Saturday, October 17, 2015

Tiến tới Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam

Tác giả: Xuân Đức

 xuanduc.vn: Bài viết này hơi dài đành đăng làm 2 kì. Tôi không có ý đọc bài này trong Đại hội Hội Nhà văn sắp tới, mà cũng đã chắc gì tôi được đến Đại hội với tư cách đại biểu. Vì vậy cứ thành tâm mà góp ý trước. nếu có gì đó gọi là đụng chạm thì mong quý lãnh đạo Hội thông cảm.
Cần có sự cải tổ sâu sắc về Mô hình tổ chức và lề lối hoạt động của Hội Nhà văn.

I- Điều gì là bất cập nhất của mô hình hội Nhà văn hiện nay ?
Những kì Đại hội trước, Hội Nhà văn thường được chỉ đạo Đại hội mở đầu các Hội. Nhiệm kì này có một sự đổi khác hoàn toàn, Hội Nhà văn tổ chức Đại hội sau cùng. Âu cũng là một cơ hội để mỗi hội viên có được thời gian suy ngẫm về tổ chức nghề nghiệp của mình đặng có thể góp thêm chút tâm huyết  cho tổ chức của mình ngày một tốt hơn, có hiệu quả và hữu ích xã hội hơn. Sự suy ngẫm nên tập trung vào việc xem xét lại nhiệm kì qua và kể cả những nhiệm kì trước nữa, tổ chức Hội đã thành công ở những việc gì, tồn tại cái gì, và trong cái sự tồn tại đó, cái gì là lình xìn nhất, bức xúc nhất, tạo nên sự phân rẽ của một tổ chức nghề nghiệp.
        Thành công của Hội là rất lớn. Có thể nói tổng quát là, Hội nhà văn đã tập hợp và động viên được một đội ngũ tác giả lao động sáng tạo hết mình vì niềm đam mê của cá nhân và cũng vì trách nhiệm với nền văn học đất nước. Ban chấp hành đã làm được rất nhiều việc, có một số công việc rất lớn đã tác động trực tiếp đên sự nghiệp sáng tạo của nhà văn. Trên cơ sở đó mà tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh và tạo nên uy tín lớn đối với tất cả những người có chí hướng sáng tác văn học...
        Tôi nói vắn tắt sự thành công để sau đây sẽ nói hơi dài những chuyện tồn tại, hoàn toàn không có ý chỉ trích rằng thành công ít hơn tồn tại. Bài viết này không phải là bản báo cáo tổng kêt nên không cần xét đến sự cân đối. Đây là những trở trăn, suy ngẫm. Mà đã là sự trở trăn thì chủ yếu là vì những điều còn bất cập.
        Tồn tại của Hội không chiếm tỉ trọng lớn nhưng trong đó có những tồn tại mang tính trầm kha của một căn bệnh. Bệnh quan liêu bao cấp, bệnh Nhà nước hoá tổ chức xã hội nghề nghiệp, bệnh uy quyền mang màu sắc đẳng cấp trong văn chương.
        Tôi xin nêu cụ thể một số tồn tại đến mức lạ kì.
        1) Về tổ chức Hội: Một hội nghề nghiệp bao gồm hầu hết những người có tài, có tâm, có nhân cách, lúc nào cũng tỏ ra cao sang, vậy mà đã qua 3 kì Đại hội ( 15 năm) không có kì nào bầu đủ một Ban chấp hành, thậm chí là quá ít ( chỉ 4-5 người) so với số lượng được Đại hội biểu quyết. Việc này nói ra ai cũng thấy xấu hổ, ai cũng tỏ rõ quyết tâm rằng đến Đại hội này phải bầu đủ, nhưng đến khi bỏ phiếu lại chả tín nhiệm ai, hoặc mỗi người tín nhiệm mỗi phách. Lần Đại hội tới liệu có khắc phục được không? Tôi dám cá cược rằng không.
         2)  Trong 9 hội nghề nghiệp, không có hội nào có sự tồn đọng đơn xin vào hội như Hội Nhà văn, không hội nào việc kết nạp hội viên lại quá phiền hà, qúa nhiễu nhương và quan cách như Hội Nhà văn. Và sự bất mãn lớn nhất, xì xào nhất, ấm ức nhất của những người cầm bút đối với hội chính là việc này. Có lập luận cho rằng hội đã đông quá rồi, nên hạn chế kết nạp. Lập luận ấy theo tôi là rất phi lí. Bao nhiêu là đông, bao nhiêu gọi là vừa? Hội Nghệ sĩ sân khấu bao gồm cả giới sáng tác, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật và cả diễn viên nữa có đến trên ngàn người. Hội Nhạc sĩ cũng vậy. Ở tỉnh Quảng Trị của tôi, tất cả các hội khác đều có từ 7 đến vài chục hội viên hội Trung ương, chỉ riêng hội viên Hội Nhà văn là vẻn vẹn có 3 người. Lập ra một tổ chức hội là để tập họp lực lượng, tại sao lại sợ đông? Hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh có đến hàng triệu hội viên thì sao? Lại có người nói, đó là những hội quần chúng, còn ta là hội nghề nghiệp. Vâng, thì là hội nghề nghiệp. Nhưng định nghĩa thế nào là nghề nghiệp? Ai có làm nghề, đang làm nghề và thực chất là làm được nghề, đang có đóng góp cho xã hội bằng nghề ấy thì nên tập hợp hết vào. Tại sao lại phải có thứ sát hạch tay nghề bằng những nhóm người cũng chỉ là những người làm nghề với nhau để kết luận anh A hay anh B có đủ tư cách vào tổ chức làm nghề không? Đó chính là căn bệnh Nhà nước hoá tổ chức xã hội. Nghĩa là, Hội Nhà văn đang biến thành một tổ chức hàng năm tự định ra "biên chế hội viên" rồi thực hiện tuyển dụng "công chức nhà văn" theo cảm quan đầy quyền lực của một nhóm người. Hội Nhà báo cũng là một hội chính trị xã hội nghề nghiệp. Nhưng quy trình kết nạp của họ đơn giản hơn hội ta nhiều. Tất cả những người đang hoạt động báo chí trong tất cả các cơ quan báo chí, có tư cách, phẩm chất đều được kết nạp, kể cả những người làm trị sự, cả những phóng viên ở các Đài phát thanh huyện ( không được công nhận là cơ quan báo chí) vẫn được kết nạp. Hội viên càng đông càng chứng tỏ được sự tập họp đầy đủ. Hội viên đông không ảnh hưởng gì đến uy danh của một hội. Nói thẳng ra, sự tự làm sang của hội ta đã làm mất đi rất nhiều niềm mến mộ của nhiều người vào tổ chức nghề nghiệp của giới ta.
         3) Sự hình thành quyền lực văn chương?
         Không phải chỉ đến mấy nhiệm kì gần đây cái gọi làquyền lực văn chương mới xuất hiện. Tệ nạn này đã có từ rất lâu, vào cái thời người viết văn còn ít, điều kiện giao lưu tiếp cận công chúng còn khó khăn thì Hội ( mà thực chất là ở Văn phòng Hội, các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội và của các cơ quan tương đương xung quanh Hội ) đã tự tạo rachốn cung đình văn chương với những khuôn mặt được coi là đại diện cho một nền văn chương đất nước. Vào thời điểm hiếm hoi trước đây, sự hình thành thứ vương quyền này còn có vẻ có lí, vì nhiều điều kiện lịch sử và xã hội, nhất là hoàn cảnh chiến tranh nên bên ngoài chốn cung đình kia rất ít người có điều kiện say đắm nghiệp văn, càng rất khó có môi trường để hành nghề viết văn.
         Nhưng với sự phát triển toàn diện, đa dạng và phong phú của đời sống xã hội cũng như đời sống văn chương như hiện này thì cái tư duy cung đình khật khưỡng kia đã quá lỗi thời. Ấy vậy mà cái bộ phận tự cho là " giới quý tộc" văn đàn kia vẫn ôm khư khư lối nghĩ và cách làm cũ. Nhiều người trong số họ không hề tự biết họ đang tự ảo tưởng với cái bóng của mình mà không hề nhận ra thân xác thật của họ.
         Nói cho công bằng thì trong mấy nhiệm kì qua, BCH Hội đã có những động thái để mắt đến số đông các nhà văn ở các vùng miền. Tuy nhiên rất nhiều việc làm còn mang tính hình thức, chiếu lệ và rất tác trách. Xin dẫn ra một ví dụ. BCH đẻ ra các Ban liên lạc vùng, miền, nhưng bản thân lại không hề tạo ra cơ chế gì để các BLL này có được hoạt động thiết thực. Sau đó lại thay các BLL bằng Liên chi hội? Thay để mà thay, việc hình thành Liên chi hội cũng chẳng có bất cứ sự thay đổi gì về vị trí, vai trò của các vùng miền. Đấy là chưa nói đến sự tác trách, quan liêu trong việc ban hành quyết định. Xin nhắc lại, BCH đã ra quyết định thế này : Thành lập Liên chi hội..( của vùng nào đó) bao gồm các ông bà sau: A..B.. Những nhà văn A,B có tên trong quyết định là những Nhà văn trong Ban liên lạc trước đó chứ không phải tất cả các Nhà văn ở vùng miền đó. Thực chất đây là quyết định cử Ban chấp hành Liên chi hội chứ không phải là thành lập Liên Chi hội. Đáng ra quyết định phải được viết: Nay thành lập Liên chi hội ( vùng , miền) bao gồm các nhà văn đang sống, công tác trên vùng miền ấy rồi sau đó mới cử BCH lâm thời gồm các ông bà có tên sau..Tôi đã kiến nghị với Văn phòng Hội nên làm lại quyết định nhưng chẳng ai để ý. Rồi cũng chẳng hề có một chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức cơ sở này hoạt động thế nào, nhiệm vụ quyền hạn ra sao..Tóm lại đây chỉ là một động tác giả vờ mà thôi.
       Tất cả chỉ là giả vờ. Cái duy nhất có thật là người ta đang duy trì mô hình Hội nghề nghiệp các nhà văn theo cơ chế tập quyền hình tháp. Phần đông đội ngũ nhà văn là cái cạnh đáy bát ngát, còn đỉnh tháp là vùng thiêng, là một không gian cung đình với quyền lực văn chương đất nước.
       Một vài đơn cử về các căn bệnh của Hội ta như trên đã dẫn đến sự sai lệch trong tôn chỉ hoạt động và những bất mãn, lủng củng trong tổ chức hội. Có thể nêu lên mấy việc như sau:
       Có đến gần nửa ngàn lá đơn của những tác giả có khả năng sáng tác, có đóng góp tác phẩm, có nhiệt tình với nghề văn và đang hoạt động văn học trên cả nước vẫn chưa được tổ chức hội kết nạp. Nhiều người đã làm đơn vài chục năm, trong số đó nhiều người đến nay đã khuất bóng mà vẫn không được thừa nhận là một thành viên của hội nghề nghiệp. Như vậy chúng ta đã làm sai tôn chỉ mục đích của một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Sai mục đích tập hợp và sai cả định hướng lập hội của Đảng.
        Vì cái quyền lực cung đình ấy trong văn chương dẫn đến sự sai lệch trong đánh giá, hướng dẫn dư luận xã hội và cũng tạo ra sự méo mó trong việc hướng dẫn dư luận xã hội đối với văn học. Hiện tượng rõ ràng nhất là những ai ở gần đỉnh tháp quyền lực, trong bán kính gần Thủ đô, quen biết, bù khú chơi bời với nhau thì tung hê nhau, điểm mặt nhau, quảng bá cho nhau. Rất rất nhiều những bài phê bình giới thiệu văn học trên báo chí, công luận chỉ quanh đi quẩn lại cũng chỉ điểm mấy gương mặt, mấy cuốn sách. Còn lại cả một mặt bể mênh mông của bao nhiêu công sực sáng tạo của rất nhiều nhà văn khác hầu như chẳng được giới thiệu nửa lời. Tuy nhiên, những người thường tung hê nhau ấy lại không biết được một thực tế này, ở các địa bàn, các vùng miền, những nhà văn vẫn tồn tại một cách sâu sắc trong lòng đọc giả. Chính đọc giả, quần chúng nhân dân đã thường xuyên tiếp lửa cho họ. Nếu không có điều ấy, nếu chỉ sống nhờ vào mấy bài tung hô của cánh hẩu thì số đông này đã bỏ bút từ lâu rồi.
        Cũng chính từ cái quyền lực cung đình ấy mà chúng ta đã tự tạo nên những nhu cầu ngược lại với nhu cầu sáng tạo. Đó là việc nhà văn tìm mọi cách để rời bỏ địa bàn xa mon men gần với chốn cung đình. Chưa đủ, tệ hơn là xao nhãng việc sáng tác để cố có chân trong tầng lớp quý tộc và chức sắc của Hội. Thế là sinh ra mất đoàn kết, bè phái, không chịu nhau, nói xấu nhau. Kết quả lại không bỏ phiếu cho ai cả...
( Mời bạn đọc theo giõi tiếp phần 2: Những kiến nghị..)

 Đăng ngày 02/03/2010
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Nico - 02/03/2010

Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng, nuốt cay thế nào...
Sau bài này, hẳn Trang Lào (Lão)
Bị đuổi khỏi hội văn hào nước ta.
Ha, ha...

  Gửi bởi: Người Tâm Huyết. - 02/03/2010

Khiếp! Nico mà còn dọa lão trang thế thì ai bênh vực lão Trang đây!!!!
Theo cháu nhưng lời nói thẳng nói thật thì dân chúng ưng cái bụng lắm. Nhưng liệu những đại văn hào đất kinh bắc có nghe hay không?
Nếu như những lời phát biểu tương tự mà không có tác dụng với những người làm công tác trong nghành, thì điều dễ hiểu là vì sao báo chí, sách vở phản ánh các vị tai to mặt lớn lại không để ý.
    Vậy thì đừng trách ông lãnh đạo nọ kia không chịu nghe ý kiến công luận qua báo chí...
'Nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt"
Ngay như tỉnh mình cánh cửa vào hội nhà văn, tiếp xúc với báo chí có nới rộng tý nào đâu. Tóm lại muốn vào đó phải quen biết, có thế lực, vị nể, ít ra cũng là những cây bút có hạng mới đươc quan tâm.
Nếu như BBT bảo chất lượng bài viết chưa đủ chất lượng để sử dụng, thì lấy cơ sở nào mà so sánh?
Vậy hội nhà văn Việt Nam trả lời:
Ở Quảng Trị có nhiều người viết được văn, thơ. nhưng để ngang tầm với những hội viên nhà văn nhà thơ khác của Việt nam thì chưa. vậy thì ta tính làm sao.
Từ ngày thành lập tỉnh tới giờ chỉ có 3 hội viên hội văn học Vn tại QT.
Vậy hội VHNT Quảng trị phát hiện bồi dưỡng được mấy hội viên vùng sâu vùng xa để vào HVHNT Quảng Trị. Hay cũng chỉ loanh quanh Đông Hà mà thôi.


  Gửi bởi: Rau Liệt - 02/03/2010

Ni co chẵng biết đó thôi
Nước Nam có một cái hồi thật ghê
Vào được thì không phải dê
Không dê nhưng cũng muốn đề cho oai!

  Gửi bởi: Nico - 03/03/2010

Lão Trang mà bị đuổi ra
Con đây xắn váy tiến ra Hà Nồi (Nội)
Mần chi thì cứ để coi
Con thề là sẽ vô Hồi (Hội) nhà văn
Bác Thỉnh vuốt tóc cười, rằng:
Lần đầu tu nữ ghé thăm Hội nhà
Có chi thì cứ nói ra
(....và sau nghe trình bày...)
Thế a? Láo! Láo! Hồi nào? Khi mô?
Lão Trang...Híc..híc...tội chưa...
Alô! Thế hả? Đứa mô? Thằng nào...
 Thôi tu đừng có ồn ào
Về đi ..anh sẽ cho Lào (Lão) vô Hôi (Hội)
Khi mô tu rỗi ghé chơi
Núi kia còn phải mòn thôi nữa là
Anh đây còn thịt còn da.
Ha,ha... (Khi mô có điện Nico viết tiếp nha! )

  Gửi bởi: Nico - 03/03/2010

Chiều nhuộm anh tím... cà sa nhuộm vàng
Sóng kia chưa chịu dừng chân
Thì anh vẫn cứ làm quan đến cùng
Hội này là Hội nhà văn
Chức năng là nói chứ mần chi mô
Hội viên thì tả pí lù
Thơ văn cũng lắm, nhảy dù cũng đông
Chúng đang tay búa, tay gươm
Anh mà về nghỉ, chúng dần nhừ xương
Vắng buồm biển thấy cô đơn
Vắng anh là chúng ngoác mồm chửi anh
Thôi tu đừng xắn váy lên
Tội anh, tội cả thanh danh Hội nhà.


Hic, hic…

Nghe lời bác Thỉnh giải bày
Lòng tu nữ cũng lai rai thấy buồn
Thôi còn biết nói gì hơn
Le te cắp nón lên đường về quê
Nam Mô Di Lặc có nghe
Phù hộ bác Thỉnh sức khoè (khoẻ) ngồi thêm.
Ngồi lâu, ngồi mãi, ngồi bền
Bao giờ chúng chết, bác xin về hừu (hưu).


  Gửi bởi: Q. A T - 03/03/2010

Phen này Lão Trang ra Hà Nội
Bị mấy ông la cũng đúng rồi.
Có khi phạm húy còn bị đuổi
Khỏi hội nhà văn chết ... bỏ bà.
Quảng Trị nhà ta ba người lặng
Nếu văng một người... ui chết cha

  Gửi bởi: Trần Đức Tiến - 11/03/2010

Bác Xuân Đức ơi,
Em mới đọc phần 1, phần 2 sẽ đọc ngay sau đây, nhưng đã thấy bác có mấy chỗ nhầm:
1. Đại hội Nhà văn VN, theo em nhớ, hầu hết là được tổ chức sau cùng (sau Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh...) chứ không phải đến lần này mới được "chỉ đạo" tổ chức sau đâu bác ạ. Ít nhất thì em cũng dám cam đoan lần VI, lần VI là sau (sắp tới là lần VIII).
2. Cái quyết định thành lập Chi hội nhà văn (các vùng miền) của bác ghi thế nào, chứ Quyết định thành lập Chi hội nhà văn VN các tỉnh miền Đông Nam bộ (mà em đang có trong tay) không ghi thế. Cụ thể: "Điều 1: Thành lập Chi hội nhà văn tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Điều 2:....), tóm lại là không có điều nào ghi tên một số nhà văn nào. Sau khi Chi hội NVMĐNB được thành lập, mới tiến hành đại hội Chi hội, và bầu ra Ban Chấp hành (bằng hình thức bỏ phiếu kín). Sau đó, BCH Hội Nhà văn mới ra quyết định công nhận BCH Chi hội.
3. Bác lưu ý sửa lại một số lỗi chính tả trong bài nhé.

  Gửi bởi: Xuân Đức - 11/03/2010

Gửi Đức Tiên: Cái Chi hội Miền Đông mà Tiên nói nó có trước vì ở đó quá ít NV. Còn các khu vực khác là Chi hội NV các tỉnh. Sau đó hình thành các Ban liên lạc khu vực. Lúc đầu cả Miền trung ( từ Thanh hóa vào tận Bình Thuận là một vùng, sau thấy " không thể liên lạc" được nên chia 2). Được một nhiệm kì, theo đề nghị của mình, Ban liên lạc chẳng làm được gì nên hình thành Liên chi hội. BCH nhất trí, nhưng đáng ra phải thành lập Liên chi hội đã rồi mới chỉ định BCH, đằng này Hội lại ra quyết định như mình đã nói trong bài viết.
Còn chuyện Đại hội thì đúng như mình đã nói đó. Mình là hội viên từ năm 1982, đã dự 4kì ĐH rồi mà..

  Gửi bởi: Dân Trần - 12/08/2010

NGỘ NHẬN
(Hội nhà văn nhà veo)
Có những kẻ che mặt trời để đốt đuốc lên
Vỗ ngực bảo ta là người đưa đường chỉ lối
Nhưng có ngờ đâu càng đi càng thấy tối
Loanh quang hoài mà chẵng tìm được lối ra...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan