Saturday, October 17, 2015

Xin thầy để chút hậu cho cháu con !

Tác giả: Sĩ Trương

 Tôi cũng làm nghề thầy giáo dạy học trò phổ thông, tuy cũng đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn là lớp hậu bối so với thầy Nguyễn Đăng Mạnh. Với thầy Mạnh, tôi có thể giữ được cái đạo tôn sư bằng cách im lặng, đỡ bị kết tội " phản thầy" như trường hợp Lê Tuấn Anh, cũng một kẻ hậu sinh đã tử nạn còn bị thầy trốc lên đánh bồi thêm một nhát cho chết đứt nọc. Vâng, tôi có thể im lặng trước thầy, nhưng tôi lại cũng có học trò của tôi, cũng phải đến nhiều ngàn người..cũng nhiều nhiều lớp hậu sinh đã từng tin ở điều tôi nói, tin ở những tâm huyết truyền đạt đạo đời của tôi, các bạn ấy, các em ấy, các lớp cháu con ấy hỏi tôi những điều mà kẻ trên tôi đã nói..Lẽ nào tôi lại im lặng ?

Tôi thuộc lớp người lạc hậu với internet nên không đọc được thường xuyên trên mạng, nhưng đã mấy tháng nay ngồi đâu cũng nghe các em học sinh cũ của tôi bàn tán về cuốn hồi kí của giaó sư Mạnh. Các em ấy cũng có nhiều lứa tuổi khác nhau. Có nhiều em nay đã là cán bộ đầu ngành của tỉnh, một số trong đó cũng đã từng trực tiếp nghe thầy Mạnh giảng đạo. Nhiều em đang tiếp tục ngồi trên ghế giảng đường đại học, nhiều em vẫn ngây thơ trong sáng trên các sân trường phổ thông...Tôi nghe các em bình luận, tranh cãi mà thấy hoang mang, không tin được vào điều các em kể.Cách đây một tuần, một học sinh cũ đã mang đến một tập dày cộm nói là đổ từ mạng ra bảo thầy đọc đi rồi cho bọn em biết chính kiến. Thế là tôi đọc, và...đắng ngắt cổ họng !
Thầy Mạnh, hay bất kì một ai khác đều có quyền viết hồi kí, và theo tôi, trong hồi kí cá nhân, người viết có quyền được nhận xét, đánh giá, bình luận khen chê bất cứ ai mà tác giả có quan hệ, có hiểu biết theo cách nhìn riêng của mình. Cũng thật khó mà kết luận ngay được những chuyện được kể ra trong các trang viết chuyện nào có thực, chuyện nào không có. Điều này có lẽ chỉ lương tâm người viết là tự phán xét chính xác mà thôi. Vì vậy tôi nói với các bạn học sinh cũ của tôi rằng, nếu các em tin vào nhân cách của giáo sư Mạnh thì có thể tin vào điều ông ấy kể, ngược lại thì thôi. Các bạn lại hỏi : làm sao mà tin hay không tin vào nhân cách của một vị giáo sư tên tuổi khi mà hầu hết chúng em chưa một lần được diện kiến ông ấy. Tôi nói, văn là người mà, các em quên rồi sao ?
Tôi chỉ nói với những người hỏi tôi có vậy thôi, không nói thêm gì. Còn những lời sau đây là muốn gửi riêng đến thầy Mạnh.
1 ) Với tư cách là một nhà khoa học đầu ngành về giáo dục học và văn học, đáng ra khi nói và viết chính thức một vấn đề gì nhà khoa học cần có cứ liệu khoa học xác đáng. ( loại trừ nói chuyên chơi nơi hàng nước ). Đằng này trong hồi ký của giáo sư ngoài một số ít trường hợp người viết kể rằng tự mình nhìn thấy hoặc tham dự thì nhan nhản những câu chuyện hóng hớt từ mồm người này bơm qua miệng kẻ khác, tác giả kể vô tư rồi chốt lại bằng một nhận xét hoặc đặt ra một câu hỏi về nhân cách của người được kể. Ngay cả chuyện về Bác Hồ mà giáo sư cũng nhai lại một cách khá tỉ mỹ mấy cái mẩu mà Vũ Thư Hiên đã tung ra hoặc ở đâu đó trên mạng để người đọc tự mình kết luận lấy. Làm thế để làm gì, nó không phải là chuyện có tác động sâu xa đến cuộc đời và sự nghiệp của mình thì giáo sư cố tình viết vào hồi kí của mình một cách lập lờ thế để làm gì thưa giáo sư ? Ngay cả giây phút tắt thở của Bác mà ông cũng đưa ra cái câu đối thoại nửa như đùa nửa như thật giữa hai ông giáo sư rất khả kính là Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Đăng Mạnh cãi nhau là Bác tự chết hay là đã đến khi buộc Bác phải xa rời cuộc sống...thì thật là hết chỗ để nói về tim gan các thầy. Người đời vẫn nói, nghĩa tử là nghĩ tận, với ai cũng vậy huống chi với Bác Hồ.
2) Với tư cách là một Nhà văn, một nhà viết lí luận phê bình hạng nhất, tôi đã được đọc rất nhiều bài viết của ông, kiệm lời cả khen lẫn chê, ý tứ sâu sắc, văn phong lịch lãm, sao trong cuốn hồi ký này, giáo sư lại có thể hạ bút mắng nhiếc, chưởi bới, gọi tên nọ là tiểu nhân, tên kia là khốn nạn, bẩn thỉu, bỉ ổi, lại gọi tất tất anh em nhà văn quân đội là đámvăn nghệ quân đội ( mà gọi đến mấy lần kia ). Chẳng lẽ hàng trăm nhà văn quân đội dưới mắt giáo sư đều là đám mất dạy cả sao ? Rồi cả hàng triệu người dân xứ Huế nữa, họ tuyệt nhiên không chút thù hằn gây sự gì với giáo sư cả, việc gì lại định kiến đến phũ phàng làm vậy ? Cái câu " Sơn không cao..Thủy không thâm.." ấy tôi cũng có nghe và đôi lúc tôi cũng mang ra trêu đùa. Giáo sư cũng có thể đùa được, người Huế chẳng vì vậy mà giận. Nhưng ông lại biến thành khẩu ngữ, thành thước đo nhân cách để rồi khi đụng đến bất cứ nhân vất nào có nguồn gốc ở Huế như Trần Thanh Đạm, Nguyễn Khoa Điềm, ông lại tự đặt ra câu hỏi : phải nhận thức con người họ thế nào đây hay là phải lấy thước đo từ mấy câu khẩu ngữ đó. Giáo sư lăng mạ vài ba người là một chuyện, còn khinh bạc cả một vùng đất, một khối cộng đồng nhân dân thì là chủ nghĩa kì thị sắc tộc đấy !
Trong hồi kí, tôi thấy giáo sư có mắng một vài người là hỗn. Tôi không đủ thông tin để khẳng định chắc chắn số đó có hỗn với thầy Mạnh không, nếu có thì thật đáng trách, vì dầu sao Nguyễn Đăng Mạnh là một giáo sư đầu ngành. Mà cái chức danh giáo sư đó cũng như cái giải thưởng sang trọng mà giáo sư đã nhận là của Nhà nước cộng hòa xhcn Việt nam trao tặng. Tôi nhấn mạnh là giáo sư không từ chối và đã nhận, đã hưởng cùng với tất cả bổng lộc mà nó mang lại. Thế còn những người bị ông nhiếc móc là bỉ ổi, tiểu nhân, bẩn thỉu v..v.., họ hoặc là đồng nghiệp nhà giáo, hoặc là đồng nghiệp nhà văn, cũng giáo sư đầu ngành, cũng giải thưởng này nọ..họ có bảo ông hỗn không ?
Thưa giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh và các giáo sư đầu ngành khác. Rồi tất cả các giáo sư cũng như mọi người trên cõi đời này đều phải quy tiên. Cáo chết để da, người ta chết để tiếng. Cái mà các giáo sư khả kính để lại nó còn cụ thể hơn người đời vì chúng ta là nhà giáo. Các em, các con, các cháu của chúng ta còn phải nghiền ngẫm các lời nói, bài viết của các thầy dài dài. Lẽ nào các thầy không muốn để lại chút hậu cho con cháu ?


 Đăng ngày 31/10/2008
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Lê Hoàng - 31/10/2008

Chúng ta là Don Quijote?
Tôi không có may mắn được là học trò của GS Nguyễn Đăng Mạnh (GS NĐM), đơn giản vì tôi học Toán và dạy Toán. Mặc dầu vậy, tôi vẫn tự nhận mình là học trò của Thầy, một học trò hạng bét. Lý do cũng đơn giản, vì tôi có đọc GS NĐM khi gặp khó khăn trong việc đọc và hiểu một số tác phẩm Văn học Việt nam, một bầu sữa không thể thiếu cho tâm hồn mọi người Việt. Tóm lại, tôi chỉ là một bạn đọc thuần túy, hoàn toàn không phải là một người “làm văn” (như anh Xuân Đức chẳng hạn) hay nghiên cứu, phê bình văn học. Chuyện ấy lớn quá, mênh mông quá, để cho các nhà chuyên môn, những người uyên bác trong lĩnh vực này lo liệu; tôi chỉ ngồi nghe, hóng hớt tí chút, thấy cái gì hay thì cất làm của riêng, hữu sự có cái mà dùng. Tôi cũng coi anh Xuân Đức là Thầy vì tôi mê các tác phẩm của anh, mê cái cách kể chuyện rất có duyên, rất hấp dẫn, rất…Xuân Đức, không lẫn với ai. Tôi học anh chút chút (vì không học hơn nổi, khó quá).
Nói vậy để mọi người tha thứ cho những vụng về, non nớt chắc chắn không tránh khỏi của tôi trong bài viết này. Và cũng hiểu cho sự khách quan của tôi.
Anh Xuân Đức và rất nhiều Thầy khác của tôi, rất tiếc là tôi chưa hề được gặp mặt, nhưng GS NĐM thì tôi có may mắn được gặp ít lần, những khi ông vào Quy Nhơn thỉnh giảng. Ngay từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi lần đầu được diện kiến GS NĐM, tôi đã rất nể trọng ông. Hồi ấy, ông mới ngoại ngũ tuần, nhưng tôi đã nhìn thấy một vài dấu hiệu của sự lẩm cẩm. Âu cũng phải, thời gian có buông tha ai đâu. Mặc dầu vậy, trong tôi, ông vẫn mãi mãi là một bậc đại nhân, đại trí.
Khi tác giả Hà Bình Trọng xuất hiện ở Trúc Sơn trang, mặc dầu chưa được đọc tập hồi ký (HK) của GS NĐM, tôi đã nổi giận vì cái giọng điệu của tác giả Nhân thân và nhân cách một con người, bởi ông ta đã tự cho mình là quan tòa, lớn tiếng kết tội chết cho một con người mà không hề đưa ra một bằng chứng nào. Đến nay thì không chỉ một người viết về HK của GS NĐM. Bữa nay được đọc thêm bài viết “Xin thầy để chút hậu cho cháu con!” của tác giả Sĩ Trương, tôi không khỏi lấy làm lạ.
Trước hết, cứ cho là GS NĐM đã chỉnh sửa xong xuôi, vừa ý với cuốn HK của mình, tự tay mang bản thảo đến một NXB nào đó và đề nghị in. NXB đó đồng ý, xin được giấy phép xuất bản và in ra hàng loạt. Người ta mua về, người ta đọc rồi mới ớ ra: chẳng hay ho gì cả, toàn thứ tầm bậy! Khi đó thì nhiều người sẽ bị lên án và trách nhiệm nặng nhất ắt thuộc về tác giả - GS NĐM. Phủ nhận hoàn toàn, hay một số bộ phận của tác phẩm là quyền của công luận. Và mua hay không mua, đọc hay không đọc tác phẩm đó là quyền của công chúng.

Tình cờ qua Nguyễn Quang Vinh (cũng nhờ Trúc Sơn trang), tôi được biết anh Xuân Đức có cái tiểu thuyết “Cây người” gì đó, nhưng không xuất bản. Có lẽ không mấy ai biết mặt mũi cuốn tiểu thuyết ấy ra sao, trừ anh em Vinh, Lập. Nhưng nếu như Vinh (hay Lập thì cũng vậy), nhớ và gõ lại cuốn ấy rồi tung lên mạng và người ta “nhảy vào” anh (giả sử là vậy) thì anh Xuân Đức nghĩ sao? Tôi muốn mượn chuyện này để nhắc về tính hợp pháp của cuốn HK của GS NĐM. Theo tôi biết, GS NĐM không hề xuất bản cuốn HK này, tức là nếu ai đó đọc được nó thì tự chịu lấy trách nhiệm, GS NĐM hoàn toàn vô tội. (Cũng giống như quả bom của ông Nô-ben đang làm dang dở, ai trộm về mà nó nổ tan xác thì không chỉ thiệt thân mà còn bị kết án vì tội ăn trộm, còn Nô – ben vô can).  
Khi viết, người viết có toàn quyền viết theo ý mình. Hay, dở, đúng, sai chỉ mình người viết tự quyết, chưa ai có thể bàn đến được. Chỉ khi nào tác giả đồng ý cho xuất bản thì khi đó, mọi người mới có quyền phán xét, mới có thể đưa tác giả lên mây xanh hay ấn xuống bùn, thậm chí bỏ tù, nếu nó phạm hiến, phạm pháp chứ. Cũng giống như khi ở trong nhà tắm, anh muốn làm gì kệ anh, nhưng nếu bước ra đường mà anh ở truồng thì người ta bảo anh điên, anh đừng có trách. GS NĐM đang tắm, anh đào tường, khoét ngạch chui vào, thấy ông đang tắm truồng (đó là giả dụ vậy), anh chụp trộm cái ảnh đưa cho mọi người xem. Anh chàng nào đó xem được mới anh lu loa lên: chu cha, làng nước ơi, ông GS NĐM chuyên môn ở truồng,  thì chính anh ta, kẻ la làng ấy, mới là người vô lý.
Mặt khác, chúng ta cũng nên khách quan hơn khi đọc bất cứ một cuốn sách nào. Tôi thấy nhiều khi, có những cuốn sách mà muốn đọc thì phải làm giống như ăn cá vậy. Phải chịu khó gỡ bỏ xương xẩu thôi, không thể vì xương mà vứt cá được. Còn nếu anh kiên quyết không ăn cá vì sợ hóc xương thì tìm thứ khác mà ăn, đừng vì xương mà đả đảo cá chứ.
Có chuyện thế này: trong hai ứng cử viên đang tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới có một vị luôn mồm nói ủng hộ nền công nghiệp sản xuất ô – tô của Mỹ, nhưng cánh phóng viên bật mí là ông ta lại đang sử dụng một chiếc ô – tô của Đức và một chiếc của Nhật. Chuyện này làm cho vị ứng cử viên bị mất điểm so với đối thủ của mình. Chỉ mất điểm thôi, còn vẫn là một ứng cử viên nặng ký. Thậm chí, cơ hội trúng cử TT Mỹ của ông ta vẫn rất cao.
Có một điều cũng nên tính đến. Ấy là chuyện lạ tai, trái tai. Thông thường, một số người không chịu nổi những chuyện lạ tai, trái tai. Tất nhiên, không phải mọi chuyện lạ tai, trái tai đều đúng, nhưng cũng không phải là tất cả chúng đều sai. Tôi đã chọc giận nhiều thế hệ học sinh của mình bằng cách viết lên bảng thế này: 5+5=?. Khi ấy, các cô tú, cậu tú xúng xính trong túi cái bằng tú tài còn thơm đủ thứ mùi đều trợn mắt lên cả. Tôi chọc giận tiếp: “Hãy chứng minh rằng 5+5=12”. Tất cả đều im thin thít. Đơn giản vì lâu nay các em chỉ quen tính toán trong hệ thập phân, tức là mười cái gì đó là một chục cái đó. Ai đã từng mua trái cây ở Nam Bộ thì biết, một chục, không phải bao giờ cũng là mười. Và một chục, nếu bằng 8 chẳng hạn, thì khi đó, 5+5=12.  Cũng giống như trong hệ nhị phân, hệ đếm cơ sở của tin học,1+1=10 vậy.
Tôi muốn nói đến một số điều trái tai, lạ tai trong HK của GS NĐM, nếu như có nó. Như đã nói, không phải mọi điều trái tai, lạ tai đều sai; cũng như không phải cứ lạ, cứ trái cái thông thường là đúng. Nên bình tĩnh suy xét, kiểm chứng thì hơn. Nếu nó là xương, hãy vứt nó đi, tìm nạc mà ăn vậy. Còn nếu nói nó có khả năng gây hóc, đừng nên ăn nó, thì tìm thứ khác. Đừng nên bắt mọi người vứt đi theo ý mình. Mặt khác, HK của GS NĐM đâu có xuất bản? Vậy thì bàn về nó sao được khi không có nó? Theo tôi, đây là điều chính yếu nhất.
Trong tác phẩm El Ingenioso Hidalgo Don Quijote de la Mancha – (Nhà quý tộc tài ba Don Quijote xứ Mancha) – anh chàng hiệp sĩ đáng yêu của chúng ta đánh nhau nhừ tử với những cái cối xay gió. Anh ta đã làm cho chính mình và Cervantes, tác giả của nó nổi tiếng muôn đời. Còn chúng ta, chúng ta bàn về HK của GS NĐM, một tác phẩm danh chính ngôn thuận mà nói, không hề có trên đời. Chúng ta giận dữ, chúng ta đau buồn, chúng ta xót xa, tiếc nuối., vv và vv, chẳng vì thế mà chúng ta sánh với Don Quijote được. Không bao giờ. Liệu chúng ta có làm nổi bật sự ngớ ngẩn đáng thương của mình không?

  Gửi bởi: Khách quen - 31/10/2008

Tôi là khách quen thường xuyên vào TST. Tôi cũng được đọc nhiều lời bình luận của bạn Lê Hoàng, thấy bạn là người thường có những chính kiến sắc sảo. Nhưng lần này theo tôi bạn đã hơi vội vàng rồi. Cái lí cơ bản mà bạn đưa ra là cuốn HK của NĐM chưa xuất bản trên giấy chính thức thì mọi người không có quyền bàn. Xin bạn Lê Hoàng nhớ cho, chúng ta đang là cư dân mạng, những lời thảo luận của bạn, của tôi cũng đang trên mạng, tại sao lại đòi hỏi tác phẩm trên giấy. Rõ ràng cuốn NK dãđược tung lên mạng và đã đăng trên rất nhiều trang blog cả trong nước lẫn nước ngoài, cũng đã có rất nhiều lời bàn tán xôn xao..Sau một thời gian thì có lời thanh minh của GS NĐM rằng ông không hiểu sao cuốn hồi kí đó lại được đưa lên mạng và rằng chuyện đó nằm ngoài ý muốn của ông. Lẽ nào lại thế ? Lẽ nào đây là một vụ án chăng ? Thật khó mà tin vào một chuyện như thế. Tuy nhiên, cứ cho đây là một nghi án thì, chắc bạn Lê Hoàng vẫn còn nhớ vụ đoạn clip sex của một nữ diễn viên đã từng gây ồn ào một thời gian daI.Đó là chuyện phòng the của nam nữ đã bị đưa lên mạng. Kẻ cố tình tung lên mạng bị truy cứu hình sự với tôi danh truyền bá văn hóa đồi trụy. Còn nữ diễn viên kia, tất nhiên không ai truy cứu gì, nhưng không thể thoát khỏi sự bàn luận của xã hội. ( Tôi nói là bàn luận, có nghĩa là nói qua nói lại, người cho rằng có lỗi, người nói rằng không..chứ tôi cũng không dứt khoát quy kết gì cả). Vì sao vậy, vì chuyện phòng the ấy không phải là chuyện chăn gối bình thường của vợ chồng bị quay trộm. Bởi thế nên bạn không thể ví với hình ảnh tắm truồng ở trong nhà tắm được.Tắm truồng thì dù có bị quay trôm cũng có gì đáng bàn. Tôi cũng không máu me gì chuyện bàn luận này, chỉ đọc cho biết thôi. Nhưng cái gì đã đưa ra cho thiên hà xài thì phải chịu lấy sự phán xét của thiên hạ. Ngạn ngữ Tàu có câu, muốn người khác không biết thì tốt nhất là không làm. Đã có gan viết ra thì cũng sẵn sàng hứng chịu dư luận.


  Gửi bởi: Lê Hoàng - 31/10/2008

Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn Khách quen khi bạn nói rằng chúng ta có quyền "...bàn luận, nghĩa là nói qua, nói lại, người cho rằng có lỗi, kẻ nói rằng không, chứ tôi cũng không quy kết gì cả". Nếu ai cũng như bạn thì TST đã không tốn nhiều thời gian cho cuốn HK này đến vậy. Người ta đã quy kết, thậm chí là trao án tử cho GS NĐM. Tôi cho rằng như thế là không công bằng, không khách quan. Bạn có so sánh với vụ clip sex của một diễn viên, nên tôi cũng xin trao đổi: những kẻ truyền bá clip sex đó bị kết tội, còn hai kẻ làm nên nó thì không có án của pháp luật, tuy rằng không tránh khỏi cái án của dư luận. Ban đầu, tôi có nghĩ, phải chăng ở đây có sự thiên vị, bao che? Nhưng nghĩ kỹ, có lý. Đều vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng một bên cố ý, một bên vô tình. So sánh thì luôn khập khễnh, biết vậy, nhưng tôi liều so sánh tiếp: giả sử có một tên ăn trộm ngân hàng và hắn không ngờ bị một người khác quay trộm. Đoạn phim đó là bằng chứng và tên trộm lãnh án, người quay lĩnh thưởng. (Đó là ta giả sử vậy và pháp luật là anh minh). Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh tính pháp lý của vấn đề. Tôi nói xuất bản, hoàn toàn không nói văn bản mạng hay văn bản giấy, ở đâu mà công bố thì coi là xuất bản, dù in ra giấy thật hay trên mạng ảo.  Tôi chắc là có các vàng, anh Xuân Đức cũng không tung tập HK của GS Mạnh lên TST nếu như anh có nó. Bởi khi làm vậy, anh đã phạm đến những 2 tội rồi. Ấy là tôi giả sử cái HK đó có vấn đề. Bạn không quy kết, không chụp mũ, vì bạn không giống những người kia, vì bạn tỉnh táo hơn họ.
Thực ra, tôi chỉ muốn trao đổi về vấn đề này vì tôi thấy có những ý kiến quá nặng nề, thiên lệch, thậm chí là cảm tính, hồ đồ. Nói rộng ra, hiện nay có xu hướng thiếu khách quan, thiếu tính khoa học (bao gồm cả hình pháp học) khi nhận xét, đánh giá, phê phán, lên án, thậm chí là cả khi kết án. Chúng ta đang vươn tới một nền pháp trị, đang hô hào sống và làm việc theo pháp luật, vì thế, không chỉ các nhà lập pháp, hành pháp mà cả chúng ta cũng phải vậy. Vì không thể làm khác. Chỉ cần nói điều này: chúng ta là phụ huynh, khi đánh giá con em mình không khách quan, không khoa học là nhà bạn, nhà tôi, nhà anh...sẽ rối, thậm chí là loạn. Có thể chưa loạn ngay, nhưng mầm loạn đã có rồi. Mình bàn luận chuyện này cũng chỉ nhằm giúp nhau, học hỏi lẫn nhau thôi. (Anh Xuân Đức mà phán thì khác đấy).  Nhân đây, cũng kể một chuyện vui, hoàn toàn có thật, có thể đã nhiều người biết: Một ngày nọ, trên đường phố ngay giữa Trung tâm thủ đô Băng cốc của Thái lan có một đôi trai gái làm tình, coi như phòng kín của họ. Mọi người vây lại, tắc cứng đường. Cảnh sát cũng vây lại giải quyết chuyện ùn tắc rồi đợi cho đôi nọ thỏa mãn xong xuôi thì mời về đồn. Mở hết luật, thấy họ chẳng có tội gì ngoài tội đã làm tắc đường, đành phạt vi cảnh về tội "gây rối trật tự công cộng" rồi đường ai nấy đi.
Cũng phải thừa nhận rằng, do nhiều nguyên nhân, về mặt hành pháp, chúng ta còn thiên về hướng đức trị.  Ngay cả những  ý kiến của Thầy giáo Sĩ Trang cũng vậy. Ông thiên về hướng này, tức là đứng trên góc độ một nhà Đạo đức học để phán xét.  Cái chúng ta cần là một nền pháp trị, tức là  cứ theo pháp luật mà làm, công bằng, sòng phẳng với tất cả, bất luận đó là ai. (Tất nhiên là luật phải cho ra luật).
Trên đây chỉ là ý của riêng tôi. Tôi nói vậy, viết vậy vì tôi chỉ biết đến vậy. Và là một con người bình thường, tôi cũng có thể sai lầm. Nếu bạn Khách quen thấy còn lấn cấn, mình trao đổi tiếp nhé. Thân ái.

  Gửi bởi: Lê Hoàng - 01/11/2008

Tôi vẫn muốn trở lại với bài viết của Thầy giáo Sĩ Trương một chút. Thầy có khuyên học sinh rằng "nếu các em tin vào nhân cách của giáo sư Mạnh thì có thể tin vào điều ông ấy kể, ngược lại thì thôi". Xin lỗi Thầy giáo, tôi hơi băn khoăn về điều này. Để nhận xét, đánh giá một vấn đề nào đó, chỉ có thể dựa vào hiểu biết của chính mình về chính vấn đề đó mà thôi. Hiểu biết đúng thì nhận xét, đánh giá đúng; hiểu sai thì nhận xét, đánh giá sai. Như thầy nói thì hóa ra, khi nghe ai đó nói điều gì, tôi phải xem người nói là ai, là như thế nào sao? Lâu nay, người ta hay nói tới 3 khái niệm:Tâm, Trí, Tầm. Tôi thấy có lý. Để đánh giá một cách khách quan, chính xác về HK của GS NĐM, không cách nào khác, ta phải dựa vào chính văn bản đó. Văn bản ở đây là tôi nói giả dụ GS thừa nhận nó là hoàn toàn chính xác, là của mình, không ai thêm, bớt, sữa chữa dù chỉ một cái dấu nhỏ kia, chứ không nói về cái văn bản trôi nổi ở đâu đó trên mạng, vì rất có thể nó đã bị tam sao, thất bản. Cái này thì có người đã bị hố khi bình về bài văn thi vào ĐH được điểm 10 vừa rồi. Anh ta làm việc với một văn bản sai với bản gốc và thế là tưởng đánh một đòn chết tươi, ai ngờ anh ta đã vụt gậy vào chốn không người. Anh ta có tầm, nhưng trí bị đánh lừa nên cái tâm bị nhòe. Kết quả là "không ai thắng ai" cả.
Trong câu nói với học trò, Thầy còn thêm vế "ngược lại thì thôi". Theo cách hiểu thông thường, có đến mấy cái "ngược lại" lận:
A: "Tin nhân cách GS Mạnh"
B: "Tin điều GS Mạnh kể"
(1) là: Nếu A thì B; (2) là: Nếu Không A thì Không B
(3) là: Nếu B thì A; (4) Nếu Không B thì Không A.
trong đó, (1) là câu gốc. Cả 4 cái đều rất mơ hồ, phải không Thầy? Đơn giản là vì (1) sai như trên đã nói. Ở đây, chỉ có (4) là chấp nhận được. Tức là "Nếu tôi nghi ngờ những điều GS kể thì tôi nghi ngờ tư cách của GS". Tôi dùng "nghi ngờ" vì không thể nói "sai" được. Cái đó phải có văn bản gốc và được GS thừa nhận. Đó là chưa nói tới việc "đúng", "sai" nhiều khi còn phụ thuộc vào thời gian.
Tóm lại, ý của Thầy giáo cũng còn mơ hồ vì hình như Thầy "không tin được, dù đó là sự thật" phải không ạ? Có thể tôi không hoàn toàn chính xác, nhưng dẫu sao, xin Thầy cho phép tôi được băn khoăn.
Hồi nãy, nói với bạn Khách quen, tôi còn chưa làm rõ một ý: Phim quay là thật, vì chính nhân vật trong phim đã thừa nhận. (Tôi nói vậy vì đã có cô MC xinh đẹp Đan Lê gặp nạn vì phim giả rồi bạn ạ). Nhưng tôi nghĩ, HK của GS NĐM mà bạn đọc được, nhiều người đọc được liệu có "thật" 100% không? Một nửa cái bánh mỳ là bánh mỳ nhưng một nửa(không phải 100%) sự thật, không thể là sự thật. BạnKhách quen ạ, tôi băn khoăn ở chính chỗ đó.

  Gửi bởi: Nguyễn Văn Thọ - 01/11/2008

Tôi ủng hộ ý kiến của khách quen. Thời đại hôm qua, nếu một người chưa xuất bản sách, chỉ đưa bản thảo cho ai đó đọc mà nhà phê bình vội vã lên tiếng thì thành chuyện vô duyên.
Nay, khi thông tin truyền thông đã sang một bước tiến ytrieern mới, giáo sư NĐ Mạnh vì một nguyên nhân nào đó (không biết) mà tung lên mạng tác phẩm thì "Văn bản của ông" phải chịu hậu quả. Nghĩa là phải gánh cái khen chê của cư dân mạng. Cho nên nói như bạn Lê Hoàng là trái với sự phát triển của khoa học kì thuật ngày hôm nay. Thật đáng tiếc, Lê Hoàng là giảng viên dạy tự nhiên  mà không hiểu được lẽ giản đơn của thế giới mạng.
Nhân đây, tôi cũng thấy buồn cười khi dăm người phê bình tác giả Hà Bình Trọng lại cứ dương cái danh của ông Mạnh là giáo sư đầu ngành thế này thế khác...Cứ là giáo sư đầu ngành có nhiều tác phẩm lớn xưa kia thì không được đụng tới ông à? Ông giời mà bất công còn bị phê phán la liệt trong Kiều đấy thôi. Trong xã hội phong kiến, vua là nhất, có vị làm quốc gia hưng thịnh thì dân ca ngợi có vị làm bại vong thì dân chửi.  Ông Mạnh viết, sai về Phương pháp luận , nghiên cứu phê bình văn học, dạy bao nhiêu học trò mà lại dùng việc nghe hơi nồi chõ để nói, bàn về nhân cách của đồng nghiệp là sai lầm về phương pháp luận rất đáng trách ( bởi ông là giáo sư thì càng đáng phê phán văn bản của ông)
Tôi không bàn tới nhân cách của tác giả. Tôi thjaat đáng tiếc người cả đời nhọc nhằn viết mà cuối đời lại đưa ra một sản phẩm thiếu chín chắn như vậy. Có lè bài học của ông chính llafg cho tôi tới khi hơn sáu nhăm trí khôn lú lẫn, toi sẽ không cầm bút nữa.

  Gửi bởi: Lê Hoàng - 01/11/2008

Xin chào anh Thọ! Cảm ơn anh đã quan tâm đến chuyện này và xin đồng ý hai tay với anh. Tôi không phản đối chuyện tranh luận, anh ạ. Tôi chỉ phản đối việc chụp mũ, quy kết, đao to búa lớn mà thôi. Còn trước công luận, cũng như trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng, không phân biệt (mong ước vậy!). Tôi chỉ băn khoăn thế này anh ạ: việc tung HK lên mạng là do GS Mạnh cố ý hay vô tình? Việc tung nó dưới dạng .pdf, theo cách hiểu thông thường, thì e quá sức của một ông già 77 tuổi. Dẫu sao, mình cũng là người Việt, vẫn bị tư tưởng "đánh kẻ chạy đi, ai đánh người quay lại"? chi phối. Anh Thọ thử tưởng tượng xem, nếu có kẻ nào đó bẻ khóa,  đột nhập vào máy anh, tung một bản nháp nào đó của anh lên mạng chỉ nhằm mục địch riêng của nó thì anh tính sao? Thời đại này dễ xẩy ra chuyện đó lắm anh ạ. Tôi chỉ muốn sao cho "thấu lý đạt tình" mà thôi, chứ tôi chẳng dám thiên vị ai đâu. Vì chuyện chưa hề thiên vị ai mà tôi bao bận "lên bờ xuống ruộng" đó anh! Vả lại, tôi căm ghét cái lối hành xử áp đặt vô lối lắm rồi anh ạ. Chắc anh biết chuyện NVCh? Mờ mờ, ảo, ảo như thế thì làm sao chịu nổi hả anh. Cũng chính vì bức xúc vụ đó mà tôi tham gia vào chuyện này, chứ tôi biết khả năng mình, về lĩnh vực này tôi chì là học trò con thôi, anh Thọ ạ. Xin cảm ơn anh đã cho ý kiến. Rất mong thường xuyên nhận được ý kiến anh. Tôi vẫn đang chờ phần tiếp TT "Quyên" của anh. Tuyệt lắm, "Quyên"! Xin tạm biệt anh!
  Gửi bởi: "TIếp..." - 01/11/2008

Vậy là... phải chuyển qua một lối rẽ khác: - phải xác nhận xem trong XXVI chương của "Hồi Ký GS Nguyễn Đăng Mạnh" có bao nhiêu "phần trăm" là của ông Mạnh, bao nhiêu không "Mạnh"!
Thật là ... "hình sự" quá. Nghĩa là phải điều tra, xác nhận thực hư... Ai làm chuyện này vậy?
Chuyện này chưa thấy ông "Mạnh" lên tiếng. Thế mà con dân thiên hạ, cuối ngành, giữa ngành, ngã ba ngành... lên tiếng. He He He!

Tui thấy, Sĩ Trương phê phán những điều ông Mạnh viết như Sĩ Trương dẫn trích thì đúng là nên phê phán. Dù có đầu ngành, là giáo sư, là có đến cả ngực huân chương huy chương... mà nói sai, nói dở, nói lấy được, không trọng lượng, và bôi bác cả những gì đáng kính, đáng trọng theo chủ quan của người viết mà không có chứng cứ logic, khoa học, thì không thuyết phục được ai cả.
Người phát ra lời nói của mình, viết ra những dòng chữ của mình, rồi ký tên mình, đương nhiên là chịu trách nhịêm với chúng.
Người đời nghe... một ai đó nói, nghe anh ta cười, thấy dáng anh ta đi, thấy việc anh ta làm, là có thể đánh giá được anh ta là hạng người nào!
Chức càng to, học vị càng lớn lời nói, chữ viết cần phải tương xứng với cái to, cái lớn đó.
Người làm giáo dục tôi vẫn nghĩ họ phải là mô phạm trước hết cái đã!
Người làm văn hoá trước hết họ phải ăn nói lịch thiệp, trong sáng, lành mạnh trước cái đã!
Đôi lời góp vui với quý vị. Cũng là không nhịn được mà nói ra. Không có ý gì khác, ngoài xả stress khi đọc những lời comment trong mạng.
Kính.

  Gửi bởi: Lê Hoàng - 01/11/2008

Gửa "Tiếp..."
Anh phát hiện ý "hình sự",  hay! Lắm lúc tôi thấy mình tham quá, hóa ngớ ngẩn, anh ạ. Như đã trình bày với anh Thọ, tôi chỉ sợ mình nhầm, phải không anh? Ý mình nói biết chẳng đến đâu, chỉ là anh em mình nói với nhau thôi, đàm đạo để tự học ý mà, nhưng chỉ sợ rồi mình cắn rứt với chính mình thôi. Đã có nhiều sự nhầm lẫn rồi đó anh. Tôi là dân Toán, nên có thói quen hơi khó chịu là khi chưa nắm vững các giả thiết, tôi không dám kết luận gì. Anh cảm thông nhé. Mình "bắt bẻ" nhau tý, cũng chỉ nhằm sao cho thấu lỳ, đạt tình thôi mà anh. Chào. Tôi có việc. Xin lỗi anh.

  Gửi bởi: Văn Chinh - 01/11/2008

Một cuộc trao đổi thú vị
Khi thầy Lê Hoàng quy giản lập luận bằng toán học thì rất hay. Nhưng thầy quên rằng, hệ quả của nó chính là dù chưa in nhưng khi nó có mặt trên mạng thì đã in rồi vậy; nó chính là 5+5=12 vậy. Ngay cái cối xay của Don Quijote mà thầy đưa ra cũng vậy. Và nó rất hay. Với chúng ta, nó không có thật (HKNĐM) bằng giấy trắng mực đen, nhưng nó thật trên mạng, trong cõi ảo. Nhưng cái ảo ấy chính là cái cối xay gió có thật trong trí tưởng tượng của GS NĐM. Và chúng ta chiến đấu với cối xay gió ấy, và chiến đấu với cả những Hà Bình Trọng muốn "hình sự" hóa vấn đề. Vâng, cái cối xay gió của Cervantes nó mênh mông như một tiên đề toán học vậy!
Trên cái tiên đề ấy, tôi cũng tán thành với thầy Lê Hoàng và xin nói rõ ra: Hãy chỉ nên nói về phương pháp và nếu phương pháp ấy nó lại nẩy sinh từ nhân cách thì phê luôn cả nhân cách; chứ nếu trích dẫn để quy kết, thì rất có thể sai với người này nhưng lại đúng trong nhận thức của người kia (5+5=10 và 5+5=12) và như thế, có thể nói là tự chúng ta lại đình chỉ tự do ngôn luận/ tự do tư tưởng của chính chúng ta.
Vâng, cái cối xay gió còn có cả chức năng thứ ba: Tôi và thầy Lê Hoàng thống nhất gửi gió đến thầy Sĩ Trương và tôi tin chắc thầy đã nhận được: Mặc dù thầy nói nhẹ nhàng, văn hóa nhưng hạt nhân của nhẹ nhàng văn hóa thì lại chỉ có praton mà thiếu electron; một thứ hạt nhân hơi thiếu nhân.
Cuộc trao đổi của các thầy thú vị còn ở chỗ này nữa: Các ý kiến khá xa nhau nhưng gần như rất thống nhất, thật thú vị.

  Gửi bởi: Lê Hoàng - 02/11/2008

MƯA
(Hà nội có mưa lịch sử - Thương Thầy M- Thương Thủ đô)
Nắng chang chang, bỗng mưa rào
Bốn phương chớp giật, ào ào trời mưa
Phố vường vắng ngắt. Lạ chưa!
Bao nhiêu người…chạy trú mưa hết rồi!
Lão nông chắc nghé hiên cười
Mưa này cho lúa bời bời tốt tươi
Cũng vui! - Em tủm tỉm cười:
Riêng tôi lại bỗng bùi ngùi vì mưa.
Nơi cao, nơi thấp – thấy chưa?
Bao nhiêu rác rưởi nhờ mưa phập phềnh!
Không mưa, cứ tưởng đất bằng
Có mưa mới biết bao vùng trũng sâu
Da em đẹp, sợ gì đâu!
Mấy nàng son phấn, làu bàu lu bu…
Cá mừng được thoát ao tù
Cây mừng được dịp tha hồ tắm mưa
Bàng hoàng chợt nóng ý thơ
“Mưa nhuần một trận…”(1) cho vừa núi sông!

-------
(1) - Một trận mưa nhuần thỏa núi sông - NĐC

  Gửi bởi: MỘT NGƯỜI DÂN - 03/11/2008

Tôi chỉ là một người dân bình thường, nhưng thích thơ văn, vì vậy tôi hay lên mạng để xem văn thơ của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam và đôi khi cả thế giới. Không ngờ hôm nay vào đây thấy các bạn tranh luận về cuốn "Hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh", tôi xin góp ý đôi lời:
1/ Thứ nhất tôi chỉ góp ý về nội dung của cuốn sách (mà không nói đến tác giả- có nghĩa là tôi không phê phán GS Nguyễn Đăng Mạnh- vì không biết đó có phải thực chất là của Giáo sư hay không???) và hậu quả của nó gây ra cho người đọc - nhất là đối với tầng lớp tiểu trí thức như tôi. Về điểm này, tôi đồng ý với tác giả Sỹ Trương khi đánh giá đoạn cuốn sách kể về Bác Hồ hay khi nói rằng tác giả cuốn sách đã viết sách mà không dựa trên luận cứ, luận điểm nào cả. Tôi lấy thêm một dẫn chứng : Người viết cho rằng nhà thơ Tố Hữu không để lại uy tín gì ( thảm hại) vì trong mấy năm dạy học của ông ta, chẵng có sinh viên nào chọn một đề tài nào của Tố Hữu cả. Như vậy chỉ dựa vào một hiện tượng để suy ra một quy luật, chỉ dựa vào cái riêng để đi đến cái chung, người viết đã không làm chủ bản thân rồi!!!
"Thế mà bây giờ! Không th. ng. T. H.u xuống giá nhanh chóng và thảm hại đến thế, ở cả hai tư cách: nhà chính tr. và nhà tho. Hầu nhu các th. h.làm tho bây gi. không ai còn làm theo phong cách T. H.u n.a..
Khoa Văn Đ.i h.c Su ph.m Hà N.i (có l. khoa Văn các tru.ng Đ.ih.c khác cung th.) có đi.u này, n.u T. H.u s.ng l.i ch.c bu.n l.m: hàng nămcán b. gi.ng d.y ph.i hu.ng d.n hàng trăm sinh viên cao h.c, hàng ch.c nghiên c.u sinh làm lu.n án th.c si, ti.n si. Đ. tài ngày càng bí, quanh đi qu.n. i khai thác mãi nh.ng Vu Tr.ng Ph.ng, Nguy.n Tuân, Nguyên H.ng, NamCao, Thch Lam, Xuân Di.u, Nguy.n Bính, Nguy.n Kh.i, Nguy.n MinhChâu... h.u nhu đã c.n ki.t. R.t bí. C. th.y l.n trò đ.u bí. V.y mà không aich.u làm v. T. H.u, tuy T. H.u v.n chi.m m.t v. trí quan tr.ng trong chuongtrình ph. thông và đ.i h.c nhu m.t tác gia l.n c.a n.n văn h.c hi.n đ.i Vi.t" (TRích - xin lỗi tôi copy từ PDF qua mắc nhiều lỗi chính tả quá)



     2/ Hậu quả cho người đọc ít hiểu biết (không phải với dạng hiểu biết sâu sắc như nhà giáo Lê Hoàng- biết chọn lọc thông tin) là vô cùng lớn. Người viết cuốn sách này đã không khách quan khi đánh giá người khác - chủ yếu là các nhà văn,  nhà thơ, nhà phê bình (điều mà anh Lê Hoàng mong muốn cư dân mạng chúng ta nên làm đối với ông này),  bằng cách này hay cách khác (kể cả qua lời nói chuyện của người khác- ném đá dấu tay) ông ta đã cố ý áp đặt cho chúng ta hiểu về tính cách xấu xa của một số người nói trên.
   3/ Theo cuốn sách này,  những người mà ông ta phê phán nhất là những người hèn. Vậy nếu chứng tỏ là mình không hèn, xin hãy:
- Tự nhận mình là Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nếu đúng giáo sư đã viết
- Tự nhân mình đã viết - nêu rõ tên họ - nếu không phải giáo sư.
Chê người khác là hèn mà bản thân mình không dám làm điều này thì đúng là "lạy ông tôi ở bụi này"

  Gửi bởi: Lê Hoàng Hoa - 07/11/2008

Tôi nghĩ Nhà văn Xuân Đức nên cắt chuyện này đi. Cho dù đồng tình hay phản đối NDM. Tôi thấy các vị nói nhiều càng có dấu hiệu vượt ra ngoài biên giới của một cuộc trao đổi thực sự - tôi nhấn mạnh hai chữ thực sự. Nếu anh không ngại thì anh đưa ý kiến ngắn của tôiu lên nhé.
  Gửi bởi: Linh Quang - 14/11/2008

Tôi là dân kỹ thuật, yêu văn chương, lần đầu vào thăm trang web của nhà văn Xuân Đức thấy cuộc trao đổi này rất thú vị, xin mạn phép góp đôi lời.
Anh Lê Hoàng tỏ ra rất sắc sảo, nhưng có vẻ ngụy biện và bất cận nhân tình, bất tri nhân thế dẫn đến cãi cùn, cù nhầy bắt bẻ kiểu học trò. Đầu đuôi vụ việc là: Có một cuốn Hồi ký mang tên GS Nguyễn Đăng Mạnh trên mạng, nhiều người tin vì thấy hơi văn và quan điểm giống của ông, đoán rằng thế hệ sám hối chậm đang tiếp tục "đánh quả hội nhập" sau khi lĩnh đủ bổng lộc, danh hiệu rồi Giải thưởng các kiểu của chế độ này; vì thế nhiều người lên tiếng chửi bới trên mạng, báo Văn Nghệ có bài phê phán  thóa  mạ nhân cách vị GS này;Hội nhà văn VN có bài phê phán trên trang web của mình; đài BBC phỏng vấn một số nhân vật về cuốn Hồi ký này.Trước những phản ứng chính thức đích danh công khai đó ông NDM không những không phản đối mà còn thừa nhận. Vậy không có chuyện giả mạo văn bản ở đây.
Vậy không giả mạo thì việc chưa chính thức cho xuất bản mà đã bị phê phán ta nên nhìn nhận và đánh giá thế nào? Nói theo ngôn ngữ hình tượng thì đây là hành vi thủ dâm trong hàng NET trước WEBcam. Người làm hành vi thủ dâm trong buồng kín bị nhiều xã hội cho là đồi bại. Huống chi đây lại là vô tình hay hữu ý thủ dâm trước  WEBCAM khiến nhiều người chứng kiến. Người nghiêm khắc và thô lỗ như Hà Bình Trọng thì bảo già rồi còn dê, định gợi tình chính trị hay sao? Người thận trọng và yêu luật pháp như anh Lê Hoàng thì bảo ông không hề muốn chưng của quý ra thiên hạ, sao lại phê ông? Người lại bảo ông cố tình tuồn ra rồi lại chối giống như giống như kẻ chen ô tô cứ dí sát người vào cô gái đến khi bị kêu thì lại có ông  khách như Lê Hoàng cãi rằng đã chính thức cởi khuy quần ra đâu?.
Tóm lại, dù ông vô tình hay cố ý thì việc ông im lặng khi bị chửii là sự thú nhận  mà thầy Lê Hoàng không nên biện hộ theo lối "bảo hoàng hơn vua" như thế!Nếu trao đổi chỉ vì lý thì không nên sợ mình đuối lý mà đề nghị STOP đơn phương như thế!

  Gửi bởi: KHÁN GIẢ - 16/11/2008

Tôi ký tên khán giả vì tôi ngoài cuộc với chuyện văn chương chữ nghĩa. Tuy nhiên, tui thích đọc văn chương, nhất là nhưng ý kiến sâu sắc như tren TST. Giá mà web của Hội nhà văn cũng có những trao đổi có tầm như ở đây thì tốt quá.
Tôi rất xúc động trước ý kiến thẳng thắn chân tình , rất trách nhiệm và rất có văn hóa của thầy Sĩ Trương. Lần đầu tôi đọc ông, nhưng chỉ với những dòng này ông xứng đáng là một người thầy của nhiều ngàn học sinh đã trưởng thành.
Tôi căm ghét cách nghĩ cách hành xử kiểu Lê Hoàng Hoa. Những người có ý nghĩ kiểu này tôi cho là  thuộc loại Lý Thông, Bá Kiến thường bất công và thâm hiểm , thậm chí giả nhân giả nghĩa. Có thể anh Le Hoàng không phải loại người này, những comment đã post chỉ là trò chơi trí tuệ của anh. Nhưng ấn tượng của tôi về lối lập luận đó là như thế. Căm thù và ghê tởm vì nó giấu sự bất công dưới vẻ khoa học , luật pháp , mới nghe thì rất văn minh và rất công bằng, nhưng thực ra thì là núp dưới nhãn khoa học để nói lấy được. Vì sao tôi nói vậy? Vì Lê Hoàng đòi hỏi những người bị xúc phạm ( những người yêu lẽ phải, những người trọng cụ Hồ, những người ghét dối trá cơ hội, những người chung thủy với lẽ sống đã chọn, những người ghê sợ các loại điếm dù là điếm cao cấp hay thấp cấp...) phải chứng minh cho sự căm giận từ lương tri của họ, trong khi đó Lê Hoàng không bắt NDDM phải chứng minh những điều bôi bẩn và vu cáo của ông ta, thậm chí còn biện hộ cho những hành vi gây phẫn nộ đó. Thật là bất công và nguy hiểm. Vì lối tiếp cận đó, cách suy nghĩ kiểu đó nó gây lẫn lộn trắng đen, nó biện hộ cho thủ phạm và lên án nạn nhân. Một thứ ung thư lý luận.
Bạn Linh Quang nói không phải không có lý, nhưng cũng hơi ác khẩu. Bạn có lý khi nhìn ra cốt lõi vấn đề và thể hiện một cách giản dị những quan hệ phức tạp dễ bị những người như Lê Hoàng xuyên tạc. Nhưng bạn ác khẩu thì người nghe sẽ thấy khó có cơ hội đối thoại. Tôi nói thẳng thé này, nhưng tôi chỉ nói về kiểu nghĩ của Lê Hoàng, thậm chí còn thận  trọng giả định rằng kiểu nghĩ đó chỉ là trò chơi trí tuệ. Tuy vậy, những phê phán của tôi với kiểu nghĩ đó tôi vẫn hy vọng có tác động chặn tay những nhân cách Bá Kiến, Lý Thông.

  Gửi bởi: lanhoa - 21/12/2008

Tôi là một gióa viên hâm mộ thầy từ những trang bình văn sắc sảo, thâm thuý. Tô cũng đã tiếp xúc với thầy qua 2 lần đi học thay sách, Thầy đã già nhưng vẫn giành hết tâm huyết để nói với chúng tôi những gì thầy tâm huyết. Tôi có đọc hồi kí của thầy và cũng đọc nhiều bài phê phán hồi kí của thầy. Tôi thật sự rất buồn và lo lắng cho sức khoẻ của thầy. Tôi thấy tại sao mọi người chỉ nhìn vào những hạt sạn lẫn trong đó mà đi phủ nhận tất cả những gì thầy đã cống hiến. Xưa nay ta chỉ tiếp nhận thông tin một chiều nên thấy nó lạ tại, chứng mắt. Thời đại bâ giờ  ta cởi mở hơn và đánh giá mọi cái khách quan hơn . Không nên vì một giọt mực mà phủ nhận tất cả. Tôi rất đồng cảm và xin được chúc thầy sức khẻo.Mong mọi bình an đến với thầy

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan