Friday, October 9, 2015

Chiều xuân viếng mộ Nguyễn Bính



Tác giả: Nguyễn Thế Vinh



Dở dang từ mối tình đầu
Trái tim chuốt đủ nghìn câu làm gì
Tượng đài, bia đá mà chi
Tiếng oan mắc nợ cũng vì tài thơ
Như ngao sóng táp lên lên bờ
Như ve đứt giọng bên hồ lặng thu
Tắt đèn còn có tiếng ru
Tắt lời dạ thẳm âm u tấc thành 
Long đong kiếp sống cũng đành
Gian nan cả lúc đã thành người xưa
Một lần chết - bốn lần đưa *
Tóc tang mấy độ cho vừa văn nhân 
Chiều nay trời lại mưa xuân
Ao làng tát cạn cây cần cũng xanh... 
Thiện Vịnh Xuân năm 1986
   
   Đôi lời Cảm nhận về bài thơ của Lưu Quốc Hoà
   Nguyễn Thế Vinh viết bài thơ này vào mùa xuân  năm 1986 tại Thiện Vịnh quê hương cố nhà thơ Nguyễn Bính và công bố lần đầu trên báo Tiền Phong sau đó được nhà thơ Ngô Viết Dinh đưa vào " Tuyển tập đến với Nguyễn Bính" gồm 604 trang in ở NXB Thanh niên năm 1998. Phần "Những nén hương viếng mộ NB" bài thơ có tựa đề trên, đăng cùng bài thơ của bà Hồng Châu (vợ đầu NB)  và sau đó in ở báo "Người Hà Nội" và kế tiếp là  vào tập "Thi Sỹ và tình yêu"của Hôi VHNT Nam Định. Cuối cùng là vào tập "Tiếng chim gọi mùa". Vừa qua bài thơ này lại công bố ở cuộc hội thảo của hội VHNT Nam định năm 2008. Bài thơ đã có khá nhiều lời bình của các tác giả có tên tuổi trong cả nước. Tôi thuộc thế hệ đàn em,  là người sinh sau đẻ muộn, lại là tác giả chuyên về văn xuôi, không có tầm để nói nhiều về giá trị nghệ thuật cũng như các vấn đề học thuật và thi pháp...Chỉ biết rằng dư luận đánh giá tác phẩm thơ của NTV rất trân trọng. Khổ cuối bài thơ  có câu " Một lần chết, bốn lần đưa" mà tôi đã * để chú giải. Xin được nói đôi điều cùng bạn đọc để có thể coi đây là tư liệu đáng tin cậy về mộ Nguyễn Bính.
    Sau khi mất vào ngày Tết của năm 1966. NB được chôn cất tại nghĩa trang Cầu Họ (cây số 13 đường 10 ngoại thành Nam Định). Vì là ngày Tết nên mọi người trong cơ quan văn nghệ tỉnh Nam Hà về quê với gia đình trong đó có cả Chu Văn là thủ trưởng trực tiếp của NB. Thời chiến tranh phá hoại việc loan báo tin tức cho nhau không có điện thoại và xe cộ như bây giờ nên việc chôn cất đành nhờ đội quản lý nghĩa trang ( đặt ở Dốc Lốc Nam định). Đội này lúc chiến tranh là bộ phận giải quyết việc chôn cất các nạn nhân bị bom Mỹ sát hại. Trong đám tang, vợ con NB cũng không có vì không kịp báo tin(Bà Trần Thi Lai là vợ NB đang sơ tán ở quê cố nhà văn Nam Cao, vừa ở cữ sinh Nguyễn Mạnh Hùng ) ...Đấy là lần đưa thứ nhất.
Sau khi hợp nhất 3 tỉnh lấy tên là Hà Nam Ninh. Mộ NB lại chuyển về nghĩa trang Tam Điệp Ninh Bình và việc thăm viếng mộ mỗi năm của gia đình rất cách trở, hơn nữa, nghiã trang này rất lắm mối nên gia đình xin chuyển phần mộ NB về quê để tiện hương khói, thăm nom. Lần thứ 3, mộ NB lại dy dời về quê và đặt tại cánh đồng Mả Quan, cạnh mộ  ông nội vì lý do đất hương hoả của gia đình lúc này đã bán và sang tên chủ mới là bà Nguyễn Thị Hường...Đấy là lần thứ 3
     Được sự can thiệp và giúp đỡ của chính quyền xã Cộng hoà huyện Vụ Bản, của Hội VHNT Hà nam Ninh và trực tiếp là của nhà văn Chu Văn .Gia đình họ hàng đã thương lượng để lấy lại đất hương hoả bằng hình thức nhượng đổi. Thế là di cốt NB trở về an táng tại khu vườn nhà, nơi nhà thơ đã cất tiếng khóc chào đời và đến nay đã xây nhà tưởng niệm do anh chị em NB góp tiền của xây dựng. Các tài liệu này tôi tóm lược lại qua tuyển tập của nhà thơ Ngô viết Dinh do nhiều nhà văn, nhà thơ đã góp mặt trong tuyển tập kể lại.
Bài thơ của NTV  bắt nguồn từ những long đong  thân phận của thi sỹ, cả lúc còn hiện hữu với cuộc sống lẫn khi đã trở thành người thiên cổ. NTV muốn gửi gắm tâm sự với chúng ta: Muốn đánh giá một tài năng cũng cần có sự trải nghiệm của thời gian...Những tư liệu mà tôi cung cấp còn đầy đủ bằng chứng  của những người đang sống
     Phủ Lý Những ngày áp tết  Kỷ Sửu
     ( Bài do LQH meo vào )
                                                                                                                 


 Đăng ngày 13/01/2009

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan