Thursday, October 8, 2015

Thương nhớ Hoàng Sa


Tùy bút - Trần Hoài

 Ở đảo Lý Sơn - huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều người già vẫn còn lưu giữ trong ký ức câu chuyện lưu truyền về một hải đội Hoàng Sa kiêu hùng thuở xưa. Đình làng Lý Vĩnh, cổng làng An Vĩnh rêu phong cổ kính còn cất giữ kỷ niệm những buổi lễ tiễn đưa đoàn thủy binh lên đường ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, cũng chính là những đứa con trai của làng. Đa số họ đã không trở về. Người già kể, xưa, làng đã lập lăng thờ những người đã khuất, những người đã hiến dâng cuộc sống thanh xuân của mình cho chủ quyền của Tổ quốc, nhưng mấy chục năm chiến tranh loạn lạc, thế cuộc đổi thay, lăng thờ đã trở thành phế tích. Nhưng nhân dân vẫn không bao giờ quên trong ký ức, đến tiết xuân hàng năm thì tổ chức cúng lễ nghiêm trang, nhằm nhắc nhở cháu con không được quên công đức của tiền nhân, không được quên Hoàng Sa là một phần máu xương của Tổ quốc. Có câu đối được khắc ghi trong tâm khảm các bậc túc nho của làng:"Ân đức dựng xây miền đảo Lý. Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa".

Lần giở lại sử cũ, Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn viết rằng: "Nhà Nguyễn thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp mỗi người sáu tháng lương thực. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo Hoàng Sa. Họ tha hồ lượm nhặt, tự ý bắt chim, bắt cá làm đồ ăn. Họ nhặt được những đồ như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, ngà voi... Họ còn lượm những vỏ đồi mồi, những con hải sâm, những con ốc hoa thật nhiều. Đến kỳ tháng tám thì đội Hoàng Sa ấy mới trở về cửa Eo (cửa Thuận An), rồi họ tới thành Phú Xuân trình nạp các vật hạng đã lượm nhặt được. Người ta cân, khám nghiệm và định xong đẳng hạng các sản vật, rồi mới cho đội này bán riêng những con ốc hoa, mai hải ba, hải sâm. Bấy giờ, đội ấy được nhận lãnh bằng cấp về nhà...". Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam thực lục do các sử thần trong Quốc sử quán biên soạn, Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông, Đại Nam nhất thống chí... đều có những trang ghi chép cụ thể về đội Hoàng Sa. Công việc của họ được ghi lại không chỉ là lượm nhặt hải vật, đồ đạc tàu thuyền bị đắm, mà kiêm quản cả đội Bắc Hải cùng làm nhiệm vụ ở Trường Sa và các đảo phía trong Nam. Đặc biệt, đội Hoàng Sa còn làm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, canh chừng giặc biển, dựng bia chủ quyền và giữ gìn các hải đảo Hoàng Sa. Trai tráng vùng cửa biển Sa Kỳ, mà nhiều nhất là đảo Lý Sơn, được chọn vào hải đội Hoàng Sa vì họ có truyền thống đi biển rất thạo. Và cũng bởi từ đây cũng là nơi có hải trình ngắn nhất để ra quần đảo Hoàng Sa.
Biển là một ngư dân trai trẻ, nước da đen sạm, tóc dài phủ gáy, quê ở đảo Lý Sơn. Tôi quen Biển thật tình cờ. Đó là một đêm mưa bão, tàu đánh cá mà Biển là thủy thủ trẻ nhất dạt vào Bến Nghè, đảo Cồn Cỏ. Máy hỏng, tàu trôi dạt suốt 3 ngày đêm lênh đênh trên biển cả ngập tràn bão tố. Tàu va vào bãi đá ngầm, vỡ toác. Cả năm người trên tàu đã kiệt sức. Cả năm người đã buộc chân với nhau bằng một sợi dây cước chắc chắn, để nếu có chết thì vẫn bên nhau. Chúng tôi lao xuống tàu, đưa cả năm người lên bờ, đốt lửa sưởi ấm, nấu cơm nóng cho ăn với thức ăn là ruột cây đùng đình kho muối. Dạo ấy, biển động lâu quá, thực phẩm của bộ đội trên đảo cạn kiệt, nên chỉ còn cây đùng đình mọc hoang trong rừng làm thức ăn chủ lực. Biển, sức trẻ mười bảy nên hồi phục rất nhanh. Biển kể với tôi rằng, ba của Biển nghe đâu đã chết trong một chuyến vượt biên ra nước ngoài, mẹ đi lấy chồng, Biển ở với ông chú là chủ tàu này, mười tuổi đã đi biển, thuộc lòng biển như thuộc lòng bàn tay, nhìn hướng sóng là biết đất liền ở đâu, ngửi mùi tanh của biển biết trời yên trời động... Nhưng mà, Biển lại chưa biết chữ, bởi có được đi học ngày nào đâu... Biển kể, có những chuyến biển dài ngày, đi giữa đại dương mênh mông vạn dặm, thỉnh thoảng Biển nhìn thấy dải đất mờ xa ở cuối đường chân trời, Biển hỏi chú đó là đâu? Chú dừng tay gỡ cá trong lưới, đứng dậy sửa soạn áo quần, thắp ba nén nhang bái vọng về dải đất xa mờ. "Hoàng Sa!"  - Chú buông độc một câu như một lời thề vậy, chứ không phải như để trả lời câu hỏi của đứa cháu thất học. Biển, hậu duệ của những thủy binh trong đội Hoàng Sa thuở xưa, trí óc còn chưa khai mở, những đã cảm thấy thiêng liêng bởi hai tiếng "Hoàng Sa". Biển đã từng nghe người già trong làng kể chuyện, đã có biết bao nhiều người dân của làng đến đó mà không trở về... Đêm ấy, những ngư dân trên con tàu thoát nạn và Biển đã kể cho chúng tôi nghe cuộc đời đi biển đầy giông tố. Họ kể về cái làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn giờ đây vẫn còn các ngôi mộ gió do dân làng lập nên cho những đứa con của làng đã hi sinh ở Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước. Mỗi lần ra biển, họ đều đến thắp hương khấn vái cầu mong linh hồn bất tử những thủy binh hải đội Hoàng Sa tung hoành một thuở chở che họ vượt qua phong ba bão tố, gặp may mắn hanh thông trong chuyến biển dài... Họ kể, có những lần hải trình đi ngang qua Hoàng Sa, thấy dải đất mờ xa trắng bạc, tất thảy tàu thuyền đều tắt máy, thủy thủ xếp hàng ngang đứng trên bong tàu, thắp nhang vái lạy về phía mảnh đất lênh đênh ngoài khơi xa của Tổ quốc, nơi có thể còn đâu đó hài cốt tổ tiên của họ. Trong trái tim chai sạn một đời bão gió của họ dậy lên niềm thương cây nhớ cội, chợt thấy đau nhói một nỗi niềm... Họ rót chén rượu trắng, hai tay dâng lên trời, rì rầm lời khấn nguyện rồi đổ xuống biển xanh sâu thẳm, như mong được chia sẻ và tạ tội cùng tiền nhân...
          Sử liệu, thư tịch cũ viết rằng năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Vua chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị việc phái người ra dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165, đã chép rằng từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tấu Vua hằng năm cho cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê trong bản tấu của Bộ Công ngày 12-2-1836 rằng: mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, để làm cột mốc... Quyển 6, Đại Nam thực lục chính biên chép: Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, người làng An Vĩnh đưa binh thuyền đi, đem theo mười bài gỗ làm dấu mốc. Mặt bài khắc chữ: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ... Vẫn còn lưu truyền câu chuyện trong ký ức của các cụ già ở Lý Sơn, đó là cuộc ra đi hùng tráng. Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật đã dẫn đầu 5-6 chiếc thuyền ra biển Đông. Mỗi thuyền chở khoảng mười người với mười tấm bài gỗ và mang theo lương thực đủ ăn sáu tháng, đi suốt ba ngày ba đêm thì tới bãi Cát Vàng, tức quần đảo Hoàng Sa bây giờ. Cập vào đảo nào, họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ. Không ai nhớ Phạm Hữu Nhật đã đi được bao nhiêu chuyến, nhưng cuối cùng ông đã không về cùng với đội binh thuyền Hoàng Sa của ông... Nhưng cái tên ông đã được đặt cho một hòn đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa: Đảo Hữu Nhật, ở phía nam Hoàng Sa, diện tích khoảng 0,32 km2. Đảo có nhiều san hô, cỏ tranh. Vào mùa xuân, loài vích biển thường bò lên đây để đẻ trứng...
Mùa xuân năm ấy, trời yên biển lặng, nắng vàng tan chảy trên đồi cỏ tranh Hải Phòng, Hà Nội ở đảo Cồn Cỏ, đoàn ngư dân gặp nạn được chúng tôi cứu giúp bùi ngùi chia tay, trở về đất liền. Biển, nước mắt đã chảy, nói với tôi ở cầu cảng: "Sang năm em sẽ nhập ngũ, đi bộ đội hải quân!". Tôi hét với theo Biển trên chuyến tàu đầu năm: "Nhớ học chữ đã, Biển ơi! Không biết chữ, không đi bộ đội được đâu!". Rồi một thời gian trôi qua, một hôm, bất ngờ chúng tôi nhận được thư của Biển: "Em đang theo học lớp học tình thương, lớp 5 rồi các anh ạ. Ba của em cũng đã trở về, ông đã sống sót nhờ bám được một mảnh ván thuyền vỡ trong cơn bão, rồi được thuyền nước ngoài cứu nạn. Ông biểu em qua bên đó với ông, nhưng em không muốn, em ở đây đi biển quen rồi, em quen ở một mình rồi... Vả lại, em còn phải học nhiều chữ nữa, để đi bộ đội hải quân... À các anh ơi, ông Phạm Hữu Nhật, chánh đội trưởng hải đội Hoàng Sa mà chú em đã kể cho các anh nghe ấy, giờ mới biết chính là Phạm Văn Triều, người trong họ em đấy". Biển, chàng trai trẻ mang cái tên như chính cuộc đời nhiều sóng gió, cực khổ của em, đã làm cánh lính trẻ chúng tôi xúc động. Chúng tôi cử hạ sỹ Trần Công Thành, người "văn hay chữ tốt" nhất trung đội viết thư trả lời, tiếp tục động viên Biển vượt lên trong cuộc sống. Buổi chiều hôm ấy, xin phép chỉ huy, chúng tôi ra đứng trên mỏm Con Hổ, rồi đi dọc bãi biển Hi-rôn ở mạn đông Cồn Cỏ, phóng tầm mắt ra ngoài khơi xa. Chiều xuân gió biển dịu nhẹ. Một mảnh ván gỗ vỡ ra từ một con tàu bất hạnh nào đó. Một chiếc phao thủng, một cái muôi cơm bằng nhựa, dạt trên bãi cát san hô. Biển xanh quá thể, bất chợt một cậu lính trẻ nào đó buột lên hai tiếng "Hoàng Sa!". Chúng tôi dừng bước, và như những ngư dân trên chuyến tàu bị nạn năm nọ, đứng hàng ngang sát mép sóng biển, mặt hướng vọng về phía khơi xa... Trong tim ngân vọng hai tiếng Hoàng Sa. Hoàng Sa ơi, chúng tôi thương nhớ Người lắm lắm! 


 Đăng ngày 23/09/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: duc tiên - 23/09/2008

Bài tuỳ bút được viết  bằng những nghiền ngẩm tư duy vì thế đọc rất tâm đắc ! Chúc Trần Hoài có nhiều sáng tạo !
  Gửi bởi: qua đường - 23/09/2008

Ôi! Hoàng Sa giờ chỉ còn là dĩ vãng, nổi tiếc thương day dứt ngàn đời....
  Gửi bởi: chaudonghuong - 24/09/2008

Đọc bài viết về đảo và những người lính cháu lại nhớ Trần Đăng Khoa có bài thơ "Lính đảo hát tình ca trên đảo" thật hay. Tếu táo, chân thật, ngang tàng, bất chấp gian khổ...nhưng vô cùng sâu lắng, thấm đẫm tình đồng đội...  Cháu chép ra cho mọi người cùng đọc nhé. Cháu thích Trần Đăng Khoa cả trong thơ lẫn truyện nhưng anh này chỉ làm hại cháu thôi. Hồi bé vì TDK mà cháu bị một trận roi dâu tơi bời của mẹ. Đau đến mức tận giờ vẫn nhớ. Giờ mà gặp thế nào cháu cũng nắm áo cà sa (í quên! cà vạt) đòi bồi thường tổn thất về tình thần chú ạ. Hi,hi..
Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa

Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng
Sỏi đá bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn...

Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng... rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau

Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt ốc đây mà
Thôi lặng yên nghe. Có gì đang sóng sánh
Hoá ra là sư cụ hát tình ca

Cái giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhình nhau không rõ nữa
Cứ ngõ như đảo đá cất thành lời...

Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo
Gương mặt em dịu dàng. Hàng cây cũng tươi xinh
Mở mắt chung chiêng nghe lưng trời sóng vỗ
Và tay mình lại nắm lấy tay mình

Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Các em cao hay lùn? Có trời mà biết được
Bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh?
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước

Nào hát lên cho mấy nước biết
Rằng chúng ta là những con người
Yêu em thuỷ chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai...

Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển, người đâu lên đông thế
ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu...

  Gửi bởi: Lão Trang - 24/09/2008

Nhớ thơ thì giỏi nhưng gõ máy thì sai nhiều lỗi quá. Thế này rất đáng thêm mấy roi dâu nữa.
  Gửi bởi: chaudonghuong - 24/09/2008

Hi, hi...Đáng ăn thêm roi dâu thật chú ạ. Cháu gửi lại nha.
Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà

Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ

Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa.

Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng
Sỏi cát bay như lũ chim hoang

Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu

Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn...

Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc

Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau.

Có lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt ốc đây mà

Thôi lặng yên nghe có gì đang sóng sánh
Hoá ra là sư cụ hát tình ca.

Những giai điệu ngang tàng như gió biển

Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời

Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo

Gương mặt em dịu dàng. Hàng cây cũng tươi xinh
Mở mắt chung chiêng lưng trời sóng vỗ
Và tay mình lại nắm lấy tay mình
Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào
Tóc em ngắn hay dài? có trời mà biết được

Những bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước..

Nào hát lên cho mây nước biết

Rằng chúng ta là những con ngưòi

Yêu em thuỷ chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai

Nào hát lên cho đêm tối biết

Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây

Ta đứng vững trên đảo xa sóng gió

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này.


Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót

Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau

Ngoài mép biển người đâu lên đông thế
Ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu...


  Gửi bởi: Trần Hoài - 25/09/2008

Gửi Duc tiên: Cảm ơn bác Duc tien đã có lời chúc và khen ngợi...
Gửi Chaudonghuong: Đọc bài (tùy bút) của Trần Hoài nhưng lại khen (thơ) Trần Đăng Khoa! Nhưng ko sao, không đi mô ra ngoài họ Trần cả, hè?

  Gửi bởi: chaudonghuong - 26/09/2008

Hi, hi...Đọc xong bài viết của chú sở dĩ cháu phải lảng sang TDK là vì lúc đó cháu có nhiều tâm trạng ngổn ngang: vừa buồn vừa bực mình chú ạ. Buồn vì thương ông cha, thương từng tấc đất ông bà để lại..., bực vì buồn mà không thể làm gì. Cháu rất thích bài viết của chú nhưng không dám khen vì thấy tên chú là đã "khiếp" rồi. Khen chú biết đâu chú lại chẳng mắng cho "trứng mà đòi khen vịt". Hi, hi... Đúng không chú?
Cháu chúc chú khỏe và luôn viết được nhiều bài như thế!

  Gửi bởi: Lão Trang - 26/09/2008

Gửi chaudonghuong tồ : Bị hố rồi đồng hương ơi. Trần Hoài trẻ măng à, mà đẹp trai nữa..Hi hi..
  Gửi bởi: chaudh - 26/09/2008

He,he...không sao chú ạ. Vậy thì cứ gặp từ nào "chú" ta chuyển thành "anh", còn từ nào "cháu" thành "em"!Cùng lắm nữa thì cả 2 thành "cậu tớ". Cháu nhầm là tại bài viết hoài niệm như của cụ ông.Thế là vui cửa vui nhà và tình củm nữa.Đúng không chú? Hi, hi, hi...
  Gửi bởi: lê dân - 26/09/2008

gửi chaudonghuong:
Trần Hoài không phải...cỡi trần hoài/
Quân dung tươi tỉnh...đẹp trai, đàng hoàng/
Cháu đồng hương thích thì sang/
Mất chi đâu nhỉ?..lọt sàng... xuống nia!

  Gửi bởi: chaudh - 26/09/2008

Nghe nói là đã thích ghê
Nhưng sang cũng phải lễ nghi đàng hoàng
Đâu phải cứ thấy lọt sàng
Xuống nia là cứ chạy sang xem Hoài!

  Gửi bởi: Tiếp... - 26/09/2008

Gửi chaudh!
Đừng tin mấy chú đó nghe
"Đẹp trai" với "trẻ" có khi ...lỡ làng
Đừng dại mà để lọt sàng
Xuống nia là hết đàng hoàng nỗi chi
Chú chú cháu cháu cười khì
Bình dân vui thế "lễ nghi" không cần
Xa xa mà lại gần gần
Gần gần mà lại bần thần... rồi xa.








  Gửi bởi: chaudh - 27/09/2008

Xa xa...ta chạy lấy đà
Chạy về lại thấy hóa ra... gần gần
Gần gần rồi lại... bần thần
Bần thần lại thấy... lúc gần lúc xa.

  Gửi bởi: Tiếp... - 27/09/2008

Ra xa ... rồi lại lấy đà
Co chân lại chạy từ xa... tới gần
Tới gần ... sao vẫn bần thần
Bần thần ... mà ngỡ như mình còn xa
Sàng, nia ... giờ mới nhìn ra
Tọt  lên lọt xuống ...ôi cha! - Toi rồi


  Gửi bởi: THẰNG TỄU - 27/09/2008

Chỉ tọt lên, thọt xuống
Mà cũng phải lấy đà
Cả Trần Hà, Trần...Tiếp
Hóa ra cũng đã già!
Thương cháu Đồng Hương quá
Muốn tọt xuống thọt lên
Thì cứ nhờ anh Tễu
Thoáng cái là lên ...tiên!
Sướng rên!

  Gửi bởi: Trần Hoài - 27/09/2008

Trần Hoài cảm động vô cùng
Cháu đồng hương có com mèn (comments)... thiết tha!
Lão Trang thông báo quê ta
Có người trẻ mới... ngoài ba chục tuồi (tuổi)
Đẹp giai, sáng rỡ nụ cười
Lê Dân cảnh báo cuộc đời... dài ghê!
Sàng nia ơi hỡi sàng nia
Còn đâu thấy, vì bụi tre chặt rồi!
(Cảm ơn tất cả mọi người - Trần Hoài)

  Gửi bởi: Tiếp... - 28/09/2008

Gửi Tễu
Chú Tễu đọc lại thử xem
Vì xa ...nên mới 'tòm tem' lấy đà
Lấy đà... vì nó ở xa!
Phải đâu già trẻ. Nói ra... buồn cười!
Chắc là Tễu mới... đôi mươi
Chủ quan như Tễu là người quên ... thân
Mới đây nhờ khấn Lão Trang
Ở tiên Tễu mới lần đàng về đây
Uổng công của Lão Trang này
Lão ơi! Tễu lại muốn bay... lên trời
Lần sau vắng Tễu thì thôi
Mất công Lão khấn mấy hồi nữa đây?
Thoáng cái là lên... tiên. Ngay
Lấy ngay dây chuối... buộc tay Tễu vào...


  Gửi bởi: chaudh - 28/09/2008

Tiếc chi tiếc rứa Hoài ơi!
Bụi tre đã mất...thôi rồi còn đâu
Đẹp trai, trẻ tuổi, tài cao...

  Gửi bởi: chaudh - 28/09/2008

Xưa nay trong cõi người ta
Tọt lên, lọt xuống...có đà mới...hăng
Lên mây cũng cần thời gian
Đi đâu mà vội mà vàng...Tễu ơi!
Xem ra kém quá đi thôi!

  Gửi bởi: Tiếp... - 28/09/2008

Nghe chưa Hỡi chú Tễu ơi
Việc gì cũng phải... khơi khơi dần dần
Lên xe đâu cứ đành hanh
Mở cửa... nổ máy mới vần... chân ga
Đi đêm cần có cốt, pha
Leo dốc cũng phải ...côn ra... ga vào
Chứ đâu như Tễu ào ào
Nhảy lên một cái... là vào số ngay
Không đà ... sao chạy được đây
Cháu đồng hương nói: Lên mây ...từ từ!
Trẻ người non dạ thấy chưa
Bị chê là kém...chuối dưa nỗi gì

Hi hi hi... hi hi hi




  Gửi bởi: lê dân - 29/09/2008

Anh Tễu chỉ giỏi ...vơ vào
Rẽ bèo, vạt tép có đâu ...chắc mình?
Thiên hạ lắm kẻ đang rình
Cừu non sơ sẩy...là rinh ngay liền,
Chau dong huong dừng cả tin
Mất bò ...vì các bợm hiền đó nghe!

  Gửi bởi: chaudh - 29/09/2008

Thời xưa mới quý chú ơi
Trâu bò nay đã hết thời còn đâu
Biết bao ruộng lúa, nương dâu...
Chuyển sang trồng cỏ, nhà giàu chơi gôn
Bán bò mua được quần con
Đánh gôn vờ tập...nõn nường bày ra
Ơn trời lọt mắt đại gia
Tiền chùa nên tậu xe, nhà nhanh thôi.
...
Mẹ cha đã khổ nhiều rồi
Vậy nên cháu bán bò thôi...
Mua quần!

  Gửi bởi: Trần Hoài - 29/09/2008

Trần Hoài có nguyện ý được biết tên thật và địa chỉ e-mail của các nick đã commenst cho bài viết Thương nhớ Hoàng  Sa, xin chaudonghuong, duc tien, Lão Trang, Lê Dân, Tễu v.v... liên lạc với TH qua địa chỉ e-mail: tranhoaiqt@yahoo.com. Đây cũng là nick chat YM của TH. Cảm ơn nhà văn Xuân Đức và tất cả mọi người.
  Gửi bởi: THẰNG TỄU - 29/09/2008

Người quần này, áo nọ
Bác lại cứ ...Trần Hoài
Người ta xơi vụng ...phở
Bác cứ mần ...nồi khoai!

Ở giữa thời điện tử
Nháy chuột vào cõi mơ
Bác chùng chình, dỉn dỉn
Quên phận mình ...tô hô

Bác trần hoài, tôi khố
Có khác gì nhau đâu
Vài câu thơ rét mướt
Và gió trăng một bầu

Ước mai về Vườn trúc
Phô mình giữa trần ai
Xiêm áo mang đốt tất
Thành một hội Trần Hoài

Cháu Đồng Hương tươi nõn
Tiên giáng trần chẳng hơn
Lão Trang còng đứng thẳng
Trần Hoài, Tễu ...đi khom

Nào biết ai khỏe yếu
Ai thập thành, ngây thơ
Chúng ta cùng mơ mộng
Quên phận mình tô hô...

  Gửi bởi: chaudh - 29/09/2008

Gửi anh Tễu:
Bao ngày anh chạy đi đâu?
Em tìm anh khắp ruộng dâu, rãnh bừa...
Thất tình đang định lên chùa
Tìm xem sư cụ Khoa giờ nơi nao
Đòi bồi thường trận roi dâu
Năm xưa của mẹ vẫn đau đến giờ
Chẳng vì ân oán giang hồ
Mà vì thơ thẩn, thẩn thờ ...mà thôi
Gặp Khoa anh nhắn mấy lời
Anh mà đòi được cưa đôi anh hè?

  Gửi bởi: Moon - 30/09/2008

Mấy người nói chuyện tếu lâm
Em đây ngại quá âm thầm ngó thôi
Nào là bác cứ Trần Hoài
Nào là anh Tễu khố thôi không quần
Đồng Hương đòi mặc quần con
Hỏi ai còn mắt để nhòm nhân gian
Em can mấy bác ,mấy nàng
Nói hoang quá đỗi em hàng mất đây
Nào cà ,nào chuối ,nào cây
Sàng, nia,tre,hóp lên mây,xuống chùa
Của ai cất , giữ như xưa
Đừng đua cắt gọt cho vừa thế gian!

,

  Gửi bởi: Moon - 01/10/2008

Gởi anh Trần Hoài
Trần Hoài không phải trần hoài
Mà mặc quân phục hẳn hoi đó người
Đời sao cực lắm Hoài ơi
Đến con còng gió không nơi ẩn mình
Khe Sanh Hướng Hóa quê mình
Biên cương viễn xứ thân tình nhưng xa
Chiều chiều nhớ về quê cha
Mà như thương nhớ hoàng sa não nề
Sao không thấy ai trở về?
Chiều của ánh sáng chiếu về hoàng hôn
Thầy... nuôi dạy trẻ  trên thôn
Cô thì xin lửa nấu cơm bữa chiều
Ai cũng  ước một tình yêu
Để vui hạnh phúc sớm chiều bên nhau!
Anh Trần Hoài à!em hứng khởi tặng anh mấy câu thơ này tuy không hay nhưng thể hiện sự hâm mộ các tác phẩm của anh đó.

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan