Saturday, October 17, 2015

Vũ Mạnh Thi- bình dị một chồi xanh

Tác giả: Xuân Đức

Xuanduc.vn Cơn cảm hàn kéo dài hơn nửa tháng, từ trại viết Nha Trang ra Hà Nội rồi về lại Đông Hà, đến hôm nay mới tạm lui. Cái đầu đã nhẹ hơn một chút, chân tay cũng cảm thấy thanh thoát hơn và đặc biệt là đôi mắt đọc máy đã đỡ đau nhức và mờ...Bà nhà tôi sau 10 ngày nằm bẹp trên giường, nhờ có thầy lang dân tộc thổi mấy lần nay cũng đã có thể ngồi dậy.. Mọi sự xem ra đã có niềm vui cho Trúc sơn trang...

Quán Trúc đã xác xơ quá mà gia chủ thì chưa có gì để hầu chuyện bạn bè. Tìm được một bài viết cách đây lâu lâu, dạo còn cao điểm nắng nóng và cúp điện, là bài giới thiệu tập Thơ- Dân ca cho Vũ Mạnh Thi. Đăng tạm lên, coi như cơm nguội đỡ khi đói lòng vậy..
 
Vũ Mạnh Thi- bình dị một chồi xanh. 
Tôi nhận được tập thơ và dân ca này trong những ngày nắng nóng đặc biệt của dãy đất Miền Trung. Lịch sử và thi ca từng " phong" cho quê tôi những danh hiệu không ai mong muốn: Nào là đất lửa, xứ Ô châu ác địa, cát trắng gió lào, nào là vành đai huỷ diệt, là nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi...Vân vân.  Nhưng có lẽ ngần ấy từ ngữ cũng chưa đủ để miêu tả cái mùa cháy hạn năm nay. Nhiệt độ thường trực vượt trên 40oC, rất nhiều buổi trưa ngoài trời đã đạt tơi ngưỡng 45-47o. Lịch sử hàng ngàn năm của đất này chưa từng có như vậy. Cúng như bão, lũ. Chỉ khoảng 10 năm về trước, báo bão cấp 12 là cấp tận cùng. Nay thì cấp 13, 14 rồi siêu cấp nữa...Đã có những giây phút tôi chợt giật mình tự hỏi, trái đất đang mang quê hương tôi, cuộc sống của tất cả chúng ta lao về đâu?
Và buổi trưa nay, nắng nóng trên 40o, điện cúp, câu hỏi đó đang quấn lấy tâm trí tôi. Thì anh, Vũ Mạnh Thi, với tuổi gần 70 đi chiếc xe máy từ đất trắng Gio Linh vào Đông Hà, tìm đến  nhà tôi.. Anh mỉm cười khe khẽ, nói khe khẽ và trao cho tôi tập thơ...cũng rất khe khẽ. Cảm giác đầu tiên của tôi là, với Vũ Mạnh Thi, không mấy quan tâm tới nắng nóng, mất điện, càng không bao giờ có câu hỏi thảng thốt như tôi: Trái đất đang đi về đâu?
Sinh ra, lớn lên ở làng Võ Xá, ngay sát cạnh bờ nam sông Bến Hải, nay Vũ Mạnh Thi đang sống những ngày hưu trí tại xã Gio Mai trên trục đường xuyên Á chạy về cảng Cửa Việt. Cả cái không gian sống của anh từ tuổi thơ cho tới tuổi 70 này chính là vành đai trắng của thời chiến tranh huỷ diệt, là xứ  "gió lào, cát trắng" mà thi ca vẫn nhắc hoài. Tuổi trẻ của anh cũng tắm gọn một cuộc chiến tranh huỷ diệt. Làm du kích trên tuyến hàng rào điện tử Macnamara, rôi làm chiến sĩ tuyên truyền văn hoá Gio Cam. Sau chiến tranh, anh trở thành cán bộ văn hoá, sáng tác thơ ca, hoạt cảnh, biểu diễn văn nghệ cho phong trào văn hoá của huyện và tỉnh. Không tiếng tăm lừng lẫy, không trở thành nhà này, nhà nọ..Vũ Mạnh Thi sống khiêm nhường, viết khiêm nhường, lặng lẽ và bình dị..Nhưng tôi, với tư cách là bạn nghề, lại cộng thêm tư cách của một người lãnh đạo quản lý văn hoá nhiều năm ở tỉnh, tôi biết rất rõ giá trị có thực của sự sáng tạo bền bỉ của anh. Rất nhiều công chúng, nhất là nhân dân trên địa bàn Gio Linh biết đến thơ ca của anh, thuộc lòng nhiều sáng tác của anh. Một thời, nhất là những năm cam go, ác liệt trên vùng trắng Gio Linh, những bài dân ca anh viết, những bài thơ biểu diễn anh làm để phục vụ mặt trận đã trở thành món ăn không thể thiếu của chiến sĩ và nhân dân Gio Cam.
"...Có nơi nào như ở quê ta
Đêm pháo dội, sáng xanh đồng ngọn lúa
Trên bãi B52 vẫn giọng hò mẹ ru con ngủ
Hố bom sâu khoai sắn mọc hai tầng..."
Và:
" Đêm trăng khuya lấp lánh đỉnh đồi
Trên trọng điểm em chưa lần chợp mắt
Lấp vội hố bom lát từng viên gạch
Nối liền đường cho mỗi chuyến xe qua.." 
                                                       *
            
Bây giờ người ta hay nói đến nhiều khái niệm di sản, phải biết quý trọng di sản. Nhưng hình như với nhiều người thì Di sản là cái gì đó to tát lăm, ghê gớm lăm, hoặc là những gì đó của ai đó có danh vọng, tiếng tăm hoặc địa vị cao siêu. Không phải. Di sản có nhiều thứ hạng. Có di sản của cả loài người, có di sản của quốc gia, dân tộc. Nhưng cũng có nhiều di sản là của quý của mỗi vùng quê, của mỗi vùng dân cư, của riêng từng cá nhân con người...Và xét cho cùng, mọi giá trị nhân loại đều xuất phát từ những miền quê nhỏ bé, từng dân tộc, từng quốc gia cụ thể.
Cách đây mấy năm, Sở Văn hoá Thông tin Quảng Trị có thực hiện đề tài sưu tầm thơ ca dân gian và đại chúng trong hai cuộc kháng chiến của quê hương, chúng tôi đã tập hợp được một kho tàng những sáng tác đại chúng vô cùng quý giá. Chúng tôi khẳng định đó là một phần di sản văn hoá phi vật thể của Quảng Trị. Trong bộ sưu tầm đó có nhiều sáng tác của Vũ Mạnh Thi và hôm nay cũng được anh tập hợp trong tập bản thảo này. Như vậy, anh đã sống xứng đáng với quê hương này, những sáng tác lặng lẽ và khiêm nhường của anh đã xác lập được giá trị thực của nó. Nó xứng đáng được gọi là di sản, chí ít là của một vùng quê cát trắng gió lào.
Thế hệ của chúng tôi, một thời không ai là không nằm lòng với câu nói của nhân vật Pa-ven trong cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy, đại ý là: Đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận, cho khỏi cảm thấy đã sống hoài sống phí....Cuộc sống thời này nhiều kiểu lắm. Có người sống ồn ào, sống ba hoa, có người quay cuồng say đắm với quyền lực hay tiền bạc...Nhưng cũng có người sống rất lặng lẽ, rất khiêm nhường. Họ như một chấm sáng nhỏ nhoi trong đêm mưa của loài đom đóm, như một nhành cây lặng lẽ xanh trên mặt cát nắng rát mặt người, như một lạch nước âm thầm bền bỉ rỉ ra giữa mùa khô hạn...Không phải ai cũng dành cho họ sự đánh giá đúng mức. Nhưng tự họ, họ biết cuộc sống của mình có ý nghĩa thế nào cho cuộc đời này. Tôi đọc và nghĩ nhiều về tập thơ- dân ca của Vũ Mạnh Thi không phải vì sáng tác của anh đã đạt được trình độ nghệ thuật cao mà vì cái niềm vui, hạnh phúc của anh được hiện hình qua từng bài ca điệu hát vần thơ, thật sự là một chút xanh lặng lẽ nhưng đủ để tôi quên ngay cái ý nghĩ quẫn trí vì cái nắng trên 40o ngoài trời. Cảm ơn anh Vũ Mạnh Thi và trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập sáng tác bình dị này.                                                              
                          Xuân Đức
                Trúc Sơn Trang tháng 7/2010

 Đăng ngày 15/08/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan