Friday, October 9, 2015

Đằng sau bức tượng con chó đá



Tác giả: Lưu Quôc Hòa



 Đầu làng Hà Sở có một Từ -Đường đang xây cất. Đã hơn một tháng sau ngày động thổ, người ta thấy một ông già tóc bạc, mặc quân phục bộ đội cũ, một toán thợ trên dưới chục người cặm cụi làm việc.Chủ và thợ cùng ăn ở với nhau trong chiếc lán tạm, nói cười vui vẻ

Giưã cái ngổn ngang của một công trình đang xây dở, người ta cũng hình dung được vóc dáng diện mạo của công trình sẽ hoàn thành trong tương lai qua bức phối cảnh đặt trong lán. Quả đúng như phác hoạ thì ngôi Từ-Đường này ăn đứt các ngôi Từ-Đường khác trong làng, sự thường hễ cứ anh làm sau bao giờ cũng đẹp hơn anh làm trước, cứ nhìn thì biết, Từ Đường họ Phạm thì bằng chằn chặn, tường cao cỡ 3 mét mái đổ bê tông, mùa hè vào đấy mà nhang khói có khác gì chui vào  lò bát quái. Từ đường họ Lê  xây theo kiểu nhà ống như ở thành phố hiếm đất, phân ra lẩn nhẩn các ô, mỗi ô chứa mấy ông tượng chẳng ra kim cũng không ra cổ, mái xây vòm cuốn đứng xa nhìn lại giống cái đò dọc có mui. Đã gọi là chốn thờ tự thì phải có rồng có phượng, mái cong ngói vẩy, u tịch tôn nghiêm chứ đâu nhốm nhoám thế nào cũng được. Muốn có những thứ ấy thì phải đầu tư trí tuệ và tiền của, cái cảnh chia đầu bổ xỏ rồi tị nạnh nhau chảy máu mắt nhiều khi kính không bõ phiền .
Mấy vị ở các dòng họ khác nhìn vào bức phối cảnh, miệng thì khen đãi buôi, cổ họng lại trồi lên cục giận. Mà không giận làm sao được! Dòng họ này có cụ tổ ở đây đâu, chẳng qua họ thấy đất tốt cảnh đẹp, tiện thuyền tiện bến, cậy lắm tiền nhiều của thì vênh vang chơi trội cho thiên hạ biết tay. Cứ cho là ông tướng ông quan gì đến đây cũng là dân ngụ cư . Đã là ngụ cư thì phải có phép tắc với kẻ chính cư. Thế là các vị rủ nhau ra quán bà Tư-Kình uống rượu với bánh đa, đọc cho nhau nghe mấy câu ca dao học lỏm từ ngày còn đi làm thợ đấu:
Khôn ngoan ở đất nhà bay
  Tàn tre ngựa cưỡi đến đây cũng hèn
Họ vỗ tay đồm độp tự tán thưởng cái triết lý cao siêu và khoái trá ngật ngưỡng ra về.
Người chủ công trình biết tất cả! Ông là dòng dõi con nhà nho 3 đời khoa bảng. Ông đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến từ ngày đầu, nằm hầm bí mật xây dựng phong trào trong vùng địch hậu, từng làm Bí thư Huyện Uỷ rồi bị địch bắt tra tấn tù đày, cũng may mà sống sót không phải nằm lại nghĩa địa Hàng-Dương Côn-Đảo. Hết đánh Pháp rồi đánh Mỹ ông lăn lộn hầu hết các chiến trường. Kết thúc cuộc đời binh nghiệp mang hàm đại tá. Ông lại là nhà văn, tuy đầu sách chưa nhiều nhưng đã đặt dấu ấn trong thời kỳ đánh Pháp được độc giả trân trọng .
Ông Đại tá nhà văn ấy tinh đời lắm. Chỉ một nụ cười khẩy, một cái bắt tay chiếu lệ, một cái nhìn nghiêng là ông đã đọc được tâm can của đối tượng. Vốn là người thâm thuý, ông không thèm đối điều chấp vặt cho thêm rắc rối không đâu. Thôi tránh con trâu lấm. Cái đuôi nó vẩy xa lắm.
Ngôi Từ đường cứ xây, các vị chính cư đi qua cứ bàn, cứ hóc hách. Sự phân tuyến tuy không có hình dạng nhưng cứ ngấm ngầm, âm ỷ. Bức tường càng cao, sự ấy càng trồi ra báo hiệu một nguy cơ bùng phát.

Muốn gây sự thì phải có nguyên cớ. Không có nguyên cớ thì gây sự vào đâu. Nguyên cớ là cái bình phong để người ta vin vào đấy gây sự với kẻ khác. Bậc cao kiến phải biết lấy nhung lụa phủ lên gai góc...Tiêu chí kể ra cũng rất cao cường và mấy vị phát động một cuộc thi không treo giải để gây sự với cái ông đại tá ngụ cư   đội mũ cối, xuốt ngày phơi cái lưng gấu đảo quanh công trình, chẳng bao giờ đặt mông xuống cái ghế quán mụ Kình để đãi các vị chầu rượu "xếch" bánh đa. Ma mới phải trình làng ma cũ thế mới đúng lề luật !
Thủ lĩnh của nhóm này có 3 ông: Cả Hoè, Ba Lơi, Năm Tạc. Cả 3 vốn chẳng ưa gì nhau. Biết nhau từ ngày còn cởi chuồng, mỗi ông mỗi nết nhiều khi còn chọc ngoáy đá kheo nhau nhưng vì việc đại sự này họ tự động cụm lại để mưu việc lớn.
Nhà ông Hoè ở giữa làng kín cổng cao tường, có sập gụ tủ chè đen nhưng nhức. Đã ngoài 70 mà ông vẫn tráng kiện phởn phơ, ra đường là áo đóng thùng, đầu rẽ ngôi, khoe cái trán bóng như vung nồi đồng mà ở bên trong có đựng não bộ uyên thâm chữ nghĩa, dào dạt văn chương thi phú. Ông nổi lên giữa đám dân quê đói nghèo thằng cu bố đĩ như một nhà thông kim bác cổ. Dân chúng vẫn kính cẩn gọi ông là nhà thơ. Chuyện ông Cả Hoè thành nhà thơ là có thật. Số là năm đó máy bay suốt ngày quần đảo ném bom xuống cây cầu sắt đầu làng, lúc này ông là giáo viên tiểu học dạy mấy lớp đầu cấp. Ông đề nghị xã chuyển trường đi sơ tán thật xa vùng bị oanh kích để đảm bảo an toàn cho lũ trẻ. Xã cho đây là đề xuất hay và cử ông theo học sinh để quản lý và dạy dỗ. Thế là giữa lúc nước sôi lửa bỏng, ông ở tít tịt nơi sơ tán để lo cái trọng trách có cái tên thật quan trọng là:"Bồi đưỡng nhân tài cho đất nước".Cơm đã có người nấu, nứơc có người đun, máy bay mém bom đã có hầm trống kèo, ông chỉ còn phải lo bổ đầu trẻ và nhồi chữ vào đấy, đứa nào lơ mơ đã có thước lim..
Một buổi trưa nắng chói trang. Máy bay Mỹ lao đến trút bom vào thị xã,ông cùng lũ trẻ nơi sơ tán chui tọt xuống hầm chữ A. Từ cửa hầm nhìn về thấy quê hương bịt bùng khói lửa, lúc báo yên ông định thần lại rồi thăng hoa cảm xúc sáng tác một bài thơ hừng hực khí thế chiến đấu gửi về xã gọi là góp phần động viên quân và đân đang dũng cảm chiến đấu. Ngay đêm đó, đội thông tin lưu động vác loa đọc choang choang cho cả xã cùng nghe cảm động đến sởn da thịt. Một anh phóng viên mặt trận về lấy tài liệu nghe được, viết luôn một bài trong đó có đoạn ca ngợi  :"Cây bút Trần Hoè là một hiện tượng thơ mới xuất hiện những năm tháng chống Mỹ mà mỗi chữ mỗi lời có sức biểu cảm và tươi rói hiện thực của những con người đang trực tiếp chiến đấu ...Tác  giả đã hoá thân vào trận đánh vì vậy đọc thơ anh ta thấy mỗi ý mỗi lời đều vọng ra từ bom đạn.." .
Tên tuổi ông từ đấy nổi như cồn. Tiếng tăm bay đi hàng Tỉnh, ông liên tiếp nhận được giấy mời đi nói chuỵên, kể chuyện chiến đấu ở các hội nghị và ai mời ông cũng đi. Ông tự trang bị cho mình một bộ hành trang trận mạc: Mũ sắt, dù nguỵ trang, bi đông ...nói chung là bụi bặm và lích kích. Thế mới ra một ông nhà thơ chiến sỹ đang xung trận ...
Không ngờ đời ông lại có phút xuất thần vì tài thi phú. Có thể nói bài thơ là liều thuốc phóng cực mạnh đã bắn ông lên cái ghế trưởng phòng Văn hoá Huyện và không hiểu bằng cách nào mấy năm sau lại là Trưởng phòng Thương nghiệp Huyện thời bao cấp.Khi chế độ tem phiếu không còn ông hạ cánh nhẹ nhàng về quê, tham gia làm mấy khoá Trưởng thôn gọi là:"Vực lớp trẻ đi vào nề nếp"

Ba Lơi, Năm Tạc công tích mỏng lắm, không bõ bèn gì. Ba Lơi mù chữ hoàn toàn, đơn từ toàn phải quệt mực vào cái ngón tay chuối mắn điểm chỉ. Lão làm tập tàng chi vị nghề nghiệp từ thợ đấu đào ao vượt thổ đến bốc mả thuê rồi thiến chó thiến gà, mắt hiếng cập kem, lùn tụt, chân tay ngắn ngủn nhưng chắc như chày vồ. Tuy xấu mã nhưng trời lại phú cho cái tài nhập tâm và giọng hát chầu văn hay tuyệt, chẳng thế mằ chỉ chầu rìa hầu bóng, lão đã thuộc tất cả các giá đồng để vượt mặt cả bọn cung văn nhà nghề chuyên đi kiếm cơm thiên hạ. Lão lại có tật chim gái thành thần, cái tật mà ở lớp tuổi như lão rất chi là không nên có. Lão như con dê đực thả giông, cứ động thấy cái đũng quần đàn bà là cái mắt thong manh giả đảo như xóc ốc. Thôi! Kệ đời lão như cả làng này vẫn kệ đời lão lúc đình đám hội hè, để hơi mà kể về lão Ba Lơi vậy...
Ba Lơi còn ậm oẹ đánh vần được chữ Quốc Ngữ, nói chung là đã qua diệt dốt thời xa xưa. Thế mà từ ngày tập tọng làm thày cúng lão lại giỏi chữ Nho mới lạ. Lão bảo: Thánh đã cho ăn lộc là chữ nó chui vào đầu theo cái kiểu thi đặc cách ấy. Thánh đã cho ai là người ấy hưởng ...Cái quyển sách chữ Nho dày sân sấn chẳng hiểu lão lấy ở niên đại nào mà vàng khè như cất trên gác bếp lâu ngày. Lão lấy tay nhấm nước dãi nhoay nhoáy lật từng trang rồi đọc làu làu. Có ma nào biết lão đọc cái thứ gì trong ấy. Mõ lão khua rông rốc như súng liên thanh hộn trong cái giai điệu cải lương nửa mùa, Các ông đồng bà cốt cũng chẳng ai hay, chỉ thích nhập đồng xong là bổ thượng lên mà nhảy...!Mà thôi cũng kệ xác lão,  cái nghề kiếm cơm ấy giữa chốn nhà quê bây giờ mọc lên như cỏ, lão đâu phải cá biệt mà bận tâm kia chứ ! Ta lại quay về ngôi Từ -đường đang xây dở, ở đó có ông Đại tá Nhà-văn suốt ngày đội mũ cối mà các vị chính cư ở làng Hà-sở cứ nhìn thấy là nghĩ cách cà khịa.
Chủ công trình này là ông Bùi-Lâm, hậu duệ đời thứ 9 của một dòng họ có truyền thống khoa bảng, qua các triều đại phong kiến dòng họ ấy đều có người hiền tài thi đỗ Đại khoa, được vua tin dùng trong các vị chí Thượng trụ. Truyền thống ấy được kế tục từ đời nay sang đời khác. Ngay thời bây giờ, họ Bùi cũng đóng góp cho đất nước những trí thức, những nhà khoa học giỏi giang. Chiến tranh loạn lạc đã qua từ lâu, dòng họ thất tán khắp miền không có nơi quy tụ. Theo gia phả để lại, tại nơi bến sông đầu làng Hà-sở, cụ Tổ của họ, sau khi giúp vua lập ấp cho dân đã neo thuyền tại đây để sinh cơ lập nghiệp.  Đây là nơi phát tích lâu bền cho cháu con dòng dõi những đời tiếp theo.
Việc ông Bùi-Lâm xin phép xã mua đất dựng Từ-đường tại di tích cũ là như vậy.Năm nay ông đã già và cảm thấy quỹ thời gian của mình có hạn. Với chức phận trưởng tộc, ông thấy có trách nhiệm quy tụ họ hàng để cháu con hướng về nguồn cội. Vợ ông đã mất lâu rồi, con cái đều thành đạt giàu có, ông chẳng cần phải lo lắng. Ông bán ngôi nhà 2 mặt phố đem tiền về xây cất Từ-đường. Tài trợ cho trường tiểu học và trạm xá xã một khoản và dự định trải bê-tông cho một số đường làng ngõ xóm còn lầy lội sau khi công trình của ông hoàn thành. Ông coi đây là việc lớn của đời mình trước khi về với tổ tiên .
Gần một năm miệt mài, công trình đang đi vào giai đoạn kết thúc, người ta suýt xoa, tấm tắc khen cái Từ đường đẹp có một không hai cả vùng này chưa nơi nào xây nổi. Ngôi Từ đường ẩn dưới vòm của bóng cây đề cổ thụ,  hiện đại nhưng tôn nghiêm với lối kiến trúc của Đền đài truyền thống, những long, ly, quy, phượng rập rờn sinh động, những bức đại tự đã được dòng họ lưu giữ qua nhiều thế kỷ ánh lên sơn son thếp vàng. Rồi ngai, rồi bệ rồi các sắc phong vua ban và những bia ký bằng đá được xe vận tải chở về phải dùng cần cẩu mới hạ xuống được. Mấy xe tải chở cây cảnh ùn ùn tập kết nhìn mỏi mắt vẫn không chán. Đúng là lời đồn thiên hạ chẳng sai , dòng họ này giàu có và hào kiệt, tài hoa và uyên thâm, nền nếp và nhân ái vì vậy mới có lắm người hiền tài đức độ .
Một chiếc xe du lịch sang trọng nhẹ nhàng đỗ trước sân. Mấy vị cao niên cùng con cháu thận trọng mở cửa khiêng một con chó đá được phủ tấm lụa hồng trịnh trọng rước vào chính điện lấy nước lá thơm vẩy khắp lượt rồi chùm kín lại, sau khi làm lễ, con chó đá được yên vị trên bệ  ngoài tiền sảnh, quay đầu ra phía đường . Bên cạnh đặt cái bát triết yêu bằng đá. Một tấm bia có khắc mấy dòng : Khuyển mã chi tình -muôn đời ghi tạcbằng chữ Hán-Nôm. Đây là công việc cuối cùng hoàn tất vào lúc nhá nhem tối để ngày mai đón con cháu các nơi về làm lễ khánh thành và tổ chức dâng hương .
Buổi sáng ấy thật đẹp trời , nắng như rát vàng lên mọi cảnh vật, dòng sông êm ả với những cánh buồm căng ngực bình yên trôi trên mặt nước xanh lăn tăn sóng, hai bên bờ bãi ngô đã ngả màu vàng báo hiệu sắp cho thu hạt. Từ tinh mơ làng xóm đã thấy rộn ràng cờ phướn và những xe lớn xe nhỏ tập kết trong sân Từ-đường. Con cháu trong họ nườm nượp tụ về tay bắt mặt mừng hoan hỷ. Gặp ai trong làng dù chẳng thân sơ cũng chào hỏi lễ phép.
Ông Bùi Lâm mời các vị bô lão,  mời tất cả dân làng ăn trầu uống nước,lũ trẻ đi theo được chia kẹo bánh. Tất nhiên trong số đại biểu bô lão có cả 3 ông mà chúng ta đã làm quen lúc mở đầu câu chuyện .
            Ông Cả Hoè hôm nay mặc bộ đồ dạ cấp tá mới khự còn ngai ngái mùi băng phiến. Chưa vào lính một ngày, chưa mó vào khẩu súng lần nào mà ông còn oai nghiêm hơn cả vị Đại tá chủ nhà. Phải oai oách cho thiên hạ biết tay, ở cái làng Hà sở này đố thằng nào hơn ông. Ông phải là Thổ công sống, có khi sau này mà "tịch" dân làng còn tạc tượng thờ rồi tôn lên "phó Thành Hoàng"nữa là đằng khác .
Năm Tạc khoác bộ thày chùa, đội mũ cát trắng phau, tay khư khư quyển sách chữ Nho nhấp nhổm lúc đứng lúc ngồi. Ba Lơi mặc thụng đen đi lại lả thả, nhớn nhác ngó nghiêng, mắt lão như cái dạ dày  ăn mày háu đói, chả là quanh đời lão chẳng ra ngoài luỹ tre nên nhìn con gái, đàn bà thành thị sao mà nó thích mắt quá thể đi mất !
Khu Từ đường sáng nay không khí trang nghiêm mà thân mật. Mùi trầm hương toả lan nhè nhẹ quyện với mùi hoa lan hoa huệ và hoa móng rồng, con cháu dòng họ nhìn ai cũng lịch lãm hào hoa. Máy ảnh , may quay các cỡ, cái thì nòng dài, cái nòng ngắn chớp giật chớp nhoàng loá cả mắt. Hãi thật! Họ làm gì thế không biết..? Mấy cụ bà mắt tóet lưng khòng cứ thấy cái nòng đại bác lia vào lại ôm khư khư lấy cháu ...
            Mấy cô trí thức trẻ thành phố  đeo kính cận gọng vàng  thoăn thoắt têm trầu cánh phượng. Sao họ khéo thế, cứ tưởng họ chỉ biết đọc sách, chơi đàn, các già ăn trầu mòn cả răng ở làng này cũng không têm trầu điệu nghệ bằng họ...
            Giữa lúc vui vẻ đầm ấm thế, lão Hoè mắt sáng lên khi nhìn thấy con chó đá, lão kéo Năm Tạc, Ba Lơi ra một góc, thầm thào bí hiểm như buôn bạc giả rồi lúc cúc rủ nhau bỏ về .
            Nguyên cớ đây rồi! Lão rằn cái chén xuống bàn :
            -Lão Lâm láo lếu quá thể! Lão lại đặt con chó đá, hếch cái mõm bẩn lên mà chào cả làng mình!Ai mà chịụ nổi cảnh mới đến đầu làng đã gặp chó đón! Thế ra cái làng mình từ đứa trắng răng đến đứa bạc đầu chỉ đáng cho con chó nó đón thôi à!Cứ đà này cơ chừng Thành- Hoàng làng ngài giận mà bỏ đi thì khốn nạn khốn khổ cho con cho cháu. Các ông thấy không!Từ ngay lão Lâm đào đứt long mạch, làng ta có 2 người chết vì ung thư , mới đây con nhà cu Thào lại chết đuối, trâu bò thì lở mồm long móng cả lũ, gà thì  toi như ngả rạ, con cháu thi đại học chẳng đậu đứa nào, vừa rồi thi hết cấp cũng trượt ráo ...Đại hoạ rồi! đất có thổ công sông có hà bá. Thổ công lão Lâm rước về là quan to, nó đánh bạt thổ công làng mình cày sâu cuốc bẫm, nó trù úm cho cả làng lụn bại ...
            Năm Tạc, Ba Lơi chẳng rõ đầu con ruồi, đuôi cái đĩa thế nào cứ đực mặt ra mà nghe. Rượu uống tỳ tỳ, lạc bóc ranh rách ...ừ ! nghe lão Hoè nói cũng có lý, lão ấy có học nên biết nhiều chứ  cái thớ mình chữ nghĩa đâu ra mà vu đàm khoát luận, suy cho cùng đúng hay sai cũng mặc thây lão. Lão là nước, mình là con cò con vạc, nước có đục cò vạc mới có chỗ kiếm ăn.!
            Cả Hoè hùng biện một thôi  một hồi, mặt đỏ tấng tang như  mào gà chọi. Cái miệng  nói điêu được cấp chứng chỉ trành ra kết tội. Năm Tạc , Ba Lơi có vẻ đã thấm nhuần hơn nữa lại được chai rượu Vọc và giá lạc rang hỗ trợ nên hăng hái ra mặt . Các lão bắt chặt tay nhau như dính nhựa, quyết phen này băm con chó đá của lão Lâm nấu giả cày, nhựa mận .
          Làng Hà-Sở ồn lên như ai đứng ra chủ trì đâu. Khắp các nẻo thôn cùng xóm vắng không khí như có lửa sôi. có động đất.Tốp năm tốp ba nam phụ lão ấu lùng rùng kéo nhau ra trụ sở để họp. Họ vung tay nói oang oang như chợ vỡ, các bà già lại thầm thào , thẽ thọt như sợ nói to Thành hoàng vật chết . Kéo đến rồi lại ra về  người nọ thổi vào tai người kia chứ có ai đứng ra chủ trì đâu. Kêu gào, lo sợ chán, cả làng lại kéo nhau ra khu Từ-đường mục kích cái con quái vật hỗn láo kia ...Con chó đá vẫn nằm gác chân lên bệ, vẫn hếch mõm vểnh tai phớt lờ ...
            Đám mây dư luận u ám phủ lên khu Từ-đường . Những lá đơn kiến nghị loằng ngoằng một lô chữ ký, những đơn thư nặc danh bay như bươm bướm khắp các cấp .Không khí  ngột ngạt bức bách trong dân hầm hập như lên cơn sốt ác tính .
            Các chi họ triệu tập họ tộc của mình tập trung tại mỗi điểm khác nhau để quán triệt cái nguy hại do đất làng đang bị kẻ khác làm đứt Long mạch, việc Thành hoàng giận dữ con chó đá mà quở phạt cả làng  gây ra cảnh  ốm đau bệnh hoạn. Dòng họ nào cũng mời  thi sĩ Trần-Hoè đến nói chuyện. Ba Lơi , Năm Tạc mặt nộ khí bừng bừng, tay cầm chai rượu lượn lờ hầu hết mọi chỗ, kẻ nâng bị, kẻ cắt quai  một đồng một cốt nhất hô bá ứng. Các lão như con thoi, không! Phải gọi các lão là con hổ mang bành trườn khắp ngõ nghách, phun nọc độc vào những người hiểu biết lỗ mỗ lại hay tin vào những thứ quàng xiên để cồn lên những lo lắng giận dữ vô căn cứ .
                        Cả làng cử đại biểu có máu mặt lại hoạt khẩu kéo lên uỷ ban xã, lên Huyện đòi gặp bằng được các ông bà cán bộ kiện việc con chó đá nặng chưa tới 50 ki lô  và cái Từ-đường chấn đứt long mạch của làng ...Cơm đùm cơm nắm lỉnh kỉnh nhiêu khê. Thật là cảnh vừa bi vừa hài giữa thời buổi con người đang bay vào cung trăng bằng năng lượng nguyên tử chứ không như Ông Công cưỡi cá chép...Cười ra nước mắt đấy nhưng biết làm sao  được! Các vị có thẩm quyền đau đầu buốt óc nhất là cấp xã cứ quýnh lên chẳng biết giải quyết ra sao .  
            Đợi mãi sốt ruột, thôi!Việc của làng thì xử theo lệ làng! Càng đợi Thành- hoàng càng giận. Ngài mà giận là chết ráo cả nút! Họ kéo nhau tập trung đi phá Từ-đường. Đám người kéo đến ngày một đông với  cuốc, cào, dao búa huơ lên tua tủa .Ông Lâm vẫn điềm nhiên tỉa cây cảnh rồi thắp nhang, đốt nến khắp các ban thờ, con chó đá vẫn vô tư chầu ra cửa chính .
            Giữa lúc người ta sắp sửa tràn vào Từ-đường. Từ hướng đường cái dẫn vào làng, một chiếc xe đen bóng và một xe mui trần chở đầy các chiến sỹ cảnh sát đặc nhiệm tung bụi tiến vào đỗ trước đám đông. Không khí như chùng lại, người ta thấy ông Chủ tịch và anh cán bộ Văn hoá xã hớt hải lao từ trong xe ra. Tiếp đến là một vị đeo lon thượng tá công an, trên ngực có tấm biển chức danh Phó giám đốc Sở. Sau khi lễ phép chào dân làng, bắt tay vị đại tá Bùi-Lâm. Ông mời dân làng tập trung để nói chuyện:
            -Kính thưa các cụ! thưa toàn thể dân làng, chúng tôi với trách nhiệm được Đảng và nhân dân giao phó là bảo vệ bình yên cho cuộc sống, giữ gìn kỷ cương phép nước. Sau khi nhận được những đơn thư tố cao của nhân dân, chúng tôi đã cử các chiến sỹ an ninh Văn hoá trực tiếp vào cuộc, qua quá trình điều tra đã có những kết luận chính xác như sau : Theo gia phả dòng họ viết bằng chữ Hán ghi  lại sự kiện : Ông khởi Tổ dòng họ  trên đường tìm về tụ nghĩa với Minh- Quân  bị giặc truy đuổi gắt gao đã trốn vào một ngôi nhà bỏ ngỏ sống cùng với một con chó. Sau khi thoát nạn, con chó đã  dẫn đường cho Ngài tìm về phò tá Minh-Quân. Ngài đã được tin dùng và được bổ làm Phó Soái .Sau khi dẹp xong giặc, nhớ đến ân tình của con chó, Ngài lên ngựa tìm về chốn cũ thì trong ngôi nhà hoang ấy chú chó đã chết để lại mặt đất một bộ xương. Ngài cho quân lính chôn cất và đề vào tấm bia hàng chữ như ta đang nhìn thấy.Vậy là con chó đá đã có mặt lâu đời, qua rất nhiều địa điểm thờ phụng rồi mới có mặt tại đây .
Việc thứ hai là quyền sử dụng đất : Ông Bùi Lâm được xã đề nghi tỉnh cấp  giấy quyền sử dụng đất qua việc nhượng bán với giá thoả thuận. Ông có toàn quyền sử dụng hợp pháp, tất cả các hành vi manh động ảnh hưởng đến công trình hiện có là hành vi trái pháp luật, ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị .
            Ngừng lại một lát, ông gỡ kính giọng trầm lại ;
- Xin mọi người đừng vô tình tiếp tay cho cái ác, để có sự việc đáng tiếc xảy ra hôm nay. Cơ quan bảo vệ luật pháp đã có  đầy đủ chứng lý kết tội kẻ đã chủ mưu gây ra .Đây là việc làm có tổ chức, có thủ đoạn gây những tác hại nghiêm trọng trong đời sống xã hội, gây mất đoàn kết trong nhân dân ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và đạo lý cần phải được nghiêm trị để làm gương. Kẻ đó là ai, chúng tôi đang hoàn chỉnh hồ sơ và buộc kẻ đó phải trình diện pháp luật một ngày gần đây.
  Ông chào mọi người và lên xe. Đoàn xe tung bụi phăm phăm lao về hướng đại lộ .
   Cả Hoè nâng cùi trỏ quệt mồ hôi trán đang tứa ra đầm đìa, liếc trộm thấy Năm Tạc Ba Lơi mặt cũng đang bợt ra ...
              Ba lão ba ngả, chẳng ai chào ai thập thững bước...
     Hà nam tháng 5/2008

 Đăng ngày 13/01/2009
Ý kiến về bài viết
  Gửi bởi: Moon - 13/01/2009

Bóc tem cái đây.Mặc dù đang ốm nhưng Moon cố căng mắt lên để đọc tác phẩm của anh Hòa .Moon hổng giám bình luận đâu.Đâu đây trong cuộc sống ta thường gặp những trường hợp như vậy đó.
Cảm ơn những lời góp ý chân thành của anh về thơ Moon.Muốn học hỏi và làm quen với nhà văn mới xuất hiện  Moon lân la tìm địa chỉ  mà chưa rõ.Anh cho Moon địa chỉ nhé.Hy vọng anh em mình sẽ ăn ý ...

  Gửi bởi: Lưu Quốc Hoà - 13/01/2009

Chào em! Chào cô giáo có nhiều tâm sự
Chỉ có ai vật vã và đau đớn, giận hờn và khắc khoải mới trở thành nhà văn, nhà thơ. Có lẽ anh và em đều có chung một hoàn cảnh...Anh vật vã và đau khổ cả tình yêu và cuộc sống,. bị bạc đãi và quăng quật có nói cả ngày cũng chưa thoả, chính vì vậy giọng văn anh ngang ngạnh và phá phách. Thuật ngữ mới về cuộc sống có một người nói thế này: Có ba cách chết nhanh nhất, 1 là : Hôn nhân với một người mà ta ko hài lòng.2 là chơi chứng khoán, 3 là đóng kín cửa phòng đốt than tổ ong. Anh đoán mò thôi, chắc em thất bại (hặc lỗi nhịp) trong hôn nhân. Vì thế mới bật lên nhiều tâm sự...Em còn nhớ câu danh ngôn này ko :" Hôn nhân là nửa bên kia cuộc đời", nếu ko tìm ra cái nửa bên kia cũng đừng nuối tiếc. Biết đâu lại là cách giải thoát tốt cho cuộc đời ta. Đừng buồn em ạ, con cái và sự nghiệp sẽ làm em viên mãn, Nếu anh ko còn làm thơ và viết văn chắc là chết lâu rồi..anh mong em hãy gắng lên vừa dạy học, nuôi con và làm thơ. Cả đời anh chưa bao giờ phản bội vợ, chưa bao giừ mang tiếng là trăng hoa khi anh là nhà văn nay đây mai đó, vừa viết, vừa làm thợ vừa kinh doanh. Điều gì chưa hài lòng anh đổ cả vào văn, viết như ma ám...Thế là quên buồn bực ngay thôi mà. Anh chuẩn bị sang tuổi 51 với bao khát vọng, nhưng khát vọng lớn nhất là văn chương, Năm ngoái giờ này anh cận kề cái chết, trong lúc cận kề ấy anh cố gắng viết nốt cuốn tiểu thuyết, quên cả bệnh tật. Nếu có bệnh mà ngồi chờ chết thì tai họa ấy còn hơn cả chết. Thế rồi vượt qua, lại sách vi tính đi làm, rỗi là viết. Có thể nói, vài ba tiếng ngủ còn anh ko lúc nào rỗi để mà buồn nữa. Sống nhiều hay ít ko quan trọng, quan trọng là sống thế nào. Phải biết tự tỏa sáng trước khi vào cõi vĩnh hằng em ạ. chuyện em đọc là chuyện anh đạt giải nhì trong cuộc thi Văn thơ 2008. Có nmột chuyện anh sẽ "meo "cho em, anh tin là em thích. Chuyện này anh viết ở nhà sáng tac Tam Đảo khi đi dự trại viết văn...Dành mấy phút tâm sự anh lại "cày" trên cánh đồng giấy đây, chúc em mau khỏe và sáng tác đều tay. Anh ra mấy tập thơ nhưng viết ko đạt lắm, lúc nào gửi meo vào cho em đọc đỡ buồn Meo anh:quochoahnam@yahoo.com

  Gửi bởi: Lưu quoc Hoà - 14/01/2009

gủi moon
Em ở đâu trong vô tận, vô cùng
Anh tìm tên em trong tên bè bạn
Phấp phỏng nỗi lo khi tiết trời ấm lạnh
Cô giáo anh thương...Cơn đau đã lui chưa

Ngoài thềm Xuân đã đến bên ta
Con mấy đứa...Em vui buồn ấm lạnh
Trời thì cao, đất thì quá rộng
Anh vẩn vơ hoài khi đọc thơ em

Hãy ngủ ngon ...xin em hãy ngủ ngon
Qua đêm dài, mai trời lại sáng
Em lại về trong trang thơ bè bạn
Như mùa Xuân đang đến bên thềm


  Gửi bởi: Moon - 15/01/2009

Gởi anh Lưu Quốc Hòa ,
Cảm ơn anh đã quan tâm đến Moon và có thơ tặng nữa .Moon mới đi viện châm cứu về mở mạng thầy bài thơ Moon rất xúc động.Moon sẽ họa lại sau nhé.Thân ái .

  Gửi bởi: Moon - 15/01/2009

Xuân đến cánh én mềm gõ cửa
Rộn đất trời ,rực rỡ bướm hoa
Gió thì thầm nghe sao ngọt quá
Ai rót mật vào lòng em chăng?

Một trái tim côi,căn phòng vắng
Khuyết vầng trăng, một đốm sao thu
Mênh mông triền núi, ngàn sương phủ
Cô chủ thả hồn với mây xanh.

Dẫu tình yêu quá đỗi mong manh
Trong giá lạnh khát thèm nắng ấm
Dẫu tình đầu mi tràn lệ đẫm
Vẫn âm thầm dấu một trời yêu .

Dẫu gió chiều mang nổi cô liêu
Tím hoàng hôn nhàu bao nhung nhớ
Người ở phương trời nơi xa nớ
Biết em chờ ngỡ hoá đá không ?

  Gửi bởi: ban xa - 16/01/2009

Gửi em!
Dẫu xa mà vẫn gần
Người ơi đừng hóa đá
Hãy làm một nhành xuân
Cho đời thêm rộn rã

Cây bên đường tán lá
 Còn lả về bên nhau
Con chim kia vẫn hót
Lời yêu mãi đằm sâu

giữa cuộc đời bể dâu
Chẳng ai hai lần sống
Những cay đắng  sẽ qua
Và  niềm vui sẽ đến

Chẳng ai hai lần sống
Chẳng hai lần làm người
Gửi em cành đào thắm
Xuân đang về em ơi...
01685083357






  Gửi bởi: quochoahanam@yahoo.com - 18/01/2009

Alo!alo...Tết nhất tôi mẹ đỹ lo rồi, nghỉ mấy hôm giao lưu cùng bạn văn chương cả nước cho nó xôm trò. Xuân Đức, Văn Chinh, Phong Điệp, Dương Hướng, Lê thiếu Nhơn, Wb Hội Nhà văn ...chứa chấp rồi. Lân la gạ gẫm bạn mới "ăn nhờ ở đậu"3 ngày Tết đây. Tôi đang dự trữ "thực phẩm" không có hóa chất để sắp ra đời Blôc, Alô!âlô...Meo tôiquochoahanam@yahoo.com ống nói áp vào tai kô có giờ giấc 01685083357..alô!alô
  Gửi bởi: li - 16/05/2012

"Cả đời a chưa bao giờ phản bội vợ, chưa bao giờ mang tiếng trăng hoa dù a là nhà văn nay đây mai đó..."
Phu nhân của vị nào cũng muốn nghe câu này...

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan