Thursday, October 8, 2015

Bản rondo mùa hạ - (Cảnh III, IV)

Tác giả: Xuân Đức



             CẢNH     III ( Cảnh phụ, không gian hiện tại) 
                    ( Trên con đường Hồ Chí Minh hiện đại, buổi chiều, bố con một Cựu chiến binh đang dừng chân nghỉ. Người bố chinh  là Trần Chinh Vũ. Đứa con trai là Nam, một trí thức trẻ.) 
Nam           : Bố ơi, con đường Hồ Chí Minh huyền thoại mà lại đẹp thế này ạ ?
Chinh Vũ   : Đây là đường Hồ Chí Minh được xây dựng hiện đại sau này, người ta gọi là đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá.
Nam           : Thế con đường cũ đâu hả bố?
Chinh Vũ  :  Nó chìm sâu xuống phía dưới mặt nhựa này...Những năm tháng, những kí ức...không biết bao nhiêu máu xương nữa, đều ở phía dưới này...
Nam            :  Bây giờ bố con mình về thăm quê của bố phải không ạ ?
Chinh Vũ    :  Có lẽ sẽ về sau con ạ. nếu bắt được xe, mình phải xuống Huế theo địa chỉ phòng tranh giống như  trong dòng nhắn tin kia...
Nam            : Bố kì thật. Đã tính thế sao không đi xe suốt, xuống xe giữa đường thế này làm gì cho cực ?
Chinh Vũ     :   Sao, con thấy vất vả lắm à?
Nam             : Con là thanh niên ăn nhằm gì. Con lo là lo cho bố..
Chinh Vũ     : Không sao đâu con. Bố muốn dừng lại chỗ này...Nói đúng hơn là bố không thể bước qua chỗ này...Ngày ấy đây là bìa rừng, toàn là rừng nguyên sinh...Con sông trước mặt gọi là sông Tả Trạch...Tổ ba người của bố trong lúc vượt sông xuống đồng bằng để nắm lại cơ sở chuẩn bị cho Trung đoàn đánh về giải phóng Trị Thiên đá bất ngờ gặp lũ dữ..
Nam              : À...tức là ba Thiện con đã hi sinh ở đây?...
Chinh Vũ      :  Không. Ba con bị thương rồi bị địch bắt. Sau đó ba con hi sinh ở đâu, phần mộ hiện mai táng chỗ nào, bố không biết được. Người duy nhất có thể biết rõ lại là một lính Nguỵ.
Nam              : Sao? Một lính Nguỵ?
Chinh Vũ      :  Đúng. Anh ấy cũng là nạn nhân của trận lũ quét và cũng được ba Thiện con cứu..Bọn lính bắt ba con đi là lính cùng đơn vị thám báo của anh ấy..
Nam              : Trời ơi, nếu thế thì...làm sao tìm được anh ta, và nếu tìm được liệu anh ấy có  nói cho chúng ta biết không?
Chinh Vũ       : Anh ấy tên là Hoàng Phối, chính là người đã nhắn tin trên đài đó.
Nam           :  Thật thế sao? À mà bố ơi, con đọc báo nghe nói cái galerie của tác giả này toàn là những kí hoạ về Bác Hồ được vẽ từ những năm chiến tranh.  Nếu anh ta là lính phía bên kia thì làm sao lại có thể kí hoạ về Bác được?.
Chinh Vũ    :  Bố thì lại không ngạc nhiên chút nào. Bởi vì ngay năm đầu giải phóng Huế, anh ấy đã tặng cho Bố một bức tranh vẽ Bác rất đẹp. Bố đã hiểu vì sao anh ấy vẽ được Bác.
Nam             : Bố hiểu thế nào ạ?
Chinh Vũ     :   Bố hiểu rằng, hình ảnh Bác Hồ đã thấm vào trái tim anh ấy bằng chính dòng máu của ba đẻ con.
Nam             : Bằng máu của ba con...( Khe khẽ ) Ba ơi!...Ba đang ở đâu ? 
                       Tắt đèn chuyển không gian
                           
   
CẢNH  IV
                    ( Trở lại quá khứ. Cảnh rừng. Ở chỗ đất cao, cạnh những phiến đá lớn. Trần Chinh Vũ nằm bên cạnh bếp lửa. A Thiện và Hoàng Phối đang cùng nắm hai đầu tấm chăn cùng vắt cho khô nước )
A Thiện      : Giữ thật chặt, vắt cho thật khô..nữa vào...Được rồi...Bây giờ căng ra, rũ thật mạnh vào, nào...Rũ lần nữa.Thế...được rồi..Bây giờ anh giúp tôi cùng căng chăn ra...Thế..Đưa lên trên bếp lửa. Được rồi..Giữ chặt thế nhé, chỉ một loáng là khô thôi..( Vũ cựa quậy, rên khẽ)Đau lắm hả anh ? Anh Vũ chịu khó một tí, em hơ tấm chăn cho ấm rồi đắp cho anh, anh sẽ thấy dễ chịu ngay thôi...
                    ( Từ lúc đầu, Hoàng Phối luôn làm theo chỉ dẫn của A Thiên như cái máy, mắt vẫn không rời Thiên như bị thôi miện.)
A Thiện      : Này, sao anh cứ nhìn tôi chằm chằm vậy hả?
H Phôi        : ( Lúng túng) À không...em chỉ..
A Thiện      : Này, em em cái gì, coi bộ dạng bên ngoài không chừng anh lớn tuổi hơn tôi đấy. Anh tên gì, sinh năm bao nhiêu?
H Phối        : Dạ em tên là Hoàng Phối. sinh năm 48..
A Thiện     :  Đấy dấy..cậu hơn mình một tuổi..đừng xưng em em nữa, coi như ngang nhau..
H Phối        : Ngang nhau?
A Thiện      : Chứ sao nữa. Chẳng lẽ cậu lại muốn mình xưng em với cậu?
H Phôi        : Ấy chết, em đâu dám...Chỉ là...
A Thiện      : Đằng ấy...quê ở đâu?
H Phối        : Dạ em..à, tôi ở Đồng Nai.
A Thiện      : ( Ngơ ngác) Đồng Nai nó nằm chỗ nào?
H Phối        : Dạ ở cạnh Sài Gòn ạ.
A Thiện      : Ở tít trong đó sao cậu lại nói tiếng như dân ngoài Bắc?
H Phới        : Dạ...( ngừng một tí) Thực ra, quê em là Hải Phòng. Cả gia đình em  đã theo Chúa vào Nam từ năm 54...
A Thiện      : À, mình được học lịch sử biết chuyện đó rồi.
                     ( Vũ lại cựa quậy và rên khẽ. A Thiện vội vàng trùm chăn lên cho Vũ. Hoàng Phối cũng lật đật giúp một tay)
A Thiện      : Anh Vũ...Đau lắm phải không anh?
H Phối        : ( sờ tay lên trán Vũ) Anh ấy bị sốt cao. Chắc là vết thương nhiễm trùng...
Chinh Vũ     : Đồng chí Thiện...
A Thiện       : Em đây.
Chinh Vũ     : Mình thấy rét quá..
A Thiện     :    Để em trùm kín chăn cho anh.
Chinh Vũ    :   Có thể cời lửa to thêm chút nữa không...Cời cho cháy to lên  đi..
                   ( A Thiện định làm theo)
H Phối       : Đừng...Đừng cời lửa..
A Thiện     : Sao thế?
H Phối       : Lửa cháy to quá...tôi sợ thám báo sẽ phát hiện được chỗ của chúng ta...
A Thiện     : Thám báo nào ?
Chinh Vũ   :  Nói nhảm. Bọn thám báo làm sao mò được lên đây..
H Phối       : Có đấy. Chúng nó đang ở gần đây...
A Thiện     : Sao đằng ấy biết?
H Phối       : ( Lúng túng) Tôi...tôi...
                    ( Bất ngờ Vũ ngồi dựng dậy, vớ khẩu súng chỉa thẳng vào Hoàng Phối)
Chinh Vũ   :  Lùi lại!
H Phối       : Ấy đừng...Xin anh...
A Thiện     : Kìa anh Vũ..
Chinh Vũ   :    Tao bảo lùi lại. Đưa tay lên...Bây giờ hãy trả lời cho thành thực, mày là ai?
H Phối       : Dạ tôi...à em tên là Phối..
Chinh  Vũ  :  Điều ấy tao nghe rồi. Nhưng mày là lính gì, hành quân lên đây với nhiệm vụ thế nào, vì sao bọn mày cũng bị lũ cuốn? Nói mau!
                    ( Ngừng một lúc, Phối khẽ liếc mát về 2 người lính giải phóng)
H Phối        : Dạ...em là lính trong trung đội thám báo..( 2 chiến sĩ giải phóng đưa mắt cho nhau)
A Thiện       : Hoá ra cậu là lính thám báo. Chắc là thiện chiến lắm nhỉ?
Chinh Vũ     : Thám báo lên vùng này với mục đích gì?
H Phối         : Dạ...mệnh lệnh của Tư lệnh vùng chiến thuật giao cho là thăm dò hướng tấn công của các binh đoàn chủ lực Việt cộng..À quên, là quân giải phóng về đồng bằng.
A Thiện       : Các anh cho rằng quân giải phóng sắp đánh về đồng bằng sao?
H Phối         : Dạ thưa...em chỉ là lính nên không rõ tình hình. Nhưng Trung đội trưởng Mẫn có nói, sau cuộc bạo loạn Mậu Thân 68, Việt cộng tạm lui lên rừng, năm 1972 này có thể là thời cơ họ tấn công xuống.
A Thiện       : Nhưng chẳng phải đơn vị các anh cũng đã gặp lũ dữ bị thiệt hại hết rồi sao?
H Phối         : Dạ không phải đâu. Chúng tôi có một trung đội. Khi qua bên này sông thì phát hiện có một tổ 3 Việt cộng...Xin lỗi, là 3 giải phóng đang bí mật vượt sông vào vùng trong nên ông Mẫn lệnh cho tiểu đội tôi bám theo...Chỉ có một tiểu đội tôi là xấu số gặp phải lũ quét. Hiện trong tay ông Mẫn vẫn còn 2 tiểu đội..
Chinh Vũ   :  Thôi thôi, tắt lửa đi A Thiện...Có lẽ chũng ta phải di chuyển thôi..Lũ thám báo khốn nạn chúng mày...tao chỉ muốn cho mày một phát đạn vào đầu..( đau quá ngã vật người ra)
A Thiện       : Anh Vũ đừng lo. Phía sau lưng ta là vách đá, bọn chúng chẳng thể đi tới bằng lối ấy được. Chỉ có duy nhất hướng này...( Chỉ tay về phía trước ) nếu có chuyện gì, Phối sẽ dìu anh lui ra sau ẩn vào các lèn đá, em sẽ đánh chặn mặt trước.
H Phối        : Đúng đấy...Em sẽ dìu anh ra phia sau đá..
Chinh Vũ    :  Đừng đụng vào tao! Mày tưởng tao dễ tin vào mày thế sao?
H Phối        : Dạ thưa...
A Thiện      : Thôi mà...Chưa có chuyện gì cả, anh Vũ cứ nằm yên đó cho có hơi lửa ấm, đừng cựa quậy mạnh lại bị ngất đó...Anh Phối ủ than lại để giữ lửa.
H Phối        : Dạ..( làm ngay)
                    ( A Thiện cầm súng tiến lên phó trước, quan sát địa hình rồi tìm một chỗ thuận lợi cảnh hiới sẵn sàng chiến đấu. H Phối ủ xong bếp lửa, nhìn thấy Vũ đã nằm yên rên khẽ liền sửa lại tấm chăn...Ngồi thừ một lúc..Phối lần mò đi đến gần Thiện..)
Chinh Vũ    :  ( Giật mình cố ngẩng dậy) A Thiện...cói chừng nó..( Lại vật ra)
                      ( A Thiện quay phắt lại, chỉa súng vào Phối)
H Phối          : ( Hốt hoảng ) Không ...em chỉ định đến ngồi với anh....tâm sự thôi...
A Thiện        : ( khẽ cười hiền) Đừng sợ...lại đây..
H Phối          : ( Rón rén ngồi xuống, len lén nhìn Thiện) Anh A Thiện người dân tộc à?
A Thiện        : Sao biết?
H Phối          : Vì cái tên A Thiện...Mấy lại...cái nét mặt rất đặc trưng..
A Thiện        : Cái gì? Nét mặt mình đặc trưng?
H Phối          : Tôi nói thật đó. Đôi mắt anh Thiện...Hai vành tai..Nhất là miệng anh mỗi khi cười nó rất hiền..
A Thiện        : ( Suýt bật cười to, ghìm lại) Đằng ấy biết xem tướng hả?
H Phối          : Dạ không. Nhưng em là hoạ sĩ..
A Thiện        : ( ngạc nhiên) Hoạ sĩ? Hoạ sĩ sao lại trở thành lính thám báo?
H Phối          : Dạ, tại vì...Sau Mậu Thân, chúng nó bắt lính như quét lá rừng, chẳng ai thoát nổi. Lúc đó tôi đang học năm 3 tại Trường Mỹ thuật Huế. Vì tôi có 3 năm ở vùng ngoài này, lại cũng đã mấy lần đi dã ngoại lên vùng rừng phía tây để vẽ nên được coi là kẻ hiểu biết địa hình. Bởi vậy mới bị sung vào đơn vị thám báo...Mà thôi, không nói chuyện đời tôi nữa. Đời tôi toàn chuyện xui xẻo. Anh Thiện kể về đời anh đi...
A Thiện        : Mình thì chẳng có gì xui, nhưng lại rất đơn giản như hàng triệu thanh niên khác, có gì đâu mà kể..
H Phối           : Đơn giản thì anh cứ kể đi, em rất muốn biết.
A Thiện      : Biết để làm gì ? Ông làm hoạ sĩ rồi lại còn định làm nhà văn nữa à?
H Phối         : Anh Thiện không biết được đâu. Ở trong này, người ta nói về Việt Cộng hung tợn lắm, nghe cứ như là đám thảo khấu man rợ..Tôi xin lỗi...Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một người lính Việt cộng bằng xương bằng thịt, lại được ở bên các anh suốt cả đêm...Không những thế lại còn được chính các anh cứu sông trong cơn hoạn nạn...Chiến hữu của tôi tử nạn, cũng được Việt cộng vớt xác lên, lại lệnh cho tôi phải chôn cất tử tế, lại còn dặn phải chôn theo vật làm chững để sau này gia đình và đồng đội kiếm tìm...Nói thật, tôi cứ như đang ở trong một giấc mơ, không sao tự giải thích được...Này, cho tôi hỏi thật một câu, làm sao các anh lại có thể nghĩ được tất cả những điều cao cả đó trong một lúc hốt hoảng bối rối như vậy?
A Thiện      : ( Bật cười, cố nhịn) Ông lại định làm thêm nghề nhà báo nữa hả?.
H Phối        : Nhà báo? Anh Thiện cũng biết đến nghề nhà báo sao?
A Thiện      : Biết. Từ khi mình còn tuổi thiếu nhi đã bị mấy chú nhà báo phỏng vấn đến xây xẩm mặt mày. Làm sao em lại có suy nghĩ đó, làm sao em lại hành động như vậy? Nhớ lại mà thấy ngượng ghê.Vào bộ đội, bắn súng được giải nhất toàn trung đoàn cũng lại bị nhà báo về quần cho một trận..
H Phối         : Anh Thiện là người hùng à?
A Thiện       : Người hùng? ( Bật cười)Vớ vẩn.
H Phối         : Thế sao lại được nhà báo phỏng vấn khi còn tuổi thiếu nhi ?
A Thiện     : Chỉ là chuyện rất ngẫu nhiên, rất bình thường thôi...Nhưng sau chuyện bình thường đó, mình lại được một phần thưởng quá cao quý, quá sức mong đợi, còn hơn cả trong mơ.
H Phối          : Ôi, nghe li kì quá..Anh kể đi.
A Thiện        : Quê mình ở vùng núi cao Điện Biên. Năm mình mới 13 tuổi, trong một lần đi học về thì gặp cơn lũ quét...Chẳng khác gì tai nạn chúng ta gặp lúc chiều....Cả đám bạn học của mình bất ngờ bị nước lũ cuốn. Lúc đó mình chẳng nghĩ gì hết, chỉ thấy cần phải cứu bạn..Thé là mình đã lao xuống suối..Mình cứu được ba đứa...
H Phối         : Ôi, thì ra anh Thiện từ khi còn bé đã cứu được người trong cơn lũ.
A Thiện     :   Chuyện chỉ có vậy nhưng lúc đó ở xã họ khen mình ghê quá khiến mấy chú nhà báo tìm đến..
H Phối        : Tôi hiểu rồi. Được viết bài lên báo đúng là phần thưởng cao quý, đúng là như sống trong mơ..
A Thiện      :   Không...không phải chuyện đăng báo. Mà là một chuyện trọng đại khác. Việc làm nhỏ mọn của minh không ngờ lại được Bác Hồ biết đến. Chỉ một tháng sau, mình được Bác gửi tặng tấm huy hiệu mang chân dung Người.
H Phối         : Thật thế ư. Anh có được chận dung ông Hồ?
                      ( A Thiện lặng lẽ cởi chiếc áo quân phục đưa cho Phối xem)
A Thiện      : Trên ngực áo ấy...Mười năm nay bức chân dung của Bác chưa bao giờ rời xa ngực áo tôi.
H Phôi          : Ông Hồ đây ư?
A Thiện        : Các anh chưa bao giờ nhìn thấy chân dung Bác Hồ sao ?
H Phối        :   Chưa bao giờ. Đây là lần đầu tiên...Anh Thiện được đeo bức chân dung này thì có khác gì được gặp trực tiếp..
A Thiện        : Thế nhưng mình lại còn được gặp trực tiếp Bác nữa đó.
H Phôi          : Được gặp trực tiếp Ông Hồ? Kì diệu đến thế sao? Chỉ nhờ vào một hành động cứu người trong lũ?
A Thiện        : Không. Chuyện được ở gần Bác lại là chuyện khác. Đó là vì bố mình..
H Phối           : Bố anh? Bố anh cũng là một anh hùng?
A Thiện         : Không, mà ngược lại...Bố mình vốn là người có tội...
H Phối           : ( Tỏ ra ngạc nhiên)  Anh nói sao? Bố là người có tội? Người có tội mà cũng được ông Hồ gặp?
                           ( Im lặng hồi lâu)
A Thiện         ( Giọng trầm lắng) Mình là người dân tộc Hmông. Dân bản mình xưa kia cực khổ lắm, nếu không có Bác Hồ, không có cách mạng thì cuộc sống không biết còn cơ cực đến mức nào. Thế mà khi được cách mạng đem đến cho lúa bắp, đường đi, trường học rồi mà vẫn còn kẻ xấu bụng, muốn kéo dân bản bỏ Cách mạng chạy theo thằng Mỹ. Kẻ đó tự xưng là Vua, bắt dân bỏ bản vào rừng theo nó, bắt góp gạo, nạp bạc trắng để xây dựng cơ đò riêng của người HMông. Bố mình là một trong ít người nhạt bụng nghe theo...Đó là năm mình đã được học hết cấp Một, sắp vào cấp Hai. Bố bỏ nhà vào rừng. Mẹ con mình buồn lắm. Nếu không có bộ đội và dân bản khuyên can có lẽ mẹ mình đã ăn lá ngón để về với thần núi.
H Phối         : Dân bản và bộ đội không ghét bỏ mẹ con anh ư?
A Thiện       : Không, ngược lại họ còn thương và cảm thông hơn trước.
H Phối         : Thế thì dân bản của anh Thiện vĩ đại thật. Chắc là nhờ có Chúa chỉ đường..
A Thiện       : Không phải Chúa mà là Bác Hồ. Bác dạy đồng bào mình phải biết thương nhau, và phải thương nhiều hơn kẻ lầm đường lạc lối.
H Phối         : Ông Hồ dạy thê?
A Thiện       : Đúng. Bác dạy thế. Bác hỏi dân bản có biết vì sao các dân tộc Việt Nam thường gọi nhau là đồng bào không? Là vì truyền thuyết từ xa xưa nói rằng tổ tông chúng ta cùng sinh ra từ một bọc trứng..Bác lại hỏi, đồng bào có hiểu được câu ca dao: Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn..
H Phối         : (cười thân thiện) Anh A Thiện giỏi thiệt, thuộc lầu cả ca dao..
A Thiện       : Ô, đằng ấy không biết đấy, năm học lớp 10, tức là trước khi đi bộ đội, mình thì học sinh giỏi văn toàn Miền Bắc đoạt giải nhì đấy.
H Phối         : Ôi chao...vậy là thiên tài rồi..
A Thiện       : Không, mình học văn cũng ở mức khá thôi, không giỏi lắm đâu. Nhưng mình gặp may...
H Phối         : Gặp may?
A Thiện     :   Ừ, đề thi năm đó người ta bảo viết về tình cảm Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc. Rứa là trúng tủ. Mình đã kể những chuyện rất chân thực về Bác...
H Phối      :   Này, cho Phối hỏi thật nhé...những chuyện đó có đáng tin cậy không? Anh có bị người ta tuyên truyền cải huấn không?
A Thiện      : Những chuyện gì?
H Phối        : Thì những chuyện mà anh vừa kể đó, ví dụ ông Hồ hỏi dân bản có biết vì sao gọi là đồng bào, rôi lại đọc ca dao...Những chuyện như thế ai kể cho anh nghe?
A Thiện     :  Mình được nghe trực tiếp lời Bác khi Bác về thăm đồng bào vùng cao Điện Biên. Khi đó Bác đã gọi bố mình lại gần và mình được đứng bên cạnh..
H Phối         : Khoan đã...Anh vừa kể là bố đã bỏ bản vào rừng...
A Thiện      :  Bố vào rừng khi mình mới vào cấp 2...Nhưng rồi vào ở với bọn phỉ, bố mình đã nhận ra chúng nó toàn là bọn phản động, không muốn làm điều tốt nên bố đã bỏ trốn. Bọn phỉ đuổi theo giết bố. May có bộ đội cứu kịp thời...Về đến bản, bố lại được biết trong khi bố mang tội phản lại dân bản thì thằng con trai của bố lại được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người, bố đã khóc suốt đêm.  Sáng hôm sau bố ra gữa sân cầm cây rựa chém ngập vào gốc sồi rồi ngửa mặt lên trời hét vang . Mình biết bố muốn thề với Giàng suốt đời tận tâm tận lòng với Cách mạng, với Cụ Hồ, với dân bản. Ba năm sau bố được dân bản bầu làm trưởng bản...
H Phối         : Thật kì diệu...
                     ( Cả hai cùng ngừng lặng)
                     Này...ở gần ông Hồ...à, là Bác Hồ ấy, anh có cảm giác thế nào? Ý tôi...là cảm xúc của anh bên cạnh một vị thống soái cộng sản khét tiếng như vậy...
A Thiện      : ( lắc đầu) Cậu nói cái gì vậy...Bác Hồ của chúng ta đâu có phải là vị thống soái cộng sản khét tiếng. Mình chỉ thấy Bác thân thiết như ông nội, như bố đẻ...Đúng là cậu khó mà hình dung được đâu...
                       ( Âm nhạc dâng lên tràn trề, tha thiết. Cảnh hồi tưởng hiện lên choán ngập cả không gian.   
                     ...Rừng núi Tây bắc, trập trùng cây lá. Những tiếng hô vang vọng rừng ngàn: Bác Hồ! Bắc Hồ! Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!..
                      Rất nhiều người dân ùa đến, áo quần đủ màu sắc các dân tộc. Bác Hồ xuất hiện với chòm râu trắng như tiên, đôi mắt sáng và nụ cười đôn hậu. Bác đưa tay vẫy đồng bào. Một người đàn ông dân tộc HMông dắt theo cậu con trai trạc 16 tuổi quàng khăn đỏ đến trước mặt Bác. Đó chính là A Mưng, bố của A Thiện. Bất ngờ người bố quỳ xuống trước Bác Hồ...)
Hồ Chủ tịch: Chú sao lại quỳ như thế? Bác là Chủ tịch nước, là người phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Bác Hồ đâu phải là vua mà chú lại quỳ?
A Mưng      : Bác ơi, mình là người có tội...tội to lắm...
                     ( Một cán bộ nói nhỏ với Bác câu gì đó, Bác cười đôn hậu, đỡ A Mưng dậy)
Hồ Chủ tịch: À, thì ra đây là già bản A Mưng ?
A Mưng      : Dạ...nhưng mình đã từng ngu dại đi theo bọn phỉ...
Hồ Chủ tịch : Bác biết rồi..
A Mưng      : Bác Hồ cũng đã biết ư?
Hồ Chủ tịch : ( Gật đầu âu yếm) Các đồng chí ở huyện đã báo cáo với Bác. Chú từng có lỗi với dân bản. Nhưng chú đã giác ngộ, bỏ chỗ tối về với chỗ sáng. Như vậy là tiến bộ. Không những thế, chú còn biết vận động những người lầm lỡ khác trở về với chính nghĩa. Như thế là đã trở thành cán bộ tốt của Cách mạng. Bà con dân bản đã bầu chú làm trưởng bản, đúng thế không? Thế đây có phải là cháu A Thiện, một thanh niên hết sức dũng cảm đã cứu được các bạn trong cơn lũ năm ngoái không?
A Thiện       : ( Nghẹn ngào) Thưa Bác...( quệt nước măt)
Hồ Chủ tịch : ( Xoa đầu) Cháu giỏi lắm...Cháu xứng đáng là chaú ngoan của Bác...( Với số đông) Nếu thanh thiếu niên của chúng ta ai cũng dũng cảm, ai cũng xả thân vì nghĩa như cháu A Thiện đây thì lo chi không xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hôi, lo chi không đánh thắng giặc Mỹ với bọn tay sai. Bác nói vậy đồng bào thấy có đúng không?
Tất cả          : Thưa Bác đúng ạ!
Hồ Chủ tịch: Các cháu thanh niên cần học theo đức tính dũng cảm của A Thiện. Nhưng các cháu  nhớ rằng chỉ dũng cảm thôi chưa đủ. Phải biết hướng lòng dũng cảm của mình vào sự nghiệp vì dân, vì nước. Cái gì vì dân vì nước thì đó là lẽ phải. Cái gì đi ngược lại lợi ích của dân của nước, dù được nguỵ trang bởi trăm lời hoa lá vẫn không che đậy được sự phản nước hại dân. Mà muốn biết được điều mình làm có vì dân vì nước không phải lấy tình thương đồng bào, tình thương con người làm thước đo. Đồng bào có từng nghe câu: Thương người như thể thương thân chưa?
Tất cả          : Thưa bác có ạ!
Hồ Chủ tịch: Con người ta cũng như dòng suối trong rừng, có khi yên lành trong trẻo, có khi lại bị lũ quét, đá lấp, người ta cũng có khi nhiều ưu điểm, cũng có khi khuyết điểm. Bản thân người bị khuyết điểm phải biết nhận ra và tự mình sửa chữa, vươn lên, nhưng sự vươn lên đó không thể không cần những tấm lòng, những bản tay dìu dắt của đồng bào, đồng loại như cách bà con dân bản mình đã lật đá, nạo bùn khơi trong lòng con suối sau cơn lũ. Bác nói vậy đồng bào có đồng ý không?
Tất cả          : Thưa Bác, đồng ý ạ!
Hồ Chủ tịch : Cây trên rừng có cây cao, cây thấp, có cây cứng cây mềm. Nhưng dù cây cao hay thấp, mềm hay cứng thì tất cả vẫn là một rừng ngàn. Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài, nhưng cả năm ngón vẫn là xương thịt của ta. Nếu để mất đi một ngón cho dù là ngón ngắn nhất, thân thể ta vẫn bị đau đớn, cuộc đờì ta vẫn mang tật nguyền suốt đời. Đồng bào có đồng ý với Bác không?
Tất cả          : Đồng ý! Đồng ý! Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!
                    ( Tất cả ào ào dậy lên những tiếng hô vang trong niềm xúc động sâu sắc. Nhiều người lau nước mắt.
                    Toàn bộ khung cảnh trên chính là khuôn hình bức tranh lớn được trưng bày ở vị trí trung tâm phòng tranh. Khi đèn sáng trở lại khán giả nhìn thấy Hoàng Phối và Davits đang đứng ngắm bức tranh đó...)

                       Tắt đèn chuyển không gian

 Đăng ngày 21/11/2010

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan