Thursday, October 15, 2015

TIẾNG LẦM XẦM TRONG HẦM NHÀ XÁC


Tác giả: Trần Hữu Đạt

Người ta đồn, người ta kể với nhau rằng: Tại một cái nhà xác của một bệnh viện nọ, thỉnh thoảng, trong những khoảng khắc thanh vắng, lại nghe thấy tiếng rầm rầm cầu khấn... phát ra.



          Thoạt đầu câu chuyện nghe có vẻ huyền hoặc không ai tin, nhưng lâu ngày cứ lan truyền và thêm thắt vào. Thành ra càng ngày, càng thêm bí hiểm và đợm vẻ huyền thoại. Tất nhiên có kẻ lại quả quyết rằng:



          “Ở trong một cái nhà xác mông quạnh, sát ngay nách của một bệnh viện tuyến huyện, thì điều đó là không có gì lạ. Vì ở đó luôn có một Lao công chuyên lo chuyện quét dọn và chăm sóc phần hồn cho những kẻ xấu số. Tiếng lầm xầm phát ra đó, có lẽ là tiếng lầm bầm của ông Lao công lúc đang làm việc một mình, hoặc cầu nguyện cho những kẻ đã khuất...

          Nghe ra cũng có lý, nhưng ngay cả những người dân quanh đó và cả một số nhân viên y tế của bệnh viện cũng kể lại rằng: “Tiếng lầm xầm thường phát ra nhiều nhất vào những lúc thanh vắng. Lúc mà lão lao công bận việc ở nhà, hoặc đau ốm gì đó...

 Đặc biệt, vào những hôm người lao công vắng mặt lâu ngày, thì tiếng lầm xầm càng vang lên dữ dội không bao giờ hết. Mới thoạt nghe thì tưởng như tiếng người đọc kinh.”

 Nhưng nếu chăm chú nghe kỹ, thì nó có vẻ khàn khàn, ran rát... y như là tiếng rên la, trách móc, lẩm nhẩm... của một ai đó đang đọc lời khấn là chính xác hơn.”

Nghe đồn đại thì nhiều, nhưng nếu ai đó vừa tò mò, vừa gan dạ, muốn tiến sát hơn, để tỏ tường... Thì khi đến gần trong vòng hai mươi mét, thì tiếng lầm rầm lập tức liền tắt biến...

          Những người nghe thấy, đều khẳng định rằng: “Phải đợi đến thật khuya và phải nằm ở gần khu tiệt khuẩn, nhà giặt giũ cách đó chừng năm mươi thước, thì mới có thể nghe thấy.” Tuy nhiên ở một khoảng xa như vậy thì người ta chỉ nghe thấy tiếng thôi, chứ thực sự là để phân biệt được chính xác là cầu nguyện lầm xầm, hay là tiếng của bầy chuột rúc rích, chí chóe thì cũng rất khó...

          Cái Hiền phụ trách khoa tiệt khuẩn của bệnh viện thì quả quyết rằng:

          “Thật mà, tôi nghe rõ tiếng có người cầu nguyện thật mà. Lại là tiếng khàn khàn của một người đàn ông nữa chớ. Thỉnh thoảng, tôi còn nghe vang kèm theo tiếng leng keng như thể một vật kim loại, đang đánh vào một vật kim loại khác. Đôi khi còn lẫn cả tiếng gõ lốc cốc đều đều của một vật chi đó, va vào một vật chi đó bằng gỗ. - Nghe như là tiếng mõ ấy. Nhưng chắc chắn không phải là tiếng mõ của thầy chùa tụng kinh. - Như mỗi lần người ta vẫn mời họ đến đây làm lễ đây cầu siêu cho một ai đó. Bởi thứ tiếng này, không vang và nghe có vẻ rất nhẹ lắm.”



“Xào! Nghe gì cái con nhát vía đó.” - Một số người dẫu môi bảo. Nhưng cũng rất nhiều người tin là có thực. “Có... người ta mới nói chứ!” Mà xem ra cái Hiền chả có duyên bịa chuyện tý nào cả, nên người ta tin là phải.

 - Quả là thần hồn nát thần tín. Nhìn gà hóa cuốc, nhìn quạ hóa công. Tiếng đó phát ra từ trong cái đầu yếu ớt của cô ấy.

          Cách giải thích này xem ra cũng có lý.

 Nhưng đến khi câu chuyện ấy lại kể ra chính từ miệng của một nam bác sỹ vốn có tiếng là gan dạ, thì người ta lại nghĩ khác:

          “Chắc sự can đảm cũng có giới hạn của nó. Sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi, nên ông ta đâm ra hoang tưởng.”

“Hừ! Cái bệnh mà tất cả mọi người đều mắc - khi tuổi tác, thể chất đã suy sụt ấy mà. Mà lạ thay, người bị bệnh ấy, không biết là mình đang mắc bệnh mới oái oam chứ!” Ông ta còn quả quyết rằng:

 “Khi tôi rón rén tiến lại gần, để nghe cho rõ, thì tiếng cầu nguyện bỗng im bặt! Một lần, thì nghĩ là do mình bị ám ảnh, nên tưởng tượng ra. Nhưng đằng này đến ba lần, chắc chắn là tôi không nhầm.”

 Người ta bảo:

 “Ông Nên là trưởng khoa phẫu, có trách nhiệm gì mà đến khoa tiệt trùng vào lúc nửa đêm, nửa hôm khuya khoắt thế? Chắc lại đi dê cô Hiền, bị cô ấy đạp ra, nên nói khỏa lấp đi chớ gì?”

 Lão trưởng khoa phẫu, rận mặt lên ngượng nghịu.

 Hiền mới ngoài ba mươi tuổi, mà chồng thì bị chết do tai nạn xe máy, hơn hai năm nay. Cô ấy còn sung sức và mặn mà lắm. Cứ mỗi lần vút xe qua, là bao thằng đàn ông lại ngơ ngẩn ngó theo. Đã thế gương mặt trắng hồng luôn gợn lên nụ cười gần gủi, nên ai cũng muốn yêu, muốn gắn bó...

 Quả là lão trưởng khoa, cũng còn đủ sức để đáp ứng được ham muốn của những người phụ nữ trẻ như Hiền. Nhưng ông ta không phải đến khoa tiệt khuẩn để “dê” Hiền. Mà muốn xác minh lại chuyện thật hay bịa.

Với lại cả tháng nay, bồn cầu của phòng ông bị hư, chưa sửa chữa được. Nên Ban giám đốc đã xếp cho ông ở tạm vào cái phòng nhỏ đằng sau nhà tiệt khuẩn. Để tranh thủ ngã lưng xuống đó. - Vào những đêm trực, mà không có việc. - Lãnh đạo vốn ưu tiên cho những cán bộ có chuyên sâu và nhiều thâm niên mà lại.

Nơi đó vừa yên tĩnh, vừa thoáng đãng. Quá là một nơi quá lý tưởng đối với ông,  nên ông chả ngần ngại nhận lời ngay.

Nhưng...không ai ngờ là ông lại hùa vô, bịa những chuyện đâu đâu để hù dọa thiên hạ, tuyên truyền cho những trò mê tính dị đoan...



Hay là giữa lão Nên trưởng khoa ngoại và Hiền có vấn đề chi, nên muốn tạo ra một bức bình phong trong những đêm hôm như vậy? Bởi lão thì dư tiền, mà Hiền thì thiếu thốn tứ bề, lại thừa nhan săc...

 Không! Chắc chắn là không! Bởi Hiền chả dại gì mà dính vào cái lão đã có con lớn bằng tuổi mình ấy. Với lại, vợ của lão ta đang sống kè một bên có khi nào để lão sổng ra có một giây đâu.

Đằng này, tuy là một đời chồng, nhưng so với con gái xuân thời, thì khối đứa phóng mô tô đuổi theo Hiền không kịp về mặt hình thức lẫn nết na...



Vậy là có lẽ là lão ta nói thiệt. Và rất nhiều người đã tin. Cuối cùng Ban lãnh đạo bệnh viện đã phải nhiều lần họp và nhắc nhở cán bộ:

 “Các đồng chí đừng đơm đặt chuyện huyền hoặc, không có lợi cho bệnh viện nói chung và trái với phẩm chất của người cán bộ y tế nói riêng.”

Thế nhưng... họ không thì thầm trước mặt cán bộ, thì lại rỉ tai nhau, đem ra đàm tiếu ở chổ khác...



Thiếu chi nơi, nhất là xa nhau lâu ngày cần có câu chuyện làm quà cho ai đó, hay với chồng con, bạn bè...



Mà lạ thay, cái gì phô ra thì không ai thèm ngó tới. Mà những cái úp úp, mở mở, mờ mờ, ảo ảo... thì lại gây được sự chú ý của nhiều người.



Những vấn đề muốn tuyên truyền như: Thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đã chuyển biến ngày một tốt hơn. Trang thiết bị được đầu tư thêm nhiều phương tiện hiện đại, có thể phát hiện ra bệnh ngay, chính xác đến từng li từng tí... Hoặc là thuốc men đầy đủ. – Có thêm rất nhiều nhóm mới, chữa được lắm bệnh nan y... thì chả ai tuyên truyền cho. Đằng này chuyện cấm, chuyện bịa thì cứ lan truyền một cách vô thưởng vô phạt...

 Ban lãnh đạo bắt buộc phải gọi ông Nên trưởng khoa phẫu lên hỏi lại cho rõ nguyên do.

Lão vẫn khăng khăng là:

 “Có thật một trăm phần trăm đấy. Các đồng chí không tin, thì xuống trực tiếp  vài tuần, thế nào cũng bắt gặp!”

 Cả giám đốc và hai phó giám đốc, bí thư chi bộ đều nhận định: Lão này bị mắc căn bệnh hoang tưởng rồi. Cần áp dựng chế độ bắt buộc đi khám chữa bệnh ngay. Thế là Lão trưởng khoa phẫu phải chấp hành, đi lên các bệnh viện lớn kiểm tra về thể lực sức và trí não.



Nhưng kỳ thay, dù đã dùng tới các phương tiện hiện đại như Citi - scane (chụp cắt lớp) Điện não đồ, Lưu huyết não... Song nơi nào cũng khẳng định sức khỏe ông rất tốt. Thần kinh trí tuệ còn đủ sức phục vụ thêm nhiều năm nữa.

 Lão về. Bực bội vỗ một đóng hồ sơ bệnh án trước mặt ban giám đốc:

- Các anh muốn tôi về hưu sớm, hay chuyển viện nhường chổ cho một ai đó, thì nói một tiếng. Hành hạ nhau kiểu đó, có hay ho gì đâu!



Ban giám đốc phải năn nỉ, xin lỗi mãi, rồi buộc phải để cho lão làm việc lại như cũ.



Thế nhưng, dư âm về tiếng lầm xầm lạ trong nhà xác vẫn không hề biến mất.

 Bất lực, người ta phải mời một đoàn gồm các nhà khoa học, nhà báo, nhà quay phim... về tìm hiểu, giải thích, để trấn an công luận. Sau mấy ngày kiểm tra, rà soát kỹ từng chi tiết một.

Người ta cũng đã phỏng vấn riêng tất cả những nhân chứng, từ lao công, cho tới cô Hiền, bác sỹ Nên, bảo vệ, vân vân và vân vân...



Đoàn cũng áp dụng biện pháp: Bắt lão lao công, không được bén mảng đến gần nhà xác trong vài ngày. Họ đặt những thiết bị dò tìm các tín hiệu điện tử lạ như máy ghi âm, loa cực nhỏ - công suất lớn... Nhưng tất cả đều trả lời bằng con số không.



Cuối cùng người ta đi đến kết luận:



“Không có dấu hiệu và không thể tìm ra các thiết bị điện tử, bán dẫn hoặc thô sơ có thể phát ra âm thanh trong nhà xác.



- Không có dấu hiệu người, hay động vật biết nhại tiếng người, đêm hôm lọt vào đó để phát ra âm thanh tương tự. Vì nhà được đúc bằng bê tông cốt thép, cửa sổ có song sắt chắc chắn. Cửa sổ nào cũng hai cánh gỗ lim bên ngoài và cánh cửa kính, khung nhôm trượt bên trong.

 Không có dấu hiệu chìa khóa lạ tra vào ổ khóa chính. Bốn chung quanh, không có dấu hiệu của sinh vật lạ đột nhập vào

 Hiện tượng phát ra tiếng lầm rầm trong nhà xác của bệnh viện Xê, vào những lúc đêm khuya thanh vắng, là do sự trùng hợp của kết cấu vật chất và hiện tượng vật lý một cách ngẫu nhiên.

Ví dụ:

 Các thiết bị như lư hương bằng đồng, tam sự, ngũ sự, chén dĩa, quạt, điều hòa máy làm lạnh, thiết bị phòng chống cứu hỏa, bóng đèn compac... Và đôi khi cả dụng cụ vệ sinh, xi măng, sắt thép, vôi vữa... nữa. Tất cả được xếp đặt bố trí quá phù hợp. Vô hình dung biến thành một cái máy ghi âm. Nó đã ghi âm lại tất cả tiếng khóc than, lời nói... của người nhà những kẻ xấu số.

Khi gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết độ ẩm, nhiệt độ... Tức khắc, các “rãnh âm thanh” đó hoạt động và phát ra thành tiếng.



Cũng có khi: Lơ lững trong không gian của nhà xác, chứa rất nhiều các hạt bụi đặc biệt. Vì cấu trúc của nhà xác rất chắc chắn, nên các hạt bụi đó không thoát ra ngoài được. Cũng như giải phóng điện tích sang các vật thể khác được.



Dưới tác động của tiếng ồn, làm rung động những hạt bụi bị nhiễm điện tích nói trên. Lập tức, những hạt bụi này (Ngừng lại một chút, ông trưởng đoàn giảng giải thêm) Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng: Loại hạt bụi mang điện tích, thì nơi nào cũng có. Nhưng hàm lượng không đáng kể. Nên không thể xảy ra hiện tượng lạ. Riêng hàm lượng loại hạt bụi này, ở nhà xác bệnh viện Xê (C), rất dày đặc. - Vì bị tích lũy lâu ngày.) E hèm... (Ông tiếp tục đọc) Những hạt bụi mang điện tích nói trên, dưới tác động của âm thanh, bị nén chặt vào những rãnh trầy xước, của các vật liệu như tường, trần, lư hương... và lấp đầy các rãnh đó lại đến mức hoàn thiện.

 Khi gặp điều kiện thuận lợi, lớp bụi đó dao động, âm thanh lập tức được giải phóng ra. Nguyên lý y như cái đĩa ghi âm của những thập kỷ trước vậy.

“ Cách giải thích đó hoàn toàn có lý. Nhưng cách khắc phục?” - Một cán bộ bệnh viện hỏi.



Ông trưởng đoàn nhìn một lượt toàn thể hội trường, uống một ngụm nước, rồi tự tin nói tiếp:



- Thông thường... chỉ thay đổi một vài chi tiết, thì âm thanh bị biến mất. Tức là ta đã phá hỏng thiết kế của một cái máy ghi âm. Nó bắt buộc sẽ phải ngừng hoạt động. Nhưng nếu do các vết xước trên các đồ vật, tường trần, nền nhà... cộng với lớp bụi thời gian phủ lên... mà tạo ra, thì phải mất công lắm. Đôi khi phải vứt hết chúng đi, mới loại trừ được những dư âm trên.”



-         Thật khó khăn. Thôi thử làm bước một vậy! - Ông giám đốc nói.



Thế là người ta liền cho lau chùi lại tất cả đồ trong nhà xác và rửa nó bằng một lần cồn tiệt trùng cực mạnh. Đồng thời cũng tiến hành phủ lại lớp sơn tường cho sáng hơn. - Tất nhiên là những hạng mục tốn kém, thì người ta không hề đả động tới.



Vài tuần sau, tiếng lầm xầm vang lên từ nhà xác biến mất. Nhưng chưa đầy một tháng sau. Dư âm lại lan ra. - Có vẽ mãnh liệt hơn nữa.



Ban Giám đốc đã phải cử người xuống nằm tại phòng của bác sỹ Nên để xác minh.



 Ông giám đốc tuyên bố:



- Tôi có nghe thấy tiếng lầm xầm, khàn khàn như tiếng khấn của một ai đó. Nhưng tôi nghĩ: Thứ tiếng ấy chắc chắn là không phát ra tại nhà xác, mà trong cái đầu hư hỏng của tôi. Vì vào giờ đó, tôi cứ chăm chú để nghĩ đến nó.



Tất cả đồng tình với nhận định của ông giám đốc.



Thế nhưng có một điều dưỡng nam không tin vào tất cả. Anh ta lén đặt vào nhà xác một cái máy ghi âm có hẹn giờ. - Máy chỉ hoạt động từ lúc 21 giờ cho tới 6 giờ sáng rồi tự ngắt.

 Thật bất ngờ, đến ngày thứ 3 thì mọi kết quả như ý. Anh liền cầm cả cái máy ghi âm lên giao cho ban giám đốc.

 Âm thanh phát ra lạo xạo, rồi như có tiếng bước chân người đi rất khẽ. Bỗng... một giọng nói khàn khàn cất lên. Thoáng nghe như tiếng người khóc, than thân trách phận... Lâu lâu tiếng nói ngừng lại và chêm vào đó vài tiếng keng keng, tiếng cốc cốc - như tiếng chiêng, tiếng mõ ...

- Quả là đúng rồi! Không nghi ngờ gì nữa. - Ông cán bộ tổ chức nói vẻ thành thạo. - Ngày trước, người ta có mời một ông sư đến tụng kinh gõ mõ ở đây. Các hiện vật đã lưu lại tín hiệu, nay lại phát ra đấy mà.

- Nhưng... nghe cho kỹ thì đây không phải bài tụng kinh của Phật giáo, mà là một cuộc nói chuyện lộn xộn. -Nam điều dưỡng cãi.

 Giám đốc trừng mắt quát:

- Anh này. Sư tụng hay dân tụng, nó đều ghi âm cả. Thôi! Được rồi! Cảm ơn anh đã cho tôi một bằng chứng sinh động.

Thế rồi, mọi việc lại diễn theo chiều hướng xấu. Namđiều dưỡng anh dũng nọ, buộc phải nghỉ việc. - Vì tội gây ra dư luận xấu, làm dao động, gây hoang mang tâm lý cho anh em trong đơn vị.

Người ta lại càng khẳng định: “Hiện tượng nhà xác có ma, là thật trăm phần trăm!”.



Một đồn mười, mười đòn trăm. Người dân nghe thấy bán tín bán nghi, mặc dù bất đắc dĩ lắm, họ phải đến bệnh viện. Nhưng rất sợ phải nằm ở những phòng ở gần nhà xác. Một số ít bệnh nhân, cả điều dưỡng bác sỹ trực, cho tới bệnh nhân, đều lo lắng không dám ngồi một mình trong phòng. Nhất là những khi chợt thoáng mất điện. Mà số bệnh nhân nội trú thì ít.



Người ta đề xuất là nên tăng cường số người trực trong một ca lên. Hoặc phải bố trí có cả nam lẫn nữ. Đã thế, nhiều khi cần việc đột xuất, người Ban giám đốc điều động trúng nhân viên nữ, là phải cho người đến tận nhà hộ tống, họ mới chịu đi cho.

 Thậm chí ngay cả những cuộc họp chi bộ, nữ công, Đoàn viên... đều phải tổ chức  vào ban ngày. Vì nếu tổ chức vào ban đêm, thì vắng rất nhiều người.

Bệnh nhân cũng rất lo lắng, họ không muốn nằm ở bệnh viện Xê nữa, mà tìm cách chạy đi nơi khác. Có người ngày thì đến bệnh viện, nhưng đến chiều thì cứ nằng nặc xin về. Thậm chí có bệnh nhân nữ, vì sợ quá  mà cứ ngồi trước cửa phòng trực bác sỹ, khóc hu hu suốt đêm...

Nhưng riêng ông lao công thì chả sợ. Ông bảo:



- Ma thì đã sao? Nó có hại gì ai đâu. Tôi tin khoa học đúng. Nhưng vì bệnh viện ta chưa có kinh phí để nâng cấp cái nhà xác, thì ta phải sống chung với ma vậy.



Mọi người lại yên tâm công tác. Nhưng dù sao trong lòng vẫn băn khoăn ấy náy mỗi khi đến phiên trực. Có nhiều nhân viên nữ đã cạy cục để được chuyển công tác sang bệnh viện khác.

 Bẵng đi một thời gian vắng mặt, nay Nam điều dưỡng trẻ lại đột ngọt xuất hiện với các đĩa vi đio trong tay.

 Khi người ta cho đĩa vào máy vi tính, thì tất cả mới giật mình.

 Vào lúc thanh vắng, không gian hoàn toàn tĩnh lặng. Nhờ ánh sáng của mấy bóng đèn leo lét trên bục thờ rọi xuống, mà người ta vẫn nhận ra đồ vật trong nhà xác hiện ra mờ mờ. Đêm về khuya, không gian yên tĩnh đến nỗi, người ta có thể nghe thấy tiếng tắc lưỡi của con thạch sùng bám đâu đó vang lên: Chách... chách... chách...

Một tiếng động khẽ. Rồi từ trong một ngách nhỏ, một bóng người mặc bộ đồ trắng xuất hiện. Hình như là một người mặc một bộ đồ trắng thường dùng để khâm lượm  cho người chết thì phải.

 Không lẽ lại có một cái xác chết nào sống lại.

 Không! Không thể! Bởi tất cả những người xấu số phải đưa đến đây đều được gia đình đến nhận và chôn cất tử tế. Hay là hồn ai đó hiện về... Có lẽ là như thế bởi thiếu chi kẻ lúc ra đi, người nhà đã không làm đúng thủ tục nên hồn họ còn vất vưởng nơi trút hơi thở cuối cùng...

Với dáng gầy guộc... Cái bóng đi rất nhẹ nhàng, sờ soạng trong đêm tối. Nó ngừng lại một chút, như để nghe ngóng, định hướng... Rồi lửng thửng đi đến chỗ bàn thờ, quờ tay tìm đồ cúng trên đó và bóc ăn ngon lành.



Lần này thì lão lao công không chối được nữa.

 Lão kể:

“Ngày trước, nhà xác có một cái tầng hầm dùng để đựng quan tài dự trử và một số thiết bị cũ nát.

 Sau khi nâng cấp, nhà xác làm lại nền, lát thêm gạch hoa, nên không dùng tới nó nữa. - Bởi vì ngày nay nếu cần, thì gọi một tiếng là các nhà mộc chở áo quan tới ngay.

Các ông thợ nề đến sửa chữa nền nhà, đã cẩu thả, không bít cửa lên xuống của tầng hầm, đúng như yêu cầu của ban giám đốc.



Đáng lẽ ra phải nối sắt đúc bê tông vào đó, thì các ông lại sáng tạo đúc riêng một tấm bê tông vừa vặn, khép hờ lại, rồi dán gạch lên. Thành ra tầng hầm vẫn còn cửa lên xuống và bị bỏ phí bấy lâu nay mà chả ai biết. Bởi vậy cũng chả ai thèm để ý đến, để tận dụng nó vào bất cứ việc gì.



Tiếc của, nhưng lão lao công cũng chỉ thỉnh thoảng lên xuống quét dọn cho sạch sẽ mà thôi.

 Một hôm, lão gặp một gã mù ăn xin đến nhà. Cho tiền và thức ăn rồi, mà lão cứ băn khoăn mãi. Bởi nếu ông này có của, mà không ai nấu cho ăn thì cũng... chết đói.

Thế là lão mạnh dạn đem hắn ta dấu vào dưới tầng hầm của nhà xác bệnh viện. Ngày ngày, lão tiếp tế cho hắn ta ăn uống.

 Nhưng có khi, cái mũi của gã ta đánh hơi thấy mùi thức ăn lạ. Hắn tự bật nắp hầm lên, mò mẩm đi tìm đồ cúng ăn trong bóng tối.

 Lão lao công phải dặn hoài, lão mù mới biết canh chừng chờ khi không gian yên ắng mới mò ra kiếm ăn.

Nhưng thỉnh thoảng, lão mù lại bắt chước đánh chiêng, gõ mõ bằng bát đũa rồi lầm xầm khấn và cho người đã khuất. Tiếng của lão khàn khàn, lại nén nhịn lâu ngày, nên phát ra chẳng khác chi tiếng ma, cho nên mọi người đã lầm tưởng.



- Bây giờ ông tính sao? - Giám đốc bệnh viện hỏi.



- Tui tính, nếu đuổi ông ta ra khỏi bệnh viện, thì ông ta chết mất. Chi bằng... để ông ta ở lại, phụ giúp tui một số việc, rồi nuôi cơm ông ta là ổn.



- Đồng ý! Hóa ra từ trước giờ, mấy cô cấp dưỡng bảo: Lão lao công thế mà ăn khỏe, bữa nào cũng thấy lão nhận một cà men cơm đầy, thế mà ăn hết nhẵn.




                                                    Hết.

                                                          11/4/2013

                                                                                       

 Đăng ngày 08/01/2015

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan