ tục đăng ký là xong, không tổ chức đám hỏi, đám cưới. Nghèo khổ, cơm độn sắn khoai ngày ba bữa, lấy tiền đâu để mà làm cỗ bàn mời họ hàng, làng xóm? Đám cưới là ngày trọng đại của đời người nhưng quá khó khăn cũng đành xin "kiếu", biết làm sao được? Chỉ làm một mâm cơm đặt lên bàn thờ, thắp mấy nén nhang vái lạy tổ tiên để về sống với nhau cho phải đạo. Thế nhưng những đôi vợ chồng ấy vẫn sống hạnh phúc bên nhau đến đầu bạc răng long theo đúng nghĩa của nó. Những đêm trăng thanh gió mát, trai gái từ nơi xa đi làm thuê ở lại nhà chủ thường rủ nhau ra đồng hóng gió, nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Con trai con gái gần gủi nhau, bày ra nhiều trò vui. Có khi họ còn tổ chức thi vật từng đôi nam nữ mà chả hề e ngại gì cả. Họ chơi với nhau vô tư như hàng ngày cùng làm bên nhau vậy. Nhóm thợ cày chọn Lường để vật nhau với Hương ở nhóm thợ cấy. Hai người này khỏe mạnh, cân sức, cân tài. Mỗi nhóm còn cử ra một người làm trọng tài cho khách quan. Nếu nhóm nào thua thì phải cõng những người trong nhóm thắng đi một vòng quanh ruộng. Họ chơi vui vẻ và thực hiện luật chơi rất nghiêm túc. Theo quy định: "ba keo mèo mở mắt", tức là vật nhau phải ba keo mới phân thắng bại. Có pha, Lường giả vờ trượt chân, bị thua để cho chị em thợ cấy vỗ tay reo hò đắc chí khi Hương đè được anh chàng Lường dũng mãnh ngã chỏng vó. Thế là các chàng thợ cày phải gập lưng xuống cõng chị em thợ cấy, trông buồn cười vỡ cả bụng. Đây là mẹo do Lường bày đặt, tạo cơ hội cho các anh chàng được dịp trêu ghẹo chị em cho vui. Có anh nghịch, cứ vòng tay sau lưng níu chặt hai bắp đùi của cô gái, đi hết vòng này qua vòng khác, không chịu bỏ xuống, khiến cô gái phải đấm vào lưng thật mạnh anh ta mới dừng lại. Có anh giả vờ ngã chúi làm cho cô em đang ngồi vắt vẻo sau lưng, rung đùi, ngửa mặt cười khoái chí,  bất ngờ bị dúi mạnh, ép hai đầu vú vào lưng cho khoái. Có chị đỏ mặt ngượng nghịu vì có chàng nghịch ngầm, cứ bước đi chầm chậm và bấm bấm móng tay vào mông, làm cho chị ta nảy nảy người lên trên lưng theo nhịp bước của chàng trai nhưng không  dám kêu. Các chàng trai nghỉ ra nhiều trò tinh nghịch khi được phục vụ các chị. Tiếng cười khúc khích của cánh đàn ông bật lên, khiến chị em xúm lại cấu véo, thi nhau đấm vào lưng những anh chàng có âm mưu nghịch ngợm. Và những trận cười lại rộ lên vang khắp cánh đồng. Những cuộc vui nam nữ như thế, hôm sau sẽ trở thành những câu chuyện kể râm ran trong đám người làm. Niềm vui ấy đã giúp cho mọi người quên hết mệt nhọc của tháng ngày làm mướn cho nhà người, để tạm quên đi thân phận nghèo khổ. Qua những lần gần gủi, tự nhiên Hương và Lường phải lòng nhau. Chả biết họ quan hệ với nhau lúc nào mà khi xong mùa cày cấy, mỗi người một ngả thì Hương đã có mang. Hương cứ nghỉ, chỉ vài tháng đến mùa gặt là anh ấy trở lại, chỉ cần anh nhận con là được, coi như đứa con có bố. Quan niệm tình yêu của nông dân đi làm thuê thời ấy rất đơn giản. Họ yêu nhau, lấy nhau cũng không cần môn đăng hộ đối. Bao nhiêu cặp vợ chồng đã xây dựng gia đình như vậy. Hương yêu Lường và trao gửi hết cho chàng trai ấy cũng từ suy nghỉ giản đơn là mùa gặt tới, anh ấy sẽ trở lại rồi hai đứa dẫn nhau về quê sinh nở. Hương không biết anh ấy đã có vợ. Với lại, nếu anh ta có vợ thì cũng chả sao cả, chỉ bị tai tiếng một thời gian thôi, sau đó chả ai nhắc đến nữa. Thời phong kiến, chuyện đàn ông năm thê bảy thiếp là bình thường, không phải bị nghiêm cấm theo luật hôn nhân và gia đình như sau này. Thế nhưng, khi khắp mọi cánh đồng, lúa chín rộ, trai gái từ nhiều nơi kéo đến gặt thuê cho nhà giàu, vàn công cho nhau để kịp mùa vụ mà chẳng thấy tăm dạng Lường đâu cả. Hương bụng ngày càng to, làm việc mỏi mệt, căng thẳng. Nhà phú ông biết chuyện Hương có mang với anh chàng Lường nhưng không rõ anh ta ở tận nơi nào. Còn Lường khi xong đợt làm thuê, nhận tiền và gạo về nhà thì cũng là lúc chăm lo cho vợ sắp sinh. Anh không trở lại nhà phú ông như lời hẹn với bạn cày, bạn cấy. Trong lòng người đàn ông này vẫn còn văng vẳng câu hát của mấy cô trong đoàn thợ cấy, nghe cứ  buồn buồn, da diết, nôn nao:
                                      Anh về, đến hẹn... nhớ lên
                             Ngày ngày em ngóng, đêm đêm em sầu...
          Tình cảm nhà nông mộc mạc, chân chất. Tình yêu của họ cũng bộc trực, tha thiết giống như câu hát ẩn chứa tất cả nổi niềm yêu thương chan chứa, mang hương vị bùn đất đồng quê ấp ủ những mùa vàng rạo rực lòng người. Tình yêu ấy nảy mầm trong lam lũ, nhọc nhằn, nó thanh khiết và không hề có một chút gợn tính toán thiệt hơn...
          Lường đành tạm biệt bạn cày bạn cấy, tạm biệt những tháng ngày làm thuê vất vả nhưng mà vui vì đông bạn bè từ nhiều nơi tụ hội. Trong thâm tâm, Lường muốn có dịp trở lại làm ở nhà phú ông để gặp người con gái đã có tình có nghĩa sâu nặng  với mình. Anh phải ở lại quê chăm lo sào vườn, nuôi vợ sinh nở. Thời gian thầm lặng trôi qua, anh quên hẳn người bạn gái có tên là Hương đã từng say đắm, ôm ấp, chiều chuộng anh bên một cồn đất hoang ở giữa đồng vào những đêm khuya. Hai anh chị đã sống những giờ hạnh phúc trọn vẹn chỉ có sao trời chứng kiến. Anh ra về không hay biết người con gái ấy đã mang giọt máu của mình. Hương chưa nói cho anh biết chuyện đó. Cô chỉ nghỉ đơn giản rằng: vài tháng sau là đến mùa gặt, anh trở lại rồi nói cũng chưa muộn. Chính cô cũng chưa một lần hỏi địa chỉ của người con trai mà mình đã giao trọn tất cả những cái quý giá của người con gái. Bây giờ biết anh ở nơi mô mà tìm? Chuyện dại- khôn trong tình yêu nói làm sao cho hết? Khi biết khôn thì đã lỡ dại rồi, không sửa được nữa. Xong vụ gặt, Hương nghỉ chờ ngày sinh con, không đi làm cho nhà phú ông nữa. Đứa con gái của Hương có gương mặt rất giống mẹ. Người ta bảo con chửa hoang, nếu là trai thì giống cha y tạc, nếu là gái thì giống mẹ như đúc.
          Hàng ngày ru con, Hương hát những câu nghe buồn buồn với tâm trạng bâng khuâng, trách móc người tình sao nở vô tâm:
Rồi mùa, toóc rạ, rơm khô
Bậu về quê bậu, biết nơi mô mà tìm?
          Rồi mùa, tức là đã xong mùa vụ, nhưng cũng là xong một cuộc tình. Hai người đã trao gửi hết cho nhau, khi thỏa mãn rồi thì em ngả, anh nghiêng, giống như "toóc rạ, rơm khô". Lời ru ấy, Hương đã nghe từ nhỏ và hát ru con của mình, vì nó đúng với nổi lòng cô lúc này. Lời ru, nói đúng hơn, chính là lời giận hờn sâu kín xen lẫn nhớ nhung, hoài vọng. Đó là cách nói bóng bẩy để chỉ tình yêu trai gái cùng đi làm mướn, rồi yêu nhau, trao hết cho nhau và đã trót xẩy ra chuyện hoang thai. Người đàn ông vô tâm đã để lại hậu quả chỉ một mình người con gái gánh chịu. Xong cuộc tình, anh ta phủi tay trơn tru không còn dấu vết, dòng địa chỉ cũng không có. Cái mà anh ta để lại làm khổ một đời con gái. Bao nhiêu cuộc tình vụng trộm như thế đã xẩy ra, để lại trong dân gian những tiếng thở dài, hờn giận của những phụ nữ không chồng mà có con vì trót yêu, vội tin và dại khờ, nông nổi. "Rồi mùa toóc rạ rơm khô...". Nghe lời ru con của Hương, không ít người nao nao buồn, thương những mối tình bất hạnh, trái ngang, cảm thông với những cô gái chân quê nông nổi vì yêu mà dang dở cuộc đời. Những câu chuyện như thế đã từng hiển diện khắp đó đây.  
           Do có họ hàng nên gia đình phú ông thương tình cho Hương một đám đất nhỏ đủ làm một túp nhà cho hai mẹ con trú ngụ. Đứa con gái lớn lên chỉ quẩn quanh theo mẹ đến nhà phú ông làm thuê. Tuy còn nhỏ nhưng nó đã biết những công việc mẹ từng làm. Thời buổi khó khăn, kiếp nông dân cha truyền con nối việc đồng áng lam lũ, rồi đi làm thuê vì đất ruộng hầu hết tập trung trong tay kẻ giàu có. Khi Bưởi - đứa con gái của Hương đến tuổi mười sáu, nhưng trông đã là dáng dấp thanh nữ- nó thay mẹ đi làm cho nhà phú ông, để mẹ ở nhà nuôi con lợn và chăm sóc luống rau, mấy con gà. Cuộc sống túng thiếu triền miên nhưng nhờ tằn tiện nên hai mẹ con vẫn đắp đổi tháng ngày.
+   +    
+
          Thường là đứa con trai của Lường nay đã khôn lớn. Nó làm thay bố những công việc nặng nhọc. Năm ấy trời hạn hán, mất mùa, nạn đói lan rộng trên nhiều làng quê. Trong hoàn cảnh đó, Lường đã để đứa con trai của mình đi làm thuê cho nhà phú ông ở huyện Yên Mỹ. Theo địa chỉ bố bày vẽ, Thường đi một nửa ngày trời mới đến đúng nhà phú ông. Thấy chàng trai sức vóc vạm vỡ, gia đình phú ông rất mừng, nhận ngay vào làm ở đội thợ cày. Người làm thuê hết đợt đến đợt khác, toàn người góp, ai cũng lo làm để xong vụ nhận tiền và gạo đem về nuôi gia đình, họ ít quan tâm đến gốc gác của nhau. Có nhiều người chỉ làm mươi ngày hoặc một vụ rồi không trở lại nữa. Thường cũng ở trong hoàn cảnh ấy nên hàng ngày chăm chỉ cày bừa cho chủ để mong được trả công xứng đáng. Cái ăn, cái mặc khổ cực quá nên người ta phải quần quật, không có thời gian nghỉ chuyện này chuyện nọ. Chủ nhà do nóng việc thời vụ nên đã tổ chức làm thông tầm cả trưa và trả thêm tiền cho những người làm. Mặc dù vất vả, mệt nhọc nhưng có thêm tiền thì ai cũng thích và cố rán. Do làm quá sức, Thường bị ốm nhưng vẫn không chịu nghỉ. Chủ nhà biết vậy liền bảo con Bưởi nấu cho Thường nồi lá xông để về đêm xông cho chóng lành bệnh. Nhờ nồi lá xông ấy mà Thường đã khỏe hẳn. Trong đoàn người làm thuê, Thường và Bưởi là trẻ nhất. Người ta hay ghép đôi cho cặp trai gái này. Kể ra cũng hay. Nếu chúng thành đôi thành đũa cũng là tốt thôi. Khi mọi người trêu đùa, anh chị đỏ mặt lên, lảng đi chỗ khác. Thực ra, anh chị đã có cảm tình với nhau nhưng chưa ai dám thổ lộ nổi lòng. Nhà của Bưởi ở gần khu gia cư của phú ông. Có một hôm, sau khi ăn tối xong, Bưởi mạnh dạn rủ Thường đến nhà mình chơi. Thường phấn khởi theo cô gái về nhà. Mặc dù ánh đèn dầu mờ tỏ nhưng bà Hương vẫn nhận rõ được mặt người con trai. Vốn là người cùng cảnh ngộ nên họ nói chuyện thân mật như người trong một nhà. Thường kể với bà Hương rằng, bố của mình ngày xưa cũng đi làm cho nhà phú ông ở huyện này. Nhiều nhà giàu trả tiền cho người làm thuê rẻ mạt. Riêng nhà phú ông ở đây có nới tay hơn trong việc thanh toán cho nhân công và đối xử với người làm đỡ hơn nên người nghèo ở xa cũng tìm đến. Bà Hương đã đoán Thường là con trai của Lường. Ngay khuôn mặt, dáng hình của nó cũng không lẫn vào đâu được. Để khẳng định suy đoán của mình, bà Hương hỏi: "Bố cháu tên gì?" - "Dạ, bố cháu tên là Lường". Thế là đúng rồi. Như vậy Thường và Bưởi là anh em cùng cha khác mẹ. Chúng nó đều có chung dòng máu. Nhìn kỹ sẽ thấy Thường có những nét giống Bưởi. May mà trời đất xui khiến nên con Bưởi đưa thằng Thường về đây, nếu không thì phải ân hận một đời vì chuyện loạn luân. Tất cả đều do cuộc tình vụng trộm của bà tạo ra. Từ trước đến nay, bà không cho Bưởi biết bố nó là ai. Với lại, ngay chính bà cũng không biết quê hương, bản quán của người đàn ông ấy. Bà cảm ơn trời phật thương tình nên đã cho bà biết để ngăn chặn mối tình mà con gái sắp bước vào. Thật hú hồn, hú vía. Hôm sau, bà buộc lòng kể cho con gái nghe toàn bộ về chuyện tình ngày xưa của mình. Bưởi nghe xong thật sự bàng hoàng. Cũng may, anh chị chưa hề có gì với nhau, kể cả một lời tỏ tình. Nghe chuyện mẹ kể, Bưởi bị xốc. Cô nằm lỳ trên giường, không đi làm. Mẹ hỏi gì cô cũng im lặng. Bà Hương cứ nghỉ con ốm, đi kiếm lá để sắc cho nó uống. Đến trưa, Bưởi nói với mẹ, giọng buồn buồn:
          - Con không đi làm bên ấy nữa. Từ mai, mẹ xin cho con làm ở nhà ông Quỳ dưới xóm Riềng cũng được. Con nghe nói nhà ấy đang cần người làm đất trồng đậu xanh cho kịp vụ. Nghỉ ở nhà, tiếc lắm.
          Bà Hương hơi phân vân một chút rồi cũng đồng ý vì con gái có cái lý riêng của nó. Bưởi không muốn đến nhà phú ông vì sợ sẽ gặp Thường là anh trai nhưng cô đã thầm yêu trong lòng từ khi Thường đến làm cho nhà ấy. Hiểu được tâm trạng và sự khó xử của con gái, bà nói:
          - Con nghĩ cũng phải. Chiều nay mẹ đến nhà ông Quỳ hỏi việc cho con.
          Bưởi còn dặn:
          - Mẹ nhớ sang bên nhà phú ông báo con nghỉ làm kẻo họ trách, chứ Con không đến bên đó nữa đâu...
          - Ừ, mẹ hiểu rồi!
          Từ khi Bưởi khôn lớn, bà Hương không đi làm thuê nữa. Do cuộc sống kham khổ, trông bà ốm yếu và già trước tuổi. Nét  thanh xuân của cô thôn nữ trẻ trung, đầy đặn thuở nào nhanh chóng phôi pha theo thời gian bươn chải khổ cực. Mọi chuyện vui buồn bà đều gửi gắm vào đứa con gái ngoan hiền. Bưởi thương mẹ, chưa bao giờ làm mẹ phải buồn khổ vì mình cả. Cuộc sống tuy đạm bạc nhưng mẹ con đùm bọc nhau đầm ấm. Túp lều tranh với chiếc giường tre, cùng một vài thứ lặt vặt không đáng giá, nhưng bếp lửa vẫn ngày ngày ba lần tỏa khói, đó là cái hồn của làng quê dân giã, cho dù đói khổ nhưng không ai rời bỏ xóm làng, con cái không chê mẹ cha nghèo khó. Bưởi lớn lên trong hoàn cảnh ấy nên càng thương mẹ gần trọn cuộc đời rau cháo, nuôi mình nên vóc dáng hình hài như hôm nay...
          Thế là Bưởi lặng lẽ đi làm thuê cho nhà khác. Vắng Bưởi, Thường thấy trong lòng trống trải, bâng khuâng vô hạn. Cả nhóm thợ cấy cũng buồn lây.
          Khi xong vụ cày cấy, trước khi về quê, Thường tìm đến nhà Bưởi để tạm biệt người con gái đã vô tình gieo vaò tâm hồn mình những con sóng xao động không yên. Ngôi nhà trống trải, cô quạnh. Trưa ấy, Bưởi nghỉ lại nơi làm. Tiếp chàng trai là mẹ của Bưởi. Bà Hương nói với chàng trai rằng:
          - Con Bưởi đã đi lấy chồng ở xa...
          - Khi nào Bưởi về nhà hở bác?
          Bà Hương phải nói dối:
          - Nhà chồng neo người, chắc lâu nó mới về thăm bác được.
          Trong thâm tâm, bà Hương muốn chàng trai đừng đến làm thuê cho nhà phú ông nữa, để con gái của bà lại trở về làm bên ấy cho mẹ con được gần nhau. Nghe bà mẹ nói thế, Thường thấy lòng nặng trĩu, hụt hửng. Anh ra về mang theo nổi niềm thương nhớ mông lung. Sẽ chẳng bao giờ anh đến nơi này nữa. Vì còn gì cuốn hút, thúc giục sự hăm hở của chàng trai khi hình bóng người con gái kia đã biền biệt phương nào? Chàng trai ấy không hay biết chuyện gì đã xẩy ra giữa bộ ba: Bố - bà Hương và Bưởi. Câu chuyện đi vào quên lãng theo năm tháng rêu phong.
           Thế rồi, Bưởi đã lấy chồng khi bước sang tuổi mười chín. Chồng của Bưởi là một thanh niên cùng làng. Nhà anh ấy nghèo, đông người nên về ở rể nhà vợ. Tuy gia cảnh nhà vợ nghèo khó nhưng họ sống hạnh phúc trong ngôi nhà tranh vách đất lúc nào cũng vui vẻ, ấm cúng. Hàng ngày, vợ chồng Bưởi đi cày thuê, cấy mướn, bà Hương ở nhà chăm đứa cháu. Cứ ngỡ trái tim người bà đã nguội lạnh về cuộc tình sâu đậm ngày xưa. Nhưng từ khi thấy mặt đứa con của người ấy, bà Hương chạnh lòng nhớ lại tất cả. Tình yêu mãnh liệt, ngất ngây của bà chỉ xuất hiện trong một thời khắc ngắn ngủi, không còn tái diễn thêm lần nào nữa. Bà chịu sự thiệt thòi quá lớn của phận làm vợ. Bà nâng niu, gìn giữ những giờ phút êm đềm lắng đọng của kỷ niệm xưa. Tất cả tái hiện rất rõ ràng: ...Cái gò đất hoang cỏ mọc um tùm giữa đồng và những đêm hò hẹn, một tình yêu say đắm; Hai người đã dành trọn cho nhau... để có con Bưởi bây giờ... Sao mà quên được?  Đó là hạnh phúc ngọt ngào và cũng là cay đắng, ngậm ngùi thời con gái của bà. Thôi, cũng qua một kiếp người, biết trách ai? Âu cũng bởi mình duyên phận mỏng manh...
          Những lời ru Bưởi ngày trước, bây giờ bà Hương lại hát ru cháu ngoại. Cứ chiều chiều, khi ánh nắng không còn gay gắt, gió nồm từ phía biển ùa vào mơn man da thịt, người ta nghe từ nếp nhà tranh trong xóm nhỏ cất lên tiếng à ơi của người bà, lúc trầm lúc bổng, như niềm riêng thao thiết đã từng nổi chìm, vật vã cùng năm tháng tủi hờn:
                             ( à ơi...) Rồi mùa toóc rạ...rơm khô...(ơ ơ ơ)
                   Bậu về quê Bậu...(à à ơi...)biết nơi mô...mà tìm...(à ơi...hời...)
          Rồi mùa..., bậu (bạn) về quê bậu, cũng giống như bóng chim, tăm cá biết đâu mà lần. Người đâu mà vô tâm thế?  Sao mà bạc tình bạc nghĩa đến thế? Lời ru như hóa thạch, tạc vào lòng người, tạc vào năm tháng. Lời ru cứ ngân nga, đồng vọng khôn nguôi. Đứa trẻ ngủ say nhưng lời ru còn thao thức bồng bềnh, sao mà thấy chua cay, chát đắng, trách hờn. Tất cả trải ra, nghe nhoi nhói trong tâm hồn và gợi lên bao nổi niềm trắc ẩn chốn nhân gian...

                                                                                                         LNH

 Đăng ngày 23/06/2011
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Mai Hà - 24/06/2011

Cám ơn LNH đã có cái nhìn thông cảm với nỗi buồn của bà Hương.Nhưng người đọc cảm thấy hụt hẫng với kết cục của truyện ...
  Gửi bởi: Mỹ Hằng - 25/06/2011

Những dòng kết truyện thật xúc động. Nó nghe nhưng là một sự trách thầm nhưng cũng là một lời cám ơn số phận của bà Hương. Cám ơn LNH đã thông cảm cho nỗi  buồn của bà hương và cả những cuộc tình vụng trộm khi rồi mùa.
  Gửi bởi: Vĩnh Quyên - 26/06/2011

Phong cách kẻ chuyện của nhà văn Lê nguyên vãn không thoát khỏi cái bệnh nghề nghiệp đó là một nhà báo kỳ cựu. Cau chuyện của Le nguyên động lại nhiều vấn đè mà bwocj người đời càn suy ngẫm. Tôi thích bố cục của câu chuỵen ngắn gon, sung tích và giàu tính thực tế những cũng hàm chứa nhiều trí tưởng tương
Mến chào
Hàm Rồng Thanh hoá
26-6-2011

  Gửi bởi: H - 28/04/2012

Tât ca trải ra, nghe nhói tr tâm hồn, gợi lên bao nhiêu nõi niềm trăc ẩn chốn nhân gian...
  Gửi bởi: li - 28/05/2012

Câu chuyện làm xúc động lòng người cách sâu xa...
...Rồi mùa tóc rạ rơm khô
Bậu về quê bậu, biết nơi mô mà tìm...
(CD)
Nghe mà...tái tê lòng...
Lời ru chính là lời giận hờn sâu kín xen lẫn nỗi nhớ nhung, hoài vọng...
"Âm thầm từ giã cô thôn nữ
Cô đứng bên sông không hát nữa
Lòng ta thổn thức còn đê mê
Nhịp với lòng ai nhường than thở?

Âm thầm ta lại bảo cô rằng:
Mặt đất mênh mang biết mấy chừng
Em có yêu ta thì gắng đợi
Đem lòng mà gửi lên cung trăng...

Ở chốn đường khơi ta nhớ em
Thì lòng ta sẽ hóa ra chim
Bay lên lưu luyến bên cung nguyệt
Sẽ ngỏ cho nhau thấu nỗi niềm..."
(Thế Lữ)

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan