Saturday, October 3, 2015

Bến đò xưa lặng lẽ - Chương 3


Tác giả: Xuân Đức

Chương ba

Tôi biết về sau này, em oán tôi, hận tôi, coi tôi cũng là lũ đểu cáng chính là vì những câu nói trúng phốc tâm can em hôm đó. Em gục ngã hoàn toàn khi bị người khác lột trần gan ruột mà bấy lâu em kìm nén, cất dấu, tự lừa dối chính mình. Bây giờ thì em đứng đó, tham dự một phiên toà mà tất cả những người có mặt đều sôi lên sùng sục như thể hàng mấy ngàn con người này đang bị luộc trong một cái chão tội ác. Riêng em thì cứ như một kẻ vô hồn. Đành rằng em không phải là bị cáo. Em cũng không trực tiếp bị hại. Nhưng em cũng không giống như mấy trăm con người đang chen chúc trong hội trường, hay hàng ngàn người nhễ nhãi mồ hôi ngoài sân Nhà văn hoá. Tất cả những khán giả ấy đến đây là để được nhìn thấy tận mắt nanh vuốt của những con chuột - người đã đào mồ cuốc mả người khác, xé cốt, chia thân kẻ khác, để được nghe tận tai tâm địa ác độc và những mưu mô tính toán đến tởm lợm của loại sâu mọt trên trần gian, và để nghe trực tiếp lời phán xét không phải của Chúa trời mà của chính đồng loại giáng xuống. Em đến để làm gì, thật ra em cũng không tự biết. Em cố chen lên gần trên cùng, rất sát với gáy bọn người phạm tội. Ở đó trong đám áo sọc kia có những người đã vì em, vì em mà oan sai, vì em mà ác độc. Ít nhất có đến hai người như vậy.
Và sau lưng em , ở trong một không gian thế giới khác còn có tôi nữa, là ba.
Nhưng mà, không phải em hốt hoảng đến để thương xót, để chia ly hay để kêu oan, để chạy tội...Với những người kia, cho dù đó là Đọt, đã từng là chồng em, cho dù đó là Rệ, đã từng trù úm em, hay cả tôi nữa, đã từng có một giọt máu với em, thì giờ đây trong lòng em mọi ký ức đã bở ra, rệu rã và nhạt thếch. Đã trên bốn mươi năm rồi còn gì.
Em đến ơ hờ như Chúa dẫn em đến. Có một thời em theo Chúa. Chúa dạy em về một ngày phán xử cuối cùng. Hình như ngày đó là đây. Và em cứ đứng vậy, cổ hơi ngước lên, đầu óc mơ hồ, có vẻ như em đang chờ cái gì đó từ trên trần nhà đổ xuống...

Nói rằng tôi không biết chút gì về thuật bói toán cũng không đúng. Bố tôi trước đó là một thầy cúng. Bố tôi học lại nghề ở cậu ruột tôi. Tuy nhiên, cậu tôi là thầy chánh tông, sống hẳn hoi với nghề. Còn bố tôi chỉ là người ham vui. Học được một, bố lại giảng cho tôi biết một. Học được hai lại giảng hai. Nhưng lúc ấy tôi còn bé, nghe mười chỉ nhớ một. Sau này khi chính thức được Việt Minh giao nhiệm vụ thọc sâu xuống vùng tạm chiếm, nghĩ mãi không tìm ra mẹo nào để hợp pháp, tôi đã chọn nghề xem bói.
Nhiệm vụ lúc đầu của tôi là bám vào khu chợ Huyện để nắm tình hình tề điệp ở trong làng Đơn Duệ đang liên lạc với đám lính bảo an ở bốt Lèo Heo, lại trực tiếp chắp nối với cơ sở của ta ở các làng đất đỏ. Những người đến coi bói, đương nhiên đa phần là coi thật. Có thể đó là những cô gái bắt đầu thòm thèm tình yêu. Có thể là kẻ nghiện cờ bạc cầu vận may. Cũng có người gặp rủi ro bất hạnh. Với họ, tôi cố tìm cách nói làm sao để họ đừng quá tuyệt vọng nhưng cũng không qúa lạc quan. Nói làm sao mà sự đời về sau dẫu diễn biến thế nào cũng không quá giới hạn những điều tôi đã phán. Mục tiêu quan trọng nhất của tôi là những người đến bói "vờ". Thường là một chị phụ nữ tóc bối, khăn trùm đầu, mặt lúc nào cũng tỏ vẻ rầu rĩ, tay cầm sẵn túm khăn thỉnh thoảng lại chấm nước mắt. Cũng có thể là một lão nông tóc đã bạc, chân đi xiêu vẹo như kẻ say, nhưng ánh mắt thỉnh thoảng lại chém ngang, chém dọc. Sở dĩ họ có dáng bộ như vậy chính là để tìm cách cúi sát vào mặt tôi mà nói khẽ. Chị phụ nữ thì thút thít khóc, tay chấm mắt, che miệng, đầu cúi gầm....Còn lão say thì ngất ngưỡng, bổ qua bổ lại, có lúc gác cả cằm lên vai tôi...Họ đã nói được những gì cần nói. Cuối cùng, họ trả tiền quẻ bằng cách đặt vào bàn tay tôi tờ giấy một hào gấp nhỏ. Tôi nắm lại thật chặt và nhét vào lưng quần. Vì tôi biết đằng trong tờ giấy bạc ấy sẽ có tờ giấy khác.
Cho đến một buổi chiều đầu mùa đông, có một người đàn bà lạ nhảy từ đò lên bến, khăn tang chít đầu, mếu máo khóc và đổ sập vào quán tôi.
- Lạy thầy, chồng con bạc phận, bất đắc kỳ tử, lại gặp ngày trùng...Cả nhà con van lạy thầy hạ cố đến nơi coi giúp ngày đưa, mấy lại có chi còn nhờ thầy giải hạn....Thầy làm ơn, làm phúc.
Nhìn cách nói, cách lạy của chị, lại thêm đôi mắt hay liếc trộm ra hai bên, tôi biết đây là chuyện"vờ". Nhưng chị ta là ai? Thứ nhất, tôi chưa bao giờ bắt liên lạc với người này. Thứ hai, cơ sở của tôi thì phải ở trong làng đất đỏ ra, không thể đi đò lên bến được. Tôi khẽ rặn giọng "e hèm" một tiếng. Rồi phán:
-Sinh hữu hạn, tử vô kỳ, người đời ai chẳng thế, có chi mà chị phải hốt hoảng đến vậy. ( Kỳ là tên đội trưởng của tôi. Tôi được dặn rằng, trong trường hợp có thông tin trái tuyến thì phải hỏi câu này, ý nghĩa là chưa có lệnh của đội trưởng, tôi đâu dám tin )
Người phụ nữ chợt ngẩng dậy, nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng chị bỗng nhiên đanh lại.
-Trời, thầy nói vậy mà nghe được ư ? Con chim, con kiến còn biết tới bầy, tới đàn. Thầy cũng là người mà không thương xót, trắc ẩn chút chi với đồng loại răng ? Thầy không sợ đồng loại trách cứ ư ? .....
Tôi gấp vội đồ nghề nhét vào bị, lập bập bước theo chị xuống thuyền. Thuyền rời bến, quay mũi ra phía sông Sa Lung. Chị phụ nữ cầm lái chèo gấp gáp. Tôi ngồi im trong mui vừa đảo mắt nhìn ngược lại phía chợ xem có ai để ý đến mình không, vừa hồi hộp, lo lắng. Có thật anh Đồng cho gọi mình không ? Đồng là tên người Đại đội trưởng quân báo khét tiếng của tỉnh.
Chiếc thuyền ra đến ngã ba Sa Lung thì ngoặt đầu lên phía tây. Chèo thêm một đoạn nữa, chị lái cho thuyền ghé vào bờ phải. Ở đó cũng có một con đò kín mui cắm sào dưới gốc cừa. Hai đò cạp mũi nhau. Tôi nhảy vội qua bên kia, chui vào trong mui. Một thân hình vạm vỡ đứng chắn ngay giữa khoang. Cái giọng làng Tùng bè bè không sao lẫn được.
- Chào thầy, thầy coi cho một quẻ xem khi mô tui lấy được thêm một mợ nữa, hả ? ...
Tôi lột vội chiếc kính đen, mặt ngớ ra:
- Chào thủ trưởng...
Đồng cười khà khà một chặp rồi ấn vai tôi ngồi xuống.
- Thôi vô việc. Cậu phải chuyển mục tiêu....
- Chuyển mục tiêu ?
Người đại đội trưởng quân báo cho tay vào túi lôi ra một nắm lá thuốc, hai tay bứt xé, kẹp lại và cuốn tròn, lại lè lưỡi liếm đẫm trên mặt lá quấn rồi đặt vào giữa hai môi, điếu thuốc lăn tròn thật điêu luyện. Anh bật lửa, châm thuốc, rít thật sâu rồi phả đám khói ra tràn cả mặt tôi.
- Mục tiêu mới của cậu là cái nhà dòng Phước Sơn :
- Sao, đó là chỗ nhà tu mà......
- Đó không phải là nhà tu. Đó là một căn cứ chống cách mạng. Là một tập đoàn cứ điểm đấy. Toàn bộ khu nhà Dòng ấy tao đã nắm gọn trong tay rồi. Có tất cả 52 ngôi nhà gõ lợp ngói, tường gạch. Chúng nó ghê thật . Gạch nó đúc tại chỗ chẳng thèm mua nơi khác. Một trường học đào tạo các thầy. Một nhà thương có ba đốc - tờ. Một trại nuôi bò sữa. Một đàn cừu ba trăm con. Số thầy hiện tại là 150, trai bạn vào làm thuê thường xuyên khoảng 100 nữa...
Tôi há mồm kêu lên:
-Trời ơi, Thủ trưởng nắm chắc đến thế ư ?
-Hừ..có cái gì qua được mắt tao. Nó ở trên đất mình chứ có phải mình ở đất nó đâu...
- Nhưng mà...chắc là Thủ trưởng đã cài được người...
Tôi ngậm vội miệng lại vì thấy đã hơi quá đà. Nhưng anh Đồng vốn là người dễ tính, không chấp :
- Chú mi mà cứ hỏi lớ ngớ kiểu ấy thêm một lần nữa là cụt đầu đấy.....
- Dạ không, ý tôi là... Thủ trưởng đã có điều kiện biết rõ như vậy, sao còn bảo tôi đi nữa. . . .
Đồng " hự " một tiếng, vứt điếu thuốc ướt sũng nước miếng ra sông, lại nhổ toẹt thêm một cái, rồi đột nhiên trầm giọng xuống :
-Tao còn biết kỹ hơn nữa kia . Nó có một bãi đất nói là trồng chè nhưng không trồng mà làm sân bay. Trực thăng và khu trục đều đổ xuống được. Lại có một xưởng thợ rèn mà thực chất là đúc đạn và chứa vũ khí.... Nó rắp tâm đánh úp vào chiến khu Thuỷ Ba.....
Tôi vụt ngồi thẳng dậy:
- Thế thì cho đánh đi thôi, thủ trưởng ?
- Không đánh được, đù mạ nó chứ, thế mới cay. Anh thở hắt một cái rõ mạnh rồi lại thò tay vào túi rút ra một lá thuốc. Nhưng lần này anh quấn chậm :
- Chưa đánh được, vì nó là của công giáo. Không vạch trần được bộ mặt phản động của nó thì chẳng có cách nào chọc vào được. Thế đấy, thế nên bọn tao mới cần đến cậu.
- Nhưng mà, tôi biết làm sao được.
- Nhân viên đặc tình của bọn tao đã biết được, gần đây cha Nguyễn Đình Cựu đã bắt đầu trực tiếp nối đường dây với bọn Pháp ở tỉnh Quảng Trị. Đường dây của hắn là một cô xơ, tên cô ta là Lương. . . . Cô này ở nhà Phúc Phan Xá cứ mười ngày một lần lên Phước Sơn lấy tin rồi đưa về đồn Hồ Xá. Sau đó, tin tức được chuyển đến cho một sĩ quan Pháp. . . . Việc của cậu là phải bắt được quả tang.
- Làm sao tôi nhận ra được cô ta ?
- Cô ấy vẫn thường cùng với mấy Xơ khác bán gạo chỗ chợ huyện. Nhưng, cứ mười ngày một lần, có một thuyền tách ra đi thẳng lên Hồ xá. Đó chính là Xơ Lương. . . . .
Tôi ngồi im một lúc. Theo thói quen, tôi đang tự sắp xếp trong đầu các mưu mẹo để tiếp cận.
- Nhưng cậu phải nhớ cho là không được vội vàng. Vội vàng là đứt dây. Chỉ có khi nào chắc chắn có bản tin thật sự phản động, nguy hiểm mới ra tay.
- Làm sao tôi biết chuyến nào là tin đặc biệt ?
- Đừng lo. Có người sẽ cho cậu biết.
Sau lần được đại đội trưởng quân báo trực tiếp giao nhiệm vụ, tôi bắt đầu để ý tìm em. Và chưa tới hai tuần sau, thật sự là do trời xui khiến, sắp đặt, em đã tự mình bước vào mái quán của tôi. Đấy là giây phút đầu tiên ta nắm tay nhau, cái thời điểm oan nghiệt cho những tháng năm dài cay đắng. . .
Em căm hận tôi. Em có lý của em. Nhưng tôi, tôi biết làm sao được. Tôi theo lý tưởng thì phải thừa hành công việc. Cũng như em theo Chúa thì phải hành sự theo sự sắp xếp của cha. Cái khác nhau cơ bản là, em thật sự vô tâm, không hề biết lòng tin mình bị lợi dụng. Em trở thành một đường dây phản cách mạng. Còn tôi, tôi đã biết trước những việc mình phải làm. Đến khi bộ đội địa phương phục kích tại cầu Leo Heo, bắt quả tang lá thư của Nguyễn Đình Cựu gửi quan sáu Pháp yêu cầu đổ quân gấp để đánh úp chiến khu Thuỷ Ba thì em mới sững cả người. Cùng một lúc em nhận ra cả hai cạm bẫy. Cha Cựu và tôi.

l

Phiên toà đã bước qua giai đoạn thẩm vấn. Bị cáo đầu tiên được gọi lên trước vành móng ngựa là một lão già. Thực ra có lẽ chưa phải già lắm, nhưng đã qua mấy tháng tạm giam, cộng thêm sự hoảng sợ kinh hãi nên cả con người hắn đã trở nên tiều tuỵ.
- Bị cáo hãy khai rõ họ tên ?
- Dạ thưa toà.. . .
- Thưa hội đồng xét xử ?
- Dạ thưa hội đồng xét xử, con tên là . . . .
- Không phải con mà bị cáo tên là . . . .
- Dạ phải, con tên là bị cáo tên là. . . . .
- Là gì ?
- Là Rệ .
- Gì Rệ ?
- Dạ Cao Rệ .
- Bị cáo còn có bí danh gì khác không ?
- Dạ bí danh thì không. Nhưng làng con gọi con là Côộc, . . . Côộc tức là dưới gốc, còn thằng em con đó, nó có tên là Đọt . . . .
Chiếc búa đập đánh " Bốp " vào mặt bàn khiến tất cả giật thót cả người.
- Bị cáo chỉ khai bản thân, không có trách nhiệm khai tên người khác. Bị cáo hãy tường trình lại quá trình phạm tội. . .
Đến đây thì hắn ngẩng cao đầu dậy, lấy hơi nói một mạch. Rõ ràng hắn đã chuẩn bị rất kỹ và học thuộc lòng.
- Dạ thưa hội đồng xét xử. . . Con là người dân lương thiện. Bắt đầu công việc cũng là việc cực kỳ lương thiện. Con sống ở vùng đất có nhiều người chết. Con biết chỗ chôn cất hài cốt. Thế nên con muốn tìm kiếm, cũng là làm một việc nghĩa. Lúc đầu thì con không hề có ý gian dối. Tìm được một mộ là nói một mộ. Tìm được ba thì nói ba. Con nói bao nhiêu, cấp trên nhận bấy nhiêu rồi trả tiền cho con. Con thấy đơn giản quá. Chợt con nghĩ, thì nói thêm một bộ nữa xem sao. Không ngờ vẫn được thanh toán. Thế là con thử tạm chia hai bộ ra thành ba. . . Tại vì con thấy mọi việc cũng thật quá đơn giản. .. Thực lòng con cũng chẳng có mưu mô gì to tát cả. . . .
Cả hội trường lao xao lên như vỡ chợ. Có lẽ không ai chịu nổi những lời lẽ sám hối trơn truột như thế kia, nó còn vô lương tâm hơn cả những hành động tội lỗi của chúng nó.
Nhưng tôi là người bình tĩnh. Đã từng là thằng lính đặc tình thời chống Pháp, rồi làm xã đội thời bình, lại vào nam làm lên đến chức phó bí thư , rồi bí thư huyện uỷ . Sóng gió cuộc đời đã làm cho tôi không còn bị bất ngờ trước bất kỳ một sự biến nào. Đương nhiên không thể chấp nhận được lời khai trơn truột kia, nhưng tôi cũng chẳng có gì kinh ngạc. Lời của hắn không phải không có lý.
Một con sóng bạc đầu dù dữ dằn đến mấy cũng được bắt đầu bằng một gợn sóng lăn tăn. Thì có phải người đời vẫn ca ngợi những gợn nước lăn tăn đó, bao nhiêu thơ phú văn chương vẫn vân vê những hơi gió thoang thoảng, những gợn sóng li ti...Rồi đánh đùng một cái, người ta lại gầm rú, chưởi bới, trút hết căm dận lên bão lũ...
Đã trên bốn mươi năm rồi, từ thuở còn ngất ngưởng trên bục cao của dương thế, cho đến khi lặn hút vào cõi vô cực của cửu tuyền, tôi hầu như chưa có lấy một ngày thanh thản. Cứ lặp đi lặp lại trong tâm khảm tôi một lời tự vấn, mình có lỗi hay không có lỗi.? Nhưng em không biết được điều đó. Em cứ cho rằng tôi vô tâm, vô tình, vô trách nhiệm. Tôi là cục đá, là tường gạch chứ không phải giống người. Thôi thì em nghĩ sao về tôi cũng được, căm hận tôi đến mức nào cũng xong. Tai hại nhất là em lại trút tất cả nỗi oán hận ấy lên đứa con gái thơ ngây của chúng mình, em đã cấy vào trí não con cái sự thông minh vượt quá sức người. Sự thông minh để cai trị loài người. Rồi em lại tự trút mọi giận hờn ấy vào chính con ngươì em, tự biến mình thành thứ người vô cảm, không tin, không yêu, không xót xa, xúc động. Em đã trả thù vào mọi cảm xúc của giống người.
Những năm sau này, có một câu cửa miệng lúc nào cũng túc trực ở em : " Chà, ngày ấy, mình ngu thiệt. . . . . ."
Ngươì đời sẽ chẳng ai hiểu được ngụ ý sâu xa của câu nói đó. Những ngươì bà con, hàng xóm của em ở Quai Mọ, Quách Xá hay Phước Tuyền, những người từng sống với em ở Huỳnh Hạ hay Phát Lát, Hói Cụ ngoài Vĩnh Sơn đều không thể hiểu được. Chỉ vỏn vẹn có mấy người: Li, Đọt và tôi là chia sẻ được với em. Nhưng ngay cả bản thân tôi cũng không thể hiểu được một cách cặn kẽ, rằng em nói ngày ấy quá ngu là ám chỉ thời khắc nào ? Đó là thời điểm em bỏ làng Quai Mọ, Phước Tuyền theo cha Cựu ra Phước Sơn, hay là chính cái lần đầu tiên đánh liều vào quán tôi xem bói, để rồi sau đó, mười ngày sau đó, ma đưa lối, quỷ dẫn đường khiến em mò vào gặp tôi lần thứ hai..
Hình như đó là chuyến đi thứ năm, hay thứ sáu gì đó. Ngày trước lên nhà dòng gặp cha nhận thuốc lá cuốn, ngày sau lại ngược đò lên Hồ Xá giao hàng. Nhưng chuyến đi Phước Sơn lần ấy đã không còn là chuyến đi bình thường, là một cú sập trời xuống đời em...
Trời hôm ấy quả thật là muốn đổ sập từ sáng. Mây nặng trĩu, thấp là đà. Gió cứ giật từng cơn, xô ngược em trở lại. Bình thường em lên đến thôn Phát Lát vào khoảng bốn giờ chiều. Hôm đó em tới nơi thì trời đã nhá nhem tối. Ngay từ buổi sáng chưa bước chân ra khỏi nhà Phúc em đã linh cảm thấy sự bất ổn. Có thể Chúa đã mách bảo cho em. Mà cũng có thể sự bất an được khơi mào từ lão thầy bói ở chợ. Một bàn tay nóng hổi, những lời nói như xăm xỉa vào tim can vốn bịt kín hàng chục năm trời của em ..Một tuần qua em bần thần như kẻ ăn cắp sắp bị phát giác. Còn sáng nay, trên con đường heo hút đến Phước Sơn, em cứ như đi trên sóng. . .
Cha Cưu đợi em ngay ở cửa . Có vẻ cha sốt ruột, vẻ mặt không được vui. Cha hỏi lý do đến muộn, em nói như một sự oán trách. Đường càng ngày càng khó đi cha ơi. Cha ậm ự cho qua, rồi trao gửi hàng, rồi ra vẻ xuýt xoa, lo lắng :
- Trời sắp tối rồi con ạ. Gắng về kịp Dục Đức nghe con. . .
Em không còn ngỡ ngàng khi bị xua đuổi. Nhưng em thấy uất ức, nghèn nghẹn. . . .
" Chị là người đoan trang, chuẩn mực, chị lúc nào cũng tự ép mình trong bao nhiêu ước muốn. Nhưng tiếc thay, Người ta không chịu nhìn thấy những hạt vàng trong cát. Người ta thật quá vô tình. . . ."
Mình là con ngu, thừa nhận. Nhưng con Lương này là ai, cả cái làng Quai Mọ đều rõ. Nó đâu phải tay vừa. Nó dám bỏ làng, bỏ quê, bỏ đứa bạn chí cốt như Li mà phiêu bạt giang hồ ra đây, dễ cam thân, thủ phận. Li ơi, giờ mi sống ra sao rồi, chắc là con đàn, con lũ rồi phải không ? Chừ tao mới hiểu được con người của mi. Mi chưởi tao : " Đồ ngu, tin chi ba cái thứ nớ mà tin, Mi định ở goá thờ Chúa à ? . Tao thì tao chỉ biết thờ cha mạ tao, nhưng cha mạ chưa chết thì tao cứ vui vẻ đã. Có thằng con trai nào mập mập một chút vì tao thì tao thờ trước. . . . ". Hồi đó, mỗi lần cãi nhau, hễ nghe Li xổ cái giọng ấy ra, mình đã rủa bạn là đồ lợn nái. Chừ nghĩ lại, biết đâu làm thân lợn lại sướng hơn người.
Trời tối sập xuống rất nhanh. Rồi mưa nữa. Con đường kẹp giữa rừng bỗng như cái hang chui vào lòng đất. Tiếng gió cứ hú từng cơn nghe rất thê thảm. Đương nhiên, một người như em, không biết sợ. Ngày trẻ ở làng Quai Mọ, bọn con trai đã phải tôn em là tướng liều.
Nhưng liều để làm gi ? Đã liều sao không liều với người, không liều với Chúa mà lại đi liều với mưa gió, ma quỷ. Phải. Cứ thử một lần xem sao. Mưa gió, tối tăm không đi được, Chúa nào bắt tội. Nếu Chúa buộc phải đi, sao không bắt cha dẫn đường.
Thế là, thật đột ngột, thật bất ngờ,em quay trở lại. Mãi mãi về sau, em vẫn không sao giải thích được cái hành động bột phát, điên khùng này.
Quay trở lại, một đoạn đường chưa tới một cây số, để bắt đầu cho một sự quay đầu của dặm đường khổ hạnh hơn mười năm dấn thân.
Em đã quay trở lại đầu ngõ. Phía trong vẫn tối đen. Em vào đến sân. Có ngọn đèn dầu đặt giữa bàn, nhưng cửa ngoài đã khép. Ánh sáng le lói hắt ra từ các khe hở của ván cửa. Em bước lên thềm. Nhà vắng ngắt, không có người. Có nên vào không ? Em tự hỏi. Có một chút lo lắng. Nếu ngày mai cha biết được mình quay lại nhà này, cha sẽ nổi giận, cha sẽ báo cho Xơ bề trên, rồi thì....Em chợt chíu mày. Sợ chó gì. Xơ bề trên có quát, em bảo, lạy Chúa, trời tối, mưa to, em làm sao đi được. Còn cơn giận của cha ? Lòng em chợt nhói thắt. Rõ ràng em vẫn sợ cha giận. Em không thể tự dối lòng mình.
Em kéo nhẹ cánh cửa, bước se sẽ vào bên trong. Cô Núc, cô Nắc đi đâu cả hè ? Rõ ràng, mới cách đây chưa đầy một giờ, họ còn đứng nép sau cánh cửa nhìn cha tiễn chân em. Đêm khuya, mưa gió thế này, sao còn kéo nhau đi đâu hết ?
Em còn đang bần thần, thì đột ngột từ nhà sau bật lên tiếng cười. Tiếng cười như chuột kêu. Em rón rén bước ra mái cầu, lom khom như kẻ trộm chuyên nghiệp, lò do bước sát ra mép cửa nhà bếp. Bên trong cũng có một ngọn đèn đặt phía sập lúa. Tiếng cười rúc rích ở chếch đầu hồi. Em dán mắt vào phên liếp và...bỗng đứng đực người. Lạy Chúa !
Hai thân người vật nhau. Chiếc áo thụng đen vứt một bãi ở góc giường, nhăn nhó. Thân người đàn ông phong phanh chiếc áo lót màu trắng. Còn cái thân kia...là Nắc. Biết chắc là Nắc vì cái tiếng cười như đang bị cù vào nách. Nhưng không phải bị cù vào nách và nhồi lên ngực. Tấm áo bà ba mở phanh hàng cúc như con lợn bị rạch bụng. Bụng trắng đúng như bụng con lợn đã cạo sạch lông. Chỉ có hai núm vú là đen. Chợt em đưa tay đỡ lấy ngực mình . Chính em thấy nghẹt thở như bị nhồi ngực chứ không phải cô Nắc ấy. Ôi, hai bàn tay ông ta , hai bàn tay lật từng trang sách kinh dè dặt, sùng kính thì nay đang nhồi một cách thô bạo lên hai đầu vú con gái, như người ta nhồi bột sắn lọc. Cái miệng đọc kinh như hát ấy thì đang cạp, đang liếm, đang ngoạm từng miếng trên môi, trên má, trên cổ. Rồi mút cả nuốm vú của con chiên mà lôi. Người đàn bà ấy thì nhắm mắt mà cười, còn em thì đứng ngoài cửa lại run, lại tê cóng hai chân, lại ớn lạnh suốt dọc sóng lưng. . . Tại sao em không chạy đi, chạy ngay đị. Em định thế, muốn thế. Nhưng chân em tê cóng rồi không nhấc lên được. Đôi tay như co quắp bấu vào thành cửa không buông ra được. Và cặp mắt nữa, đã bị dán chặt vào tấm lưng người đàn ông không bứt ra được. Tấm lưng ông ta phong phanh áo lót, đó là điều bí ẩn đầu tiên em nhìn thấy. Cái mông ông ta quật qua, quật lại cùng cặp chân vật vã như kẻ lên cơn co giật. Đó là sự lạ lần đầu em nhận ra. Đặc biệt là đôi bàn tay. Tay trái quặp lên đầu cô gái, ngoạm lấy chiếc đầu không cho quay lật, còn tay phải thì đang cào cấu khắp bộ ngực, khoang bụng con lợn sề... Rồi bất thình lình, bàn tay thọc vào bên trong cạp quần, thọc rất nhanh xuống dươí. Rồi hình như tay ông ta cấu quá mạnh khiến cô gái co rúm cả hai chân, kêu " oái " một tiếng. Không phải cô ấy giật nảy lên mà chính là em. Em bật người ra khỏi cửa, lao ra nhà ngoài, đạp ào ra sân rồi ù té chạy. Một màn đen khổng lồ nuốt chửng lấy em.. . . Chuyện đó xẩy ra ngày hôm trước. Ngày hôm sau em vẫn chèo đò lên Hồ Xá. Bọn bảo an ở đồn Hồ Xá như thành lệ cứ va va quệt quệt vào ngực em mấy cái. Nhưng lần này em chỉ nguýt một cái chứ không quắc mắt lên. Thế là bọn lính được thể cười ré lên, định xâu lại. Nhưng em nhanh hơn chúng. Em chạy xuống đò, cạy mái.
Rồi, em lại ghé đò vào bến chợ. Lại lên hàng bánh đúc mua một lúc hai hào. Rồi quay lại,em vào chỗ tôi.
Lần này em không ngồi đối diện mà chủ động ngồi lên mép ván sát vào tôi. Một tay em đút bánh đúc vào mồm. Một tay chìa qua tôi. Tôi nắm lấy tay em. Tay em nóng lên một cách lạ lùng.
-Đố thầy biết tôi là ai ?
Như thế là không phải lời một người xem bói. Hay em muốn thử thách tôi. Tôi vân vê tay em rồi biết rõ bên cạnh, em đang liếc chéo mắt quan sát tôi.
- Thật tình tôi không biết chị. Nhưng ...bàn tay này hình như đã quen.
Em bật cười, rồi nuốt ực một cái. Bàn tay bất ngờ nắm chặt lấy tay tôi, hơi thở nóng hổi, rất gần, lại như đang run rẩy:
- Thầy đoán đi. Đừng hỏi năm sinh, tháng đẻ. Thầy cứ đoán qua bàn tay, được không. Tôi xin đặt quẻ thầy năm hào ...
Tôi nhận thấy ngay sự bất thường trong người em. Nhưng làm cái nghề này không thể nói toẹt ngay từ đầu được. Đấy là mẹo nghề cha tôi truyền lại cho.
- Chị .. đang có chuyện bất ổn
- Nhà tôi mất trộm hả thầy. .
- Ờ. . .cũng gần gần như thế.
Lại một cái cười hà tiện bật ra.
- Mất của quý chắc ?
Tôi làm vẻ thở dài, cố tìm cách nói bí hiểm.
- Phải. Của quý. Rất quý là đằng khác.
- Tiền bạc hay lư hương, nồi đồng hả thầy ?
- Không. Những thứ đó chưa đáng gọi là quý. Những thứ đó và cho dù là những thứ khác tương tự như vàng lá, đồng đen đi chăng nữa, nếu có mất thì cũng là " của đi thay người " .
- Thế thì nhà tôi còn có gì là quý nữa.
- Sao lại không. Chị thử nhớ lại coi. Có những thứ chị âm thầm cất giữ, trời phật cũng khó lòng nhìn thấy. Thế mà bỗng chốc một loáng mất sạch. . .
Đột ngột bàn tay em run run, giọng em khẽ lại:
- Sao lại thế được. . . hở thầy ?
- Vì chị quá tin người. . . .
- Nhưng mà. . . .Em định cãi lại một điều gì đó, nhưng lại thôi. Bất giác thở dài- Thế là hết phải không thầy ? Có còn gì nữa đâu.
- Không. . . Thánh nhân nói, phúc hoạ chi sở phục, hoạ phúc chi sở ẩn, chị có hiểu không ? Không hả ? Ý nói, biết đâu từ cái hoạ lại hé ra cho ta nhìn thấy một cái phúc . . . Em lại khẽ thở dài, rồi đột ngột choàng tay lên cổ tôi. Mắt em khẽ nhắm lại. Có lẽ em cố hình dung khi người ta không còn nhìn thấy gì trước mặt, thì sẽ thế nào. Có lẽ như thế người ta sẽ nghe thấu hơn lời Chúa. Chúa phán : " Hỡi những kẻ chuyên nghề bói toán, hỡi những người giống nòi dâm đãng ngoại tình, hãy đến cả đây ! Này, các người nhạo cười ai vậy, các người mở miệng, le lưỡi chống lại ai ? Há các người không phải là con của tội ác, là nòi giống của gian dối hay sao ?. . . "
Không hiểu sao em lại nhẩm lời kinh thánh lúc này, có phải trong thâm tâm em đã gán " kẻ chuyên nghề bói toán " như tôi với cái " giống nòi dâm đãng " như thằng cha ấy lại một, đều là " nòi giống của gian dối ". Em ghì chặt tôi vào sát người em. Ngực em phập phồng. Mãi sau này tôi đã tự hỏi nhiều lần, rằng lúc đó thực sự em nghĩ gì. Em muốn dùng tôi trả thù cha Cựu ? Hay em tự xẻ thân, phanh xác em ra để trả thù Chúa ? Hay chỉ vì một lý do thật đơn giản, thật con người, là em cũng tự nhận mình là " nòi giống gian dối " ? Cha Cựu biết tránh mặt con Chiên để thậm thụt với đàn bà ngoại đạo, thì em dại gì mà không hiến xác cho một thằng mù. Với nhà dòng Phước Sơn, cha vẫn là cha nhất nổi tiếng. Với nhà Phúc Phan Xá, em vẫn là Xơ nổi tiếng ngoan đạo. Còn tôi, tôi vì cái gì, là thứ người gì vậy. Là một cán bộ muôn phần được tin cậy, được giao những trọng trách thật hiểm nguy. Nhưng với người đời, tôi là một thằng mù. Tôi tựa vào cả hai điều đó. Cả niềm tin của Việt Minh và cả cái sự tin ngây ngô của người đời. Tôi có lỗi gì trong chuyện này ? Suốt mấy chục năm qua, lúc nào nghĩ về em, tôi cũng mang mình ra tự kết tội rồi tự bào chữa. Với cách mạng, tôi đã lập được công. Với người đời, tôi chưa bói bậy bạ câu gì có thể gây ra tai hoạ cho họ. Tôi có nhận của người ta năm xu, một hào. Nhưng chuyện đó, tổ chức cho phép coi như là khoản phụ cấp hoạt động. Còn duy nhất, chuyện với em... Nhưng tôi đâu có lừa em, có ép em , càng không phải lợi dụng em. Chính em cần tôi, lại lợi dụng tôi mù loà. Không nhìn rõ em là bà Xơ để khỏi ố danh Chúa. Còn việc tôi giả mù thì lại càng không phải lỗi của tôi, không thể coi đó là hành động lừa bịp. Tôi đang hành động vì tổ chức mà . . .
Có lẽ trên đời này không có gì khó khăn hơn bằng việc tự nhận ra tội lỗi của mình.
Phiên toà vì vậy mà rơi vào nhàm chán, khó chịu khi bước qua giai đoạn thẩm vấn và tự khai của bị cáo.

l

Thì tôi trước hết cũng là một thằng người đã chứ. Cũng như em, bốc hết tấm áo thụng đen kia là lồ lộ một thân người. Vì sao em khổ vậy. Vì sao tôi khổ vậy. Năm ấy, tôi đã hăm hai tuổi. Tôi theo kháng chiến lúc mới mười bảy. Dạo đó cách mạng mới thành công, cả mảnh đất này cứ phập phồng như đêm động biển. Tuổi mười chín mà ngày đi, đêm đi, rầm rập, hừng hực, hết hát hò, múa nhảy, lại gác xách, tập lăn lê bò toài, không biết ăn uống, ngủ ngáy là gì, nói chi đến hơi đàn bà con gái. Rồi đùng một cái, thằng Tây ở đâu đổ đến, máy bay vè vè trút khói đen sịt ra giữa bầu trời. Rồi " cắc, đùng ", súng cứ lốp đốp đằng đông, đì đẹt đằng tây. Thế là kháng chiến. Rào làng, chôn mìn, cuốc lộ...Cầm cự chưa được một năm thì giặc làm dữ, càn riết. Lính bảo an, bảo vệ lố nhố khắp các nẻo đường. Thế là rút dần lên chiến khu, ban đêm mò về quấy rối. Tôi lại được chọn làm lính đặc tình. Vậy là sống câm, sống lặng, giả đui giả điếc ngay giữa đồng bào mình . . . .
Tôi thề với em là cho đến lần ấy, khi đã bước vào tuổi hăm sáu tôi mới biết thật sự thế nào là hơi nóng của da thịt đàn bà. Tôi đã cầm rất nhiều bàn tay người xem bói, cho dù là tay con gái mười tám, đôi mươi, nhưng tuyệt nhiên không có hơi lửa đó. Vì sao tay em lại có, lỗi đó thuộc về tôi hay em ?
Và vì sao sau những lần đó, em cứ đến hoài, cứ nắm chặt lấy tay tôi. Cái hơi nóng bổi hổi, râm ran đó, càng về sau càng nồng, càng những lần sau càng không chịu nguội đi cả khi em đã xuống đò. Nó kéo theo tôi. . . . Em đắt tôi vào đò như những nhân mối cơ sở từng đón tôi đi bắt liên lạc. Đò ra ngoài ngã ba Sa Lung thì em buông chèo. Sông dập dềnh, đò chùng chiềng và em đốt cháy người tôi.
Sau cái chiều cả hai nuốt ực trái đắng, chìm nghĩm xuống địa ngục đó, chúng tôi ngỡ đã mất nhau. Em không ghé thuyền vào bến chợ một lần nào nữa. Cứ mười ngày một lần, tôi bồn chồn ngoảnh mặt ra sông. Đã thấy thuyền em lướt qua chéo lên phía Hồ Xá. Chiều xuống, chợ hoang lạnh, tôi khấp khởi đợi em. Thuyền em về nhưng mũi cứ lao thẳng. Tôi nhìn rõ bóng em trong tấm áo đen, mặt cúi, tay cạy nhanh hơn mái chèo. Con thuyền bơi như trốn chạy. Tôi rất muốn gào to lên một tiếng. Cái chấm đen xa hút ra phía sông Sa Lung, chìm vào màn mưa mù mịt ...
Tôi định bụng đợi mười ngày sau, liều mạng lao ra thuyền, rồi muốn ra sao thì ra. Tổ chức có kỷ luật tôi cũng liều. Nhưng tổ chức đã nhanh hơn tôi, đã không cho tôi cơ hội vi phạm kỷ luật ...
Tôi được lệnh chuyển địa điểm lên bến đò Hói Cụ, làng Dục Đức để tiếp cận với nhà dòng Phước Sơn. Cấp trên cho tôi mật khẩu để bắt liên lạc với một thầy trong nhà dòng. Thế là tôi thật sự xa em. Hết một mùa đông năm ấy. Rồi qua tết, ra giêng...Tôi nhớ chị tôi hồi trước hay ru em một câu thế này: Những ngày tháng chạp ra giêng vui chung thiên hạ sầu riêng một mình. Câu ru bây giờ đang vận vào tôi, buồn ơi là buồn. . . .
Theo cách sắp xếp của cấp trên, tôi giam mình trong Miếu Ông bên bờ nam của bến Hói Cụ. Bên đó là vùng giáp với khu du lịch Giang Phao. Bọn tề, điệp cũng như lính bảo an không dám qua. Ban ngày tôi lò dò ra sông, ngồi dưới gốc mưng cạnh bến đò, cũng đóng vai xem bói cho khách qua lại. Khách đi đò này rất ít. Sáng sớm có vài gánh chè xanh, mít trái, vài thúng gạo từ Vĩnh Sơn qua bán chợ Nam Đông...Cũng có khi có dăm ba kẻ sơn tràng đi khai thác mây, lá nón...Tóm lại, đây thực sự là chốn sơn cùng, thuỷ tận. Cơ sở nội gián của tôi là một thầy trạc tuổi ba mươi. Thầy cũng choàng áo đen nhưng có khoang trắng từ cổ xuống ngực, đội mũ cát trắng rộng vành. Từ ngày tôi về bến Hói Cụ cho đến khi em bất ngờ ập đến, tôi chỉ gặp thầy cơ sở có ba lần. Hãy tưởng tượng coi, giam mình gần bốn tháng chỉ để nhận tin có ba lần. Còn lại là cô đơn, vô nghĩa. Thử hỏi trên đời còn có ai cô độc, hưu quạnh như tôi nữa không ?
Vì thế nên khi em xuất hiện ở Miếu Ông, ngay lúc mới nhá nhem tối, cả một khu đồi hoang vắng mênh mông, tôi sững sờ đến dường nào, tôi sung sướng đến dường nào. Tôi quên béng cả việc phải đóng vai mù loà, quên mất phải giả vờ sờ soạng, đánh tiếng dò hỏi. Tôi ôm chầm lấy em. Em cũng xô ập vào tôi. Em khóc. Tôi vồ vỗ lưng em...Chúng tôi chỉ muốn vò nát nhau ra cho thoả bao nhiêu ngày thương nhớ. Nhưng than ôi, cái giây phút choáng váng ấy chỉ xẩy ra vỏn vẹn vài phút. Rồi em tỉnh lại ngay. Em xô tôi ra xa nhưng hai tay vẫn níu chặt lấy vai tôi. Em găm thẳng vào mắt tôi một cái nhìn như tên bắn.
- Anh. . . không mù ?
Thế là hết. Tôi biết cái giây phút khủng khiếp nhất đã đến rồi. Tiếng tôi lạc đi .
- Em ngồi xuống đây đã.
- Thôi, nói ngay đi: Vì sao lại lừa tôi ?
Tôi nhăn nhó, khổ sở :
- Anh không lừa em. . . Anh thế mà.
- Đồ khốn nạn.
Tôi tưởng sau câu chưởi không thương tiếc ấy, em sẽ ngoay quắt ra bờ sông và đi thẳng. Nhưng em lại ngồi xổm xuống, gục mặt xuống gối. Đôi bờ vai rung rung. Em khóc.
Không còn nhớ rõ lúc đó tôi đã làm những gì, dáng điệu tôi thảm hại đến mức nào, và hình như tôi còn khóc cùng em nữa. Rồi tôi phân bua, thổ lộ, thành khẩu và dài dòng như con chiên xưng tội trước cha cố. Tôi không còn đủ minh mẫn để tự giới hạn cho mình là phải giữ bí mật công tác. Tôi nói hết. Vạch hết tội của đám phản động ở Phước Sơn, tôi chỉ cho em biết những chuyến đi nhận thuốc, trao thuốc của em chính là tiếp tay truyền tin tức phản động, tôi phân tích những âm mưu sâu xa mà " cứ điểm " nhà dòng cắm chốt ở thượng nguồn sông Bến Hải này. . . Rồi vân vân nữa. Tôi nói gấp gáp, cuống cuồng đến mức quên mất rằng, vì sao em tìm được tôi, như vậy có phải hành tung tôi đã bị theo dõi, đã bị bại lộ rồi không ? Đáng ra tôi phải cảnh giác mà hỏi ngay câu đó. Nhưng tôi không còn đủ minh mẫn nữa. Mãi sau này, khi em trốn về trong Phước Tuyền sinh con, gửi lại cho Li rồi nhẫn nhục và liều mạng quay ra tìm tôi, em mới nói cho tôi biết. Chính em bất ngờ phát hiện ra tôi khi em ngủ lại ở làng Dục Đức sau những chuyến đi nhận hàng. Chỉ một mình em nhận ra tôi, không có ai biết cả.
Tôi vừa nói vừa cố gắng quan sát em. Rõ ràng là em đang lắng nghe. Cũng có những biểu hiện kinh ngạc, có lúc sững sờ... Có thể em đã hiểu ra ...Tôi khấp khởi mừng.
Tôi nói một thôi, một hồi như người ghìm thở vượt dốc. Rồi tôi hết hơi ngồi bẹp xuống, há miệng thở. Đúng vào lúc tôi kiệt sức, em đột nhiên ngửng phắt dậy, quay ngoắt qua phía tôi và cực kỳ bất ngờ tát đánh" bép " một cái. Tôi xây xẩm cả mặt mày, không phải vì đau mà vì tuyệt vọng.
Rồi em đứng dậy, mắt ráo hoảnh. Em bước ra vài bước đảo mắt nhìn cả khu đồi. Trời mùa xuân, tối muộn, nhưng rừng đồi cũng đã chuốm sương đêm. Tôi vẫn ngồi câm lặng mà nhìn em, mà bất lực. Tôi đã chắc chắn rằng em sẽ bỏ đi mãi mãi..
Thì em bất ngờ quay lại, không nói không rằng xô mạnh vào ngực tôi. Tôi bổ ngửa ra. Em đổ sập người đè lên tôi. Em cắn rất mạnh vào má tôi. Rồi hai giọt nước mắt em rớt xuống. Giọng em nghẹn lại: " Chó má. cả anh, cả hắn, đều khốn nạn cả". " Không phải thế đâu em " " Thôi câm đi, còn tiếc chi nữa "
Ôi, cái Miếu Ông hồi đó, giá như không có ngôi Miếu ẩm mốc đó, thì câu chuyện của chúng tôi có lẽ đã lệch qua một hướng khác rồi...

Đăng ngày 08/01/2008

Nhận xét

Chia sẻ cho bạn bè

Bài viết liên quan