Wednesday, October 14, 2015

ĐÁ NỔI XÔN XAO... Bút ký

Tác giả: Hoài Tố Hạnh

Tác giả gửi riêng cho xuanduc.vn và tự giới thiệu:
Giải nhất ngòi bút vàng hội nhà báo Đồng Nai năm 1987 Đồng giải nhất văn xuôi với Nguyễn Huy Thiệp,Trần Huy Quang  trên báo Văn Nghệ hội nhà văn Việt Nam năm 1987-giải đổi mới báo chí văn học Việt Nam -hưởng ứng đổi mới của cố tổng bí thư trung ương đảng Nguyễn văn Linh
.  
      
Kính tặng em Lương Hoàng Tiến, các anh chị Hà Văn Minh, Lê Thị Lý, Nguyễn Thị Lý, Đỗ Văn Đoàn, Ngô Tiến Đức, Nguyễn Huy Trấn, Lê Đình Quyến, anh Tuấn, anh Ngọc, nguyên Bộ trưởng bộ xây dựng Phan Ngọc Tường cùng hai chục ngàn người vô danh trên công trình Trị An đã tạo suy tư, cảm hứng cho tôi viết "Đá nổi xôn xao..."           

Lô xô đá dựng giữa dòng Trị An !           
Lúc này tôi đang đứng giữa lô xô đá Trị An để cảm kích, suy tư về đá!...           Hai trăm triệu năm về trước, sóng biển Đông còn vỗ dưới trời Trị An! Một trăm tám mươi triệu năm cách ngày nay, nền móng đầu tiên của mảnh đất dưới chân tôi hình thành - đá phiến Li-át thuộc hệ Jura!           Trải qua bao kỳ trồi sụt, thăng trầm của đất và nước, qua bao nhiêu triều đại đá và núi lửa, đất Trị An nổi lên sông và rừng, nổi lên người và sử, nổi lên đạo lý và văn hiến, nhấn chìm đá... Rồi đá, xương cốt của đất đai lặn vào da thịt đùng đùng nổi lên - thác sôi réo!... Mạnh đến như thiên nhiên cũng chưa bắt đá nổi lên, văng ra khỏi đất và nước. Và đây - sức mạnh của con người...           Kỹ sư thi công Ngô Tiến Đức- xí nghiệp cơ giới 9, đơn vị chủ lực thi công đất đá chuyển năng lượng - châm lửa đốt dây cháy chậm của phát mìn báo hiệu nổ hàng tấn mìn khai thông khúc sông đá cuối thác Trị An - kênh dẫn ra của nhà máy. Lập tức, các loại xe máy và người tản ra xa, tránh sự thăm hỏi thô bạo đá. Ngô Tiến Đức dẫn tôi nấp vào một vị trí sát bờ sông, hơi nguy hiểm nhưng có thể quan sát sức công phá kinh khủng của mìn. Tiếng nổ đồng loạt đinh tai nhức óc vừa dứt, trong khói đá xanh xám, mù mịt, cuồn cuộn ngút trời như tro bụi núi lửa, dưới vô số cục đá lớn nhỏ như pháo hoa từ lòng sông đá bung lên,quyết liệt ném ra tứ tung, chúng tôi đặc biệt cảm kích: Đá chìm giữa dòng sông Đồng Nai gần hai trăm triệu năm nay bỗng chốc nổi lên, rào rào trong nước...           Con người đã đá văng đi cả một khúc sông đá! Và đâu chỉ thế mà thôi! Hãy hình dung khối lượng công việc phải làm ở Trị An: đào đắp bốn mươi lăm triệu mét khối đất đá, đổ gần năm mươi vạn mét khối bê-tông, khoan phụt sâu mười ba nghìn mét khối xi măng xử lí lòng hồ, lắp ráp mười ba nghìn tấn thiết bị sắt thép, sử dụng hàng vạn tấn thép, hàng chục vạn tấn cát sỏi, xây dựng hàng chục vạn mét vuông nhà ở, kho tàng, rồi hệ thống cầu đường, bến cảng, hệ thống điện nước, khai thác mỏ vật liệu v.v.... Đó là chưa kể di chuyển mười chín nghìn dân ra khỏi vùng hồ ngập nước, dọn vệ sinh khu dân cư và làm sạch gần ba chục ngàn héc-ta rừng gỗ lớn, rừng tre gai nguyên sinh v.v...Trùng trùng, điệp điệp núi đá nổi lên trên vai người xây dựng ! Bé nhỏ lắm - Con Người ! Và cũng ghê gớm thay!...                                                           x      x                                                               x           Hai mươi tư tuổi, Tiến ơi ! Chị đâu ngờ em đã lăn lóc qua bao trường đời mười mấy năm qua để kiếm sống và tìm kiếm chính mình. Ba má nghèo, lương thiện, đông con. Anh chị ra riêng, ai lo phận đó. Từ tuổi mười ba, Tiến đã gánh trên vai ba má già yếu và một đàn em nhỏ. Lặng thầm gạt nước mắt bỏ học, Tiến lang thang khắp đó đây: bán trà đá, đẩy xe ba gác, đạp xích lô, đào mỏ cao lanh, bốc mả thuê, đốn củi, mò ốc v.v... Những ngày đó, em không dám ước ao sẽ có ngày mở mặt ngước nhìn lên, em cay đắng nghĩ thầm: chắc chẳng bao giờ mình có được cái nghề...             Rồi dịp may đến, Tiến vào làm ở một nhà máy với bạn em là Lê Hồng Vinh. Và Vinh nhường suất đi học của mình cho Tiến.             Là học sinh giỏi trường cơ giới 3 Gò Công ,sau ba năm học nghề nguội lắp ráp ,Tiến lên Trị An tháng tư năm 1986, tháng mưa dữ dội nhất công trường.            Tôi gặp Tiến - một trong hàng ngàn thoáng chốc ở Trị An nhưng chẵng thể quên...             Hố "tử thẩn" C12-một trong sáu hố "tử thần" ở đập tràn xả lũ...Ba mươi ba giờ liền,hàng trăm người của Liên hiệp 4- đơn vị đảm trách toàn tuyến đập - và các  xí nghiệp thành viên liên tục vật lộn với nước ngầm mới ngăn được chúng để đổ bê-tông.Từ hố "tử thần" C12,tôi theo công nhân xưởng Bình triệu - những người đi suốt bốn ca để về ăn ca. Buông mình xuống xe , một dáng công nhân lảo đảo bước vào bếp ăn tập thể, lảo đảo dựa vào vách đất... -         Tên em? ... Tôi hỏi. -         Là Tiến!... Em đáp. Bỗng chốc đôi mắt Tiến mờ hẳn đi, đờ đẫn toàn lòng trắng... Tôi hốt hoảng lay gọi em thất thanh!... Lơ mơ tỉnh dậy,Tiến thở dốc như hắt hơi ra và nói với tôi đứt đoạn: -         Em mệt lắm rồi chị à!... Chưa... bao... giờ...em mệt...đến vậy! Ròng rã cả chín tháng nay, em liên tục phải đi ba bốn ca như thế?           Tiến sút hơn mười ký sau chín tháng ở Trị An. Tôi giở mơm cơm ra: bốn mươi người trong bữa ăn chính chỉ có một đĩa đu đủ xào suông và một tô canh suông lơ thơ vài mảnh rau chao đảo... Ùng hộ của đồng bào phía nam khi có khi không, thưa dần ,mất hẳn,nổi lên lại chìm lắng.Giá cả cứ tăng vọt, nhảy vọt! Chế độ công nhân rất không tương xứng với cường độ lao động đổ ra rất không theo kịp với giá cả. Theo giáo sư Võ Hưng ở viện bảo hộ lao động, lương tháng không đủ bù lại một phần ba lượng Ca-lo mất đi nếu công nhân chỉ làm tám trên hai mưới bốn giờ. Nhưng ở Trị An đã mấy năm nay, ít nhất mỗi người làm việc mười hai trên hai mươi bốn giờ! -         Em mệt lắm rồi chị à!... Em... mệt... lắm rồi... Tôi lặng đi trước Tiến và trong giây lát đó, những dòng hồi ức Trị An khắc trong tim tôi xối xả đổ về... Đầu năm 1983...           Chiếc xe Zin ba cầu - loại xe khoẻ nhất Trị An lúc đó lắc lư lết đi hàng chục ki lô mét đường rừng sình lầy, trồi trụt, ngoắt ngoéo đưa tôi đến đội cơ giới 24, đơn vị cơ giới đầu tiên của Bộ thuỷ lợi có mặt ở Trị An đang bốc tầng phủ đập Suối Rộp. Tất cả công nhân bị rốt rét rừng! Thiếu máu, da xanh mét, môi thâm tím, mắt trắng dã... Yêu cầu tiến độ không ngưng nghỉ! Chưa dứt cơn sốt, công nhân đã phải nhảy lên cabin, máy đào ủi rừng, cày xới đá - nổ máy liên tục hai ba ca - nơi tôi vừa bước lên một chút đã ù tai, hoa mắt vì sự rung giật dữ dằn của máy. Không có thời gian, sức lực, kinh phí làm nhà, cơ giới 24, ở nhờ trong nhà dân đốt than,đầu và bụng nằm dưới mái lá te tua ,chân gác lên mưa rừng lai rai, xối xả...Nổi cháo chống chọi với mưa, với rung giật của máy và sốt rét rừng thiếu thịt cá, không cả bột ngọt,tiêu tỏi. Chỉ nhiều ray tàu bay xanh của chiến khu Đ năm ấy...Cách thác Trị An có vài chục cây số, nhưng đường rừng mùa mưa chỉ Zin ba cẩu và xe ủi mới đi được.Zin đội không có, ủi bận thi công ba ca.Bao lần có người đi cấp cứu mà phải nằm trên xe ủi lắc lư lết đi từng tí một...           Tôi vào, anh em mừng quá: -         Ở đây, chúng tôi đói cả một tờ báo chị ạ!Một bản tin đọc trên radio cũng không! Có khi thèm một tờ báo đến khóc... Chị sẽ viết và gửi cho chúng tôi chứ!? Tôi không thể không hứa! Bí mật và chớp nhoáng,một hội ý trong tổ lái ủi.Anh Ngọc chạy biến vào rừng một lát, mừng rỡ ôm về một giò phong lan đẹp như một tràng pháo hoa tím ngát tặng tôi rồi cùng anh em nhảy len buồng lái.Anh Ngọc gầy quá ! Tất cả những người lính cơ giới 9,24,25,26,27,29...ở Trị An đều tong teo một dáng hình số tám như anh. ...Một ngày đầu năm 1984... Choòng búa thép chọi nhau với đá trên tuyến năng lượng. Đá văng ra toé lửa và tay người cũng văng ra toé máu! Tiếng xuýt xoa, run rẩy chen đuổi tiếng cười. Niềm vui thắng đá lặn vào nỗi đau co giật, quặn thắt trong tim nam nữ thanh niên xí nghiệp bê tông của Tổng công ty xây dựng số 1. Một phụ nữ vừa rời choòng xoè tay ra: mười ngón tay chị-mười cánh hoa thắm đỏ máu! -         Chị là... - Tôi hỏi -          Nguyễn Thị Lý -          Quê chị? -          Nghệ Tĩnh! Tôi theo anh trai vào thành phố Hồ Chí Minh rồi tình nguyện lên đây để được đổ bê tông móng nhà máy thủy điện! Thế thôi! Chẳng ai bắt đi, cũng chẳng phải vì cơm áo. -          Lên Trị An, chị nhảy vào bê tông luôn sao? -         Không! Bắt đầu là khóc! Chẳng ai chịu cho nữ đổ bê tông. Công việc của phái mạnh mà! Ai dại " mang rơm nặng bụng" trong lúc tiến độ căng thẳng! Tức quá, chị em kéo nhau lên công ty biểu tình, đòi thành lập tổ 8-3. Sau đó, năng suất, chất lượng bê-tông 8-3 vượt lên át chủ bài tuyến năng lượng! Trớ trêu thay, hễ đội nam bê-tông nào lình sình thì y như phải năn nỉ chị em cho một nữ tướng về làm nòng cốt... Chuyện riêng tư của chị Lý cũng thật hào hùng! Chồng mất trong chiến tranh, gửi đứa con nhỏ cho bà ngoại ở Nghệ Tĩnh, chị xây dựng hạnh phúc với một thanh niên trước đây đối nghịch chiến tuyến với chồng mình và cưu mang con của một người mẹ nào đó vượt biên bỏ rơi trên vỉa hè Sài Gòn. Mười mấy năm nay, đời sống khó khăn và tiến độ thi công căng thẳng không cho phép chị về thăm con. Người mẹ ấy đêm đêm ôm ấp con người trong nước mắt nhớ thương con mình ở chốn quê xa, đứa con quen ở với bà cứ gọi ngoại bằng tiếng " mẹ" ngọt ngào, còn gọi chị Lý bằng tiếng "cô" lạnh lùng, xa lạ... ... Cuối năm 1986. Tại đập tràn trong những ngày đổ bê tông căng thẳng nhất chuẩn bị cho ngày lấp sông Đồng Nai, tôi gặp chị Lê Thị Lý ở đội 8 bê tông - chủ lực bê tông của Liên hiệp thuỷ lợi 4. Được kết nạp Đảng trong thanh niên xung phong, chuyển sang thuỷ lợi, học kế toán, chị cùng chồng là anh Thọ xung phong vào Trị An, từ chối một công việc nhẹ nhàng để đi đổ bê tông với chồng. Đổ bê tông mười lăm, hai mươi giờ trên hai mươi bốn giờ với chị Lýcũng như mọi người ở đây chuyện thường ngày. Gặp chị bao nhiêu lần ở đập tràn là bấy nhiêu lần thấy chị đang hăm hở cầm đầm rung  nén bê tông - công việc nặng nhọc mà ngay phái mạnh cũng chịu không xiết, cứ vài chục phút lại thay phiên nhau vì mệt bã ra. Bình quân tháng chị Lý đạt bốn mươi công đổ bê tông! Tuy không bằng chị Bút - năm mươi tám công bê-tông trong một tháng - nhưng trên đôi vai mảnh dẻ của chị Lý còn bao nhiêu trong trách: đảng uỷ viên ba cấp kiêm phụ trách công đoàn, nữ công đội 8, rồi thì làm vợ, làm me5,... Vừa rời hợp chị tức tốc ra bê tông. Vừa rời bê tông, chị hối hả lao vào bếp núc, tắm giặt, quét dọn rồi thì đưa đón con tới trường, rồi an ủi đồng nghiệp, giúp bạn v.v...Quần chúng không chê vào đâu được người đảng viên năng nổ đến quên mình ấy! Còn tôi, tôi nhớ mãi cái phút cầm lên đôi tay sưng tấy vì dị ứng bê tông của chị Lý và nghe công nhân nói về chị: -         Chị Lý bị thấp khớp, suy dinh dưỡng, đau tim... cả mấy năm nay đó chị! Có lần đang leo lên chót vót trụ pin của đập tràn,cơn đau tim bất chợp ập đến làm chị Lý suýt nữa rơi từ trên cao xuống!...         ...Lại gặp Đỗ Văn Đoàn ở tuyến đập Trị An. Trong hàng ngũ đội trưởng, trạm trưởng ở Trị An, anh Đoàn vào hàng nhất nhì - sát việc, gương mẫu, có duyên tiếu lâm, giao thiệp, và đặc biệt sống rất có tình cảm với anh em. Ở đâu có anh là tiếng cười rộn lên, gút mắt, tâm tư được tháo gỡ, người và máy chạy ro ro! Có lẽ vì vậy nên liên hiệp thuỷ lợi 4 luôn cử anh Đoàn đứng vào những vị trí cam go nhất: đội trưởng đội cơ giới 24, 26, phó trưởng trạm bê tông bảy mươi tám mét khối giờ... Lần thứ nhất tôi thấy anh đang cùng vợ nấu cháo cá lóc cho công nhân sốt rét nằm la liệt ở nhà mình. Lần thứ hai, anh đưa một công nhân đi bệnh viện. Lần thứ ba, anh chạy lo đám cưới cho Thanh ở trạm trộn bê tông - đại diện luôn hai họ trong mọi chuyện cưới hỏi. Lần thứ tư, anh ngược xui lo bảo lãnh cho một công nhân cao tuổi ra khỏi tù vì xe thi công đang chạy với một tốc độ rất nhanh, không kịp phanh lại khi đột ngột có người băng qua đường... Và hàng chục lần khác, tôi gặp anh cùng với anh Thái, anh Phiệt, anh Mạnh, anh Liêm ròng rã thức trắng với công nhân suốt chiến dịch đổ bê tông căng thẳng kéo dài hàng trăm ngày đêm... Nhưng tài sức của con người có hạng. Có bao nhiêu lần tôi gặp anh Đoàn ở Trị An là bấy nhiêu lần tôi gặp anh ở bệnh viện! Cùng đi với anh có khá đông cán bộ, công nhân ở Trị An. Các bác sĩ bệnh viện Thống Nhất, Chợ Rẫy cứ hỏi mãi: "vì sao không ngủ được?". Các anh chỉ nghiêng ngả cười làm bác sĩ càng hoảng, tưởng bệnh nhân mình hoá điên! Kết quả, bệnh viện cấp cho mỗi người một gói thuốc ngủ to tướng cùng với thuốc trị tim, gan, phèo phổi và căn dặn: phải cố gắng ngủ mới khỏi bệnh được!.. Bác sĩ đâu biết chỉ cần ngưng đổ bê tông một lúc là các anh có thể lăn ra ngủ ngay lập tức, nhưng thường là phải sắn tay áo lên để chuẩn bị cho khối đổ tiếp theo... ...Một ngáy cuối năm 1986. -    Báo cáo chú, cho cháu nghỉ việc về Sài Gòn vì mắt cháu sưng tấy không còn nhìn thấy gì nữa - Tuấn, tổ trưởng tổ Ba, cắt ngang câu chuyện giữa chúng tôi ở phòng giám đốc xưởng Bình Triệu - "bệnh viện xe máy" của toàn tuyến đập Trị An đồng thời là chủ lực lắp ráp cốt pha, cốt sắt ở đập tràn xả lũ. Lặng người đặt trước mặt Tuấn nào là nước ngọt, quýt, kẹo sô cô la chuyên gia Liên Xô vừa cho nhân dịp tết tây, khản đặc giọng, giám đốc Quyến nhỏ nhẹ: -         Cháu ạ! Chỉ còn mấy ngày nữa là lấp sông. Khối lượng lắp ráp cốt pha, cốt sắt ở đập tràn để đáp ứng yêu cầu lấp sông cón nhiều quá! Sẽ là một sỉ nhục lớn nếu vì chúng ta mà ngăn sông chậm lại. Anh em ai nấy đều quá mệt mỏi -Tôi chợt nhớ tới Tiến... Nếu bây giờ cháu bỏ về thì anh em rã đám mất... Tuấn lại tựa vào vai đồng đội ra đập tràn. Cách đó không lâu, tại đập tràn có ba người từ trên cao rơi xuống: người chết, người bị thương, trong đó có một công nhân, một phó giám đốc xưởng Bình Triệu. Những người tiếp tục chiến đấu ai nấy đều mệt mỏi, mắt đỏ hoe vì mất ngủ, lửa hàn... Ở đây suốt thời kỳ ngăn sông và thi công vượt lũ, hàng ngàn người đều mất ngủ như nhau...                  Tối hai mươi tám, hai mươi chín tết, nhìn theo những bóng công nhân xưởng Bình Triệu nhịn ăn tết, đi ca ra đập dàn xả lũ, lòng tôi cứ rưng rưng như chứng kiến những người lính quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đang hành quân ra chiến trường đầy khói lửa!...           ...Một ngày đầu năm 1987.           - Người công nhân thức liên tục nhiều nhất công trình thuỷ điện là ai     ?           -Hà Văn Minh!           -Người công nhân giỏi nhiều nghề và sẵn sàng đi sửa chữa mọi hỏng hóc ở công trường theo lệnh của mọi công nhân, giám đốc, ở mọi nơi mọi lúc là ai?           -Hà văn Minh!           Chuyên gia Liên Xô và công nhân Trị An đều nói với tôi giống nhau về Hà Văn Minh: Anh là "số dách" của Trị An! Trong ngày hội ngăn sông, Hà Văn Minh cũng như hàng ngàn công nhân tuyến đập không được chứng kiến giờ phút lịch sử chặn đứng dòng sông lại! Anh còn phải lắp ráp cần cẩu trên cao ở thượng lưu đập tràn xả lũ trong mùa mưa tới. Nhưng sau lưng người công nhân thầm lặng ấy là cả một núi việc mà anh đã tham gia  vào vị trí cam go, quyết liệt nhất từ ngày đầu khởi công Trị An: lắp ráp hệ thống nhà ở, kho xưởng, lái cẩu Tadano lao dầm cầu cứng vượt thác Trị An, lắp ráp và tháo dỡ toàn bộ cẩu tháp ở đập tràn, tháo dỡ cẩu tháp ở nhà máy thuỷ điện, sừa chữa các cần cẩu bị hỏng và hàng trăm ngàn hỏng hóc khác một cách kịp thời, nhanh nhạy nhất. Như một cánh chim trời trong gió bão, công việc cứ cuốn anh đi! Và chạy! nhiều ngày đêm, Hà Văn Minh không còn thời gian để ăn cơm nữa. Chuyên gia liên xô thay nhau trực hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ và lúc nào cũng thấy anh Minh đang mải mê làm việc. Họ kinh ngạc lắc đầu hỏi người Việt Nam : -         Có phải Hà Văn Minh được ngậm sâm không? Hà Văn Minh cũng chỉ ăn cơm đạm bạc như mọi công nhân khác vì đồng lương ít ỏi của anh còn phải gửi về nuôi bố mẹ già, và vợ con ở Sài Gòn, Tiền Giang... Rất là thương mến và cảm phục, chuyên gia Liên Xô thường đưa cam, sữa, đường cho Hà Văn Minh lấy sức làm tiếp. Trong tiếng động cơ ầm ầm của hàng trăm xe máy và mưa rơi đầy trời, tôi hỏi Hà Văn Minh: -         Anh được kết nạp Đảng chưa? -         Chưa! -         Có phải vì trước giải phóng, anh phục vụ hải quân ngụy? -         Không biết! Nhưng em tôi trước cũng ở trong hải quân ngụy  đã được kết nạp Đảng từ lâu... -Trước khi lên Trị An ... -Tôi đi ủi phá mìn ở biên giới tây-nam. Rồi vào nhà máy giấy Rạng Đông với em trai tôi. -Nghe nói hai lần anh làm đổ cẩu Tadano? -Nhưng cũng chính tôi sửa chữa nó trong thời gian ngắn. Tuy vậy, tôi không tránh khỏi bị kỷ luật, mà dư luận hai chiều ngược nhau-lớp thì cho là nhẹ quá, lớp thì cho là quá nặng nề... -Còn anh? -Nói chung buồn vì đội cẩu cắt hết mọi phần thưởng của tôi năm nay và không ít cặp mắt nhìn tôi như nhìn một kẻ phá hoại!!!... -Nhân kỷ luật, anh có nản? -Tôi buồn, nhưng làm việc còn hơn trước đó. -Thường những người có dính líu tới chế độ cũ, họ rất ngại trong làm việc, ăn nói hết mình, vì lúc sa tay, sẩy miệng bị quy kết này kia lắm! Anh Minh nghĩ sao mà quăng hết mình ra như vậy? -Việc mình làm, lương tâm mình coi được thì người khác coi được. - Anh lặng đi một lúc rồi nói tiếp.Có lúc tôi nghĩ thế này cô ạ... Giá như thay vào hai lần cẩu bị đổ là tôi bị tai nạn chết quách cho rồi... có phải hay hơn không?!... Tôi gặp Nguyễn Huy Trấn, giám đốc xí nghiệp 1 - đơn vị chịu  trách nhiệm thi công bê tông toàn tuyến đập thuộc Liên hiệp thuỷ lợi 4 - một trong những đơn vị được nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng ở Trị An (nay là công ty thuỷ lợi 41 - do anh Lê Quang Thế - Trước là phó giám đốc xí nghiệp 1-phụ trách thi công tràn xả lũ Trị An - làm giám đốc). -Anh Trấn này, Hà Văn Minh đang buồn đấy... -Đội cẩu cắt nhưng xí nghiệp tôi không cắt lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua của Minh đâu. Chuyện đổ ở cẩu Liên Xô và các nước khác là thường. Mình ít cẩu quá nên coi trọng. Vả lại, trong cái sai của Minh, có nguyên nhân khách quan là tại chúng tôi, là yêu cầu tiến độ phải nhanh, không ngừng nghỉ ở công trường này mà đời sống thì quá tệ. Làm như Minh, làm sao có lúc tránh khỏi quá mệt mỏi về cơ bắp, thần kinh, dẫn đến sa sẩy  kia chứ? Tóm lại là năm nay, nói như Minh nói: Anh "xui rủi" vì là năm tuổi. nếu không bị đổ cẩu, chúng tôi đã đề nghị phong tặng Hà văn Minh là anh hùng lao động. Tôi chợt nhớ tới anh Hiển - linh hồn của đội 2 - thuộc công ty xây lắp đường dây và trạm 2, công ty lá cờ đầu Bộ Điện. Đội anh Hiển đã hoàn thành hạng mục công trình chính dầu tiên của thuỷ điện Trị An - đường dây 220 kv Trị An - Biên Hoà trước thời hạn hai tháng bảy ngày. Là lính chế độ cũ đồng thời là một tín đồ Thiên Chúa giáo, trước khi thi công xong đường dây này, anh Hiển đã là chiến sĩ thi đua ngành, là đối tượng Đảng. Không biết sau hơn chục năm xây dựng xong các tuyến đường dây cao thế khắp miền đông, miền tây, anh đã được kết nạp Đảng chưa? Tôi chợt nhớ anh Nghĩa cùng vợ tình nguyện rời mái nhà êm ấm, khang trang của mình lên Liên Hiệp làm trắng lòng hồ dựng một mái bạt lộng gió để được góp mình vào công trình thuỷ điện. Mấy tháng sau, anh nhân được tin đứa con trai nhỏ của anh chết đuối ở nhà ông bà... Tôi chợt nhớ lời của một người cha miền bắc khi vào thăm đứa con trai ruột thịt của mình mất vì tai nạn lao động  ở móng nhà máy thuỷ điện: "Địa bàn thi công quá chật chội, phức tạp, lượng người, xe máy tập trung dày đặc và tiến độ căng thẳng thế này khó có thể tránh khỏi tai nạn... Vì vậy tôi không truy tố ai hết! Con tôi mất âu cũng là một trong muôn vàn đóng góp của nhân dân để có thuỷ điện Trị An..."   Ngày... Mười chín ngàn dân Đồng Nai dời nhà cửa, mồ mả ra khỏi lòng hồ thuỷ điện. Nhà nước và nhân dân cùng làm, mức đền bù cho bà con không đáng là bao so với cái họ tự nguyện đánh mất! Hàng ngàn héc-ta cà phê, cây trái đâu nhỏ! Mồ mả của ông bà,tổ tiên cũng ở đây... Nước mắt, mồ hôi và máu thấm vào từng gốc cây, cột nhà... -Cô ơi! Sau này Trị An phát điện, Nhà nước mình có dựng dường dây hạ thế đưa ánh sáng về cho vùng di dân nói riêng và tất cả vùng nông thôn căn cứ cách mạng cũ không cô?... Ngày... Chiến trường mênh mông làm trắng gần ba chục ngàn héc-ta lòng hồ thuỷ điện. Đa số là tre gai nguyên thuỷ, rừng già âm u, ẩm thấp. Hàng chục ngàn người Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, quân khu bảy v.v... đã tấp nập kéo lên đây làm trắng lòng hồ thuỷ điện. Hồ Trị An đỏ lửa đốt rừng - một biển lủa cháy lên từ đằm thắm vô vàn lòng dân với nước! Những người dân trước đây đã vác gạo nhà mình đi lo quốc sự dưới mưa bom bão đạn, nay lại cõng gạo nhà lên Trị An làm trắng lòng hồ thuỷ điện để duy trì nguồn nước ngọt cung cấp cho các tỉnh thành sản xuất và sinh hoạt. Tại đây, hàng trăm người đã vĩnh viễn nằm xuống vì sốt rét ác tính nhưng hàng ngàn người vẫn bám trụ đến năm 1988. Giá của nguồn nước ngọt trên sông Đông Na, giá của thuỷ điện đã phải đổi bằng máu!!!... Tôi chợt nhớ một định luật tự nhiên: "Năng lượng không tự nhiên sinh ra, mất đi .Nó chỉ chuyển từ dạng  này sang dạng  khác..." ...Tiến lảo đảo bước vào bếp ăn tập thể. Em hỏi tôi: -         Chị ơi! Sau này người đi xây dựng thuỷ điện có được hơn ai một quyền lợi gì không chị?  Biết trả lời Tiến sao đây khi trên thực tế, số phận của người xây dựng mấy chục năm qua chẳng hơn ai mà còn thua thiệt hơn ai hết trên mọi phương diện? Ngổn ngang và chói lòng lắm - tâm trạng, tâm tư của người xây dựng! Nơi anh đến là một trời hoang  dã. Sau khi dựng lên một túp lều để ở, nước mắt, mồ hôi và cả máu của anh từng bước kết tinh thành nguy nga công trình, dọc ngang phố. Rồi một tràng pháo nổ mừng công, đôi ba lời ca tụng, anh lại khăn gói đến với hoang vu,tay dắt con thơ, tay xách va li gỗ, để lại huy hoàng cho phía sau anh,người chiến sĩ lại lao vào những gian truân,thiếu thốn của người đào móng,đặt gạch,đổ bê tông,ủi đá!... Suốt đời, gia tài chỉ va li gỗ rẻ tiền. Khá giả hơn, cũng chỉ chiếc xe đạp cọc cạch, cái bàn thô mộc cho con ngồi học. Có người về già muốn sờ mó lần cuối công trình xây dựng nên, nhưng "ba-ri-e" ngăn cách anh với ruột gan mình: - "Không phận sự miễn vào!". Không ít người quên mình trong xây dựng Tổ quốc nhưng khi về hưu không tấc đất cắm dùi, không nhà cửa, không nhập được hộ khẩu, có quyền công dân mà cư trú bất hợp pháp...        Nhưng day dứt nhất của người xây dựng là con cháu họ. Hai ba chục năm trong nghề xây dựng là hai ba chục lần di chuyển nhà ở, hộ khẩu, học hành... Liên tiếp bán rẻ đồ dùng trước khi đi để liên tiếp phải mua đắt khi đến công trường mới. Khó có thể tính đến việc trồng trọt, chăn nuôi. Luôn xa chợ búa, trường học, bệnh viện,lộ giao thông... Tất cả khiến cho đa số con em người xây dựng thất học từ tuổi niên thiếu, thậm chí có em mù chữ! Trong khi cả nước đã giải phóng ca ba thì ở Trị An, các em vẫn  phải học ca tư, ca năm, vẫn thiếu thầy , thiếu lớp... Ở đây các em thơ còn bú sữa mẹ cũng phải đi nhà trẻ ca ba.Bố mẹ lăn ra làm sáng đêm, con khát sữa, khóc gọi khản cổ rồi đổ bệnh...         Những người đi xây dựng băn khoăn day dứt về con cháu họ, còn Tiến em  lo nghĩ nhiều về ba má và các em nhỏ, Em không dám cả yêu một cô gái nào, dồn lương thưởng về cho ba má sửa căn nhà dột nát. Không phải ngẫu nhiên em hỏi tôi về quyền lợi sau này của người xây dựng, Một trong ba người ngã trên cao xuống thành tàn tật là thầy giáo của em. Em rùng mình khi bế thầy lên xe cấp cứu, khi trông thấy vợ con thầy- những người nghèo khổ gặp nạn - khổ sở đủ đường... Tai nạn trong lao động cũng  như tai nạn trong giao thông thôi! Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi tôi nghe Tiến nói trong ánh nhìn xa thẳm: -         Nếu chẳng may bị như thầy em, em sẽ tự tử chị à! Em sẽ tự tử vì ba má không nuôi nổi em đâu...          Lặng đi một chút tôi hỏi Tiến : -         Chẳng lẻ em không tin đất nước rồi sẽ khá lên hay sau khi có thuỷ điện, dầu khí, có những nghị quyết chính sách thông minh, nhân hậu? -         Tin chứ chị! Nếu không tin , em đã bỏ Tri An từ lâu. Làm anh bán trà đá còn sướng hơn cái anh trí thức,công  nhân kỹ thuật  lăn lộn hết mình ở công trường nảy ... -         Tin sao em bi quan  đến vậy? -         Giàu nghèo của quốc gia phải có hàng chục hàng trăm năm . Còn nhà em, không thể tồn tại nhờ không khí dù chỉ là một ngày... -         Nên em tính về lại ga Biên Hoà bán trà đá? - Tôi đùa mà xót xa như cắt.           Tiến phì cười, nhưng nét ngây thơ ngộ nghĩnh vừa loé lên đã vụt tắt trong ánh buồn thăm thẳm... -         Chẳng thể hiểu vì sao mới gặp chị, em đã nói hết mọi chuyện mà lâu nay em chỉ đối thoại với chính mình. Có lúc, rờ tay lên mũi mình, em bật cười tự hỏi: Mình có còn là con người nữa chăng? Hàng tháng ròng rã ngày đêm, không được nghỉ một ngày chủ nhật, một ngày lễ. Sau hàng chục giờ làm việc cực lực là bữa ăn không có gì...Tiếp đến vừa thiu thiu ngủ đã bị yêu cầu tiến độ dựng dậy!!!...Hàng tháng không được xem một cuốn phim, một bản nhac, một tờ báo cũng không có nốt. Và nếu có cũng chẳng có thời gian, sức lực để xem. Lên đây chưa đầy năm và chỉ cách Biên Hoà, Sài Gòn năm vài chục cây số mà em đã sắp thành người rừng...Mà tụi em đa số còn trẻ, ai cũng muốn học thêm, học trung, đại học, học ngoại ngữ, học ca múa,nhảy đầm nữa. Tuổi trẻ mà chị! Ai lại muốn héo mòn đi ngay khi còn trẻ tuổi? Tiến lặng đi. Lòng em đơn côi, bối rối... Em bức bách cần một cảm thông, khuyên răng. Biết nói với Tiến sao đây? Chẳng lẽ khuyên em hãy dũng cảm hơn lên để bám trụ Trị An và các công trường sau đó? Vây thì nếu tôi là Tiến, tôi có chịu đựng được như em hay đào ngũ lâu rồi? Tôi có đủ tư cách khuyên răn em chăng? Vả lại, có gì để bảo đảm cho em và gia đình em nếu chẳng may em bị tai nạn? Tôi cũng chẳng thể khuyên em đào ngũ. Dù em là người dưng hay ruột thịt, thì em đào ngũ cũng làm chị buồn đau lắm Tiến à! Cả ba má em nữa! Về phố, dù em có kiếm ra nhiều tiền để phụng dưỡng bố mẹ già, nhưng ba má em có vui sướng hay chỉ khổ nhục trong tiếng cười chế nhạo của lối phố rằng nhà đó có một kẻ hèn nhát đào ngũ là em? Và các cô gái,bạn bè họ có kính trọng yêu quí em như xưa hay xem thường, thương hại? Tôi đang miên man suy nghĩ thì cơn ho của Tiến kéo tôi về thực tại. Một lần nữa Tiến làm tôi hốt hoảng: em ho ra máu!!! Máu lẫn vào cơm chan hoà... -Gia đình có ai bị lao phổi không em? -Không chị à... Xưởng Bình Triệu ở đây có ba bốn người cũng ho ra máu  như em... Sau đó, Tiến ốm nặng. Tôi vào bệnh viện thăm em. Nhìn Tiến khô héo, liệt giường, chợt nhớ một sáng mùa thu trên phà Hiểu Liêm, tôi gặp anh Ngọc lái ủi ở đội cơ giới 24 sốt rét run lẩy bẩy và cũng tái mét như Tiến trước mắt tôi đây. Lần đó anh Ngọc trở về Sài Gòn và không lên Trị An nữa! Anh đào ngũ hay không còn sức để trở lên? Chị Nguyễn Thị Lý cũng đã rời trận tuyến bê tông sau một trận ốm nặng. Khi chị liệt giường, ban giám đốc xí nghiệp chị còn mải tiệc cưới, sinh nhật...vui vẻ cùng nhau. Anh chị em công trường nói với tôi: Chị Lý không chỉ kiên cường trong lao động mà trong cả chống tiêu cực. Hèn chi...Vậy mà có lúc tôi mơ mộng rồi đây chị có thể trở thành nữ anh hùng lao động số 1 Trị an! Đội bê tông danh tiếng của chị Lý cũng bị xoá tên từ lâu. Đau lắm thay, lịch sử bê tông tuyến năng lượng mất đi chị Lý và đạo quân nữ tướng bê tông! Để rồi Bộ xây dựng phải điều hàng ngàn công nhân phía Bắc, mua cả vé máy bay cho họ vào cứu tiến độ bê tông quá lình xình ở tuyến ở tuyến năng lượng những năm qua, đồng thời phải kêu xin Bộ thuỷ lợi ở tuyến đập đến cấp cứu!!! Phải chăng , trong cả nước nói chung và ở Trị An nói riêng, cái lãng phí lớn nhất là của chúng ta là lãng phí con người ,lãng phí trong cả chiến lược lẫn chiến thuật sử dụng con người? Thiện chiến bê tông như chị Lý  lại đi trồng rau, xếp gạch ở xí nghiệp đời sống bởi ham chống tiêu cực! Những người như chị Lý,Tuấn,Tiến,Hà Văn Minh v .v... đâu chỉ cần cho một Trị An,đâu chỉ cần cho quê hương,  gia đình, và chính họ vài ba năm?! Phương châm Trị An: Quân cốt  tinh đông hơn cốt đông. Đây là một yếu tố để làm nên năng suất, chất lượng và hiệu quả. Ở đây, một người phải gánh công việc của hai, ba, bốn người! Nhưng các điều kiện vật chất, tinh thần tương ứng để con người sống, làm việc lâu dài thì ...Hai mươi tư năm là bao nhiêu nỗ lực của Tiến, gia đình và xã hội để tạo nên người lao động giỏi là em, để rồi sau chín tháng lên Trị An, em...liệt giường ở bệnh viện...Đặc biệt như Hà Văn Minh, toàn công trường chỉ có một, và cũng rất ít công trường có người độc đáo như anh. Sẽ khó khăn biết mấy nếu việc lao dầm cầu cứng vượt sông Đồng Nai bằng cẩu Ta-da-no không có tay lái can trường, thiện chiến duy nhất là Hà văn Minh? Sẽ khó khăn biết mấy nếu không có anh- một bàn tay vàng đặc biệt nhạy cảm với máy móc hiện đại để nhanh chóng lắp dựng và tháo dỡ toàn bộ cẩu tháp ở Trị An trên cơ sở một sơ đồ tiếng Nga mà cả công trường không ai làm được? Tôi hỏi Hà Văn Minh: -Anh cứ nói thật: Sức lực anh sẽ còn đi tới đâu? -Tuỳ ở cách sử dụng. Nếu đời sống khá hơn, công nhân sẽ đi làm đông hơn, đánh mạnh hơn nhiều nhưng không ảnh hưởng xấu đến thể lực, sức khoẻ  và cả mạng sống như thời gian qua. Hồi chi viện cho bên tuyến năng lượng làm việc nhanh hơn,nhưng ăn uống khá nên tôi không mệt bã ra như bây giờ... Nếu khá hơn, tôi có thể đi tiếp năm bảy công trình nữa, nhưng cứ tiếp tục thế này, khó có thể chịu đựng cho tới xong Trị An...                                                     x    x                                                         x Trị An vào xuân 1987. 11 giờ 5 phút ngày 12-1-1987, xe ủi hai bờ của băng két hạ lưu đập ngăn sông giáp nhau! Tiếng hoan hô dậy đất! Đó là thời khắc sông Đồng Nai bị chặn đứng lại! Trước đó, 14 giờ 17 phút ngày 11-1, nước sông Đồng Nai bắt đầu chảy qua đập tràn xả lũ. Ki-xa-nốp, tổng chuyên gia Liên Xô tại Trị An xác nhận: "Dự định của Viện thiết kế công trình thuỷ điện Liên Xô mấy năm về trước là ngăn sông Đồng Nai vào ngày 12-1-1987 đã được thực hiện đúng tiến độ"! Lương Viên, tổng giám đốc Liên hiệp thuỷ lợi 4-đơn vị chủ lực đắp đập ngăn sông Đồng Nai nói: -Vượt lũ còn căng thẳng hơn ngăn sông! Sau ngăn sông, Liên hiệp thuỷ lợi 4 bắt đầu cỡi trên lưng hổ: thi công vượt lũ!... Tối 29 tết nguyên đán, công nhân vẫn tiếp tục thi công ở tuyến đập. Đêm 30 tết, tiếng pháo giao thừa hòa tiếng mìn phá đá của cơ giới 9 ở tuyến năng lượng. Giữa hàng ngàn công nhân, Bộ trưởng bộ xây dựng Phan Ngọc Tường lắng nghe quần chúng hiến kế đầu xuân và nồng nhiệt "chúc bộ trưởng sang năm mới tiến bộ!". Văng vẳng đêm giao thừa, tiếng ai ngâm sang sảng "Cáo Bình Ngô" của Nguyễn Trãi: "Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới! Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào!". Cả công trường thao thức suốt đêm cuối năm. Bảy giờ sáng ngày mồng một tết, tuyến nhà máy ra quân làm luôn ba ca. Sáng mồng hai tết, dòng người, dòng xe tuyến đập lao ra hiện trường như thác đổ. Trong hàng ngàn người ra quân đầu năm mới, tôi lại gặp Tiến bận bộ đồ rách tả tơi năm qua má em vừa vá lại. Em nhanh nhẹn đu bám vào các thanh sắt nhỏ trên chót vót tường cạnh đập tràng. Nơi đây, ngay sau ngày nước qua tràn, một học sinh thực tập rơi từ trụ pin xuống hạ lưu tràn cuồn cuộn xoáy nước, mấy hôm sau xác em mới nổi lên ở cuối thác Tri An...Một người ngã xuống,ngàn người khác lại lao lên, trong đó có Tiến. Tôi ngước nhìn lên phía em và chợt nhận ra: mặt trời và trăng sao ở đây đều mọc dưới chân người thợ!!!... Lửa hàn từ tay Tiến liên tiếp loé-tắt, loé-tắt...tạo nên vô số đuôi sao chổi lúc ẩn,lúc hiện trên bao la không gian Trị An. Tôi có cảm tưởng không phải Tiến đang đu bám, đang hàn gắn mà là em đang cùng với đồng đội bay lên trên những đôi cánh thiên thần xanh biếc lửa hàn. Mênh mông, sâu thẳm lắm-lòng dân với Đảng, với quốc gia đại sự! Vị tha cao cả và thuỷ chung, kiên định lắm-lòng dân-biết chia sẻ với Đảng trong vinh quang và trong cả khổ đau,cay đắng!...         Tôi chợt nghe giai điệu bi hùng của dòng sông quê hương tháng năm này trong tiếng thác truyền thuyết réo sôi, trong tiếng mìn phá đá vang rền, hoà với lời ca xôn xao trên loa truyền thanh công trường như tiếng chuông rung, như gà gọi sáng...                                            Biên Hoà viết xong ngày 1/1/1987 (âm lịch).   

 Đăng ngày 16/12/2011

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan