Saturday, October 3, 2015

Văn và Đời và..( tự truyện đời văn) - Chương 1


Tác giả: Xuân Đức


Chương 1

                                                   BỐ ƠI
                      Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh               Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
                      
( Có lúc trèo lên đầu chót đỉnh                                 Kêu dài một tiếng lạnh hư vô)
                                     
Thiền sư Không Lộ 

Trong những bản lí lịch gốc của tôi ( lí lịch quân nhân và lí lịch Đảng) có hai vấn đề cần giải thích để mọi người hiểu thêm. Thứ nhất, về ngày sinh. Ngày sinh của tôi theo lí lịch là 4/1/1947, tức khoảng cuối tháng 11 năm Bính Tuất- 1946 âm lịch. Về năm Âm lịch Bính Tuất có lẽ không có vấn đề gì. Nhưng ngày dương lịch thì có. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ở những vùng nông thôn Vĩnh Linh, hầu hết trẻ con đều chưa được học. Vì thế người ta lập ra hai loại lớp vỡ lòng. Lớp dành cho những đứa trẻ đúng tuổi vào lớp vỡ lòng ( khoảng 6-8 tuổi) để sau đó tuần tự lên các lớp trên: cấp 1, cấp 2..Loại lớp đó được đặt tên là lớp Vĩnh viễn ??.Còn những đứa trẻ đã quá tuổi mà vẫn chưa qua vỡ lòng thì được tập hợp thành lớp gọi là Cấp tốc..Lớp Cấp tốc chỉ học ba bốn tháng gì đó thì được lên lớp 1. Tôi thuộc lớp Cấp tốc..Tuy đã được học “đặc cách” như thế nhưng đến khi thi lên cấp 2 thì tôi vẫn bị quá tuổi, không đủ tiêu chuẩn để học. Lúc đó anh đầu của tôi đang làm cán bộ của xã, đã giúp sửa lại ngày sinh cho tôi nhằm đảm bảo còn tuổi để học cấp 2. Tôi biết rõ việc làm này vì hồi đó việc sửa chữa ngày sinh tháng đẻ khá dễ dàng, đơn giản và cũng không việc gì phải dấu diếm. Những đứa trẻ sinh ra từ chống Pháp đổ về trước làm gì có giấy khai sinh..Hơn nữa, việc sửa ngày sinh để được học là việc quá bình thường, chẳng phải như sau này chuyện sửa ngày sinh để được việc này việc nọ đã trở nên một vấn nạn. Tôi chỉ biết có chuyện sửa lí lịch hạ thấp tuổi như thế nhưng không biết rõ là sửa thế nào, cũng không quan tâm trước đó gia đình đã khai tôi sinh năm bao nhiêu..Ngay cả cái ngày mồng 4/1 như lí lịch hiện nay hình như cũng do chính tôi bịa ra khi làm hồ sơ tại đơn vị quân đội là Bộ tư lệnh Vĩnh Linh..Tại sao tôi lại làm lại hồ sơ ở đơn vị quân đội, mà lại kê khai bằng trí nhớ  thì để đến phần sau sẽ kể. Như thế nghĩa là, cái ngày sinh tháng đẻ như lí lịch hiện tại là một sự “sáng tác”, và cho đến tận bây giờ khi bố và các anh tôi đều đã qua đời, tôi vẫn không thể xác định được chính xác mình sinh ngày tháng năm nào. Vì thế, hầu như tôi không bao giờ đi xem bói toán, coi tuổi để làm bất cứ việc gì, bởi cái tuổi hiện có của mình đâu có đúng thực chất.

Điểm thứ hai trong hồ sơ lí lịch của tôi cần nói thêm, đấy là quê quán. Tôi không hiểu sao người ta lại đưa ra quá nhiều khái niệm về nơi sinh nơi ở đến thế? Nào là Nơi sinh, nào là Quê quán, rồi Sinh quán, Trú quán, Nơi ở..vân vân..Lại còn kèm theo việc xác định khái niệm quê quán phải là gốc 3 đời?

Từ trước tới nay, quê quán tôi được xác định là xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị..Thì đúng là bố mẹ tôi đã sinh sống và sinh ra tôi tại xã Vĩnh Hòa. Chẳng bao giờ tôi bận tâm gì về chuyện đó cả. Nhưng có một lần, lúc tôi đang là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh, trước một phiên họp cấp ủy thì một ông trong số những vị lãnh đạo cao nhất tỉnh bất ngờ hỏi tôi: Anh thực chất đâu phải quê Vĩnh Linh? Tôi ngớ cả người. Ông ta giải thích. Theo lí lịch, ông nội của anh quê thôn Xuân Mỵ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh đúng không? Như vậy, theo cách hiểu truyền thống 3 đời về quê quán, phải xác định quê quán của anh là Gio Linh, còn nơi sinh mới là Vĩnh Linh!!!…Lúc đó tôi cảm thấy buồn cười và không thể hiểu vì sao lại cứ chẻ sợi tóc làm tư như vậy? Nhưng về sau thì hiểu. Thời kì đó..( không biết bữa nay có còn tình trạng đó không?), có một vấn đề rất nhạy cảm thường xâm chiếm tư duy của tất cả cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo là khái niệm địa phương..Vấn đề địa phương luôn ám ảnh người ta nhất là trong việc lựa chọn nhân sự cấp ủy hay bố trí cán bộ chủ chốt..Khái niệm “cân bằng địa phương” luôn được đặt ra, thậm chí có khi rất nóng và quyết liệt..Huyện A nếu hơn huyện B đến vài ba người là có chuyện..Không biết việc tôi khai quê Vĩnh Linh hay Gio Linh thì ảnh hưởng cụ thể như thế nào trong ván cờ đó, nhưng tôi đoán, người ta đang muốn tôi nói lại quê quán để nhằm giải thích cho một sự cân bằng nào đó mà trong cấp ủy hoặc Thường vụ đang tranh cãi.

*
               Trước thời điểm sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia đôi đất nước, làng Xuân Mỵ ( ở bờ nam sông) thuộc xã Vĩnh Liêm huyện Vĩnh Linh. Như thế nghĩa là, cái vĩ tuyến 17 lờ mờ kia đã chia đôi không những là Tổ quốc Việt Nam, mà còn cắt đôi một tỉnh Quảng Trị, nhỏ hơn nữa là cắt đi một xã của huyện Vĩnh Linh. Sau đó, Xuân Mỵ trở thành một làng của quận Trung Lương, tỉnh Quảng Trị dưới thời Ngô Đình Diệm. Bây giờ thuộc xã Trung Hải huyện Gio Linh.

Dòng họ Nguyến Xuân từ ngoài bắc vào lập nghiệp tại Xuân Mỵ cách đây gần 700 năm. Ông nội tôi sinh ra tại Xuân Mỵ. Ông lấy bà nội tôi họ Trần, sinh được 5 người con gái..( hiện tôi chỉ biết có 4 người). Ông làm nghề thầy cúng, kiêm thầy pháp. Ai đó đã nói với ông, cái nghề ấy trời sẽ không cho con trai nối dõi. Muốn có con trai thì phải li hương. Thế nên ông nội đưa bà nội cùng các con gái ( tôi gọi bằng o- tức cô ) ra vùng đất đỏ ba zan bắc sông Bến Hải lập nghiệp. Ở xã Vĩnh Hòa, nơi ông nội ngụ cư lúc ấy cũng có vài ba người đàn ông khác không có con trai nối dõi..Họ liền kết nghĩa huynh đệ, ăn chay niệm Phật và cùng lên chùa cầu tự. Hai người anh em kết nghĩa với ông nội tôi, một người tên Cơ, họ Thái, ( thường gọi Chắt Cơ?), một người tên Lãng, dân làng vẫn gọi là Sùng Lãng hay Sung Lãng gì đó..Tôi không rõ lắm về nguồn gốc cái tên ấy. Sau một thời gian cầu tự, bà nội tôi có thai, lúc sắp sinh thì ông nội bệnh nặng. Khi nghe tiếng khóc chào đời của bố tôi, ông nội thì thào hỏi: trai hay gái? Người nhà đáp: trai. Ông kêu lên một tiếng Mô Phật rồi tắt thở.

Đấy là một trong ngàn vạn câu chuyện “ ngày xửa ngày xưa” mà bố thường kể cho tôi. Ông Thái Cơ, người anh em kết nghĩa của ông nội, cũng sinh hạ được con trai. Tên anh ấy là Thái Triêm. Sau này, anh Thái Triêm là Giám đốc Lâm trường Bến Hải. Anh Thái Triêm gọi bố tôi bằng chú, gọi tôi là em. Nhưng bố tôi lại gọi Thái Triêm bằng bác, là cách gọi thay cho con. Nghĩa là đúng ra tôi phải gọi anh Triêm bằng bác, xưng cháu vì Thái Triêm cùng vai với bố tôi chứ không phải là anh em ngang hàng với tôi..
               Đấy là những chi tiết mà tôi đã mượn để sáng tạo ra những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết gần đây nhất, tiểu thuyết: Kẻ song sinh. Trong tiểu thuyết này cũng có chuyện mấy người đàn ông không có con nối dõi nên kết nghĩa huynh đệ, lên chùa cầu tự. Một người họ Thái, sau đó sinh được đứa con trai đặt tên Thái Quả..( ý là có kết quả, ẩn ý sau đó là nhân quả)..Buồn cười ở chỗ, khi mấy chương đầu tiểu thuyết được đưa lên trang web, có mấy kẻ đã hớt hãi chạy thầm thì với lãnh đạo rằng: Lão Đức đang ám chỉ ông lãnh đạo tỉnh..( Vì trong Lãnh đạo tỉnh lúc ấy có một vị họ Thái)..Cái thứ hóng hớt đó không chỉ xẩy ra một lần. Ngay lúc này cũng còn một chuyện khác tương tự nữa, tôi sẽ kể ở phần sau.
( Còn tiếp)


 Đăng ngày 29/11/2014

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan