Saturday, October 3, 2015

VĂN VÀ ĐỜI VÀ..( tiếp chương 1)


Tác giả: Xuân Đức

( Tiếp Chương 1)


Tôi có rất ít ấn tượng về mẹ. Mẹ mất sớm, lúc tôi chừng 3 hay 4 tuổi gì đó. Tôi chỉ nhớ đúng hai sự việc liên quan đến mẹ. Một là lần cả nhà, trừ bố và anh đầu, bị bọn lính Bảo vệ bắt..Đó là một trận càn bất ngờ của Pháp vào xã Vĩnh Hòa. Bố cùng với mấy nguời đàn ông hàng xóm trốn được ra nấp sau bờ tre. Anh Tạo- anh đầu của tôi thì theo du kích. Mẹ cùng mấy người đàn bà hàng xóm và lũ trẻ nhỏ chúng tôi ngồi im trong bếp. Chắc lúc đó mẹ nghĩ, đàn bà, trẻ nhỏ thì bọn giặc sẽ không làm khó. Bọn lính Bảo vệ lùa đám đàn bà, con nít lên tập trung tại chợ huyện. Đường lên phố huyện chẳng hiểu sao lại phải chui qua một rú rậm, gọi là rú Đơn Thầm, rồi men theo một choi ruộng có bùn rất sâu tên là Khe Cấm. Dân quê tôi gọi những mảnh ruộng bùn sâu lút người là ruộng nẩy. Người bước xuống ruộng nẩy, nếu không có vật căng ngang để bíu vào, kéo người lên thì sẽ lút hết mặt, ngạt thở mà chết. Người ta gọi trường hợp đó là mắc nẩy.Tôi được mẹ cõng. Còn anh Phúc, người anh liền kề tôi lại được một tên lính Bảo vệ cõng.. (Đến giờ tôi vẫn thắc mắc vì sao là tên giặc lại còn biết cõng anh tôi?). Đang đi men theo bờ ruộng Khe Cấm, đột nhiên chúng tôi nhìn thấy một con bò đực bị mắc nẩy. ( Không biết có phải con bò này là do tụi lính Bảo vệ bắt được và lùa đi không?). Nó mắc ngay sát bờ nhưng không cách gì nhoi lên được. Cả người nó đã lút gần hết, chỉ còn cái mông và phía trước là cái đầu với hai lỗ mũi phì phò tuyệt vọng. Mỗi tên lính Bảo vệ đi qua nghịch ngợm đâm một nhát dao vào mông, máu loang lỗ ra mặt bùn. Những người đàn bà ứa nước mắt và ngoảnh mặt nhìn hướng khác…Lên đến đường Quốc lộ, đám dân chúng tôi bị gom lại ngồi một ngày, đến chiều tối thì được thả về..


Sự kiện thứ hai mà tôi vẫn còn ấn tượng về mẹ chính là cái đêm mẹ mất..Tôi nhớ là cả nhà đã khóc lóc rất dữ, và tôi cũng gào thét. Vì thế chị cả của tôi đã phải bế tôi chạy ra đứng ngoài sân..Sau đó thế nào thì tôi không nhớ được nữa.

Mẹ tôi chắc chắn phải là một phụ nữ đẹp. Tôi dám chắc như thế là vì sau này ngắm mấy khuôn mặt của các dì..Bên ngoại nói với tôi, mẹ giống các dì. Cái chết của mẹ theo như lời kể của bố cũng rất “huyền thoại”. Bố kể, mẹ đi chợ Do về dọc đường thì gặp một con rắn quăng. Rắn quăng là loại rắn thường khoanh tròn mình lại rồi quăng cả người lên phía trước mỗi lần nó muốn di chuyển. Mẹ đã bị con rắn đó quăng người đuổi theo. Mẹ chạy về đến nhà thì ốm liệt giường. Thời gian đó mẹ đang mang thai bảy tháng. Một thầy lang được mời đến bốc thuốc, nhưng lại bốc nhầm nên uống xong là mẹ quằn quại mấy canh giờ rồi tắt thở..

Bây giờ nghĩ lại, câu chuyện bị con rắn quăng đuổi có thể có mà cũng có thể không. Tuy nhiên, một người đàn bà phải sinh nở quá nhiều..( ba con trai, bốn con gái, chưa kể đứa trẻ bảy tháng trong bụng), lại phải thân cò lặn lội, ngày ngày chạy chợ từ Vĩnh Hòa về chợ Do chừng 7-8 cây số, lại thêm đời sống cơ cực ở cái xứ sở “chột môn làm mắm, sắn tàu thay cơm” ấy thì làm sao có sức để sống..Mẹ mất, cái thai trong bụng mới bảy tháng cũng mất theo. Mẹ qua đời khi tuổi còn khá trẻ. Đó chính là nỗi bất hạnh lớn nhất của đời tôi.

Dạo Cải cách ruộng đất, dân làng tôi được phát động phải ôn nghèo kể khổ, ai cũng phải đấu tố bọn cường hào gian ác, hoặc là đấu tố một tội lỗi của ai đó..Không ai được phép không đấu tố người khác. Bố tôi suy nghĩ rất nhiều đêm, không biết đấu ai và đấu chuyện gì..Cuối cùng, nghĩ ra, bố buộc phải đấu ông thầy lang vì đã “ cố tình” cắt sai thuốc dẫn đến cái chết của mẹ!!!

*

Kí ức sâu đậm nhất đối với đời tôi chính là bố. Ông cũng là người có ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí có tính quyết định đến đời văn của tôi.

Bố là một người thật lạ. Thủa còn có mẹ, ông cũng có làm nghề thầy cúng, kiêm thầy pháp, đôi khi còn xem bói bằng giò gà..Tuy nhiên, bố chỉ làm nghề theo kiểu “a ma tơ”, chủ yếu ông vẫn làm nông, cày cuốc, làm vườn..Ông cũng có chân trong Mặt trận Liên Việt, có thời gian lên chiến khu Thủy Ba..Nhưng theo như bố tôi kể, cái cách tham gia hoạt động cách mạng của ông cũng “ a ma tơ”. Ngay sau này, thời hòa bình, ông là một xã viên rất hăng hái của Hợp tác xã, chuyển qua chiến tranh chống Mỹ, ông cũng có tham gia Hội đồng nhân dân xã, được giao làm trưởng đoàn phụ trách bà con trong xóm đi sơ tán Tân Kỳ. Ông biết chữ Nho, là người trực tiếp dạy cho anh em tôi Tam thiên tự..lại đọc thông viết thạo Quốc ngữ..Đặc biệt, ông vô cùng đam mê nghệ thuật, rất yêu thích các hoạt động văn hóa và làm rất nhiều thơ.

Bố mất năm 1996. Theo bố nói, năm đó ông 96 tuổi. Tuy nhiên anh em chúng tôi có phần không thật tin tuổi ông như vậy. Có vẻ bố ít hơn thế vài ba tuổi? Chuyện tuổi tác không phải chỉ ở ông mà ngay đối với các con, bố cũng rất “a ma tơ”. Ông luôn khẳng định, tao đẻ chúng mày cứ cách đều hai năm một đứa, không sai đứa nào!!! Cứ theo cách tính của bố, tôi phải sinh năm Canh Thìn ( 1940)? Có lẩn tôi cãi, ông nói: Tao đẻ ra mi hay mi đẻ tao? Tôi chịu thua. Có một dạo, ham vui theo vài đứa bạn đi xem bói, tôi khai với thầy bói mình sinh năm Canh Thìn. Tuy nhiên về sau thấy chuyện đó thật vô bổ nên thôi, tôi cứ khẳng định tuổi mình giống như hồ sơ lí lịch hiện có.

Ấn tượng sâu nặng nhất của tôi đối với bố, đấy là hình bóng một con người vô cùng cô đơn. Bố làm thân gà trống nuôi con dằng dặc mấy chục năm trường. Chúng tôi có đến 7 anh chị em, một chị mất lúc còn bé, còn lại 6 đều một tay bố nuôi khôn lớn. Rồi anh cả lấy vợ, các chị cũng lần lượt lấy chồng. Năm 1963, người anh kế tôi nhập ngũ. Kể từ đó, chỉ còn mình tôi ở cùng bố.

Ngôi nhà cũ của bố con tôi nằm ở giữa triền đất giáp lai hai thôn: bên trong là Tây Hiền, bên ngoài là Tây Hòa..Từ nhà vào đến trung tâm thôn Tây Hiền phải qua một truông rậm kéo dài hơn cây số..Làng xóm thủa đó vốn đã hoang vắng, nhà của tôi ở ngoài bìa làng càng hiu hắt, cô tịch hơn.

Ban ngày tôi đi học trên trường Hồ Xá, cách xa Vĩnh Hòa gần 4 cây số. Bố ở nhà một mình lầm lũi cuốc đất làm vườn. Đêm, bố nằm ở một góc nhà, đèn dầu tối om, ông thường ngâm nga những tích tuồng cũ.

Tôi thường lén lút đọc truyện đến khuya, sáng dậy muộn. Bố là người hay lo xa, lúc nào cũng sợ con bị muộn giờ nên ông dậy rất sớm. Mùa đông càng tệ. Ông thức dậy từ lúc gà mới gáy canh ba, nấu cơm chín rồi trời vẫn chưa sáng. Ngủ lại thì sợ quên không kịp gọi con. Ông ngồi bên bếp, khi thì khoanh hai tay lên gối, gục đầu xuống vòng tay, có khi ông kê một hòn gạch lên một hòn núc, cúi đầu tựa trán lên đó để ngủ. Ông giải thích, ngủ với tư thế đó, nếu say giấc sẽ bị trật khỏi hòn gạch, có thể tỉnh lại ngay…Đêm nào, sáng nào cũng vậy. Ông trở thành hòn núc thứ tư của bếp nhà tôi. Bát cơm tôi đã ăn để nên người hôm nay khác tất cả những bát cơm của đứa trẻ khác. Nó được nấu trên một bếp lửa có bốn hòn núc!

*
( Còn tiếp)


 Đăng ngày 01/12/2014

Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Trần Bình - 02/12/2014

Bát cơm tôi đã ăn để nên người hôm nay khác tất cả những bát cơm của đứa trẻ khác. Nó được nấu trên một bếp lửa có bốn hòn núc!
-------
Bác viết về Bố ấn tượng lắm.
Bác hãy viết thêm 1 đoạn về bác Tạo nhé. Cuộc đời bác Tạo cũng rất ấn tượng, có thời gian bác ấy và Cu Liêm làm rẫy gần của cháu ( sau này chúa mua lại). Hồi đó mấy bác cháu khi ngồi giải lao sang uống nước với nhau là đem chuyện phim " Người không mang họ" ra kể (lúc đó phim ấy đang chiếu ở làng). ..Bác Tạo đức độ lắm, nhưng cả đời bác mãi vẫn nghèo khó!

  Gửi bởi: Hữu Đạt - 18/12/2014

Quá cảm động bác ạ Embarassed

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan